Tình Cha
“Viết riêng tặng ba, Cụ “Chí Thành“ Trần Văn
Kính với lòng tri ân vô vàn của con”
Có phải bất công lắm không khi hằng năm
vào dịp Vu Lan, trên thế gian này không biết bao nhiêu văn nhân, thi sĩ, nhạc
sĩ múa bút tán tụng tình Mẹ: Huyền thoại mẹ, Phật giáo tôn vinh giá trị những
bà mẹ, lạm bàn về mẹ, tản mạn về mẹ v.v… và v.v… bên cạnh đó, dường như mọi
người đã vô tình bỏ quên một thứ tình cũng nồng nàn không kém, đôi khi còn thắm
thiết hơn, đó là tình cha. Vâng, tôi có một người cha như thế.
Cho đến giây phút này, khi cầm bút viết
về cha, tình cảm trong tôi bỗng dạt dào sống dậy. Tôi nhớ về công lao dưỡng dục
sinh thành vô bờ bến của song thân. Giữa khi đã có nhiều người viết về mẹ, tôi
dành những trang giấy sau đây viết về cha tôi, để mọi người thấy rằng tình cha
cũng đậm đà, sâu nặng không kém.
Mãi khi tôi vừa lớn, có đủ trí khôn,
tôi luôn thắc mắc tìm hiểu nguồn cội, mới biết cha tôi từ Bắc vào Nam với hai
bàn tay trắng. Vì còn nghèo, ông đành để vợ và các con ở tạm miền Trung tại nhà
người dì, em họ của mẹ tôi; còn ông tha phương cầu thực, một mình lăn lộn khắp
miền Nam từ vĩ tuyến 17 đến mũi Cà Mau, trải biết bao gian lao khổ cực tìm kế
sinh nhai, nuôi thân, lo cho vợ con. Nhờ siêng năng cần cù chịu khó cùng ý chí
mãnh liệt và cũng nhờ Trời Phật đoái hoài, chẳng bao lâu, ba tôi trở thành một
thương gia giàu có, rồi quay về miền Trung chọn chỗ định cư.
Để đánh dấu thành quả của mình, cùng để
nhắn nhủ con cháu, ba tôi đã đặt tên cho cửa hiệu của ông “Chí Thành” (hàm ý có
chí sẽ thành công) như một định đề làm gương cho con cháu.
Từ đó, tôi được lớn lên trong kinh tế
gia đình vững vàng, sung túc. Tôi không hề biết thiếu thốn là gì nữa. Thế
nhưng, cuộc đời vô thường, không ai biết trước được số phận. Từ chỗ “không biết
thiếu thốn là gì”, đùng một cái, tôi bỗng nghèo xác xơ, nghèo đến nỗi quả bắp
luộc rẻ tiền đối với tôi trở thành hàng xa xỉ phẩm, cao lương mỹ vị, nhiều năm
trời, có muốn ăn, tôi chỉ được liếc thấy, ngửi qua mà không bao giờ rờ tới.
Có rơi vào cảnh nghèo túng, sa cơ lỡ
vận, mới dễ nhận chân lòng dạ con người “nước loạn mới biết tôi trung. Gia bần
mới tri hiếu tử”, thiên hạ hay nói thế và tôi dựa theo ý câu này để thấy rõ
tình của ba tôi.
Số là, tôi về làm dâu nhà cụ Phan, tôi
không ngờ nhà cụ nghèo thế. Ngày đầu tiên trong đời, cụ đưa tiền tôi đi chợ,
tôi mua 10 quả trứng gà, một bắp cải, vài trái cà chua. Mua một lúc cho vài ngày.
Mâm cơm cho 3 người độc món luộc. Chỉ một nồi nước sôi tôi cho ra ba món: Một
dĩa rau. Nước luộc giằm cà chua. 2 trứng luộc giằm nước mắm. Bữa cơm như thế
thật đơn sơ, tiện lợi, có gì cầu kỳ đâu, vậy mà bố chồng tôi đã kêu tôi lại
bảo:
– Lương nhà con ăn thế này… sang
quá! Không đủ trang trải đâu.
Tôi nghe, tôi hiểu và biết phải làm gì.
Sẵn học ban B, toán là chính, tôi áp dụng ngay vào đời sống, đem lương của
chồng tôi cộng trừ nhân chia, cuối cùng cho ra một đáp số: “Điểm tâm buổi sáng:
Cơm nguội, mỗi người một chén (thay vì một tô bún bò kèm ổ bánh mì khi tôi còn
ở nhà bố mẹ). Hai bữa ăn chính: Chủ lực rau: Rau muống, rau cải, rau lang, mồng
tơi, rau đay, đọt bí v.v… Còn những loại rau như: Bắp cải, súp-lơ, cà rốt, cà
chua, xu hào… thuộc hàng xa xỉ phẩm, không được ngó tới”. Chất đạm chỉ là những
con tép, cá lòng tong kho mặn; thỉnh thoảng được vài gram thịt cũng phải cõng
cả ký lô củ đậu vào đó. Còn “ chả lụa” theo “ rề sếp” bố chồng tôi dạy, không
làm từ thịt nạt thăn mà là từ những cục xương sống lưng, loại xương chỉ dùng để
nấu súp, cứng như đá, tôi lấy sức “18 bẻ gãy sừng trâu“ băm nhuyễn nhừ rồi viên
tròn bằng ngón chân cái đem kho mặn, ăn khá ngon. Bố chồng tôi bảo ăn xương mới
bổ xương!
Với tôi, nghèo không phải là cái tội.
Cũng không ngại gì đời khinh. Nghèo mà sạch, rách mà thơm vẫn hơn giàu sang
bằng tiền bất chính, mưu toan trộm cắp cướp đoạt tài sản của người khác. Nói
tóm lại phải là tiền từ mồ hôi nước mắt làm ra. Khi chưa có khả năng, cơ hội
thì cứ vui với cảnh nghèo. Chỉ vậy thôi. Tôi còn trẻ mà. Còn một quãng đời dài
đang chờ đợi ở phía trước. Chịu khó phấn đấu, hợp sức cùng chồng lo gì tương
lai không chào đón. Sự kham khổ bây giờ chỉ là giai đoạn “sông có khúc, người
có lúc” mà thôi, tôi không bao giờ về nhà than thở với bố mẹ. Và tôi chịu đựng
được nhờ ba tôi luyện từ khi anh chị em tôi còn bé. Không phải lúc nào ba tôi
cũng cho ăn cao lương mỹ vị dù ba tôi là người “có tâm hồn ăn uống”. Thỉnh
thoảng trong bữa cơm thường nhật, trên bàn ăn vỏn vẹn chỉ độc đĩa rau muống
luộc chấm tương, xì dầu hay nước mắm. Chị em tôi nhao nhao phản đối. Ba tôi
nói: “Cuộc đời không phải lúc nào cũng suông sẻ. Khi sung sướng phải biết lúc
khổ cực để vô thường đến, đủ sức lực, nghị lực chịu đựng”.
Lời ba tôi nói quả không sai. Sau này,
biến cố 75 làm chao đảo cuộc sống miền Nam, nhà chồng tôi vốn nghèo càng nghèo
hơn, tôi trường kỳ rau muống luộc suốt nhiều năm trời, tôi vẫn vững vàng sống
khỏe, sống dai và lành mạnh cho đến bây giờ.
Ở nhà chồng, ngày hai bữa “vỗ bụng rau
bình bịch”, tôi vẫn vui trong nếp sống thanh đạm “bần nhưng lạc”. Tôi không kêu
ca than van, nhưng thân thể tôi, độ chừng hơn nửa năm sau, từ 50 ký mập tròn,
tôi trở thành mình dây, liễu yếu đào tơ còn 43 ký thôi đã tố giác với cha mẹ
tôi, con ông bà thiếu dinh dưỡng. Từ đó, tôi được quan tâm đặc biệt. Nhưng
những bữa cơm được mời về nhà, hay những bát canh, con cá, miếng thịt tiếp tế
chỉ giữ ký lô tôi dừng lại không tụt xuống nữa, chứ không bù đắp phần thất
thoát trong tôi.
Vài năm sau, vì việc học của tôi và
công việc của chồng, chúng tôi đổi vô Sài Gòn. Mặc dù lương chồng tôi có tăng
theo thời giá, vẫn không thấm vào đâu so với vật giá quá đắt đỏ của thủ đô. Cho
nên, những phí tổn sách vở, học hành, tàu xe, tiêu vặt… tôi đành cầu cứu ba má
tôi. Không chỉ một khoản tiền lớn bỏ nhà băng lấy lời để lo cho tôi, tôi còn
quấy quả ba má tôi hãy “bưng” cái nhà theo tiêu chuẩn của từng người con “gởi”
vô Sài Gòn cho tôi. Ba má tôi, thay vì… bưng, tức là bán căn nhà đó rồi gởi
tiền cho tôi mua cái khác theo lời đề nghị của tôi, ông bà lại gởi một khoản
tiền khác để mua một căn nhà khác.
Căn nhà nhỏ với một khoản tiền đủ sống,
tôi ung dung từng bước vào đời. Phần chồng tôi, chàng cũng phấn đấu vươn lên,
vừa đi làm vừa lấy “cua” học thêm. Con đường trước mắt thênh thang mở rộng.
Chân trời phương xa, vừng hồng đang rực sáng như chào đón bước chân chúng tôi.
Tôi vô tư hồn nhiên yêu đời. Ngây thơ như cô công chúa nhỏ tung tăng vào rừng
hái hoa bắt bướm. Không hề nghĩ xung quanh có thú rừng rình rập, hay dưới chân
mình đầy cạm bẫy chông gai. Tôi ngu ngơ không hề nghĩ trận cuồng phong có thể
bất ngờ ập đến. Không, không nghĩ gì hết. Trước mắt tôi chỉ toàn là màu hồng,
màu xanh, đầy hy vọng…
Thế rồi ở cuối chân mây, bầu trời bất
ngờ đổi màu xám xịt. Mây đen vần vũ. Tôi vẫn chưa nhìn ra, cứ mải miết say sưa
với niềm vui hiện tại, không chuẩn bị một chỗ ẩn núp. Để rồi phải te tua tơi tả
bởi một trận cuồng phong. Trận bão của cuộc đời! Trận bão đó quét sạch mọi ước
mơ, bao hy vọng, niềm tin yêu trong cuộc sống của tôi. Lúc bấy giờ tôi mới nhận
chân ra cuộc đời tự nó vốn vô thường. Con đường trước mặt không luôn luôn bằng
phẳng. Đường càng dài thì càng nhiều hố thẳm chông gai. Bấy giờ tôi mới nhớ lời
ba tôi, thầm cám ơn ba đã luyện chị em tôi từ thuở bé. Có sung sướng phải biết
lúc khổ cực. Ngoài những lúc học hành, ba không hề cho chị em gái chúng tôi
ngồi không. Rảnh, chúng tôi phải ra vườn nhặt cỏ, tưới cây, phụ bếp hay thêu
thùa may vá. Nhờ vậy biến cố 75, giai đoạn đen tối khó khăn nhất cho bao người
miền Nam, làm đảo lộn mọi cuộc sống, dù ngất ngư, tôi vẫn gượng dậy giương to
mắt trực diện đối đầu với đời.
Số tiền trong băng vốn cũng như lời mất
sạch. Chồng đi tù không còn lương. Bố chồng tôi cả đời không kiếm một xu. Thành
phần “vợ ngụy” như tôi không còn cơ ngóc đầu lên nổi. Đã vậy, bà con họ hàng
con cháu bố chồng tôi ngoài Bắc lũ lượt vào thăm… Ôi, giữa lúc mọi tai ương đổ
ập lên đầu con bé con hơn 20 tuổi, giữa lúc tôi chới với ngộp thở của thác lũ
cuộc đời, tôi đang quờ quạng mò mẫm để tìm một lối thoát, thì bất ngờ ba tôi
xuất hiện như một cứu tinh lặn lội từ miền Trung vào Sài Gòn thăm con. Ba như
cái phao cho tôi chụp lấy. Nhưng nhìn tóc ba bạc phơ, mặt mày phờ phạc hốc hác
vì tàu xe vất vả, tôi lại chạnh lòng xót xa và trong tôi dâng lên tình yêu kính
cha tràn ngập biết nói sao cho hết.
Cha vào thăm tôi, mục đích thăm dò đời
sống của tôi vài ba hôm rồi đi. Trước khi ra về, ba gặp riêng tôi, trao cho tôi
một món tiền lớn, ân cần dặn:
– Bố chồng con cả đời không làm ra
tiền, nay cụ già rồi, cụ muốn ăn gì con cố gắng phụng dưỡng cụ tử tế. Còn đối
với người nghèo khó, con cứ giúp. Riêng con, đừng tiêu hoang là được.
Tôi hỏi:
– Con dùng tiền này thăm nuôi tiếp
tế chồng con có được không?
– Điều đó hiển nhiên, con không phải
hỏi.
Lời cha dặn, tôi tạc dạ ghi lòng, mặc
dù tự thân, tôi tiết kiệm tối đa, tôi không thuộc loại “thà một phút huy hoàng
rồi chợt tắt, còn hơn buồn le lói suốt năm canh”, tôi chấp nhận “le lói suốt
năm canh” để kéo dài khoản tiền tiêu khỏi làm phiền cha vất vả, thay vì “nhậu”
một bữa cho đã đời, tôi chỉ trường kỳ rau muống luộc. Sáng rau muống luộc,
chiều luộc rau muống. Riêng cụ bố chồng thì có thêm đĩa nhộng xào, vừa rẻ vừa
bổ và cụ cũng ưa thích. Tôi sợ sâu nên không dám ăn nhộng. Tiết kiệm đến vậy,
nhưng món tiền lớn ba cho vẫn không thấm vào đâu so với thời buổi gạo châu củi
quế, mà chi tiêu lại gấp 10 lần hơn so với cuộc sống trước 75. Nào việc thăm
nuôi, ăn tiêu cho hai bố con, và khoản chẳng đặng đừng cụ Phan hỏi để chu cấp
tàu xe, quà cáp, ăn uống cho bà con, họ hàng con cháu cụ từ Bắc vào thăm… Những
bữa thịt nai đường Hồng Thập Tự, những hôm thịt quay chợ Tân Định theo yêu cầu
của bố chồng tôi đãi khách, món tiền chóng vánh hết nhanh.
Mặc dù ba tôi có dặn, khi nào hết tiền,
nhớ thông báo ba tìm cách gởi tiếp. Nhưng xin để học, tôi không ngại miệng, vì
học tức là làm việc, còn xin để ăn, tôi quyết không mở lời. Một cách tinh ý và
tế nhị, ba tôi nhận ra điều đó. Không chuyển tiền qua bưu điện hay ngân hàng
được và cũng không tin cậy ai để chuyển được, ba tôi lại vài ba bận vào Sài Gòn
thăm tôi, để chỉ trao tận tay tôi một số tiền lớn, rồi về.
Tôi thương cha vất vả kiếm tiền, vất vả
tàu xe, không muốn phiền lụy cha nữa, tôi mon men ra chợ trời kiếm sống. Tôi
trải một tấm ny-lông ở vỉa hè trong con hẻm nhỏ chợ Bàn Cờ bán ly, tách, chén,
dĩa… Trước là bán đồ gia dụng của nhà rồi từ đó “nghề dạy nghề” tôi biết thu
mua để bán kiếm lời. Chỉ vài đồng kiếm được trong ngày cho tiền chợ cũng giúp
tôi vui, vì đó là đồng tiền mồ hôi nước mắt lần đầu tiên trong đời tôi kiếm
được. Thế nhưng, lại chữ “nhưng” trớ trêu, cuộc đời tưởng như tìm thấy một chút
ánh sáng dù chỉ là ánh sáng le lói cuối đường hầm, một lần nữa tắt ngúm bởi
trận cuồng phong ập tới…
Từng toán thanh niên băng đỏ được lệnh
tung ra làm sạch đường phố, càn quét hết tất cả những gian hàng lê lết vỉa hè.
Một cuộc rượt bắt trông thực ngoạn mục. Còn tôi, ly bát chén dĩa nặng nề cồng
kềnh thì chạy làm sao? Thế là, tôi bị hốt về phường cùng hàng hóa bị tịch thu
với tội danh bán chợ trời mặc dù rõ ràng tôi ngồi buôn dưới đất! Ôi, chợ trời
cũng là chợ đời, gặp thời buổi nhiễu nhương, tôi ngộp thở trong không khí lạ
hoắc đầy gian trá… Cuối cùng, một lần nữa, tôi mất hết cả vốn lẫn lời, chỉ
“thu” được một món “lợi” duy nhất nhớ đời là nhận chân rõ về cuộc sống.
Cụ Phan bắt đầu vay nợ để trang trải
những chi tiêu càng lúc càng tăng nhất là về quà cáp, tàu xe, ăn tiêu… cho con
cháu cụ.
Tôi buồn vì cô đơn, vì cuộc sống mịt
mù, không lối thoát. Để khuây khỏa, và cũng đã nhiều năm rồi, dễ chừng gần sáu
năm, từ khi rời miền Trung, tôi chưa một lần trở lại. Tôi xin phép cụ Phan về
thăm cha mẹ, gia đình…
Có đáp chuyến xe đò ọp ẹp, thời đó chỉ
có xe vậy thôi, với giá vé chợ đen cắt cổ, nếu không muốn tờ mờ sáng xếp hàng
mua vé chính thức (chưa chắc đã có), tôi bùi ngùi nhớ lại ngày nào mới chuyển
vào Sài Gòn tôi tha thướt trong chiếc áo dài tươi mát bước lên máy bay, mà giờ
đây trở về trong bộ dáng “bụi đời” bước xuống tận cùng của cuộc sống. Rồi xót
xa, tôi nghĩ đến ba tôi. Ba tôi cũng ngồi trên chỗ này đây với đầy mùi hôi nồng
nặc của người, của khói xăng lẫn với phân gà vịt… Cũng với con đường đầy ổ gà,
bụi bặm này đây, chiếc xe như muốn nứt tung bởi sức chứa quá tải của người với
hàng hóa. Ngồi co ro ngủ gà ngủ gật suốt đoạn đường dài một ngày một đêm, tôi
cảm thương cha tôi ở tuổi già xế bóng. Tôi chưa làm được gì để đáp đền công ơn
sinh thành dưỡng dục, còn quấy quả cha cả lúc tôi đã có gia đình. Vì tôi, cha
đã phải thay tôi “gánh vác cả giang sơn nhà chồng” mà đúng ra trách nhiệm là
của tôi như lời cha từng căn dặn trước cũng như sau ngày cưới của tôi: “Con gái
về nhà chồng, có bổn phận gánh vác giang sơn nhà chồng. Đừng khuân của
của người ta đem về cho bố mẹ, để họ chửi bố mẹ, tức là báo hiếu cho bố mẹ đó”.
Lời giáo huấn vẫn văng vẳng bên tai, tôi biết phải làm sao bây giờ khi trên vai
tôi không có cái đòn gánh?!
Về đến quê nhà sau bao năm xa cách, lòng
tôi như mở hội, như cánh hoa khô héo lâu ngày gặp cơn mưa mát. Tôi reo lên khi
gặp người thân. Tôi xiết tay cha. Ôm choàng lấy mẹ. Quấn quít với chị cùng em.
Bạn bè lối xóm thuở ấu thơ, nghe tôi về cũng chạy đến thăm. Chúng ríu rít nói
cười mời tôi về nhà bày biện nấu nướng. Có đứa giỏi “mánh mung” kiếm được tiền
mời tôi ăn tiệm nữa.
Nhưng rồi niềm vui hội ngộ cũng qua
mau. Cuộc sống trở lại bình thường. Tôi hay ở nhà quây quần với gia đình hơn là
theo bạn bè rủ rê ăn uống. Với lại tôi không có tiền. Ăn mãi của bạn cũng kỳ…
Thế rồi một ngày, tôi đang đứng ngó
mong ra ngoài, bâng khuâng nhìn vạt nắng lung linh ngoài khung cửa sổ. Những
tia nắng vàng óng ánh xuyên qua kẽ lá lấp lánh như những tia lăng tinh trông
thật đẹp mắt. Bầy chim sẻ từng cặp rượt đuổi nhau, tíu tít chuyền từ cành này
sang cành khác trên cây si trồng trước nhà rồi bay vút vào khoảng không gian vô
tận. Tôi ước gì tôi cũng là cánh chim để bay mãi, bay mãi về một phương trời
nào đó, tôi cũng không biết được để xa lánh cuộc đời hiện tại, nơi đó tôi được
tự do, tôi được sống đời tôi muốn sống. Có bước chân đi nhẹ đến bên tôi. Tôi
quay lại, thì ra ba tôi. Ba không nói gì, chỉ nắm tay tôi vạch 5 ngón tay tôi
xòe ra, rồi đặt vào đó một cọc tiền. Tôi ngạc nhiên hỏi:
– Tiền gì vậy, ba?
Tôi cứ ngỡ ba đưa tiền để sai tôi mua
vật dụng gì đó cho gia đình. Nhưng không, tôi trố mắt khi nghe ba nói:
– Ba cho con để đi chơi với chúng
bạn!
Nói xong, ba bỏ đi, để tôi ngơ ngẩn
nhìn theo, không kịp nói được lời nào, dù chỉ là hai chữ “cám ơn” ngắn ngủi.
Tôi nhìn lại cọc tiền, bất giác mủi
lòng, không muốn khóc mà nước mắt cứ từng giọt trào ra. Những giọt nước mắt ân
tình trong như pha lê nhẹ nhàng rơi xuống cọc tiền nhưng lại thấm sâu vào hồn
tôi, len vào từng ngõ ngách. Tôi nghẹn ngào cảm động vừa thương cha vừa thương
mình. Biết nói sao bây giờ, tôi chỉ biết in thật sâu vào tim óc hình ảnh, cử
chỉ đáng yêu của cha và nguyện một ngày nào đó có cơ hội tôi sẽ đáp đền tình
cha.
Tôi thăm gia đình, ở chơi một tháng rồi
trở về lại Sài Gòn. Trước ngày tôi lên đường, ba tôi hỏi:
– Trong đó con còn tiền không?
Đã hết sạch, còn nợ nần chồng chất,
nhưng lòng tự trọng cùng niềm yêu kính cha, không muốn cha lo lắng, tôi đáp:
– Dạ còn, ba ạ.
– Nếu còn, thì ba cho thêm chút ít.
Nói như thế, nhưng ba tôi vẫn cho
nhiều. Ít, nhiều rồi cũng thế thôi. Với thời gian và cuộc sống này vẫn chỉ là
những chuỗi ngày mờ mịt…
Về tới Sài Gòn, nhà vẫn luôn có khách.
Món tiền ba cho lại chóng vánh tiêu hao. Đồ đạc trong nhà cũng không còn gì để
bán. Cùng tất biến. Biến tất thông. Thông tất thái. Tôi nghĩ như vậy rồi nhen
nhúm trong đầu tôi hai chữ “vượt biên” mặc dù ba tôi luôn căn dặn “Cuộc sống có
thế nào, đã có ba. Con không được vượt biên. Nguy hiểm lắm”. Nhưng tôi đã cãi
lời cha, bằng mọi cách, một mình, tôi tìm đường ra đi với hai bàn tay …đen!
Đen, được tôi định nghĩa chẳng những trắng tay còn mang theo hai món nợ: Món nợ
ân tình của cha tôi, và món nợ bố chồng tôi vay chưa trả. May mắn cho tôi, tôi
vượt biên chỉ một lần là trót lọt.
Bây giờ thì tôi đang định cư tại Thụy
Sĩ. Một đất nước hiền hòa, êm đềm, “nhỏ mà ngon”, nhờ ơn Trời Phật tôi hưởng ké
phúc lộc của đất nước này. Chỉ hơi buồn vắng vẻ làm tôi hay nhớ quê hương nhất
là nhớ ân tình của ba tôi.
Ba tôi vậy đó. Rất hiền lành, nhân từ,
sâu sắc. Tình cảm trong ông không thể hiện bằng lời. Ông vốn ít nói, nhưng khi
nói rất thâm thúy, khiến tôi thường suy gẫm và coi như… danh ngôn: “Trong cuộc
sống của ba, ai đối xử với ba thế nào, ba biết. Ai lấy của của ba, ba cũng
biết. Nhưng ba không nói, ba chỉ cười thôi. Ba cười vì ba thấy ba có phúc. Mình
có phúc mới có của cho người ta lấy. Vô phúc mới đi lấy của của người ta. Vậy
các con chọn đi. Làm người bị mất của hay là người lấy của”. Câu
nói này làm tôi nhớ đến lời thuyết giảng của Thầy Thiện Huệ: “Thà làm người đẩy
xe, còn hơn ngồi xe lăn cho người ta đẩy”. Hoặc một lần, do tuổi tác cao, với
tư cách đại diện hội cao niên, ba tôi được nhà nước cộng sản mời tham dự cuộc
họp tham khảo ý kiến dân, ba phát biểu làm người nghe phải ngẩn tò te: “Tôi
nhận thấy nhà nước ta cái gì cũng giỏi, nói rất hay, hứa rất hay và làm gì cũng
rất hay. Chỉ có điều, tôi thật đáng tiếc, nhà nước lại DẤU dân. Tôi vào Nam, cả
đời vất vả mới tạo nên tài sản, còn nhà nước mới thoáng chốc mà ai cũng có nhà
cao cửa rộng, giàu có, thế sao không chỉ cho dân làm giàu với mà lại…dấu dân!”
Bây giờ ba tôi đã 96 tuổi. Da dẻ ba vẫn
hồng hào tươi nhuận. Thời gian dường như luôn giữ ba ở mức tuổi 80. Hằng năm,
tôi vẫn về thăm cha, lòng thật vui khi thấy cha khỏe mạnh vui cảnh điền viên
tẩn mẩn như một vị sư thư thái nhẹ nhàng cầm chổi quét sân chùa, quét những
chiếc lá khô túm vào một góc. Tẩn mẩn sửa lại hàng giậu của giàn mồng tơi, tỉa
những chậu cây cảnh, rải thóc gạo nuôi chim… Có hôm, buổi sáng tôi còn ngủ
nướng, ông đánh thức tôi dậy, bưng cho tôi một tô phở ăn liền có đầy đủ thịt
bò, rau, giá… do chính ông nấu. Có lần cách đây 2 năm, khi ba tôi 94 tuổi, cũng
buổi sáng khi tôi còn ngủ nướng, ông cũng đánh thức tôi dậy để sai tôi mua ít
gia vị cho ông làm món gà hầm. Chao ôi, tôi không ngờ, từng tuổi đó, ba tôi có
thể đun nước sôi, cắt tiết gà, lặt lông… rồi tẩn mẩn bày biện nấu món này món
kia để đãi con gái. Tôi vừa mừng vừa cảm động. Mừng vì thấy cha còn minh mẫn.
Cảm động vì tôi vẫn được cha cưng. Cha còn khoe với tôi tập hồi ký viết dở
dang, nét chữ ngoằn ngoèo xiêu vẹo kể về cuộc đời gian truân của ông với hai
bàn tay trắng lưu lạc từ Bắc vào Nam. Tôi cười, nói với cha: “Ba cố viết cho
xong đi, đưa bản thảo cho con, con sẽ gởi đăng ở báo Viên Giác. Tuổi già động
não cũng tốt. Vận động tay chân một chút cho thư giãn gân cốt cũng tốt. Nhưng
với con, nếu ba nghỉ ngơi đừng làm gì hết vẫn tốt hơn”.
Trong phố, ba tôi được tiếng hào sảng,
hay thương người, đóng góp rất nhiều trong công tác từ thiện. Ở tuổi 90, ông
còn về Bắc đích thân trông coi xây cất từ đường gia tộc, tậu nghĩa trang cho
dòng họ, tu bổ đình làng, miếu đền… Suốt đời của cha, ông luôn là người thích
gánh vác với tinh thần trách nhiệm cao.
Còn tôi, tôi luôn nhớ ơn cha. Khắc cốt
ghi tâm những tình cảm sâu đậm cha dành cho tôi. Và tôi cũng vui đã thực hiện
tất cả nguyện vọng trong đời của cha coi như đền đáp phần nào công ơn sinh
thành dưỡng dục và nhất là cha đã đến với tôi trong những tháng ngày tôi gian
khổ cùng cực nhất.
Mỗi lần về Việt Nam, trước khi trở lại
Thụy Sĩ, bắt chước cha ngày nào, tôi thường xiết tay cha, xòe 5 ngón tay cha ra
và trang trọng đặt vào đó một phong bì như ngày nào cha đã đặt vào tay tôi để
thấy niềm vui xôn xao ánh lên trong mắt cha không hẳn vì phong bì mà vì có một
người con hiểu và giống mình.
Trần Thị Nhật Hưng
Người chuyển bài - vhp Hạ Vũ
_
No comments:
Post a Comment