Wednesday, September 11, 2019

Thấy Trên Sông - Ngọc Cân


Thấy trên sông
 
 
 
 
Giữa sông Sài gòn. Trời mưa lất phất, khi có khi không. Nhiều ghe nhỏ đã thòng dây cột vô chiếc ghe có máy trong, chờ giồng đi ngược sông. Những ghe tới sau nối với ghe tới trước. Mỗi đầu mối dính với ghe kéo tỏa ra một chùm, tiếp tục đến năm ba lượt. Tất cả không dưới bốn năm chục. Chiếc có đuôi tôm, chiếc chỉ chèo mái. Một dề giữa cảng, bập bềnh nhìn lên bến Sài gòn, những tòa nhà từ thời Tây lạnh lùng nhìn lại.
Ghe Niên tới sớm, cột vòng hai. Niên đã nấu cơm chiều, đã nhảy xuống tắm mà xem ra còn lâu mới khởi hành. Ăn thì sớm quá. Cái cáu bẩn trong ngày đã trôi theo nước. Mình trần, xà lỏn khô, Niên ngồi trên sạp có che mái lá, vấn thuốc hút. Có vài giọt mưa lâu lâu lại theo gió tạt vô, không lạnh. Hồi trước Niên không dám ở trần vì da trắng, bây giờ thì người Niên cũng sạm nắng, không đen bằng da mặt nhưng coi cũng được. Trong đám đi củi thân cận thì người ta cũng biết Niên gốc thành phố, nhưng chung chung thì không ai để ý, tốt.
Nhìn ra thì trong mười chiếc đã quen mặt tám chín. Dù không có kiếng, Niên vẫn nhận ra người quen. Ai cũng đang thu xếp tắm táp, nấu ăn, thu dẹp trên ghe mình. Mỗi vòng đi ai cũng túi bụi làm lụng, những lúc ở không mới thong thả. Nhất là những người mới bán xong củi, tiền ấm túi, cơm gạo mới mua thêm để độn, mắm muối mặt mà. Những lúc này là hưởng thụ.
Một chiếc ghe lạ, khá tươm tất, khoang đóng ván, có cửa, mới tấp vô vòng ngoài, không cùng đường dây với ghe Niên. Bất giác Niên quay lưng, vói tay lấy cặp mắt kiếng nhét trên mái lá. Kiếng này Niên xài từ hồi đi học; lúc đi cải tạo để quên ở nhà, sau này mẹ Niên mới giao lại cho Niên. Nó xuệch xoạc, gọng nhựa bạc thếch; bây giờ Niên chỉ đeo một lúc khi cần, ít khi cần. Ai tình cờ thấy Niên đeo cũng lạ lẫm nhưng không hỏi.
Người đàn ông chiếc ghe mới tới cúi người cột dây. Khi anh đứng thẳng lưng mới thấy anh cao và ốm như cây sào. Anh ta bước tới bước lui dọn dẹp. Khi ra sau lái anh bước trên nóc khoang. Cửa khoang đóng. Nhìn anh ta quen quen. Tuy cách nhau vài lớp ghe và khác luồng dây nhưng nhờ mang kiếng nên Niên nhìn rất rõ, anh ta rất quen nhưng là ai thì chịu.
Ông chủ ghe giồng bước từ ghe này qua ghe kia để kiểm soát các mối dây. Có dây ông nới, có dây ông thắt; có ghe ông đổi hẳn qua một luồng khác. Ghe nào ông cũng thu tiền. Chỉ có ghe lạ mới có chuyện đôi co, ghe quen thì giá đã đâu vô đó. Cửa khoang chiếc ghe lạ mở bung. Một đầu tóc phụ nữ rối nùi chui ra. Chị ta vừa túm tóc ra sau thắt dây thun, vừa thương lượng với chủ giồng. Chị ta cười tươi tắn, răng đều và trắng; ông chủ giồng cầm mấy đồng chị ta giao, bước qua ghe khác. Niên rít mạnh; không một tí khói nào. Rít thêm một hơi hy vọng là còn đâu đó trong lá thuốc một ngún lửa. Lạnh ngắt. Hơi khí luồn vô không làm dịu buồng phổi đang co thắt. Trời ơi, Diệu! Đúng là Diệu.
oOo
Nền đất nhà Niên là đất móc phía sau đắp nên. Quanh xóm nhà nào cũng vậy nên khoảnh đất sau lưng vòng nhà trở thành miếng đất trống, rộng, thấp, úng nước. Mấy nhà cực chia nhau miếng đất đó, thả rau muống, chăm sóc và cắt bán ra chợ. Ở giữa đào cái giếng cạn để có nước tưới khi hạn. Mẹ Niên nhờ có một khoảnh mà nuôi hai con trai. Cha Niên nghe nói chết đã lâu. Anh Niên đi lính ít khi về nhà.
Niên học đệ nhị, nhận kèm hai đứa con hai nhà trong xóm, một trai một gái. Trò không giỏi, thầy cũng làng nhàng; nhưng tụi nhỏ lễ phép. Hè năm đó tụi nó lên đệ tam, rủ rê sao không biết, đưa về thêm bốn đứa nữa từ trong phố, ba trai một gái, đứa con gái tên Diệu coi bộ học trễ tuổi. Niên nhận hết, thêm đồng nào hay đồng đó. Năm sau nữa dù vô Sài gòn học hay bị đi Thủ đức thì cũng không còn giúp được gì cho mẹ. Chỉ dạy hai môn là toán và anh văn.
Ngay từ đầu, Diệu là đứa chăm học, cố gắng nhất. Mỗi khi Niên tập đọc anh văn, đứa nào cũng cứng như như thớt. Khi Niên đọc trước cho nghe từng câu, từng đoạn, mấy đứa ít chịu lắng nghe; khi lập lại còn tức cười vì nghe ngộ. Diệu thì khác, vành tai cong lên, mắt chăm chú nhìn miệng Niên. Niên thấy anh văn của mình nghe hay hẵn ra.
Trong một lần anh của Niên về phép, hai anh em nói chuyện và anh nói Niên anh văn giỏi, khuyên Niên xin đi học khóa Trung sĩ thông dịch viên; phần nào ít cực hơn, đỡ chết hơn. Lúc đó Niên thấy cũng có lý nhưng lần lữa vì còn đang lớp dạy hè, học thi tú tài một, thi đậu, rồi sau đó quên luôn. Sau này khi xong Thủ đức ra sư đoàn, mỗi khi có phép về mà gặp anh, chưa than anh đã phán “thấy chưa!”.
Xong bữa học hè cuối cùng, Diệu nán lại thu xếp giúp kệ sách. Niên hỏi Diệu muốn lấy những sách giáo khoa của đệ tam không thì Diệu nói chắc không cần vì Diệu sẽ học C, còn những môn khác chưa biết thầy cô sẽ dạy theo sách nào. Niên ra sau nhà nhìn mông ra rọc rau muống, những vuông mẹ cắt cách ngày nhìn khác nhau mồn một. Không biết lâu mau thì Diệu bước ra, ngập ngừng chào để về. Hồn Niên đang còn vướng đâu đó trên những ngọn rau xanh. Miệng Niên lí nhí gì đó khi bước theo Diệu ra phía trước. Diệu ngồi trên xe đạp quay qua nhìn Niên, mắt đọng lại, chào thêm lần nữa rồi đi. Niên không nói gì, trở ra sau, ngồi.
Sau 75, anh Niên mất tích. Mẹ nói là cha tập kết ra Bắc, chắc còn sống. Ngày người ta kêu loa trình diện đi cải tạo, Niên muốn trốn nhưng mẹ nói trốn nguy hiểm, đừng lo cho mẹ, rau còn ra là mẹ còn cái ăn. Cha con cũng sẽ tìm về, không sợ mẹ một mình đau yếu. Lần thăm nuôi đầu mẹ gồng gánh đủ thứ và cho biết đã gặp cha Niên, không nói là cha Niên có gia đình khác. Cũng không nói là bà đã cắt phẳng phần rọc rau của nhà, còn sang lại một nửa cho người khác.
Niên trốn trại. Lang thang tìm kế sinh nhai. Tìm đường vượt biên. Chỉ nhắn mẹ đi gặp một lần. Mẹ nói bây giờ nghề rau muống là khá nhất, trong xóm ai cũng cực. Mẹ hỏi nhưng Niên nói cho qua không kể là mình ở đâu, làm gì. Hai mẹ con đều có một cuộn tiền để cho người kia nhưng rồi không ai nhận của ai. Niên cầm cái kiếng cận mẹ đưa, gá lên mắt; mẹ ngắm trân trân đến chảy nước mắt, không nói gì. Niên hứa sẽ liên lạc. Khi nào được Niên sẽ ghé nhà. Mẹ xua như lần trước “trốn đi được thì con cứ đi, đừng lo cho mẹ, cha con không nhìn cũng không thiết. Chỉ cầu con được sống đàng hoàng. Đời mẹ chỉ còn một chút con”.
oOo
Người Niên nhô hẳn ra khỏi mái lúc nào không biết. Vài giọt mưa làm nhòa mắt kiếng. Qua đó thấy Diệu đứng thẳng người. Rồi anh thanh niên hồi nãy cùng ra đứng với Diệu. Hai người nhìn về hướng Niên. Niên thụt người vô trong. Niên vẫn thấy họ qua khe lá nhưng họ không còn thấy Niên. Niên không biết mình nên lau kiếng hay vấn thuốc. Tiếng còi hụ báo khởi hành. Cả đoàn ghe lần lượt nhúc nhích, cọ quẹt nhau, rồi lớp lang tuần tự chạy cùng vận tốc với chiếc ghe giồng. Hai người kia chui vô khoang. Ghe nào cũng có tiếng tô, soong nồi lịch kịch ăn. Nồi cơm trộn khoai mì của Niên dầm mưa nguội ngắt. Đêm xuống.
Hôm nay đoàn ghe giồng chờ con nước nên xuất phát trễ. Nhờ nước lớn mau, lại toàn là ghe trống; nên lên tới Bình dương, chợ búa chưa tàn hẳn. Niên đã nhớ ra thanh niên kia, chính là một trong ba trò tới nhà học hè năm xưa. Tên gì thì chưa nhớ ra. Vậy ra hai người đã thành vợ chồng. Cũng hay, ngày đó cậu kia còn non nớt lắm; chắc là họ cùng học với nhau nhiều năm, ở trung học rồi đại học. Trong lúc mọi người lục đục tháo dây để tách ra đi, Niên thấy họ có ý muốn nấn ná. Diệu bồng một đứa nhỏ đứng tựa thành khoang nhìn về phía ghe Niên. Chồng Diệu chống sào muốn lách ghe về gần ghe Niên.
Niên bỏ ý định lên chợ kiếm cái đen nóng; giật máy nổ là hạ càng chạy luôn, ngược dòng về hướng đi bến Súc. Quay mặt nhìn lại, Niên thấy ghe của vợ chổng Diệu lững đững. Họ sẽ đi hướng nào, buôn bán hàng gì. Phải đem cả vợ, con xuống nước để sống tất hoàn cảnh anh ta còn ở một tầng địa ngục thấp hơn Niên. Họ muốn gặp Niên vì tình thầy trò, vì cố nhân, vì muốn hỏi kế làm ăn; hay họ cũng ngần ngại. Cả hai nhận ra Niên hay chỉ có Diệu. Thời buổi này càng không phải tiểu thuyết. Sợ quá khứ, sợ hiện tại, sợ lộ diện. Không có chỗ cho tên một lần muốn gọi.
Ngọc Cân
304Đen – Llttm -DSC
 
 

No comments: