Wednesday, September 4, 2019

Chuyện Con Vẹt - Cao Phương Thanh Nghi



ChuyỆN CON VẸt






Có một người đàn ông rất cô độc, sống âm thầm, nuôi con vẹt làm bạn.
Thuở nhỏ anh từng có ít nhiều kỷ niệm với loại chim biết nói này. Ừ. Để coi, hồi ấy anh là chú bé con với cái đầu hớt tròn ủm như gáo dừa, vâng lời bà ngoại đem xôi chè qua biếu bà Minh Sanh. Trước đây chú bé đã nghe lắm chuyện hoang đường về bà cụ gần trăm tuổi này, rằng bà sống một mình, ngày là người, đêm là quỉ, rằng bà thờ vong, nhang khói lù mù, trong nhà âm dương hỗn độn.
Nhà bà Minh Sanh cạnh lò bún, cuối con đường đất chui dưới vòm tre rợp mát. Chú bé cầm cái tay nải của bà ngoại, nhón chân nhìn vô cổng. Nửa cái nền nhà bị lún gần sụp bởi rễ của một cây me rất to. Cột kèo xệu xạo. Dưới gốc me có hai cái lồng chim và dăm chậu sành mẻ miệng. Tro trấu vung vãi. Mấy con gà lục cục đi qua đi lại. Chú cất tiếng gọi:
“Bà ơi… ”
Lập tức một tiếng nói lảnh lót không biết từ đâu vọng lại nghe mồn một rõ ràng:
“Bà ơi… có khách bà.”
Chưa kịp phản ứng thì một tiếng khác tiếp theo ngay:
“Ai nói gì đó?”
Chú bé hết hồn nhìn quanh quất. Ai vậy? Không có ai cả. Trong sân mấy con gà nghểnh cổ ngó lom lom. Mắt gà rất dữ, cần cổ lại đỏ lòm. Chú sởn gai ốc, lay lay cổng rào tre. Tiếng nói khi nãy lại re ré cất lên:
“Bà ơi… có khách bà.”
Lần này chú thất kinh hồn vía gần vãi đái trong quần, quăng bịch xôi chè xuống đất, co giò định chạy, thì từ gian nhà tối om om bên trong thò ra cặp mắt sâu hoắm, đổ ghèn và cái cần cổ dài ngoằng của bà Minh Sanh. Bà bỏm bẻm như đang nhai trầu:
“Ủa, nhỏ. Mày tới hồi nào? Vô đây.”
Mặt chú bé còn tái xanh tái vãi:
“Bà… Trong nhà có… ma.”
Bà Minh Sanh cười ngất. Bà ngoắc tay:
“Ma đâu mà ma. Bậy nè. Vô đây.”
Chú bé cúi xuống lượm cái tay nải, nhưng lắc đầu nguầy nguậy:
“Con không vô đâu. Con sợ lắm. Con nghe có tiếng người.”
Bà Minh Sanh cắt lời:
“Không có ai đâu. Làm gì có ai. Vô đây. Tao có mớ me chín. Để tao gởi cho bà ngoại mày nấu chua.”
Chú bé nắm chặt tay nải, đẩy cổng bước vào. Gió thổi rào rào trong tán lá me. Mùi nhang trong nhà bà Minh Sanh thơm bãng lãng.
“Bà ơi… có khách bà.”
“Ai nói gì đó?”
Lại hai cái tiếng khi nãy. Tiếng nói không rõ đàn ông hay đàn bà. Chú bé chụp tay bà Minh Sanh. Bà nói tỉnh queo như thể đang có ai bên cạnh.
“Biết rồi.”
Chú bé tái mặt:
“Bà nói với ai vậy bà?”
“Nói với hai con nhồng.”
“Nhồng nào đâu bà?”
“Thì hai con nhồng ở trong lồng đó. Mày không thấy sao?”
“Nó biết nói hả bà?”
“Nói còn giỏi hơn mày.”
“Sao nó biết nói vậy bà?”
“Nó nghe tao nói riết rồi nó nói theo.”
“Hay vậy bà.”
Chú bé mon men lại gần quan sát hai con chim. Con nhồng màu đen óng ả, cổ có khoang vàng, đứng lắc lư, cái mỏ trông như hột điều, trên đỏ dưới nâu quặp xuống bập bập thứ gì bên trong chẳng rõ. Rồi chú bật cười nghiêng ngửa. Hai con chim nói qua nói lại, tiếng nói lảnh lót không giống đàn ông, không giống đàn bà, nghe the thé. Một điều rất hay ở giống chim này là nó nói mà mỏ nó không hề mở. “Nó nói trong cuống họng mày ơi,” bà Minh Sanh bảo như vậy.
Ngày hôm sau chú trở lại. Chú ngồi hàng giờ bên hai con nhồng. Cặp mắt sâu hoắm, đổ ghèn và cái cần cổ dài ngoằng da thịt teo nhách lòng thòng của bà Minh Sanh không còn ghê rợn nữa. Bà lấy cơm cho con nhồng ăn, một phần cơm nửa phần ớt. Nó mổ lấy mổ để, rồi nó nói: “Bà ơi… có khách bà.” Con bạn của nó tiếp theo ngay: “Ai nói gì đó?” Ngộ quá. Chú mê hai con nhồng bù lăn bù lóc. Chú xin bà Minh Sanh cho chú đem hai con nhồng về nuôi. Chú hứa sẽ chăm sóc cẩn thận. Bà Minh Sanh nói: “Chừng nào tao chết tao cho mày.”
Chú chờ từng ngày. Chú hỏi: “Sao bà lâu chết quá vậy bà?” Bà Minh Sanh cười ngặt nghẽo, lớp da lòng thòng trên cần cổ rung rung giật giật. Nhưng bà Minh Sanh chưa kịp chết thì hai con nhồng đã lăn ra chết trước bà. Một con chết trước, con kia nhớ bạn buồn héo chết theo. Chú bé ngồi dưới gốc me bịn rịn với cái lồng không. Tiếng con nhồng văng vẳng nơi đâu cuốn những giọt nước mắt chú chảy dài. Chú kêu lạc giọng: “Nhồng ơi… Nhồng. Chiều muộn mà mày bỏ tao đi đâu, tao còn có một mình, nhồng ơi…”

Sau này lớn lên, không còn là chú bé nữa anh cũng vẫn một mình. Hình như cuộc đời cứ chơi xỏ anh. Con nhồng thời thơ ấu chưa nuôi ngày nào đã bỏ đi mất. Những người anh thương anh quí thì chỉ giữ được một thời gian rồi ai cũng trở mặt. Vết thương cứ khoét mãi không lành. Càng sống trải, càng chán chường, anh oán hận mọi người, tánh tình đâm ra hung dữ, độc đoán. Bạn bè mất hết không còn ai. Anh sống quạnh quẽ như bà Minh Sanh ngày xưa, làm bạn với con vẹt mà anh mua được ở chợ trời Chim “Cá” Cảnh.
Ngày hôm ấy chẳng hiểu do cơ duyên gì anh lang thang ra khu chợ đó. Một anh chàng mặt nhăn như khỉ đứng bán hàng. Những con vật có cánh đứng trong lồng kêu chét chét ầm ĩ, chẳng hiểu là đang cãi vã hay đang ca hát. Đám đông bu xung quanh. Anh dừng lại tò mò. Một con chim rất đẹp, lông nửa vàng nửa xanh, mắt viền đen, ướt rượt như ngấn nước, đang đứng trên cánh tay của người bán hàng với một chân bị móc vào sợi dây xích có những cái khoen bằng kim loại. Đút cho nó một con cào cào, nó mổ lấy ngay, cái mỏ bập bập trông thương quá. Anh nhớ con nhồng da diết. Người bán chim bảo:
“Mua đi anh. Bảo đảm hàng thiệt không sợ giả. Không thích miễn trả tiền. Con vẹt này biết nói giỏi lắm. Anh nói gì nó lặp lại y chang. Đây nè, tui biểu diễn cho anh coi.”
Anh bán vẹt chụm môi nói:
“I love you.”
Con vẹt lập tức nói liến thoắng:
“I love you.”
Anh ta nói tiếp:
“I miss you.”
Con vẹt tức khắc lặp lại:
“I miss you.”
Anh khoái chí quá, vỗ tay cười khanh khách, không cần trả giá, mua ngay con vẹt đem về nhà. Nhớ lời người bán hàng anh cắt cánh con vẹt để nó không bay đi đâu được xong tháo sợi dây xích dưới chân nó. Con vẹt lẩn quẩn trong nhà như đứa bé. Anh tưng tiu con vẹt như báu vật, cho phép nó nhảy lưng tưng từ trước ra sau, muốn làm gì làm, muốn phá gì phá. Con vật bươi mổ tùm lum nhưng anh chẳng bao giờ phiền lòng. Mỗi ngày đi làm về anh lấy các loại hột bông hột cỏ cho nó ăn, thay nước sạch cho nó uống, mua nang mực cho nó mổ kẻo nó buồn, rồi anh trò chuyện với nó. Anh bảo:
“I love you.”
Nó nói ngay:
“I love you.”
Anh nói tiếp:
“I miss you.”
Nó tức khắc lặp lại:
“I miss you.”
Ruột gan héo quắt của anh như được tưới một trận mưa rào. Ôi, dễ gì có được những lời êm ái đó trong cái biển người lợt lạt này. Anh không cần cầu cạnh ai, không cần qui lụy ai nữa. Vẹt ơi, mày hơn bọn chúng gấp trăm gấp ngàn lần, những thằng người ấy. Bọn chúng không đáng bằng cái móng chân của mày. Tao chỉ cần có mày trên đời là đủ. Con vẹt nghiêng nghiêng đầu, quẹt quẹt mỏ. Nó nhảy (vì không thể bay) lên bàn tay của chủ, rồi nhảy lên vai, lên đầu chủ. Anh để yên cho nó lộng hành. Vì là vẹt nên nó không hiểu tại sao con người lại mê cái ảo hơn cái thật, chuộng cái giả hơn cái chân. Và cũng vì là vẹt nên nó không hiểu rằng dù được tẩm bởi những lời mông muội của nó, nỗi cô đơn trong anh vẫn chẳng tiêu tan, tựa cây kim dắt ở lưng quần cứ khom lên khom xuống là đâm nhoi nhói vào da thịt.
Vào một đêm mưa đổ tuyết lạnh, anh rũ người trên chiếc ghế bên lò sưởi. Hình bóng người thân hiện ra lãng đãng như khói mà cũng cay sè như khói. Gian nhà lạnh lẽo không có ai. Cạnh bên là con vẹt. Nó đứng cú rũ. Lông nó xười lên như những lúc nó bệnh. Chủ nó hình như không buồn nghe những gì nó nói. Anh thèm nghe tiếng của một người.
Chợt anh ngồi bật dậy, thảng thốt giật mình. Hình như có ai vừa gọi cửa. Tiếng gõ cộp cộp mỗi lúc một thôi thúc, dập dồn. Ai? Còn ai tới tìm tôi giờ này? Anh xoay nắm đấm cửa hé ra nhìn. Dưới trời tuyết, anh nhìn thấy cô gái mà anh thuê đến lau chùi nhà cửa mỗi tuần một lần đứng co ro trước bậc thềm, tay bưng cái hộp khá to. Cô mặc cái áo khoác đàn ông mà anh đã vất đi trong đống đồ cũ, choàng chiếc khăn sờn, mấy đầu ngón tay ló ra trong cái găng thủng lỗ. Anh cau mày hỏi:
“Cô đến có việc gì? Tuần sau mới tới ngày làm việc của cô mà.”
Hai môi cô gái tím tê vì lạnh nhưng vẫn hé nụ cười. Cô có vẻ bẽn lẽn:
“Ông chủ. Ông không nhớ hôm nay là ngày gì sao. Sinh nhật của ông. Em có cái này mang đến cho ông.”
Anh mở cửa mà không khỏi ngạc nhiên. Cô này làm việc cho anh gần tám tháng nay, lau chùi tẩn mẩn khắp trong ngoài vì con vẹt bài tiết bừa bãi bất cứ chỗ nào. Cô ấy, cũng như bất cứ ai, không còn moi được ở anh sự cảm động nào trừ một lần anh bệnh, cô tự ý nấu cháo, lột cam cho anh ăn, trả tiền thì không nhận. Không lẽ… Cô gái bước vào với dáng vẻ rất ân cần, đặt cái hộp lên bàn và mở nắp. Một cái bánh kem được trang hoàng rất xinh xắn hiện ra với hàng chữ chúc mừng. Anh ngó cô gái, ngó chiếc bánh và tự nhủ, không lẽ số phận lại sắp chơi khăm ta một lần nữa hay sao. Anh nhún vai nói:
“Cám ơn cô. Phiền cô quá.”
Cô gái có vẻ lúng túng. Cô nói:
“Không sao cả. Ông chủ có diêm quẹt không? Ông có muốn đốt nến rồi ăn bánh hay không?”
Anh thoáng trù trừ. Cô gái này đang làm trò khỉ gì đây? Trên đời chẳng còn ai tốt với ta nữa đâu, trừ con vẹt. Cô gái dợm quay đi:
“Xin lỗi ông. Em đến trễ quá vì lỡ một chuyến xe. Chắc không tiện.”
Anh đưa tay ra giữ lại. Thật ra anh hoàn toàn không làm chủ cái cử chỉ đó của mình.
“Không sao đâu. Không có gì bất tiện cả. Được rồi. Tôi đi lấy diêm đây. Cô chờ chút nhé. Tôi có chai rượu dưới hầm. Tôi xuống lấy rồi đem lên ngay. Cô làm tôi bất ngờ quá.”
Anh xuống nhà dưới mở tủ lấy hai cái ly, chai rượu và hộp diêm, rồi trở lại phòng khách. Cô gái vẫn còn đứng. Mặt cô đã hồng hào vì hơi ấm trong nhà. Anh thắp đèn khắp phòng và vặn thêm sưởi. Anh nói nhanh vì xúc động:
“Tôi không ngờ còn có người nhớ đến tôi ngày hôm nay. Cô ngồi xuống đây đi. Tôi… tôi sẽ mở một đĩa nhạc, chúng ta cùng nghe và cùng uống rượu ăn bánh nhé.”
Tia sáng trong mắt cô gái lung linh múa lượn với ngọn lửa đang nhảy nhót trong lò sưởi:
“Hôm trước em tình cờ nghe ông nhắc tới ngày sinh nhật của ông. Em muốn chúc vui cho ông.”
Anh đưa tay nắm lấy bàn tay nhỏ còn chưa tan cái khí lạnh của trời tuyết:
“Cám ơn cô nhiều lắm. Tôi… Đã lâu rồi… Tôi chỉ có một mình… À, quên nữa. Tôi lấy rượu mà quên lấy đồ khui. Cô chờ chút, tôi đi lấy cái đồ khui, tôi trở lại ngay.”
Rượu chưa uống mà anh đã thấy hoan lạc mỉm cười với mình từ xa, lâng lâng, phơi phới. Anh không nhớ cái đồ khui nằm ở đâu. Đã lâu trong nhà không hề có một người khách, không hề có một bữa tiệc rượu nào. Anh xuống bếp mở hết ngăn kéo này tới ngăn kéo khác, trèo lên ghế lục tung các thứ lỉnh kỉnh trong những cái hốc đầy bụi mà vẫn chưa thấy vật muốn tìm.
Bỗng anh khựng lại. Anh vừa nghe những tiếng náo động ở nhà trên. Hình như có tiếng con vẹt kêu “ét” “ét” lanh lảnh và những tiếng đập bốp bốp. Anh hoảng hốt tuột xuống ghế hộc tốc chạy lên nhà trước. Coi kìa. Con vẹt. Trời ơi. Con vẹt đang đứng co rúm trong góc nhà, lông nó rụng lả tả, hai mắt nó đầy vẻ khiếp sợ. Còn cô gái. Cô ta đang cầm tờ báo cuộn lại trong tay. Hình như cô ta vừa đánh nó thì phải. Anh hỏi giật giọng:
“Cô đang làm gì vậy? Có phải cô vừa đánh nó không?”
Cô gái ấp úng. Cô chỉ vào cái bánh:
“Con vẹt. Nó tới mổ vào cái bánh. Em chỉ xua cho nó đi.”
Anh phừng lên giận dữ:
“Cô nói dối. Cô không đánh nó sao nó kêu thét lên như thế. Lông nó lại rụng đầy nhà thế kia. Cô đã làm gì nó chớ? Cô có biết là nó thương tôi và tôi thương nó hơn mọi thứ trên đời hay không?”
Giọng cô gái lạc đi:
“Con vẹt thương ông? Nó nói thương nhưng nó có hiểu gì đâu. Đó là những lời thốt ra từ cuống họng, không phải từ trái tim.”
Anh vung tay quát:
“Vậy chớ trong tim có cái gì? Bã mía hay vỏ đậu phộng? Thây kệ nó. Dù sao nó cũng chân thật hơn mấy người. Nó không biết giả dối đâu.”
Cô gái xám hết mặt mày. Cô gần khóc:
“Ông chủ. Xin ông bớt giận. Con vẹt này cũng quá đáng lắm. Nó mổ vào cái bánh. Nó còn phịch lên đó nữa. Ông xem đi.”
Anh hét vào mặt cô gái:
“Nó phịch vào cái bánh thì vất cái bánh đi.”
Cô gái sững sờ nhìn người đàn ông. Cô thấy mình đã bị tổn thương.
“Ông… Ông coi trọng con vật còn hơn con người.”
Như ngọn núi lửa đang trào ra sùng sục, người đàn ông gào lên:
“Cô nói cái gì? Tôi coi trọng con vật còn hơn con người à? Đúng như vậy đó. Rồi sao. Cô có biết là con vật này còn hơn bao nhiêu người khác. Thằng anh khốn nạn của tôi đó, nó bài bạc sạch túi rồi vơ vét hết tiền của tôi. Nó còn chửi tôi, còn bôi xấu tôi với mọi người. Còn thằng bạn trời đánh của tôi, tôi đã cứu vớt nó ra từ trong tù, đưa nó về đây, giúp nó làm lại cuộc đời thì nó đã phản tôi, cuỗm lấy vợ tôi và hại tôi bằng đủ trò bất lương. Thế đấy. Bao nhiêu đó đủ chưa? Còn cô. Cô tới đây làm gì? Tôi không mời cũng không thỉnh. Cô bày ra cái trò này để mà mắt tôi, để đùa bỡn với trái tim thương tật của tôi để rồi có ngày cô bóp nát nó ra như bọn người kia à. Tôi không còn là cái thằng đần độn mười mấy năm trước nữa đâu. Đi đi. Cô cút xéo khỏi nhà tôi ngay. Cô không đáng bằng một sợi lông măng của con vẹt. Cút.”
Nói xong anh giật tung cánh cửa, quăng cái bánh thật mạnh ra ngoài và đẩy cô gái ngã chúi xuống thềm một cách thô bạo. Cô gái khập khiễng cái chân đau, vừa chạy vừa khóc, ném lại anh cái nhìn căm phẫn.
Tuyết vẫn đổ dầm dề. Anh đóng sầm cửa lại, quay trở vào nhà và có cảm tưởng như mình là một cái xác lạnh ngắt vừa được lôi lên từ dưới mồ. Trên bàn con vẹt đứng ngây ngô tròn mắt nhìn anh. Nó đưa mỏ rỉa rỉa hai cánh bị cắt cụt của nó. Anh xé cái khăn giấy lau sạch những chỗ kem vấy bẩn trên mấy ngón tay đoạn vuốt đầu nó:
“I love you.”
Con vẹt lập tức lặp lại:
“I love you.”
Anh mỉm cười nói tiếp:
“I miss you.”
Nó tức khắc nói theo:
“I miss you.”
Anh bỗng nổi khùng lên. Anh đấm mạnh lên bàn và quát con vẹt như quát thẳng vào cái trò hề đê tiện của chính mình:
“Đồ chó.”
Con vẹt khiếp đảm thụt lùi. Nó chưa bao giờ chứng kiến chủ nó trong trạng thái điên cuồng như vậy. Nó run lẩy bẩy, rúm ró như bị thương. Hai mỏ nó lập bập, mếu máo lặp lại một cách yếu ớt:
“Đồ chó.”
Người đàn ông phá lên một tràng cười trơ trẽn. Anh đã chán cái trò nhại đi nhại lại của nó. Anh xỉ vào mặt nó:
“Đồ con vẹt.”
Đang khúm núm vì sợ hãi con vẹt bỗng bật mạnh lên như cái lò xo. Những mạch máu li ti trong mắt nó phình ra, vằn tia lửa. Ngực nó ưỡn về phía trước, mắt long lên sòng sọc, hai cánh bị cắt giương ra cái chỗ còi cụt . Mớ lông tơ nửa vàng nửa xanh viền quanh cổ nó dựng đứng lên cả. Những cái móng của nó dài ra, bén ngót, cấu từng bước xuống mặt bàn, sấn lại sát bên người chủ của nó. Nó đưa cái mỏ cứng dí vào mặt chủ và phun ra những tiếng đanh, gọn với tất cả sự khinh khi ngạo mạn:
“Đồ con NGƯỜI.”
Nhớt nhao trong miệng con vẹt bắn cả vào mặt người đàn ông. Anh ngã ngửa trên ghế, loạng choạng mất thăng bằng, tuột nhào xuống nền gạch, hai tay chới với khua bấn loạn. Con vẹt hẳn còn chưa vừa lòng. Nó dồn hết sức lực và, không thể diễn tả đó là lòng căm giận hay sự khinh bỉ, nó tiếp tục xối xả một tràng những tiếng the thé của nó:
“Đồ con người. Đồ con người. Đồ con người…”

Cao Thanh Phương Nghi

8/2011

304Đen – Llttm - OVV

 

 

1 comment:

Hoa Pham said...

Con người hết sức phức tạp