Monday, October 28, 2019

Mai - Phan Hội Yên



Mai
 
 
 

 

Việc gặp lại Ðằng ở đơn vị, quả thật là điều tôi không hề mong muốn, nhất là phải ở cùng trung đội. Khi Ðằng bỏ trường, bỏ lớp, bỏ cả giòng sông chảy ngang qua thành phố, và những chuyến đò ngang đầy ắp thật nhiều dự định, những dự định tưởng như có thể hồng tươi hơn chòm hoa phượng là đà mặt sông xanh thắm. Tôi vẫn không nghĩ là Ðằng đã đi lính. Việc gì phải thế, khi chỉ còn vài tháng nữa là đến kỳ thi năm cuối. Cửa ải mà nếu vượt qua được, phần số mỗi người sẽ có được nhiều chọn lựa hơn ở giảng đường đại học, và nếu có phải bước vào cuộc chiến vẫn sẽ có rất nhiều đổi khác. Dù sao thì chiến tranh cũng đã tới bên ngưỡng cửa trường học, khi mỗi sáng điểm danh, lại thỉnh thoảng vắng đi một người, nhất là vào ngày thứ hai đầu tuần, đám bạn bè ngoại ô, sau ngày thứ bảy, chủ nhật về quê, là gần như đi hẳn. Tụi nó nhảy núi, chúng tôi thật không hiểu vì sao lại có những chọn lựa trái nghịch với ý muốn khi họ rất sợ phải về quê cuối tuần. Riêng bọn chúng tôi ở thành phố, lại thong dong tuần tự bước vào nghiệp lính không mảy may lo nghĩ, hay chờ đợi lên phiên. Sớm hay muộn, một hai năm, chẳng có nghĩa lý gì với cuộc chiến đã dài hơn tuổi đời chưa kịp lớn. Vả lại, có quá nhiều lý do để thôi thúc đám nai vàng ngơ ngác chui đầu vào lò thui một cách tự nguyện, khi ngoài cổng trường xôn xao cờ quạt biểu ngữ của quá nhiều đám biểu tình, bãi khóa... đến nỗi câu khẩu hiệu thông dụng nhất mỗi khi chúng tôi được bỏ ngang lớp học, nhập vào bất cứ đoàn biểu tình nào là... ‘’Hoan hô, đả đảo, muôn năm... muôn năm.’’ Chẳng cần phải biết hoan hô hay đả đảo ai muôn năm. Thầy giáo tóc dài dạy triết lại thỉnh thoảng bơm chút hơi hướng... buồn nôn lạc lõng, váng vất ảo ảnh về một cuộc cách mạng mà hình như thầy cũng chỉ mới tiêm nhiễm đâu đó, hơn là chính sự chọn lựa của thầy khi đã quá say mê dẫn đám học trò bơi trong những bài giảng xa vời, hỗn loạn về chủ nghĩa hiện sinh và triết học Karl Mark, để có đứa bỗng nhiên trở nên ngớ ngẩn, gật gù như một triết gia, thuyết giảng ồn ào về quyền tự quyết của dân tộc. Tự quyết gì? khi vẫn lạy ông Stalin còn hơn ông cố tổ. Tôi cắc cớ hỏi đám yêu nước thời thượng, để được chúng nó ném cho những tia nhìn diễu cợt. Có ai biết, chiến tuyến tội nghiệp đã manh nha từ ghế nhà trường?

 

Hôm Ðằng bỏ học, tôi chỉ biết, lúc Mai cho tôi đọc những phân trần của hắn về một sự vắng mặt cần thiết,’’ trời đất bao la nhưng không còn một chỗ cho Ðằng’’ khi Mai khước từ những ý định xa hơn của hắn về tình bạn giữa ba đứa chúng tôi. Cái thằng lậm nặng Kim Dung, tưởng mình cũng mang dòng máu Khiết Ðan của Kiều Phong bỗng mất A Tử, than một tiếng vang động tới trời xanh. Oan cho tôi một điều là hắn tưởng Mai đã chọn tôi thay vì hắn, trong khi tôi ù ù cạc cạc, ngớ ngẩn chuyện trai gái phiền toái. Tôi vẫn còn thích những buổi tắm sông, mệt nhoài bơi theo chuyến đò ngang tan học, khoanh hai tay nổi lềnh bềnh trên những con sóng lăn tăn, nghe rong rêu ve vuốt tấm lưng trần để mường tượng những tà ào trắng trên chuyến đò chiều nhập nhòa mây nước bất chợt bay vút giữa thinh không... để làm gì nhỉ? Tôi cũng chẳng hiểu. Nhưng một bóng dáng nào để phải lơ đễnh nhìn bâng quơ ngoài cửa lớp thì vẫn là điều úy kỵ đối với một kẻ vừa nhỏ con và xấu trai như tôi. Cuối ‘’bảng tường trình ‘’ hắn còn phang một câu chúc Mai và tôi hạnh phúc? Oái oăm hơn, tự nhiên tôi lại thấy đôi mắt Mai long lanh kỳ lạ khi dí vào mắt tôi đoạn văn của kẻ sắp bước lên đoạn đầu đài. Tôi vẫn đinh ninh hắn nhập vào một khóa sĩ quan nào đó thuộc hải lục không quân, để sau một hai năm trở về với áo quần đại lễ, mắt nhìn thẳng về phía trước, dáng kiêu bạt bất cần đời cũng đủ để... Mai ân hận, và đủ để tôi kính cẩn chào ngài cho sướng chí phục thù, dù tôi chẳng có xơ múi gì trong những oan khiên của hắn.

 

Một năm rồi hai năm, tôi không có cơ hội để báo cho hắn biết, khi Mai hồn nhiên bước lên chuyến xe lộng lẫy của một buổi chiều hồng tươi pháo cưới. Ðến lúc đó, tôi mới chợt ngẩn ngơ, chợt biết cũng như hắn, tôi đã vuột mất khu vườn thần tiên thanh thoát... mà có khi tưởng như đã của mình! Ðể rồi khu giảng đường nhìn ra bờ sông bỗng trở nên trống vắng, tan hoang hơn theo những biến động dồn dập tới lui qua từng nhịp cầu xám dần nắng bạc, những bước chân cuồng nộ của đám biểu tình dần đưa thành phố vào cõi chết, bàn thờ cũng xuống đường cùng với xe pháo ngược xuôi, tôi chẳng thể nào hiểu nổi cảnh bát nháo, dữ tợn của những thằng bạn học với băng xanh băng đỏ trên tay áo, hăm hở chạy theo chiếc vespa bạc phếch màu sơn của ông thầy triết hippy thuở nào, phân phát những tờ báo sặc mùi giặc cỏ, cổ võ cho một kiểu Trung Kỳ Quốc ly khai tự trị, mà có lẽ Tổng thống hay Thủ tướng gì đó cũng chỉ là Thầy, hay một vị giáo sư họ Hồ, họ Tôn nào đó của viện đại học đã không còn là chốn cửa Khổng sân Trình. Những vị giáo sư đáng kính mà danh tiếng và sự thành đạt của giòng họ không hề vì, từ, hoặc cho đám dân đen nghèo khó, khi họ vẫn luôn tách biệt trong tháp ngà quý tộc, ban phát sự ngưỡng phục cho mọi người từ những ngựa xe, tước vị. Những ngựa xe, tước vị có từ cơm áo ngoại bang. Nay miếng đỉnh chung hình như lại được ngoại bang mới bày bàn bánh vẽ, nên các thầy đã mạnh miệng đốc xúi đám học trò, giương cờ quyết tử, học sinh quyết tử, sinh viên quyết tử, đòi xé rách thêm một miếng trên quê hương vốn đã đau với lằn dao Bến Hải.

 

Tôi may mắn được cơn lốc hỗn loạn đó cùng với ngọn bão hiu hắt của Mai thổi bay ra khỏi giảng đường để đi vào quân đội. May mắn, vì nếu chậm chân một năm sau, khi đám cuồng khấu trở về cùng với ‘’Thầy‘’ giết ngon lành sáu ngàn mạng người, những người đã từng là bạn học, bạn cùng xóm, bạn đá banh, đánh bi, đánh đáo, là học trò của Thầy, nhưng không cùng một lý tưởng bán nước như Thầy và lũ chạy hiệu. Thưa Thầy! Ðến bây giờ, Thầy vẫn là một kẻ mang trọng tội, là một vết nhơ của lịch sử, dù Thầy có dư khả năng biện bác, chạy tội của một người ngồi trên lý của kẻ thắng. Và cho dù Thầy có chết. Thành phố nhỏ có năm nào quên khói hương cho mấy ngày Tết mới, đã mãi mãi là bản án trĩu nặng trên chút lương tâm nào đó còn sót lại, không phải chỉ của Thầy, mà ngôi từ đường thầy hưởng hương khói, cũng phải biết ăn năn. Thầy biết xứ mình mà, họ đay nghiến không phải chỉ bằng đôi mắt ngó.

Vậy mà Ðằng đi lính, thay tên đổi họ để thoát khỏi tài nguyên sĩ quan, làm một ngườI lính lặng lẽ tự mình khoét sâu vết thương, tự mình cay đắng với quá nhiều điều hoang tưởng. Như Ðằng vẫn thường hoang tưởng trên những bài thơ viết đều trên các báo văn học tôi vẫn được đọc mỗi tháng. Cái bút hiệu của hắn, mang tên ba đứa chúng tôi Vương Ðằng Mai, dù bây giờ đã không còn chữ Vương, tên tôi đứng trước, nhưng dấu đâu được giọng thơ u uất, kiêu bạt của một kẻ đã tự đăng cáo phó, ngồi đọc bản tin mình chết trận, bật giọng cườI khan thâm thẩm, đếm trên đầu ngón tay để biết mặt bằng hữu nào còn chia lờI ai điếu.

‘’ Ta đứng đầu rừng, ngu như loài cỏ dại

Hứng hết mặt trời

Ðốt cháy cõi nhân gian

Ðể biết đâu em sẽ qua như là gió

Vướng hạt tro buồn

Cay mắt tiểu thư...

Thơ của hắn, mang mãi một mặt trời cô quạnh, một mặt trời hừng hực khát khao, cực đoan và tuyệt vọng. Vết thương đầu đời không ngờ mổi ngày một mênh mông không bến...

Anh uống say sưa

Những giọt nắng thừa rơi qua kẽ lá

Gọi gió về

Cho nắng rụng nhiều hơn

Từ những cành cao chưa một lần với tới

Nắng rụng vô vàn, anh uống đến ngất say...

 

Cũng may hồi đó, khi đọc mẩu tin buồn trên báo, tôi tưởng Ðằng chết thật, và có lẽ bài viết ngắn tôi dành cho hắn, trên tờ Nghệ Thuật của ông Viên Linh- Mai Thảo (Vương Ðằng Mai - Những người viết mới. Tuần báo Nghệ Thuật. 1966, không nhớ rõ số) đã kéo hắn chịu ngồi xuống với tôi, để nói những điều tưởng chừng như đã chết. Như một Trần văn Ðằng đã biến mất trong tất cả hồ sơ lý lịch, để bây giờ hắn gặp tôi với một tên rất lạ Hạ sĩ Trần Hiếu Ðịch.

Không ai trong đơn vị biết những giòng thơ đầy ấp nắng si tình là của Ðằng, hạ sĩ Trần Hiếu Ðịch sống lang bạt như một hảo hán bất cần đời, mà Cao Bá Quát có sống lại cũng chưa chắc đủ sức nằm bên hũ hèm để xuống bút những vần thơ đánh động tận cõi xa xôi của những niềm riêng bi phẫn. Niềm riêng từ cõi hy vọng thâm sâu lẫn niềm tuyệt vọng. Hắn không thể quên Mai, và tình yêu đó vẫn như một mặt trời rực lửa hắn ngày ngày cắn trong răng xông vào cõi chết.

Cho đến thời điểm đó, cả tôi và hắn vẫn chưa biết gì về cái chết của vợ chồng Mai. Mãi bốn năm sau, một ngày đầu Xuân, tôi hối hả băng đồng từ vị trí đóng quân về thành phố cũ, ba lô trĩu buồn những bài thơ và bóng mặt trời của Ðằng, cố gắng tìm đến khu vườn xưa vẫn vàng hoa sứ, và cụm Mai tứ thời ráng đỏ sắc chiều trôi, thì Mai đã không còn nữa. Hai vợ chồng đả cùng chung số phận với sáu ngàn người chết tức tưởi đầu Tết Mậu Thân. Chuyện tưởng như Màu Tím Hoa Sim của Hữu Loan. Tôi tìm Mai cho hắn hay tìm Mai cho tôi? Những giòng thơ của hắn có mang hộ tôi lời tự tình câm nín? Hắn còn hơn tôi là đã nói và đã mất. Còn tôi? Giọt nước vô tình vẫn rơi giữa trời không.

Tôi cố thuyết phục Ðằng về một khóa sĩ quan để hắn tạm quên cơn binh lửa đang cuốn hút đơn vị vào những cuộc hành quân tất bật.

- Nếu muốn, bây giờ tôi đã là Tiểu đoàn trưởng của Thiếu úy!

Hắn vẫn gọi tôi với đầy đủ cấp bậc, dù đã nhiều lần tôi phải nài nỉ:         

- Thôi Ðằng à! Cần gì phải thế! Sao mầy không gọi tao như hồi đó?

- Khi nào giải ngũ, mình sẽ tính lại vụ đó.

Cánh bay chao nghiêng để những triền núi tím sẫm mây chiều bỗng bập bềnh ngoài ô cửa. Tôi dựa lưng vào balô của Ðằng, hắn vẫn hý hoáy viết suốt chuyến không vận từ Nam ra Bắc.

-Này ông bạn! Xứ mình mùa nầy hiếm thấy mặt trời lắm đó!

-Mình sẽ vẽ nên mặt trời. Nhất là...

 

Hắn bỏ lửng câu nói rồi nhìn đăm chiêu vào khoảng tối mập mờ tận đuôi tàu. Cuộc hành quân đang mở về quê cũ, như tôi và Ðằng vẫn hằng mong đợi. Là đơn vị tổng trừ bị của Quân đội, chúng tôi đã vác balô ngược xuôi khắp miền chinh chiến, nhưng trở về để được nhìn giòng sông đã êm đềm trôi hết thời thơ ấu của cả hai đứa, để có thể ngập ngừng lướt xe nhanh qua khu vườn nhỏ ngập tràn những bướm hoa niên thiếu, và nhất là để bước vào căn nhà rêu phong ẩn khuất sau hàng bông cẩn, nhìn lại tấm ảnh bán thân Mai vẫn treo bên cửa sổ... dù ‘’đôi mắt người Sơn Tây đã u ẩn theo chồng‘’. Chúng tôi đã mất hơn bốn năm để có ngày về mong manh đó. Khi nhận phóng đồ hành quân từ đại đội, tôi đã reo mừng như một đứa bé, tìm ngay Ðằng để nói với hắn thật nhiều dự định. Nhất là phải trầm mình một buổi xuống giòng nước óng ánh mặt trời trên từng con sóng nhỏ, chịu phép thánh tẩy dành cho hai đứa giang hồ lưu xứ, cuốn trôi những phong trần lang bạt và cả những u uất một thời đã chín mùi theo lửa đạn. Ðể sẽ cất giọng cười sảng khoái, khà một chung ‘’tửu phùng tri kỷ‘’      

Giao máy cho ông thượng sĩ già lên ngồi phía trước cạnh tài xế, tôi đứng trên thành xe cùng với hắn. Ðoàn quân xa đang vượt qua chiếc cầu xe lửa phía tây thành phố, những thanh sắt đen một màu đổ nghiêng xuống giòng sông đang ôm lấy nền trời trong vắt, như lung linh nấc thang bước xuống thủy cung rong rêu xanh thẫm. Phía xa kia, phía những nhịp cầu trắng bạc băng qua thành phố. Ôi mặt trời lên kìa,  Ðịch, mỗi khi quýnh quáng tôi vẫn kêu tên lính của hắn, mặt trời sớm mai tươi tắn một vòng cung trên bức tranh lụa, nhịp cầu cong nghiêng như nẻo quay về của thật nhiều ký ức, hình như có  ba chiếc xe đạp đi học sớm... tôi thì khi nào cũng rướn mình trên pédal vượt dốc cầu lên phía trước, để nuốt trọn khoảng không gian mở ra bát ngát dưới lòng cầu, nghe mùi rong man man tưởng như theo gió đến từ đại dương xa khuất. Hắn chậm rãi nhường Mai lên dốc, không biết tà áo, mái tóc, vòng bánh xe, hay tiếng reo tí tách từ những nan hoa xe đạp của Mai là nguồn thơ cho hắn...

Mai em nhung lụa qua cầu,

Ta loay hoay giửa rối mù cuộc vui

Khi về gió vắng áo ai

Sông bâng khuâng bóng mờ phai hương người.

Tôi ngâm khẽ bài thơ buồn hắn viết những năm còn đi học, để bất chợt thấy đôi mắt đỏ hoe của Ðằng đang nhìn đăm đăm về phía mặt trời, khi chiếc quân xa gầm gừ khuất dần dưới những tàn cây ngược đường số một, ngược về mặt trận phía bắc đang đang ngút lửa chiến chinh.

 

Mục tiêu cuộc đột kích là một chốt mạnh, vừa là đài quan sát của địch, nằm sâu trong vùng thượng sơn, trên một đỉnh núi , cách căn cứ hỏa lực gần nhất của quân ta hơn mười cây số về phía tây bắc. Tin tình báo và giải đoán không ảnh còn cho biết, rất có thể, đầu não của các đơn vị pháo Bắc quân đang trú đóng quanh khu vực nầy, chuẩn bị cho một kế hoạch phủ toàn bộ khu vực mặt trận, cũng như phần nửa phía bắc thành phố, trong một cuộc bắn phá dữ dội của pháo binh, tạo kinh hoàng và hỗn loạn để dọn đường tấn chiếm bằng các đơn vị bộ binh và chiến xa đang chờ sẵn bên kia giới tuyến. Khi họp ở đại đội, tôi đã biết tất cả những khó khăn sẽ gặp phải, vì yếu tố bất ngờ, cũng là sở trường chiến thuật của đơn vị là đổ bộ chớp nhoáng bằng trực thăng vận khó mà  thực hiện  được khi hướng vào duy nhất, nằm dọc theo lưu vực của một con suối chạy dài giửa thung lũng đã bị khóa chặt bằng một hỏa lực phòng không hùng hậu, mà ngay cả máy bay trinh sát võ trang OV 10 của Hải quân Mỹ cũng bỏ chạy té khói huống chi mấy chiếc HU nặng nề quân đổ bộ. Thế nhưng, đó lại là giải pháp khả thi duy nhất khi vị trí đột kích nằm quá xa căn cứ yểm trợ, vì thế, phải chấp nhận hướng bay xa hơn, vượt qua đỉnh núi cao vòng sau lưng địch rồi bất ngờ chụp xuống từ mặt dốc dựng đứng phía tây, đây cũng là hướng rút dự phòng nếu đường không vận bị trở ngại. Ðáng lẽ, vấn đề sẽ được giải quyết dễ dàng nếu các đại đội trinh sát của sư đoàn kịp tới vùng hành quân, vì đó là ‘’nghề của chàng‘’. Nhưng họ đang bị cầm chân tại các mặt trận Komtum và An Lộc. Chúng tôi là tiểu đoàn đầu tiên, cũng vừa rời mặt trận An lộc, tăng phái ra chiến trường cực bắc, và theo như ý niệm của bộ tư lênh vùng, cuộc đột kích nầy nhằm đạt hiệu qủa tâm lý hơn là giá trị chiến thuật, khi cần chứng tỏ với địch, cũng như với đồng bào về sự hữu hiệu của các đơn vị tổng trừ bị vừa được tăng phái đến. Ðể không còn ám ảnh về những ngày Xuân tang tóc năm nào.

Chúng tôi có hai ngày để chuẩn bị, nhận dạng các vị trí, hỏa điểm và cách bố trí của mục tiêu trên sa bàn được lập theo không ảnh, với tỷ lệ một trăm phần trăm khu vực trung tâm, gồm có tám căn hầm chữ A và hai vị trí phòng không rõ mồn một trên hình chụp. Hai con gà cồ nầy, chúng tôi phải mang về làm quà tết, không biết quà tết cho ai, nhưng chắc chắn phải mua bằng gía máu. Và quan trọng nhất là thực tập cách đánh đổ bộ, xáp chiến bằng claymore, M16, và rút quân ngay lập tức, chiến thuật thần tốc nầy đã được các đơn vị trinh sát sư đoàn xử dụng và giáng cho các đơn vị Bắc quân những cú tát bất ngờ, nẩy lửa tại các đỉnh núi kéo dài từ Komtum lên Võ Ðịnh, Tân cảnh.

Trong hai ngày chuẩn bị, phải tập gói ‘’bánh chưng’’, mỗi trái claymore kẹp thêm mười thỏi TNT để tăng sức công phá, thẩy và giựt để giây mìn xếp theo dạng dây xoa dù T10 bung ra nhẹ nhàng, tập nhấn nút chính xác để khi cái ‘’bánh chưng ‘’ vừa lọt xuống công sự địch là kích hỏa. Sở dĩ không xử dụng lựu đạn, vì thời nổ không đủ nhanh và chính xác, địch có thể chụp, ném lại, gây khó khăn cho đơn vị đột kích. Mỗi người chỉ đeo ba trái làm quà xuân cho những người khách không mời mà đến, hai mươi băng đạn, hai bịch gạo sấy, bi đông nước và poncho.  Thời điểm được quyết định vào đúng rạng sáng ba mươi

 

Mọi việc chuẩn bị coi như hoàn tất, đêm trước khi lên đường, tôi ngồi với Ðằng, nhiệm vụ đã rõ ràng cho mỗi một người theo vị trí và trách nhiệm trong đơn vị. Tôi chẳng giao thêm gánh nặng nào cho Ðằng, nhưng sao vẫn cứ băn khoăn bứt rứt. Khi tôi về trung đội thì Ðằng đã ở đó, tiểu đội khinh binh gồm tám người kể cả Ðằng luôn luôn đứng trước mọi hiểm nguy trên tất cả mặt trận. Và tôi, trung đội trưởng đã luôn luôn theo sát, chia xẻ và cùng quyết định với họ tất cả mọi tình thế, thế nên, sự an nguy của bản thân không hề khác biệt giữa người nhảy xuống từ chiếc trực thăng thứ nhất, và chiếc thứ hai, thứ ba, hay chiếc cuối cùng.

Hương mai rừng thoang thoảng ngoài cứ điểm, nhắc nhở chúng tôi về những phong bao lì xì đỏ thắm trẻ thơ, bếp lửa giao thừa reo vui ngày mới lớn, thùng bánh chưng cháy khét ngượng ngùng của cả ba đứa... Tôi chẳng hiểu tại sao có thể ôm đầu, bó gối ngồi ngủ ngon lành, khi cùng Ðằng và Mai nhận canh thùng bánh chưng chung cho cả ba gia đình đêm ba mươi tết, chẳng biết đứa nào ngủ trước, đứa nào ngủ sau, nhưng khi chợt thức giấc thì bếp lửa chỉ còn âm ỉ khói, và thùng bánh thì ôi thôi, chỉ còn một mùi khê khét nặc nồng... Tôi biết, Ðằng cũng đang nghe thoang thoảng hương mai. Tôi biết, Ðằng cũng đang đắm mình trong cõi hồi tưởng xa xôi êm ái. Tôi biết, chỉ còn một ngày để bước vào năm mới, và cũng chỉ một ngày nữa thôi, để biết có còn không, những đự định chưa thành.

 

Trung đội, làm gì còn đủ lính để gọi là trung đội, khi chúng tôi chỉ có mười tám người, lên vừa đủ ba chiếc trực thăng, hai chiếc trừ bị không chở quân và hai gunship hộ tống. Ðằng lên chiếc thứ nhất, tôi đi chiếc thứ hai, phần còn lại của trung đội đi chiếc thứ ba. Chúng tôi chỉ có ba mươi giây để rời tàu, mười lăm phút tấn công, thanh toán mục tiêu, và, một phút để lên tàu trở về. Hy vọng mấy ông Pilot hào hoa, đủ gan dạ để xuống trúng chỗ, nhất là khi trở về. Toán trực thăng bốc cao, bay vượt về phía tây, nơi những triền núi dựng đứng lẫn trong sương mai mờ đục, những ngọn cây lướt nhanh dưới thân tàu như muốn quất mạnh vào sáu đôi chân đang đong đưa hai bên thành cửa, tàu nghiêng cánh hướng vào mục tiêu.

Theo kế hoạch đã thực tập, toán thứ nhất đổ xuống phải dứt điểm hai vị trí trung tâm, toán thứ hai đánh bung lên mặt bắc, toán thứ ba đánh dạt xuống phía nam. Phi hành đoàn sẽ bay cover đúng ba vòng quanh mục tiêu rồi đáp xuống nếu chúng tôi còn sống và mở khói vàng. Mục tiêu rõ dần trong thoang thoáng hơi sương, với cái lạnh và ẩm ướt của mịt mù rừng núi chưa tỏ ánh mặt trời, trong chăn ấm cuối đông, có lẽ đơn vị địch không thể ngờ tử thần đang ập đến, nên chiếc thứ nhất của Ðằng trút quân nhanh chóng, máy bay vừa cất khỏi mục tiêu đã thấy nháng lên bốn chớp lửa và ầm ì tiếng nổ công phá của mìn claymore, chúng tôi nhảy bung ra khỏi thành tàu, không chờ chạm đất để tàu ngon trớn cất bổng lên nhanh chóng, rồi xông lên phía trước  nhường chỗ cho chiếc thứ ba đổ quân đánh tấp ngược về phía sau. Người hạ sĩ quan xạ thủ phi hành thấy cây phòng không 12 ly 8 nằm lật gọng cạnh thân tàu, nhanh tay nhảy xuống dỡ gọn thẩy lên mới chịu cất cánh. Chiến trận tràn ngập những tràng M16 thanh toán mục tiêu và tiếng nổ đanh gọn của claymore nổ ập xuống từng căn hầm đang ngái ngủ... Nhanh, nhanh hơn nữa... Nhanh hơn nữa, những trái mìn tung xuống miệng hầm, dây mìn bung ngọt lịm đủ khoảng an toàn cho kịp nhấn ngòi nổ, từng căn hầm nổ tung với gỗ, đá, và cả xác người. Không một tiếng súng kháng cự. Chẳng phải anh hùng, tráng sĩ gì đâu, đã đổ xuống đây rồi thì phải đánh, phải giành phần sống sót, phải tận dụng hết khả năng và sự hung bạo của chiến tranh. Phải cướp và giữ chặt thời cơ. Phải ghìm địch dưới những căn hầm. Phải la hét chửI thề. Phải đứng xổng người lên mà bắn, rướn cao lên mà ném mìn, chúc mũi súng xuống miệng hầm mà tặc tặc... tặc tặc... Ðm bung ra nhanh lên, cờ trắng hả? khỏi... khỏi... mạng giữ chưa xong, sức đâu mà bắt tù binh... Ðm bắt về nó khai tùm lum, mất công lội, Tết nhất tới nơi rồi. Ê! nói gì kỳ vậy... tôi chưa kịp hét với thượng sĩ Sáng thì cây cờ trắng đã bắn tung lên cùng với căn hầm. Có ai muốn lên trực thăng bay vào chỗ chết lúc năm cận tháng tàn? Lên rồi, bay rồi, tới rồi, thì phải xuống. Xuống rồi thì phải đánh. Không lẽ xuống đó, đứng như trời trồng chờ lãnh đạn? Mặc cho tiếng máy truyền tin ồn ào sôi sục, tôi máng ống liên hợp vào vai, không có thì giờ đàm thoại. Mọi việc sẽ được trả lời nếu tôi còn sống sót...  Mười phút, hai vòng bay, chỉ còn năm phút nữa là quay về, vậy mà trong năm phút phù du đó, chúng tôi mất Ðằng.

Khi toán thứ ba vừa đổ xuống, chỉ còn căn hầm cuối cùng thì cũng là lúc địch bừng tỉnh và phản ứng. Ðiều nầy cũng không ngoài dự tính, nhưng việc xẩy ra ngoài ý muốn là từ dưới thung lũng, họ tung quân phản kích. Lưỡng đầu thọ địch. Không còn cách gì khác là phải nhanh chóng tiêu diệt căn hầm còn lại trước khi quân tăng viện đối phương tớI được mục tiêu. Chúng tôi đang ở sau lưng căn hầm đó, nên hướng tác xạ hoảng hốt của mấy khẩu AK không ghìm được toán của Trung sĩ Vệ, thẩy nhanh hai trái claymore lên nóc hầm và bấm nút, căn hầm vỡ toang cùng với tiếng nổ chát chúa của hai trái mìn nổ ngoài khoảng trống, cùng lúc, địch bắt đầu pháo kích vào vị trí, vì biết chốt của họ đã bị tiêu diệt. Tôi bung trái khói vàng và máy bay sà xuống thật nhanh, bốc gọn hai toán cùng với con gà cồ còn lại, chiếc thứ ba chưa kịp đáp xuống thì địch bắn dữ dội vào hướng con tàu nên chiếc trực thăng bắt buộc phải cất cao, bỏ lại chúng tôi sáu đứa cùng với tiếng reo hò của địch ‘’...bắt sống thám báo... bắt sống thám báo... hàng sống chống chết... hàng sống chống chết..’’ Trong nháng lửa của một trái 82ly, tôi thấy Ðằng rướn người lên và gục xuống. Hạ sĩ nhất Kim ôm lấy xác Ðằng lăn nhanh xuống triền dốc trước khi đám đông Bắc quân lố nhố tràn lên. Nhiệm vụ hoàn tất, tám căn hầm nát bấy. Không biết bao nhiêu người ‘’sinh bắc tử Nam‘’ ở dưới đó. Hai con gà cồ cũng đã được đem về. Không việc gì phải kháng cự trước áp lực đông đảo ngay trong sào huyệt đối phương, tôi ra hiệu cho cả toán theo hướng rơi của Kim, buông mình tuột dốc, thoát nhanh khỏi sự truy kích của địch, hướng về bãi đáp dự phòng. Tụi nó la lối kiểu đó, chứng tỏ không biết tụi tôi là ai, quân số bao nhiêu, hoặc nhầm tưởng lính thám báo sư đoàn bộ binh, và chắc là tưởng đã được bốc về hết, may mà không có thương vong nào để lại, ngoài Ðằng đang nằm vắt bất động trên vai Kim, chưa biết chết hay sống.

 

Ðằng không chết ngay lúc đó, vết thương  ở thành bụng kéo dài nỗi đau đớn không chỉ riêng cho Ðằng. Chúng tôi cởi áo, chặt cây rừng làm cáng, thay phiên nhau khiêng, hối hả tiến nhanh về tọa độ bãi đáp. Hai cây số cách mục tiêu, đường đi không phải suông sẻ gì, khi phải né tránh tối đa các đơn vị địch. Kim và tôi mở đường, Thum đoạn hậu, xóa dấu vết. Hải, Quý khiêng cáng, Ðằng bất động, mặt tái nhợt và môi khô nứt, mấy cuộn băng cá nhân không cầm được máu. Rừng quá rậm và gai góc, dốc núi dựng đứng lởm chởm đá, trơn trợt rong rêu, và mưa lạnh. Mấy lần cáng nghiêng muốn hất Ðằng và người khiêng xuống vực thẳm. Lòng tôi như lửa đốt, ôi Ðằng ơi, mình đang trở về mà, ráng lên với tao, ráng lên với tao. Mặt trời lên kìa Ðịch..., mặt trời lên kìa Ðịch... Tôi thấy hắn mỉm cười, một nửa vành môi nhếch lên méo mó. Có tiếng trực thăng phành phạch xa xa. Nắng sớm mai chưa kéo nổi đám sương mù đang trĩu xuống thung lũng. Kim thở hồng hộc sau một đoạn quá dài băng bờ lướt bụi. Mặc kệ, phải tiến lên thôi, phải đem được Ðằng về, và hắn phải sống, không lẽ mầy chỉ quay về đây để chết hả Ðằng?

 

Tôi thay Kim mở lên phía trước, còn một cây số dài hơn hai thế kỷ, một ngàn thước hướng tới chỏm đồi thấp đã nhìn thấy dưới kia. Một ngàn thước sá gì da thịt rách bươm với gai mây, tre nứa. Một ngàn thước máu Ðằng nhỏ xuống tong tong ướt đẫm cáng thương binh. Tôi tuyệt vọng rẽ cây, vẹt lá, nhắm hướng địa bàn càn lên phía trước. Máu nó ra thế kia làm sao sống nổi? Cố lên thôi, cố lên thôi! Vẹt cành lá và tưởng như mình hoa mắt... cả một màu vàng rực rỡ của mai, hoa mai, bất ngờ choáng ngợp khoảng rừng phía trước. Màu vàng tươi và hương mai ngào ngạt, có làm tôi khựng lại một chút, rồi hối hả tiến lên. Nhưng hình như Ðằng đã nhận biết, hắn ra hiệu cho Hải và Quý dừng lại. Tôi nóng nảy ra thủ hiệu nhanh lên... nhanh lên. Quý vẫy tôi, rồi chỉ vào Ðằng. Tôi biết điều gì đang đến, cắn môi nén cơn bật khóc, tao đã không cứu được mầy Ðằng ơi! rồi chống súng quỳ xuống bên hắn, bàn tay lạnh ngắt bất động trong tay tôi, máu đọng khô từng mảng trên quần, áo, băng ca. Mắt hắn nhắm nghiền nhưng môi còn mấp máy, đôi môi khô tái vì mất máu và lạnh. Tôi cúi sát để nghe những điều hắn muốn. Ngón tay trỏ yếu ớt hướng về cành mai rực vàng mà hắn đã cảm nhận được qua mùi hương quen thuộc. Ðằng thều thào:

-Ðể tao ở đây! ...Mai...!

 

Không chờ hắn nói hết, tôi nhỏm dậy ra hiệu cho Hải và Quý tiếp tục, ráng lên, ráng lên may ra còn kịp. Rừng thưa rồi, chạy mau lên Quý, đổ hết con dốc nầy là tới. Năm người sống và một người chờ chết, gom hết sức bình sinh băng rừng vượt thoát.

Khi đến được bãi đáp, clear một vòng chung quanh rồi lên máy gọi trực thăng, thì Ðằng đã chết, trên nắp túi áo trái của hắn còn vương lại cánh mai rừng mong manh, chực chờ bay theo gió. Cánh hoa đã vô tình rơi xuống lúc băng qua khu rừng mai, đậu ơ thờ bên trái tim, trái tim cho đến lúc hết máu, vẫn quấn quýt cánh hoa vàng bạc mệnh.

 

Phan Hội Yên

Lập Đông, Denver

Người chuyển bài – HM - USA

No comments: