Tuesday, June 18, 2024

Kiều Lão Đà Lạt - Vũ Thế Thành

 

KIỀU LÃO ĐÀ LẠT (TRÍCH)

 

“…Tháng mười hai năm đó, trời lạnh. Tôi trọ ở một khách sạn gần hồ Xuân Hương. Không ngủ được, tôi thả bộ dọc bờ hồ. Bên ngoài trời lạnh và gió nhiều hơn tôi tưởng. Đã lỡ đi được gần cây số, chẳng lẽ quay về… Có ai đó nhóm lửa ở ven hồ, gần nhà máy nước, đầu đường Đinh Tiên Hoàng. Tôi ghé vào sưởi ké. Đó là xe bán gỏi khô bò, dân địa phương gọi là xắp xắp. “Quán lưu động” này chỉ có ghế mà không bàn. Tôi gọi một dĩa khô bò và nửa xị rượu, và là người khách duy nhất đêm đó.

Vũ Thế Thành

 


Càng về khuya, càng lạnh, người bán chụm thêm củi… Một cô gái khoác áo lông, từ bên kia đường băng qua, ngồi vào sưởi. Nhìn kiểu cách son phấn, tôi đoán cô là gái ăn sương. Ế độ rụng rời! Khách ăn còn không có, huống gì khách mua hoa.

Cô quay sang tôi bắt chuyện nhát gừng. Tôi mời cô ly rượu. Tôi biết cô chẳng hy vọng gì ở thằng bụi bặm như tôi, ngồi lề đường, uống rượu đế (12.000 đồng/xị), nhắm khô bò (5.000 đồng/dĩa), tổng cộng cỡ 0,5usd, thứ người đó làm gì có tiền mà đi… “tâm sự”.

Trong cái không khí ế độ, vắng người, lạnh lẽo và buồn như chấu cắn thế này, người ta dễ huỵch toẹt với nhau nhiều thứ. Dưới đây là trích mẩu đối thoại giữa tôi và cô gái:

§  Anh là dân Đà Lạt?

§  Không, tôi tha hương…

§  Anh làm nghề gì?

§  Ai mướn gì làm nấy. Còn cô?

§  Làm cái nghề như anh thấy đó. Hôm nay thứ năm, chẳng bắt được khứa(**) nào…

§  Không, tôi muốn hỏi, cô là dân Đà Lạt?

§  Em gốc ở miền Trung, nhưng sống ở Đà Lạt từ nhỏ. Cho em xin điếu thuốc.

Tôi đẩy gói thuốc sang phía cô và bật quẹt. Ánh lửa lóe lên, tôi chợt thấy cô sang trọng như một mệnh phụ trong chiếc áo khoác lông màu trắng…

§  Cô có con chưa?

§  Có cháu ngoại rồi.

§  Xin lỗi, cô bao nhiêu tuổi?

§  Năm mươi ba (53).

Vài phút im lặng trôi qua… Cô vẫn xoay mặt ra ngoài đường, phía bờ hồ. Tôi bối rối cực kỳ, nốc cạn nửa ly xây chừng để hoàn hồn…

§  Trông cô trẻ hơn tuổi nhiều, tôi đoán chừng ba mươi mấy…

§  Tại son phấn nhiều.. Sáng mai lại đây, anh sẽ thấy em khác…

§  Sao không ở nhà trông cháu?

§  Không thích nhờ vả con cái…

§  Không còn nghề gì khác để làm sao?

§  Không. Biết làm cái gì để sống bây giờ. May vá thì được bao nhiêu. Nhờ vào con cái thì em không thích. Không giúp được nó thì thôi, nhờ vả làm gì.

§  Cô có thể bán thuốc lá, bán mồi nhậu ở đây này. Một ngày kiếm chừng năm chục (ngàn) thì đủ rồi.

§  Nợ nhiều, kiếm bằng đó làm sao đủ. Trả góp ngày cũng cỡ trăm hai (chục ngàn) rồi.

§  Cô tiêu xài gì mà mắc nợ nhiều?

§  Tiền nhà, tiền ăn, tiền son phấn, tiền thuê quần áo “đi làm”… Cái áo lông này là em thuê. Thuê ngày nào trả ngày đó.

§  Cô lớn tuổi rồi, làm sao giành khách nổi với tụi trẻ?

§  Tụi nó đi giá cao, mình đi giá rẻ. Gặp mấy thằng xỉn, tụi nó cũng chẳng để ý lắm, miễn là rẻ.

§  Mỗi lần đi như vậy được bao nhiêu?

§  Em hét hai trăm (ngàn), tụi nó trả cỡ trăm rưởi, trăm hai là đi được rồi. Kẹt quá, thì năm bảy chục cũng đi… Hên thì vài ba cữ một đêm. Không có tiền, sáng mai gặp mặt con mẹ chủ nợ khó chịu lắm.

Góc tối của một đô thị đầy ánh sáng là như thế. Đêm đó trời lạnh kinh khủng. Những cái khốn cùng của xã hội, chẳng có cái nào giống cái nào. Phải nhìn vào góc tối mới thấy bộ mặt thật của xã hội. Cô điếm già có thể móc túi khách làng chơi với nhiều thủ thuật, nhưng họ hành xử “chính danh” và ở tận cùng của xã hội rồi. Còn những thứ điếm khác được người đời  tôn vinh, xun xoe, điếu đóm, nhưng họ có thừa khả năng làm tiêu tùng cả vài thế hệ như chơi. Nói nữa thêm buồn…

Hồi đó, ở đoạn bờ hồ này, chiều chiều có những xe xắp xắp sà tới bán. Khách ngồi ghế đá ven hồ, hoặc ăn đứng. Có lần tôi gặp một cô bé trạc ngoài hai mươi, mang theo cặp, đi xe đạp đến bán phụ mẹ. Gợi chuyện, cô gái nói: Cháu học ngành Viễn thông ở Đại học Đà Lạt. Giờ này đông khách nên đến phụ mẹ. Thùng khô bò đặt trên yên sau xe gắn máy hoặc xe đạp, xe công an đến thì ù té chạy. Tôi đã chứng kiến những cảnh bỏ của chạy lấy người như thế, bỏ lại sau lưng đĩa, đũa, ghế nhựa… Khách thương tình, đứng chờ họ quay lại, trả tiền, còn không thì coi như mất. Mà công an hình như cũng chẳng muốn bắt. Xe công an cứ thủng thỉnh đuổi. Phía trước báo động, người xe, người thúng chạy lẫn vào hẻm… Nhưng dạo này không còn thấy những xe xắp xắp bán dạo ở ven hồ nữa. Chắc công an làm gắt rồi….”

 

Vũ Thế Thành (trích “Sài Gòn một góc ký ức và bây giờ”, tái bản 2020)

304Đen – llttm - sgtc

 

No comments: