Cô Bé Treo Mùng
Mọi người trong nhà và nhất là anh, đều gọi đùa Ngâu là “cô bé treo
mùng.”
Cái tên thật ngộ nghĩnh và khó quên được. Đêm khuya, mỗi khi đến giờ đi ngủ,
các ông anh trai đi chơi đâu về, lười biếng chỉ việc cởi giày dép rồi nhảy phóc
lên giường. Năm cô gái bị mẹ phân công ngay theo thường lệ. Mỗi người một việc,
người sửa soạn chăn mền, kẻ xếp dọn quần áo, cô lớn nhất đi coi củi lửa trong
bếp và lo về đèn đuốc cửa ngõ.
Riêng Ngâu bao giờ cũng thế. Ngâu chỉ làm mỗi công việc nhẹ nhàng nhưng
cũng chán nản nhất, là treo mùng trong giường mẹ, giường mấy chị em, giường của
mấy ông anh mặt mày đỏ gắt vì rượu bia, chỉ biết lăn đùng ra ngủ.
Mẹ ngồi trên giường, vấn một miếng trầu xanh, tay cầm con dao bổ quả
cau. Mẹ nhìn quanh quất trong nhà như tìm đứa nào, rồi gọi lớn:
– Ngâu ơi, lên nhà lo treo mùng đi con.
Ngâu “Dạ” một tiếng nhỏ từ nhà dưới. Hình như có tiếng thở dài chán nản.
Ngâu đang cặm cụi ngồi học thuộc lòng một bài Pháp văn. Mai có giờ Pháp của ông
giáo rất là hắc ám, học trò cứ bị kêu lên bảng bắt đọc thuộc lòng trơn tru bài
giảng văn dài dằng dặc.
Ngâu bực mình xếp sách lại, đánh mạnh một cái trên bàn cho sướng tay.
Ngâu vừa đi lên nhà trên, miệng lí nhí:
– Cứ “Ngâu ơi, lo treo mùng đi con” mãi. Con đang bận học bài. Nhỏ Út nó
ngồi không, sao mẹ không sai nó làm giùm.
Mẹ âu yếm nhìn Ngâu chưa kịp trả lời thì cô em gái út đã liến thoắng la
ầm lên:
– Chị Ngâu nói sướng chưa, bổn phận của chị sao bắt em làm. Em phụ trách
việc dọn cơm mỗi ngày hai bữa mệt thấy mồ rồi.
Ngâu bĩu môi nhìn em nhưng cô Út nhoẻn miệng cười tươi như trêu tức làm
Ngâu cũng phải mỉm cười. Ngâu biết mình cãi không lại cái miệng của nó.
Trong mấy chị em, Ngâu ít nói và hiền hơn cả nên bị bắt nạt hoài, mỗi
khi có cãi nhau với ai là Ngâu đành chịu thua trước.
Treo mùng xong xuôi, Ngâu liếc dòm chừng mẹ rồi nhéo vào cánh tay đứa em
út một cái cho bõ ghét và chạy nhanh xuống nhà dưới, cô Út la lên một tiếng
nhưng cũng không buồn đuổi theo trả thù. Cô đang bận với mấy cái bản nhạc của
Đoàn Chuẩn, Từ Linh với giọng hát trong khe khẽ.
Ngâu trở lại với bàn học, ngồi nhìn những chữ in nhảy múa trong sách
nhưng bây giờ Ngâu bỗng thấy nó mờ nhạt, không đọc được gì cả. Ngâu đành xếp
sách lại, tự nhủ rằng đến mai, ông giáo giỏi lắm cũng chỉ kêu khoảng năm đứa
lên dò bài. Trong lớp có sáu mươi người, mình xui lắm mới bị trúng tên được.
Ngâu dùng cây bút chì vẽ vẩn vơ lên trang giấy trắng. Ngâu thích vẽ hình
những cô thiếu nữ mười bảy bằng tuổi Ngâu, cũng tóc xoã xuống vai và mặc áo dài
như Ngâu. Nhưng hình vẽ lặng yên trên giấy làm sao nói tiếng giống như Ngâu
được, không nhớ ai đã bảo rằng Ngâu có tiếng nói ríu rít như một loài chim sâu
trong khóm lá nhỉ? Gớm, cái ông nào phát ngôn dông dài thế… À, Ngâu nhớ ra rồi.
***
Chán anh thật, là người Huế chính cống một trăm phần trăm, đã có hơn
mười mấy năm tắm sông Hương, hái phượng, đập những trái bàng xanh trên vỉa hè.
Thế mà chỉ trong mấy năm xa Huế, bây giờ trở lại không còn nhớ tên đường.
Anh phải hỏi thăm những bác đạp xích lô, rồi vội vàng đi dọc theo con
sông ngắn dừng lại bên chân cầu nhỏ. Trên xa kia, ngôi nhà thờ Phú Cam mà anh
vẫn còn nhớ, đổ nát lỗ chỗ những vết bom đạn từ một năm nào. Anh lẩm nhẩm trong
miệng hoài cái địa chỉ của một người quen, chạy băng ngang đường thật nhanh
cũng không tránh khỏi ngọn gió và roi mưa quất lạnh buốt vào mặt. Mưa ở Huế làm
buồn bã và rét chết người cho những ai đang ngơ ngác ngoài đường.
Anh theo lời chỉ dẫn của một con mẹ bán cà-phê, leo lên lầu hai của cư
xá. Trước cánh cổng đóng kín của gia đình nào đó, một cô bé đứng dựa vào bao
lơn, đang ngắm cảnh trời mưa nên có vẻ giật mình khi anh lên tiếng hỏi:
– Xin lỗi, số nhà… ở đâu?
Cô bé mở mắt nhìn anh ngạc nhiên, một lọn tóc hất ra đằng sau để cho anh
thấy rõ chút bối rối trong đôi mắt và miệng ấp úng trả lời:
– Dạ, ở ngay đây.
Cô bé chỉ vào cánh cửa nhà của cô. Anh mừng thầm trong bụng, bây giờ chỉ
việc hỏi tên những người quen của anh, theo thứ tự lớn nhỏ.
– Có anh San ở nhà không?– Dạ không.
– Thế có anh Hạ ở nhà không?
– Dạ không.
– Vậy có anh Tình ở nhà không?
– Dạ không.
– Chắc có chị Thùy ở nhà chứ?
– Dạ… cũng không. Chị Thùy đi học, chiều tối mới về.
Cô bé trả lời “không” bốn cái liên tiếp làm anh lúng túng. Quả là một
cuộc đối thoại nản lòng. Anh đứng im, cố gắng nặn óc để nhớ thêm tên của một
người quen nào đó trong gia đình này nhưng đành chịu. Nghe nói còn có mấy cô em
gái nhỏ nhưng anh chưa quen biết gì cả. Cô bé cũng lặng yên chờ đợi khách. Anh
suy nghĩ một chút rồi quyết định hỏi một câu cuối cùng:
– Thôi, đi vắng hết cả nhà cũng không sao. Nhưng… em tên là gì?
Anh đoán chừng anh lớn hơn cô bé cả chục tuổi nên gọi bằng “em” liền cho
tiện. Cô bé ngạc nhiên, môi cắn vào nhau, nhưng cũng có một chút gì vui vẻ
trong đôi mắt đen lánh:
– Dạ tên… Ngâu.
– Thế Ngâu có ở nhà không?
Đôi má cô bé mà anh vừa biết tên là Ngâu, cười thoáng một chút hồng hào.
Giọng nói lí nhí trả lời:
– Dạ… có.
Thế là tốt rồi. Vượt cả ngàn cây số từ Sài Gòn về đây, ít ra cũng phải
gặp được một người quen chứ. Anh nói là anh sẽ ngồi chờ mấy ông anh của Ngâu
về. Trời mưa lớn thế này chắc họ cũng không đi chơi lâu gì đâu. Lát sau, ngồi
trong căn phòng khách ấm áp, anh hút một điếu thuốc thật thú vị, nước mưa thấm
ướt tóc tai và áo của anh cũng dần dần khô đi. Trên tường treo bức tranh một
người đàn bà ngồi bó gối dã dượi bên bờ biển đen.
Anh giới thiệu anh cho Ngâu rồi tự tin hỏi:– Ngâu có biết anh không, ở nhà có hay nói gì về anh không?
– Dạ… không.
Thôi anh thề sẽ không nói gì nữa. Ngâu đã trở lại cái điệp khúc lúc đầu
rồi đó.
***
Những ngày đầu năm mới. Mấy chị em rút hết xuống nhà dưới, nhường phòng
khách cho bọn đàn ông ồn ào như họp chợ trong màn khói thuốc lá dày đặc.
Những bàn tay thoăn thoắt cỗ bài sắc màu rực rỡ vui mắt trong những ván
xập xám gay go. Bao nhiêu câu chuyện thi nhau tuôn ra ào ạt, cốc bia vàng sóng
sánh và chiếc gạt tàn đầy ắp những mẩu thuốc lá cháy dở toả khói um lên. Tóm
lại là giang sơn của bọn đàn ông, chẳng thú vị gì cho mấy chị em cả.
Chỉ trong vòng nửa giờ, anh thua hết sau vài ván bài tồi tệ. Anh phải
đứng dậy nhường chỗ cho một con bạc dài hơi hơn. Đứng bên ngoài sòng bài anh
đánh ké theo vài ván rồi cũng thua nốt. Thế là đương nhiên anh bị tống cổ ra
khỏi sòng bài của người lớn để xuống nhà lân la đến sòng nhỏ hơn.
Mấy chị em đang chụm đầu vui vẻ chơi bài “tới”, một thứ bài thật quái
đản. Thông thường trong những sòng bài gì đó, các con bạc cũng đều câm miệng
hết để suy nghĩ hay tính toán. Nhưng đánh bài “tới” lại khác hẳn, người nào
cũng háo hức mở miệng thật nhiều, hô nhiều chừng nào thì lại càng có hy vọng
chừng ấy.
Thuở nhỏ anh cũng hay chơi thứ bài này nhưng lâu lắm rồi không còn nhớ
luật lệ.
Mỗi phe gồm ba người, anh theo phe của Ngâu và Ngâu phải “gà” cho anh
trong những lúc ban đầu.
Anh lóng cóng cầm đến mười con bài trên tay, mỗi con đều có những hình
vẽ rối rắm thật khó nhớ và những cái tên kỳ cục như Ầm, Đỏ Mỏ, Dọn Mồm, Nọc
Đượng v.v… Anh chăm chú nhìn như cố học thuộc lòng mười lá bài trong tay mình,
tai hồi hộp lắng nghe phe bên kia “đi chợ.” Có kêu trúng tên lá bài nào của anh
là anh hô lên một tiếng hăng hái, bỏ con bài đó xuống rồi đi tiếp một con bài
khác của mình. Càng còn ít bài trên tay, càng nhiều hy vọng thắng.
Phe bên kia kêu:
– Đi chợ con Ngủ Trưa.Anh dáo dác mắt quét nhanh quét dọc thật lanh trên nhưng lá bài nhưng trông thật hoa mắt không thấy gì hết. Ngâu quay sang anh:
– Anh có Ngủ Trưa không?
– Đâu có, xui quá.
Ngâu bỗng chỉ ngay vào một con bài của anh, la lên:
– Trời ơi, con Ngủ Trưa đây này.– A! Rứa mà nãy giờ không thấy chi hết.
Anh thầm phục đôi mắt quan sát lanh lẹ của Ngâu vô cùng. Anh khoan khoái
vứt mạnh con Ngủ Trưa ra chiếu, cái con bài quỷ quái thật đáng ghét, vẽ một bộ
mặt méo xẹo lờ đờ trông ngái ngủ ra mặt thế mà mình tìm hoài không thấy.
Mới ra quân mà anh đi được liên tiếp mấy cặp liền. Trong chốc lát, trước
ai hết anh chỉ còn lại trong tay hai con bài tẩy giấu kín. Bây giờ chỉ việc
ngồi chờ phe bên kia đi trúng một trong hai lá bài của anh là anh thắng cuộc.
Anh hí hửng hỏi nhỏ với Ngâu:
– Ván này anh hốt bạc chắc chắn rồi, mình chia hai nghe
– Thôi, em không thèm.
Phe bên kia, cô Út hơi chồm mình định liếc trộm bài của anh làm anh
hoảng sợ nắm chặt mấy con bài quý tử của mình: con Lủng Ruột và con Học Trò. Cô
Út chăm chú nhìn anh như đề phòng, môi mấp máy sửa soạn kêu tên con bài. Anh
lẩm bẩm rì rầm trong đầu óc… kêu đi, kêu Lũng Ruột hay Học Trò gì ta cũng ăn
hết. Trời ơi, mau lên… Lủng Ruột… Lủng Ruột… Học Trò…
– Thầy!
Anh giựt mình la lên:
– Trời ơi!
Ngâu mỉm cười hỏi:
– Anh có con Thầy rồi hả?
– Không… không, trật rồi… phản nghĩa hết trơn rồi.
Phe bên kia, gồm có chị Thùy, Diệu và cô Út hí hửng bàn bạc với nhau để
làm sao đoán cho ra con bài đợi của anh.
Anh cứ ngồi hồi hộp chờ đợi mãi, tên của hai lá bài anh đã học thuộc
lòng trong đầu nhưng trong một lúc lâu chẳng ai kêu trúng cả. Mọi người thi
nhau đi bài liên tiếp, miệng hô đôm đốp thật giòn tan làm như không đếm xỉa gì
đến anh cả. Anh nghe những tiếng gọi tên bài rổn rảng thật khó chịu vì không
trúng như mình chờ đợi. Nào là Tám Tiền đi Sáu Tiền, đi Xe, Xe đi Tuyết, Tuyết
đi Nghèo, Nghèo đi Tràng Ba…
– A! Tràng Ba đây. Em ăn rồi!
Cô Út la lên một tiếng, vứt nhanh bài xuống rồi vừa cười vui vẻ vừa thâu
tiền ăn về. Anh cáu sườn càu nhàu luôn miệng. Ngâu mỉm cười xoa những lá bài
chạy lộn xộn trên chiếu, rồi chia cho anh mười con để đánh ván khác. Mái tóc
của Ngâu khi cúi xuống, xổ xuống một bên má, đen óng ả trên chiếc áo màu nâu có
những sọc vàng đan từng hàng đều nhau.
Ván bài chưa được gay cấn bao nhiêu thì mẹ bỗng từ dưới bếp đi lên. Mẹ
la lên át hẳn những tiếng hô bài của mấy cô con gái:
– Trời đất ơi! Khuya rồi mà còn cờ bạc. Mấy cô dẹp hết đi cho tôi nhờ.
Mấy chị em đành liếc nhau cười trừ rồi lặng lẽ cất bộ bài, sửa soạn mỗi
người đều biến mất trong tấm chăn ấm của mình.
Mẹ kêu lên:– Cô Thùy xuống bếp bắc nồi nước sôi cho tôi gội đầu.
– Dạ.
– Còn cô Tâm chẻ cau vấn cho tôi miếng trầu coi.
– Dạ.
– Cô Diệu làm ơn đi ủi áo quần, còn cả một đống áo xống dưới bếp.
– Dạ.
– Cô Út đi kiếm cái lồng ấp cho tôi.
– Dạ.
– Cô Ngâu…
– Con sắp sửa đi treo mùng cho toàn thể gia đình đây, như thường lệ.
Mẹ mỉm cười cốc đầu Ngâu một cái nhẹ. Ngâu biến đi sửa soạn treo mùng.
Chỉ còn có mỗi mình anh, anh nhẹ nhàng lỉnh ra phòng khách, thoát được đôi mắt
của mẹ, còn đứng xớ rớ đó không khéo bà chia cho anh một việc gì thật là rất ít
khoẻ.
Anh đứng nhìn ra ngoài cửa kính. Trời nửa đêm lóng lánh những chiếc lá
chết, cành trơ trụi và đường đêm sâu hoang vắng. Anh cảm thấy cái lạnh như
những mũi kim đâm nhè nhẹ vào trong thân thể.
Bây giờ, bao nhiêu lò sưởi, bao nhiêu chăn mền đều vô dụng trước giá rét
đã hoà chung trong dòng máu.
Ngâu choàng thêm một chiếc áo dạ của mẹ, áo cũ năm xưa nào, lớp nhung
đen trầy trụa đôi chỗ nhưng vẫn còn mướt mềm óng ánh, che lấp làn áo lụa trắng.
Mái tóc nhánh đen không thua kém gì lớp áo nhung, ngát thơm mùi bồ kết và chanh
tươi. Đó là bí quyết đem lại cho Ngâu những giấc mộng xanh đêm. Ngâu nói:
– Tóc thơm làm mình dễ ngủ lắm. Ban đêm em nằm xổ tóc che lên mặt, dần
thấy thơm thơm là ngủ ngon lành liền.
Thế là sau khi đã treo mùng cho mọi người, đêm đêm cô bé yêu kiều nằm
trong chăn ấm, mơ màng đi vào giấc mơ bồ kết ngập tràn những mùi hương êm đẹp
của riêng mình.
Chìm khuất trong tiếng nói trò chuyện
rì rầm của mấy chị em, giọng nói của Ngâu thỉnh thoảng mới vang lên góp chuyện,
nhỏ nhắn và rộn rã lạ lùng.
Anh nhớ lại những tấm thiệp xuân đã trao trong ngày mồng Một Tết cho mấy
chị em của Ngâu, chúc tụng những câu thật hoa hoè hoa sói, kêu vang như tiếng
cười của bầy thiếu nữ.
Nào là chúc Thùy bắt gặp được nỗi hạnh phúc đơn giản của riêng mình.
Chúc Tâm đan xong áo cưới mùa xuân. Chúc Diệu vẫn nuôi mơ ước trên một chiếc lá
bàng khô. Chúc cô Út long lanh như giọt nắng trên sông Hương.
– Anh định chúc Ngâu được gì?
– Dài quá nói không được.– Anh viết đi, có bút mực đây.
– Chúc Ngâu muôn đời vẫn ríu rít như một loài chim sâu trong khóm lá, và…
– Thôi, chừng đó được rồi. Chữ anh khó đọc dễ sợ.
***
Học trò đã đi học lại sau những ngày nghỉ. Đứng trên bao lơn trước nhà
nhìn xuống, mỗi sáng sớm và mỗi chiều anh sung sướng với hoạt cảnh rộn ràng êm
đẹp trên đường đi. Những bầy nữ sinh từ những ngôi nhà kín đáo nào cùng nhau lũ
lượt ngập tràn màu trắng lồng lộng của tà áo dài, theo vệ đường dưới những tán
cây già cỗi, băng qua cây cầu nhỏ dưới chân nhà thờ, màu nước bàng bạc.
Những con đường im vắng âm u của Huế trở thành những dải lụa mềm kết
bằng tiếng guốc khua vang của tuổi xuân xanh. Nhưng không có tiếng guốc của
Ngâu trong đó, Ngâu đi một đôi giày đế mềm không hề vang tiếng động. Ngâu lớn
hẳn đi như một thiếu nữ lạnh nhạt xa lạ nào, khác hẳn với cô bé khoác áo nhung
đen treo mùng mỗi tối.
Khi đi xuống những bực thềm của cư xá, Ngâu chào anh như thường lệ, như
với mọi người trong gia đình. Mái tóc không cột lại gọn gàng như lúc phải làm
bếp, bây giờ xoã xuống để bay rối tung theo gió. Ngâu mỉm cười chào anh, có
nghĩa là tạm biệt trong một buổi học dài tới trưa. Vì thế, anh thầm mong cho
tất cả trường học trên thế giới này bị cuốn trôi phăng hết đi vì những trận
hồng thủy.
Mùa mưa nước sông Hương lên cao, trường Đồng Khánh của Ngâu học lại nằm
bên bờ sông, ngày chủ nhật tới này hy vọng sẽ có bão lụt lớn, nhận chìm chết
đuối hết đi những sổ điểm thông tín bạ và những bà hiệu trưởng, những cô giáo
khó tính, để cho bọn học trò không còn chỉ biết “mùa xuân trong mùa hạ thôi,”
mà là tất cả mùa xuân trong bốn mùa, quanh năm suốt tháng học bài Vạn vật trên
cánh ve sầu, học bài Việt văn trên dòng sông, học bài Sử ký trên những lăng tẩm
và thành quách cũ, học bài Toán pháp trên những ngón tay tiên, học bài Địa lý trên
đỉnh núi Ngự Bình, học bài Nữ công Gia chánh trên những dĩa bánh bèo Vĩ Dạ… Anh
sẽ là ông giáo sư cuối cùng còn sót lại trong tỉnh này, anh sẽ mở một lớp tư
gia chuyên dạy môn Thẩm mỹ học về mưa và nắng.
Nhưng anh chờ hoài vẫn chưa nạn hồng thủy nào đổ xuống cả. Nước sông chỉ
xấp xỉ ngang mắt cá chân trên Đập Đá. Mưa đã ngưng, một chút ánh nắng đã trở
lại mặc dầu trời vẫn còn lạnh. Ngâu vẫn một ngày hai buổi đến trường, bận rộn
suốt ngày với những bài toán mà Ngâu rất ghét, cắn bút suy nghĩ với bài luận
văn, chia sẻ cùng cô bạn ngồi cạnh những trái ổi xanh và một gói muối ớt giấu
dưới gầm bàn.
Đến chiều trời vẫn xám đen và đổ mưa lớn, vẫn chưa thấy Ngâu về nhà. Cô
Út chạy đi tìm anh.
– Chị Ngâu quên đem áo tơi, chắc đang đứng chờ trên trường rồi. Anh lấy
xe của em đến đón chị Ngâu về đi, nhớ đem giùm áo tơi.
Thế là như một hiệp sĩ xông pha ngoài mưa gió, anh phóng xe gắn máy như
điên trong bầu trời giận dữ cơn mưa thác đổ. Ngâu đang đứng núp dưới mái hiên
trường, thân hình mảnh khảnh co ro trong chiếc áo len tím mong manh, làn da
xanh run rẩy.
Con đường từ trường về nhà sao mà ngắn ngủi một cách bần tiện thế.
Sau bữa cơm tối, mấy chị em xúm xít lại với nhau chuyện trò đủ thứ. Đến
phiên Ngâu, chỉ toàn nói những chuyện trên trời. Ngâu ít nói, nhưng mỗi khi nói
cái gì thì lại hối hả như sợ quên hết triệu câu chuyện đang đầy ắp trong người.
Phê bình, cho “điểm” mấy ông giáo. Ông thì chuyên môn bắt học trò làm bài trong
lớp để mình rảnh rang ngồi đọc báo, ông thì say sưa đọc bài làu làu cho học trò
chép đến rã tay, giọng đều đều như đọc kinh cầu nguyện. Ông nào thuộc loại
“đuya” chuyên môn kêu học trò lên bảng đen để tha hồ bắt bẻ, nạt nộ. Có ông trẻ
tuổi thì mặt mày cứ lấm la lấm lét trước một lớp toàn là nữ sinh, cứ cúi đầu
xuống đất lí nhí giảng bài.
Ngâu cười sung sướng:
– Anh biết không, em hên quá đi. Thầy vừa kêu chúng em lên bảng trả bài
thì có phái đoàn đi quyên tiền giúp đồng bào nạn lụt vào lớp. Tụi em cho mỗi
đứa năm đồng, mười đồng mà lợi dụng được “thời cơ” nói chuyện, chọc nhau vui
kinh khủng.
– Có gì đâu mà hên?
– Để em nói hết đã. Thầy làm “le”, móc ví cho luôn một tờ giấy năm trăm,
cả lớp vỗ tay tơi bời. Khi phái đoàn quyên tiền ra khỏi lớp rồi, thầy ngồi dàu
dàu mặt mày buồn thiu, chắc là đang tiếc tiền. Thầy cứ ngồi ngẩn ngơ “suy tư”
hoài cho đến hết giờ học luôn, quên cả việc bắt em trả bài. Hú vía! Bài đó hôm
qua em… quên học.
Anh bình luận:
– Ông thầy hào hoa đó chắc tối nay phải xin dạy thêm giờ để lấy lại vốn.
Mẹ bỗng từ nhà trên đi xuống, cắt đứt câu chuyện giòn giã. Như thường
lệ, mẹ ra lệnh cho mỗi cô phải chúi mũi vào vở học của mình. Ngâu nhăn mặt
trước một cuốn sách Toán đầy hình vẽ rắc rối và những con số chi chít.
– Sao mà em ghét môn Toán quá.
– Ghét đến chừng nào?– Ghét đến nỗi không… thèm hiểu gì hết.
Anh làm tài khôn gật gù suy nghĩ trước một đống hình tròn, hình vuông,
hình chữ nhật chồng chất lên nhau trông thật loạn xà ngầu. Anh nói:
– Để anh giảng lại cho, Ngâu không hiểu từ bài nào?– Từ năm ngoái lận.
Anh khuyên nhủ:
– Thế thì thôi, cứ lơ hẳn với môn này cũng không sao. Toán học là một
môn học vô bổ, không cần thiết, Ngâu chỉ cần biết bốn phép tính cộng, trừ,
nhân, chia là đủ xài rồi.
Ngừng lại một lát, anh nghiêm giọng lên tiếng rao giảng những quan điểm
mới của anh về Toán học:
– Nếu thấy bốn thứ tính đó vẫn còn nhiều lắm thì chỉ cần biết làm toán
cộng thôi cũng đủ rồi. Thời buổi này bất công, không có cái gì được chia đều
vậy bỏ toán chia đi. Người tham lam mới học toán nhân, người hà tiện mới học
toán trừ. Ngâu chỉ cần nhớ toán cộng cũng được.
– Thôi đi. Nói như anh rồi cuối năm Ngâu lấy gì mà đi thi.
Một lần nữa, sau một cái đằng hắng để lấy giọng, anh trở sang trình bày
về vấn đề bằng cấp:
– Con gái học cho lắm mà làm gì? Trước sau rồi cũng đi lấy chồng. Muốn
làm một bà Tiểu học, thì cứ lấy ngay một ông mới đậu Tiểu học. Muốn làm bà Tú
thì lấy chồng đậu Tú tài. Cứ như thế muốn làm bà Tiến sĩ…
Ngâu đỏ mặt vùng vằng, cầm cuốn sách đánh vào vai anh:
– Thôi. Anh lên nhà diễn thuyết với mẹ đi, để coi có bị ăn một chổi lông
gà không, để yên cho em học bài.
Không tìm được một người thông cảm với mình, anh đành lủi đi mất. Lát
sau, khi Ngâu đã học thuộc bài rồi, anh lại trở xuống với Ngâu, đề nghị một bài
học mới: Bài cào ba lá. Anh nhìn thấy bàn tay trái của Ngâu đeo mấy chiếc nhẫn
xinh xắn bằng hột cườm đủ màu. Anh ra điều kiện ăn thua mỗi ván một chiếc nhẫn.
Sau gần cả chục ván bài dằng dai, anh gặp may mắn (nếu không kể một vài ván
gian lận), anh ăn được của Ngâu một chiếc nhẫn cườm trắng. Anh bèn nghỉ đánh,
thà ăn ít mà chắc ăn hơn.
– Anh không được nghỉ ngang xương rứa. Đánh thêm một ván cuối.– Ừ, đánh thì đánh, sợ gì.
Ván này anh cẩn thận kéo con bài xê dịch chậm chạp từng li từng tí.
Những đốm đen hiện dần ra… chết rồi, có hai “nút”.
– A, anh thua rồi. Trả chiếc nhẫn cho em.– Không trả. Nhẫn đâu có liên quan gì với cờ bạc.
– Thôi được rồi, anh phải bắt đền bằng cách khác.
– Anh có cái gì để đền bây giờ?
– Anh kể chuyện cho Ngâu nghe đi.
– Được rồi… Ngày xưa có một nàng công chúa tên Bạch Tuyết và bảy Chú Lùn…
– Thôi… thôi. Em lớn rồi, không thèm nghe chuyện cổ tích nữa.
– Vậy biết kể chuyện gì đây?
– Chuyện gì cũng được… hay là anh kể chuyện về anh đi.
Câu nói của Ngâu làm anh đau điếng người. Kể về anh? Một vài ngày ngắn
ngủi vừa qua, anh tưởng chừng như đã quên hết đi trong căn nhà này. Ngây ngất
với một chút hạnh phúc ấm cúng mà cái thế giới nhỏ nhắn như một trái hồng đào
(trong đó dĩ nhiên có Ngâu) đã tình cờ cho anh. Anh không còn muốn biết, muốn
suy nghĩ về một điều gì khác. Hãy cho anh tan loãng đi trong những nụ cười thân
ái của mọi người, trong mùi củi bếp, trong những đêm nghe gió lạnh đập ngoài
cửa kính. Cho anh làm một người không tuổi, như vừa mới ra đời, không quá khứ,
không ràng buộc, không nợ nần gì với những ngày đã qua, không mơ tưởng gì trong
những ngày sẽ tới.
Thế mà Ngâu đã nói: kể chuyện về anh đi. Anh biết bắt đầu từ chỗ nào?
Hồi tưởng, chính là điều anh sợ hãi nhất.
Ngày còn ở một thành phố miền biển, anh có quen với một người đàn bà tên
là Liên. Nàng già nua trước tuổi, ghiền rượu, trác táng thâu đêm. Tóm lại đây
là một nàng kỹ nữ sa sút. Nhưng anh thương nàng vô cùng, bởi vì nàng không che
giấu điều gì hết, nàng cho anh thấy rõ đời sống trụy lạc của nàng, nàng không
than vãn với ai một cách rẻ tiền về tâm sự hay quá khứ vàng son của nàng.
Liên chấp nhận hết mọi sự đã xảy đến với nàng, và chỉ thú thật một điều,
nàng tuyệt vọng. Sự tuyệt vọng ấy có một vẻ đẹp quyến rũ anh dữ dội. Giữa thể
xác tàn tạ của nàng và tâm hồn dễ dàng sa ngã của anh, hình như cùng đập chung
một nhịp tim đồng điệu.
Bây giờ người đàn bà ấy là một tấm gương mà Ngâu phải quay mặt đi để
khỏi nhìn thấy. Nhưng trước đây nàng cũng có một tuổi mười bảy, đàn bà nào cũng
có một thời đó cả. Ngày đó nàng cũng cắp sách đi học như những thiếu nữ khác,
như Ngâu, nàng cũng mặc áo dài trắng, cũng thẹn thùng, tinh nghịch, cũng nhiều
mơ mộng. Nhưng Ngâu thấy đó, đời sống quả thật dễ sợ. Đời sống của Ngâu ngập
tràn hạnh phúc, anh không thể đặt hình ảnh của Ngâu bên cạnh người đàn bà ấy.
Sự cách biệt, hố sâu lớn lao giữa khốn cùng và tươi đẹp ấy có một cái vẻ gì làm
anh đôi khi không thể chịu nổi. Dĩ nhiên là Ngâu vô tội trước sự bất công đó.
Ngâu có hương thơm ấm cúng của gia đình, tình thương của mẹ và những anh
chị em. Niềm vui của trường học, bạn bè, sách vở. Sung sướng khi được mặc một
chiếc áo mới, qua cầu Trường Tiền làm những cậu con trai đạp xe đạp đi ngược
chiều phải ngoái cổ lại nhìn. Nhiều lúc anh tưởng tượng ra một cái cảnh thật
buồn cười: anh và Ngâu như hai tên võ sĩ lên võ đài và chưa gì anh đã thấy mình
nhẹ ký hơn rõ ràng. Đối với hạnh phúc của Ngâu, anh không có gì hết, một con số
không to tướng vô vọng giống như con số không của nàng kỹ nữ. Gia đình, học
đường, bạn bè xa lạ với anh và từ lâu anh đã đánh mất niềm vui của thời nhỏ
dại.
Tuổi thơ của anh cũng có được đôi chút cây trái thiên đàng, nhưng tuổi
trẻ anh nếm đầy tro đắng sa mạc.
Hạnh phúc êm ấm của Ngâu đã chia cho anh một chút ngây ngất, nhưng cùng
một lúc, nó làm anh bỡ ngỡ.
Chuyện của anh không có gì nhiều. Đại khái nó chỉ có vụn vặt những mảnh
ý nghĩ như thế, nhưng làm sao anh kể cho Ngâu được, đâu phải chuyện thần tiên
diễm ảo. Nếu Ngâu là cô công chúa mơ mộng ngủ say trong rừng thẳm, chờ đợi một
chàng hoàng tử đánh thức, thì đáng buồn thay, anh luôn luôn là một chàng hoàng
tử bị kẹt xe giữa đường. Có lẽ vì anh không quen trong bộ ngự bào hào nhoáng
làm anh cử động luống cuống. Anh không thích hợp với vai trò hoàng tử cao sang,
anh chỉ là kẻ lữ hành không tìm thấy đất hứa, đêm đêm gối đầu trên những vệ
đường điền dã mà vẫn ngủ say đời.
Thôi thế là hết chuyện, nhưng thật ra câu chuyện đã bắt đầu từ hồi nào
đâu. Nãy giờ anh vẫn im lặng, Ngâu cũng thế. Đêm rơi thanh vắng. Anh như nghe
thấy tiếng chim hải âu kêu buồn trong đôi mắt Ngâu.
Bỗng giọng nói của mẹ từ nhà trên gọi xuống, như thình lình phá tan khối
băng giá trầm lặng:
– Ngâu ơi!
Ngâu mỉm cười với anh, xếp những tập vở học lại cất trong hộc bàn. Ngâu
đứng dậy và cố tình kéo lê đôi guốc kêu vang nghịch ngợm.
– Ngâu ơi!– Con đây, mẹ cứ từ từ, trước sau rồi con cũng lên treo mùng liền mà.
– Quỷ! Tao có thèm nhắc chuyện treo mùng đâu, bổn phận thì phải tự động lo làm. Mới đi ăn kỵ về đây, mang về mấy trái hồng với bánh su sê, có ăn thì chạy lên đây.
Tiếng guốc của Ngâu nhảy rộn rã trên nền nhà. Thoáng một cái, anh chỉ
còn nhìn thấy màu đỏ của chiếc khăn quàng vừa rơi.
***
Một tháng mùa xuân đã hết.
Anh rời Huế vào sáng sớm tinh sương. Ngồi nán lại một chút ở quán bún bò
Cô Ba ngay bờ sông. Lát nữa anh sẽ đi bộ một quãng ngắn là đến nhà ga xe lửa,
bây giờ làm nhà ga của hãng máy bay.
Trời còn sớm quá, chỉ lưa thưa một vài người cặm cụi đi ngang qua, hơi
thở làm những đám khói xanh trong trời lạnh. Con đường rầy xe lửa nằm sát bên
quán, chạy mất hút không biết đến đâu, nghe nói bây giờ xe lủa chỉ chạy đến
được Lăng Cô hay Đà Nẵng gì đó.
Anh uống một tách cà-phê nóng đậm đặc, khói thuốc quyện mờ trước mặt,
che kín đôi mắt nhìn về phía cây cầu dưới chân nhà thờ… Ngâu bây giờ chắc đã
thức dậy, sửa soạn ủi chiếc áo dài trắng và miệng lẩm nhẩm ôn bài, đêm qua học
mãi chưa thuộc mà thỉnh thoảng mẹ cứ réo lên “Ngâu ơi, lên treo mùng!” mãi.
Có tiếng còi tàu đàng xa. Trong phút chốc chuyến tàu lửa chạy rầm rập
tràn vào người anh. Còi tàu hú lên từng hồi như tiếng kèn đồng xao xác của một
người da đen, âm điệu nghẹn ngào khàn khàn lời vĩnh biệt.
Những bánh xe cuồn cuộn nghiến trên
đường sắt chạy băng qua trái tim anh đau nhói.
(1971)
304Đen - llttm
Hoàng Ngọc Tuấn
(1947 – 2005)
Hoàng Ngọc Tuấn sinh năm 1947
tại Huế. Thuở nhỏ học ở Banmêthuột, sau đó học trung học ở Huế và Đại học Văn
Khoa Sàigòn ban Triết. Ông khởi viết các truyện ngắn vào khoảng 1966 – 1967,
hầu hết được đăng trên tạp chí Bách Khoa và trở thành một trong những nhà văn
trẻ được ưa thích thời bấy giờ bởi tính chất thơ mộng văn chương của ông giữa
thời đại chiến tranh ngột ngạt qua 9 tác phẩm được xuất bản trước 1975. Sau
1975 ông vẫn sống độc thân, ký các bút danh khác nhau khi viết báo thể thao.
Sau đó, một vài tác phẩm cũ của ông được tái bản nhưng không gây tiếng vang
trong khi ông vẫn sống cô độc cho đến khi qua đời ở Sàigòn vào năm 2005.
No comments:
Post a Comment