Saturday, July 25, 2020

Ký Ức Mậu Thân (1968) - Hồ Thủy


Ký Ức Mậu Thân ( 1968 )
 
 

 


Tôi chuẩn bị bước vào tuổi mười sáu, cái tuổi đẹp nhất của một người con gái muốn làm người lớn nhưng cũng vẫn còn bé bỏng, người ta thường nói: con gái đẹp nhất là vào tuổi "mười lăm trăng tròn, mười sáu tròn trăng", và tôi... thật hạnh phúc sung sướng khi mình đang được ở giữa cái tuổi vừa là một nửa của mười lăm và sắp sửa bước vào tuổi mười sáu. Tâm hồn lúc nào cũng mộng mơ, mơ mộng, chợt vui rồi lại chợt buồn vu vơ không duyên cớ.
Tôi đang học lớp đệ tam trường J'eanne D'arc, được nổi tiếng là cô học trò dễ thương xinh xắn nhất trường, mỗi chiều tan học lúc nào sau lưng tôi cũng có vài ba "cái đuôi" bám theo, có cái đuôi nói những câu vu vơ trên trời dưới đất, có cái đuôi huýt gió những bản nhạc tình tiền chiến; và cũng có không ít cái đuôi chỉ thầm lặng theo tôi đến trước cổng nhà rồi quay lưng đi về.
Tôi thích lắm, làm sao không thích cho được khi mình có lắm "cái đuôi" theo sau; nhưng trong những "cái đuôi" ấy, tâm hồn tôi thường bồi hồi xao xuyến với chỉ một cái mà thôi, và mỗi buổi tối trước khi vào giường ngủ, tôi thường ra sân thượng để ngắm nhìn và đếm sao đêm trên trời...nhưng thật sự là để nhìn xuống cây cột đèn bên cổng nhà, vì "cái đuôi" làm cho lòng tôi xao xuyến đang ngồi trên chiếc xe đạp miệng thổi kèn Armonica hết bài này đến bài khác cho tới lúc mẹ tôi kêu lên:
- Thủy; đi vô ngủ...khuya rồi.

Không ngờ "cái đuôi" ấy là anh ruột của Tuyết; cô bạn học cùng lớp với tôi, một buổi chiều thứ bảy; lúc đó trời đang là những ngày cuối Thu, mà mùa Thu xứ Huế khi ở vào khoảng thời gian giao mùa với những ngày lập Đông thì đẹp tuyệt vời, khí trời vừa lạnh, vừa có những cơn mưa phùn trước khi bước vào những ngày tháng...mưa dầm dề lê thê và lạnh thì không có chút nào để "khen" hay chịu cho thấu, tuy thế đã ở Huế thì cũng phải quen thuộc và yêu tất cả những gì những gì là rất riêng của Huế.

Chiều nay thứ bảy không đi học, tôi bất ngờ khi thấy Tuyết đến nhà tôi chơi, Tuyết học cùng lớp với tôi nhưng lớn hơn tôi một tuổi, hai đứa lên sân thượng nhìn trời; nhìn mây xám và nói đủ thứ chuyện của "tuổi con gái mới lớn", sau đó Tuyết rủ tôi lên nhà Tuyết chơi cho biết, vì nhà của hai đứa tôi không gần nhau, tôi ở đường Lý Thường Kiệt, đối diện khu nhà đèn, gần trường Providence (còn gọi là trường Thiên Hữu), gần với tu viện Dòng Chúa Cứu Thế, còn nhà Tuyết thì ở tận con dốc cao nhất sau lưng nhà thờ Phủ Cam. Tuyết chở tôi trên chiếc xe đạp của Tuyết, hì hà hì hụt khi phải leo lên một con dốc cao, tôi ngồi sau cười hỏi:
- Tuyết chở Thủy có mệt không?
Tuyết cười trả lời nhưng hơi thở thì…"phì phò":
-...Kh...ông...mệ...t chi...l...ắm...mi cũng... nh...ẹ mà.
Nhà Tuyết nho nhỏ xinh xinh, trước cổng nhà có một giàn hoa giấy màu đỏ, bao quanh sân vườn là một hàng rào bằng cây chè tàu mà những dây tơ hồng màu vàng mơ đang phủ đầy, Tuyết dẩn tôi vô nhà, và tôi tròn mắt ngạc nhiên khi thấy "cái đuôi" đã từng làm cho lòng tôi bồi hồi xao xuyến đang từ phía trong bước ra. Tuyết giới thiệu với tôi:
-Đây là anh Ánh, anh trai lớn của mình, còn đây là Thủy; bạn học cùng lớp với em.
Mặt tôi có lẽ đỏ bừng ghê lắm, tôi nghỉ thế vì cảm nhận được những dòng máu đang chạy rần rẩn khắp cơ thể, anh Ánh cười tủm tỉm nói úp úp mở mở:
- Anh biết Thủy từ lâu rồi...Thủy ngồi chơi tự nhiên đi nghe...
Trời; làm sao mà tôi có thể tự nhiên cho được, ngồi với anh em của Tuyết mà tôi nín khe, chỉ trả lời khi "bị" hỏi. Anh Ánh đang học lớp Đệ Nhất trường Quốc Học, chuẩn bị thi Tú Tài Toàn, Tuyết khoe anh học rất giỏi...tôi chưa hẳn là tin lời của Tuyết vì...thường thì người học giỏi chỉ lo học mà thôi, không ai hơi đâu làm cái đuôi đi theo sau một ai đó, dù ai đó chính là tôi.

Tôi cũng không ngờ mình lại "bạo gan" đến như thế khi bắt đầu có những cuộc hẹn hò; nhưng tôi chỉ thoát ra khỏi nhà vào ban tối sau khi ăn cơm xong mà thôi, mà mỗi lần hẹn thì tôi và anh Ánh chỉ có thể gặp nhau chừng nữa tiếng để nói với nhau những câu "tào lao dịch bột" không đâu vào đâu, thế nhưng cũng đủ cho hai đứa cùng thao thức và nghỉ về nhau kể cả trong giấc mơ. Hễ tối nào đang ăn cơm mà tôi nghe có tiếng huýt sáo hay tiếng kèn Armonica ở dưới cột đèn bên hông cổng nhà là đủ cho tôi buông đủa nói dối với mẹ, anh kế tôi và bà Vú:
- Con quên là Thầy dạy toán dặn ngày mai phải làm chi rồi, cho con qua nhà con Nga một chút nghe...
Rồi tôi giã bộ thật bình thãn, chậm rãi súc miệng và...tà tà đi ra sân, thoát ra cổng, dĩ nhiên cũng phải ghé qua nhà Nga một chút, chỉ mình tôi thôi, còn anh Ánh thì đứng hơi xa xa một tí, rồi tôi cũng mượn cuốn tập toán của Nga...Trời; sao lúc đó tôi có thể nói láo với mẹ và anh tôi một cách trơn tru đến như thế, mà ngộ một điều là...ai cũng tin. Cha tôi đang làm việc tít tận Nha Trang, thư nào gởi về cũng dặn dò mẹ phải "canh chừng" cô con gái "rượu" thật kỷ như canh cái đĩa cổ và bình cổ thời Khang Hy mà cha mẹ tôi đang có...cha tôi kèm thêm trong thư một câu rằng: "...Con gái chúng mình mong manh dễ vỡ lắm, nó mà bị vỡ thì tôi với mình làm sao sống nỗi?...". Anh trai lớn của tôi đang là thiếu úy Quân vận, đóng quân tại Sài Gòn, còn anh trai kế thì vẫn đang học trường Providence, nên trong nhà chỉ có mẹ tôi, anh kế tôi, vú và thằng em út còn nhỏ; đang là "tu sinh" ở Dòng Chúa Cứu Thế, nên cái chuyện tôi "lẻn" ra ngoài gặp anh Ánh một chút xíu cũng không mấy khó, nhất là khi ông anh kế của tôi đang thích Ngọc Bích; cô bạn thân của tôi.

Tháng ngày của tôi trôi qua trong bình yên hạnh phúc, tôi và anh Ánh vẫn gặp nhau tuần ba lần vào những ngày chẵn, có một buổi tối khi mẹ tôi qua nhà bà bạn chơi trò "đồ Xam hường" (đó là thú chơi mà người Huế rất thích và có ăn thua bằng tiền bạc)...thế là tôi có được một khoảng thời gian dài hơn những lần trước, hai đứa tôi đi bộ bên nhau trên con đường Hàng Đoát; con đường dễ thương nhất của xứ Huế, và cũng là con đường khá gần nhà tôi, anh Ánh một tay dắt xe đạp, một tay thả lõng...rồi bất ngờ bàn tay thả lõng của anh nắm lấy tay tôi...đó là sự đụng chạm đầu tiên trong đời của tôi với một người con trai; tôi bủn rủn, hai chân như bay bỗng, người nhẹ tênh nhưng thật quái lạ, không hiểu sao đôi chân của tôi run đến thế, nó cứ va vấp vào nhau, mặt tôi nóng bừng, cả cơ thể như chỉ muốn tan chảy thành nước. Trời rất lạnh mà sao thân người tôi thì...nóng thế nhỉ???
Ánh hỏi tôi:
- Còn mấy tháng nữa là anh thi Tú Tài Toàn rồi, Thủy có cầu nguyện cho anh thi đậu không?
Tôi trả lời lí nhí, vì tay tôi vẫn bị tay anh ấy nắm chặt:
- Có, mỗi lần đi lễ là Thủy đều cầu nguyện cho anh thi đậu.
Ánh siết chặt tay tôi, cười sung sướng và hứa hẹn:
- Nếu anh mà thì đậu; Thủy thích cái chi anh cũng chìu.
Tôi trả lời...có lẽ là vô duyên ghê lắm:
- Thủy không thích cái chi cả.
Ánh hỏi:
- Tại răng?..không thích anh luôn à?.
Tôi mắc cỡ cúi đầu không nói chi thêm, với lại tôi cũng không dám đi lâu vì sợ nên khi gần đến nhà, tôi và Ánh phải chia tay nhau. Đêm đó tôi không ngủ, bàn tay của tôi mà anh ấy cầm nó cứ như là có kiến bò, vừa nhột nhột lại vừa êm êm.
***
Mới đó mà chỉ còn hơn một tuần nữa thôi là đã qua năm củ rồi. Mùa Xuân đang đến gần thật gần, thời gian trôi nhanh quá. Những tháng ngày cuối mùa Đông để bước sang Xuân sao mà đẹp và rộn ràng đến thế, hầu như tất cả các loài hoa đều được những nhà vườn ươm trồng đưa ra bày bán trên những con đường của thành phố Huế, nhất là hai bên bờ sông Hương, đủ mọi loài hoa, mọi hương sắc không thể kể tên cho hết, nhưng nhiều nhất vẫn là những chậu mai vàng, bonsai Mai chiếu Thủy, Hồng, Cúc Đại Đóa và Thược Dược, hoa Thược Dược có rất nhiều màu, tôi "trốn" mẹ để đi dạo chợ hoa với anh Ánh, chưa bao giờ tôi vui như thế, tuổi mười lăm sắp hết, tôi đang từng bước đi vào tuổi mười sáu...nói theo dân xứ Huế thì ở cái tuổi của tôi mà đi chơi với con trai là "mất nết", là...cái đồ "ngựa thượng tứ"; là...con gái còn nhỏ mà đã biết "rượng", nhưng mà có ai biết rằng tôi đang vui? đối với tôi niềm vui đó thật dễ thương.Trời vẫn còn rất lạnh nhưng không khắc khe như những ngày tháng trong mùa Đông.
Cha tôi viết thư về báo cho mẹ và chúng tôi biết ngày 28 tháng chạp thì cha mới về, vé máy bay đã mua rồi, cha chỉ ở nhà ăn Tết với gia đình đúng một tuần mà thôi, anh trai lớn của tôi vì bận đi lính nên không thể về đón Tết với gia đình được, đây là một thiếu sót rất buồn của mẹ tôi; vì mẹ thương anh nhất nhà, tôi chỉ là thứ đứng phía sau tít tè...người Huế vẫn còn "trọng Nam khinh Nữ", nên cho dù là con gái một; tôi cũng chỉ đứng hàng thứ bét. Nhận được thư báo tin của cha lòng tôi vừa mừng khi biết tết này nhà tôi sẽ có cha, nhưng cũng vừa lo; không biết là tôi và anh Ánh có...được hẹn hò với nhau không? vì cha tôi là người rất nghiêm ngặt, nhưng cuối cùng thì...hai đứa tôi cũng có một cái hẹn vào ngày mồng sáu tết, khi đó thì cha tôi đã trở vào Nha Trang làm việc tiếp rồi. Chúng tôi sẽ vô Thành Nội, sẽ lên chùa Thiên Mụ, sẽ đi thăm các đến đài lăng mộ của các ông Vua...nghĩa là chương trình đi chơi dài ghê lắm, thích ghê lắm.

Đúng ngày 28 Tết cha tôi về, cả nhà tôi vui quá chừng, mấy anh em tôi đứa nào cũng có quà của cha, riêng tôi được hai cái kẹp tóc có nơ cài, một cái màu xanh da trời và một cái màu tím rất đẹp.
Chiều hai mươi chín Tết cả nhà tôi ngồi bên nhau gói bánh tét, bánh ú…mẹ tôi có lệ là gói bánh sớm hơn một ngày để kịp ngày ba mươi Tết còn đưa đi "biếu xén" bên nội; bên ngoại. Riêng các món mức dừa, mức bí, mức gừng thì Vú đã làm trước đó mấy ngày, còn hạt dưa và bánh trà; hoa; trái cây thì mẹ tôi đã mua và chưng trong chiếc dĩa cổ đời Khang Hy rồi đặt lên trên bàn thờ xong đâu vào đấy rất đầy đủ. Cha tôi cũng đem cái bình cổ Khang Hy ra để cắm vào đó một cành mai vàng rất đẹp, ôi chao; sao mà nhà tôi đẹp và vui quá, giá như mà anh Ánh được nhìn thấy? có lẽ anh cũng thích lắm.
Tối hai mươi chín cả nhà tôi xúm xít bên nồi bánh tết, cha tôi kễ chuyện công việc ở Nha Trang, chuyện ngôi biệt thự nghỉ mát của gia đình tôi dưới con dốc đi lên Hòn Chồng, cha đã thuê người sửa sang đẹp đẽ, cha nói hè này sẽ đưa cả nhà vào Nha Trang nghỉ mát mấy tháng, còn chuyện vô đó ở hẳn thì chưa tính đến, phải đợi tôi học xong và thi cho được cái bằng Tú Tài đã...hơn nữa em trai tôi đang còn Tu ở Nhà Dòng...
Ngày ba mươi Tết qua đi trong sự rộn ràng của những bản nhạc Xuân mà cha tôi mở ra từ cái máy hát "cổ lổ sĩ" với những đĩa nhạc 33 tour. Nhưng riêng trong lòng tôi là những nỗi háo hức không sao diễn tả cho đủ. Đêm ba mươi trôi qua với những giấc mơ đẹp trong giấc ngủ của tôi.

Sáng mồng một Tết cả nhà tôi đi lễ nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, sau đó về nhà ăn sáng, theo lệ thường thì ngày mồng một tết tất cả anh em bà con chú bác bên nội của tôi sẽ tập họp tại nhà Từ Đường Hồ Đắc để chúc tết, thắp hương bàn thờ tổ tiên, (ngôi nhà này các cô của tôi đang ở, trong đó cô út đã có gia đình, còn hai cô chị kế thì vẫn còn độc thân), và tất cả sẽ cùng nhau lên mộ đọc kinh, thắp hương trên mộ của ông bà nội ngoại, rồi trở lại lại nhà Từ Đường chơi; ăn trưa, đến chiều thì ai về nhà nấy, ngày mồng hai Tết mới đi thăm người quen, bạn bè...
Ngày mồng một Tết trôi qua trong sự vui vẻ, ấm áp và...hạnh phúc khi trong tim tôi vừa mới có một người và một cái hẹn vào ngày mồng sáu Tết...cùng sinh nhật tuổi mười sáu sắp đến của tôi.
***
Vú là người lúc nào cũng phải thức dậy sớm để nấu nước pha trà và chuẩn bị bữa ăn sáng cho cả gia đình, kế đó là đến cha tôi, nhưng sáng nay, mồng hai Tết, cha tôi gọi cả nhà dậy chuẩn bị đi lễ, vừa định mở cữa thì bổng nhiên ông kêu lên; giọng tuy nhỏ nhưng đầy hoảng hốt và lo sợ:
- Mình ơi, mấy đứa con ơi...việc cộng đang đứng núp ở phía sau trong cổng nhà mình kìa...mấy thằng đang chỉa súng qua bên nhà đèn...ôi chao...nhiều đứa lắm, chết rồi...ôi răng mà lạ rứa?
Mẹ, vú, anh em tôi cùng chạy đến bên cha, lúc đó cha tôi đang đứng nép sát vào một bên hông cửa thập thò nhìn ra ngoài. Nhiều việt cộng quá, họ mặc bộ đồ màu ôliu nhàu nát, chân mang đôi dép trông rất buồn cười( mãi sau này tôi mới biết tên của đôi dép đó là "dép râu cụ Hồ"); bên cánh tay áo là hình cờ đỏ sao vàng, trên tay lăm lăm khẩu súng chỉa qua phía nhà đèn. Không có nỗi sợ nào lớn hơn nỗi sợ khi thấy mấy tên vc này, mặt cha tôi tái xanh, còn mẹ tôi thì run lẩy bẫy, tôi choáng váng, nhìn cha để tìm một sự che chở, cha lùa hết cả nhà vào núp ở dưới gầm cầu thang, miệng lẫm nhẫm đọc kinh. Mẹ tôi khóc:
- Rứa là cả nhà mình chết chắc luôn.
Cha tôi đăm chiêu nhìn lên...gầm cầu thang, ngày hôm đó cả nhà chỉ ăn được một cái bánh tét và mỗi người một chén xôi.
Suốt đêm đó cả nhà tôi thức trắng khi có rất nhiều tiếng súng đì đùng vang lên, vừa súng lớn; vừa súng nhỏ thi nhau bắn liên tu bất tận, lại có những tiếng đạn pháo kích nổ rất lớn, đi trước là một tiếng "…chiu"...kéo dài rồi mới đến tiếng "…ầm..." rung chuyển trời đất. Cha tôi thở dài trong đêm, nói với mẹ:
- Rứa là có đánh nhau thiệt rồi, không biết lính Việt Nam Cộng Hòa của mình có tới kịp để cứu dân Huế không?...
Tôi nghỉ đến anh Ánh, không biết lúc này anh đang có nghỉ đến tôi và có sợ như tôi không?.

Hình như gia đình tôi ngồi co ro cúp rúp núp ở dưới gầm cầu thang một ngày và một đêm, đến sáng sớm ngày thứ hai; tức là sáng mồng ba Tết; đằng sau hè nhà tôi có nhiều tiếng chân đi như chạy; cả nhà tôi co rúm người lại vì sợ, không lẽ vc đang ở sau lưng nhà mình? vậy là trước mặt và sau lưng nhà tôi đều có "bọn hắn"?. Đang run sợ thì có tiếng gỏ cửa nhè nhẹ và tiếng một người đàn bà rất quen kêu nhỏ:
- Ông bà Hóa mô rồi? mụ vú có ở trong nhà không? có thì chạy vô nhà dòng mà trốn, người ta chạy vô đó đông lắm...lẹ lẹ đi.
Bà Vú mừng rở:
- Bà ơi, giọng của mụ Tứ đó...
Thế là cha tôi mở cửa phía sau bếp và thấy có rất nhiều người đùm túm đồ đạt, dắt díu nhau đi men theo gò đất nhò; ranh giới của hai nhà hàng xóm phía sau lưng nhà tôi, mà hai bên là hai cái ao nuôi cá. Cha mẹ; vú và cả anh em tôi nữa thu dọn áo quần, túm vào ba cái mền, mặc thêm mấy cái áo ấm, vú dồn ba cái nồi lớn nhỏ vô một và thêm mấy cái chén, đủa...với một bao gạo chừng mười ký. Mẹ tôi luống cuống khi ôm theo cái bình và đĩa Khang Hy nên đã tuột tay làm bể cái đĩa, chỉ còn lại cái bình...
Gia đình tôi chạy theo đoàn người tìm đường trốn việt cộng, ai cũng lum khum cúi sát người đi quanh co trên mấy gò đất, vạch hàng rào chui vô vườn nhà ông Trần Điền(đang là Dân Biểu Quốc Hội, ôi chao vườn nhà ông có rất nhiều cây hoa Bạch Mai nở trắng xóa đẹp mê hồn), bên hông nhà ông Trần Điền có con hẽm nhỏ; đoàn người chỉ cần băng nhanh qua là chui ngay vào hàng rào của Tu Viện Dòng Chúa Cứu Thế. Nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp thuộc DCCT xây trên một khu đất riêng, còn Tu viện thì xây dựng ở một khu riêng biệt tuy cả hai đều liền kề với nhau, phía bên tu viện là bốn dãy lầu bao quanh một khoảng sân lớn nằm ở chính giữa, phía bên ngoài tu viện cũng có hàng rào.
Tôi không thể tưởng tượng được rằng trong tu viện lại đông người đến thế, hầu như tất cả mọi người ở gần DCCT đều tập trung tại nơi đây để trốn việt cộng, chúng tôi thấy rất nhiều người quen vì mỗi ngày đi lễ đều gặp nhau. Các cha, các thầy và những người làm việc ở trong tu viện đang bận rộn sắp xếp chổ trú ngụ cho những ai đến trốn việt cộng. Gia đình tôi được thầy Tráng (là thầy dòng đang tu) tìm được một phòng chỉ còn được một chổ trống nhỏ chút xíu để nhét vào; hầu như phòng nào cũng chật cứng người là người, mấy gia đình lại được dồn vào một phòng. Căn phòng của chúng tôi được thầy xếp vào ở cũng rất chật chội, mọi người cứ thế mà chen chúc, ngồi ép vào nhau cùng với đồ đạt, và khi đi ngủ thì cũng phải ngủ...ngồi vì không có chổ để mà nằm. Em trai út của tôi đang là tu sinh của DCCT và gia đình tôi là chổ rất thân tình nên được các cha; các thầy chiều cố hơn đôi chút, nhưng...chỉ đôi chút mà thôi.
Súng vẫn bắn đì đùng và đạn pháo thì cứ nổ ầm ầm liên tục không ngớt. Người Huế và Thành phố Huế đang sống trong nỗi kinh hoàng sợ hãi vì đang bị bọn vc bằn phá không một chút nương tay.
Dù sao khi được vào ẩn náu trong tu viện rồi thì hầu như người nào cũng có ít nhiều an tâm, lối đi của tu viện nằm giữa hai dãy phòng cũng đầy người, muốn đi qua đi lại thì phải nép vào một bên và co mình lại...còn về vấn đề phải đi "vệ sinh" thì thật là khó nói, vì "nó" tế nhị; rất khó khăn; nhiêu khê và phức tạp, may mà trời còn vướng cái lạnh của mùa Đông nên chuyện tắm rửa không mấy ai cần đến, dù có cần thì cũng chịu nhịn mà thôi.Tôi và đứa em trai vẫn còn vô tư lắm, thấy chung quanh mình ai cũng như ai; đôi khi được gặp bạn bè, nói đủ thứ chuyện "tào lao dịch bộp" lại cảm thấy vui vui; nhất là khi tôi được nhiều anh con trai "chiếu tướng" và khen " răng mà dễ thương rứa", tuy rằng trong lòng tôi cũng lo lắng sợ hãi vc; nhất là sợ sự chiếm đóng của vc nếu cứ bị kéo dài như thế này thì thật là khổ... Cha mẹ tôi luôn cầm xâu tràng hạt Mân Côi để đọc kinh. Tôi thường theo anh trai chen lấn đi từ phòng này sang phòng khác để tìm mấy đứa bạn của anh, cha mẹ tôi không thể đi theo giử chúng tôi, chỉ có thể dặn dò hai anh em tôi rằng:
- Không được đi xa nghe con, biết là các con ngồi một chổ cuồng chân cuống cẵng nhưng đi gần gần thôi.

Số gạo vú mang theo cạn dần, bánh tét, bánh ú ngày Tết thì đã hết từ lâu. Nhà dòng bắt đầu mở kho gạo để phát cho dân chúng, mỗi sáng vú có nhiệm vụ đi lãnh gạo về, thức ăn thì có đồ hộp của Mỹ và những thứ mà nhà dòng để dành...
Dù rằng mùa Xuân vẫn còn mang rất nhiều hơi lạnh của gió Đông, cũng có ngày trời bổng nhiên lại đổ cơn mưa phùn, nhưng khi trời có nằng thì nắng của mùa Xuân lại dễ thương và rất đẹp với một màu hồng tươi. Không biết đã đến ngày mồng sáu Tết chưa? hay ngày đó đã trôi qua trong tiếng súng nổ rền trời và trong những làn đạn bay đầy thành phố ? cái hẹn đi chơi với anh Ánh vào ngày đó...đang là một cái hẹn không đến và quá xa vời. Việt cộng vẫn cố tình pháo kích vào nhà dân, hình như bọn họ nghỉ rằng càng làm sập nát nhiều nhà dân bao nhiêu càng..."chiến thắng" bấy nhiêu chăng? súng vẫn nổ đì đoành liên tục không ngừng nghỉ. Không biết đến bao giờ chúng tôi mới thoát khỏi cảnh sống như thế này. Ngày nào trong nhà dòng cũng nghe có người bị chết vì những viên đạn "đi lạc", mà người chết toàn là dân thường...các Linh Mục làm lễ an táng cho những người chết trong đất của Tu Viện, mong đuổi được bọn vc ra khỏi thành phố rồi; khi đó ai về nhà nấy thì sẽ đưa xác thân nhân về theo để chôn trong nghĩa trang.
Một buổi sáng, vú nhà tôi ra ngoài sân nhà dòng để nấu cơm như thường lệ, đâu chừng mới 10 giờ sáng thì vú hớt hơ hớt hãi mặt mày tái xanh chạy vô, miệng nói mà răng đánh bò cạp, tay chân run lẩy bẫy:
-Ông bà Hóa ơi...dễ sợ quá, ghê quá...chết; chết rồi, chết trước mặt tui đây nì...
Tất cả những người ngồi trong phòng trợn tròn mắt nhìn vú đầy kinh sợ, có người hỏi:
-Răng rồi? vc vô tới nhà dòng rồi à?
Vú lắc đầu:
- Không phải vc vô tới đây...mà mụ Tứ chết rồi, trúng đạn chết...ôi trời ơi, tui với mụ đang ngồi nấu cơm, mụ Tứ nói "mỏi chưn quá, đứng lên cho giãn gân cốt một tí", rồi mụ đứng dậy, vừa lúc đó tui lại thấy mụ ngả bổ xuống, giãy đành đạch máu me đầy người...mụ Tứ bị trúng đạn lạc của vc nên chết rồi...
Rồi Vú khóc hu hu, nhưng sực nhớ nồi cơm, vú lau nước mắt lật đật chạy đi, mẹ tôi dặn vói theo:
- Coi chừng nghe Vú.

Không biết vc chiếm đóng thành phố Huế đã bao nhiêu ngày, vì lịch để xem thì không có sẵn, mà nếu có thì chắc cũng không ai còn lòng dạ nào để mà xem, cứ hết ngày lại đến đêm, rồi hết đêm lại đến ngày, súng thì nổ dữ dội không ngớt, vc ngày nào cũng pháo kích ầm ì liên tục vào thành phố. Lúc này thì tất cả người dân đều nóng lòng và cầu mong sao cho quân đội VNCH đến sớm, nhanh chóng đẩy lùi quân vc cho mọi người còn được sống để trở về ngôi nhà thân yêu của mình; trở lại với cuộc sống bình yên như cũ.
Tôi cũng bắt đầu cảm thấy không còn vui và vô tư như những ngày qua, tôi cũng chán luôn những lời xầm xì khen tặng, nói chung là tôi cảm thấy ngao ngán và mệt mỏi nếu cứ phải sống trong sự chật chội "cứng như nêm" này; đêm nào cũng phải "ngủ ngồi" và người này thay phiên ngồi cho người kia được nằm - dù nằm co ro người lại nhưng vẫn đở hơn phải ngủ ngồi mãi tới sáng- còn ban ngày nếu có người nào rời chổ đi loanh quanh đâu đó thì mới có được một ít khoảng trống để nằm duỗi người, thẳng chân một chút. Gia đình ông dân biểu Trần Điền cũng ở chung phòng với gia đình tôi, nhưng cha tôi và ông ấy ít nói chuyện với nhau. Ông ta có vẻ kiêu hãnh; không hợp với tính cách khiêm nhường của cha tôi.

Rồi đến một ngày; đó là một buổi sáng mà tôi nhớ mãi không bao giờ quên khi có rất nhiều tiếng nói lao xao truyền từ người này qua người khác:
- Việt cộng đang vô trong nhà dòng bắt người.
Vừa mới nghe nói như thế, lập tức mặt của ai nấy cũng đều tái xanh không còn một chút máu, cũng vừa ngay lúc đó thì có mấy người thanh niên ra dáng sinh viên đi theo thầy Tráng; trông rất vội vã nhưng cũng đầy hung hăng; một người nắm cổ áo ông Trần Điền và hỏi:
-Ông này làm chi?
Ông Trần Điền sợ hãi lắp bắp trả lời ngay; không một chút suy nghỉ:
- Dạ...tôi là dân biểu quốc hội Trần Điền.
Thế là anh ta kéo ông ấy đứng lên, đẩy mạnh qua cho một tên khác, tên này lấy dây cột tay ông Trần Điền. Sau đó anh ta quay qua túm lấy cổ áo cha tôi, hỏi một cách xấc xược:
- Còn ông này làm gì?
Thầy Tráng vội trả lời thay cho cha tôi:
- Đây là ông già làm vườn cho nhà dòng.
Nghe vậy hắn vừa buông cổ áo cha tôi ra; vừa đẩy cha tôi một cái thật mạnh ra sau làm cha tôi bị loạng choạng ngã ngữa; sự xô đẩy của anh ta rất là thô bỉ, nếu không muốn nói là mất dạy, rồi mấy tên vc đó tiếp tục đi "lùng soát; lượm lặt" thêm những người khác trong sự vội vàng, có rất nhiều sinh viên học sinh bị bọn vc bắt đi trước mặt người thân của mình...không ai dám khóc mặc dù ai cũng điếng người khi thấy người nhà của mình bị vc bắt trói đưa đi. Bọn vc có vẻ rất hối hả, lo lắng; vừa lùa mấy anh thanh niên; kể cả mấy ông khá lớn tuổi như ông Trần Điền, vừa xô đẩy và kéo theo những người bị tụi nó bắt; đi mà như chạy, nét mặt của bọn vc rất căng thẵng và đầy gian ác.

Tôi không tính được thời gian là bao nhiêu lâu sau khi bọn vc vào nhà Dòng bắt người đưa đi, thì bỗng nhiên có rất nhiều tiếng reo hò mừng rở vang lên:
- Lính của mình vô tới rồi...hoan hô...lính của mình đánh đuổi vc ra khỏi thành phố rồi...mừng quá...mừng quá trời ơi.
Đúng là những anh lính của Quân Đội VNCH đang tiến vào thành phố; và vc thì đang bị đánh đuổi ra khỏi thành phố. Khi nghe loa phóng thanh thông báo cho đồng bào biết để yên tâm vì vc không còn chiếm đóng thành phố nữa, "tụi nó" đang tìm đường bỏ chạy "thục mạng" và chết cũng khá nhiều, thì những người đang tị nạn trong nhà dòng đứng lên vổ tay reo hò sung sướng. Thế là mọi người chen lấn nhau ùa ra khỏi phòng như một bầy ong vở tổ, ai nấy đều nói nói cười cười chào hỏi nhau rối rít , và khi thấy những anh lính VNCH vào trong nhà dòng thì tiếng khóc vỡ òa ra vui mừng sung sướng vì đã được cứu thoát, có người nhào tời ôm lấy mấy anh như người cha; người mẹ ôm lấy đứa con trai thân yêu của mình. Một anh lính vổ vổ vào lưng một bà già và nói bằng giọng Nam:
- Tất cả mọi người yên tâm, tụi con đã đến đây rồi thì không có gì phải lo lắng nữa, tụi vc đã bỏ "chạy có cờ".

Ngày bình yên đã đến, mùa Xuân vẫn đang còn là mùa Xuân, trời vẫn lạnh nhưng cái lạnh này sao mà dễ thương quá. Chúng tôi như những con chim được xổ lồng, mọi người cùng nhau ra đường; cùng chạy nhanh về nhà mình xem nó có còn nguyên vẹn hay đã bị đổ nát? sau đó thì có một số người dọn dẹp nhà cửa, một số đi thăm thành phố Huế thân yêu của mình, hình như ai cũng ra đường nên đông quá là đông. Những con đường đầy những hố bom, ít có con đường nào còn được sự nguyên vẹn, nhà cửa trong khắp thành phố bị đạn pháo của tụi vc bắn phá làm đổ nát tan hoang. May mắn lắm mới có được vài ngôi nhà còn nguyên vẹn. Hầu hết mọi người đều rất đau đớn xót xa khi nhìn thấy ngôi nhà của mình bị đổ nát vì đạn pháo kích của vc bắn trúng. Nhưng đau đớn nhất vẫn là những gia đình có người thân đã bị bọn vc bắt đi.

Chưa bao giờ tôi nhìn thấy sự đổ nát thê thảm của chiến tranh ngoài phim ảnh ra, nhưng bây giờ thì nó đang hiển hiện trước mắt tôi, tôi đi theo anh tôi và các bạn của anh hết con đường này đến con đường khác, đâu đâu cũng là cảnh nhà cửa bị đổ nát điêu tàn, đường sá là những hố bom lớn, nhỏ đủ cở. Nhà tôi bị một trái pháo của vc cọng bắn vào khách sạn Thuận Hóa; nơi người Mỹ đang ở, nhưng thay vì trúng vào khách sạn thì nó lại bị vướng ngay nhà tôi mà nổ, thế nên giữa nhà là một hố bom to đùng. Chỉ có gầm cầu thang mà chúng tôi núp trong đó một ngày là còn, trên lầu chỉ là những khung sắt méo mó vặn vẹo của sàn bê tông, cũng may là phía sân thượng bên hông còn lại một phần khá nguyên vẹn (vì nhà tôi là ba căn phố lầu), nơi mà chiều chiều hay tối tối anh em chúng tôi ưa ra đó trãi chiếu nằm nhìn trăng hay đếm sao trên trời. Anh em tôi dẫn mấy người bạn về nhà, chúng tôi leo lên cầu thang rồi bò qua mấy khung sắt méo mó để ra ngoài balcon rồi qua sân thượng bên cạnh, anh tôi có một cái radio nhỏ, anh thích đem theo bên mình để nghe nhạc...và chiều nay; khi nắng mùa Xuân hừng lên trong hơi lạnh se se của xứ Huế; khi lòng người đang sung sướng hạnh phúc vì thoát khỏi vc, thì trời ơi; tôi chưa bao giờ thấy màu nắng nào đẹp hơn màu nắng chiều nay, nó lạ lùng lắm, nó kỳ diệu vô cùng, và khi giọng ca của Connie Francis cất lên với bài Tennesse Waltz thì tôi đã bật khóc, mặc dù bài hát này không có gì phù hợp với hoàn cảnh của xứ Huế trong những ngày qua và của chiều nay...nhưng không hiểu sao lòng tôi lại xúc động quá chừng. Sinh nhật tuổi mười sáu của tôi đã đi qua trong những ngày vc chiếm đóng thành phố Huế; và nó đi qua lúc nào tôi cũng chẳng nhớ; chẳng hay biết. Tôi nhìn sang nhà ông Nhân bán gạo; vì nhà ông năm chênh chếch với nhà tôi, ngôi nhà ông cũng bị trúng đạn pháo của vc nên tan nát tanh bành, chỉ còn là một đống gạch vụn...
Bây giờ thì tôi đang là mười sáu tuổi, vc đã nhốt ngày sinh nhật mười sáu tuổi của tôi vào trong căn phòng chật chội, trong tiếng súng và sự chiếm đóng gieo rắc sự chết chóc của bọn họ, và họ thả tuổi mười sáu của tôi ra sau khi đã lùa theo những mấy ngàn người thanh niên sinh viên học sinh. Ôi; tôi mười sáu tuổi không có một ngọn nến và những lời chúc của cha mẹ; anh em và bạn bè; nhất là của anh Ánh. nghỉ tới đây tôi mới...sực nhớ đến anh và đâm ra lo lằng hơn bao giờ hết.
Nắng mùa Xuân của xứ Huế vẫn đẹp mỹ miều với cái lạnh trong sự đổ nát; trong máu và nước mắt, trong sự mất mát của cả thành phố lẫn con người do bọn vc gây ra…Tôi thầm nghỉ: tại sao họ không chịu ở yên bên kia phần đất của chính họ đang có? mà họ lại cố tình chạy qua phần đất của chúng tôi, để rồi gieo rắt bao đổ nát lẫn chết chóc tan thương cho phía bên này?có phải chỉ vì mục đích duy nhất là muốn "chiếm đoạt" miền Nam của những người Miền Nam chúng tôi?...Chỉ vì lòng tham không đáy? vì trái tim chai sạn và lương tâm của bọn người này đã bị bào mòn? đó có phải là câu trả lời không? câu trả lời này đúng hay không?

Cha tôi liên lạc được với tòa Lãnh Sự Mỹ ở Nha Trang, theo mong muốn của cha tôi và một số người khác thì sẽ có máy bay trực thằng đưa chúng tôi vào Đà Nẵng, gia đình tôi sẽ ở nhờ nhà của dì dượng út, sau đó sẽ nhờ dượng út là Đại Uý công binh gởi theo máy bay trực thăng để vào Nha Trang. Đó là những gì tôi nghe cha mẹ bàn tính với nhau.

Trong khi chờ đợi ngày vào Nha Trang, tôi theo anh trai và các bạn của anh đi long rong trên những con đường của thành phố Huế, để thấy đâu đâu cũng là sự đổ nát hoang tàn, cầu Tràng Tiền bị gãy nhịp nằm sà xuống sông Hương. Chúng tôi vô trường Thiên Hữu nơi anh tôi học; rất gần với nhà tôi, và tôi đã rùng mình lạnh gáy nép sau lưng anh khi thấy trong các phòng học nơi nào cũng có máu. Trên tường có in hình những bàn tay vấy máu với đủ năm ngón kéo dài theo vách tường như đang cố bám víu, trì kéo lại, vết máu của năm ngón tay vẫn còn đỏ thắm, chưa chuyển qua màu thẩm vì có lẽ họ vừa mới chết đây thôi? Dưới nền gạch của tất cả các lớp học vẫn toàn máu là máu, những vệt máu lớn loang lỗ và chạy dài như bị lôi đi...tôi không dám nhìn nhiều hơn nữa nên hối anh phải đưa tôi đi nơi khác.
Những sáng những chiều loanh quanh trên phố Huế, nhìn cảnh nhà cửa của người dân và thành phố bị đổ nát, trên những con đường thì đầy hố bom, đầy những cảnh điêu tàn vì sự phá hoại do lòng tham lam muốn chiếm đoạt bên này của "phía bên kia", tôi buồn lắm. Chỉ mới gần một tháng thôi với sự trốn tránh chen chúc, với những gì tôi đã và đang được thấy trong những ngày qua khi cùng anh tôi đi khắp thành phố Huế, bây giờ thì tôi cảm thấy mình bắt đầu có sự suy nghỉ trưỡng thành chín chắn hơn trước, có sự phân biệt giữa ý thức hệ của phía bên này và phía bên kia; khi mà trước đó tôi rất vô tư; không hề có một ý niệm gì về "chiến tuyến của hai bên". Lòng thấm buồn và đau đớn trước những cảnh đầy tan nát đau thương mà tôi được tận mắt chứng kiến, tôi không còn cảm giác sợ hãi như khi vc còn chiếm đóng, và rồi tôi bắt đầu nghỉ đến anh Ánh nên đã đi bộ lên nhà anh dù khá xa.

Tuyết thấy tôi đang đứng trước cổng thì chạy ra và khóc òa:
-Thủy ơi...anh Ánh với thằng Thạnh bị vc bắt đi rồi...từ ngày anh và Thạnh bị bắt đi thì mẹ Tuyết không ăn không ngủ, cứ nằm trên giường mà khóc hoài...
Thạnh là em ruột của anh Ánh và là em kế Tuyết, như vậy nhà Tuyết có đến hai người con trai bị vc bắt đi.
Tôi như muồn ngã quỵ xuống sân nhà Tuyết, khi bắt đầu nhớ tới anh ấy nhiều để lên thăm và khoe với anh rằng:" Thủy mười sáu tuồi rồi đó và Thủy sắp phải đi xa"; thì không ngờ lại nghe cái tin động trời này. Tôi khóc với Tuyết mà không thể nói gì được...mẹ Tuyết rên rỉ khóc lóc và nói đi nói lại mỗi một câu mà thôi:
- Ánh ơi, Thạnh ơi; bi chừ hai đứa con đang ở mô? còn sống hay đã chết? Ánh ơi; Thạnh ơi...mạ chết theo hai đứa con đây...Ánh; Thạnh ơi về ăn cơm với mạ đi con...đừng để mạ chờ cơm hoài như ri...đói chết...

Và câu chuyện làng Phủ Cam của tôi bắt đầu ngay từ đêm mồng một Tết; khi vc tấn công vô thành phố Huế. Trong làng có khoảng năm trăm thanh niên; đó là những ngưởi trên mười lăm tuổi phải tập trung vào trong nhà thờ Phủ Cam để tự vệ, họ ở đó 15 ngày. Ngày 15 Tết vc bao vây nhà thờ Phủ Cam, nhưng có hai trăm người đã thoát ra trước và chạy theo đoàn người rút về Phù Lương, còn lại ba trăm người thì bị vc bắt lùa đi.


Chưa có con số tổng kết đích xác để biết trên toàn thành phố Huế có bao nhiêu thanh niên; sinh viên học sinh bị vc bắt đi và giết, nhưng riêng ở trong làng Phủ Cam của tôi thì tổng cộng là ba trăm người bị bắt, nhưng còn rất nhiều và rất nhiều những gia đình khác trong những ngôi làng trên xứ Huế...nhiều và nhiều vô kể những thanh niên bị vc bắt đi, và nghe đâu những hơn năm ngàn người…vậy là có đến hơn năm ngàn gia đình bị mất người thân một cách oan ức tức tưởi, đau đớn.
Về đến tu viện tôi nằm quay lưng vô vách và khóc một mình. Tôi khóc vì anh Ánh bị vc bắt đưa đi, tôi khóc vì sắp sửa phải rời xa xứ Huế- quê hương yêu dấu - với biết bao nhiêu là kỷ niệm, tôi khóc vì phải rời xa bạn bè, trường lớp, rời xa những con đường nên thơ mà mỗi chiều đi học về, tôi ưa lén mẹ để lang thang đôi chút trên đường Hàng Đoát, tôi khóc vì không còn được đi trên cầu Trường Tiền để qua phố, vô chợ Đông Ba...và nhất là tôi khóc vì sẽ không còn được ở trong căn nhà của mình nữa; sẽ không còn được chiều chiều lên sân thượng nhìn trời; nhìn mây trắng bay lờ lững hay những buổi trưa hè nhìn núi Ngự Bình ở phía xa xa, tôi khóc vì lời hẹn hò đầu tiên của tuổi mười sáu vào ngày mồng sáu Tết với anh Ánh...
Nhà tôi đã bị đổ nát tan tành nên không thể dọn về; phải ở nhờ thêm vài ngày trong tu viện để chờ máy bay trực thăng đến đưa vô Đà Nẵng. Cha mẹ tôi đem cái bình cổ Khang Hy vô thư viện của nhà dòng để gởi nhờ cất giữ dùm, thầy quản thủ thư viện là thầy Ro-Manh cẩn thận ghi tên của cha mẹ tôi vào một miếng giấy và dán vào chiếc bình cổ, sau đó thầy nói với cha tôi:
- Tôi sẽ đem cất vào nơi kín đáo và an toàn nhất trong thư viện, ông bà cứ yên tâm, chừng nào cần thì lấy.

***
Cha mẹ tôi và vú chuẩn bị sẵn sàng mọi hành trang để chờ ngày máy bay trực thăng đến đưa đi. Đúng như lời hứa, ngày thứ năm có mấy chiếc máy bay trực thăng đáp xuống sân nhà thờ DCCT để đưa nhiều gia đình khác đi; như gia đình tôi, chúng tôi được kêu tên và cứ thế mà leo lên máy bay...tôi thở dài, chảy nước mắt khi nhìn qua cửa sỗ của máy bay. Ở trên cao nhìn xuống mới thấy rỏ được toàn cảnh của sự đổ nát tan hoang khũng khiếp của Thành Phố Huế. Quê hương tôi đang xa dần...xa dần...nhỏ xíu...nhỏ xíu...khi máy bay càng lúc càng lên cao, và khi nó bay lẫn vào trong mây thì tôi không còn thấy được gì qua làn nước mắt của mình.
Mười sáu tuổi của tôi ơi...

Ở Đà Nẵng được năm ngày thì cha tôi phải mua vé máy bay Air VN để đưa gia đình vào Nha Trang; vì chờ dượng tôi xin cho được máy bay trực thăng thì lâu lắm.
Lại "khăn gói quả mướp" lên đường, lần này tôi không khóc tuy rằng lòng cũng rất buồn, nhưng tâm trạng thì có chút nôn nao, vì Nha Trang cũng là nơi có ít nhiều kỷ niệm về tuổi thơ của tôi khi cha tôi còn là Dân Biểu Quốc Hội thời TT Ngô Đình Diệm, ngôi nhà ở Nha Trang cha mẹ tôi đã mua từ lâu để mỗi tháng một lần hoặc mùa hè đến thì cha tôi đưa cả gia đình về đó nghỉ mát; tắm biển...bây giờ không biết ngôi nhà đó như thế nào? có còn dễ thương như xưa không? và biển Nha Trang bây giờ ra sao? vì tôi xa Nha Trang từ khi mới mười tuổi.

Nha Trang đây rồi…và nhà của cha mẹ tôi cũng đây rồi…mọi thứ đều sạch đẹp hơn xưa, vườn cây ăn trái vẫn xum xuê, hàng dừa trước nhà đầy những quầy trĩu nặng trái, ổi, xoài, mãng cầu, lựu....nhiều thứ cây lắm làm cho anh em chúng tôi tạm quên đi nỗi buồn xa quê, giếng nước bên hông nhà vẫn ngọt lịm...hàng xóm láng giềng qua thăm hỏi đầy thân tình.
Sau vài ngày nghỉ ngơi;cha tôi đi kiếm trường cho tôi
......

Năm sau khi tỉnh Nha Trang mở cuộc thi viết về đề tài chính trị: "Làm thế nào để trở thành một nhà Lãnh Đạo giỏi", bài viết của tôi đã dành được giải nhất; giãi thưởng được Tỉnh đưa về trường và phát cho tôi trong sân trường dưới lá cờ vàng ba sọc đỏ. Tôi vui lắm vì mình là đứa học trò đem niềm vinh dự về cho trường Lê Qúi Đôn, từ đó tôi rất thường vô phòng thầy Hiệu Trưỡng để "đàm đạo; học hỏi về con đường làm chính trị", cho dù chính trị là phản trắc; là muôn mặt của phải trái;trắng đen nhập nhằng, là giã dối...là đủ mọi thứ...không lường trước được. Tôi nói với thầy:
- Sau này con sẽ ra ứng cử Dân Biểu Quốc Hội và cố làm sao để vào cho được ngành Ngoại Giao...
Năm sau nữa tôi thi đậu tú tài Toàn rồi lên đại học Đà Lạt...rồi thì...có những chuyện tình cãm riêng tư đã chi phối phần nào ước mơ của tôi; tuy rằng tôi vẫn nung nấu trong lòng ý nguyện mà mình đã có ngay từ khi biết rỏ về những điều đã xảy đến trong những ngày tháng của Tết Mậu Thân.
Nào ai biết được điều gì sẽ đến với chính cuộc đời mình? tôi cũng vậy. Tôi đã chuẩn bị cho mình một con đường; một lối đi để làm sao thực hiện được ước mơ của mình mà tôi từng tâm sự với thầy Nguyên; và thầy đã chỉ cho tôi con đường ngắn nhất; dễ nhất nhưng lại cũng là con đường khó nhất:
- Muốn mọi người biết nhiều về mình khi con ra tranh cử Dân Biểu Quốc Hội, ấy là con phải cố làm sao "quãng cáo" về mình như người ta quảng cáo kem đánh răng Hynos, khi đã có nhiều người biết đến mình rồi; quen thuộc với cái tên của mình rồi thì...một lá phiếu dành cho mình họ sẽ không tiếc đâu.

Năm 1973 tôi lên Pleiku dạy học vì có hai yếu tố: vừa là vì tình yêu; đồng thời cũng vì Pleiku là một thành phố nhỏ; đầy tình thân, nơi mà tôi nghỉ rằng sẽ không khó khi tôi đã có cách tự quảng cáo mình; nhất là tôi lại có linh mục Nguyễn Việt Nam làm hậu thuẫn...
...Thế nhưng...
Tôi chưa vào được ngành Ngoại Giao bằng con đường chính trị, là cố kiếm cho mình được thật nhiều lá phiếu để bước chân vào tòa nhà Quốc Hội như cha tôi ngày trước…Thì ai biết được rằng sẽ có ngày 15 tháng ba của năm 1975? Cũng như làm sao tôi có thể nghỉ rằng năm Mậu Thân 1968 khi tuổi mười sáu mà tôi đang chờ đợi từng ngày đã bị nhốt kín trong căn phòng chật cứng như nêm; ngày đêm nghe tiếng súng đì đùng...thành phố thì đổ nát tang thương; trong sự đổ nát ấy có nhà của cha mẹ tôi nữa. Hơn năm ngàn người vô tội bị giết…có anh Ánh cùng với lời hẹn hò "mồng sáu tết"... Đau đớn nhất là trong số những người bị giết chết một cách vô cùng dã man ấy lại có cả những em bé mới mười tuổi…tội ác ấy không khác gì thời kỳ của Đức quốc Xã.

Tôi đã có hai ký ức đau thương của hai lứa tuổi trong khoảng đời người còn quá trẻ của tôi:
Ký ức đầu tiên là lúc tôi háo hức chờ đợi ngày sinh nhật thứ mười sáu của mình và bàn tay ấm cùng với "lời hẹn hò mùa xuân"; làm sao mà quên được?. Ký ức Mậu Thân của năm 1968 cho đến bây giờ là bốn mươi lăm năm vẫn còn đó như mới ngày hôm nào gần đây thôi.
Ký ức thứ hai là khi tôi mới hai mươi ba tuổi, lòng đầy nhiệt huyết và con đường tương lai trước mặt đầy tươi sáng với những ứơc vọng cao vời...thế rồi...
Tôi đã bị cướp mất...rất nhiều và rất nhiều những ước mơ và hoài bão lớn của đời mình...
Nhưng Ký ức của mùa Xuân Mậu Thân 1968 và ký ức của cuộc di tãn ngày 15 tháng ba năm 1975 thì không thể nào tẩy xóa hay lấy ra khỏi cái đầu của tôi để làm cho tôi quên, nó vẫn mãi mãi đậm nét trong tâm trí tôi; và đó là hai Vết thương không bao giờ lành nên không làm sao để có thể trở thành hai Vết Sẹo.
Những ký ức đau thương không phải chỉ riêng mình tôi có, mà hàng triệu triệu người cũng có như tôi. Phải chăng chỉ vì sự tham lam của phía bên kia? nên bọn họ đã gây nên một cuộc chiến đầy phi lý, phi nhân nghĩa và tàn bạo, nhưng lại được nhân danh và núp dưới những chiêu bài rất đẹp và đầy cao thượng???... Đó là…

Hồ Thủy.
304Đen – llttm - YD

No comments: