Bác Năm Trầu
Thằng Nhơn tuổi con gà, mập mạp, tướng đi đủng đỉnh, mặt bầu bĩnh trông dễ thương. Tôi gọi nó là Gà Cồ. Gà Cồ hay sang nhà tôi chơi vì anh em tôi đông, tuổi sàn sàn nhau, còn nó là con trai một cũng chẳng có chị hay em gái. Cả nhà tôi ai cũng thương nó nên có năm, Mẹ cho chúng tôi lên Blao nghỉ hè còn sang nói chuyện với ba má nó xin cho nó đi với dù bà đã có một nách con để mà trông nom. Đi với gia đình tôi thì ba má nó yên tâm rồi, còn nó thì khỏi nói, sướng cứ mê tơi luôn.
Tối hôm trước ngày đi, nó ôm túi đồ sang nhà tôi ngủ vì sợ bỏ lại. Trong lần nghỉ hè đó, ngoài những câu chuyện rừng núi, chuyện ma lai rút ruột và quầng ánh sáng di động lập lòe do bầy đom đóm bay trong vườn làm chúng tôi sợ không dám ra vườn khi trời tối, đi tiểu trước khi vào giường ngủ phải kéo nhau cả bầy, là chuyện thằng Nhơn tự xưng là hiệp sĩ biểu diễn đá song phi bay qua cái cầu thang từ trên nhà sàn xuống đất. Chẳng biết làm sao cái đũng quần xà lỏn bị móc đứt ngang khiến từ hai ống trở thành một ống giống như cái váy. Nó đứng hai bụm lại che phần dưới, bộ dạng tẽn tò, mắt chớp chớp chực khóc làm mọi người không dám cười chế nhạo.
Má nó tôi gọi là bác Năm Trầu vì lúc nào cũng thấy bác nhai trầu và nước cốt trầu hay ứa ra ngoài mép miệng có màu đo đỏ. Bác lại còn ngậm cục thuốc lào chà răng bự chảng làm độn cái môi trên lên.
Nếu một người phụ nữ không đẹp, bạn cho đó là cái số của họ đã không may mắn vì sinh nhầm một ngôi sao ‘xấu’; nếu họ quá đẹp, bạn sẽ nói là “hồng nhan đa truân mệnh bạc”. Nhưng với bác Năm Trầu thì bạn sẽ chẳng nói gì được vì bác chỉ dong dỏng cao hơn một chút so với chiều cao trung bình của phụ nữ Việt Nam, da trắng và có khuôn mặt ưa nhìn nhờ đôi mắt to, khuôn mặt của người phụ nữ miền Nam. Bác hiền lành lắm, vậy mà cuối đời lại cô đơn rất mực.
Tôi nhớ hồi ấy, khi tôi chỉ mới độ chừng 9 hay 10 tuổi, nhà bác Năm nằm ngay kế bên nhà tôi, cùng ở trong con hẻm cụt chỉ có tám căn nhà nằm đối diện nhau chia thành 4 cặp. Cuối hẻm chắn ngang là bức vách gỗ của một hãng làm tương hột, đầy những lu khạp và những bụi bạc hà. Sân nhà bà Hai ở phía trong cùng đó có cây mận trắng, trái to và ngọt như đường. Nhà thằng Minh nằm đối diện cũng có cây mận trái đỏ, đặc ruột lại chua. Con xóm nhỏ xíu, ngắn kỉn, lát xi măng láng mà mỗi khi trời mưa to, nước từ các mái tôn trên cao đổ trút nước, bọn nhỏ chúng tôi hè nhau ra tắm có thể nằm trượt một đoạn dài, mọi người sống với nhau rất thân tình. Thằng Nhơn mỗi lần nằm xuống trượt đặt cái bụng bự của nó xuống nghe một cái ạch.
Nhà bác Năm xem ra khá giả nhứt xóm. Lý do là hai bác chỉ có một mình thằng Nhơn. Còn lại thì nhà nào cũng đông con. Cứ nhìn vào xóm mỗi buổi chiều khi các gia đình đã cơm nước xong, tụ tập trò chuyện hay khi bọn trẻ chúng tôi ra tắm mưa thì đủ biết.
Mười mấy đứa, đùa giỡn, la hét om trời. Bác Năm trai người mập mạp, dáng bệ vệ với cái bụng bự, đi chiếc lambretta màu trắng có hai cái cốp màu xanh dương. Nghe nói bác làm ở hãng xuất nhập khẩu gần chỗ có chiếc máy may Sinco bằng đèn néon nhấp nháy vào buổi tối ngoài Sàigòn. Khi Việt Nam có đài truyền hình thì nhà bác Năm cũng là gia đình đầu tiên trong xóm có cái máy truyền hình về sau hay gọi là tivi. Chiếc tivi nhà bác có gắn thêm miếng kiếng phía trước để bảo vệ màn hình màu xanh nước biển sáng chói. Cả xóm, nhất là bọn trẻ chúng tôi thường tụ tập và ngồi trên khoảng hành lang lót gạch bông xen kẽ hai màu trắng xanh mà bác Năm gái đã lau rất sạch từ buổi chiều để xem chương trình thiếu nhi mỗi đêm.
Sau chương trình văn nghệ thiếu nhi tức là vào khoảng bảy giờ rưỡi là bác Năm trai từ phòng trong đi ra, đưa tay tắt máy rồi ra lệnh: “Mấy đứa nhỏ về học bài.” Bọn nhỏ chúng tôi răm rắp đứng dậy đi về nhà và sau đó bác mở lại cho người lớn xem tiếp các chương trình khác. Đứa nào còn láng cháng đứng lại là bị bác rầy. Mấy người lớn đều đồng tình và đó là lúc yên ắng nhất trong xóm. Tối thứ sáu và thứ bảy thì bọn tôi được phép ngồi lại xem kịch hay cải lương cùng người lớn. Còn tối chủ nhật thì phải về nhà đi ngủ sớm đặng sáng thứ hai đi học. Thằng Nhơn con bác cũng không được ngoại lệ, nó cũng phải lên lầu học bài.
Trong cái xóm nhỏ xíu như vậy nên mọi người rất yêu mến nhau, trẻ con đều được cả xóm chăm sóc. Nhiều lần những đứa trẻ bọn tôi được gửi sang nhà trong xóm nhờ trông chừng dùm khi người lớn có công chuyện phải đi. Thằng Nhơn là thằng hay được gửi sang nhà tôi nhất và nó cũng rất thích vì có nhiều bạn cùng lứa tuổi để chơi đùa. Có lần em gái tôi mới được mấy tháng tuổi khát sữa mà mẹ tôi đi vắng, thế là em được đưa sang nhà thím Hai Cảnh Sát (Chú Hai làm cảnh sát) để thím cho bú vì thím cũng đang nuôi con nhỏ. Thấy chị tôi ẵm em qua, thím Hai vội bỏ con nhỏ đang bồng trên tay vào nôi rồi vạch áo cho em tôi bú ngay. Người ta gọi bú như vậy là bú thép. Có câu hát ru theo ca dao:
Ầu ơ . . . Em tôi khát sữa bú tay,
Ai cho bú thép ngày rày mang ơn.
Còn nhà ông Chín kế nhà chú Hai thì khỏi nói, bọn tôi hay kéo nhau sang chơi với đám con bác Hai Châu, cháu nội của ông Chín, và giỡn phá muốn sập lầu mà không bị la rầy gì hết.
Bác Năm gái có mái tóc thật dài, đen nhánh và được búi thành một búi to sau đầu. Mỗi lần bác gội đầu rồi ra đứng trước hiên nhà chải tóc. Khi cúi xuống bác phải đứng lên trên một chiếc ghế đẩu để tóc không chấm đất.
Thỉnh thoảng sáng chủ nhật, gia đình bác Năm về quê ở Thủ Thừa, Long An, đến chiều bác lên là có chuối hay mấy thứ trái cây khác trong vườn bác hái cho bọn tôi ăn rồi còn có bánh tét, bánh ú, bánh ít hay bánh chuối, bánh đậu lá dừa nữa. Nhà Bác ăn gạo trồng dưới quê chứ không mua ngoài chợ. Hồi đó tôi hay thắc mắc sao mình không có quê để về như thằng Nhơn, để có bánh trái ăn thỏa thích. Bố mẹ tôi bảo quê mình ở xa lắm, tận ngoài Bắc, không về được.
Đứa em gái nhỏ đi bú thép của tôi được bác Năm thương lắm. Hai bác chỉ có một mình thằng Nhơn nên thèm có thêm một đứa con gái. Bác nói với bố mẹ tôi là đã có nhiều con nên xin nó làm con nuôi mà bố mẹ tôi không chịu. Bố mẹ tôi chỉ cho nó qua nhà bác chơi lúc ban ngày rồi đến tối lại mang về. Bữa nào có nó sang hai bác sung sướng lắm, nhất là bác trai cứ ẵm nựng nó suốt. Hai bác mua đủ thứ đồ chơi cho nó để đầy trong nhà. Năm 1966, gia đình tôi dọn đi, rồi khi cư xá Vĩnh Hội được xây dựng, hai bác cũng mua nhà dọn vô trong đó ở. Tuy vậy, mấy chục năm sau đó, dù sống ở những nơi cách xa nhau, bác vẫn thường xuyên đến thăm gia đình tôi và vẫn gọi em tôi là con gái.
***
Trên lầu phía sau nhà tôi là khoảng sân thượng nhỏ. Từ đó tôi có thể leo
lên mái nhà tôi hay nhà bác Năm hay đến tận nhà bà Hai để hái trộm mận. Bọn tôi
hay leo lên nóc nhà để thả diều. Những ngày cận tết, bác Năm về quê rồi mang
lên rất nhiều mảng cầu xiêm. Bác làm mứt rồi phơi trên mái nhà. Giữa trưa, trời
nắng chang chang mái tôn nóng phỏng bàn chân, tôi lén leo lên mái nhà rồi bò
đến gần mâm mứt. Tôi giở miếng vải mùng che, bốc mấy miếng bỏ miệng ăn rồi xếp
những miếng còn lại gần gần cho đều nhau để bác Năm không biết. Nhưng ăn riết
rồi cái mâm mứt cũng chỉ còn ít miếng thưa rỉnh. Đến hôm mang mứt xuống, bác
Năm nhìn là biết có đứa ăn vụng, nhưng bác chỉ nói bâng quơ với mẹ tôi là mâm
mứt “bốc hơi” chứ cũng không la rầy đứa nhỏ nào.
***
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, về thăm ông bà ở xóm cũ, mọi người mới
biết bác Năm trai là dân nằm vùng làm kinh tài cho Việt Cộng. Bố tôi và tất cả
các chú của các gia đình khác trong xóm cũ là lính Cộng Hòa đều không ngờ. Bác
ra tiếp quản chính quyền tại nơi gia đình bác ở và làm phó chủ tịch ủy ban nhân
dân phường nơi ấy.
Nhưng bác cũng không sống được lâu, chỉ mấy năm sau bác bị bệnh rồi mất. Thằng Nhơn lúc này đã trưởng thành, cao lớn. Nó giao du với đám thanh niên xấu rồi nghiện xì ke và phải vào trường cai nghiện nhiều lần. Thời gian nó ở nhà với má nó không nhiều, có chăng là những lúc về nhà xin tiền hay lấy trộm món đồ nào đó rồi đem bán mua thuốc hút hay chích cho thỏa cơn ghiền.
Bác Năm Trầu giờ cô đơn trong căn nhà rộng, không có chồng và cũng như không có con bên cạnh. Những vật dụng trong nhà đã bị bán đi để cung phụng cho thằng Nhơn. Có lần nó chở bác Năm lên thăm gia đình tôi, trông nó vẫn hiền lành như xưa, ít nói nhưng hay cười. Chúng tôi rất thương nó như đứa em trai trong nhà và khuyên nhủ đừng hút xì ke nữa. Nó cúi đầu dạ nhỏ nhưng rồi lần khác bác Năm lại nói nó đã phải vào trường cai nghiện. Bác đang nhai trầu bỏm bẻm chép miệng than:” Phải chi nhà tui ở gần nhà ông bà cho nó được gần tụi nhỏ nhà này cho khỏi hư.”
Tình thân ái của chòm xóm cũng như cái giàn, cái trụ trồng kế bên giúp cây non nương tựa mà mọc lên thẳng. Nhớ lần đánh nhau với bọn trẻ xóm Mới, bọn chúng tôi ít người hơn đánh không lại phải bỏ chạy, thằng Nhơn mập chạy chậm bị bắt làm tù binh, tôi phải đưa cho bọn kia đầy một vốc tay hàng chục hòn bi ve đủ màu sắc để chuộc nó về. Bọn xóm Mới vừa bốc bi từ tay tôi là nó đã ục ịch chạy về trước.
Nhưng bác cũng không sống được lâu, chỉ mấy năm sau bác bị bệnh rồi mất. Thằng Nhơn lúc này đã trưởng thành, cao lớn. Nó giao du với đám thanh niên xấu rồi nghiện xì ke và phải vào trường cai nghiện nhiều lần. Thời gian nó ở nhà với má nó không nhiều, có chăng là những lúc về nhà xin tiền hay lấy trộm món đồ nào đó rồi đem bán mua thuốc hút hay chích cho thỏa cơn ghiền.
Bác Năm Trầu giờ cô đơn trong căn nhà rộng, không có chồng và cũng như không có con bên cạnh. Những vật dụng trong nhà đã bị bán đi để cung phụng cho thằng Nhơn. Có lần nó chở bác Năm lên thăm gia đình tôi, trông nó vẫn hiền lành như xưa, ít nói nhưng hay cười. Chúng tôi rất thương nó như đứa em trai trong nhà và khuyên nhủ đừng hút xì ke nữa. Nó cúi đầu dạ nhỏ nhưng rồi lần khác bác Năm lại nói nó đã phải vào trường cai nghiện. Bác đang nhai trầu bỏm bẻm chép miệng than:” Phải chi nhà tui ở gần nhà ông bà cho nó được gần tụi nhỏ nhà này cho khỏi hư.”
Tình thân ái của chòm xóm cũng như cái giàn, cái trụ trồng kế bên giúp cây non nương tựa mà mọc lên thẳng. Nhớ lần đánh nhau với bọn trẻ xóm Mới, bọn chúng tôi ít người hơn đánh không lại phải bỏ chạy, thằng Nhơn mập chạy chậm bị bắt làm tù binh, tôi phải đưa cho bọn kia đầy một vốc tay hàng chục hòn bi ve đủ màu sắc để chuộc nó về. Bọn xóm Mới vừa bốc bi từ tay tôi là nó đã ục ịch chạy về trước.
***
Mấy năm sau, chúng tôi nghe
tin thằng Nhơn chết. Chết trong trường cai nghiện. Trên bàn thờ bác Năm trai có
thêm bức ảnh của nó hồi còn rất trẻ. Má bầu, tóc húi cua, đẹp trai và hiền
lành. Bác Năm Trầu dáng gầy guộc ngồi bất động trên chiếc ghế dựa ở một góc nhà
trông như một bức tượng. Mái tóc đẹp và đen dài năm xưa nay đã biến thành màu
xám bạc. Đôi mắt buồn bã nhìn không thấy sinh khí. Bác không dấu những tiếng
thở dài sườn sượt rồi lại têm trầu ăn. Hình như bác chưa bao giờ ăn cơm. Bác
cũng không còn tinh thần để sống trong căn nhà cô quạnh mà hai người đàn ông
thân thiết nhất đời đã bỏ bác ra đi. Hàng xóm kể lại khi một lần tôi ghé thăm
bác mà không gặp: “Bả đi hoài à! Về quê hay đi đâu á! Cứ vài ba bữa lại về rồi
mấy bữa sau lại đi. Cứ xách cái giỏ lác đựng mớ trầu cau đó mà đi”.
Bác đi thăm nhiều nơi cho đỡ buồn chứ cũng chẳng ở một chỗ nào lâu. Nơi bác ghé là những chỗ quen biết thân thiết nhưng cũng là nơi gợi cho bác những kỷ niệm. Có lần bác ghé nhà tôi, ôm cô em gái tôi khóc ròng một lúc rồi đưa tay quệt nước mắt, mở giỏ lác lấy máy cái bánh chắc bác mang từ dưới quê lên ra cho chúng tôi rồi lại lấy trầu cau ra ăn. Ăn chưa xong miếng trầu bác đã đứng lên chào ra đi. Mẹ tôi giữ bác lại ăn cơm mà bác từ chối.
Chẳng biết có phải bác ganh với cái số hào con của bố mẹ tôi hay than thở kiếp số hẩm hiu mà nói: “Ông bà nghèo khó như vầy, cả chục đứa con mà còn giữ được hết. Còn tui chỉ có thằng Nhơn mà nó cũng bỏ tui mà theo ổng . . . ăn gì được mà ăn . . .” Giọng bác uất nghẹn ở cuối câu. Bác rút chiếc khăn tay trong túi áo chiếc bà ba trắng ra chậm nước mắt, chậm giọt nước cốt trầu ứa ra mép miệng, nhét trở lại túi rồi lặng buồn bước ra cửa.
Em gái tôi ôm chầm lấy bác rồi kêu “Má!” bác quơ tay ôm lại nó, hôn lên tóc nó rồi cúi mặt tìm đôi dép. Cái dáng cao gầy của bác cùng chiếc giỏ lác đong đưa theo nhịp tay xa dần ra ngoài mé đường. Tôi không biết có nơi nào có thể níu chân bác lại để xoa dịu tâm hồn bác khi sự bất hạnh và cô đơn quá lớn đã phủ chụp một cách phũ phàng lên cuộc đời người đàn bà hiền hậu này.
Lê Khánh Long
(nguồn: Facebook)
Bác đi thăm nhiều nơi cho đỡ buồn chứ cũng chẳng ở một chỗ nào lâu. Nơi bác ghé là những chỗ quen biết thân thiết nhưng cũng là nơi gợi cho bác những kỷ niệm. Có lần bác ghé nhà tôi, ôm cô em gái tôi khóc ròng một lúc rồi đưa tay quệt nước mắt, mở giỏ lác lấy máy cái bánh chắc bác mang từ dưới quê lên ra cho chúng tôi rồi lại lấy trầu cau ra ăn. Ăn chưa xong miếng trầu bác đã đứng lên chào ra đi. Mẹ tôi giữ bác lại ăn cơm mà bác từ chối.
Chẳng biết có phải bác ganh với cái số hào con của bố mẹ tôi hay than thở kiếp số hẩm hiu mà nói: “Ông bà nghèo khó như vầy, cả chục đứa con mà còn giữ được hết. Còn tui chỉ có thằng Nhơn mà nó cũng bỏ tui mà theo ổng . . . ăn gì được mà ăn . . .” Giọng bác uất nghẹn ở cuối câu. Bác rút chiếc khăn tay trong túi áo chiếc bà ba trắng ra chậm nước mắt, chậm giọt nước cốt trầu ứa ra mép miệng, nhét trở lại túi rồi lặng buồn bước ra cửa.
Em gái tôi ôm chầm lấy bác rồi kêu “Má!” bác quơ tay ôm lại nó, hôn lên tóc nó rồi cúi mặt tìm đôi dép. Cái dáng cao gầy của bác cùng chiếc giỏ lác đong đưa theo nhịp tay xa dần ra ngoài mé đường. Tôi không biết có nơi nào có thể níu chân bác lại để xoa dịu tâm hồn bác khi sự bất hạnh và cô đơn quá lớn đã phủ chụp một cách phũ phàng lên cuộc đời người đàn bà hiền hậu này.
Lê Khánh Long
(nguồn: Facebook)
304Đen –
llttm - HQPD
No comments:
Post a Comment