Wednesday, September 4, 2019

Trăm Đắng Nghìn Cay - Bùi Đức Tính


Trăm Đắng Nghìn Cay
 
 
 
 

Xa xa tiếng đại bác vẫn không ngừng dội về.

Trời đã về đêm, tướng Lee cho lệnh dừng quân, đặt bản doanh bộ chỉ huy trong một cánh rừng, gần toà thị xã Appomattox, nằm vào phía Nam tiểu bang Virginia. Đây là một nơi hẻo lánh, có độ chừng 20 căn phố, chỉ vài cửa hàng nhỏ, một lữ quán. Cuộc nội chiến Hoa Kỳ xảy ra trong hai nhiệm kỳ của Tổng thống Lincoln từ 1861 đến 1865, bắt đầu vào ngày 12 tháng 4-1861.Khi cuộc chiến Nam Bắc bùng nổ, nước Mỹ chia đôi. 11 tiểu bang miền Nam ly khai với 9 triệu dân và thêm 4 triệu dân nô lệ da đen. Chính phủ liên bang Hoa Kỳ còn lại 21 tiểu bang miền Bắc với 20 triệu dân.

Quân đội chính phủ liên bang Hoa Kỳ, do tướng Ulysses Grant chỉ huy, gọi là quân đội miền Bắc hay quân đội Potomac, lấy tên của dòng sông diễm lệ chạy qua thủ đô. Các tiểu bang miền Nam sống về canh nông, cương quyết đòi giữ lại chế độ nô lệ để khai thác cho nông nghiệp. Tổng thống miền Nam là ông Davis. Thủ đô là Richmon và quân đội do tướng Rober Lee chỉ huy được gọi là quân đội Virginia, hay quân đội miền Nam.

Sáu ngày trước, lực lượng của tướng Lee đã di chuyển không ngừng nghỉ về dãy núi Blue Ridge, nơi ông từng tuyên bố là quân đội của mình có thể kiên cường chiến đấu ít nhất là 20 năm. Thế nhưng, đêm nay, khi tướng Lee và Bộ Tham Mưu của ông quyết định đóng quân tại đây thì tất cả quan quân đều mệt mỏi, sa sút tinh thần. Tất cả hy vọng của tướng Lee lúc này chỉ còn đặt vào John Gordon, một vị tướng trẻ gan dạ. Hy vọng rằng, sáng sớm ngày mai, lực lượng của tướng Gordon sẽ tiến quân phá vỡ tuyến bao vây của quân đội miền Bắc.

Khởi từ 5 giờ sáng, từng đợt tấn công của tướng Gordon đã đánh bật tuyến phòng thủ đầu của quân miền Bắc, chiếm nhiều cỗ súng đại bác, và ào ạt tiến lên đồi. Nhưng sau đó, khi qua phía bên kia đồi, lực lượng này đã đụng phải hai đơn vị bộ binh dàn quân kéo dài hơn 2 dặm. Lại thêm, từ phía sau là hai đơn vị bộ binh khác đang tiến lên. Quân lính của tướng Gordon bị vây ép vào giữa, tiến không được, lui cũng không xong, không còn lối thoát nào cả.

Được tin thất trận của tướng Gordon, tướng Lee triệu tập Ban Tham Mưu để có quyết sau cùng. Trong Ban Tham Mưu có người đề nghị phân tán để giữ lực lượng và chuyển sang đánh du kích, nhưng tướng Lee chọn quyết định đầu hàng. Vị danh tướng của Hoa Kỳ trải qua bao nhiêu chiến thắng nhưng sau cùng đành chấp nhận thua cuộc và xin hẹn gặp nhau.

Nhận được thư chấp nhận đầu hàng của tướng Lee, tướng Grant rất vui mừng, chuẩn bị đón tiếp tướng Lee. Ông ra lệnh nghiêm cấm các sĩ quan và binh sĩ trực thuộc không được tỏ ra bất cứ hành động nào vô lễ với vị tướng tư lệnh bại trận.

Trưa ngày lịch sử 9 tháng 4-1865, tướng Lee và một đại tá tùy tùng cưỡi ngựa vượt qua phòng tuyến đến nơi hẹn ước. Nửa giờ sau, tướng Grant đến. Ông tự tay thảo điều kiện về đầu hàng trao cho tướng Lee, như sau:

“ Vũ khí, đại bác và các tài sản công phải được liệt kê, sắp xếp và giao nộp cho một viên sĩ quan do tôi chỉ định. Những vũ khí này sẽ không gồm có vũ khí cá nhân của các sĩ quan, cũng như ngựa và tư trang của họ. Sau khi hoàn tất, mọi sĩ quan và binh sĩ sẽ được phép trở về nguyên quán, và sẽ không bị quấy nhiễu bởi các cơ quan cầm quyền, nếu họ tôn trọng lệnh đầu hàng và tuân theo luật lệ địa phương nơi họ cư ngụ.”

Gương mặt lo lắng của tướng Lee giờ tươi hẳn. Qua cam kết của tướng Grant, ông an tâm khi biết là sĩ quan và binh sĩ dưới quyền của ông sẽ không bị giam giữ như tù binh chiến tranh. Họ cũng sẽ không bị bắt giữ và truy tố về tội phản loạn. Ông đồng ý với các điều kiện đề ra, nhưng trình bày: hiện nay quân đội của ông không còn lương thực và xin cho binh sĩ của ông được giữ lại lừa ngựa, vì lính của ông đem ngựa từ các nông trại của họ đi chiến đấu; không như quân đội miền Bắc, ngựa do chính phủ cung cấp.

Nghe vậy, tướng Grant cho biết là không sửa chữa chính thức trên văn bản nhưng tuyên hứa là sẽ cho lệnh để lính miền Nam được phép đem lừa ngựa của mình về nhà mà xây dựng lại nông trại, tạo sinh kế. Ông cũng không ngần ngại hứa hẹn cung cấp 25,000 khẩu phần cho quân đội miền Nam.

Thi hành văn kiện đầu hàng đã ký kết, ba ngày sau, binh lính của tướng Lee đi trên con đường hướng về phía Đông rừng Appomattox. Hai bên đường có quân đội của tướng Grant nghiêm chỉnh dàn chào nghênh đón, do tướng Chamberlain, thay mặt tướng Grant, chỉ huy nghi thức tiếp nhận quân đội đầu hàng.

Tướng Gordon, một trong những cận tướng can trường của Đại tướng Lee, thừa lịnh tướng Lee, hướng dẫn toàn quân đến đầu hàng.

Không thông báo trước và ngoài nghi thức sắp đặt, tướng Chamberlain ra lệnh cho quân đội của ông thi hành nghi thức chào kính. Kèn lệnh vang lên, đoàn quân nghiêm chỉnh thi hành, tiếng báng súng đồng loạt vang lên.

Phía đối diện, tướng Gordon của quân đội đầu hàng, thúc nhẹ con tuấn mã khụy hai chân trước xuống, người và ngựa cùng cúi đầu, gươm tuốt trần chúc mũi trân trọng chào đáp lễ. Cùng lúc, đoàn quân miền Bắc chuyển qua thế bồng súng chào. Họ chào những “anh hùng bại trận”. Họ bày tỏ sự kính trọng của những người Hoa Kỳ đối với những người Hoa Kỳ.

Buổi lễ và các thủ tục đầu hàng kéo dài 7 tiếng đồng hồ. Gần 28,000 người, trao nộp trên 100,000 tấn vũ khí, đạn dược,…

Người chiến thắng cùng người chiến bại đều tôn kính lẫn nhau. Người đích thực chiến thắng năm 1865 chính là dân tộc Hoa Kỳ!

Chiếc GMC, loại quân đội dùng chở quân lính, dừng lại. Tấm bạt che kín người bên trong xe, mở lên từ phía sau. Ánh mặt trời buổi chiều bất chợt hắt vào những tù nhân bên trong xe, làm bàn tay đưa lên che vội bên trên khuôn mặt hốc hác nhễ nhại mồ hôi, đôi mắt hấp háy tránh né tia sáng chói chang và đột ngột. Hai bộ đội trẻ, rất trẻ, đứng canh chừng bên lối xuống xe, tay ghìm cây AK với lưỡi lê dài nhọn đe dọa.

– Cho xuống xe!

Cán bộ “quản giáo” rời buồng lái, tay đeo vòng cái túi vải qua bên trái, cho khỏi che vướng cây súng ngắn K54 đeo lủng lẳng bên hong, ra lệnh. Những người tù lếch thếch nhích dần ra phía sau và mỏi mệt lần lượt xuống xe. Chân rảo bước về phía sau xe, có vẻ chưa vừa lòng, hắn cáu kỉnh hét:

– Khẩn trương lên!

– A!

Bất chợt có tiếng người kêu lên. Hai cái lon sữa Guigoz cột đeo trên vai anh, rớt xuống, lăn lóc nghe loảng xoảng. Mớ nước uống còn sót trong lon đổ tuôn ra, nhuộm ướt lớp sỏi đất trên sân trại thành màu đỏ sẫm. Tiếng kêu thảng thốt, khe khẻ, nhưng đủ làm những người quanh anh cùng cảm nhận. Các bạn tù còn trên sân khựng lại, nhìn xem. Bàn tay trái của anh cầm chặt nơi cổ tay mặt. Mắt anh kinh ngạc nhìn ngón tay của mình. Lúc xuống xe, chiếc nhẫn trên ngón tay, không may, máng vào đầu cây đinh ốc bị tuôn và nhô ra bên ngoài thanh gỗ dựa lưng của băng ghế. Sức nặng của thân thể và tốc độ nhảy xuống làm vòng kim loại cắt và tuột trọn da thịt trên ngón tay của anh quá nhanh, trong chớp nhoáng. Cảm giác thật sự chưa kịp đến. Cái đau lúc này ít hơn nỗi kinh hoàng khi mắt mình nhìn thấy các lóng xương ngón đeo nhẫn phơi bày ra trần trụi.

Dùng lưỡi lê trên đầu cây AK ghim chọc vào giữa vòng kim loại đang nằm trong nhúm thịt và máu. Đưa chiếc nhẫn máng trên thân lưỡi lê lên xem:

– Báo cáo cán bộ: chiếc nhẫn này của “ngụy”!

Thực vậy, không cần phải đọc cho được hàng chữ “Trường Võ Bị Quốc Gia – Việt Nam”, quanh viên ngọc trên mặt nhẫn; hình ảnh con rồng uốn quanh cây kiếm và bản đồ Việt Nam, quá đủ để quân cộng sản nhận ra: đây là dấu hiệu liên hệ với Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Bây giờ, máu tuôn trào. Cảm giác đau nơi ngón tay lúc này thật sự là đau buốt. Nhìn gương mặt im lặng chịu đựng, của nạn nhân, viên cán bộ cay cú:

– Cực kỳ ngoan cố! … Cách ly nó!

Quay sang những người tù còn đứng gần đó, dợm chân, có ý muốn bước đến giúp đồng đội của mình, hắn gằn giọng:

– Cấm mọi quan hệ! Cấm cứu thương!… Không băng bó chi cả!

Anh bị giam riêng. Rừng về đêm giá lạnh, ngón tay không thuốc men hay băng bó càng thêm đau đớn. Cái đau đớn tận cùng không chỉ ở vết thương!

Đến trưa hôm sau, người ta đem anh ra xe và chở đi…

Sau khi quân cộng sản chiếm trọn miền Nam tự do. Những người lính miền Nam Việt Nam, những công chức, nhà văn, nhà báo và tất cả những thường dân bị nhà cầm quyền cộng sản kết tội có liên hệ với chế độ Tự do của miền Nam, đều bị tống giam vào các trại tù, dưới tên gọi là “trại cải tạo”. Ngay cả thương binh cũng không thoát khỏi chính sách trả thù hèn hạ, hiểm độc. Họ bị tống đuổi ra khỏi bệnh viện, bất kể tình trạng thương tích trên người, với vải băng bê bết máu kéo lê trên mặt đất dơ bẩn.

Năm 1975, Trung tá Vũ văn Sâm, phục vụ tại Trường Sĩ quan Bộ binh Long Thành. Ông bị cộng sản giam giữ tại Long Giao, rồi chuyển đến trại tù Tân Hiệp (Biên Hòa). Ở đây, nhạc sĩ Thục Vũ có sáng tác nhạc phẩm “Suối Máu” với 8 câu thơ cảm đề của chính mình:

“Em ở Sài Gòn anh ở đây

Đồi pha cát trắng kẽm gai đầy

Ngẫn ngơ dăm chuyến tàu xuôi ngược

Để nhớ nhung về che khuất mây

Tôi vẫn thường đêm thương nhớ con

Thương em tình nghĩa vẫn vuông tròn

Thương mình ray rứt từng đêm trắng

Thương bạn anh trong chuyện mất còn”

Cũng vì lời nhạc thương nhớ bày tỏ tình cảm của mình, người viết nhạc bị quân cộng sản đày đọa lên trại tù Sơn La, ở chốn rừng thiêng nước độc. Tại đây, Thục Vũ sáng tác thêm nhạc phẩm “Anh Ở Đây”; chỉ một thời gian ngắn bị giam giữ và gục chết cũng tại nơi đây, vào ngày 15/11/1976. Tấm mộ bia đơn sơ với đôi hàng nguệch ngoạc “Vũ Văn Sâm, 1932”, được bạn bè ghi lại, cắm làm dấu xác người tù bạc phận đã phải nằm lại tại trại tù Sơn La.

Người tù Sơn La Nguyễn Quang Tuyến, cũng là nhà văn Văn Quang.

Nhà văn Văn Quang được biết đến qua rất nhiều tác phẩm văn chương. Bốn tác phẩm được làm thành phim. Chân Trời Tím là phim có rất nhiều người biết đến, cùng các ca khúc như Nửa Hồn Thương Đau, Chân Trời Tím.

Sau năm 1975 ông bị bắt giam hơn 12 năm tù.

Trong bài “Mừng Cho Người Chết Trong Nhà Tù “Cải Tạo”, nhà văn Văn Quang có viết về cái chết của bạn tù Vũ Văn Sâm, tức nhạc sĩ Thục Vũ:

“Anh Tô Kiều Ngân không ở cùng trại tù với tôi, anh đi “lao động” bị ngã gãy tay, phải đưa về trạm xá gần trại giam tôi ở từ năm 1976 khi được đưa ra Sơn La “học tập”. Dịp đó, nhạc sĩ Thục Vũ, tên thật là Vũ Văn Sâm, ở cùng đội với tôi, anh bị đau gan đến vàng mắt. Khi bệnh tình quá nặng, Thục Vũ được đưa sang bệnh xá. Nói là bệnh xá, chứ ở đây cũng chẳng có thuốc men gì chữa chạy cho bệnh nhân. Thậm chí mỗi lần lên khám bệnh xong, anh y tá bôi cho tí dầu cù là vào tay rồi bảo về uống đi hoặc nằm ngửa cổ ra để “cán bộ y tế” nhỏ cho vài giọt nước củ tỏi vào mũi. Thế là xong. Bệnh nhân nặng chỉ còn việc nằm chờ chết. Thục Vũ cũng ở trong trường hợp ấy.

Một buổi sáng sớm, …

Tôi nhận ra ông Phan Lạc Phúc, khoác chiếc áo trây di cũng tả tơi “đồng bộ” với cái quần rách. Nước mắt ông Phúc chảy rất chậm trên mặt, ông nghẹn ngào cất tiếng:

– Thằng Sâm chết ở bệnh xá đêm qua rồi.

Tôi lặng người, bởi mới hôm qua, tôi lẻn sang bệnh xá thăm, Thục Vũ đưa cho tôi hai gói thuốc lào nhỏ, anh nói: “Tôi mệt không hút thuốc được nữa”. Ngồi nói chuyện vài phút, anh Tô Kiều Ngân ở trạm xá này cũng đến ngồi chơi. Tôi thấy Thục Vũ vẫn còn khỏe, vậy mà đêm qua đã ra đi.

Sau đó, anh Tô Kiều Ngân nói với tôi lời an ủi đúng nhất, ngắn nhất và cũng bi thảm nhất: “Mừng cho nó, từ nay nó không còn biết đói rét và không ai hành hạ được nó nữa”.

Đám tang Thục Vũ, hình ảnh bi thảm nhất trong cuộc đời chúng tôi.

Vào buổi chiều năm 1977, khi đồi núi Sơn La bắt đầu chạng vạng, bất chợt nhìn sang lối ra từ bệnh xá một khung cảnh hết sức đau lòng. Trên con đường đá cũ nhỏ, vòng theo sườn núi cao vút chập chùng, cách vườn rau là cái ao, đám tang bắt đầu di chuyển chậm chạp. Hai cai tù vác súng AK đi đầu, theo sau là một anh tù cầm vài nén nhang, đến 4 anh tù khiêng cỗ quan tài mộc, sau cùng lại là 2 cai tù vác súng AK. Suốt con đường dài âm u đó, chỉ có đám người ấy lặng lẽ chuyển động như những bóng ma.

Ở vùng đồi núi bóng tối đổ xuống rất nhanh, mang theo sương mù mỏng dăng ngang triền dốc dựng đứng như những bức tường đá của nhà giam thiên nhiên, chẳng cách nào thoát ra được. Chúng tôi biết chắc đó là đám ma Vũ Văn Sâm tức nhạc sĩ Thục Vũ. Tất cả hơn ba chục tù nhân trong đội đứng ngẩn ra, dán mắt nhìn theo cái đám ma thê thảm ấy. Ông Phan Lạc Phúc, đến bên tôi, không nói lời nào, quay mặt đi giấu nước mắt. Nhìn sang phía bên trạm xá, Tô Kiều Ngân và mấy anh bác sĩ trẻ cũng là tù, đứng sau hàng rào kẽm gai cũng ngơ ngẩn. Ngân vẫy tay cho tôi và anh Phan Lạc Phúc chẳng biết để làm gì. Là một sự cảm thông tận cùng hay nói lời từ biệt.

Mấy tay coi tù cũng đứng lặng, nhìn chúng tôi và họ hiểu rằng lúc đó dù bắt chúng tôi thu dụng cụ về trại cũng chẳng ai chịu về, dù có bị bắn tại chỗ. Tất cả đứng như tượng gỗ dõi theo đám tang đi trong buổi hoàng hôn lạnh ngắt, dần khuất vào cuối con đường cong phía chân núi. Sương mù bắt đầu tỏa xuống…

Hình ảnh cái đám ma Thục Vũ còn in đậm trong tâm khảm chúng tôi cho đến bây giờ. Tôi chắc anh Tô Kiều Ngân, đến cuối đời cũng chưa quên được hình ảnh này. Nó trở thành những kỷ niệm rất riêng nhưng cũng lại rất chung của những ai đã từng sống dở chết dở qua những cái được gọi là “trại cải tạo”.

“Ôi đời ta, ngờ đâu trăm đắng nghìn cay

Khúc sắn bát ngô vơi đầy

Sầu nuôi thân xác hao gầy

Bao ngày qua đợi chờ tin vui chẳng thấy

Hận thù yêu thương còn đấy

Vui đành như cánh chim bay” *

Cho đến nay, cứ đến ngày 30 tháng 4, đảng cộng sản lại thản nhiên tưng bừng ăn mừng ngày chiếm miền Nam tự do và gọi là Đại thắng mùa Xuân.

Hơn 40 năm qua, đã có hàng trăm hồi ký, truyện ngắn, truyện dài viết về trại tù “cải tạo” của cộng sản. Biết bao câu chuyện thương tâm đã được ghi lại trong Thân Phận Người Lính Gãy Súng, Xử Tử Tù Cải Tạo, Nữ tù nhân “cải tạo” ở Z30D, Những Người Tù Cuối Cùng, Núi Lạnh, Cuối Tầng Địa Ngục, Trại Tập Trung, Trại Kiên Giam,… và hãy còn biết bao câu chuyện không thể nào được kể lại trọn vẹn, hay chưa bao giờ được biết đến; vì người tù đã vùi thân xác đâu đó trong rừng hoang khi vượt trốn trại, hay trong các bãi chôn tù, như nghĩa trang Đồi Bà Then trên Cổng Trời. Hoàn cảnh khắc nghiệt tại trại giam Cổng Trời khiến tù nhân chết do bệnh tật, thiếu ăn, biệt giam hay lạnh giá hầu như xảy ra hàng ngày. Đồi Bà Then là cái tên mà người nào ở Cổng Trời đều biết. Nó là một mảnh đất nhỏ được dành làm nghĩa trang mà cán bộ trại giam luôn lấy làm biểu tượng để cảnh cáo những người tù cứng đầu nhất. Biết rằng: không ai thoát khỏi cái chết trong cõi đời này, nhưng người tù “cải tạo” phải chứng kiến và chấp nhận cái chết đến với mình. Chỉ riêng trại giam có tên là Trại Cổng Trời đã có quá nhiều hồi ký ghi nhắc đến.

Thảm cảnh đày đọa và chết chóc trong trại tù cộng sản đã được biết bao nhân chứng viết kể lại. Nhưng ngôn từ không thể nào diển tả trọn vẹn được nỗi đau đớn của họ cùng thân quyến. Nỗi đau của những vết thương nhục hình này không bao giờ lành được theo thời gian, sẽ còn đó mãi mãi cùng xương cốt của những người tù vẫn còn nằm lại trong các mồ hoang.

Anh ở đây!

Anh vẫn còn ở đây!

Chiều Suối Máu, chiều Sơn La,….

Chiều Việt Nam mưa vẫn rơi, mưa rơi nhòa nước mắt!

 

BÙI ĐỨC TÍNH

BK Tính 323

304Đen – Llttm - dsc

No comments: