Wednesday, September 18, 2019

Bạn Hiền - Đoàn Thị


Bạn Hiền
 
 
 

Tất cả sinh viên học trước năm 75, từ năm thứ hai đến Cử Nhân, bị gọi là « tàn dư Mỹ ngụy »  được gom vào lớp « Bổ Túc » phân chia theo chuyên môn như Triết, Việt Ngữ, Sử Địa, Ngoại Ngữ…
Lớp bổ túc Ngoại Văn khoảng 200 sinh viên, Anh văn chiếm 3 phần 4 quân số, Pháp văn tròm trèm 50 trò, nữ sinh viên thuộc phe đa số áp đảo.

Chương trình của ĐH Tổng Hợp lạ hoắc với Văn Khoa ngày xưa, ngoại ngữ « tạm quên đi em », cán cộng Hà Nội vào đây có ai rành tiếng Pháp để đứng lớp đâu.
Lịch sử đảng, cán cộng say sưa thuyết trình khiến dám tàn dư chúng tôi nghe muốn xỉu, thứ ngôn từ sáo rỗng, dối trá mà cán khờ dại tập kết ra Bắc, trở vô Nam nửa đùa nửa than thở qua câu nói lái « chú phỉnh tôi rồi chính phủ ơi ».

Chính trị, kinh tế Mác Lê, cán bộ thuyết pháp « thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa CS » khiến cả đám ngẩn tò te chả hiểu chi cả, chán đời thật, lũ chúng tôi sinh nhầm thế kỷ bị đầu độc dài dài.
Về nhà tôi đọc tài liệu đến mờ mắt và tự hỏi « làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu » là cái quỷ gì mà cán ngố la rát họng như dân bán thuốc mãi võ sơn đông ở chợ quê.

Kết quả bài kiểm tra chính trị của chúng tôi là những bản sao chép lẫn nhau, đoàn viên ban cờ đỏ (Đoàn thanh niên CS) hài tội chúng tôi một trận rồi ra hình phạt viết bản « tự kiểm điểm ».
Đám tàn dư chúng tôi « học đại » để trốn lao động CS và « tổng hợp » một sự thật phủ phàng, dân Mỹ ngụy, nhảy nhót, hippie thứ thiệt, bạn cũ hồi trước, bây giờ « thoát tục » rũ bỏ cuộc sống văn minh, mang dép râu, đội nón tai bèo, quần đen áo bà ba giai nhập Đoàn, Đảng để trục lợi.

Sau hai năm học « đại trà » chủ nghĩa CS, lớp Pháp văn chúng tôi có vài chục giờ thực tập với thầy Nghiêm Hồng, cô Hoàng Ly rồi đồng loạt tốt nghiệp với mảnh bằng Cao Đẳng.
Khóa học hai năm ở trường Văn Khoa đã kết thúc, ban Pháp văn có vài bạn được bổ nhiệm về công ty Du Lịch thành phố, Dầu khí Vũng Tàu, ĐH Kinh Tế (Luật khoa), ĐH Y Khoa…, số còn lại làm nghề « gõ đầu trẻ con ».

Tôi đi ra cổng tay cầm giấy bổ nhiệm về Long An dạy học, nắng chiều đã tắt, vài cánh phượng đỏ nở muộn bên sân trường, hết rồi Văn Khoa Sàigòn ngày đó với bao mộng mơ thời con gái.
Đón chuyến xe đò chen chúc dân buôn đường dài về Long An, lấy thêm một đoạn xe lam rồi đi bộ đến trường làng, sự mệt nhọc chưa đủ sức đánh bại tôi bằng câu nói giận dữ của lão hiệu trưởng.

Văn phòng hiệu trưởng mới xây, nền nhà lát gạch láng coóng, tôi gõ cửa rồi hăng hái đi nhanh về phía trước, tiếng guốc nện xuống nền nhà như đánh thức vị chủ nhân đang ngủ gật sau bàn làm việc.
Bỗng cán cuốc nhìn tôi trân trân, quát lên :

– Đứng lại đó.
Tôi muốn đứng tim, ấp úng :

– Thưa thầy tại sao ạ ?
Hiệu trưởng chỉnh lại cặp kiếng, nhăn nhó :

– Văn phòng lát gạch mới toanh, thế mà chị lại đi guốc thế này làm trầy sướt gạch hoa đấy, chị trở ra ngay, bỏ guốc ngoài cửa, đi chân đất vào đây.
Giời ạ, cán cuốc làm tôi nhớ đến nữ hoàng chân đất Khánh Ly ngày xưa, cái thú để chân trần chạm vào nền nhà nghe hồn non nước quyện vào tiếng hát nó hay làm sao ý.
Chừ cán cuốc bảo tôi đi chân đất vì sợ gạch bông mất màu, sao mà thô thiển, nghèo nàn, u tối quá.

Tôi đành trở ra bỏ guốc ngoài cửa và « đánh rơi cái nghiệp gõ đầu trẻ » ngay trên thềm nhà, làm sao tôi có thể làm việc với cán ngố quý mấy viên gạch hơn con người.
Trở về Sàigòn, vô tình gặp Thủy ngoài chợ, tôi kể chuyện đi Long An bị « ăn guốc » của cán cuốc đành bỏ nghề, nó bảo tôi nộp đơn xin việc vô nhà máy Dệt vì họ đang cần thông dịch viên.

Thủy có con nhỏ được ưu tiên nhận việc tại Sàigòn, Thủy về nhà máy dệt Thắng Lợi Bà Quẹo (Vinatexco trước 75) làm việc cho công trình xây cất phân xưởng sợi do chính phủ Pháp viện trợ.
Soạn lại hồ sơ tốt nghiệp, tôi trở lại trường « báo cáo » với trưởng phòng Tổ Chức (phòng Nhân Sự) chuyện Long An không thành, tuy nhiên nhà máy Dệt đang cần nhân viên nên xin xếp cho tôi giấy giới thiệu đi xin việc.

May mà cán bộ là dân tập kết có cảm tình với dân Miền Nam nên viết cho tôi tờ giới thiệu bằng giấy « Pơ luy » mỏng tè (giấy tái chế) nhưng lại có gía trị ngàn vàng đối với tôi.
Hôm sau tôi đón xe lam lên Bà Quẹo, tới cổng nhà máy, tôi trình bảo vệ giấy giới thiệu của trường.
Cậu trẻ rặc nét nông dân (chắc là dân nằm vùng) lật tới lật lui mảnh giấy, hỏi :


– Chị tới đây làm gì ?
Câu hỏi làm tôi giật mình, không lẽ chú em mù chữ, tôi nín cười, nhỏ nhẹ :
– Trong giấy ghi rõ mà, tôi tới đây nộp đơn xin việc.
Hắn cười thật ngây ngô :
– Sao chị không nói ngay từ đầu cho rồi, đưa tui tờ giấy này làm chi, thôi chị vô đi.

Đứng trước phòng Tổ Chức tôi tần ngần rồi gõ cửa, hiên ngang mang guốc bước vào phòng vì gạch bông không bóng lộng như dưới Long An mà đã ngã màu thời gian.
Tôi lên tiếng :

– Chào chú, cháu nghe nói nhà máy cần tuyển thông dịch nên mang hồ sơ và giấy giới thiệu của trường nộp cho chú.
Cán bộ bảo tôi ngồi, rót tách trà mời tôi, đọc sơ qua hồ sơ và bắt đầu thẩm vấn :

– Cháu tốt nghiệp cùng trường với Thủy, chắc thông thạo tiếng Tây.
Tôi gật đầu xác nhận, cán bộ bèn nói như ri :

– Vậy cháu dịch thử câu này, nếu chú hiểu, sẽ nhận cháu vào làm ngay.
Tôi mừng rên :

– Vâng, chú cứ viết ra giấy, cháu sẽ dịch ra tiếng Việt.
Cán bộ khoát tay :

– Không cần đâu, chú đọc rồi cháu dịch ngay.
Tôi đâm run, nhỡ cụ cán đọc tiếng Tây theo kiểu « nên nầu » (lên lầu) coi như tôi toi mạng.
Thấy tôi ngớ ra, cụ trấn an :


– Không khó lắm đâu, cháu nghe nhé, « huýt sơ măng bông xên » là gì ?
Tôi thất kinh hồn vía, từ thuở cha sinh mẹ đẻ tôi chưa từng nghe câu tiếng Pháp như rứa bao giờ, ngay như thầy Tây dạy Văn Khoa trước 75, có ai nói « sơ măng, sơ miết » gì đâu, tôi sững sờ không biết cụ cán định giăng bẫy mình cái gì đây ?

Bỗng cụ cười ngất làm tôi giựt mình, rồi nói ngay :
– Chỉ là cách nói lái của câu, « quăng sơ mít bên sông » đó thôi, mai cháu đến nhận việc.

Hú hồn, tôi trúng tuyển thật bất ngờ, sống với cán cộng hơn hai năm nhưng dân Miền Nam vẫn chưa hoàn hồn vì ngôn ngữ ngu ngơ, u tối không giống ai của họ.
Chiều hôm đó tôi qua nhà Thủy báo tin vui, không quên kể về câu đố cười ra nước mắt làm tôi suýt đứng tim.

Sáng hôm sau tôi theo Thủy ra đầu hẻm xóm Kiến Thiết chờ xe ca Thắng Lợi đưa lên Bà Quẹo.
Hai đứa tôi làm trong Ban Kiến Thiết, trực thuộc phòng kỹ thuật có một KTS, một KS Công Chánh tốt nghiệp trước 75 và vài nhân viên kỹ thuật khác dân VNCH nên không khí khá thoải mái.

Tuy là quân số của phòng kỹ thuật nhưng người quản lý chặt chẻ chúng tôi là công an Cư, gã công an gốc bắc bộ, mồ côi cha mẹ được đảng nuôi trồng, tàn nhẫn, ác ôn như chế độ CS vô lại.
Nhận việc được hai tuần, công an bảo Thủy với tôi ngày mai mặc áo dài ra phi trường đón chuyên gia, Thủy bày cho tôi ủi áo dài rồi quấn tròn theo ống giấy cứng mang đến nhà máy, vì hằng ngày chúng tôi phải mặc đồng phục, nên chỉ thay áo dài trước khi ra phi trường.

Tôi chả hứng thú đi đón khách, vì khi mặc áo dài tôi thấy mình như xa cách đồng bào Miền Nam rách bươm chạy gạo từng ngày, chiếc áo dài lãng mạn của tôi đã đột tử từ lúc Sàigòn bị đổi tên.
Phi trường Tân Sơn Nhất đầu thập niên tám mươi, mỗi tuần chỉ có một chuyến Hàng Không Pháp hạ cánh, phi đạo trống trơn, sân bãi vắng hoe, lác đác vài xe cán cộng đón khách.

Dạo đó Thụy Điển viện trợ nhà máy giấy Bãy Bằng ngoài Bắc, trong Nam Pháp xây nhà máy xi măng Hà Tiên, phân xưởng Sợi nhà máy dệt Thắng Lợi.
Thủy với tôi như cặp bài trùng, hai đứa quen nhau từ Văn Khoa, chia nhau việc công trường mà làm, chúng tôi ít có dịp la cà các phòng ban khác nên mang tiếng hách dịch.

Cũng khó làm thân với nhân viên Tài Vụ (kế Toán) như Trác, trước 75 ngoài giờ học hắn đạp xích lô từng đánh lính Mỹ say xỉn giựt bóp, Thức cán cộng và đám bộ đội tràn ngập nhà máy.
Vài tháng sau, công an Cư dẫn Vy đến giới thiệu với chúng tôi, đồng nghiệp mới, tốt nghiệp ĐH Sư Phạm, cựu học sinh Marie Curie.

Vy có người nhà quen sở công an thành phố nên được nhận thẳng vào đây, ban đầu chúng tôi nghi con nhỏ nằm vùng, sau mới biết Vy cũng là dân « tàn dư Mỹ ngụy » như chúng tôi.
Giờ nghỉ trưa ba đứa đóng cửa phòng làm việc, tỉ tê « tâm sự đời tui », ba đứa cùng tuổi Ngọ, một mảnh tình đầu vắt vai, vì tình đầu không là tình cuối nên « cố nhân ơi đành hẹn kiếp sau ».

Thủy và tôi có bồ ra đi trước ngày 30 tháng tư 75, tôi chán đời tới mức muốn đi tu cho rồi đời, nhưng tôi chưa tới số và sân si sự đời một bụng làm răng bước vào thiền môn.
Thủy xinh nhất trong ba đứa, nàng lấy cây si từng đứng xớ rớ nhìn nàng sánh vai người yêu đi boum dạo trước, giờ nàng đã một con « trông mòn con mắt », tươi trẻ chứ không héo úa như tôi.

Chồng Thủy tốt nghiệp bên Kinh Tế (ĐH Luật), sinh viên ra trường dạo đó không ai dám đào nhiệm vì sợ bị bắt đi nghĩa vụ quân sự, năm 78 chiến sự ở biên giới Cambốt đang nóng hổi.
Anh bị đưa về Cà Mau làm việc, mỗi tháng về thăm nhà một lần, tình nghĩa vợ chồng vừa tròn hai năm chưa đủ mặn nồng, anh cặp bồ với đồng nghiệp, cô nàng viết thư tình gửi về nhà Thủy mới ác.

Về phép lần này chồng Thủy tái mặt khi Thủy dằn bức thư tình trên bàn, chiến sự bùng nổ, sáng hôm sau Thủy đi làm với cặp mắt sưng húp.
Vy và tôi nghe tâm sự của Thủy buồn lây, không biết nói gì để an ủi bạn, nên thay nhau đi công trường để Thủy ở lại văn phòng nghiền ngẫm thân phận bạc mệnh của đứa hồng nhan.

Vy yêu anh Long, suốt bốn năm tình lận đận vì bản tính đỏng đảnh thỉnh thoảng con nhỏ nổi cơn thịnh nộ vô cớ hành hạ anh, mặc cho anh kiên nhẫn xin lỗi làm hòa dù anh chẳng có lỗi.
Lần cuối cùng anh không làm hòa, không xin lỗi, anh dứt áo ra đi, chờ dợi mòn mỏi anh vẫn biệt tâm, cuối cùng Vy chợt hiểu chuyện hai người đã chấm dứt, anh đã thật sự ra đi.

Một sáng thứ hai Vy vát đôi mắt sưng vều được che dưới cặp kiếng râm đi làm, Thủy và tôi im re, chả dám hỏi han gì sợ cô nàng khóc oà lên.
Sau giờ cơm trưa, sau cánh cửa văn phòng đóng kín, hai đứa tôi tiếp tục lặng thinh, vì lúc này « nói năng chi cũng thừa ».
Con nhỏ nói qua tiếng nấc :

– Hôm qua đi phố, Vy gặp anh Long đi chơi với cô bồ mới, Tây lai khá xinh, Vy đến chào anh, đã không trả lời mà anh còn làm lơ như không hề quen biết, Vy buồn quá khóc cả ngày hôm qua.

Dứt lời Vy lại khóc, khóc như mưa mặc cho hai đứa tôi trơ ra như đá, biết nói gì khi chúng tôi không thể mang anh Long trở về với Vy.
Tôi bỗng sợ tình yêu, quá rắc rối sự đời, hay tại tôi chưa yêu tới bến nên không hiểu « yêu rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu » là điều kiện không thể thiếu của mọi cuộc tình.

Vy với tôi, hai đứa cô đơn, sầu đời, sau giờ làm việc chả biết làm gì cho hết ngày bèn rủ nhau đi ăn hàng từ rạp hát Minh Châu đường Trương Minh Giảng, đến chợ Tân Định hoặc chợ nhỏ trong hẻm cạnh nhà Vy đường Yên Đỗ.
Vy dẫn tôi về nhà cho biết các em của nàng, Vy còn giới thiệu thằng em họ Duy Hưng, sinh viên Nha khoa, học trò giỏi, trò cưng của cô H.Q  dạo đó ở ĐH Nha khoa, hắn hứa sẽ đưa hai đứa tôi đi làm « nha tru » miễn phí.

Như đã hứa, hắn dẫn Vy với tôi gửi gấm cho đám bạn trong giờ thực tập, chà xi đáng bóng hai hàm răng ngã màu thời gian của chúng tôi.
Đúng là trao duyên lầm đám thực tập, lớp men răng cuối cùng bị đánh bật, hai đứa tôi « ăn rê » (ê răng) cả tuần, đành giả biệt bún riêu, bún bò Huế, mì, phở…

Từ đó tôi chừa không dám bén mãn đến trường Nha dù thuở đó có dịch vụ chữa, nhổ răng với giá nhà nước, rẻ hơn nha sĩ tư, do sinh viên thực tập đảm nhiệm.
Một hôm Vy kể cho tôi nghe về người bạn thời trung học, hiện là thầy dạy toán trường trung học gần ngã tư Bảy Hiền, con nhà giàu, hiền lành, chưa hề có nguời yêu, lại mồ côi mẹ, đứa nào lấy hắn không sợ cảnh mẹ chồng ăn hiếp con dâu.

Tưởng chuyện nghe rồi bỏ qua, ai dè, đứa nào đó lại là tôi, Vy sợ tôi ế chồng, biết tôi dị ứng việt cộng, mà trai tráng Cộng Hòa đi tù cải tạo chưa về, đi vượt biên gần hết, sợ tôi ngồi chờ họ như « Hòn vọng phu » sẽ hóa đá nay mai nàng bèn ra tay nghĩa hiệp.
Sau khi « hai hàm răng đã vui trở lại », hai đứa tôi tiếp tục đi ăn hàng, Vy rủ tôi ra chợ Phú Nhuận. Con nhỏ đạo diễn buổi gặp đầu tiên thật cổ điển, chúng tôi vừa xề vào hàng chè, Dinh, gã thầy giáo ghé vào chào Vy rồi tự nhiên kéo ghế nhập cuộc.

Hắn gọi ba ly chè, thêm ba ly nữa câu chuyện hàn huyên của họ vừa dứt, tôi xin kiếu, Vy nhờ Dinh đưa tôi về nhà.
Hôm sau đi làm, Vy kể, sau khi đưa tôi về, Dinh đến nhà Vy rối rít cảm ơn Vy đã giới thiệu tôi cho hắn, con nhỏ chắc mẫm, hai đứa tôi cùng tuổi sẽ nằm dủi mà ăn, trước sau gì cũng sẽ lấy nhau.
Từ đó thỉnh thoảng chúng tôi tụ tập nhà vợ chồng Lê, bạn của Dinh và Vy, ăn cơm hoặc uống cà phê tán dóc, sau vài lần đi chung, Vy cáo bận vào giờ chót để tôi đi với Dinh đến nhà Lê.

Có lần Dinh và tôi bất đồng ý kiến về chuyện thời cuộc, thế là hắn sửng cồ, tuy hắn xin lỗi ngay sau đó nhưng tôi ớn tính độc đoán đáng sợ của hắn nên quyết định sẽ rút lui khỏi cuộc chơi.
Sau khi kể đầu đuôi câu chuyện cho Vy nghe, tôi nói :

– Mình sẽ không đi với Dinh đến nhà Lê nữa để tránh hiểu lầm, thật sự ngay từ đầu mình không có « cảm giác » gì với hắn cả, giờ thì mình hiểu giữa hai đứa chỉ có tình bạn thôi.
Vy khó chịu, xỉa xói :

– Em van chị, chị ế chồng chỏng gộng còn đỏng đảnh, người ta lỡ lời đã xin lỗi rồi, con nhà giàu này nhé, chị không phải làm dâu, thế còn muốn gì nữa ?
Tôi trêu Vy :

– Lạ chửa chuyện tình cảm mà Vy đong đếm như gạo đường, thế cô đã hết yêu anh Long chưa ?
Vy không trả lời, con nhỏ tiếc mối tình sẽ đẹp như mơ nếu tôi ưng Dinh, giờ thì bao toan tính của Vy hỏng bét nên Vy giận tôi, giận lắm, không thèm nói chuyện với tôi mấy ngày liền.

Đành chịu lỗi với Vy, bạn hiền ơi con tim có lý lẽ riêng, nếu thật lòng quý mến tôi, hãy cho tôi cơ hội làm lành với bạn, và tôi tin vài ngày nữa thôi hai đứa tôi lại rủ nhau đi ăn hàng.
Bỗng Vy xin nghỉ ốm cả tuần và tiếp tục vắng mặt, mấy tuần sau Dinh đến nhà cho tôi biết gia đình đóng vàng cho Vy ra đi theo chương trình « bán chính thức » và đã đến đảo Mã Lai.

Tôi bàng hoàng, mừng cho bạn đã đến đích, buồn cho mình mất đi cô bạn đáng yêu, chưa kịp nói lời cảm ơn tình cảm quý giá Vy dành cho tôi, giờ thì đã muộn mất rồi, bạn đã xa tôi thật rồi.
Nhớ lắm bạn hiền ơi, những sáng thứ bảy Vy đến nhà chở tôi đi xe đạp lên bà Quẹo làm việc, những buổi la cà ăn hàng chợ Tân Định, quen nhau hơn một năm mà thân nhau như từ thuở nào.

Đang buồn vừa xa Vy, Thủy lại gặp chuyện rắc rối, chủ nhật vừa rồi Thủy đi phố, gặp Tây chào hỏi vài câu xã giao, hôm sau công an Cư vặn vẹo con nhỏ cả tiếng và bắt viết bản tự kiểm điểm.
Tội nghiệp con nhỏ khóc tức tưởi, đám công an chìm ngoài phố thêm thắc điều chi đó nên Thủy bị tra khảo, chất vấn, vu khống y như Thủy là tình báo mật vụ.

Thủy bị khiển trách lần thứ hai vì nhận hộp chocolat của Tây mà không báo cáo, viết xong bản tự kiểm, công an Cư đề nghị chuyển Thủy vào phòng thí nghiệm tơ sợi bên nhà máy và công an TP ra chỉ thị cấm không cho Thủy hành nghề thông dịch.
Tôi không ngửi nổi bọn công an ngu xuẩn, mù quáng, tôi tránh xa tên đồ tể ám hại Thủy, chỉ giao tiếp khi cần thiết, hắn cũng biết tôi ghét cán cộng, nhưng tôi cũng chả làm gì quấy để hắn bắt nạt.

Bản án làm gương đe nẹt chúng tôi, hai bạn ra đi để lại một khoảng trống lớn, thiếu tiếng cười, và cả tiếng khóc của hai bạn, « chúng mình ba đứa » giờ chỉ còn tôi lẻ loi.
Tôi gặp chàng ngoài công trường, tôi không mời Dinh dự đám cưới dù chàng biết rõ chuyện mai mối của Vy, chỉ tiếc ngày vui nhất đời tôi lại thiếu cô bạn hiền.

Thỉnh thoảng tôi ghé phòng thí nghiệm sợi thăm Thủy, Thủy sờ bụng tôi gợi nhớ thưở ở Văn khoa, Thủy ôm bầu đến lớp, được miễn tập thể dục, miễn đi lao động CS, thuở vui chơi đa qua rồi.
Vy nghỉ việc, Thủy chuyển công tác, Hà làm bên nhà máy được đưa qua đây thay Vy, con bé cựu học sinh MC, xinh xắn vui vẻ, đào hoa tận mạng, đi đến đâu cây si mọc đến đó.

Nhận việc được một tháng, Tây tặng quà cho Hà, để tránh bị « làm thịt » như Thủy, Hà khôn ngoan tự động đến gặp công an Cư.
Con bé bày quà ra bàn trình báo :

– Chuyên gia  J.B vừa tặng em mấy thứ này, anh Cư chọn một món quà đi.
Công an hớn hở, ngập ngừng cầm chiếc đồng hồ đeo tay ngắm rồi để xuống bàn, nói :

– Anh không nấy (lấy) gì cả.
Hà cười tinh nghịch :

– Không được, anh phải  mang chiếc đồng hồ về cho vợ anh, Hà tặng chị, anh không dính dáng gì đến việc này, chuyện đàn bà vặt vãnh của tụi em mà.
Sau đó Hà bày cho Tây tặng thêm cho vợ công an hộp phấn, thỏi son, quà do chính tay Hà trao lại, từ đó công an Cư tỏ ra cởi mở với chúng tôi hơn.

Con bé hé lộ cho công an biết tụi này đã biết anh nhận quà của Tây, một cái án treo để hắn đừng hòng dọa nạt chúng tôi.
Tội phục lăn con bé, Hà mới tới đã thấy chúng tôi bị bũa vây, kiềm kẹp, con bé « khoá tay » cán cộng ngọt sớt, tiếp cận địch để diệt địch, tuyệt chiêu.

Để bù vào chỗ trống của Vy và Thủy, hai cô cựu học sinh Saint Paul được tăng cường cho đội ngũ thông ngôn, Thu và Khanh, hai đứa cùng trang lứa Hà, nhỏ hơn tôi gần chục tuổi.
Vy, Thủy đi rồi, tôi được lên hàng « đại ca » vì thâm niên và lớn tuổi hơn mấy em, lại sắp làm mẹ. Giờ nghỉ trưa chúng nó ồn ào như chợ vỡ, em nào cũng có chuyện tình lãng mạn kể cho tôi nghe, làm tôi nhớ đến chuyện tình vỡ vụn của ba đứa tôi, ba con Ngọ thất tình dạo đó.

Hà xinh như mộng, đi tới đâu con trai chạy theo đến đó, con bé từng cặp bồ với hai anh em ruột thời trung học, có lần hai thằng về nhà đánh nhau sặc máu mũi.
Hà có hai cây si trong nhà máy, ngày nào hai gã cũng « quà cáp » cho con bé mà tôi là người hưởng sái ngang xương mấy thứ vặt vãnh của kẻ lụy tình.

Xính Xáng, cây si gốc tàu chợ lớn, nhà giàu, cao to, xin làm công nhân để trốn nghĩa vụ quân sự.
Mỗi sáng xe ca lộ trình Chợ Lớn-Bà Quẹo của Hà và Xính Xáng đến trước xe ca của tôi, hai đứa nó ngồi quán đối diện nhà máy uống sữa đậu nành.

Có lần xe ca của tôi vừa tắp vô lề, Hà chờ tôi xuống và kéo tôi vào bàn chúng nó đang ngồi.
Hà đẩy ly sữa đậu nành trước mặt tôi :
– Chị uống đi, sữa nóng hổi đó.

Tôi vui vẻ uống cạn ly, chuông nhà máy báo giờ vào cổng, tôi đứng lên móc bóp bỏ tiền ra bàn.
Hà nắm tay tôi chận lại :
– Chị cất tiền đi, Xính Xáng trả rồi.

Tôi ngạc nhiên, lắc đầu :
– Đâu được, em đưa tiền này cho chú em đi.

Xính Xáng đến bên tôi, ngọng nghịu :
– Chị đừng ngại, ngộ « pao hai nị » mà.

Cứ tưởng « lần đầu là lần cuối », hôm sau « ngộ tiếp tục pao hai nị, ngộ chả tiền dồi », thế là tôi bị việt vị, chỉ biết nói tiếng « tố chè » đáp lễ.
Vào phòng làm việc, tôi nói với Hà :
– Lần sau hai đứa đừng chờ chị, chị sẽ không uống sữa đậu nành nữa nếu Xính Xáng trả tiền trước.

Hà thuyết phục tôi :
– Chị đừng từ chối, nay mai hắn đi vượt biên rồi, hắn muốn làm vui lòng em, còn có bao nhiêu ngày ngồi chung với nhau đâu mà chị ngại.

Hà làm tôi siêu lòng, chạnh nhớ đến Vy, thời buổi này mới gặp đó rồi chia xa, thôi thì cứ uống thêm vài ly, biết đâu sau này muốn nghe giọng Chợ Lớn của hắn cũng không được.
Rồi thành thông lệ, sáng nào tôi cũng uống sữa đậu nành của Xính Xáng mà run, sợ cái bầu trong bụng tôi lậm lòng tốt của gã Chợ Lớn kia mà sổ tiếng Tàu sau này chắc tôi toi mạng với chàng.

Đúng như Hà nói, tháng sau Xính Xáng « vắng mặt », Hà vẫn đợi tôi bên quán sữa đậu nành, hai đứa tôi uống sữa thêm vài tuần rồi thôi, cả hai đều nhớ gã Tàu đa tình con bé kia nên « pao » bà chị đồng nghiệp ngang hông của em.
Cây si thứ hai của Hà, Tân thợ máy của đội xe ca đưa đón công nhân, mỗi trưa được bồi dưỡng độc hại một ly sữa ông Thọ, ngọt lịm, nóng hổi.

Sau giờ cơm, cu cậu trịnh trọng cầm ly sữa đặt trên bàn làm việc của Hà, cười toe toét :
– Hà uống đi, sữa còn nóng đó.

Con bé liếc qua tôi, cười cười :
– Để chút nữa sữa nguội Hà uống.

Hết giờ giải lao, gã si tình đi về xưởng sửa chữa, Hà đẩy ly sữa trước mặt tôi, ra lệnh :
– Chị uống cho em bé trong bụng được khoẻ, em ăn kiêng, sợ mập.

Chuyện này con bé nói thật, trưa nó ăn dứa hoặc trái cây thay cơm nhà bàn để giữ eo, nên ly sữa ông Thọ giữa trưa tôi toàn quyền sử dụng.
Xưởng sợi đi vào thời kỳ hoàn tất, máy đánh bông, máy se quấn sợi được lắp trên bệ máy bê tông. Đám trẻ tất bật chạy ngoài công trường, tôi ở lại láng trại giữ chùa vì cái ba lô tôi đeo ngược ngày càng nặng nề, bà bầu lúc này hay ngủ gật nên chữ viết của tôi nghiêng ngã giống y toa bác sĩ.

Một hôm ông trưởng ban kiến thiết Nhà Máy Giấy Tân Mai xuống Dệt Thắng Lợi xin mua mấy ký vải, ông than với xếp ở đây, chuyên gia Pháp sắp qua VN mà chưa tìm ra thông dịch.
Xếp đề cử tôi, nhưng tôi từ chối vì sắp sinh con không thể đi về Biên Hòa mỗi ngày, Hà xung phong lên Tân Mai, Xính Xáng đã đi rồi nên con nhỏ không còn gì vương vấn chốn này.

Chia tay Hà, tôi tiếc con bé đa tình luôn bỡn cợt với tình yêu, coi tụi con trai nhẹ tênh, nhưng rất dễ thương với bạn bè, số tôi sao cứ phải xa bạn hiền.
Tôi nghỉ sinh con, sáu tháng sau phân xưởng sợi đã hoàn tất và được bàn giao cho nhà máy, phái đoàn Pháp rút về nước, ban kiến thiết giải tán.

Ngày trở lại làm việc tôi được chuyển đến phòng Kỹ Thuật Cơ Điện nhà máy, phụ trách lưu trữ tài liệu Xưởng Sợi, dịch thuật cẩm nang sửa chữa phụ tùng các máy đánh tơi bông sợi, máy xe sợi…
Một mình một cõi với đóng tài liệu chất ngất, tôi chợt nhớ đến ngày xưa Thủy, Vy và tôi, ba đứa vừa dịch tài liệu vừa kể mối tình đầu đời lãng mạn, thơ mộng, đứt đoạn…

Bỗng Vy và tôi nổi hứng đồng thanh, « Tình chỉ đẹp khi còn dang dỡ, đời mất vui… », nói đến đây hai đứa lặng im thấy Thủy chỉnh cặp kiếng cận để che đôi mắt đỏ hoe.
Mười bốn năm sau ngày đen tối của Sàigòn xưa, tôi đi định cư ở xứ này, những ngày đầu vất vã tìm việc, tôi nhận chân bán cơm trong một tiệm ăn của người VN.

Một hôm Hà vào quán ăn trưa, chúng tôi ngẫn ngơ nhìn nhau, không tin vào mắt mình, hai chị em ôm nhau rưng rưng nước mắt.
Chiều hôm đó Hà đón tôi đến nhà chơi, nó đang sống với cu Tiến, thằng mít con trạc tuổi nó, không rành tiếng Việt nhưng rất vui biết Hà vừa tìm ra bà chị hờ ngày xưa.

Sau đó Hà sống với Thomas, lại mang tôi ra giới thiệu với bồ mới, sau này là ông xã của nó.
Suốt ba năm qua lại với Hà lúc nào con nhỏ cũng dẫn tôi đi ăn hàng đó đây và không cho tôi trả tiền, viện cớ tôi mới qua chưa có tiền rủng rỉnh, trong khi con nhỏ đã lập nghiệp hơn chục năm rồi.

Hà sinh con trai đầu lòng, bận rộn với gia đình chúng tôi ít có cơ hội gặp nhau, sau này Hà mang bầu đứa thứ hai và dọn về tỉnh sinh sống, từ đó chúng tôi mất liên lạc với nhau.
Một lần nữa tôi lại xa Hà, nỗi niềm chưa nguôi, vô tình tôi gặp Thủy hôm đi chợ Tàu trong quận 13, bữa sau tôi đón Thủy đến nhà chơi, vì nhà Thủy không xa nhà tôi.

Trước khi tôi nghỉ việc ở Thắng Lợi, tôi biết chồng Thủy đi vượt biên đến Bỉ, sau đó gửi giấy bảo lãnh vợ con đi đoàn tựu, chúng tôi mất liên lạc khi tôi đi định cư bên này.
Tôi ngạc nhiên vì sao Thủy lại ở đây nhưng chưa dám hỏi thì cô nàng bật mí, lúc nhận giấy bảo lãnh Thủy tự ái vì chồng nàng đang sống với người khác nên Thủy không đi Bỉ.

Thủy đến đây vì vừa làm đám cưới với anh Thành, ông anh của cô bạn cũ thời trung học, anh góa vợ đã lâu, về quê chơi, gặp Thủy anh xin cưới ngay.
Hàn huyên với Thủy chưa qua mười năm, anh Thành qua đời, Thủy quyết định quay về VN sống với con trai, đứa con duy nhất với anh chồng cũ, vì ở đây không có gì rành buộc Thủy nữa.

Hơn hai mươi năm sau ngày tôi rời VN, tôi tìm ra Dinh trên trang mạng trường cũ của Vy và Dinh, ông kẹ giờ này đã yên bề gia thất, vợ hiền, con ngoan, chủ nhân văn phòng thuế miền bắc Cali.
Qua Dinh, tôi được biết Vy sau chuyến vượt biên kinh hoàng đã rơi vào cơn trầm cảm một thời gian dài, sau khi lập gia đình nàng không tiếp xúc với ai cả, chỉ liên lạc với Dinh thời gian đầu.

Tuy đang sống với chồng con bên Canada, nhưng thỉnh thoảng cơn hoảng loạn thời vượt biên khuấy động khiến Vy thẫn thờ như người mất hồn.
Tôi buồn lắm, thương Vy cô bạn hiền lo toan cho tôi đủ điều, chuyện mai mối tôi cho Dinh không thành nên nàng đã giận tôi, không biết giờ này Vy còn nhớ hay đã quên chuyện xưa rồi.

Sàigòn buổi giao thời loạn ly, tôi có duyên gặp Thủy, Vy, Hà ba đồng nghiệp đã cùng tôi chia sẻ ngọt bùi, món quà vô giá tôi còn giữ mãi trong lòng dù chúng tôi đã xa nhau.
Ước gì chúng mình có dịp ngồi lại bên nhau, đi ngược thời gian, quay lại thuở ăn khoai độn, Sàigòn bị cúp điện, cúp nước, thiếu thốn đủ thứ nhưng tình cảm chúng mình dành cho nhau thật tràn đầy.

Cái tình đó phải gọi sao để nói hết thâm tình của chúng mình nhỉ, « Tình bạn » hai chữ đó chưa nói đủ « ân tình » các bạn trao cho tôi.
Xứ này không thiếu rượu, tửu lượng của tôi cũng không tệ, nên tôi hẹn với lòng sẽ tìm ra các bạn để một ngày không xa, rượu sẽ không còn chát như hôm nay mà rất ngon vì tôi đã tìm ra tri kỷ,  « Bạn hiền » của tôi.

Oct. 2016 / Đoàn Thị

 

No comments: