Saturday, October 12, 2019

Cánh Chim Non - BK Tính 323


Cánh chim non
 
 
 

 Qua rồi một thuở chim non
Dù cho tóc bạc lòng son vẫn còn…*

***

“Anh viết bài thơ gửi các em
Mùa Thu hanh nắng rụng bên thềm
Đôi con bướm lượn vờn trong gió,
Mạ thắm xanh đồng thoáng bóng êm
Em đến trường rồi buổi sáng nay.
Bạn cùng mươi cuốn vở trong tay,
Giấy thơm như tấm lòng trong trắng;
Lớp mới thầy vui quyển sách dày
Em ơi hãy gắng mà chăm học.
Vì gót thời gian qua rất mau;
Tuổi xanh đâu có là bao nả.
Đừng để ngày mai chịu cúi đầu.
Hãy trau dồi, hãy gắng công
Làm sao cha mẹ được vui lòng
Ngày mai rồi sẽ như anh nói.
Đem sức tài ra gánh núi sông”

Đầu tháng Mười, ngày tháng Vancouver mới vào mùa thu.

Mùa thu nơi đây cũng hanh nắng như mùa thu của tác giả Ngô Tường Đặng; hôm ông viết bài thơ Gửi Cánh Chim Non, in trong sách Việt Văn Toàn Thư – Lớp Tư của miền Nam ngày xưa ấy.

Nắng đấy, nhưng trong gió có hơi lạnh. Hơi lạnh lạnh khô làn da trần. Gió đùa lá trên sân rào rạt. Lá trên cây đây đó bắt đầu nhuộm ánh thu vàng. Ngày tựu trường đã qua được một tháng. Hơn sáu mươi năm qua, mùi hương tập giấy mới chừng như vẫn còn thơm trong gió, mỗi khi nhớ lại những ngày đầu niên học. Tập vở học trò hồi đó “giấy thơm như tấm lòng trong trắng”.

Cánh chim non, tuổi thơ của những năm 1955 đến 1965, chắc vẫn nhớ những quyển tập giấy trắng có gạch hàng để viết, với các tên quen thuộc, dựa theo hình trên bìa tập như “hiệp sĩ”, “ba cô gái”, “con nai”… in nét đơn giản, một màu đen hay xanh đậm trên giấy màu vàng nhạt. Hồi đó, giấy viết cần nhất là không lem mực. Hình như, tập “xích lô máy” giá mắc hơn các hiệu khác chút ít, có tiếng là giấy trắng và tốt nhất vì mực không lem. Tôi được hai quyển tập “lực sĩ”; vì bìa trước có hình lực sĩ, tay cầm đuốc Thế Vận Hội đứng sau quả địa cầu và hàng chữ Olympic. Bìa sau giống các tập vở cho học trò, có in Bảng Cửu Chương. Cầm tập vở ngang mặt, chỉ cần hé mở trang giấy bên trong là có hương thơm nhẹ nhẹ. Tập giấy mới thơm thanh thoát, quyến rũ vô cùng; tôi hít lấy vài hơi, rồi khép vở lại, để mùi hương còn lưu giữ lâu hơn.

Thật vậy, trang giấy thơm và trắng tinh khiết quá, làm bàn tay trẻ con ngần ngại; tôi phải nhìn lại mấy ngón tay của mình xem có khô và sạnh không, rồi mới rụt rè sờ nhẹ nhẹ lên trên trang giấy. Tôi vừa háo hức mong đến ngày được đặt ngòi viết để viết thành chữ, vừa lo ngại nét không thẳng, vòng không tròn, vết mực của mình lầm lỗi, lem luốc làm vấy hư trang giấy ấy đi. Với tuổi thơ, cái gì đó mơ hồ về hai chữ kiến thức, tôi như thấy khát khao, cả bầu trời đầy ấp ước mơ. Ước mơ gần nhất là học lên lớp, lên lớp Tư, để có thêm bình mực và cây viết có ngòi lá tre, lá bầu. Bình mực là một phát minh ly kỳ đối với tuổi thơ. Bình bằng nhựa cứng, nhẹ và nhỏ để nằm lọt gọn trong lỗ tròn trên góc phải của các bàn học. Phần trên bình mực có nhiều màu để chọn lựa lắm: xanh, đỏ, vàng, tím…, bên trong có cái phểu để ngăn mực. Phân nửa bên dưới làm bằng nhựa trong để thấy lượng mực trong bình còn ít hay nhiều và chỉ nên châm mực đầy đến bên dưới của nửa bình mà thôi. Dù không đậy nắp, mực còn thấy sóng sánh trong bình, nhưng lật nghiêng hay úp lại vẫn không tạt đổ ra ngoài. Mực cho học trò có hai màu là xanh dương và tím; được ép khô thành viên nhỏ hình trụ tròn dài, dạng giống viên thuốc tàu đen bóng. Bỏ viên mực vào nước, khuấy vài vòng cho tan ra rồi đổ vào bình là xong, là có mực để viết. Cũng có mấy đứa con trai dùng mực tím, nhưng con gái hầu như thích chọn màu tím.

 

Còn một loại mực tím khác, hình dạng như hạt cát thô, đựng trong những túi nylon nhỏ, giá mắc hơn loại mực viên thông thường và màu tím có khác màu mực tím của thời còn là các em bé tiểu học. Không biết màu tím này đẹp thế nào hay lãng mạn ra sao, nhưng biết chắc là các cô các cậu mới lớn, sớm biết mộng mơ đều thích hơn. Các cậu cũng tập tành thay màu mực xanh sang màu tím, tím hoa sim, “tím cả chiều hoang” như chuyện tình nồng thắm của nhà thơ Hữu Loan và người vợ mình; màu mực tím cho thêm tình tứ, cho đủ nghĩa yêu đương những tà áo trắng hay áo vàng, áo xanh, áo tím nào đó của anh chàng thi sĩ Nguyên Sa, ở Tuổi Mười Ba:

“… Nàng đến gần, tôi chỉ dám quay đi,
Cả những giờ bên lớp học trường thi
Tà áo khuất, thì thầm: “chưa phải lúc…”
Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường.
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương
Tôi thay mực cho vừa màu áo tím…”

Hồi đó, nam sinh tiểu học mặc áo vải trắng, ngắn tay và quần sọt màu đen. Tôi cất hai miếng tiền 10 su trong túi quần, để dành khi đói khát. Đồng tiền su lớn cỡ ngón tay cái, đúc bằng nhôm. Đồng tiền 20 su và 10 su khắc hình giống như nhau. Cái khác là đường kính đồng tiền trị giá 20 su lớn hơn đồng 10 su và có khắc 20 SU, thay vì 10 SU. Một mặt tiền có hình ba cô gái cùng nhìn về hướng bên phải của đồng su; gương mặt, kiểu tóc và trang sức được điêu khắc thật khéo, nhìn là biết ba phụ nữ của miền bắc, trung và nam. Một mặt có chữ “VIỆT NAM” bên trên hình bó lúa trĩu bông. Tiếng đồn rằng bó lúa khắc trên đồng su kim loại và hình con voi trên tờ giấy tiền Đông Dương linh ứng theo sấm của Trạng Trình, qua sự kiện quân Pháp rút quân khỏi Việt Nam, Đông Dương:

“Khi nào lúa mọc trên chì, voi đi trên giấy: Tây thì về Tây!”

Hai mươi su là số tiền khá nhiều cho đứa nhỏ học lớp Năm (lớp 1 bây giờ). Chỉ cần 10 su là mua được ổ bánh mì ngọt nhỏ, người bán còn múc cho muổng kem kẹp giữa bánh; ăn vừa mát lạnh, vừa ngọt lịm. Ổ bánh mì nóng giòn, chan nước thịt với mỡ hành thơm ngon, bán 20 su thôi. Có 50 su trong túi, vào quán nhỏ ven đường là có quyền gọi tô hủ tíu. Lúc này, chỉ cần 3 đồng bạc là mua được ổ bánh mì Hòa Mã, ở đường Phan Đình Phùng; vài năm sau, tiệm dời về đường Cao Thắng. Bánh mì Hòa Mã là loại bánh mì kẹp thịt nguội kiểu Pháp, có bơ, có Pâté thơm béo, gọi là “cát-cút” theo chữ casse-croûte; sang và ngon nhất Sài Gòn mình, từ năm 1958.

Cả tuần trước ngày tôi được đi học, ngày ngày, ra vào nhìn ngắm bộ đồng phục học trò, tôi thấy thời gian mỗi ngày sao chậm thêm ra. Tôi rất may mắn được học trong lớp của dì Tư, em của mẹ tôi, làm cô giáo. Có em mình trông lo, dạy cho thằng con mình học, cha mẹ tôi an tâm lắm.

Sáng tựu trường, dượng chở Dì đi dạy bằng chiếc Vespa ngang nhà, dừng lại đón tôi. Tôi lên đứng trên sàn xe, giữa hai chân và cánh tay của dượng. Chờ tôi vịn hai tay vào tay lái xe xong, dượng cho xe chạy tiếp đến trường. Trước khi bước vào cổng trường, Dì nghiêm nghị dặn tôi phải ngoan, chăm học như bạn cùng lớp, không được ỷ lại có dì là cô giáo. Dì “hứa hẹn” là nếu tôi phạm lỗi thì dì sẽ phạt nhiều gắp đôi. Tôi vâng dạ, rồi đi theo phía sau Dì đến lớp.

Niên học khai giảng vào ngày thứ Hai. Sáng thứ Hai có lễ Chào Cờ. Xe và người khi đi ngang công sở hay trường học đều dừng lại, nghiêm chỉnh đến hết bài Quốc ca. Từ nhỏ, đã quen với nghi thức Chào cờ sáng thứ Hai. Sáng nay, trong bộ đồng phục học sinh, tôi được cùng các bạn học đứng ngay bên trong sân trường, vòng quanh cột cờ. Tôi nhìn xe, nhìn người trên đường phố dừng lại khi trường làm lễ Chào Cờ, nhìn lá quốc kỳ màu vàng tươi thắm tung bay thật gần, chợt thấy khác lạ, thấy mình như lớn hẳn ra.

 

Năm 1958, Bộ Quốc gia Giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa, dưới thời Bộ trưởng Trần Hựu Thế, có triệu tập Đại hội Giáo dục Quốc gia – Lần thứ Nhất, tại Sài Gòn. Ba nguyên tắc Nhân bản, Dân tộc và Khai phóng được hội nghị quyết định làm nền tảng cho triết lý giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa.

Trên nền tảng này, miền Nam đã gầy dựng được một kho tàng sách giáo khoa thật phong phú. Trong đó, có quyển “100 Bài Tập Đọc”, có bài Anh Hùng Vô Danh của Việt Tâm (giáo sư Nguyễn Ngọc Huy), được rút gọn thành 4 đoạn chính, dành dạy cho học sinh Lớp Nhất & Lớp Nhì:

Họ là những anh hùng không tên tuổi
Sống âm thầm trong bóng tối mông mênh,
Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh,
Nhưng can đảm và tận tình giúp nước.

Họ là kẻ tự nghìn muôn thuở trước,
Đã phá rừng, xẻ núi, lấp đồng sâu,
Và làm cho những đất cát hoang vu
Biến thành một dãy san hà gấm vóc…

Họ là kẻ anh hùng không tên tuổi,
Trong loạn ly như giữa lúc thanh bình,
Bền một lòng dũng cảm, chí hy sinh,
Dâng đất nước cả cuộc đời trong sạch.

Tuy công nghiệp không ghi trong sử sách,
Tuy bảng vàng, bia đá chẳng đề tên,
Tuy mồ hoang xiêu lạc dưới trời quên,
Không ai đến khấn nguyền dâng lễ vật.

Nhưng máu họ đã len vào mạch đất,
Thịt cùng xương trộn lẫn với non sông,
Và anh hồn cùng với tấm trinh trung
Đã hòa hợp làm linh hồn giống Việt.

Tiếc thay, sau khi chiếm miền Nam, nhà cầm quyền cộng sản ra lệnh tiêu hủy các loại sách của niền Nam kể cả sách giáo khoa môn quốc văn các cấp. Những kẻ mệnh danh là “cách mạng” đã nguyền rủa nền văn hóa của miền Nam là “văn hóa đồi trụy”. Đảng và nhà nước cộng sản còn đầu độc và xúi dục thanh thiếu niên miền Nam ồ ạt biểu tình, phát động phong trào tịch thu và đốt sách; các núi sách lớn nhỏ theo nhau trở thành tro tàn.

Có phải chăng, văn hóa miền Nam bị đảng kết án là “văn hóa đồi trụy”, vì đã không viết sách tôn vinh đảng cùng các lãnh tụ là “đỉnh cao trí tuệ” của nhân loại, vì thiếu những lời hô hào xúi dục đầy man rợ và khát máu như Tiến quân ca, cũng là quốc ca của nhà nước cộng sản: ”Thề phanh thây uống máu quân thù”, vì đã không giảng dạy chữ nhân đạo theo chánh sách bất nhân của cộng sản, như lời thơ của các hung thần Chế Lan Viên, Tố Hữu:

“Miền Nam ta ơi!
Cái hầm chông là điều nhân đạo nhất”
“Ngọn súng trường ta ơi,
ngọn súng rất nhân tình”

“Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ,
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong,
Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng,
Thờ Mao Chủ tịch, thờ Sít-ta-lin bất diệt”

Thật ra, chẳng quá ngạc nhiên khi con người cộng sản không quan tâm đến tốt xấu, thiện ác; cái quan trọng nhất của họ là cộng sản hay không cộng sản. Chính Mao Trạch Đông, thầy tổ của đảng và cái nhà nước đang cai trị Việt Nam mình hiện nay, cũng đã từng dạy rằng:

“Chủ nghĩa cộng sản không phải là tình thương mà là cái búa để chúng ta đập nát kè thù” (Communism is not love. Communism is a hammer which we use to crush the enemy)

Gần đây, trang Văn Hóa Nghệ An, vào ngày 3 tháng 4 năm 2019, có đăng bài “Đọc sách – Bổn cũ soạn lại: Những bài học thuộc lòng – Tân Quốc Văn Giáo Khoa Thư”. Tác giả Nguyễn Văn Tuấn nhìn nhận, dù muộn màng, về bộ sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư của các soạn giả Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận, thuộc chương trình giáo dục của miền Nam, trước khi bị cộng sản cưởng chiếm, như sau:

“Dù được xuất bản gần 100 năm trước, nhưng cho đến nay vẫn được xem là một cuốn sách giáo khoa thuộc vào hàng hay nhất và có ảnh hưởng lớn nhất. Những câu chuyện trong sách nhắm đến việc hun đúc tình thương yêu đồng bào; tôn trọng mạng sống của con người; lòng nhân ái; trọng của người; không vọng ngữ, v.v… cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.”

Một nền giáo dục nhân bản sẽ đưa con người và đất nước đến hạnh phúc, tự do. Nhưng một nền giáo dục vô luân sẽ biến con người thành loài bất nhân, vô đạo. Người ta có thể xóa bỏ một chế độ chính trị bằng cách mạng, từ đó đoạn tuyệt với quá khứ. Thế nhưng, người ta không thể điên cuồng thừa thắng mà xông lên “cách mạng” giáo dục một cách quá khích, vô ý thức, tùy tiện, tùy thích, theo thói hung tàn, bạo ngược của cộng sản.

Qua trang Facebook, Nguyễn Việt Khôi đã luyến tiếc cho nền giáo dục của miền Nam:

“Ngày xưa đẹp đẽ ấy, thể chế thanh bình nhân bản ấy, đã lo lắng đào tạo con người từ những góc cạnh căn bản nhỏ bé nhất. Còn bây giờ, cái chế độ man rợ đã làm đủ cách đánh mất chữ “người”, để chỉ còn chữ con. Như những trò chơi bẩn thỉu dâm ô mà chúng đưa ra cho đám đoàn viên đi theo, hầu quên mất hết những gì gọi là Luân Lý-Đạo Đức và Quốc Gia-Dân Tộc.”

“Mùa Thu hanh nắng rụng bên thềm”

Thêm một niên học mới!

Tội nghiệp cho những cánh chim non trên quê hương Việt Nam ngày nay. Từ lúc tập tễnh bước vào đoạn đời làm học sinh, phải tập lếu láo, nghêu ngao hát mừng cho cái giấc mơ kỳ dị, mơ gặp người đã chết, chết chưa chôn. Chim non phải cắm cúi học theo lời đảng dạy, để tập làm quen, ru hồn trong giấc mơ cộng sản, cơn ác mộng của nhân loại, mà an hưởng những gì đảng ban bố cho đời mình!

BK Tính 323

* Thơ – BK Nhan Diễm Phước 352

304Đen – Llttm

 

No comments: