CHẲNG
KHÁC NÀO CHIA TAY THÊ TỬ
Cô bạn (trẻ) tặng tôi quyển sách
của Erich Maria Remarque, bản dịch trước 75 mà em kiếm được ở tiệm sách cũ.
Remarque là nhà văn người Đức mà có thời tôi “ngốn” hầu như không sót cuốn nào.
Ông viết như thì thầm kể chuyện, chẳng lý luận, triết lý gì cao siêu cả, rất
buồn, và rất người. Thời Hitler, Remarque phải sống lưu vong, tác phẩm bị cấm
và bị đốt. Bây giờ, cầm sách của ông trên tay, tôi lại nhớ đến thời sau 75,
thời sách “đồi trụy phản động” bị cấm và bị đốt ở Sài Gòn.
Vũ Thế Thành
Sách bị tịch thu, chất đống lên
xe ba gác chở đi thì tôi chứng kiến, còn có đem đốt hay không thì tôi không
thấy. Báo Sài Gòn giải phóng số ra ngày
15.7.75 đưa tin:
Nhà máy sản xuất giấy Kissme hoạt động 24 trên
24 giờ đã sản xuất 50 tấn giấy vệ sinh và thấm nước trong tháng 6-75. Nguyên
liệu làm ra giấy gồm 60% giấy vụn lượm lặt trong thành phố và 40% là gòn và lồ
ô (cây nứa giống như tre trúc).
Tôi cũng phải “cúng dường” vài
chục cuốn sách (cũng còn giấu được một mớ), trong đó có hai quyển của
Remarque: Chiến hữu và Một thời để yêu, một thời để chết. Có phải thừa tiền
đâu mà mua sách làm kiểng. Toàn là tiền “bán cháo phổi” ngoài giờ, cân nhắc lắm
mới dám mua một quyển, còn không thì thuê sách đọc. Đêm chia tay, cạn nguyên xị
rượu đế. Sách đồi trụy phản động, nọc độc văn hóa đế quốc Mỹ mà như tình nhơn,
quẳng xuống, rồi lại cầm lên mân mê, thì thầm, Mai tao
sẽ chất đống ngoài cửa để người ta mang tụi mày đi hóa thân thành tro thành mẹ
gì đó. Duyên đến đây là hết, nhưng nợ còn. Tao sẽ nhớ tụi mày. Nợ thằng nào
nhiều, tao nhớ thằng đó nhiều…
Hơn bốn mươi năm nay đâu có đọc
lại Remarque, vậy mà dạo này thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ, dù tên người này xọ tên
người kia, dù nơi này biến thành nơi nọ…, nhưng đại khái tình tiết chưa quên
sạch. Vẫn nhớ. Nhớ và ngẫm.
Sách khoa học kỹ thuật được phép
giữ lại, nhưng cũng có cách ra đi của nó. Một trường hợp tôi biết, ảm đạm hơn
là tôi chia tay “đồi trụy phản động”. Một giáo sư tu nghiệp ở Mỹ về một ngành
kỹ thuật. Ông được xem là chuyên gia hàng đầu trong lãnh vực này ở miền
Nam lúc đó, khi về nước đem theo một số sách chuyên môn, coi như gia sản nghề
nghiệp. Vài năm sau 75, ông âm thầm bán sách của mình để trang trải cuộc sống.
Thằng bạn tôi, một kỹ sư trẻ, gom hết tiền dành dụm, rụt rè tìm đến nhà vị giáo
sư mua quyển sách ao ước và cũng nhân thể ra mắt, trò chuyện với thần tượng…
Giáo sư đóng cửa phòng, không tiếp, chỉ cho hiền nội ra, đưa sách và báo giá.
Tên hậu bối trả tiền, cầm sách thờ thẫn ra về. Giao dịch diễn ra lặng lẽ đến
nặng lòng, cứ như thời Đông Châu liệt quốc. Đời cơm áo sinh tồn, sao mặn chát
thế này!
Với dân kỹ thuật thì sách
technology và handbook của Mỹ sánh ngang hàng… thê tử. Có những ngày tháng tôi
đã cày cục copy bằng tay, vừa viết, vừa dịch nhẩm trong đầu một quyển handbook
mượn được, nên hiểu được loại sách đó trân quý với dân trong nghề đến cỡ nào.
Vật bất ly thân mà phải chia tay, thì còn tê tái nào hơn. Đã đành, bán cái mình
sở hữu để sinh tồn đâu có gì phải thẹn, nhưng bán sách, bán cái gia sản nghề
nghiệp, thì chẳng khác gì bán cả ước mơ, hoài bão… Ông giáo sư biết thẹn. Tên
hậu bối biết thẹn, biết thẫn thờ, biết chia sẻ cái thẹn với tiền bối… Trí thức
là người biết thẹn. Tôi gọi cả hai là trí thức. Nhưng không phải “trí thức” nào
cũng biết thẹn…
Vũ Thế Thành (trích “ Sài Gòn một góc
ký và bây giờ, tái bản 2020)
304Đen – llttm - sgtc
No comments:
Post a Comment