MỘT ĐÊM MƯA MÓC
Người đàn
bà ấy ngày nay thực là một "cổ nhân", sống tiều tụy như một người
khốn khổ trong một căn nhà cũ nhất Hà thành.
Ở tỉnh này, ít người không nhớ mặt người đàn bà ấy, nhưng chẳng ai biết tuổi,
biết tên. Âu là ta cứ mệnh danh bà là Yvonne, vì bà là một người Pháp ở đất
Việt Nam từ bốn mươi năm nay có lẻ.
Cho nên có thể nói Yvonne là một cuốn lịch sử về thời đại, nhất là về nghề làm
đĩ, nhưng nghề làm đĩ của Yvonne chẳng được như vài mụ An Nam có tàn, có tán, -
Yvonne đã một đêm được đức vua ban ơn mưa móc, hiến thân ấp ủ "mình
rồng".
Vậy thì, người đàn bà tốt phúc nhất trong giới đàn bà ấy, ngày nay dù là một
"cổ nhân", dù là một xác thịt bán rẻ tiền đến nỗi lính lê dương say
rượu cũng không thèm mua nữa, nhưng ta hãy kính cẩn cảm ơn bà đã hiến ta vài
trang tình sử đáng gọi là "oanh liệt", nó làm cho bà, mãi tận đến bây
giờ, vẫn phải rùng mình.
° ° °
Từ ngả bờ sông, chiếc xe song mã rẽ vào một
ngõ hẻm, lớp nhớp bùn, hai bánh sắt cố len lỏi giữa hai bức tường sứt lở gần
sụp đổ. Tối quá, đôi ngọn đèn dầu thì chẳng đủ sáng để chiếu đường vì vậy hai
con ngựa đi không vững, xô chúi vào nhau.
Đến cuối ngõ, xe dừng lại, người xà ích nhảy xuống gõ cửa một căn nhà lụp xụp,
tối tăm. Chờ lâu không thấy ai thưa, mà trong xe có tiếng một người Huế thúc
giục, gắt gỏng hoài, người xà ích cuống cuồng nắm tay đấm luôn mấy cái vào cánh
cửa. Vẫn yên lặng như tờ.
Hai con ngựa chồn chân, nện móng xuống bùn, thở ra hơi khói. Gió ngoài sông hút
vào lạnh thấu tới thịt xương. Mưa càng mau hột. Cả Hà thành đang say giấc.
Nhưng trong cái ngõ bẩn thỉu của dân lao động ấy, người nói giọng Huế nọ đang
làm một "sứ mệnh", một việc cho quốc gia, mà nếu chẳng thành, ắt là
phạm tội bất trung, không tận tâm thờ chúa. Ngài sẽ quở, và chẳng may cơn điên
nổi lên như giông tố thì khi vô Kinh, đầu vị "sứ thần" có thể rơi
rụng như một trái cây chín nẫu.
"Sứ thần" nóng ruột, rít răng lại mà la:
- Mi chỉ nói tầm bậy tầm bạ... nó có ở đây đâu.
- Dạ bẩm cụ lớn, quả thiệt nó ở đây ạ. Mà không biết sao chẳng có đứa nào lên
tiếng. Bẩm cụ lớn, con đã có cách này...
Tức thì, tên xà ích nhảy lên xe, ném hòn đá vào trong sân, vẫn không thấy động
tĩnh gì; anh ta liền víu mặt tường nhún mình trèo lên, rồi tiện cây táo mọc sát
tường, anh ta tụt xuống đất một cách thật dễ dàng, nhanh nhẹn như tên đại bợm.
Gần khuya, mà tên xà ích lại mất tăm nốt, "sứ thần" ngồi không yên,
ngài mở cửa xe bước xuống. Ngài dặng hắng, ngài ho, ngài lại dặng hắng, nhưng
cái tên bồi xe khốn nạn và cả nó nữa, vẫn chưa ra, khiến ngài phải chờ hoài.
Rét, ngài run lập cập, có lẽ rét tự đáy ruột rét ra, vì ngài giận lắm. Đứng một
chỗ cũng không yên, ngài tay chắp sau lưng, đi đi, lại lại. Đôi giầy da láng,
giẫm bừa lên các vũng nước mưa, bùn bắn cả lên chiếc quần lụa và chiếc áo huyền
hoa chữ thọ. Ngài không đeo huy chương, song vẻ mặt uy nghi, dáng đi đường bệ,
thì dù đêm ấy, ngài đang mò mẫm trong cái xó xỉnh bùn lầy, nếu có kẻ nào bạo
gan nhìn trộm, tất cũng nhận ngay ra đấy là một vị quan lớn ở Kinh đi phò giá
đức vua ngự du Bắc Hà. Và kẻ ấy tất phải kinh ngạc mà tự hỏi tại sao quan lớn
kia lại đỗ xe song mã trước một căn nhà tăm tối, đứng mong chờ, ngấp nghé như
một chàng công tử si tình, đón đợi tình nhân?
Rét quá, ngài ho sù sụ. Mưa lại rơi mau. Ngài trèo lên xe ngồi ôm ngực chờ cho
qua cơn suyễn. Ngài nhăn nhó nguyền rủa thậm tệ tên xà ích và ở thâm tâm, ngài
nghĩ cái thằng láo lếu ấy có lẽ đang kèo cò mặc cả tiền với nó để hòng ăn bớt,
hoặc là có lẽ đang mê man chui rúc vào một ả nào.
Nghĩ vậy, ngài chợt thấy lòng già rung động, ngài sực nhớ đến những cơn hành
lạc của ngài với các mệ trẻ ở dinh ngài trong Kinh. Ngài ngả đầu ra sau nệm,
lim dim mắt...
Hai cánh cửa đột nhiên rên lên một tiếng rồi mở rộng. Tên xà ích vừa thò đầu ra
đã bị "sứ thần" la:
- Mi mần chi trong nớ mà lâu dữ vậy? Nó đâu?
- Dạ, con phải chờ cô ấy đun nước trầm tắm rửa, rồi trang điểm nên lâu... Dạ,
bẩm cụ lớn, cô ấy kia ạ.
- Bảo nó ra xe, còn thập thò gì nữa.
Thì nó đã ra đây: Một cái đầu tóc màu bạch kim óng như tơ lụa, từng gợn nhịp
nhàng tựa sóng... một khuôn mặt, tuy bên ngọn đèn xe song mã lờ mờ, cũng đủ
phơi hết vẻ nõn nà diễm lệ của nhan sắc phương Tây... rồi đến một thân hình cao
và thanh tú vận y phục đàn bà Pháp quốc, vẻ đẹp ấy là một sự ngạc nhiên làm
giật mình vị "sứ thần" tận trung báo chúa, đeo vào mình cả cái uy
quyền chức tước của triều đình ban cho để đêm ấy đi "chinh phục" một
kẻ đàn bà.
"Sứ thần" giụi mắt, khe khẽ hỏi tên xà ích:
- Ai đấy, mi?
- Bẩm, nó đấy!
- Chỉ nói bậy thôi nào! Mi tránh xa ra...
"Sứ thần" vội bước xuống xe, khom lưng xá một xá dài, kính cẩn chào
"hoàng hậu một đêm".
Nàng nghiêng mình đáp lễ. "Sứ thần" lùi lại giơ tay mời thiếu nữ lên
ngồi né một bên. Ngài thấy gan ruột bồi hồi cạnh một người đàn bà mẫu quốc, đẹp
lộng lẫy như tiên nữ, nhất là ở cái thân ngà ngọc đó lại tỏa ra như tiên nữ,
nhất là ở cái thân ngà ngọc đó lại tỏa ra mùi nước hoa, phấn sáp ngạt ngào.
Ngài ngồi yên lặng vui thỏa vì đã xong sứ mệnh và đoán chắc rằng đức vua sẽ đẹp
lòng.
Xe ra khỏi ngõ, hai con ngựa sợ tiếng roi da vụt không khí kêu đen đét, vội
lồng lên mà phi nước đại theo nẻo phố bờ sông trong màn mưa lạnh lờ mờ...
Nó là người đàn bà đẹp, là Yvonne.
Vị "sứ thần" kia là một quan hầu được đức vua tin cẩn nhất triều,
thường được Ngài truyền mật chỉ sai đi kiếm tìm nhan sắc dâng Ngài.
Yvonne ngồi trong căn phòng mà cách trần thiết vô cùng lịch sự, trang nghiêm
khiến nàng sợ. Đây là cái giường tây gối chăn toàn bằng gấm lụa, kia là khung
gương triện vàng rực rỡ, chiếc bàn bày phấn sáp, nước hoa, hình như phòng này
xưa nay là của đàn bà.
Nàng phân vân lo nghĩ, sợ cái phút gặp ngài, sợ cái đau đớn nàng sắp chịu - cái
đau đớn mà tất cả các cô trinh nữ, sớm hay muộn, đều không tránh thoát, - chỉ
vì một món tiền to. Bây giờ nàng là con gái, chốc nữa nàng sẽ không là con gái
nữa. Tê tái cả tấm lòng, Yvonne ôm mặt khóc, nhớ lúc người mẹ, trong khi nàng
trang điểm ra xe, đã vuốt ve nàng mà căn dặn phải hầu theo ý ngài, tất ngài sẽ
thương tình ban thêm. Nàng oán mẹ nỡ ép bán trinh để kiếm tiền ngay giữa khi
còn ít tuổi, nhưng mẹ nàng cho đó là một vinh hạnh, vì nàng được hiến thân
trong trắng cho người có chiếc ngai vàng.
Yvonne thấy các cửa đều khóa kĩ, nàng không hiểu ra sao. Mỏi mệt quá, nàng ngả
mình xuống tấm ghế nệm dài. Vừa chợp ngủ đi vài phút, bỗng nghe thấy tiếng gì
động quanh đâu đó, hoặc tiếng giầy ai gõ ngoài thềm, nàng lại hồi hộp ngồi nhỏm
dậy, dụi mắt nhìn ra cửa, lắng tai nghe... Cứ thế, nằm xuống lại ngồi lên mãi,
Yvonne tủi cực, sùi sụt khóc; nàng không ngờ tuổi xanh nàng sớm bị đọa đầy.
Nàng tự hỏi nàng để người ta dẫn đến đây, giam cầm nàng ở gian phòng lịch sự
này để làm gì, than ôi, nếu chẳng vì một cuộc mại dâm thê thảm, nếu chẳng vì
một món tiền to lớn, nếu chẳng vì một cơn dục vọng. Nàng ngồi lên, đến trước
gương soi, tóc nàng rối sợi, phấn son đã bị nước mắt làm phai. Tiện có phấn sáp
trên bàn, nàng trang điểm lại: dưới ánh đèn hồng dịu trong căn phòng lộng lẫy,
nàng như đẹp hơn lên.
Đồng hồ điểm ba giờ. Chợt có tiếng xe hơi hãm máy ngoài vườn hoa, Yvonne vội
chạy ra cửa sổ, kéo tấm màn ren che kính, nhìn ra. Yvonne thấy lão quan hầu ban
nãy đi đón nàng, đang tiến về phía cửa. Rồi Yvonne trố mắt nhìn một người ở xe
hơi bước xuống, đầu đội khăn chữ nhất, vận áo xuyến đen, mặc quần lụa, chân
giẫm hài kinh, đang chếnh choáng bước lên thềm, thanh gươm cầm trong tay, bị
kéo lê, đập xoang xoảng trên bậc gạch.
- Hoàng thượng đã về!
Nghe vị quan hầu nói dứt câu, Yvonne không thể trấn áp được cơn kinh hoảng,
nàng chui tụt xuống gậm giường, cầm hơi không dám thở.
Cánh cửa mở to, Ngài lảo đảo tiến vào, ra lệnh cho vị quan hầu khép cửa. Ngài
đứng sững nhìn quanh, rồi cặp mắt sáng như tia chớp tưởng chừng nhìn suốt non
sông, đưa về phía giường nằm. Ngài cất tiếng cười sằng sặc, đoạn cúi xuống kéo
tay Yvonne lôi tuột ra ngoài.
Yvonne run như chiếc lá, phủ phục dưới chân ngài. Dịu dàng, Ngài đỡ Yvonne đứng
dậy và đưa ngón tay nhắc cằm nàng lên ngắm... Không chịu được cái nhìn ghê gớm
của cặp mắt ngời hào quang ấy, nàng cảm thấy linh hồn nàng giá lạnh, toàn thân
nàng tê liệt như bị một phép lạ gì ám thị, thôi miên.
Bỗng ngài cười rộ lên một tiếng, quẳng thanh gươm vào một góc tường, rồi bế xốc
nàng ném lên trên nệm. Nàng tựa như con búp bê bị lò xo tung lên mấy cái, rồi
nhắm mắt nằm chờ...
° ° °
Cái đêm mưa
móc ấy tạnh từ lâu, từ mấy chục năm nay..., mà đóa hoa chớm nở được cơn mưa móc
đó, bây giờ, than ôi, đã úa rồi.
Người thiếu nữ Pháp được quân vương vời đến, hiện còn sống ở Hà Thành, sống
những ngày kham khổ tẻ buồn. Người đàn bà ấy, tóc đã hầu trắng như tuyết; mặt
đã dăn deo, nhưng nét nhan sắc thời xưa vẫn còn ghi lại; lưng đã còng gập xuống
mang nặng mớ tuổi già.
Giờ đây bà ở với một người đàn bà Pháp nữa, tuổi nhiều hơn, và trong thâm tâm
người bạn giang hồ già nua đó cũng giấu một cuốn sử về thời đại, về nghề làm đĩ
như bà. Từ mười mấy năm trước, hai người chung lưng mở một cửa hàng bán rượu,
cà phê, mà khách thì, cách sáu bảy ngày chủ hàng ngồi khòm lưng đợi mới có vài
người lính Pháp xô nhau vào gọi mấy thứ uống rẻ tiền, đánh nhau, phá phách ầm
ầm. Nhiều khi sáu bảy tối liền hai người vừa cố mở đôi mắt đã hơn nửa đời mờ vì
sắc dục, xỏ kim vá áo, hoặc xem tờ báo cũ gói hàng, vừa ngóng ra ngoài phố vắng
chờ mấy người khách uống chịu đến trả tiền để ngày mai mua bánh ăn cầm hơi.
Cứ thế, đôi bạn già theo đuổi mãi nghề cũ, giơ mãi cặp má deo, đôi môi héo
nhợt, và cái ngực lép, lưng còng cho bọn lính Pháp say rượu thỉnh thoảng kéo
nhau đến bỏ vài hào uống nước để giày vò. Đời đã mòn mỏi rồi, xác thịt đã dơ
như con vật chết, vậy mà hai người đàn bà khốn nạn vẫn còn phải sống, sống với
ngôi hàng trơ trọi, cái tủ gỗ nát với chiếc bàn, vài ba cái ghế mây sơn. Đèn,
chỉ một cây đèn dầu ánh sáng đỏ loe, bốc khói; tường, một màu vôi vàng nồng hơi
ướt ẩm, mồ hóng ám đen. Đó là một quán rượu ta thấy tả trong truyện Ba người
ngự lâm pháo thủ, và ta phải tưởng tượng rằng, nếu chẳng ở thời hiện tại, tất
quán rượu kia phải là nơi tụ họp của các kị sĩ, các tay phong lưu mã thượng
giang hồ, và ở đấy, phải luôn luôn có những cuộc ngáng gươm, đổ máu.
Nhưng đây chỉ là quán rượu của hai ả điếm hết thời, bán xuân già kiếm miếng
nuôi thân; đây chỉ là một ngôi nhà cổ nhất Hà Thành dựng trong một phố
"đặc biệt An Nam" suốt ngày có tàu điện chạy ầm ầm, suốt ngày - cả
đêm khuya nữa - vang tiếng búa của thợ rèn gần đó.
Bây giờ, quán rượu ấy đóng cửa rồi.
Hai mảnh hồng nhan, già như cây cổ thụ nghìn xưa, không còn gợi cho khách làng
say tình. Không một ai lai vãng nữa, rượu để lâu chua, mốc, bàn ghế mặc cho bụi
phủ, trần nhà tơ nhện chăng đầy.
Bỏ nghề, đôi bạn già cố níu chuỗi ngày thừa, âm thầm như hai chiếc bóng canh
khuya. Những buổi tối hè, hai người bắc hai cái ghế mây sơn cũ nát, ngồi hai xó
cửa, không ai nói với ai, không cựa cạy, mắt nhìn lên trời xanh ngắt, nhẩm đếm
từng điểm sao thưa như đếm lại những tình nhân trong đời họ..., và suy nghĩ...
Có lẽ bà này nhớ lại những đoạn tình sử hãi hùng hoặc êm dịu, có lẽ bà kia ôn
lại cái đêm mưa móc hồi hơn hai mươi năm cũ.
In
trong Phấn hương, tập truyện ngắn, NXB Tân Dân, 1939
No comments:
Post a Comment