Saturday, August 3, 2019

Buổi Sáng Giữa Đồng - Võ Phiến



BUỔI SÁNG GIỮA ĐỒNG
 
 

 

Chuyện đang kể là một chuyện đời xưa. Ðời xưa, Thục đang học ở Ðà Lạt thì xảy ra Cách Mạng Mùa Thu; sau đó Pháp trở lại Ðà Lạt, nàng theo cha mẹ tản cư về quê. Về đây ban đầu không biết làm gì, ít lâu nàng theo chị em ra xã làm việc đoàn thể. Huyện thấy nàng có “khả năng”, bốc lên huyện; rồi huyện lại thấy nàng có “khả năng”, bốc lên tỉnh. Ở cơ quan tỉnh, đã có tôi sẵn đó rồi.

Như thế cũng thường thôi. Vì bấy giờ ai nấy đều tíu tít. Phần lớn là tíu tít về việc đoàn thể; các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, thiếu niên, phụ lão, v.v., ở cấp nào cũng có, ở đâu cũng có, bao nhiêu người dùng cũng không thừa.

Vậy Thục làm việc nước, tôi làm việc nước, mọi người xung quanh lăng xăng làm việc nước. Vui quá thể. Phần tôi, có một điểm riêng: là tôi vừa làm việc nước vừa mê Thục ngất ngư.

Cái mê bấy giờ là cái mê thuần túy. Nghĩa là chỉ mê thôi, không có dự định, kế hoạch gì hết trơn. Tôi không hề thắc mắc: nàng có mê tôi không? tôi sẽ phải làm gì? nàng có bồ bịch gì chưa? tôi sẽ làm quen với nàng cách nào? tán tỉnh nàng ra sao?, v.v.

Tôi không bận tâm về những cái đó, vì đang bận tâm về bao nhiêu cái khác. Thí dụ: Tên Thục, ai đặt cho nàng mà đặc biệt quá vậy? Bất cứ lúc nào, hễ có ai phát ra tiếng đó là tôi nẩy người, nao nao, xao xuyến. Tính tôi cẩn thận: Nhiều hồi vắng vẻ, tôi thử gọi một tiếng “Thục”, và tôi thấy ngay cảm giác lạ thường, bấn rộn cả người. Lại thí dụ giọng nàng nói. À, cái đó không giống bất kỳ giọng nói nào từng biết. Một tiếng nào đó phát ra từ cổ họng nàng, dù ngắn tới đâu, tôi cũng nhận ra. Một nửa tiếng bất ngờ bắt được cuối câu nói bỏ lửng ở phòng bên cạnh, một nửa tiếng cười ngắt vội vàng ở tận đầu ngõ, v.v. tôi biết cả. Nó âm ấm, nó thấm đậm tình cảm, v.v. Tôi tưởng tượng, tôi nghĩ ngay đến cái lượng hơi được phát đi một cách sung sướng qua khí quản của nàng, lượng hơi may mắn lướt đi bên trong chiếc cổ ấm áp, tuôn qua chiếc mồm thơm tho của nàng, tôi tưởng tượng, v.v. Tóm lại tôi cảm thấy mình đang “hiểu” đến tận cùng giọng nói của Thục. Tôi hiểu cách đặc biệt sâu xa, như không có ai hiểu được thế.

Tôi xin phép cử ra một thí dụ nữa: là bước chân nàng. Bước chân tức con người. Và tôi thì tôi hiểu bước chân của Thục (tức là hiểu nàng). Thục có lúc đi dép, có lúc đi guốc; dù guốc hay dép, không có thứ nào phản bội nàng. Nghe một tiếng khua nhẹ là biết ngay. Thục khua chân kỳ diệu, độc đáo ra sao, nếu bạn chịu chú ý nghe và tôi có thì giờ trình bày cặn kẽ, thì nhất định bạn cũng sẽ hiểu, cũng nhận ra tiếng guốc tiếng dép của nàng, thì bạn cũng tài giỏi gần bằng tôi ngay. Nhưng tôi biết bây giờ không phải là cái thời của những bình giảng như thế, bây giờ trễ rồi: nàng không còn ở tuổi mười sáu mười bảy nữa, bạn nghe giảng làm chi? Bởi vậy tôi chỉ xin nói vắn tắt là đời xưa đã có bao nhiêu lần tôi đang hội họp thảo luận tưng bừng, thình lình nghe thoáng ở phòng bên cạnh có mấy tiếng guốc khua khác thường, thế là tôi biết ngay, tôi bấn lên như ngồi trên lửa. Bạn biết chứ: guốc có tiếng guốc do dự, có tiếng guốc sấn sướt hăm hở, có tiếng guốc nghịch ngợm láu táu nhanh nhẩu, có tiếng guốc ngần ngại dò la, có cả những tiếng guốc của yêu đương: tiếng guốc đầy tình cảm dịu dàng... Tôi lắng tai bắt từ không gian những tín hiệu âm thanh tràn đầy xúc động. Tưởng như một y sĩ nghiêng tai nghe và đọc cái ý nghĩa từng nhịp đập của một con tim.

Cơ quan Thục và cơ quan của tôi cách nhau khoảng trăm rưởi thước tây. Chúng tôi không gặp nhau hàng ngày, cơ hội gặp gỡ bất thường và lắm khi bất thần. Bởi vậy cái nghe ngóng tiếng chân, giọng nói, tiếng cười, v.v. từ xa, là yếu tố thú vị, mê say.

Tôi mê Thục cách thuần túy như thế ít lâu thì hình như có nhiều người quanh tôi để ý. Tôi thực tình quả chưa có kế hoạch gì, chưa hề dự tính làm một điều gì dù bậy hay không bậy đối với ai cả, thì tự dưng ban chấp hành Thanh niên tỉnh chợt nhận thấy tôi có “khả năng” và đề bạt tôi lên liên khu nhận công tác mới. Tôi tá hỏa tam tinh, tưởng vừa xảy ra cuộc cách mạng mùa đông.

Sau một thời gian rất ngắn ở liên khu, tôi nhận thức ra ngay ý nghĩa của sự đề bạt. Với tất cả cái “khả năng” dồi dào, tôi vẫn làm công việc đại khái như trước khi được đề bạt. Chỉ khác ở chỗ không còn gần Thục nữa.

Tôi lồng lên mất bốn tháng. Rồi nguôi dần. Nhất là vì tôi không nhận được tin tức gì về Thục, cũng không hề biết thái độ Thục thế nào, không biết nàng có chút tình ý gì đối với tôi chăng. Chắc bạn nghĩ: “Ðời xưa, việc đời đơn giản nhỉ, chuyện đời phôi pha dễ dàng nhỉ.” Vâng, bạn có thể nghĩ thế.

Hơn một năm sau, một hôm tôi mang túi dết đi công tác như mọi hôm. Buổi sáng, vào khoảng chín rưỡi, tôi đi ngang một cánh đồng. Bấy giờ là cuối tháng hai âm lịch. Ðang lầm lũi đi, tôi ngước mắt và bất thình lình trông thấy Thục. Chúng tôi hãy còn cách nhau xa. Không có giọng nói, tiếng cười nào, không có tiếng guốc tiếng dép nào khua. Ðồng thì rộng, cách quãng xa như thế, tôi không trông thấy được mặt mũi tóc tai nàng, vậy mà nhác thấy một cái bóng tôi biết ngay là Thục. Kỳ cục hơn nữa là đồng thời tôi cũng biết nàng đã nhận ra tôi.

Một cái bóng xa tít như thế, khi nhận ra người “đặc biệt” thì cái bóng ấy phản ứng như thế nào? Không có cách nói rõ, vậy mà tôi biết. Thành thử đoạn đường còn lại khó đi hết sức. Bước đi cách nào tôi cũng thấy là không tự nhiên. Mà tôi muốn đi “tự nhiên” để làm gì chứ? Không tự nhiên đã sao? Vậy mà tôi cứ lo lắng. Về phía nàng hình như cũng thế. Nàng cúi xuống đi như không trông thấy tôi; chốc chốc lại ngẩng lên nhìn chút xíu, có lúc còn định phác một cử chỉ, một dấu hiệu gì đó, rồi lại thôi. Cả hai đi đứng chẳng ra làm sao cả. May mà rốt cuộc chúng tôi cũng tới bên nhau.

Nói cho đúng, chúng tôi còn cách nhau một cái trổ. Bây giờ xa quê hương đã lâu, có thể đôi người trong chúng ta đã bắt đầu quên cái trổ ruộng, tôi xin nhắc: Ở đồng quê, đường đi là bờ ruộng. Bờ ruộng thỉnh thoảng có chỗ bị cắt đứt để nước ruộng có thể chảy từ đám này sang đám kia: quãng đường đứt cho nước chảy ấy là cái trổ. Muốn lội qua trổ tất nhiên phải xắn ống quần lên. Thục chuẩn bị, sắp sửa. (Nếu không sắp sửa tức là không đi tới nữa. Làm sao cắt nghĩa được sự từ chối ấy?) Nhưng tôi là nam nhi, tôi phải tháo vát chứ, nỡ nào để nàng phải miễn cưỡng xuất lộ thịt da trước mắt mình. Vậy tôi mạnh dạn tiến lên, lội trổ. Và Thục, trong lúc đứng chờ đợi, bày tỏ sự hài lòng bằng cách lắc đầu hất một lọn tóc qua vai, điều làm tôi cảm thấy đột ngột sung sướng cách vô lý. Ðối diện nhau, tôi khựng, cố gắng nở một nụ cười khổ sở. Thục cũng nhợt nhạt. Rốt cuộc, nam nhi lại phải tháo vát, tôi lên tiếng trước:

– Cả năm... Lâu ơi là lâu... Bặt tăm luôn...

Bấy giờ Thục mới thở ra thoang thoảng, bằng cái giọng ấm áp nhất:

– Thục đâu có nhận được tin gì của anh?

Cái “tin”, tôi nghe lạng quạng cứ như là cái “thư”. Ý nghĩa của nó như vậy chăng? Tôi lúng túng, không biết nói sao cho suông sẻ.

– Thì biết... biết Thục...

Trong thâm tâm tôi, tôi nghĩ: “Biết Thục có nhớ tôi, có trông đợi tôi không, nói trắng ra là có mê tôi không, mà tôi đưa tin?” Nhưng tôi loay hoay. Thục vẫn cúi đầu, để một khóe mắt theo dõi tôi. Sau cùng tôi chỉ nói được:

– Thì biết Thục “sao” mà nhắn nhe?

Trên môi Thục thoảng một nụ cười, trong mắt nàng ánh lên một cái gì không rõ rệt. Tức thì tôi hiểu ngay. Tôi hiểu là nàng có “sao”. Mặt tôi đỏ ửng. Mặt nàng cũng đỏ ửng lên. Ối! Trời đất vụt sáng loà cái một. Không hiểu sao giữa lúc xảy ra chuyện động trời như thế chúng tôi lại vội vã gạt chuyện ấy ra một bên, như sợ hãi trốn lánh. Choáng ngợp chăng. Ngượng ngùng vì trót tỏ lộ tình cảm chăng? Không biết đâu. Chỉ biết tự dưng Thục nói một câu vớ vẩn, lảng qua chuyện khác. Tôi thì tôi hỏi hôm nay nàng đi đâu? Lảng nhách, tôi cần gì cái đó? Nàng đáp lại, tôi nghe qua, rồi quên tức thì.

Cứ ngắc nga ngắc ngứ như thế một lúc, tôi cảm thấy ngay là mình đang gây khó cho nhau. Hỏi đáp vu vơ, không có gì quan trọng, thì còn có lý do gì để đứng ỳ ra đấy nữa. Vì thế một lát rồi nàng đành phải cáo từ.

Thục thong thả kéo ống quần cao lên, từ từ nhúng chân xuống nước, thong thả lội qua trổ ruộng. Còn tôi thì quýnh lên. Nàng qua khỏi trổ, quay lại chào tôi lần nữa, rồi tiến bước. Ngay lúc ấy tự dưng tôi bị hút theo, như một thây ma bị quỷ nhập tràng. Tôi cũng xắn quần, cũng lội trổ, cũng lên đường, đi ngược lại con đường của mình, mắt dính vào lưng Thục.

Tôi thấy nàng rùng mình, vai rung khe khẽ, nàng rối loạn bước chân, rồi nàng dừng hẳn lại. Tôi tới bên nàng, sát nàng. Môi tôi run, mắt tôi dại đi. Rồi tôi chụp lấy Thục, một tay chụp vào vai một tay nắm lấy cánh tay nàng. Tôi kéo nàng sát vào, hai tay ôm lấy mặt nàng, tôi hôn, trời, tôi hôn bất kể trời đất. Nàng run lẩy bẩy. Mặt nàng nóng như hòn than.

Bấy giờ – đời xưa – ở quê ta không có chuyện trai gái ôm nhau. Chuyện ấy quái đản quá, cho nên dù đang lúc điên khùng chúng tôi cũng không thể ôm nhau lâu được. Buông nhau ra, tôi nhìn tứ phía, ngơ ngác. Ðồng rộng bốn bề. Ðây là đâu? xã nào thôn nào? Tôi không biết. Khắp cánh đồng không có một ai. Nắng rực rỡ. Phía bên phải, cách chúng tôi đôi ba trăm thước có một khoảng trống, không lúa, tôi đoán chừng là một cái ao. Xa xa, phía trước mặt là xóm nhà, có hàng tre xanh. Ðầu xóm, một cái gồm nho nhỏ, lợp tranh, nép sát vào hàng tre. Bên trái, con đường xe lửa ngăn chận tầm mắt. Ðường xe lửa đắp cao, có mấy con bò gặm cỏ rải rác trên dốc lề đường, không người chăn. Trời đất trống không. Nắng vàng bao la.

Tôi bảo Thục:

– Ta đi. Anh theo em một lúc.

Thoạt tiên Thục không có ý kiến. Nàng ngoan ngoãn đi trước, tôi theo sau. Nhưng không đến năm chục bước nàng dừng lại, kêu:

– Em... khó đi. Anh đi trước.

Tôi nài nỉ:

– Anh đi trước, anh không trông thấy em!

Nàng ngần ngừ, khổ sở. Tôi nài nỉ tiếp:

– Em cố gắng. Anh không nhìn em đâu.

Nàng thật ngoan, lại đi, chậm chậm, rõ ràng với tất cả cố gắng. Cả hai không ai nghĩ tới chỗ vô lý: Không nhìn em thì đi sau khác gì đi trước? Sự thực thì tôi không rời mắt khỏi nàng. Và nàng cũng chỉ đi được vài chục bước nữa rồi dừng.

Ðường bờ ruộng chật hẹp, không thể đi song song hai người. Chúng tôi cứ luân phiên thay nhau đi trước, rồi đi sau, rồi đi trước. Kể ra về sau chắc nàng không còn thấy khó đi nữa, nhưng vẫn tiếp tục đòi luân phiên “cho vui”.

Ðến cái gồm đầu xóm, chúng tôi dừng lại, ghé vào gồm ngồi nghỉ chân. Giai đoạn nói năng chuyện trò hình như chẳng dài mấy, tôi hoàn toàn không nhớ đã nói những gì lúc ấy. Tôi là đứa chất phác đơn sơ: khi mê Thục tôi không có mưu tính ý đồ gì cả, nhưng khi cơ hội xảy đến thì tôi hiểu ngay mình muốn điều gì, không chút quanh co. Tôi ôm nàng, hôn vùi không buông ra nữa. Trong cái gồm trống trơ dưới bóng mát tre xanh, tôi hôn tới tấp, hôn mặt mũi, hôn tay hôn vai hôn cổ hôn má, mắt, mũi, miệng nàng. Hôn hoài hôn hoài. Cho đến lúc môi tôi chạm nhằm dòng nước mắt. Nàng khóc.

Tôi giật mình, nhìn nàng lo lắng. Nàng bảo: “Em sung sướng.” Nhưng nàng vẫn khóc, càng khóc. Nàng khóc đến nỗi tôi cũng khóc theo. Hai đứa vừa khóc vừa hôn nhau.

Chúng tôi không biết sẽ kết thúc ra sao, thì nghe có tiếng người. Tiếng nhiều người chuyện trò mỗi lúc một gần. Rồi bốn người đàn ông xuất hiện. Cả bọn có vẻ đi từ đàng xa, cũng ghé lại nghỉ chân.

Lúc bốn người đàn ông đến, nước mắt trên mặt nàng hãy còn đầm đìa. Nàng lau vội vàng rồi trao chiếc khăn tay cho tôi. Tôi lau xong, cầm chiếc khăn nhìn nàng. Nàng kín đáo gật đầu. Tôi cho chiếc khăn vào túi. Lát sau nàng chào tôi, chia tay.

Tôi trông theo cho đến lúc Thục khuất vào phía sau hàng tre, rồi tôi đứng lên đi về hướng cũ. Ðến cái trổ ruộng nọ, tôi dừng lại. Ngẩn ngơ, bàng hoàng. Mọi việc xảy ra đã dồn dập, xảy ra và chấm dứt đột ngột. Quanh tôi vẫn ánh sáng tràn đầy. Uả! Lúa chín hồi nào? Lúa vàng khắp đồng mà tôi không kịp để ý đến. Ðồng rộng vẫn không một bóng người. Có tiếng con chiền chiện vừa bay vừa kêu tít trên trời cao, không trông thấy nó đâu.

Tôi dừng lại bên trổ ruộng. Chỗ cũ. Nhìn quanh cánh đồng. Tôi thấy mình hoàn toàn đổi khác. Nàng có “sao”. Tôi có chiếc khăn của nàng trong tay. Tư thế của tôi trước đất trời vụt đổi khác không ngờ. Tôi run run và tự tín giữa buổi mai rạng rỡ, mênh mông.

Rồi sao nữa?”, chắc bạn nghĩ thế.

– Ồ, không. Tôi không kể nữa đâu. Chuyện có kẻ xen vào cản trở, tôi bị điều đi nơi này nàng bị điều đi nơi khác, rồi giặc đánh, rồi tôi bỏ chế độ còn nàng theo chế độ ra Bắc, v.v. , những cái ấy dài dòng phiền phức và vô vị, kể làm chi.

Ngay cả những điều vừa trót nói ra cũng vô duyên nữa. Lẽ nào sau bao nhiêu dâu bể động trời, nào cách mạng, nào kháng chiến, sau hàng triệu mạng người, hàng triệu tấn bom, lại có thể sục sạo vạch tìm dấu vết một khoảnh khắc cỏn con của một buổi mai giữa cánh đồng vô danh?

Vả lại trong khoảnh khắc ấy có gì? Chẳng qua chỉ là những cái hôn phần nào hoang dại. Có thể nói là những cái hôn tiền sử, không có món lãng mạn tình tứ của văn minh. Rõ là thế.

Ngoài ra còn có lý do khác không nên kể. Là câu chuyện một khoảnh khắc nọ trong nhận thức của tôi có giá trị ra sao? Về phía Thục, khoảnh khắc ấy được nhận thức như thế nào? Cái nhìn từ phía bên kia Lã Sinh Môn, nó là thế nào? Sự thực ở đâu? Trong lòng Thục ngày nay có còn chút hình bóng kỷ niệm nào về khoảnh khắc ấy? hay lòng nàng trong phút chốc đã trở lại trong vắt như mặt hồ sau sự xao động của một làn gió? Nếu thế, sự việc coi như không hề có, kể lại làm chi?

Thực ra tôi đã không kể nếu sáng hôm qua không ngẫu nhiên gặp Thục trên mặt báo. Trên trang hai của một tờ báo Mỹ. Tờ báo đăng một phóng sự dài ba kỳ về đời sống các gia đình di dân ở quận Orange. Tình cờ mà gia đình nàng được chọn lựa, được nêu tên tuổi hình ảnh đàng hoàng, không thể lầm lẫn. Do đó tôi biết nàng đi Mỹ theo chương trình O.D.P. cuối năm 1988, biết nàng đem theo đàn lũ lê thê bao nhiêu con, bao nhiêu cháu, nàng hiện sống với con nào, rể nào, v.v.

Tôi lặng lẽ nhìn bức hình trên trang báo hồi lâu. Bốn mươi lăm năm tha hồ vẽ vời lên một khuôn mặt. Một mình tôi trong một căn phòng rộng. Mỗi khua động sột soạt của trang báo đều vang lớn.

– A! Lần này thì... lâu ơi là lâu, anh lại được tin của Thục. Thục đâu ngờ anh còn giữ chiếc khăn!

Vâng. Tôi còn giữ. Ðời không phải lúc nào cũng lâm ly, bốn mươi lăm năm qua không phải lúc nào tôi cũng có chiếc khăn của nàng trong túi, không phải lúc nào tôi cũng nhớ tới nó. Phải nhận rằng có thời gian – những thời gian dài – nó nằm im trong va-li, trong rương, trong tủ, vùi lấp dưới nhiều lớp quần áo, không ai biết tới. Tuy nhiên hiện thời thì nó đang ở tại Mỹ. Nói cho rõ: nó đang nằm trong tay tôi đây.

Chiếc khăn thời ấy là khăn tự làm lấy (không phải mua ở tiệm, ở nhà hàng). Một mảnh vải phin, rút chỉ bốn chiều dọc theo mép khăn; và ở một góc nào đó thường có thêu hoặc con chim hoặc nhánh hoa hoặc một vài chữ. Trên chiếc khăn của nàng không thêu thùa gì cả. Tôi vẫn có nó đây. Một hiện diện vô danh chỉ có Trời biết, Ðất biết, tôi biết và nàng biết.

Trong căn phòng vắng, tôi gọi khẽ “Thục”, và tôi lắng nghe. Quái! Tôi không nhận ra tên nàng nữa.

 

Võ Phiến

7 – 1991

Người chuyển bài – HHM -  USA

No comments: