Tuesday, June 11, 2024

Mười Sáu Ngày Xưa - Lê Bảo Trân

MƯỜI SÁU NGÀY XƯA


Trời không nắng cũng không mưa
Chỉ hơi hơi rét cho vừa nhớ thương

Hồ Dzếnh



Chiều vào thu.

Đalat sương mù, không rét lắm, nhưng se da, vừa đủ hồng đôi má người con gái thơ ngây đang độ xuân thì. Màn đêm có khi vội vàng. Vừa chớm hoàng hôn mà phố đã lên đèn, cảnh vật mơ hồ, hư ảo.

Phố núi thưa người. Vài khách bộ hành vội vã, đôi nhân tình trẻ đan tay, dìu nhau qua giốc chợ, chừng như rất yêu đời và sung sướng lắm, ánh mắt mơ màng, đắm đuối, đam mê.

Đột nhiên Trang cảm thấy bơ vơ, cô lẻ. Nàng đứng yên giây phút nhìn phố chợ đìu hiu rồi gọi xe về gác trọ.

Từ trên cao, qua khung cửa kính, Dalat mang sắc thái của một thành phố Âu Châu miền núi, hay một làng nhỏ khiêm nhường dưới chân rặng núi Alpes, có những ngôi nhà ngói đỏ, những giáo đường nhỏ nhắn xinh xinh với cây thập giá vươn lên như vòng tay Thiên Chúa.

Chẳng phải lần đầu tiên Trang đến Dalat. Nhưng chuyến đi này mang tính chất đặc biệt vì có liên hệ đến tương lai sự nghiệp của nàng. Một chút gì vương vấn trong tim, không hẳn vui, không hẳn buồn, không hẳn lo, không hẳn sợ, chỉ thoáng bồi hồi, len lén, bâng khuâng ...

Trang tốt nghiệp Sư phạm vừa xin được chân phụ giáo trường Yersin. Công việc tuy tạm thời nhưng là bước thang đầu tiên vững vàng trên đường sự nghiệp. Trước đây Trang từng được nghe trai Yersin rất hào hoa và bạo gái, một khi đã trồng cây si thì dù cho gái Couvent cũng phải siêu lòng.

Một cô bạn tếu:

- Liệu hồn đó. Coi chừng mê học trò là tiêu đời nghen em!

Trang phì cười:

- Tầm bậy! Tư tưởng đen hù như tối ba mươi!

Những lời đùa cợt ấy chỉ thoáng qua như cơn gió không hề lưu lại chút dư âm. Đêm nay, đột nhiên nhớ đến, Trang chợt phì cười:

- Toàn là học trò vị thành niên, chẳng lẽ ...

Nàng ngã nằm xuống giường, kéo chăn và nhắm mắt, cố dỗ giấc ngủ. Cái rét Cao Nguyên càng làm cho lòng thêm cô quạnh.
Buổi dạy đầu tiên ...

Trang vừa bước vào, những tiếng ồn ào chợt im bặt. Lớp học như sáng rực lên. Mấy chục cặp mắt tinh nghịch tò mò đổ dồn về cô giáo trẻ. Trang cảm thấy mất tự nhiên. Một sự im lặng bao trùm. Ông hiệu trưởng người Pháp bắt đầu giới thiệu, học trò chăm chú nghe. Dù đã được tôi luyện trong lò tu tưởng mới, nhưng Trang không khỏi bồi hồi ...

Ông hiệu trưởng lui ra trả lại sự yên lặng. Thầy trò nhìn nhau, một phút rồi hai phút. Có tiếng thì thào cuối lớp:

- Cô giáo trẻ đẹp quá!

Trang chớp mắt vờ không nghe, cố giữ bình tĩnh nói vài câu xã giao thường lệ. Nhìn qua một lượt, Trang đoán mình đã nắm được cảm tình. Buổi học bắt đầu, Trang giảng về văn học Pháp hậu bán thế kỷ 19. Nàng say sưa đọc những vần thơ tuyệt tác, bài L"isolement của thi sĩ La Martine:

Souvent Sur la montagne, à l'ombre du vieux chêne,
Aucoucher du soleil, tristement je m'assieds;
Je promène au hasard mes regards sur la plaine,
Don't le tableau changeant se deroule à mes pieds.

Ici gronde le fleuve aux vagues écumantes;
Il serpente, et s'enfonce en un lointain obscur;
Là, le lac immobile étend ses eaux dormantes
Òu l'étoile du soir se lève dans l'azur.

Trang say sưa giảng, lớp học im phăng phắc. Bài học chấm dứt, vài tiếng thì thào, ý chừng còn luyến tiếc. Trang sung sướng đảo mắt dò phản ứng rồi thân mật hỏi:

- Có ... em nào cần bổ túc thêm không?

Nói xong, Trang giật mình và cảm thấy ngượng, vì thật tình các "em" đều cao lớn hơn cô. Từ cuối lớp một "em" đứng lên ranh mãnh hỏi:

- Thưa cô, vì sao những mối tình trái ngang bao giờ cũng đẹp và thường được người đời ca tụng?

Trang từ tốn đáp:

- Câu hỏi của ... em có phần ngoài chương trình. Nhưng để bổ túc kiến thức, tôi xin góp ý: Không hẳn cuộc tình dở dang nào cũng đẹp. Sỡ dĩ thường được người đời nhắc nhở vì đó là những chất liệu phong phú cung cấp nguồn cảm hứng cho thi sĩ, văn nhân để họ viết thành sách, thành thơ cho chúng mình đọc rồi lưu tụng về sau. Ngoài ra còn một lý do khác giản dị hơn là ... những gì vuột khỏi tầm tay nếu không to thì đẹp.

Nhiều tiếng cười khúc khích. Một cậu khác hỏi:

- Thưa cô, thế nào là lãng mạn? Yêu một cô gái lớn tuổi hơn mình có phải là lãng mạn không?

Trang thoáng bối rối, nhưng lấy lại được bình tĩnh, bèn nghiêm mặt:

- Em đã xa đề, nên dùng thời giờ cho những gì hữu ích hơn.

Kịp có tiếng chuông tan lớp, học sinh đứng lên. Trang thở phào, nhẹ nhõm. Buổi học đầu như vậy cũng thành công.

Từ trên bục cao, Trang để ý quan sát từng người. Cậu nào trông cũng cao ráo, thông minh và anh tuấn. Đi ngang qua Trang, ai cũng nhìn lên, có cậu mỉm cười, có cậu khẽ gật đầu chào, ánh mắt cảm tình và tinh nghịch. Thoáng cái lớp học đã vắng. Trang thu xếp sách vở chuẩn bị ra về. Chợt trông thấy một học sinh hãy còn ngồi ở cuối lớp, nàng ngạc nhiên hỏi:

- Em chưa về sao ?

Cậu ta từ từ đứng lên, nói lí nhí những gì Trang không nghe rõ.

Nàng hỏi lại:

- Em cần gặp riêng tôi ?

- Dạ ... không?

Trang hỏi tiếp:

- Dường như ... em có tâm sự ?

- Dạ, không.

- Tôi có thể biết tên em?

- Dạ... Thái.

Thái khẽ gật đầu chào rồi lầm lũi ra cửa. Trang thoáng bắt được ánh mắt thật trong liếc mình như tia chớp. Lòng chợt bồi hồi ...
Liên tiếp mấy hôm, Thái đều về muộn.

Như thông lệ, chiều nào sau khi tan lớp, Trang cũng ngồi nán lại sửa bài. Phòng học vắng tanh. Hôm nay Thái đột nhiên xuất hiện với chậu nước trên tay. Trang ngạc nhiên hỏi:

- Thái làm gì vậy ?

Thái thản nhiên đáp:

- Giúp cô lau bảng.

Thái hơi ngập ngừng rồi tiếp:

- Xin lỗi, đáng lý tôi phải xin phép trước.

Trang mỉm cười ngầm tán đồng và cảm thấy có cảm tình hơn với cậu học trò khác lạ ấy. Sáng hôm sau vừa ra tới ngõ, Trang đã gặp Thái đứng chờ. Chưa kịp hỏi, Thái đã chìa tay:

- Cô để tôi giúp ... Sách nhiều nặng lắm.

Trang sững sờ không kịp phản ứng thì Thái đã tự nhiên đỡ chồng sách. Hai người lặng lẽ đi bên nhau. Thỉnh thoảng Trang kín đáo liếc mắt dò xét, Thái vẫn thản nhiên đều bước, mái tóc bồng bềnh, ánh mắt hồn nhiên.

Đến cổng trường, Thái trao sách lại cho Trang và nói:

- Cô vào trước ... Tốt hơn tôi nên đi sau, mình đi cùng không tiện, dễ bị hiểu lầm!

Trang chép miệng:

- Chính tôi cũng không hiểu nỗi.

Liên tiếp hai tuần sau, ngày nào Thái cũng ở lại sau lau bảng cho cô giáo. Cả hai cùng lặng im không nói một lời. Trang cắm cúi viết, Thái âm thầm ngồi thu mình ở cuối lớp, đọc sách, chẳng ai lưu ý đến ai. Sự yên lặng kéo dài cho đến khi Trang đứng lên chuẩn bị ra về thì Thái chạy tới đón chồng sách. Suốt quãng đường từ trường tới gác trọ, hai người đi bên nhau, thỉnh thoảng trao đổi vài câu chuyện xã giao thường lệ.

Có lần Trang hỏi:

- Thái định sau này làm nghề gì ?

- Thi sĩ.

- Thi sĩ ? Thái không thể mưu sinh bằng những vần thơ, nhứt là ở xứ mình.

- Nhưng tôi yêu thơ, yêu cái đẹp ...

- Đồng ý. Nhưng thơ chỉ làm đẹp tâm hồn chớ không thể làm đầy bao tử.

Thái nhìn Trang bằng ánh mắt ngạc nhiên.

- Một tâm hồn tuyệt vời như cô cũng nghĩ vậy sao ?

Trang thở dài:

- Mộng và thực là hai dị biệt.

Thái yên lặng. Chập sau nhìn Trang ngập ngừng:

- Chủ Nhật, tôi thường hay đến hồ Than Thở để câu. Cô có thể cùng đi với tôi không?

Trang giật mình và cảm thấy bối rối vì đề nghị đột ngột của Thái, nhưng kịp bình tĩnh bèn cười pha trò:

- Hồ Than Thở có cá sao ?

- Thật ra tôi chỉ cốt đến đó tìm thi hứng.

Trang ngập ngừng:

- Rất tiếc, Chủ Nhật sau tôi bận.

Thái thất vọng:

- Thôi đành đi một mình vậy! Tuy nhiên từ nay mỗi khi đi, tôi sẽ mang thêm phần ăn, mong rằng sẽ có lần cô đến.

Trang khẽ lắc đầu:

- Không chắc ... Thái đừng bận nghĩ về tôi.

Càng ngày Trang càng cảm thấy mất tự nhiên hơn khi gặp Thái. Vào lớp, mỗi lần trả bài, dò đến tên Thái là Trang ngập ngừng rồi gọi người khác. Thái vẫn vô tư, mỗi chiều ở lại lau bảng rồi thu mình ngồi trong góc chờ cắp sách cho cô.

Một sáng chủ nhật, như thông lệ, Thái lại đến hồ Than Thở. Trong khi đang mơ màng suy nghĩ vẩn vơ thì chợt có tiếng động sau lưng. Nhìn lại thì ra Trang, cô giáo mến yêu! Thái kinh ngạc, kêu lên:

- Cô!

Trang tươi mát như đoá Mimosa:

- Thế nào, được mấy con rồi ?

Thái cảm động:

- Thật tình tôi đến đây chỉ cốt tìm ý thơ cho tâm hồn được thanh thản.

Trang cười thật dòn:

- Vậy "thi sĩ" có thể cho tôi thưởng thức mấy "vần thơ sầu rụng" vừa sáng tác không?

Thái cũng cười:

- Rất tiếc là chưa gieo được vần nào.

Trang ngồi xuống bên Thái tựa lưng vào gộp đá tròn và nhẵn. Mặt hồ phẳng như gương. Nhà thủy tạ nên thơ mơ màng soi bóng nước. Gió hiu hiu ve vuốt đôi má hồng đào. Mái tóc buông lơi, bồng bềnh trên đôi vai tròn tuyệt mỹ. Trang mặc đầm. Màu áo vàng nổi bật giữa rừng thông xanh càng tăng nét kiêu sa.
Cả hai cùng im lặng. Thỉnh thoảng Thái trộm nhìn rồi vội vã quay đi. Một con bướm trắng bay ra từ chòm hoa dại, chập chờn rồi vút bổng lên cao lún sâu vào màu trời xanh thẳm.

- Thái!

Thái giật mình quay lại:

- Cô vừa gọi ?

Trang thở dài:

- Đúng ra ... tôi không nên đến đây.

Thái ngạc nhiên:

- Tại sao ? Mình chỉ ngắm cảnh, hái hoa.

- Nhưng sự hiện diện của tôi đã là một sai lầm, chẳng thể biện minh và không ai hiểu được.

- Nhưng cô hiểu, tôi hiểu.

Trang lắc đầu:

- Tôi không hiểu ...

Thái chép miệng:

- Thiệt tình ... tôi cũng không hiểu. Giáo sư và bạn bè sẽ chẳng ai tin là mình chỉ đi câu.

Trang thở dài:

- Tôi cũng nghĩ vậy.

Sáng thứ hai, như thông lệ, Thái đến đón Trang tại nhà trọ. Chờ mãi vẫn không thấy cô giáo ra. Sắp tới giờ học, Thái vội vã chạy vào lớp thì đã thấy Trang ở đấy. Thì ra nàng cố tình lánh mặt. Hôm ấy, Trang chỉ dạy nửa tiếng rồi cáo bệnh về sớm. Cả lớp buồn. Hôm sau, Trang cũng đi trước, nhưng dạy đến hết giờ. Tan học, Thái ở lại, lặng lẽ lau bảng rồi xuống cuối lớp ngồi chờ trong khi Trang cúi mặt chấm bài, dán điệu bơ phờ, mệt mỏi. Thái đoán được đã có điều gì không ổn. Phòng học im phăng phắc...
Bỗng Trang đặt bút xuống và lên tiếng:

- Thái!

Thái ngẩng đầu:

- Dạ!

- Thái đến đây. Chúng ta cần đặt lại vấn đề ...

Trang nhìn sâu vào đôi mắt đen tròn và ngây thơ của Thái.

- Thái có biết tôi định nói gì không?

- Chắc chắn liên quan đến cô và tôi.

- Đúng.

Đoạn nàng hỏi khẽ:

- Năm nay Thái bao nhiêu ?

- Dạ ... 16.

- Còn tôi ? Thái thử đoán xem.

- Độ ... 26?

- Đúng! Thái nhận xét khá lắm. Nghĩa là tôi hơn Thái đúng 10 tuổi.

- Dạ tôi biết ... Và, mười năm sau tôi sẽ bằng cô. Nhưng bây giờ, đôi lúc tôi có cảm tưởng như đã 26 hoặc ... già hơn.

Trang chép miệng:

- Tôi cũng nhận thấy điều ấy. Thái đã trưởng thành trước tuổi.

Mắt Thái sáng lên:

- Thật sao cô?

Nét mặt Trang trở nên nghiêm trọng:

- Thái hãy bình tĩnh nghe tôi nói để chúng ta cùng xét lại vấn đề. Trước tiên phải công nhận là giữa chúng ta ngoài tình thầy trò còn là tình bạn đẹp nhứt thế kỷ. Tôi chưa từng có một học sinh nào như Thái. Thái có đồng ý tôi là một giáo sư tốt không?

- Không những tốt mà còn xuất sắc nữa.

- Cám ơn Thái ... Nhưng, trong tình huống hiện nay, tình bạn chúng ta rõ oái oăm. Thái không phải cậu bé bình thường, tôi thì không bị phế tật thần kinh hay thể chất. Do đó, càng phải chấm dứt tình trạng trớ trêu này, không thể tiếp tục kéo dài trò chơi nguy hiểm.

Thái chép miệng:

- Giá tôi lớn hơn cô 10 tuổi và cao hơn cô vài phân thì hay biết mấy.

- Chỉ là ảo tưởng! Thái nên nhớ ngoài ta ra còn gia đình và xã hội là những công tố viện khắt khe chỉ biết có giáo điều.

- Tôi không thích tí nào cả.

- Tôi cũng vậy, nhưng đó là quy luật, không thể cưỡng.

- Vậy cô định làm gì.

- Đổi nhiệm sở, đi thật xa, càng xa càng tốt.

Thái buồn hiu:

- Cô không cần làm vậy, chính tôi là người phải đi trước.

- Ở đây có trường tốt, thầy giỏi, đừng quyết định sai lầm.

- Nhưng dù sao cũng phải đi, vì ba tôi đã có lệnh thuyên chuyển về Saigon. Đáng lý tôi nên cho cô hay từ lâu, nhưng ...

Thái nhìn Trang, thở dài:

- Cô có thể cho tôi thêm một cơ hội, là ...

- Thái cứ nói.

- Được tiếp tục liên lạc với cô!

- Tôi không biết.

Trang chép miệng:

- Tốt nhất là quên đi, đừng bao giờ nhớ nữa.

Thái thở dài:

- Chỉ còn cách là ... cô chờ tôi thêm mười năm ...

- Mười năm? Để làm gì ?

- Chừng ấy tôi 26

- Nhưng tôi 36, vẫn hơn mười tuổi và không chừng một hình bóng khác đã trám đầy khoảng trống gìữa Thái và tôi.

- Không thể được. Chắc chắn sẽ không có chuyện đó.

Trang đứng lên lau bảng. Thái đến bên cạnh:

- Cô cho phép lần cuối.

Trang khẽ lắc đầu:

- Thôi, đủ rồi ... Muốn dứt thì phải cắt cho ngọt.

Thái rời phòng học ... Trang từ từ lau những giòng chữ phấn. Mặt trời đang ngã hoàng hôn.

° ° °

16 năm sau ...

Một chiều vào Thu, Thái trở lại Dalat tìm đến gác trọ năm xưa. Hỏi thăm Trang, bà chủ nhà bây giờ đầu đã bạc phơ, ái ngại nhìn khách lạ rồi cho hay nàng đã lìa trần.

Thái nghẹn ngào:

- Nàng hãy còn độc thân hay đã lập gia đình?

Bà cụ thở dài:

- Vẫn ở một mình.

Thái đến nghĩa trang, quỳ bên chân mộ chí vuốt ve dòng chữ chạm trên bia:

Trần thị Thiên Trang 1930-1958

Thái bùi ngùi:

- Em! Giờ anh đã 32, em vẫn còn 28. Sao chẳng chịu chờ anh?

Thái lấy giấy bút ghi vội mấy giòng thơ rồi châm vào ngọn nến cho tro tàn bay theo gió:

- Em thương! ... 16 năm trước có lần em đòi đọc, nhưng anh chưa tìm được thi từ. Giờ thơ đã xong rồi nhung lại vắng cố nhân. Anh đành mượn cách này thôi ... mong rằng ở một vùng trời chiêm bao nào đó, em thấu được lòng anh.

Thái ngậm ngùi đọc.. Từng nét chữ vàng bay theo khói.

Một đôi vòng tay nhỏ
Với đôi mắt nâu buồn
Đoá hoa hồng nhung nhớ
Những hình ảnh vàng son
Giờ chỉ là dĩ vãng
Kỷ niệm trên đồi sim
Dalat mờ sương khói
Một mình anh lặng im
Nghe hồn mình nức nở
Nghe hồn len trong tim
Giá mình đừng gặp nhau
Trên núi đồi Dalat
(Vì tình yêu ban đầu
Đã tan theo sóng nhạc!)
Người xưa, người xưa đâu
Để lòng anh tan nát
Đời bãi bể nương dâu
Cũng buồn như tiếng hát

Nhất Tuấn


Lê Bảo Trân 

No comments: