Wednesday, November 11, 2015

Những Khối Tình Con Của Học Sinh - Bình Nguyên Lộc


Những khối tình con của học sinh

 


    Đạt gầm đầu trên tờ giấy có vẽ những hình vuông, hình tròn về những bài toán hình học anh đang làm.
Bỗng sau lưng anh, anh nghe ai ngâm “
Trăm năm tính cuộc vuông tròn…

Đạt giựt mình, ngước lên nhưng không ngó lại.
Người ngâm Kiều cười ha hả rồi nói :

-    Anh giựt mình mà vẫn ngồi trơ, nghĩa là anh hết hồn về chuyện khác, chớ không phải vì có tiếng thình lình.

Giọng nói là giọng của người lớn tuổi. Mặc dầu thế, Đạt cũng đùa :

-    Trinh thám lắm, nhưng tôi hết hồn vì chuyện gì ?

-    Vì câu Kiều tôi ngâm. Câu ấy để trêu những anh học sanh như anh, ngày nầy qua tháng khác cứ học mãi những hình vuông hình tròn. Có gì đâu anh phải sợ. Nhưng anh sợ vì nó nói đúng tim đen anh trong giờ phút nầy. Tôi đoán chắc là anh đang lo ra. Anh ngó hình mà chỉ  thấy con Chi.

Đạt tái mặt, rồi bẽn lẽn cắn móng tay, không nói gì nữa, cũng chẳng dám day lại dòm người đối thoại với anh.
Người nầy sợ anh mắc cỡ tội nghiệp, cười một xâu dài rất dòn rồi kể :

-    Hôm qua tôi lại đằng chị tôi. Thằng cháu nó mượn thầy về dạy thêm toán. Thấy hai thầy trò đang làm bài toán số học viết lên bảng đen đầy những chữ A chữ B chữ C. Chị tôi hỏi ông thầy : “Ông à, con tôi nó mười tám tuổi, học trên mười năm rồi, sao cứ còn phải học A, B, C hoài vậy ?”.

Đạt và người nọ đồng cười xòa.
Bấy giờ người ngâm Kiều mới bước hẳn vào buồng nhỏ của Đạt. Đó là thầy bảy Tân, chủ nhà nơi Đạt ăn cơm tháng đi học.
Thầy bảy Tân đặt nhẹ tay lên vai Đạt mà rằng :

-    Anh đừng sợ gì hết. Con Chi là cháu tôi, phải. Nhưng anh có tội gì đâu. Tôi chỉ khuyên anh yêu nó vừa vừa thôi. Yêu chơi chơi vậy thôi, chớ đừng yêu thiệt tình…

Đạt ngạc nhiên đến cực điểm và tự hỏi : “Sao thầy ta lại xúi dại thế, bảo đừng yêu thiệt”. Như hiểu ý người bạn trẻ, Tân nói :

-    Anh ngạc nhiên vì anh không hiểu rõ hai tiếng “chơi chơi” của tôi. Nầy, để tôi kể anh nghe một câu chuyện tình của học sinh, một cậu học sinh mười chín như anh vậy.

Tân kéo ghế ngồi sát Đạt, vói lấy một quyển sách đậy những hình vuông, hình tròn lại, rồi bắt đầu :
“Một buổi chiều xuân êm đềm ấm áp. Trên phố hàng Bồ, cậu ấm Nguyễn Khắc Hiếu vừa đi vừa ngước mặt lên nhìn trời trong, miệng ngâm nga nho nhỏ : “Hoa cù hồng phấn nữ, tranh kháng lục y lang”.

Đó là hai câu thơ trong quyển Ấu học ngụ ngôn thi mà cậu ấm đã học thuộc lòng cách đây mười bốn năm, năm cậu lên năm tuổi.

Người thanh niên ấy với bản chất đa cảm đa tình lại bị giáo dục hơi lơi (ai đời con nít lên năm lại bắt học thơ tình) nên trước cái xuân tạo vật, bất giác đọc lên bài thơ năm cũ, vì lòng đang rạo rực yêu đương.
Đời đẹp lắm, chiều hôm ấy. Trời, mây, chim chóc, cây cỏ, con người, phố xá, xe cộ, cái gì cũng dễ yêu hết.

Từ phố Gia Ngư nơi mà cậu ấm theo học trường qui thức, về nhà trọ ở phố hàng Nón, mỗi ngày cậu ấm qua đây bốn lượt, thế mà mãi đến chiều hôm nay cậu ta mới thấy vẻ đẹp con đường.
Đây, Hà-Nội Đinh-Mùi [1][1], một Hà-Nội mà gương mặt còn nặng vẻ Thăng-Long cũ với những ngôi nhà mái cong cong, cất không ngay hàng thẳng lối. Đây đó vài tấm biển hàng treo đứng như bên Tàu.

Hà- Nội ấy nhắc nhở đến rất nhiều cái “Thành Tây” năm cũ với những Bích Câu Thôn, những cầu con trên sông Tô-Lịch có người bán tranh tiên.
Đi trên con đường hàng Bồ, nhìn những song sa trên gác con con, cậu ấm mơ đến những cuộc thả lá của tiên để mời tao nhơn mặc khách đi uống rượu làm thơ.
Lá có rơi thật đó, nhưng xem xét kỹ mãi mà không thấy đề thơ. Mà ồ kia, có phải là tiên nữ chăng, một người con gái yếm trắng ngồi trước một căn nhà bên dãy phố lẻ.
Cô gái ngồi trước hiệu tạp hóa, bên cạnh một cái quả sơn son đựng đầy dẫy miếng song thần [1][2]. Sau lưng cô là những bó hương xanh đỏ, những gói chè giấy vàng vàng.
Bấy giờ một chiếc ô-tô cao cẳng, ốm tong teo hổn hển chạy đến trong một vầng bụi hồng, còi bóp te te liên hồi. Cậu ấm hoảng hốt nhảy trái lên vỉa hè trước hàng tạp hóa, đánh rơi xuống đường hết một chiếc giày Gia Định.

Cô hàng tạp hóa trông thấy vẻ sợ sệt của người con trai, bèn nở một nụ cười rực rỡ bằng cả một mùa xuân năm đó.

Cậu ấm quên lượm giày, đứng trân trân mà nhìn những chiếc răng huyền bóng như hạt mãng cầu.
Trời đôi mắt bồ câu sao mà sáng hực trên gương mặt trái soan mà da hồng hồng như cô gái làng Lim thế ?

Bỗng có người đi đến đông đảo, cậu ấm bẽn lẽn quay mặt ra đường. Cậu ta không nhát gái, nhưng cả một nền luân lý Khổng Mạnh mà cậu ta thuộc làu làu kêu lên rằng cử chỉ ấy xấu lắm, nên cậu ta hổ thẹn thật tình.
Cậu ấm do dự vài giây rồi cúi xuống lượm giày, sau lưng cậu, cậu nghe tiếng cười khúc khích.
Suốt buổi chiều hôm đó, cậu ấm như kẻ mất hồn. Cầm chén cơm thì y như gương mặt giai nhân hiện lên trên đó. Tiếng đũa chạm chén, cậu ấm nghe sao mà giống tiếng cười khúc khích phát ra từ hiệu tạp hóa, tiếng cười đáng giận nhưng dễ yêu biết bao ?
Đầu hôm, hễ :
Giở sách ra, lụy sa ướt sách,
Quên câu chữ đầu  bài, vì nhớ em.

Giấc mộng hồ ly của pho truyện Liêu Trai mà cậu ấm nằm lòng, lẽo đẽo theo hoài cậu ta suốt đêm đó. “Người con gái ấy có phải là hồ ly không, và nếu phải đi nữa cũng chẳng sợ gì cả, ta lại thiết tha mong nàng là hồ ly, ta sẽ chết vì nàng cũng không ân hận”.
Ngày đến với ánh sáng ràng ràng; mộng nên thơ bao nhiêu cũng phải thấp lại, là là mặt đất.
Trên mặt đất, chỉ có trai thật và gái thật. Hễ yêu thì phải đi đến chỗ yêu nhau.

Kể từ ngày đó cậu ấm Hiếu sống giữa Hà – Nội mà chỉ biết có phố hàng Bồ, và đi trên phố hàng Bồ mà chỉ thấy có mỗi ngôi hàng tạp hóa ấy mà thôi.
Cậu ấm ghé hiệu mua hương, mua hương và mua hương mãi. Mỗi lần như thế là cô bé cắn chặt một cọng miến để ngậm cười người con trai mà cô đã thấu rõ nỗi lòng, mua hương mãi không biết để làm gì.
Cả một truyền thống Á Đông còn chảy trong huyết mạch cậu ấm Hiếu nên cậu ta không thể quan niệm một cuộc yêu đương ngoài hôn nhơn được.

Nhưng cái nghiệp đa-tình, dầu sao cũng phải nói một lời gì với người mơ ước, chỉ một lời thôi, chỉ một cái nhìn xa thôi cũng đủ như là một giai đoạn ái ân thầm lén, thú vị biết bao trước khi cậy mai dong đến dạm hỏi.
Cho nên một hôm vào hỏi mua hương, cậu ấm nghẹn ngào nuốt nước bọt đến mấy mươi lần mới hỏi được một câu rất vô duyên :

-    Nầy cô em, cô em nghĩ sao nếu tôi cậy mai đến hỏi cô em ?

Cô bé cắn đứt ngon lành cọng miến, lần nầy không phải cắn để ngậm cười, mà cắn vì hoảng hốt trước câu hỏi bất ngờ ấy.
Giây lâu cô đáp :

-    Cậu cứ vậy đi rồi hẵng hay !

Ồ thì ra đó là một lời xúi biểu, thì ra, từ lâu cô bé chắc cũng đã cảm tình với mình !
Cậu ấm lòng mở rộng thênh thang để đón cả cuộc đời như đang ùn chạy vào đó.

-    Cám ơn em nhé !

Cậu ấm nói thế cố ý quên tiếng cô, rồi vội vã ra về.
Nhưng về nhà, khi thưa với người anh thế phụ việc hôn nhơn đó, người anh suy nghĩ giây lâu rồi thở ra nói :

-    Nhà mình nghèo như thế, lấy đâu được song mã mà cưới !

Thật là trời long đất  lở. Cái khó chiếm là lòng người. Mà lòng người thì đã về tay cậu ấm chắc chắn rồi. Vậy mà một món khó hơn đây !
Cậu ấm rúc vào buồng, ngã vật lên giường, lòng nát ngướu như tương.
Thấy em bỏ ăn suốt hai ba hôm, ông anh kêu cậu lại, ôn tồn bảo :

-    Tiền đồ khoa cử có quan hệ với tình duyên. Chú cứ lo học đi, thi đỗ là việc gì cũng xong cả. Cứ theo lời chú thì cô ấy vốn cũng có cảm tình với chú, thì cố nhiên là cô ta đợi chú, đến mấy năm cũng chả nản lòng.

Không hiểu vận động thế nào mà ông anh đang tu thư ở Hà – Nội lại được bổ về làm giáo thụ ở phủ Vĩnh - Tường. Ý hẳn để cho người em trai xa cô hàng tạp hóa rồi quên cô ta chăng ?
Quên thì không bao giờ cậu ấm quên cả. Sở dĩ cậu vùi đầu học, chỉ để nên danh phận hầu “Võng anh đi trước, võng nàng theo sau” mà thôi.
Ngày chia tay cô bé không nói gì, chỉ cắn cọng miến, cắn để nuốt những tiếng nấc chực vang lên.
Không bao giờ cậu Hiếu quên được đôi mắt huyền long lanh lệ ứa đó cả.
Năm ngoái đây người ta đã đày đức Thành – Thái đi hải ngoại. Nỗi đau đớn của cậu ấm bấy giờ tuy to, nhưng ngẫm không bằng cuộc tự đày cậu lên phủ Vĩnh Tường bây giờ.
Thi hương năm Nhâm Tý [1][3]. Cậu ấm thi hỏng và sáu tháng sau về Hà – Nội.
Công việc đầu tiên của cậu là đến phố hàng Bồ. Phố bây giờ nhà cửa đông đúc hơn xưa, cuộc buôn bán cũng tấp nập thập bội.
Ngôi hàng tạp hóa vẫn y nguyên như cũ với những quả miến, những đống bấc, những bao chè. Nhưng sau mớ hàng tạp nhạp ấy là một bà cụ đầu đã nhuốm sương.
Hỏi ra mới hay là cô nàng tạp hóa năm xưa đã đi lấy chồng.

Trời ơi,
Đời đáng chán hay không đáng chán ?
Cất chén quỳnh riêng hỏi bạn tri âm.

Cậu ấm ngậm ngùi lủi thủi ra đi, lang thang trên các vỉa hè Hà – Nội, nghe như cả vũ trụ đều sụp đổ quanh mình.
Cậu giận cho thói đời đen bạc, phi công danh bất luận vợ chồng. Trong cơn căm tức, thốt ra mấy vần thơ khinh bạc mà trong đó người đàn bà bị mai mĩa nặng lời :

Thối om sọt phẩn nhiều cô gánh,
Tanh ngắt hơi đồng lắm cậu yêu.
Quần tía đùi non anh chiệc vỗ,
Rừng xuân cây quế chú mường leo.

Cậu ấm lùi về một cái ấp ở thôn quê rồi quyết định tịch cốc để từ trần.
Nhưng nhịn ăn mà không chết, lại sầu thêm, vì tinh thần suy quá, cậu ấm lại uống rượu thật say cốt “mượn tửu bôi giải phá thành sầu”.
Rượu thấm vào một cơ thể đang đói, gây nhiều phản động hóa học trong đó. Cậu ấm nghe thân mình nhẹ lâng lâng, không biết vui, không biết buồn, tai như thoáng nghe nhạc tiên giữa cảnh bồng lai.

Cậu đâm ra làm thơ, thơ đầy cốt cách thần tiên.
Cửa động,
Đầu non,
Đường lối cũ.
Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi

Một hôm có người bạn Hà – Nội lên chơi cho biết rằng cô bé hàng tạp hóa lấy chồng trước năm cậu hỏng thi.
Người khách ấy thêm :

-    Bác không nhớ ta đang sống vào thời buổi Tây – Tà. Cái gì cũng nhanh như cắt. Nếu ở cảnh tiên của bác một ngày dài bằng mười năm thì ở Hà – Nôi sáu năm cũng dài được như một thế kỷ. Vào thời xưa thơ mộng của bác, cô gái nào đợi đến một thế kỷ chăng ? Bác quên cái nhịp sống hiện tại rồi trách người ta tội nghiệp, chớ cô ấy quả thật yêu bác lắm đó. Cô đi lấy chồng như Chiêu - Quân bị đưa đi cống hồ.

Sự thật ấy bóp thắt lòng thi sĩ lại (vâng, bây giờ người ta đã gọi cậu là thi sĩ Tản Đà rồi đó).
Thi – sĩ biết buồn trở lại như bất kỳ kẻ phàm tục nào. Đó là một nỗi ngậm ngùi tê tái như nỗi nhớ nhà, nhớ cây da cũ, bến đò xưa, mà con đò đã đâu rồi, con đò nên thương vì nó cũng có công đợi khách cũ nhiều năm, xuất giá vì nhịp sống quay cu62ng của thời đại chớ không vì phụ kẻ hỏng thi.

Ôi,
Kiếp sau xin chớ làm người,
Làm đôi chim nhạn tung trời mà bay,
Tuyệt mù bể nước non mây,
Bụi hồng trông thẳm như ngày chưa xa.

¯

-    Anh nghĩ thế nào sau câu chuyện nầy ? Thầy bảy nhìn ngay vào mắt người học sinh ở trọ mà hỏi như vậy.
-    Tôi thấy cho dẫu thất vọng vì tình, cũng có lợi, như cậu ấm Hiếu được biến thành thi hào Tản – Đà, và bên kia trời Đức – quốc xa xôi, ngày xưa cậu Henri Heine được biến thành thi hào Henri Heine.
-    Anh lầm, chỉ có hai người ấy là thành thi hào, mà chắc đâu đã vì tình. Còn ra thì hàng vạn cậu học sinh khác hỏng cả cuộc đời, có cậu còn xằng bậy như cậu Tân-Trụ nữa là khác.
-    Vậy thầy bảo bạn trẻ chúng tôi phải khô khan không được yêu đương gì hết hay sao ?
-    Không, tới đây anh mới hiểu hai chữ “chơi chơi” của tôi. Các anh nên yêu chơi chơi vậy thôi, đùa nhè nhẹ với tình yêu mà không yêu say ngây như anh vậy. Anh chưa đủ điều kiện cưới vợ, anh yêu thiệt con Chi, tội nghiệp nó. Còn như yêu không được, có phải anh phá hoại tương lai của anh không ?

“Nhịp sống ngày nay còn quay cuồng bằng vạn cái thuở cậu ấm Hiếu thi hỏng. Trên đời nầy không có con Chi nào bền gan đợi cậu được cho đến ngày cậu thôi học, kiếm tiền được để nuôi thân và cưới vợ. À, con Chi nào cũng thề là đợi các anh được đó. Mà những con Chi ấy quả đã thành thật thề như vậy. Nhưng rồi chúng nó sẽ thấy một năm là lâu lắm mà sắc đẹp của chúng thì mong manh quá, dễ phai màu quá, nên chúng nó vội vàng lấy chồng. Cũng chánh đáng chớ ! Nhưng bọn các anh lại dại dột, không hiểu sự chánh đáng đó, rồi đâm ra làm thơ, mà làm thơ dở, chớ không phải hay như Tản – Đà, các anh làm thơ khóc trăng, khóc hoa, rồi hỏng thi, rồi lu bù, chuyện ba-lang-nhang khác, khổ lắm.
-    Nhưng yêu chơi chơi làm sao yêu được ?
-    Dễ lắm. Tối tối anh đi một vòng với tôi, yêu tất cả cô bé nào gặp anh, yêu một phút thôi, rồi quên ngay đi. Lát sau, anh về, học bài thì mau thuộc như vọng cổ vậy mà.
-    Tôi sẽ thí nghiệm. Nhưng …
-    Mặc con Chi. Nó không tự tử đâu mà anh lo. Rồi nó sẽ đi lấy chồng đó chớ.

 Bình Nguyên Lộc
Bông Lúa, 1957

(Tài liệu dựa theo GIẤC MỘNG LỚN thơ trích KHỐI TÌNH CON của TẢN-ĐÀ)

[1][1]         1907
(1][2]         Bún tàu
[1][3]         1912

 

 

No comments: