Saturday, November 4, 2017

Thái Độ AQ Của Lỗ Tấn - Lam Chương




Thái độ A Q của Lỗ Tấn


 
 
Tôi đứng sau nhà, ngó lên cây dừa cao ngất. Không biết cây dừa được trồng lúc nào, khi tôi lớn đã thấy có rồi. Năm xưa, cây dừa còn thấp ở giữa cái chuồng heo, cách bìa chuồng hai thước. Ba tôi mất đi, thằng em phá bỏ chuồng heo làm khoảng đất trống. Nay khoảng đất bị thu nhỏ lại, cây dừa nằm về phần đất của nhà bên kia. Giữa hai phần đất được trồng lên một hàng cây keo làm lằn ranh.

Tôi hỏi thằng em: “Sao lại có hiện tượng cây dừa trôi qua đất người khác?”

Nó nói: “Lòng người biến đổi, vạn vật cũng đổi thay.”

“Mày nói một câu nghịch lý. Lòng người biến theo vạn vật, chứ không phải vạn vật biến theo lòng người.”

Thằng em cười: “Thời đại mới triết lý mới. Tôi chứng minh cho anh thấy. Mỗi năm họ lấn một ít. Mười bảy năm, mình mất hai thước rưỡi đất, cây dừa thuộc về người khác. Như thế không phải vạn vật biến theo lòng tham con người sao?”

“Cái thứ triết lý rẻ tiền của mày không chấp nhận được. Mày biết lấn đất theo kiểu đắp bờ ruộng không? Người ta xén đất bờ bên này đắp qua bờ bên kia. Nhiều lần như thế, bờ ruộng không còn nằm ở vị trí cũ. Đây không phải bờ ruộng, người ta cắm cột mốc phân ranh. Đáng lẽ khi thấy cột mốc di chuyển dần về phía mình, mày phải có tiếng nói chứ?”

“Nói hả? Mở miệng ra là thiên hạ chưởi tát vào mặt. Đó là chưa kể họ trả thù bằng cách mỗi đêm quăng c.ứ.t vào sân nhà mình.”

“Họ chơi cái trò bẩn thỉu, mày chịu trận à?”

“Nếu không chịu trận thì làm gì ai? Không bắt được tận tay người quăng c.ứ.t, không có bằng chứng. Chẳng lẽ lấy c.ứ.t đem vô phòng thí nghiệm phân chất để biết là c.ứ.t của ai?”

“Mày nói nhảm, lạc đề rồi. Hãy nói chuyện cây dừa thuộc về phần đất người khác.”

“Thôi anh ơi, cây dừa có đáng gì mà tranh cãi.”

“Cây dừa không đáng gì, nhưng hai thước rưỡi đất bề ngang nhân cho mười lăm thước bề dài, không phải chuyện nhỏ. Mày thử tính coi mày mất bao nhiêu thước vuông đất? Mày có biết bây giờ, đất đai xứ này đắt như vàng không?”

Thằng em nhè nhẹ lắc đầu, nhếch mép như khinh bỉ. Không biết nó khinh tôi, hay khinh thằng cha lấn đất.

“Lúc chết cũng chỉ cần một cái lỗ đặt vừa cái hòm thôi!”

“Tao muốn nói vấn đề thiệt thòi mất mát. Còn đất rộng hay hẹp là chuyện khác.”

“Cứ coi như nó lấn đất để chôn cả dòng họ nhà nó.”

Tôi nổi cáu: “Đó là thái độ A Q của Lỗ Tấn, không dám đương đầu với thiên hạ rồi trả thù trong tư tưởng, và lấy làm tự mãn. Mày co vòi rút cổ, không dám đối phó với thằng cha láng giềng rồi trù rủa cả dòng họ người ta. Nếu không thể nói chuyện phải quấy với nhau được, sao không đưa lên chính quyền giải quyết?”

Thằng em cũng nổi cáu: “Chính quyền. Anh chỉ biết chính quyền xứ khác, chứ không hiểu chi về chính quyền ở đây cả. Chém nhau vỡ đầu sứt trán, réo gọi chính quyền khan cổ cũng chẳng thấy ma nào thèm tới. Nhưng nếu được tin mật báo nhà nào mới chuyển đồ lậu về, liền tức khắc công an cảnh sát ào ào kéo tới bao vây. Không biết tại sao hả? Giải quyết mấy chuyện xô xát, chính quyền ăn được cái gì? Nhưng vây bắt tịch thu đồ lậu, người ta có chút bỏ túi riêng. Tranh tụng với nhau về đất đai ư? Muốn thắng phải nhét đầy họng kẻ đại diện chính quyền. Nếu phía bên kia họ cũng tung tiền ra lo lót thì vấn đề còn nhiêu khê lắm. Đôi khi phải bán nhà vì kiện tụng. Tôi chỉ còn cái nhà che mưa đụt nắng, anh đừng xúi dại tôi phải bán nhà.”

“Thằng hèn!” Tôi ngó vào mặt thằng em, hét lớn.

Nó cũng không vừa: “Tôi sở dĩ sống hòa nhã được với người chung quanh vì tôi biết hèn. Anh cứ xoi mói xét nét vấn đề từng chút, coi chừng thiên hạ chém tét đầu.”

“Thằng nào dám chém tao?”

“Bất cứ thằng nào cũng dám chém anh. Các ông về từ nước ngoài, ông nào cũng hãnh diện tưởng người ta kính trọng mình lắm. Lầm rồi! Người ta chỉ xun xoe các ông vì tiền, nhưng thâm tâm có thủ sẵn con dao. Các ông thử chạm vào họ xem sao? Họ sẽ đánh các ông như đánh kẻ thù giết bố. Các ông đánh lại ư? Họ sẽ nằm vạ ra đấy. Các ông phải móc túi chi tiền cơm thuốc, tiền đền thương tật, tiền bệnh viện, tiền lo bác sĩ y tá để họ đừng phóng đại chứng thương. Chưa hết đâu, còn phải lo cho công an để họ đừng giam giữ, trầm trọng hơn có thể đưa nội vụ ra tòa. Mà tòa án nhân dân thì ít khi áp dụng đúng theo luật pháp hiện hành, họ thường chơi theo luật rừng. Tóm lại, các ông là miếng mồi ngon, thằng nào cũng muốn ăn tươi nuốt sống. Nên biết xứ sở này có nhiều Chí Phèo lắm đấy.”

Mỗi lần nói chuyện với thằng em về một vấn đề thì lại lòi ra bao nhiêu vấn đề rắc rối khác. Hình như trong đời sống ở đây có điều gì không ổn.

Lâm Chương

Trích “Truyện và Những Đoản Văn”
304Đen – Llttm - YD

 

No comments: