Saturday, July 25, 2020

Câu Chuyện Về Đêm "Trăng Xưa" ở Hà Nội - Ngọc Cường


Câu chuyện về đêm ‘Trăng Xưa’ ở Hà Nội
 
 

Nhà văn Khái Hưng (trái) và nhà văn Nhất Linh. (Hình: Tài liệu)

 

    Người nghệ sĩ cần có con tim nhạy cảm và một tâm hồn phong phú, và một khi đã mang nghệ sĩ tính, họ dễ trở thành đa dạng về nhiều lãnh vực của nghệ thuật, như có nhà văn, ngoài khả năng viết lách, còn vẽ tranh và trở thành họa sĩ tài hoa.

Riêng trong Tự Lực Văn Đoàn (thành lập năm 1932 tại Hà Nội), có nhà văn Nhất Linh vừa viết văn lại vẽ tranh… trong khi Khái Hưng, người bạn thân của ông, chú tâm vào văn chương, và dường như không có vẽ một bức họa nào…

Thế nhưng, mười một năm sau khi Khái Hưng mất (bị Việt Minh thủ tiêu)… tại Sài Gòn, năm 1958, nhà văn Nhất Linh cho xuất bản tạp chí văn chương Văn Hóa Ngày Nay.

Phát hành đến số thứ 5, đặc biệt về Trung Thu, nơi trang 85, có đăng một trang báo, dưới tiêu đề “Trăng Xưa,” bên dưới có in một bức họa, kèm theo lời chú thích sau đây: “Đây là bức tranh chính tay Khái Hưng vẽ (mấy chữ Nho bên cạnh là Khái Hưng họa) để tỏ nỗi buồn của ông khi một người bạn văn thân thiết của ông, Nhất Linh vì công việc chống Pháp mà phải bỏ đi xa. Khái Hưng không phải là họa sĩ nhưng bức tranh ông vẽ này đẹp như một bức danh họa, lột tả được nỗi buồn của người đối diện ánh trăng khuya, nhớ tới bạn.”

Bài báo vỏn vẹn một trang giấy, đăng một bài thơ in đè lên một bức tranh… và, ngoài lời chú thích nêu trên của tòa soạn, mà tác giả tin là do Nhất Linh viết, không cho thêm chi tiết nào khác.

Bức họa hi hữu của Khái Hưng, và bài thơ buồn của Huyền Kiêu hé lộ cho ta biết một kỷ niệm nhỏ nhưng thắm thiết và sâu đậm về tình bạn giữa hai nhà văn Nhất Linh và Khái Hưng. Nhưng, tại sao Nhất Linh không cho chúng ta biết thêm chi tiết khác, như cảnh đêm đó xảy ra ở đâu, tại nhà ai, năm nào, và có mặt thêm những ai? Phải chăng, Nhất Linh vốn bản tính kín đáo, coi tình bạn là một chuyện riêng tư của mình (với Khái Hưng)?

Xin có mấy nhận xét

Một phần bức họa bị choáng chỗ để in bài thơ “Tương Biệt Dạ” của thi sĩ Huyền Kiêu, và không rõ lý do, bài thơ lại choáng lên chỗ của bức tranh. Có thể, Nhất Linh cố ý che đi một phần bút tích gì, viết ở dưới hàng chữ nho (do Khái Hưng họa)?

Về bức tranh “Trăng Xưa” của Khái Hưng: Giản dị, vẽ bằng mực Tàu, vỏn vẹn hai màu đen và trắng, vẽ bóng của một người ngồi bên cạnh bàn, dưới ánh trăng khuya đang rọi chiếu vào một thư phòng… trên thềm cửa, một con mèo ngồi cô đơn… nhưng dưới nét vẽ của Khái Hưng ghi lại nỗi buồn mênh mang, khiến người xem cũng bồi hồi xúc động, có lẽ đã nói lên được nỗi lòng lưu luyến của ông, lúc phải xa người bạn tri kỷ Nhất Linh…

Riêng về bài thơ “Tương Biệt Dạ” của Huyền Kiêu: Nếu không có lời chú thích, chỉ đọc bài thơ riêng rẽ, người ta sẽ nghĩ đây là cảnh chia ly của một đôi tình nhân, diễn tả nỗi lòng khi họ phải xa nhau. Nhưng điều này có gì là quan trọng, vì tình cảm có khác gì nhau, dù đó là tình yêu trai gái, hoặc tình bạn giữa hai nhà văn, vẫn là mối lưu luyến như nhau? (Bài “Tương Biệt Dạ” được sáng tác vào chớm Thu năm Canh Thìn – 1940, chỉ mấy tháng sau là bước sang năm Tân Tỵ – 1941, được nhà xuất bản Đời Nay tuyển chọn trong Giai Phẩm Đời Nay Xuân 1941 cùng với bài thơ “Khúc Ca Man Dại” của Đinh Hùng).

Về tình bạn giữa Nhất Linh và Khái Hưng

Để tìm hiểu câu chuyện về tình bạn giữa Nhất Linh và Khái Hưng, chúng ta cần đi ngược thời gian, trở về từ lúc cái thủa ban đầu, khi hai người mới gặp nhau.

Đó là vào năm 1930, lúc mới 24 tuổi, Nguyễn Tường Tam du học ở Pháp về, với mảnh bằng cử nhân Khoa Học (Trường Đại Học Montpellier, tọa lạc ở một thành phố nhỏ, cùng tên, thuộc miền Nam nước Pháp) và có lẽ trong thời gian ba năm du học ở đấy và khi ngao du cảnh trí trong vùng, nơi có trồng nhiều hoa lavender (oải hương), đã làm quen, nên sau này Nhất Linh có sở thích đặc biệt với nước hoa lavender.

Về lại Hà Nội, trong khi chờ đợi được ra báo, để kiếm sống qua ngày Nguyễn Tường Tam tạm dạy học ở trường trung học tư thục Thăng Long, vì văn chương báo chí mới là niềm đam mê của chàng thanh niên này. Và, không như các vị khoa bảng khác, tiến thân qua con đường quan lộ, ông có ý định dùng văn chương để cải tạo xã hội, hoài bão mà ông đã ôm ấp từ lâu…

Một hôm, tình cờ đọc một bài khảo luận đăng trên tờ Văn học Tạp Chí, ký tên Bán Than, ông liên tưởng đến một đồng nghiệp ở trường Thăng Long, đó là ông giáo dạy văn Trần Khánh Giư. Quả nhiên ông đoán không sai. Và ngay từ lúc gặp gỡ, họ đã nhanh chóng thành bạn thân, do tâm đầu ý hợp về quan niệm văn chương…

Hai người đã hợp ý nhau đến độ, lúc ban đầu, bút hiệu Nhất Linh, Nhị Linh, Nhất Nhị Linh, và Cốc Lốc Tử là của cả hai ký chung. Sau này, Nhất Linh mới chính thức là bút hiệu của Nguyễn Tường Tam.

Tất nhiên, tình bạn chân thật vượt qua cách biệt tuổi tác, Khái Hưng lớn hơn Nhất Linh gần 10 tuổi. Phải chăng, như nhà văn người Pháp Saint-Exupery đã viết “Tình bạn không phải là nhìn nhau, mà là nhìn cùng nhìn về một hướng.”

Không chỉ có thế, do yêu mến Nhất Linh, Khái Hưng còn viết tập truyện dài “Những Ngày Vui” bằng giọng văn hài hước, kể lại những ngày cùng nhau cộng tác làm tờ Phong Hóa. Riêng Nhất Linh sau đó, đã đưa con trai thứ của mình (Nguyễn Tường Triệu) cho Khái Hưng nhận làm con nuôi (đổi tên thành Trần Khánh Triệu) vì người bạn thân hiếm muộn, không có con.

Đọc lại hai bộ Phong Hóa và Ngày Nay, ta nhận thấy nhiều truyện ngắn, truyện dài viết từng kỳ của Khái Hưng được chính Nhất Linh minh họa. Sau đó, cả hai còn viết chung tập truyện ngắn “Anh Phải Sống,” và hai truyện dài “Gánh Hàng Hoa” và “Đời Mưa Gió.”

Viết chung một tác phẩm văn chương như vậy, có lẽ là điều chưa từng xảy ra trước đó tại nước nhà, vì cần phải có sự đồng điệu, tâm đầu ý hợp, tri kỷ mới làm được. Nhà văn thường hay kiêu ngạo, thường xem văn mình là hơn bất cứ của ai, như trong câu thành ngữ “Văn mình, vợ người!”

Đọc những tác phẩm viết chung, có lẽ chúng ta không thể nhận biết được chỗ nào do Khái Hưng, chỗ khác được Nhất Linh viết, vì hai văn phong, nhận xét cuộc đời tương tự như hai chiếc của một đôi đũa.

Trong khoảng trên dưới 10 năm viết văn và làm báo ở Hà Nội, từ năm 1932 đến 1942, dù công việc bận rộn, gay go và đôi khi khó khăn đủ điều, nhưng Nhất Linh thân quý quãng thời gian này nhất, chẳng thế mà trong “Chúc thư văn chương,” ngày 14 Tháng Hai, 1953, tại Sài Gòn, ông viết: “Những lúc ngoảnh về quá khứ, kiểm điểm việc mình đã làm tôi thấy rõ ràng công việc tốt đẹp, lâu bền và có ích nhất của đời tôi là sự thành lập được Tự Lực Văn Đoàn và công việc sáng tác.”

Đúng như vậy, trong thời kỳ làm báo, chìm đắm trong môi trường văn học và báo chí, Nhất Linh  và Khái Hưng sáng tác rất mạnh như cá vẫy vùng trong nước… Hai người bạn tri âm tri kỷ này, sau thời gian làm báo, viết văn lại trở thành hai đồng chí, cùng chung lý tưởng chống Pháp giành độc lập cho nước nhà!

Song song với làm báo và công tác xã hội, trong vòng bí mật, Nguyễn Tường Tam thành lập Đại Việt Dân Chính Đảng, cùng Hoàng Đạo, Khái Hưng, âm thầm hoạt động kết nạp đảng viên, xây dựng cơ sở các nơi hầu chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa dành Độc Lập cho nước nhà.

Nhưng thực dân Pháp để ý đến ảnh hưởng của hai tờ báo Phong Hóa và Ngày Nay và bắt đầu tìm cách gây khó khăn khiến cả hai tờ phải đóng cửa; hơn nữa, hoạt động cách mạng càng trở nên gay go… nhiều vụ bắt bớ xảy ra taị Hà Thành…

Gọng kìm của thực dân đang xiết dần quanh cổ các nhà yêu nước.

Đánh hơi mật thám Pháp đang rình mò các người hoạt động cách mạng, Nhất Linh quyết định phải rời Hà Nội đi lẩn tránh…
 
 

Bản chụp trang báo in tạp chí văn chương Văn Hóa Ngày Nay, nơi trang 85, dưới tiêu đề “Trăng Xưa.” (Hình: Ngọc Cường cung cấp)

 

Chi tiết về đêm “Trăng Xưa”

Phải đợi tám năm sau bức họa “Trăng Xưa” và bài thơ “Tương Biệt Dạ” (đăng cùng nhau trong Văn Hóa Ngày Nay), khi cả Khái Hưng và Nhất Linh đã qua dời, còn nhà thơ Huyền Kiêu kẹt ở ngoài Bắc… tình cờ vào năm 1965, trong một buổi trà dư tửu hậu (ở Sài Gòn), câu chuyện về đêm “Trăng Xưa” (nói trên) mới được thi sĩ Đinh Hùng tiết lộ.

Nhà thơ cho biết đêm trăng đó xảy ra tại nhà của Thạch Lam vào năm 1940…

Đinh Hùng mô tả căn nhà của Thạch Lam như sau: “Căn nhà tranh ven bờ sông Hồng của Thạch Lam  là một ngôi nhà tranh đặc biệt, cất theo kiểu Nhà Ánh Sáng (*). Có phòng khách, phòng ngủ, với đầy đủ tiện nghi…Tuy là nhà lợp tranh, vách bằng đất bùn nhồi rơm, láng xi măng, quét vôi sáng sủa, ngôi nhà trông thật bề thế vì vẻ cao ráo, thoáng mát của nó. Nhất là ở cạnh Hồ Tây quanh năm thoáng mát. Có vườn hoa trồng đủ cây cảnh lạ, đẹp. Một thú chơi tao nhã của tác giả ‘Hà Nội Băm Sáu Phố Phường’”…

Thi sĩ họ Đinh kể tiếp: “Chính tại căn nhà tranh đó, vào một đêm chớm Thu, năm Canh Thìn 1940, trước khi Nhất Linh phải rời Hà Nội, đã có một cuộc họp mặt thân mật của các văn nhân, thi sĩ. Ngoài Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam, còn có Đinh Hùng, Huyền Kiêu, Thế Lữ, và cả Nguyễn Tường Bách (em út của Nhất Linh) nữa…”

Đến khuya, bỗng Nhất Linh nói với anh, em: “Lát nữa tôi sẽ phải rời xa các anh em, nên có thể đây là một đêm họp mặt tạm biệt. Chuyến hành trình này sẽ không lâu đâu. Chúng ta sẽ còn gặp lại nhau. Bây giờ chúng ta có thể chia tay nhau được rồi. Riêng tôi, tôi còn có điều nói riêng với anh Khái Hưng. Thành thật cảm ơn tất cả…”

Nói xong hai người vô thư phòng riêng của Thạch Lam.

Bên ngoài, các thi nhân còn lại ngồi ngắm trăng đang lên cao… rồi Thạch Lam cảm hứng, khơi mào một câu thơ: “Hiu hắt giăng khuya lạnh bốn bề…”

Làm xong câu mở đầu, Thạch Lam khuyến khích cho Huyền Kiêu làm tiếp… ông lén vô phòng xem xét…

Khi ra Thạch Lam kể lại: “Anh ba tôi và Khái Hưng im lìm ngồi trong thư phòng. Cả hai đều không nói năng gì cả. Phòng không đèn đóm nên bóng tối chan hòa. Ánh trăng mờ tỏ… Có con mèo tam thể tôi nuôi quyện dưới ghế Nhất Linh ngồi. Bên cửa sổ sát vách tường, bức liễn trúc treo rung động dường như cảm thông cho đôi bạn đang nhấp chén rượu suông trong phút giờ sắp ly biệt…”

Trong đêm khuya se lạnh… cảm hứng với câu thơ mào đầu của Thạch Lam trước cảnh chia ly sắp xảy ra giữa Nhất Linh và Khái Hưng, thi sĩ trẻ Huyền Kiêu đã hoàn tất bài “Tương Biệt Dạ” ngay trong đêm đó, diễn tả thay cho Khái Hưng nỗi lòng sắp phải xa người bạn thân thiết.

Riêng bức họa “Trăng Xưa,” không rõ Khái Hưng đã vẽ lúc nào, và có thể sau khi Nhất Linh đã đi xa, khi còn lại một mình ở Hà Nội, nhớ đến bạn, ông hồi tưởng và vẽ theo ký ức?

Một bức họa sơ sài giản dị và một bài thơ buồn, ghi lại kỷ niệm của một buổi gặp gỡ tại một căn nhà tranh ven bên Hồ Tây, của một nhà văn nghèo, vào đầu mùa Thu, trong một đêm có trăng, có các bạn văn tụ họp… rồi đến cảnh chia ly… đã nói lên mối tri kỷ và thân tình của các văn nhân thi sĩ của một thời xa xăm nơi đất Hà Thành. [qd]

Ngọc Cường

WESTMINSTER, California (NV) 

Chú thích: (*) “Nhà Ánh Sáng,” hoạt động xã hội của Tự Lục Văn Đoàn mục đích xây nhà rẻ tiền, sạch sẽ cho người nghèo.

 

Tham khảo, trích dẫn :
-Hồi ký của nhà báo Quốc Nam (website Đồng Hương Kontum).
-Hồi ký của nhà thơ Đinh Hùng (Đốt Lò Hương Cũ).
-Giai Phẩm Văn Hóa Ngày Nay số đặc biệt Trung Thu.
-Lê Minh Quốc (Tình Bạn Trong Văn Chương,  website Minh Triết Việt).

 
Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/van-hoc-nghe-thuat/cau-chuyen-ve-dem-trang-xua-o-ha-noi/
304Đen – llttm - dsc

No comments: