Tuesday, October 15, 2019

Đọc Thơ Bát Cú Của Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Cang


ĐỌC THƠ BÁT CÚ CỦA PHẠM NGŨ LÃO
 
 

 

Xin giới thiệu cùng bạn đọc bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật, luật trắc  vần bằng của Phạm Ngũ Lão, một danh tướng đời nà Trần. Bài thơ có nội dung đáng ngưỡng mộ. Xin chép ra sau đây:

輓上將國公興道大王 Vãn thượng tướng quốc công Hưng Đạođạivương

Nguyên tác:              Phiên âm

長樂鐘聲遞一槌,  Trường Lạc chung thanh đệ nhất chuỳ,

秋風蕭颯不勝悲。  Thu phong tiêu táp bất thăng bi.

九重明鑑今亡矣,  Cửu trùng minh giám kim vong hĩ,

萬里長城孰壞之。  Vạn lý trường thành thục hoại chi.

雨暗長江空血,  Vũ ám trường giang không lệ huyết,

雲低 道鎖愁眉    Vân đê lĩnh đạo toả sầu my.

仰觀奎藻詞非溢,  Ngưỡng quan khuê tảo từ phi dật,

魚水情深見詠詩。  Ngư thuỷ tình thâm kiến vịnh thi.

(范五老)                    (Phạm Ngũ Lão)

Chú thích từ ngữ:
vãn ( 輓): viếng người chết.
Trường Lạc (長樂): Tên một cung điện đờì nhà Hán, ở đây dùng chỉ cung điện đời nhà Trần.
Đệ (遞): (có bộ sước phía trước chỉ sự chuyển động: chợ đi chợt đứng): chuyển giao, thay đổi, lần lượt.
Táp (颯): tiếng gió vi vu, xào xạc.
Thăng (勝): rất, lắm. Cũng đọc là thắng: được, hơn.
Cửu trùng (九重): chín tầng, trời, chỗ ở của vua.
Hĩ (矣): vậy, dùng chỉ chấm dứt câu nói.
Thục (孰): chữ dùng để hỏi: sao, ai, cái gì?
Chi (之): đại danh từ chỉ cái ấy. Khi là động từ thì nghĩa là đến, tới.
ám ( 暗): che khuất.
Đê ( 低): có bộ nhân chỉ người: thấp, cúi xuống. Đê đầu: cúi đầu xuống.
lĩnh (嶺)  sườn núi (có bộ sơn trên đầu chỉ núi)
Đạo ( 道) (có bộ sước ): đường đi.
Tỏa (鎖): cái khóa, phong kín, che lấp.
Ngưỡng (仰): ngẫng đầu.
Quan (觀):nhìn
Khuê tảo (奎藻): chỉ văn chương.
Dật (溢): quá độ.
Từ phi dật  (詞非溢): không thừa lời.

 Dịch nghĩa:

Viếng Thượng tướng quốc công Hưng Đạo Đại Vương

 
Một hồi chuông từ cung Trường Lạc  vang lên,
Gió thu hiu hắt, nghe đau thương khôn xiết.
Tấm gương sáng của cửu trùng, nay đã mất rồi,
Bức trường thành vạn dặm ai làm cho sụp đổ?
Mưa phủ kín trường giang,  lệ máu tuôn
Mây sa xuống  sạn đạo, hàng mi sầu.
Ngước trông lên văn chương  cô đọng,
Tình thâm  cá nước đã hiện ra trong thơ vịnh.

*Có sách chép bài thơ này là của Bùi Tông Hoan.

 
Đôi dòng về tác giả:

Phạm Ngũ Lão ( 范五老; 1255–1320) là danh tướng nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Ông là người góp công rất lớn trong cả hai cuộc kháng chiến chống Mông-Nguyên lần thứ hai năm 1285 và lần thứ ba năm 1288. Đương thời, danh tiếng của ông chỉ xếp sau Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn – người được xem như vị tướng vĩ đại nhất trong lịch sử quân sự phong kiến Việt Nam.

Lời bàn:

Về Xuất xứ:

Bài thơ được xếp vào văn học đời Trần mà thời điểm và hoàn cảnh sáng tác khó xác định. Phạm Ngũ Lão có công trong cuộc kháng chiến chống quân Mông-Nguyên. Ông mất năm 1320, còn Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn mất năm 1300. Vậy Phạm Ngũ Lão sáng tác bài thơ nầy trong khoảng thời gian từ 1300 tới 1320, nghĩa là sau khi Trần quốc Tuấn mất ông mới làm bài văn tưởng nhớ. Phạm Ngũ Lão đã làm nhiều bài thơ thể hiện chí nam nhi và lòng yêu nước. Tiếc rằng các tác phẩm của ông đã thất lạc gần hết, chỉ còn lại hai bài thơ là “Thuật hoài” (Tỏ nỗi lòng) và “Vãn Hưng Đạo Đại Vương” (Khóc viếng Hưng Đạo Đại Vương). Trong đó bài “Thuật hoài” là áng thơ thể hiện hùng tâm tráng chí của một bậc đại trượng phu. Bài Vãn Hưng Đạo Đại Vương cũng gây tranh cãi về xuất xứ, có người cho nó là bài điếu văn, hay văn tế. Nhưng xét về hình thức ta thấy nó không phải là văn tế vì văn tế không phải làm theo cách nầy và thường bắt đầu bằng câu: Hỡi ôi! Than ôi! Ở đây hoàn toàn là một bài thất ngôn bát cú! Phạm Ngũ Lão nhân đi viếng đến thờ Hưng Đạo ( hoặc dự lễ tang) mà  xúc động nên làm bài thơ nầy.

Câu 1/: bài thơ có nóí tới tiếng chuông cung Trường Lạc đời nhà Hán bên Trung Quốc, chuông gióng lên khi có một biến cố trọng đại như trong trường hợp hoàng đế băng hà. Vậy tiếng chuông Trường Lạc chỉ hồi chuông báo tử của hoàng gia.

Câu 2/: gió thu hiu hắt gây niềm xúc cảm đau thương khôn xiết!

Câu 3/: đề cao chiến công hiển hách của vua nhà Trần và tài trị nước an dân, đem lại ấm no thanh bình cho đất nước, nay Trần Hưng Đạo băng hà thì đó là một sự mất mát vô cùng to lớn cho dân tộc. 

Câu 4/: nói tới Vạn Lý Trường Thành ám chỉ hai lần đánh bại quân Nguyên, ví Hưng Đạo Đại Vương như bức trường thành vững chắc chống lại rợ Hung Nô xâm lăng Trung Quốc trong mấy ngàn năm. Còn trong nước ta thì  ngài như bức tường thành vững chắc giúp vua nhà Trần chống quân xâm lược Mông-Nguyên. Tiếc thay khi ngài mất thì coi như bức trừơng thành cũng đổ theo.

Câu 5/: Mưa phủ Trường giang lệ máu rơi: ý nói quân ta chiến thắng oai hùng trên sông  Bạch Đằng, phá tan chiến thuyền của Ô Mã Nhi.

Câu 6/: Từ ngữ lĩnh đạo, tạm dịch là sạn đạo, đường  lên núi cheo leo, khúc khuỷu, khó đi. Nguyên là lối đi ở trên cao thông từ vùng này qua vùng khác ở những nơi núi non hiểm trở. Điển cố này muốn nhắc đến công lao của Hàn Tín khi giúp Hán Cao Tổ đánh Ba Thục. Tác giả cũng có ý ví Hàn Tín với Trần Quốc Tuấn.

Câu 8/:  "Ngư thuỷ tình thâm " ý nói mối ân tình như  cá gặp nước giữa tác giả với đức Thánh Trần mới vịnh thi làm thơ ai điếu. Chuyện kể lúc Trần Hưng Đạo trẩy quân, gặp Phạm Ngũ  Lão đang ngồi vót  nan giữa đường , đan  sọt. Lính lấy giáo đâm vào đùi ông chảy máu, ông  vờ như không biết. Đức Thánh Trần Hưng Đạo lấy làm lạ, cho lính gọi tới hỏi chuyện, sau cất nhắc lên rồi gả con gái nuôi cho ông .

 

Diễn thơ:

Ai điếu Thượng Tướng Quốc Công Hưng Đạo Đại Vương
 
Trường Lạc cung, vang dội tiếng chuông
Gió Thu hiu hắt nỗi canh trường
Cửu Trùng  soi sáng đà tan  biến
Thành quách phai mờ mãi vấn vương
Mưa phủ sông dài tuôn máu lệ
Mây sa sạn đạo nhíu mi hàng
Ngưỡng trông khuê tảo lời cô đọng
Cá nước tình sâu vịnh cảm thương.

Nguyễn Cang

 
Bài hoạ (hoạ bài Diễn thơ);

 
KHÓC ĐỨC QUỐC CÔNG TRẦN

 
Dinh trung vọng lại những hồi chuông 
Hiu hắt hơi thu luống đoạn trường 
Vạn cổ xa hình trang dũng tướng
Ngàn năm vắng dạng bóng thân vương 
Quân tình ủ dột châu rơi má
Ngựa chiến sầu bi lệ nhỏ hàng
Trắng một màu tang nơi soái phủ 
Sơn hà tiễn biệt ngấm bi thương

 
Đinh Tường

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

No comments: