Thursday, July 2, 2020

Con Người Đất Nam Kỳ - Không đề tên tác giả


Con người đất Nam Kỳ
 
 

 Nam Kỳ là lãnh thổ cực Nam của nước Đại Nam triều Nguyễn, là một trong ba kỳ hợp thành nước Việt Nam. Tên gọi này do vua Minh Mạng đặt ra năm 1832. Sau khi Việt Nam giành được độc lập năm 1945, Nam Kỳ bắt đầu được gọi là Nam Bộ, trong giai đoạn 1948-1954 thường gọi là Nam Việt

Quốc gia Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa cũng dùng tên gọi Nam phần, vốn đã được sử dụng từ năm 1947 trong giai đoạn sau của Cộng hòa Tự trị Nam Kỳ. Diện tích Nam Kỳ là 67.293,1 km2.

Người dân miền Thuận Quảng, sau gần 400 năm tiếp cận với nền văn hóa bản địa Phù Nam – Chân Lạp, với người Minh Hương, người Pháp, tác động bởi một môi trường thiên nhiên khắc nghiệt thuở ban đầu nhưng trù phú về sau đã tạo cho họ những nét đặc thù mà từ ngôn ngữ đến tâm tình lẫn tâm tính có nhiều khác biệt với tổ tiên của họ ở đàng ngoài.

Văn hóa dân Nam kỳ xưa

Trước tiên, ngôn ngữ là một đổi thay lớn và nhanh chóng, chỉ một thế hệ, Nguyễn Ðình Chiểu, con của Nguyễn Ðình Huy gốc người quận Phong Ðiền ở Huế được bổ nhiệm vào Gia Ðịnh phò tá Lê Văn Duyệt, đã viết ra Lục Vân Tiên, một tác phẩm tiêu biểu của miền Nam với những lời văn nôm na, bình dân trái với văn phong Hán Học của ông cha:

Tiên rằng bớ chú cõng con,
Việc chi nên nỗi bon bon chạy hoài.

hay:

Phong Lai mặt đỏ phừng phừng,
Thằng nào dám tới lẫy lừng vào đây.

Nhiều nhà chánh trị, văn hóa nổi tiếng của Việt Nam và miền Nam vào thế kỷ 19 đa số là người Thuận Quảng hay người Minh Hương. Thí dụ Gia Ðịnh Tam gia gồm có Trịnh Hoài Ðức gốc người Phước Kiến (định cư ở Biên Hòa, tác giả bộ địa phương chí Gia Ðịnh Thành Thống Chí), Lê Quang Ðịnh gốc người Thuận Quảng (tác giả bộ Hoàng Việt Nhất Thống Ðịa Dư Chí), Ngô Nhân Tịnh gốc người Quảng Ðông. Nhiều gia đình danh gia vọng tộc ở miền Nam, đặc biệt ở Gò Công, cũng là con cháu những người Thuận Quảng đã theo các đàn ghe bầu xuôi Nam lập nghiệp vào thế kỷ 17, như bà Từ Dũ, mẹ vua Tự Ðức là con của đại thần Phạm Ðăng Hưng, bà Ðinh Thị Hạnh, thứ phi của vua Thiệu Trị. Ðến vùng đất mới, lưu dân Thuận Quảng mang theo những câu hò, điệu hát đàng ngoài nhưng lại được cải biên theo địa danh mới.

Bắp non mà nướng lửa lò
Ðố ai ve được con đò Thuận An
(Huế)

Bắp non mà nướng lửa lò
Ðố ai ve được con đò Thủ Thiêm
(Gia Ðịnh)

Ru em théc cho muồi
Cho mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu
Mua vôi chợ Quán chợ Cầu
Mua cau Bát Nhị mua trầu Hội An
Hội An bán gấm bán điều
Kim Bồng bán cải, Trà Nhiêu bán hành
(Quảng Nam)

Ðố ai con rít mấy chưn
Cầu Ô mấy nhịp, chợ Dinh mây người
Chợ Dinh bán áo con trai
Chợ trong bán chỉ, chợ ngoài bán kim
(Gia Ðịnh)

Chiều chiều ông Lữ đi câu
Bà Lữ đi xúc, con dâu đi mò
(Thuận Quảng)

Chiều chiều ông Lữ đi câu
Sấu tha ông Lữ biết đâu mà mò
(Nhà Bè)

Chiều chiều ông Lữ đi câu
Trâu tha gảy ách ngồi bờ khoanh tay

Ngoài chuyện cải biên tiếng Việt, sự cộng cư giữa lưu dân Việt từ Ðàng ngoài với người Tàu, người Miên đã tạo thành một thứ ngôn ngữ pha trộn. Biết bao địa danh Nam Kỳ là nói trại từ tiếng Miên (Sốc Trăng, Trà Vinh, Bải Xàu, Chắc Cà Ðao…) danh từ tiếng Việt Miên ghép lại: cầu Mây Tức ở giữa Trà Vinh và Vĩnh Long (Mây: tiếng Việt, Tức: tiếng Miên=nước) hay Việt Miên Tàu: sáng say, chiều xỉn, tối xà quần… hay là nóp, bao cà ròn (tiếng Miên) thèo lèo, xá, gật, hủ tiếu, mì… (tiếng Tàu) và tiếng quần xà lỏn, hay tà lỏn (pantalon, Pháp).


Văn hóa dân Nam kỳ xưa

Bàn về bản chất của người Nam Kỳ, tôi mượn hai tài liệu xưa:

Trong Gia Ðịnh Thành Thống Chí của Trịnh Hoài Ðức viết vào khoảng 1820 có đoạn:

Vùng Gia Ðịnh nước Việt Nam đất đai rộng, lương thực nhiều, không lo đói rét, nên dân ưa sống xa hoa, ít chịu súc tích, quen thói bốc rời. Người tứ xứ. Nhà nào tục nấy… Gia Ðịnh có vị trí nam phương dương minh, nên người khí tiết trung dũng, trọng nghĩa khinh tài…

John White, sau khi thăm viếng Sài Gòn trở về Luân Ðôn có viết trong quyển hồi ký “A voyage to Cochinchina” năm 1824 như sau:

Chúng tôi rất thỏa mãn với tất cả những gì chúng tôi nhìn thấy, mang theo cảm tưởng tốt đẹp nhứt về phong tục và tánh tình của dân chúng. Những sự ân cần, lòng tốt và sự hiếu khách mà chúng tôi thấy đã vượt quá cả những gì mà chúng tôi đã quan sát đến nay tại các quốc gia châu Á…

Tôi cố gắng tìm hiểu những đặc tính của người dân miền Nam mà hai tác giả đã nhận định như trên qua cái nhìn lịch sử và xã hội.

Sự cộng cư giữa người Việt với người Tàu và người Miên đã khiến người Việt học được bản chất hiếu khách của hai sắc dân tộc nầy. Hơn thế, bản chất hiếu khách còn là một nhu cầu sinh tồn của mọi lưu dân trong vùng đất mới. Trước những khắc nghiệt của thiên nhiên, của bất trắc, lưu dân cần sống có nhau, tương trợ nhau. Tính hiếu khách chẳng qua là một sự lo xa, phòng thân bởi lẽ nếu hôm nay tôi giúp anh thì tôi hy vọng ngày mai anh sẽ giúp tôi khi tôi gặp khó. Do đó, chúng ta không ngạc nhiên khi mới gặp nhau, dù chưa quen biết nhau, dân miền Nam đều cơm nước trà rượu như đã là bà con cật ruột.

Người chuyển bài – HV - USA

                                                                                 

No comments: