Không có đi, thì không có lại
Thuở ấy cuộc phát phần thưởng của trường Pétrus Ký còn là một dịp
long trọng vô cùng: Phát ở trường cũng đã rình rang lắm rồi, thế mà thỉnh
thoảng cứ vài năm một, trường còn mướn nhà hát lớn của thành phố để làm to
chuyện thêm.
Vào những năm phát thưởng tại nhà hát lớn, rất
nhiều trò vui diễn ra không phải trên sân khấu, mà chính ngay trong hàng ngũ
phụ huynh học sinh.
Phụ huynh học sinh trường Pétrus Ký thuở ấy, phần
đông ở tỉnh. Nhiều ông cụ bà cụ ở mãi tại các làng xa hẻo lánh và chưa bao giờ
có dịp vào “Nhà hát Tây” cả, như mẹ tôi[1][1] chẳng hạn.
Năm đó cha tôi và mẹ tôi, hai người, sau khi tiếp
được thiệp mời của trường, bèn giành nhau mà đi dự lễ.
Mẹ tôi đưa ra lý lẽ rằng cha tôi đã biết nhà hát ấy
rồi thì không cần đi nữa. Còn cha tôi lại hăm dọa mẹ tôi bằng một câu chuyện
ghê rợn lắm là tại nhà hát ấy người ta cấm nhặt ăn trầu. Mẹ tôi ghiền trầu rất
nặng làm sao mà nhịn từ tám giờ sáng đến một giờ trưa cho được.
Mẹ tôi băn khoăn tới ba ngày đêm về vụ nhịn trầu
nầy, và rốt cuộc bà quyết định vượt qua các trở ngại là mang theo một ống phóng
bằng đồng, nho nhỏ xinh xinh, giấu trong một cái giỏ rất đẹp, đẹp để cho xứng
với “Nhà hát Tây”.
Khổ làm sao trong cơn bấn loạn tâm trí vì thấy nhà
hát to quá, và người sang trọng đông đảo, mẹ tôi đánh rơi mất cái giỏ trầu với
cái ống phóng trong đó.
Vào ngồi tại Salle d'orchestre giữa nhà hát, mẹ tôi
rầu chín ruột vì miệng đang nhai lỡ một miếng trầu, không biết làm sao mà phóng
thích mớ nước bã cứ càng ngày càng tăng lên mãi.
May sao một cứu tinh ngồi sát cạnh mẹ tôi. Vị cứu
tinh đó là một nàng tiên đẹp tuyệt trần,
độ mười bảy tuổi, và ăn nói một cách hay lạ khiến mẹ tôi mê cô ta hơn là vở
kịch, và các lớp vũ nhạc trên sân khấu.
Cô bé săn sóc mẹ tôi như nàng dâu mới săn sóc mẹ
chồng và khi biết được nỗi lo âu của mẹ tôi, cô nói:
- Bà cứ yên lòng, con đã có cách.
Nói xong cô lấy khăn tay ra, một chiếc khăn tay
thơm phức bọc một cục gòn to tướng.
- Ấy con có tật hay chảy máu cam nên con đem
gòn theo hờ. Bà cứ nhổ trong cục gòn nầy, nhổ hết cả miếng trầu, rồi con sẽ
liệu sau chỗ lạt miệng của bà.
Mẹ tôi do dự hoài, vì chiếc khăn đẹp quá, lại trắng
tinh như bột. Mặc dầu có gòn, chiếc khăn cũng sẽ hỏng vì nước cốt trầu thấm ra
ngoài.
Nhưng cô bé nằn nì tha thiết và khuyên mẹ tôi đừng
để cô ta nói nhiều mà rầy tai khán giả.
Rốt cuộc, bí quá, mẹ tôi đành hy sinh cái khăn của
cô để giải thoát cái miệng của bà.
Xong đâu đấy, cô bé trao cho mẹ tôi một gói kẹo the
để ngậm cho đỡ cơn ghiền trầu.
Bài diễn văn của Thống đốc Nam kỳ đọc xong, cuộc
phát thưởng bắt đầu.
Học sinh lớp chót, tức là đệ nhất niên, ra lãnh
thưởng trước rồi kế học sinh năm thứ hai, thứ ba.
Sau những cuộc phát sách thưởng cho mỗi lớp, có
những trò vui như là đọc thơ Pháp có múa bộ, ca nhạc, vũ khúc, diễn kịch v.v…
giúp khán giả đỡ chán.
Cô bé hỏi nhỏ mẹ tôi:
- Thưa bà, bà có con cháu gì học trong trường ?
- Con trai tôi, cô à.
- Dạ thưa, anh ấy học lớp mấy mà chưa thấy ra ?
- Nó học năm thứ ba.
- Anh ấy ngồi ở đâu, thưa bà.
Mẹ tôi đưa mắt tìm quanh, như đã
tìm ngay từ khi mới vào đây, nhưng không thấy dạng tôi đâu cả.
- Mắt tôi kém quá, kiếm nó không được, thôi để
lát nữa cô nghe tên là biết, nó sẽ ra khi người ta kêu. Nó tên là Ngô.
Cô bé sốt ruột lắm, đợi cho vở kịch “La Rente Viagère” diễn xong để đến
phiên học sinh năm thứ ba ra lãnh thưởng.
Cô có biết đâu rằng tôi đang ngồi mãi tận trên chuồng gà cao ngất
ngưỡng. Ấy cậu nào không được thưởng gì hết hay chỉ được thưởng ít thôi như tôi
đều bị đẩy tuốt lên chuồng gà hết ráo. Chuồng gà là khu hạng bét của nhà hát,
tiếng Tây gọi như vậy một cách phủ phàng.
Khi ông giáo sư N. xướng ngôn viên kêu tên tôi, tôi bèn hạ san tốc hành,
nhảy qua cầu gỗ tạm, gập ghềnh bắt từ salle d'orchestre qua sân khấu, để đến
nghiêng mình trước bàn sách.
Ông N. trao cho tôi một quyển sách nhỏ gần như là loại bỏ túi, để thưởng
tài kể chuyện của tôi. (Tôi học dở tuốt về bất kỳ môn nào, trừ môn compte rendu
litréraine, mà môn đó chỉ là môn phụ để giải trí vậy thôi).
Tôi còn nhớ đó là quyển “Truyện kỳ quái” của Hoffmann.
Trời ơi, đau đớn thay cho mẹ tôi. Từ một làng xa vắng, cơm ghe bè bạn
đùm đề đến thủ đô, vào nhà hát lớn để nhìn con trai mến yêu nhận lãnh một quyển
sách to bằng bàn tay.
Nhưng đau đớn nhứt cho bà là (sau nầy bà kể lại tôi mới biết) cô bé thay
đổi thái độ ngay, cô lấy một tờ giấy trong quyển sách học sinh lãnh thưởng, rồi
vừa gói chiếc khăn mù xoa lại, vừa chắt lưỡi hít hà như tiếc đã hy sinh vô ích
cho một bà mẹ đã có một thằng con trai học dở như cóc. Cô không còn thỉnh
thoảng nghiêng mình qua để thỏ thẻ điều nầy điều nọ nữa, và cho đến khi buổi lễ
bế mạc, cô đã trở thành xa lạ với mẹ tôi như vẫn xa lạ từ bao giờ.
Tôi đến với mẹ tôi. Mẹ tôi khiến tôi cám ơn cô bé về chỗ giúp đỡ của cô.
Cô bé đẹp quá, tôi run bắn người lên và rất ân hận đã biếng học để mang
xấu trước mặt giai nhân.
Nhưng thuở ấy tôi cũng khá trai và nhứt là ăn nói thì rất bặt thiệp, nên
chi tôi thâu được cảm tình của cô bé.
Nữ (tên cô bé) ở Saigon. Từ
đó tôi có nhiều dịp để đến thăm cô. Tôi yêu thầm cô bé ghê lắm và đợi thi xong
để tỏ thật với cha mẹ đôi bên.
Tôi có nghe mẹ tôi thuật về sự thay đổi thái độ của cô, nhưng tôi yêu cô
ta quá nên đã tìm đủ lẽ để bào chữa cho cô ta.
Năm thứ tư ấy tôi nỗ lực học hành nhưng đã quá trễ. Bỏ trôi tới ba năm,
năm chót dầu có chạy nước rút cũng chả kịp ai.
Nên chi cuối năm tôi trượt bằng Brevet. Còn một tuần nữa, tôi sẽ gỡ gạc
bằng Thành Chung, nhưng dầu sao, cũng đã là một thất bại rồi.
Tôi nhớ lại chiếc khăn mù xoa trong nhà hát lớn, rồi do dự không biết có
nên trở lại với cô ta không.
Cứ thử xem rồi biết. Tôi quyết định như thế rồi đến nhà cô ta một cách
anh hùng như là ta đây đậu rớt không cần.
Khi hay tin “chẳng lành” cô bé xụ mặt xuống quên cả “mời anh ngồi”, “mời
anh uống nước”.
Rầu lòng, rồi đi luôn về quê.
Hai tháng sau, tôi trở lên Saigon thì cô bé đã lấy chồng.
Từ đó, tôi mới hiểu sự thật
nầy, và hiểu được là tha thứ cô ta ngay. Mình không có cái gì để biếu người ta
thì đừng mong ai biếu lại mình cái gì cả.
Bình Nguyên lộc
Bình Nguyên lộc
Tầm Nguyên, 1956
[1][1] Người kể chuyện cho tác giả nghe
No comments:
Post a Comment