Monday, November 13, 2017

Hé Hé Hé - Nguyễn Công Hoan



Hé! Hé! Hé!
 
 

Này xe! Cái con mẹ thắt lưng tím đang đi trước hiệu Phúc An kia, có phải vợ Chánh tổng Đồng Quân không nhỉ?

– Bẩm cụ lớn phải ạ.

Cụ lớn- bởi người đàn bà này được diễm phúc hơn người khác ở chỗ có chồng làm quan đến chức Tuần phủ- cụ lớn nghĩ một lát, rồi hỏi:

– Tên con mẹ Chánh là gì hở?

Anh xe vừa bấm chuông vừa đáp :

– Bẩm, Chánh Tiền ạ.

Cụ lớn mỉm cười :

– Tên thế chẳng trách nó giàu. Nhưng nó ăn mặc thế kia, đố ai biết nó có hàng vạn. Đến gần nó, mày đỗ cho tao xuống nhé.

– Dạ.

Lúc ấy Chánh Tiền đang đi vội vàng trên hè. Bà không để ý đến đường phố, bởi vì ở nhà quê ra tỉnh, bà định sắm ít xẻng cuốc, cùng vài thứ lặt vặt, nên đi đi lại lại ở phố Khách đến mười lượt, để khảo giá các hiệu bán đồ sắt.

Bà mặc áo vải nâu dài không gài khuy, và quần sồi thâm ngắn cũn cỡn. Cánh tay bà khoác cái nón đã tầu tầu. Tất cả bộ cánh của bà chỉ hơn người nhà quê thường có cái thắt lưng tím.

Bà đương nhìn vào hiệu Phúc An, bỗng tiếng cười khanh khách giòn tan ngay bên cạnh tai, làm bà giật nẩy mình :

– Hé ! Hé ! Hé ! Bà chị lên tỉnh từ bao giờ thế ?

Cụ lớn Tuần nắm cổ tay bà Chánh, và vồn vã hỏi thế. Thì không ngờ bà này, được hân hạnh bất thần, sung sướng quá, đến nỗi rú lên một tiếng « ối », và cảm động suýt rơi nước mắt. Bà ta vội vàng chắp hai tay để vái, lùi lại một bước, cung kính chào :

– Lạy cụ lớn ạ.

Cụ lớn nhăn mặt, xua tay :

– Không, không cụ lớn cụ bé gì, chị em mình là bạn gái cả, ai hơn tuổi là chị, ai kém tuổi là em. Có các ông ấy làm việc với nhau thì muốn gọi nhau là gì thì gọi.

– Dạ, lạy cụ lớn.

– Ồ, đừng cụ lớn cụ bé gì mà ! Hé ! Hé ! Hé !

– Lạy cụ lớn cho phép con gọi thế ạ.

– Gớm, các bà chị đến khó bảo. Thế nào, bà chị lên tỉnh từ bao giờ, sao không vào trong dinh chơi ?

– Lạy cụ lớn tha tội cho, chúng con ăn mặc sồ sề, sợ vào thì làm bận mắt cụ lớn.

Cụ lớn cười xòa :

– Ồ, bà chị cứ dạy thế. Tôi trách đấy !

– Lạy cụ lớn, cụ lớn là chỗ cha mẹ, cụ lớn tha tội cho con cháu.

– Thế thì bấy giờ vào chơi vậy.

– Lạy cụ lớn, dạ.

– Vào ăn cơm với tôi cho vui nhé.

– Lạy cụ lớn, chúng con đã vô phép cụ lớn rồi ạ. Nhà quê chúng con hay ăn cơm sớm.

– Thì vào chơi nói chuyện vậy. Ông Tuần tôi đổi về đây, tôi đến thăm các bà chị một lượt, thế mà các bà chị lên tỉnh, không bà nào vào chơi với tôi. Tôi giận lắm đấy !

– Lạy cụ lớn, chỗ chúng con là con cháu, chỉ sợ ăn nói thất thố, nên không dám vào đó mà thôi.

– Thì đã bảo chỗ chị em mình là bạn gái với nhau, ta cần gì. Các bà chị đong bán, tôi cũng đong bán. Các bà chị làm ruộng, tôi cũng làm ruộng. Thật đấy, ở nhà tôi cũng vẫn giặt giũ quét tước, chứ có xềm xệp ngồi không như các bà quan khác không. Hé ! Hé ! Hé !

– Dạ.

– Vào chơi trong dinh nhé.

– Dạ, chúng con xin theo hầu cụ lớn.

– Ừ, lên xe tôi mà đi.

Nói đoạn, cụ lớn gọi chiếc xe hàng, để nhường bà Chánh Tiền ngồi xe nhà.

Cứ chỉ không ngờ ấy lại khiến bà Chánh cảm động. Lần này, bà ứa nước mắt thật. Bà ngượng nghịu, run sợ thế nào ấy. Nhìn chiếc xe sơn giả đồi mồi, gọng kền sáng loáng, vái nệm trắng tinh, bỗng bà ghê cả người. Bà tưởng như mình không xứng đáng được dùng những thứ sang trọng quá quắt như vậy. Mà khi đặt tấm thân cục mịch lên trên chiếc ghế đệm êm ái do cụ lớn nhường cho, bà khoan khoái, nghĩ bụng không biết mấy mươi kiếp trước tu đã dày dặn thế nào, nên kiếp này mới được đền bù bằng một phút hạnh phúc này vậy.

Bà ngồi mớm trên xe, mà vẫn còn rùng mình. Bà ngẫm đến lời ngọt ngào, tử tế của cụ lớn mà nở nang cả mày mặt. sao lại có bà quan dễ dãi, phúc hậu như bà Phật này. Một đời người, dù khổ sở thế nào, mà được cụ lớn ban chuyện cho một lát, một lát thôi, thì còn ai muốn chết nữa. Vợ một quan Tuần phủ, vợ một cụ lớn đầu tỉnh, mà đối đãi với vợ một tên Chánh tổng quèn, ăn nói thân mật như chị em, nào nắm tay vồn vã, nào bà chị, nào hơn tuổi, nào vào chơi, nào trách móc, trời ơi, ai được như thế mà chả thọ thêm đến mười năm! Nghĩ đến đó, bà Chánh dào dạt cả tâm hồn.

Bỗng xe bấm chuông và chạy quành vào dinh. Bà Chánh vội vàng tụt xuống đất, và nói:

– Anh đỗ cho tôi xuống đi bộ, kẻo cụ lớn ông trông thấy lại quở.

Nhưng cụ lớn bà nghe tiếng. Cụ lớn quay lại, xua tay cười:

– Không can gì. Đàn ông họ không hay chấp nê như bọn mình đâu.

Đến thềm nhà tư, bà Chánh chùi chân vào chiếc thảm rất kỹ lưỡng, rồi mới dám bước lên gạch hoa. Và cụ lớn phải kéo mãi, bà mới dám ngồi trên chiếc ghế bành đánh bóng. Bà thít người lên.

Cụ lớn gọi lính quạt nước, và lấy lọ chè cất trong tủ mà cụ lớn khoe là thượng hảo hạng. Chính cụ lớn tự pha ra chén, và đưa tận tay mời bà Chánh Tiền.

Mỗi lần bà Chánh được cụ lớn bạn cho những câu tử tế, dễ dãi, ngọt ngào, thì bà lại rơm rớm nước mắt.

Cụ lớn hỏi thăm về mùa màng, đong bán. Cụ lớn bàn lẽ thiệt hơn về lối làm ăn. Bà Chánh cảm sự nhã nhặn bao nhiêu, lại phục sự đảm đang của cụ lớn bấy nhiêu. Và cụ lớn nói cả chuyện buôn bán của cụ lớn, khi gọi họ, khi đong thóc, khi cân sơn, khi buôn tơ, khi đặt đay, vân..vân… bất cứ dịp nào có lãi, cụ lớn cũng không để tiền nằm yên bao giờ.

– Phi thương bất phú bá chị ạ. Ông nhà tôi, tiếng rằng làm quan, nhưng lương lâu có được là bao. Hé! Hé! Hé!

– Dạ, lạy cụ lớn, cụ lớn ông thực là nhân quan.

– Phải, cho nên tôi vẫn phải giữ nghiệp nhà, mà lấy sự buôn bán làm căn bản. Làm bà quan , chẳng qua như được hưởng cái hoa thơm, chứ sung sướng sao bằng các bà chị có ruộng nhiều. Thế năm nay bà chị chỉ cấy có năm mươi mẫu thôi à?

– Dạ, lạy cụ lớn, năm nào chúng con cũng chỉ cấy có ngần ấy, còn cho người ta làm rẽ. Vì nhà neo người, sức một mình con không kham nổi ạ.

– Phải, tội gì vất vả lắm. Vả lại chỗ cho người ta cấy rẽ, cũng thừa ăn tiêu rồi còn gì.

– Dạ.

– Chỗ năm mươi mẫu ấy, bà chị bảo trữ lại để bán là phải lắm. Thóc được giá cũng không bán, chỉ tổ để chuột cắn.

– Bẩm cụ lớn, mấy lị nhà con chật, không có chỗ chứa thêm thóc nữa ạ.

– Ồ, quế hóa quá, trong nhà bà chị có những hai lẫm thóc to tướng, thế mà không đủ để chứa thóc cơ à?

– Dạ, lạy cụ lớn, thầy Chánh nhà con vẫn cứ định xong mùa này thì xây thêm mấy gian nữa. Thầy cháu cứ không muốn bán, bảo trữ lại, chờ năm vỡ đường hãy hay. Nhưng con tưởng để thóc nằm đấy, thà bán đi để đong cái khác còn hơn.

– Phải, bà chị nghĩ chí phải. Việc tiền nong, phi ở tay bọn mình, không có lợi. Các ông ấy đàn ông đàn ang, gặp đâu nói đấy, chứ sao bằng bọn mình. Hé! Hé! Hé!

– Dạ.

– Thế bà chị còn được bao nhiêu thóc ở trong nhà?

– Lạy cụ lớn, cũng còn độ hơn nghìn bạc, chứ chả mấy ạ.

– Ồ, quế hóa quá! Bà chị không bán à?

– Bẩm ý con muốn bán, nhưng thầy cháu cứ muốn giữ lại.

– Ồ, này, bà chị để tôi đong cho, cho ông ấy tức một mẻ.

Bà Chánh sung sướng đáp:

– Dạ, cụ lớn dạy thế còn gì bằng.

– Thật đấy, cho tôi đong một nghìn nhé…

– Dạ, cụ lớn đã dạy, thế nào con chả xin tuân.

– Nhưng mà này, chỗ chị em, chả giấu giếm nhau. Tôi vừa có dăm nghìn, lại tậu cái đất trên Hà Nội để làm nhà cho khách chạy loạn thuê mất rồi. Bây giờ chỉ còn có dăm chục để ăn từ nay đến cuối tháng. Bà chị cho đong chịu hãy nhận lời.

– Lạy cụ lớn, bao giờ cụ lớn ban cũng được, miễn là cụ lớn nhận mua là may cho con lắm rồi.

– Thế bà chi không sợ tôi quỵt à? Hé! Hé! Hé!

Bà Chánh cười theo:

– Lạy cụ lớn, tôi con nào dám ngờ cha mẹ.

Cụ lớn bèn nghiêm trang nói:

– Nhưng mà này, chị Chánh ạ, Tôi nhận đong của bà chị một nghìn đồng bạc thóc, nhưng tôi hãy cứ gửi bà chị ở nhà đấy. Như vậy bà chị hẳn khỏi nghi nhé! Hé! Hé! Hé!

– Lạy cụ lớn, chúng con nào dám thế, xin cụ lớn cứ cho xe về.

– Không, tôi cứ gửi ở nhà bà chị. Bởi vì trong đình chật chội, có chỗ nào chứa đâu?

– Dạ.

– Rồi bao giờ rôi thuê được nhà ngoài phố, sẽ cho nó lĩnh thóc về sau.

– Dạ

Bà Chánh nói chuyện một lúc lâu nữa, mới hả hê, cáo từ ra về.

Mà cố nhiên đến nhà, bà nhắc lại nguyên văn cho cả làng, cả tổng nghe những câu nói tử tế, nhã nhặn, dễ dãi, phúc hậu của cụ lớn Tuần.

Ba tháng sau, trời làm lụt loạt và đói kém. Thóc lúa cứ cao lên vòn vọt. Việc vào dinh hầu cụ lớn đã thành ra một thời sự cu cũ. Cho nên bà Chánh Tiền chỉ còn trông thấy chỗ cây thóc bán chịu cho cụ lớn mà thôi. Bà thở vắn, thờ dài. Thà cụ lớn cho người đem đi cho khuất mắt, hoặc cụ lớn ban cho ít nhiều để làm vốn thì bà cũng cam lòng. Từ nọ đến nay, bao nhiêu người xin đong mà bà không dán bán. Bà tiếc quá. Song nghĩ đi thì thế, mà nghĩ lại, bà cho là chẳng thiệt nào. Một đời dễ mà gặp được một bà quan đầu tỉnh đối với vợ một thầy Chánh tổng vồn vã, dễ dãi, phúc hậu, như thế. Người ta có tiền nghìn bạc vạn hẳn hoi, cũng không thể mua được lời nói tử tế của người trên. Cho nên, nghĩ tới đó, bà lại thấy hả hê sung sướng nguyên vẹn.

Một hôm, có người lính tuần về Đồng Quân, đưa bà Chánh phong thư. Bà bảo chồng mở ra để đọc:

Bà chị,

Bây giờ thóc được giád, tôi nhờ bà chị bán hộ tôi chỗ thóc tôi gửi bà chị trước. Cứ thời giá, thì chỗ ấy thu được đến hơn nghìn rưỡi, nhưng mà tôi chỉ lấy trong nghìn rưỡi mà thôi, còn bà chị có bán được hơn thì mặc ý. Vậy chỗ một nghìn,tôi xin nộp lại cho bà chị, còn năm trăm lãi, thì đến 26 này, mời bà chị lên chơi và đưa cho tôi. Thực là tôi quấy rầy bà chị quá, xin bà chị miễn trách.

Lâu nay không thấy bà chị lên tỉnh, tôi nhớ lắm. Vậy thế nào 26 này, bà chị cũng lên, nhân tiện chúng ta nói chuyện với nhau cho vui.

Bà Tuần.

Nghe xong thư, bà Chánh Tiền nhăn nhó, rồi thở dài mãi.

Thóc này bán cho ai được, để dịp 26 có năm trăm đem lên nộp cụ lớn đây? Thì té ra bây giờ xoay ngược lại, bà là con nợ của cụ lớn.

Suốt mấy ngày, bà lo lắm. Bà phải chạy khắp các nơi để mời người đến đong, nhưng không xong. Chả ai có vốn nữa. Mà ngày 26 cứ gần dần.

Lắm lúc định liều, bà tính cứ lên tỉnh, rồi bẩm với cụ lớn là thóc ế. Như vậy bà có thể không thiệt hại gì. Song thế không tiện. Cụ lớn đã tin cậy mà giao cho một việc. Chả lẽ chưa chi đã phụ lòng tốt của cụ lớn? Vả lại cụ lớn vồn vã, ngọt ngào, dễ dãi, phúc hậu, ai nỡ xử lại thế được?

Kết cục, là ngày 26, bà Chánh Tiền lên tỉnh có mang đủ số năm trăm lãi thóc của cụ lớn.

Món năm trăm ấy, bà phải viết văn tự để vay. Bà hậm hực, tức bực, oán hận cụ lớn lắm.

Nhưng mà:

– Ấy kìa! Hé! Hé! Hé! Bà chị! Tôi mong mãi !

Cụ lớn nắm lấy cánh tay và vồ vập nói thế. Bà Chánh Tiền bỗng quên hết mọi sự. Bà lại cảm động, rơm rớm nước mắt, và hởi lòng hởi dạ như thường.

 
Nguyễn Công Hoan

No comments: