Hồi Ức: Những Năm Tháng Tù Đày – 4.Chiếc còng oan khiên trên đường về Nam
Hôm nay 20 tháng 12 năm 1980
cán bộ, vệ binh súng ống xuống đứng dàn trên phòng y tế, họ tập họp ai được đọc
tên vào mang đồ ra để chuyển trại, lần này cùng đi chung với tôi có Thu, Giao,
Hùng, Luân và nhiều người khác nữa.
Thu nó chả có đồ nhiều, nó phụ
tôi mang quà cáp ra tập trung ngoài trại C. Nghe nói có toán được lệnh
chuyển còng số tám cho mang theo nhiều lắm, các bạn trại A cũng được đưa ra
đây, vậy là đúng như tin đồi thổi di chuyển về xuôi vào khu nông trường Thanh
Phong. Cán bộ thì trấn an các anh về Nam có điều kiện cải tạo gần gia đình. Ba
giờ đêm chúng tôi bị đánh thức để lên xe, tôi, Thu, Giao nói cố gắng đi sát
cạnh nhau và chúng tôi được chở ra nhà ga xe lửa Bình lục Nam Định, đồ đạc nặng
cồng kềnh gói gọn chặt đề tên gởi vào toa xe chở hàng, chúng tôi xuống ngồi đợi
bàn tán búa xua. Họ dẫn bộ chúng tôi tới chỗ xe lửa đậu sẵn, có cán bộ, vệ binh
trại đi áp tải đi theo. Lần này chúng cho ngồi trên toa hành khách có ghế
ngồi từng đôi một, kiểm soát đủ người cho từng toa xong họ nói nguyên tắc
chuyển tù để an toàn, buộc phải còng từng hai người, một người tay trái, một
người tay mặt, lúc đi vệ sinh cả hai người cùng đi, ai đại tiện thì tay còng
chung giơ cao để người chung còng đứng chờ. Tôi còng chung với Giao, xe
chạy cán bộ, vệ binh lên kiểm soát bắt từng cặp dơ cao cho họ nhìn, còng của
tôi và Giao không đến nỗi khít lắm xoay qua xoay lại dễ dàng. Tay của Giao mềm
mại, lúc vệ binh lơi là quan sát chúng tôi phủ khăn che Giao nó thử nhè nhẹ rút
tay trót lọt, tôi và Giao mừng thầm ngồi chung ghế mòn mỏi, nhường nhau đứa nằm
trên ghế,đứa nằm dưới sàn tầu cùng giơ tay ngủ gà ngủ gật. Di chuyển trong đêm
tối lợi dụng đèn trong toa mù mờ, vệ binh lơ là, Giao nó rút tay ra khỏi còng
vẫn phủ khăn ngụy tạo như chăn đắp, chúng tôi có những giây phút dễ chịu. Xe
chạy trên địa phận miền Bắc họ lơi là cửa sổ không bị đóng kín, chúng tôi còn
nhìn thấy làng mạc nhà cửa là cảnh vật lùi vội về phía sau cũng là lần vĩnh
biệt miền đất đã đày đọa chúng tôi. Thổ nhưỡng đã có những lãnh tụ,
cóp nhặt chủ nghĩa man rợ làm kinh thánh để thui chột, làm câm điếc những người
dân miền Bắc suốt mấy chục năm, và để miền Nam chúng tôi thấy được những ông
vua lừa dối vĩ đại. Ngồi trên xe còng chung tay với Giao, tâm trí tôi tìm sâu
trong suy tưởng để thấy tâm hồn mình đang thổn thức, trong suốt những tháng
ngày dài của binh nghiệp tôi chưa hề nghĩ có ngày mình phạm vào điều gì đó để
mang vào tay chiếc còng như kẻ tội phạm. Vậy mà giờ đây tôi đang có nó, là niềm
tủi hổ cho những gì mình không hề mong ước.
Xế trưa xe vào khu vực Nghệ
Tĩnh đón thêm các bạn tù được xe đưa ra đang đứng đợi, chúng tôi dơ cao những
cánh tay bị còng làm các bạn ngỡ ngàng, hai toa cuối dành cho toán Nghệ tĩnh,
vệ binh lăng xăng hối thúc lên nhanh cho tầu chạy. Khu vực vùng đá vôi bạc
trắng khô cằn lùi dần với vận tốc tầu tăng dần để mọi cảnh vật nhoà dần vào
chiều tàn đang tối dần. Xe chạy cả đêm bỏ lại Vinh, bỏ lại Đồng Hới, để sáng rõ
xe qua cầu Hiền lương vào phần đất Quảng Trị. Buổi sáng lác đác người dân đã ra
ruộng vườn trong uể oải, họ cách xa đường xe lửa chỉ thấy loáng thoáng. Toa xe
có những cánh tay với chiếc còng dơ vẫy, họ ngơ ngác gọi dân làng túa ra
tiến nhanh gần đường ray họ kháo nhau “cải tạo về, cải tạo về” trong vui
mừng, đây là chuyến đưa tù đầu tiên từ miền Bắc về sau năm năm bị đày ải xa xứ.
Họ chả có gì thảy lên xe cho tù, họ như tủi buồn thương cảm. Cán bộ công an
chịu trách nhiệm chuyển vận tù về Nam thấy dân chúng miền Nam như có điều gì
còn nhiều gắn bó với những người của chế độ cũ. Họ cho lệnh sập các cửa toa xe
cho dân chúng các thị xã không thấy đoàn tù đang bị xích còng trong khốn cùng.
Chiều ngày hôm sau khoảng hơn
bốn giờ tầu về tới ga chính, ga Đà Nẵng để nhận tiếp than và nước. Tầu được
lệnh dừng tại đây nửa tiếng, vệ binh xuống đứng canh chừng không cho dân đến
gần, họ cho kéo cửa cho tù có không khí để thở. Chúng tôi đồng loạt dơ cao còng
tay vẫy chào hành khách, người bán hàng rong nhốn nháo hô to “cải tạo, cải
tạo bà con ơi,” thế là cảnh ồn ào nhà ga rộn hẵn lên. Các em bán hàng tìm
nhiều cách tiếp cận thảy chuối, bánh téc, thuốc hút vào các toa cho tù, còn các
bà bán hàng thì lén giao bánh trái cho các em để các em ném vào. Cách vài ray
có xe tuyến khác, các em bán hàng cho khách bị công an túm áo xua đuổi, tù
chúng tôi la to “không được ăn hiếp dân, đồ dã man,” thấy tình thế như
bất lợi, tên công an phụ trách đoàn tầu ra lệnh rời ga sớm hơn giờ ấn định. Lúc
tầu chuyển bánh, các em bán hàng còn chạy với thảy vào cho chúng tôi thuốc hút,
ngô, chuối, chúng tôi rời Đà Nẵng trong lưu luyến. Tầu chạy cả đêm qua những
thành phố ven biển, cửa tầu đóng kín, chúng tôi nằm ngồi trong khổ sở, tôi và
Giao khá thoải mái tay chúng tôi được lơi còng nên cũng tìm được những giấc ngủ
thòm thèm. Đêm khuya họ không bắt chúng tôi đưa tay còng cho họ kiểm soát nhưng
lâu lâu họ bước trong chật chội sờ nắn cho bảo đảm. Những lúc như vậy chúng tôi
giả vờ kêu đau rã rời, có những tay công an bị các anh trại A thuần hoá
trong quà cáp chịu chơi cảm thông với tù thật nhân ái, họ nói sẽ có cách giúp
chúng tôi khi về trại, chúng tôi thì kháo nhau chắc được đưa về ga Sóng Thần để
được thả về với gia đình ai cũng thấy vui vui.
Xe vào Nhà Trang và chỉ đậu
trong ít phút, chúng tôi nâng cửa sổ cho dân chúng thấy những cánh tay bị còng.
Họ nhốn nháo gọi nhau ra xem, có những người không dấu được những giọt nước mắt
thương cảm cho hoàn cảnh tù tội của những người lính năm xưa, họ hô với nhau “tù
về, tù về” chỉ ít phút sau tầu chuyển bánh xa rời họ. Xe chạy ngang những
nhà gần sát đường ray, tôi lấy giấy ghi vội vài chữ nhắn về nhà: “Tôi đã
được đưa về Nam vừa đi ngang qua NhaTrang,” ghi địa chỉ thảy vội nhờ bà con
lượm được chuyển giúp. Xe qua ga Mường Mán khoảng năm giờ chiều ngày 23 tháng
12 năm 1980, rồi khi tới ga rừng lá khu vực Ông Đồn thì ngừng lại. Chúng tôi
được lệnh xuống xe lội bộ về trại, cứ hai người một xuống cánh đồng ngô đã thu
hoạch, cạnh đường lộ có xe đậu sẵn chở toán của Nghệ Tĩnh và một số của
trại Nam Hà tách ra về trại Hàm Tân, lững thững di chuyển về trại. Chúng tôi
được biết núi cao đàng xa là núi Chứa Chan, trước năm 1975 là căn cứ thuộc
trung đoàn của SĐ18 trú đóng có tên đồi Phượng vĩ, có anh Lưu Công Vũ khoá 24
võ bị là chiến sĩ xuất sắc thuộc trung đoàn đoạt đông, tại đây anh Vũ đã từng
được Tổng thống Thiệu gắn huy chương và chu du Đài Loan 2 tuần. Nói
nhỏ nó thả cọp về rừng nhưng là cọp của Thế Lữ trong bài thơ “Nhớ Rừng”
thôi.
Về trại bạn tù cũ bị lùa vào
phòng nhốt cả, còn chúng tôi đứng tập trung sáu mươi người một đội, công an họ
cởi còng, chúng tôi được dẫn vào sắp hàng trước buồng 1 đợi đếm số vào buồng. Ở
đây có mấy người bạn là tù cũ làm trật tự theo cán bộ, có nhiệm vụ bấm khoá cửa
buồng. Trong lúc đứng chờ đã mấy ngày chả có giọt nước rửa ráy, có anh Quí, anh
hiền lắm, đứng hàng bìa gần bể nước anh ra khỏi hàng vội múc ca nước xối rửa
mặt bị tù trật tự giật le như dằn mặt đám tù miền Bắc, đến xáng bạt tai Quí bị
chúng tôi bỏ hàng phản đối. Tên trực buồng can thiệp đuổi trật tự về khu tù cũ
yêu cầu chúng tôi vào buồng ngày mai họ giải quyết, chúng tôi tính làm reo
nhưng nghe bạn bè khuyên ngăn, chúng tôi vào buồng trong hậm hực. Chúng tôi la
hét truyền thông báo cho các buồng biết sự việc. Họ cung cấp cơm và nước muối
cho chúng tôi ăn chiều, vào phòng nước trong hồ mát rượi đủ cho chúng tôi tắm
rửa sau mấy ngày đầy bụi đường. Cơm nước chia xong chúng tôi vừa ăn vừa
bàn cho phản ứng vụ Quí bị đánh lúc chiều. Chín giờ kẻng ngủ, trong phòng
họ chừa cho ngọn đèn dễ thấy lối vào nhà vệ sinh.
Là trại kiểu mẫu hàng đầu, các
phòng ốc họ thiết kế khá khang trang, có tường xây vững chắc các cửa sổ có chắn
song thoáng mát, sàn trên của phòng được làm bằng gỗ bào nhẫn gỗ bằng lăng quí
chắc, vệ binh được tăng cường tuần gác khu tù mới về thường xuyên hơn. Sáng hôm
sau kẻng báo thức, đội của tù cũ được mở cửa nhận ăn sáng chuẩn bị đi làm, có
những bạn tù cũ lén chạy sang buồng bên chúng tôi mới về tìm người thân quen,
đa số họ là tù từ cấp trung uý trở xuống, lúc ra tập trung xuất trại, họ chạy
túa sang khu chúng tôi thăm hỏi tíu tít, bị trật tự và trực trại răn đe truy
đuổi. Đợi các đội tù cũ xuất trại đi làm gần mười giờ họ mở cửa cho ra ngoài
sắp hàng điểm danh và các buồng cử người lãnh đồ ăn sáng và nước uống. Chúng
tôi ra sân vận động đợi nhận những gói đồ cồng kềnh đã gởi lúc ra ga Bình lục ở
Nam Định xếp trong toa chứa hàng, nhiều gói đồ xốc méo rơi vãi lẫn lộn từ nhóm
này qua nhóm khác lâu mới tìm ra. Nhận đồ xong họ đọc tên sắp xếp về từng đội,
tôi về đội buồng 4 sát buồng 5 và nhà kỷ luật. Trại có hội trường khá rộng có
sân khấu, xung quanh được trồng hoa kiểng do những người già yếu tưới tỉa. Bây
giờ thì sàn hội trường chứa đầy ngô, có các bạn tù yếu đuối ra đấy ngồi lẩy
bắp.
Chúng tôi ra lân la hỏi
chuyện, họ cho biết trại này họ xử dụng tù làm trật tự. Hắn tên Hải là thiếu uý
cảnh sát, lúc trước là ban võ thuật huấn luyện trung tâm cảnh sát Rạch Dừa
– Vũng Tàu, hắn gian ác về hùa với cán bộ o ép, bắt nạt anh em quá quắt. Hắn
còn dạy võ, takek wando cho tên cán bộ Hợi mà bạn ta đặt tên Yorkshire, cả tên
Việt làm văn hoá, tên Thắng trực trại để chúng có ngón nghề chế ngự anh em. Ai
mà bị nhốt vào nhà kỷ luật là đêm bị đem ra làm bao cát cho chúng dợt võ,
chúng tôi nghe được, thương cảm cho bạn tù cũ. Nhân tiện vụ Hải nó bạt tai Quí
bữa trước, các bạn tôi lập kế diệt ăng ten và trật tự. Tôi ngồi lẫn trong toán
lẩy bắp với tù cũ, bỗng Hùng từ buồng 5 chạy vào chỗ lẫy ngô, mắt dớn dác ngó qua
khu buồng 7 của tù cũ nói tôi canh chừng cán bộ trực trại. Thoáng thấy tên Hải
đang chỉ trỏ trực buồng làm sạch khu bể nước, Hùng nó đứng lên vẫy Hồ Tường,
Vọng, Mẫn và Long Râu chạy ào sang bất ngờ ba bốn anh dùng các thế võ sẵn có
đánh tên Hải nằm sóng xoài, tay phải bị nứt xương, rồi cả bọn chạy vội về lẩn
trong các buồng như để khỏi nhận diện. Sự việc xảy ra làm trực trại và vệ binh
chạy lăng xăng, Ban chỉ Huy trại do thượng uý Đông cho lệnh đánh kẻng báo động.
Chúng tôi được lệnh về tập họp điểm danh, cán bộ cho dẫn Hải sang từng buồng
cho nó nhận diện, nó nhận được Long Râu, Hồ Tường, Vọng, Mẫn còn Hùng nó không
bị nhận ra. Cán bộ an ninh cho lệnh bắt, nhưng tất cả các đội nhốn nháo phản
đối ngăn không cho đi, họ đấu dịu nói cán bộ muốn làm việc riêng với các anh
xong cho về bảo đảm sẽ không kỷ luật. Tuy nhiên chúng tôi cũng không đồng ý cho
bắt lẻ những người bị nhận diện, họ tăng cường vệ binh từ trại B và C vào súng
ống dàn hàng ngang buộc chúng tôi vào buồng và không bắt những người bị tình nghi chúng
tôi miễn cưỡng kéo nhau vào cho họ khoá cửa. Chỉ còn buồng 5 họ chưa chịu vào
cán bộ, vệ binh đến yêu cầu sắp hàng ngay ngắn để từng tổ lần lượt vào buồng.
Cả đội còn đang bảo nhau vào hàng thi tên thượng uý đi vào giữa hai tổ tới
chỗ Vọng nó đang vung tay chỉ trỏ, tên thượng uý đến xô Vọng và kéo nón của
Vọng như xô nó vào hàng, bất chợt Vọng dơ tay bạt vào nón cối của tên cán bộ
văng xuống đất. Nó cúi lượm xong như muốn hành hung Vọng bị Mẫn xáp lại xô tên
thượng uý này ra, vệ binh, cán bộ họ lên đạn đứng dàn bên ngoài, họ cũng dắt
chó vào uy hiếp nhưng họ không dám làm mạnh. Trưởng trại và cán bộ cấp
trên của cục trại giam đi theo về giao tù cho trại đang còn ở đây xuống cho vệ
binh và toán chó nghiệp vụ lui về, họ yêu cầu tất cả vào buồng, sau đó mỗi
buồng cử người đại diện ra gặp cán bộ trại trên hội trường để giải quyết. Chúng
tôi trình bầy sự việc trật tự Hải vô cớ đánh anh Quí và yêu cầu trại bãi bỏ chế
độ xử dụng tù làm trật tự để đàn áp đánh đập những người cùng cảnh ngộ, ngược
lại họ nói ai vi phạm sẽ được kêu làm việc và các anh phải hợp tác với BCH trại
ổn định tiếp tục cải tạo. Vài bữa trước nghe trại Hàm Tân có sự phản kháng nổi
loạn đốt buồng, tuyệt thực đúc thúc tinh thần cho chúng tôi. Trưa nhà bếp đưa
cơm và phát nước cho từng buồng ăn như thường bữa, bỗng chiều ba giờ cán bộ, vệ
binh vào gọi Vũ Phương Long ra gặp cán bộ đi làm việc. Long là đại uý bên LLĐB
của B18 trú đóng tại Mộc Hoá, cuối năm 72, LLĐB bị giải tán, nó xin sang
lực lượng diện địa được cử làm TĐP cho thiếu tá Quang đóng tại đồn Kinh quận 2.
Có lần bị Cộng quân bao vây uy hiếp nặng nề, phi cơ Mỹ lên yểm trợ, bị trở ngại
không có cố vấn Mỹ, bay vòng vòng không ai chỉ điểm, trung tá Springman, cố vấn
trưởng hỏi tôi có ai ở đồn nói được tiếng Anh liên lạc chỉ cho phi cơ oanh
kích, tôi gọi Long cho danh hiệu 81 vào tần số không lực có O V 10 danh hiệu
Covey 3 chỉ hướng cho phi cơ yểm trợ, nghe trong điện đàm pilot khen Long giỏi,
cuối năm 74 nó xin đổi sang Sa Đéc chả được bao lâu thì đi tù. Cán bộ an ninh
làm việc một chập nó bị đưa xuống nhốt ở phòng kỷ luật. Đến lượt buồng 5, Vọng
là toán phục quốc bị đưa ra Bắc năm 77, nó chả sợ bọn công an, cũng bị nhốt như
Long. Nguyễn Mẫn khoá 29 Đà lạt đi tù trong Nam trốn trại bị bắt đưa ra ngoài
Bắc, nó lúc nào cũng hiên ngang đối đáp với cán bộ chẳng sợ sệt. Hồ Tường đại
uý nhảy dù của TĐ3, nó tráng kiện và cứng cỏi cùng Mẫn bị nhốt vào nhà kỷ luật.
Tất cả các buồng bàn tán phản đối trại vì sự giam nhốt này. Buổi chiều nhà bếp
phát cơm, các buồng thông báo nhau không nhận phần cơm, trả lại cho nhà bếp,
chỉ nhận nước uống. Bị phản ứng đồng loạt, trại họ cho người xuống thuyết phục
các anh nhận phần ăn cho có sức, trực trại cho để phần cơm ngoài cửa nói khi
nào cần cán bộ sẽ mở cửa cho đem vào. Những người có quà cáp thăm nuôi thì âm thầm
ăn rỉ rả, các bạn không có đồ thăm nuôi vẫn ra mặt phản đối, chúng tôi bẻ lá
sách cửa sổ đun nấu xì xèo, vệ binh, cán bộ đứng bên ngoài hăm he yếu ớt, chúng
tôi san sẻ cho các bạn không quà cáp ăn tạm. Vụ tuyệt thực này có ảnh
hưởng từ vụ nổi loạn tại Hàm Tân, các bạn ấy cũng đã đốt phòng và cũng tuyệt
thực để một số bị đưa về trại Chí Hoà, một số bị đưa ra trại Tiên Phước – Nha
Trang. Vụ tuyệt thực kéo dài tới trưa hôm sau, chúng tôi nhận lại thực phẩm, họ
cho biên chế xáo trộn để không kéo bè làm reo, nhưng Công an coi tù từ trại A
Nam Hà về bị trại mất tin tưởng nên họ bất cần. Trại cấm chúng tôi không cho
thư từ về gia đình và cấm thăm gặp trong ba tháng. Công an Nam Hà nói muốn gởi
thư về họ gom đem ra Bưu Điện ông Đồn họ gởi cho nên gia đình cũng đã biết tôi
về trại Z30 A Xuân Lộc. Tôi được biên chế về đội 8 nằm kế tôi là Hùng nó chủ
chốt trong vụ đánh trật tự Hải mà không bị phát giác. Cán bộ coi tù tên Thành
mặt nó bành bạnh tựa quạt mo lúc nào cũng như nghênh nghênh, chúng tôi đặt cho
nickname Tony Plate.
Hôm nay tất cả các đội ra tập
họp ngoài sân đợi xuất trại đi lao động, vệ binh, quản giáo xuống đứng dàn hàng
ngang chờ trưởng trại, thượng uý Đông nói chuyện, hắn nói trại thấy các anh đã
có suy nghĩ chuyển biến tốt, trại ưu ái cho các anh được đi lao động bên ngoài
phấn đấu cải tạo tốt, tạo thành tích để sớm về xum họp với gia đình. Đồng thời
hắn cũng nói những hành động vi phạm nội qui của một số cá nhân và của các anh
vừa qua trại có quyết định thi hành kỷ luật ba tháng với các anh Long, Tường,
Mẫn,Vọng, riêng các anh những người từ trại Nam Hà mới về sẽ cắt viết thư báo
về gia đình và sau ba tháng mới được thăm gặp. Ngày lao động đầu tiên tên Thành
ra chỉ tiêu cuốc vỡ đất 100m cho mỗi người, Nhường là đội trưởng, nó và tên
Thành lấy cây đo đạc cho từng người, chúng tôi dàn hàng ngang chống cuốc chuyện
gẫu, nhìn quanh các đội cũ được xua làm xa tuốt bìa rừng. Các đội tù cũ chỉ có
một vệ binh đi theo canh chừng, đội của chúng tôi họ tăng cường hai vệ binh
canh giữ. Quản giáo và đội trưởng hối, chúng tôi cuốc à ới cho có lệ gần tới
giờ giải lao chưa nhích được 10m, tên Thành cúp không cho giải lao. Chúng tôi
đứng nghỉ ngoài nắng, hết giờ nghỉ nó cùng hai vệ binh ra đứng như hăm doạ hối
cuốc, chúng tôi bảo nhau cuốc từng nhát người thứ nhất xong người thứ hai bập
cuốc cứ như vậy cho đến người sau cùng và lập lại, cả buổi sáng tới trưa chưa
lên quá 30m. Trước lúc về trại hắn tập họp nói các anh chống đối lao động, sẽ
có biện pháp, hắn cho đội nhập trại sau cùng. Buổi chiều ra hiện trường, hắn
đứng ngoài nắng và đội trưởng đốc thúc cuốc vỡ, chúng tôi cũng dàn hàng ngang
cuốc cầm chừng. Trời mùa này hanh nóng mồ hôi chúng tôi vã ra như tắm, Thành nó
như chịu nắng không nổi nó rút vào nhà lô nghỉ, chúng tôi nhấc cuốc như cùng
động tác. Giờ nghỉ giải lao cũng bị chế tài như hồi sáng, chúng tôi đứng kể
chuyên thiếu lâm cười cho quên cái nóng để xế chiều chúng tôi đồng loạt cuốc
nhanh đến lúc về cũng vượt qua con số 80m. Tối về buồng Hùng nó nói để nó thuần
hoá như hồi ngoài trại Nam Hà đã làm. Ngày hôm sau đi làm Thành tập họp trước
nhà lô hôm nay hắn không nhân nhượng, ai không đạt chỉ tiêu sẽ phải làm cho
xong, ra đứng cuốc được hồi lâu Hùng nó giả vờ vào hút thuốc, nó đưa thuốc ba
số 5 mời Thành và vệ binh tụi họ vui ra mặt. Giờ giải lao nó cho đội vào nghỉ,
buổi cuốc vỡ cũng kha khá để tới giờ trưa những nhát cuốc tiến xa trên 50m.
Chiều đến nắng còn gắt Thành nó cho đội nghỉ thêm 10 phút, chúng tôi ra làm
trong vui vẻ, hắn ngồi trong nhà lô để chúng tôi tự giác ra làm. Mức chỉ tiêu
chưa đạt, Thành cũng không bắt làm hết, tuy nhiên phê bình những nhát cuốc chưa
đủ sâu để bỏ hạt gieo bắp. Sự căng thẳng giữa tù và quản giáo vợi bớt gây gắt,
mấy tay công an theo tù từ Bắc vào bị kỳ thị và đang chờ đưa ra các đội công an
biên phòng bất mãn ra mặt. Có vài tay công an chịu chơi vẫn rất thân thiện với
tù, nhiều buổi tối điểm danh tù vào buồng, nó lẻn xuống trước chui xuống gầm
sàn ngủ của tù nằm ém đợi trực buồng vào kiểm soát chắn song cửa và các chỗ
nghi ngờ khả dĩ tù trốn ra được. Lúc trực buồng ra cho tù vào khoá cửa, nó chui
ra lên sàn trên đợi bạn ta nấu đồ ăn pha cà phê cùng ăn uống nghe bạn ta ca hát
nhạc lính và tiền chiến để sáng ra kẻng báo thức điểm danh buồng xong nó vội
lẻn về lại trên trại.
Những gia đình có con em
chuyển về đây họ lên xin thăm gặp nhưng trại từ chối vì nhóm tù từ ngoài Bắc về
đã vi phạm nội quy gây mất trật tự bị cấm thăm, trại chưa giải quyết. Thân nhân
càm ràm có những lời lẽ như oán trách, ít tuần sau thân nhân nóng lòng muốn
thấy chồng con mình bao năm tháng chưa được gặp họ tụ tập chật cả khu nhà thăm
nuôi. Trại nhượng bộ cho thăm gặp và cho tù viết thư về cho gia đình nhưng cách
thức thăm gặp có sự phân biệt, bàn thăm gặp của tù cũ chỉ là bàn dài đơn chiếc,
thân nhân và tù được ngồi gần gũi, tù miền Bắc bàn dài thăm thẳm là hai chiếc
chập lại có cán bộ ngồi giữa nghe ngóng, thân nhân và tù nói chuyện phải nói to
mới nghe rõ và chỉ vỏn vẹn 15 phút. Tháng sáu có đợt thả các cấp thiếu và trung
uý khá nhiều, gần tám mươi người ra về, các buồng biên chế thu gọn. Lúc tôi mới
về có anh Lăng thiếu uý bên dãy B sang hỏi thăm có ai gặp trung tá Mẫn trước ở
Kiến Tường, các bạn chỉ tôi làm việc ở đó nó làm quen giới thiệu là em rể ông
Mẫn nó làm phòng báo chí SĐ 5. Các anh em đi tù hết chỉ còn cha Hoàn đang coi
xứ dưới Cần Thơ, vợ nó là con gái độc nhất chả có quà cáp cho các anh. Tôi
không gặp ông Mẫn, chỉ gặp Đĩnh là trung uý em của ông ở chung với tôi trại Nam
Hà B chắc cũng gần được về. Nó bảo tôi nhắn gì cho gia đình không nó nói hộ,
tôi nói hàng tháng vợ tôi lên thăm nên đã biết về sinh hoạt của gia đình.
Cũng có những đợt thả tù vào
các dịp mùng 2 tháng 9 và cuối năm, các buồng dãy B gom lại chỉ còn buồng 6,
các buồng trống như đang đợi các đợt về kế tiếp. Cách mấy tháng sau, một hôm họ
giải về khoảng hai tám người thuộc nhóm Fulro được đưa từ vùng cao nguyên về
đây, nhóm tù thượng còn trẻ chỉ vài người nói rõ tiếng kinh còn đa số chỉ bập
bẹ. Trại dồn họ ở buồng trống cuối dãy như để cách ly họ với chúng tôi, tuy
nhiên chúng tôi cũng tìm cách tiếp cận. Họ cho biết trong số họ cấp bậc cao nhất
là tổng trưởng quốc phòng, có mấy thiếu tướng, vài bộ trưởng mà tay nào tay ấy
khờ trâng. Họ cho biết chính phủ tự trị của họ hoạt động dọc biên giới vào sâu
theo khu rừng Gia Rai – Phước Long họ bị lực lượng bộ đội và công an biên phòng
truy lùng vây bắt. Trang bị vũ khí của họ rất thiếu toàn dùng cung tên, và một
số ít súng ống từ thời BK còn sót lại nhưng tinh thần của họ rất đoàn kết và
không chịu khuất phục Cộng sản. Họ về đây chỉ hơn tháng thì tìm cách vượt ngục,
cuộc vượt ngục của họ thật ngoạn mục. Vào lúc nửa đêm khuya của hạ tuần trong
tháng, lợi dụng trời tối và không biết bằng cách nào, cả toán hai tám người của
nhóm họ ra khỏi buồng và leo tường khá cao, lại gần chỗ có vọng gác. Họ vượt
ngục đi sạch, không biết họ có bị bắt lại không nhưng đây là sự chủ quan của
trại, cứ tưởng để họ gần buồng chúng tôi sẽ có sự liên kết nên đã dành cho họ
buồng cuối cách xa. Biết được nhóm Fulro vượt tường ra đi, trại cho báo động
xua vệ binh truy lùng chúng tôi được lệnh không xuất trại buổi sáng, chúng tôi
rến nhìn chỗ họ vượt trốn nhưng vệ binh gác cấm cho lại gần, chúng tôi mong sự
ra đi của họ đừng bị tóm lại.
Có đợt tù ngoài Bắc về từ các
trại Thanh Phong, Thanh Cẩm trám đầy các buồng dẫy B, tôi gặp lại một số bạn cũ
cùng làm việc ở Kiến Tường như Tạo trung uý CTCT, Vương Vi đại uý chồng của cô
Trân, có các cha Tuyên uý như cha Đáng, cha Thám, cha Đại, cha Cường, các cha ở
chung buồng 1. Lúc này tôi thấy có sự rối loạn trong tiêu hoá hay bị đau ê ẩm
vùng dạ dày tôi hay khai bịnh nằm nhà, cũng có mấy đợt nằm bênh xá của trại mà
tìm không ra nguyên nhân đau, tôi về buồng nằm lì ở nhà, nằm cạnh tôi là Hùng
nó cũng đau quặn vùng bụng da nó chớm vàng. Có những lần nó sốt cao biếng ăn
uống người nó rạc hẳn, nó đau mãi đã báo cho gia đình lên thăm đem thuốc trị viêm
gan, nó đừ người mà còn hay dỡn vật judo với tôi. Vài bữa sau nó đau quá phải
đưa lên bệnh xá, nó không còn sinh lực, bên hông phải nó sưng to và tắt thở vì
viêm gan cấp tính, cũng là ngày gia đình từ Mỹ tho lên thăm, trại thỏa thuận
cho gia đình đem về chôn cất. Hùng nó cao to, hay tập thể dục thân hình đẹp,
nghe nói nó là con một, bố mẹ là thương gia giầu có ở Mỹ Tho, nó được cưng
chiều nên lêu lổng học hành chẳng vượt qua bậc Tú Tài, nó tới tuổi đi lính, gia
đình chạy cho về làm ở BTTM nha kỹ thuật. Mỗi lần về phép nó đeo lon thiếu
uý cặp bồ với một thiếu nữ cùng thị xã và đã có với nàng đứa con trai. Lúc
đi tù cháu đã được ba tuổi nhưng không có hôn thú, bị nàng phát hiện là giả sĩ
quan, cô xa lánh và trả đứa bé về cho ba má Hùng. Lúc trình diện cải tạo, nó
khai cấp bậc thiếu uý mà lại là ngành tình báo kỹ thuật nên bị đưa ra Bắc,
nhưng là tay sành sỏi và có nét tay anh chị nên dễ thu hút bạn bè và cả những
tay công an chịu chơi, lần đánh diệt an ten và trật tự, nó là người chủ chốt
nhưng trót lọt. Lúc sáng mấy anh y tế xuống gom đồ của Hùng đưa đi tôi thấy hồn
mình chùng xuống nên đã có những ngôn từ về cho vợ tôi như là sự tuyệt mệnh làm
tôi hối hận.
Có những chuyện xảy ra trong
cảnh tù tội đáng thương, có anh bạn đại uý trong nhóm Thanh Cẩm về được đưa lên
nhà bếp phụ trách nấu nước, nghe bạn bè kể trước năm 1975 anh có bồ nhí xinh
lắm, hay chung sống với cô này. Những ngày cuối của tháng 4 năm 1975 anh sắp
xếp đưa vợ con đi di tản, anh ở lại giao nhà cửa cơ ngơi cho cô bồ nhí và đi
tù. Ở nước ngoài vợ anh thương chồng tù tội gửi tiền về cho chị thăm nuôi. Cơ
ngơi nhà cửa cô bồ nhí bán lần mòn ăn chơi phung phí, anh nhắn vợ gửi năm ngàn
đô la để cô bồ nhí lo cho anh ra. Bà chị biết được báo cho vợ anh biết nên chị
không gửi tiền về, anh buồn khi nghe tin vợ cúp không chi tiền. Cô bồ nhí thì
lơi dần bỏ anh đi lấy bộ đội, bà chị lên thăm xì cho biết anh quặn đau trong
lòng chả chia sẻ với ai. Rồi trưa vài ngày sau đó anh phụ trách hai vạc nước
sôi anh nhảy vào bị phỏng nặng từ vùng bụng trở xuống không cứu nổi, cái chết
của anh làm anh em xúc động, trại thì qui cho là anh trượt chân lúc đổ nước
thêm vào chảo.
Có anh Hoán là đại uý của
SĐ25, anh nhỏ con nhưng cuộc đời anh có những thăng trầm đáng quí, anh kể hồi
năm 1954 lúc 6 hay 7 tuổi gì đó anh từ quê ra nhảy lên xe đò đi lậu xuống Hải
Phòng, lúc lính Pháp đang chuẩn bị về nước anh lẻn xuống tầu, lính Pháp thấy
anh còn bé dấu anh trong buồng của họ. Được họ cho bánh kẹo ăn uống thả thuê,
lênh đênh mấy ngày đến nước Pháp anh được lính lén dấu đưa anh lên bờ, anh đi
lang thang như tìm xem có ai người Việt xin giúp đỡ. Bữa đó là Chúa Nhật anh
đến nhà thờ lớn trong giờ tan lễ, anh gặp người anh họ du học tại đây, anh
khuyên Hoán về Sàigon và dẫn anh đến Sứ quán miền Nam làm thủ tục gởi về Sàigon
cho ông bác. Tầu cập bến nó bỏ đi lang thang nó không kiếm nhà ông bác, nó xin
vào cô nhi viện An Lạc – Tân Định, ở đó nó được đi học qua bậc tiểu học, chiều
về nó trốn ra đi bán báo tối chui vào ngủ. Nó thông minh học nhảy thất lục rồi
ngũ tứ và đậu trung học, nó bỏ cô nhi viện ra ngoài tự lập kiếm tiền đi học qua
được Tú tài 2 thì bị động viên đi lính, ra trường nó về SĐ 25 làm trung đội
trưởng hoạt động vùng Bầu Trai – Hậu Nghĩa. Hành quân dài hạn các ấp xa của phi
trường Bầu Trai, nó đóng quân cạnh nhà dân có mấy cô thợ may, nó lân la làm
quen và chiếm được cảm tình cô chủ khá xinh, chẳng bao lâu cô thợ may có bầu
sinh cho anh đứa con trai. Lúc này anh đã là đại đội trưởng anh nhận nuôi trẻ
mồ côi, anh xin vật liệu của cố vấn Mỹ đem về Thủ Đức xin khu đất cất cơ sở nuôi
trẻ mồ côi. Có cố vấn đại đội giúp đỡ nuôi được 6 hay 7 em, khi Mỹ rút anh lấy
gạo dư của lính và tiền lương của anh nhờ một chị gần đó chăm lo các em. Sau
này anh phát hiện tiệm may của chị là ổ giao liên, các cô thợ may đến học nghề
ra vô tự do, anh biết nhưng thương con anh không nỡ hại chị và cho chị biết
giữa chị và anh là hai chiến tuyến không đội trời chung và âm thầm xa nhau. Đi
tù từ Nam ra Bắc anh cu ki một mình chả có thư từ và thăm nuôi, về đây anh cũng
viết thư về cơ sở cũ thăm hỏi các em. Chị mà anh nhờ trông coi các em vẫn độc
thân, có lần dẫn vài em lên thăm bố, anh cảm động và tự hứa sau này được về anh
sẽ gắn bó với chị chăm sóc các em. Thời gian anh ở tù cô thợ may cũng đôi lần
dắt con lên cơ sở nuôi trẻ của anh và ở lại đó vài ngày. Sau lần Hiệp thương
Nam – Bắc đám mặt trận giải phóng bị cho cho về vườn cả lũ, chị cảm thấy ê chề,
mình chị nuôi con trong nghèo túng. Nghe tin anh về đây, chị dẫn con lên thăm
bố, giấy thăm nuôi báo anh có con lên thăm anh tưởng mấy đứa con nuôi ở Thủ Đức
lên thăm, ra thì gặp con anh nay đã 13 tuổi. Bố con mừng rỡ, chị thì ngồi xa
xa, anh hỏi bố ghẻ thương con không, nó nói đâu có ai là bố. Lúc chị đến gần
anh hỏi Bác và Đảng hết dùng chị làm giao liên và bây giờ Bác và Đảng của chị
giao nhiệm vụ gì để chị dụ anh, chị nói họ lừa dối và muốn sau này anh về với
chị cho con có cha. Anh khẳng định giữa anh và chị đường ai nấy đi, và báo cho
biết người trông coi các em sẽ là vợ tương lai của anh, cô ấy có quyền đánh
ghen với cô. Chị trách anh không thương con, anh nói lúc nào anh cũng thương vì
nó là dòng máu của anh, chị và con ra về trong chua xót.
Có anh Lộc khoá 29 Võ bị, anh
là SVSQ xuất xắc được cử sang học trường Hoàng Gia – Úc, khi trường mãn khoá
anh về nước để gắn lon, anh kẹt ở lại bị đặt là thành phần gián điệp đưa ra
tuốt ngoài Bắc.
Cùng làm với tôi ở Mộc Hoá năm
1966, có anh Ty sau này lên đại uý, chúng tôi đặt cho anh là Ty bựa. Về đây đi
làm vài tháng anh khai bệnh tê bại không đi làm, cán bộ kêu ra gặp anh chống
gậy đi chậm thật khó khăn anh chỉ vùng tê bại đi đứng khó khăn, nhưng lúc đội
đi làm anh về buồng đi tắm rửa nấu ăn cười khoái trá, bị báo cáo. Có hôm quản
giáo chơi cú hồi mã thương, đội ra đi làm anh ta lẻn về phục kích xem Ty còn
chống gậy không, yên trí đội đi làm là an toàn, Ty bỏ gậy chạy ra hồ tắm kẻo
vòi tắt nước, thấy cán bộ nó giả vờ run rẩy té xuống rãnh mương nhờ trực buồng
dìu vào buồng, cán bộ chả nói gì bỏ đi ra ngoài. Kẻng chiều đi làm, Ty bị gọi
đi làm nó lì không ra cán bộ, hai vệ binh dùng sức khiêng Ty, nó vùng vẫy kêu la
cán bộ trại ức hiếp tù, các đội đi làm hết họ để Ty nằm giữa sân cho tha hồ kêu
la. Nằm vậy cả tiếng chả ai nói động, trực buồng thương hại đem gậy cho Ty
chống dìu chậm về buồng, diễn vở kịch thấy bạn bè không hưởng ứng, Ty thấy ngại
mấy ngay sau đi làm nhưng ngồi góc nhà lô nghỉ, vài tháng sau có nhiều đợt thả
về, trong đó có Ty, nó bây giờ hết bệnh tựa phép lạ.
Số chúng tôi còn lại họ cho
chuyển qua trại B, tôi bị biên chế về đội 2 nằm sát nhà bếp, chung với các đội
từ Thanh Phong mới về đa số ngành cảnh sát an ninh và viên chức hành chánh. Đội
trưởng là anh Văn Bá Khanh, thiếu tá cảnh sát, anh hiền hoà lịch lãm, biết tôi
bệnh từ bên khu A, anh nói cứ nghỉ, với cán bộ anh lựa lời cho cán bộ làm ngơ.
Anh chàng cán bộ này thật thà và hiền, anh nói sắp về cưới vợ ngoài Bắc mà
không có tiền, anh em tù thông cảm quyên góp hai đội cùng buồng một số tiền cho
anh về làm đám cưới, anh cảm động dành nhiều thiện cảm với tù. Ở nhà mãi thấy
bất tiện, tôi nói anh Khanh nhờ cán bộ đề xuất cho tôi sang đội già yếu bệnh hoạn,
ít lâu sau tôi được chấp nhận, tuy nhiên tôi bị cán bộ Xuân kêu ra biểu đi tới
đi lui cho hắn coi xem phải tôi bệnh giả vờ chăng, sau đó họ cho tôi biên chế
vào đội già nua bệnh hoạn. Đội này có những nhân vật cao cấp của Chính phủ, như
ông Nguyễn Đình Xướng chánh văn phòng phủ thủ tướng, ông Nguyễn Văn Anh sứ thần
VNCH tại các nước trong khối Bắc Phi, đại tá Đức chỉ Huy phó trường CTCT. Nhóm
VNTT nghe lời xúi của dân biểu Nhữ Văn Uý cũng gọi là dân biểu “bằng bằng”
lúc làm trong hạ viện ông đã rút súng bắn thị uy trong hạ viện, một mình ông
đòi Mỹ cấp tầu cho những người di tản sang Guam. Nhớ gia đình một số nhớ quê
hương xin về lại VN, Mỹ khuyên ngăn, họ làm reo biểu tình có ông Uý hô hào ủng
hộ. Viên chức ở đảo Guam đưa ra hai lựa chọn, họ mở hai lối một lối chỉ vào khu
ở lại đảo để đi Mỹ, một lối ra khu vực tập trung để có phương tiện về VN. Ông
Uý cổ võ chỉ lối ra khu tập trung nhưng ông ở lại, họ dùng tầu của VNTT di tản
đậu ở đây, họ cung cấp xăng dầu, nước uống thực phẩm và hướng dẫn ra hải phận Quốc
Tế. Lúc xuống tầu họ xin sơn các mầu để họ vẽ chân dung ông Hồ, tầu di chuyển
về gần hải phận VN, được thông báo nhà cầm quyền VN cho tầu ra đón đưa về Nha
Trang. Tầu VNTT trưng hình ông Hồ như để tạo niềm tin, tầu cập chỗ bãi cát vắng
vẻ, họ tập trung phân loại, thanh niên lính tráng đứng riêng, đàn bà trẻ em một
phía, họ cho khám xét từng ve quần nẹp áo. Thanh niên và lính tráng họ chở về
nhốt ở nhà tù Khánh Hoà, sáu tháng sau họ thanh lọc đưa vào nhốt trại ở Z 30 A,
đa số họ cho đi làm lâm sản chặt cây đốn củi bán tự giác. Nằm đối diện tôi là
thiếu tá Phê, trưởng phòng 2 Ninh Thuận, vợ lên thăm xỉ vả đồ thứ ngu không
đáng ăn cám, anh về kể lại ngồi thừ như sám hối. Cùng toán với anh có Khinh là
trung uý trực thăng, anh phét lác chả có căn cứ, anh nói đang lái trực thăng
cho chủ một nông trại, bỏ vợ còn trẻ ở lại thương nhớ vợ nên xin về trong khi
anh cùng toán ở Guam chưa đặt chân tới Mỹ, tôi được Thống là thượng sĩ cơ khí
nói đừng nghe nó.
Cuối năm 1983 có đợt một số
đại tá và trung tá về đây, tôi gặp lại ông tỉnh Huy, ông quận Mẫn, ông quận
Đạo, hai ông quận chung trại B với tôi, ông Huy bên trại A. Dịp Tết họ cho hai
trại thông thương gặp nhau, đội bệnh chung với tôi có anh Đang thiếu tá khoá 16
với ông Huy, các anh gặp nhau cùng khoá tâm tình nhau từng hoàn cảnh hồi năm
1975, anh về nói với tôi thằng Huy nó anh hùng nó tính tự sát ngày 30 tháng 4
năm 1975 để khỏi lọt tay CS. Tôi cười bảo anh muốn biết ổng anh hùng như nào,
tôi là nhân chứng sau cùng của Mộc Hóa để tôi kể cho anh nghe, anh bảo vậy mà nó
kể với tụi tao như anh hùng. Tôi còn được biết sau này ông lên làm trên ban văn
hoá, mỗi tối cán bộ trực điểm danh ông đi theo sau để khoá cửa buồng, bị bạn bè
xỉ vả thậm tệ.
Xuyến Trịnh
304Đen –
Llttm - VT
No comments:
Post a Comment