Linh Mục Sảng-Đình Nguyễn Văn Thích
(1891-1978) và Những Vần Thơ về Nước Non Xứ Huế
1. Một con người nhiều tài năng.
Linh mục Sảng Ðình Nguyễn Văn Thích sinh vào giờ sửu (13 giờ đến 15 giờ)
ngày 20 tháng 8 năm tân mão (1891) tại làng An Thái, phủ An Nhơn, tỉnh Bình
Ðịnh khi thân phụ ngài là cụ Phó bảng Nguyễn Văn Mại làm tri phủ tại Bình Ðịnh.
Mẹ ngài là bà Thân Thị Vỹ, con gái cụ Thân Trọng Ðôn, người làng An Lỗ, huyện
Phong Ðiền, Thừa Thiên, thuộc dòng dõi thế phiệt trâm anh tại Huế. Cụ Nguyễn
Văn Mại vốn gốc làng Niêm Phò (tục gọi làng Kẻ Lừ), tổng Phước Yên, huyện Quảng
Ðiền, Thừa Thiên, là một nhà khoa bảng đã có nhiều công lao trong chốn hoạn
trường thời nhà Nguyễn và nhất là đã góp công điều hành trường Quốc Học Huế
trong giai đọan sơ khởi của cơ sở giáo dục này.
Thuở nhỏ, linh mục học chữ Hán với thân phụ, lớn lên theo đòi Nho học nhưng vì
lận đận chốn trường ốc (hai lần rớt trường ba nên bỏ thi Hương) đành giã từ cái
học nhà nho để theo đòi Tân học. Thời thanh niên, linh mục theo học tại trường
Quốc Học và trường Pellerin của Dòng Sư Huynh Thiện Giáo tại Huế, tốt nghiệp
Trung Học và Sư Phạm, được bổ Trợ giáo Pháp Việt trường tỉnh Khánh Hòa trong
tháng 2 năm 1911. Ngày 29-6-1911, Sảng Ðình trở lại đạo Công giáo, chịu phép
rửa tội tại nhà thờ Bình Cang (Nha Trang) mặc dù cụ thân sinh của ngài là
Nguyễn Văn Mại phản đối với những biện pháp quyết liệt. Sau đó Sảng Ðình xin đi
tu tại Tiểu Chủng viện An Ninh và được phong chức thánh linh mục ngày
18-12-1926.
Với sở trường là nghề dạy học nên linh mục Nguyễn Văn Thích được giáo quyền cử
làm giáo sư tại các trường Công giáo ở Huế như Trường Dòng Thánh Tâm, Trường
Providence (Thiên Hựu) và năm 1937 làm giáo sư Tiểu chủng viện An Ninh, Quảng
Trị. Năm 1942, ngài được điều về làm Tuyên Úy trường Pellerin (Bình Linh), rồi
Tổng Úuyên Úy Hướng Ðạo Toàn quốc.
Năm 1946, cha Thích làm chánh xứ Xuân Long (Huế). Ngài được giáo quyền ủy thác
chuyên trách về giáo dục thiếu nhi, lập dòng "Ả Vườn Trẻ" mà lý
thuyết được ngài trình bày trong sách L'éducation Des Sens. Linh
mục thiết lập Vườn Trẻ Hương Linh ở phía tay mặt trường Bình Linh. Từ năm 1959,
linh mục Nguyễn Văn Thích dạy chữ Hán ở Viện Hán Học Huế, Trường Ðại Học Văn
Khoa Huế. Năm 1970, ngài về hưu trí nhưng vẫn tiếp tục dạy học tại Viện Ðại Học
Huế và Sài Gòn. Ngày 10 tháng 12 năm 1978, linh mục Nguyễn Văn Thích qua đời và
được an táng trên núi Thiên Thai.
Thuở sinh thời, linh mục Nguyễn Văn Thích sáng lập và làm chủ bút báo VÌ CHÚA
là tuần báo tam ngữ Việt-Hán-Pháp số đầu ra ngày 18-9-1936, đăng đủ mọi bài các
thể loại. Nhân dịp đệ nhất chu niên báo này, cụ Phan Bội Châu có một bài thơ
bằng chữ Hán "Thơ mầng Báo Vì Chúa chu niên " như sau:
"Lô
dã văn chương hà chúa đào
Nguyện tương chân lý chú đồng bào
Cổ kim đại đạo Thiên trường tại
Âu Á tân trào nhạc bất dao
Xích tử mãn hoài phương đãi bộ
Hôn hình bỉnh chúc cảm từ lao
Kim chu hựu hựu lai chu đáo
Xứ xứ chiên đàn mộc thánh cao."
SÀO NAM
"Văn chương lò bệ sẵn khuôn trời
Chân lý đưa ra đúc thây người.
Ðạo ố xưa nay Trời mãi mãi
Sóng đầu Âu Á núi hoài hoài.
Bé con trước bụng đương chờ mớm
Ðuốc lớn đường khuya phải cố soi.
Ðầy tuổi còn còn đầy tuổi nữa
Bầy chiên khắp xứ tắm ơn ngài."
(Báo VÌ CHÚA số 52, ngày 8.10.1937)
Một bài "Mừng Xuân Báo Vì Chúa" của cụ Phan Bội Châu như sau:
Lòng
ta vì Chúa, Chúa vì ta,
Rước thánh thần về, đuổi quỷ ma!
Ðường lối quang minh lên tột đỉnh,
Ai rằng thiên quốc ở đâu xa!
Phan Bội Châu
(Báo Vì Chúa số 21 ngày 19 Février 1937 - Xuân Ðinh Sửu)
Tuần
báo VÌ CHÚA được phát hành khá sâu rộng nhất là tại các tỉnh miền Trung và đã
sống đến năm 1945 thì tự đình bản. Nhờ cơ quan ngôn luận này, các hoạt động tôn
giáo, văn hóa được triển khai và nảy nở tốt đẹp.
Khi viết báo, linh mục Nguyễn Văn Thích thường ký tên J.M.T hoặc J. M. Thích
hoặc Kẻ Lừ trên các bài luận văn, tạp thuyết. Trong khoảng năm 1945-1946, tạp
chí Tổ Quốc xuất bản ở Huế cũng được cha Nguyễn Văn Thích cộng
tác thường xuyên. Một số các tạp chí khác như nguyệt san Vinh-Sơn do
linh mục Nguyễn Văn Lập (1911-2001) chủ trương từ năm 1949-1958 tại Huế và
nguyệt san Nguồn Sống, khoảng năm 1958-61 của giáo phận Huế cũng
được linh mục Sảng Ðình cộng tác rất nhiệt thành. Ngoài ra ngài cũng thường
xuyên viết bài cho Cổ học quý san vốn là cơ quan ngôn luận của
hội Cổ học được thành lập tại Huế.
Hậu ngô chi sanh giáng thế cánh thành ngô thánh lữ,
Bảo ngã dĩ đức tuẫn thân hoàn tác ngã thần lương.
Dịch
nghĩa là:
Vì
rộng lòng thương chúng tôi Người đã sinh xuống thế mà trở nên bạn thánh đồng
hành với chúng tôi.
Ðể nuôi sống chúng tôi Người đã hiến thân hy sinh mà làm nên lương thực (thần
lương) cho chúng tôi.
Câu
đối tặng nhà thờ Tam Kỳ như sau:
Thế
giới đại đồng Thiên tác chủ
Tam kỳ hợp nhất Ðạo vi quy.
Dịch
nghĩa là:
Thế
giới này có đại đồng thì (do) Trời làm chủ,
Tam kỳ có hợp nhất thì (phải lấy) Ðạo làm quy củ, phép tắc.
Trong lãnh vực thư pháp, nhiều người nhắc nhở đến nét bút rồng bay phượng múa
của linh mục Nguyễn Văn Thích và cho rằng nét bút của ngài không thua kém thủ
pháp của tay đại danh bút Trung Hoa Vương Hy Chi đời nhà Tống. Một bài viết
đăng trên báo Xuân Tuổi Trẻ cách đây mấy năm đã có nhắc đến một bức tranh thư
pháp viết chữ Mẫu của linh mục tặng một gia đình hiện còn lưu
giữ ở Pháp.
Thêm một tài năng nữa của linh mục Nguyễn Văn Thích là âm nhạc. Linh mục có thể
sử dụng được các nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, đàn bầu, sáo trúc, thông hiểu
các thể loại dân ca miền Trung, đặc biệt là của Huế như các điệu đăng đàn cung,
lưu thủy, hành vân, tứ đại cảnh. Linh mục cũng chơi thạo các nhạc cụ tây phương
như đàn violon, dương cầm, harmonium. Một số bài hát mang tính tôn giáo như bài
"Magnificat" ca tụng Ðức Mẹ được cha dịch và phổ nhạc, các bài
"Trời cao đất thấp gặp nhau", "Bao giờ tôi được lên
trời", "Mười lăm cái mến" , bài hát "Lạy Ðức
Mẹ La Vang" được nhiều người biết đến. Có những bài hát của linh mục
Nguyễn Văn Thích mang tính giáo dục cao như bài "Cái nhà là nhà của ta"
đã được đài BBC giới thiệu đến trong chuyên mục "Lịch sử âm nhạc Việt
nam qua các thời đại" năm 1982.
2.Hình ảnh xứ Huế qua thi ca của linh mục
Sảng Ðình Nguyễn Văn Thích.
Linh mục Nguyễn Văn Thích là người
của tổ chức Hướng Ðạo Việt Nam, từng làm Tổng Tuyên Úy cho Hướng Ðạo Sinh Toàn
Quốc với biệt danh trong ngành này là Bồ Câu Dũng Cảm cho
nên tư chất và tính tình của ngài rất thích thoáng với những chốn danh lam
thắng cảnh, những địa danh đầy dấu ấn lịch sử. Phong trào Hướng đạo Việt Nam
được tổ chức tại Bắc Kỳ năm 1930 và sau đó phát triển ở miền Trung khoảng năm
1937. Năm 1941, linh mục Nguyễn Văn Thích sinh hoạt với một Tráng đoàn tại Huế.
Năm 1956, linh mục sáng tác bài bát Nguồn Thật tại trại hướng
đạo Tùng Nguyên. Bài Hướng Ðạo Ca với những lời sau đây do cha
Thích sáng tác:
Hướng
đạo nào phải không lo chi đời
Ðời ta có mục đích
Là ta lo việc ích
Noi nghĩa ở Nhơn
Mà chẳng trông ơn
Ðời ta có mục đích
Hướng đạo nào phải không lo chi đời.
Ðời sống hướng đạo gần gũi với thiên
nhiên, với ngoại cảnh nên thường nâng tâm hồn con người lên. Sau đây xin theo
dõi một số bài thơ của linh mục Sảng Ðình Nguyễn Văn Thích viết về nước non xứ
Huế.
Khói
tan, mòi lặng bóng trăng trong
Tịch mịch đêm thu ngọn nước ròng.
Thấp thoáng thuyền ai chèo trước gió,
Dặt dìu tiếng hát dội ngang sông.
Tần hoài một khúc sương mờ mịt.
Thương hải năm canh nguyệt não nồng.
Cảnh ấy tình nầy thêm vấn vít,
Mối sầu vạn cổ gỡ sao xong?
Phú Xuân chủng viện 1922.
Sông Hương đối với mỗi một nhà thơ đều có những nguồn cảm hứng khác nhau. Một
Thúc Tề của xứ Huế với những câu như : "Một đêm mờ lạnh ánh gương phai,
Suốt dải sông Hương nước thở dài..." cảm thông với niềm tâm sự
non nước thì linh mục Nguyễn Văn Thích lại nhìn thấy tất cả vẻ nguyên trinh của
bóng trăng dọi xuống trên sông Hương khi khói đã tan, mòi đã lặng chỉ còn tiếng
ngọn nước rút xuống giữa vẻ tịch mịch của đêm khuya. Nhà thơ đã nhìn thấy một
chiếc thuyền của ai thấp thoáng trước gió, thuyền của khách thừa lương tìm ngọn
gió mát mùa thu hay thuyền của một nhà ẩn sĩ đang nặng lòng vì tâm sự non nước đêm
khuya không ngủ được? Nhà thơ nghe có tiếng hát dặt dìu và tự hỏi tiếng hát nào
đây? Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia (đêm trăng đậu thuyền ở bến Tần hoài
gần quán rượu), câu thơ cổ của Ðỗ Mục đời Ðường phải chăng vẫn còn là
một nỗi ám ảnh đối với nhà thơ linh mục khi mà người thương nữ ở bến Tần Hoài
vẫn còn hát bài hát Hậu Ðình Hoa không còn biết đến mối hận mất nước. Mượn cảnh
xưa, tứ thơ xưa để nói cảnh tượng thời nay khi mà đất nước vẫn còn trong vòng
ngoại thuộc. Cái mối sầu vạn cổ của linh mục Nguyễn Văn Thích phải chăng là mối
hận nước non? Thương hải năm canh nguyệt não nồng, câu thơ
nhắc đến tình huống thương hải biến vi tang điền (biển xanh
hóa thành ruộng dâu) nói về cuộc đổi thay của đất nước hay cũng của chính lòng
người?
Với bài thơ Ðêm trăng đi thuyền trên sông Hương, linh mục
Nguyễn Văn Thích đã có những câu tuyệt đẹp như sau:
Nguồn
Hương quanh quẩn mãi lần theo,
Ðủng đỉnh thuyền con nhẹ mái chèo.
Gành đá ngàn tầm trăng vặc vặc,
Rừng thông mấy dặm gió reo reo.
Một vùng lăng tẩm còn trơ đó,
Muôn thuở anh hùng hãy vắng teo.
Ðêm lạnh hải hồ khoan một tiếng
Non xanh xanh ngắt, nước trong veo.
Bối
cảnh nằm trong bài thơ này của nhà thơ Sảng Ðình là cảnh thượng nguồn sông
Hương, nơi mà những ghềnh đá, rừng thông, lăng tẩm là những dấu ấn của tĩnh vật
tạo nên không khí tĩnh lặng của dòng sông. Trăng ở đây sáng, rất sáng lung linh
như thủy tinh và gió reo qua đồi thông vi vu bất tận. Nhà thơ đủng đỉnh một
chiếc thuyền con tìm về nơi thanh vắng, nương nhẹ mái chèo như sợ làm tan vỡ
bóng trăng. Gành đá là hình ảnh tĩnh, rừng thông lại
là hình ảnh động, tĩnh và động giao lưu với nhau như gió vờn trăng. Chung quanh
núi đồi vùng thượng nguồn sông Hương là nơi yên nghỉ của các bậc hoàng đế triều
Nguyễn như Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị... trong một số lăng tẩm đã trở nên
chốn danh lam thắng cảnh. Linh mục Nguyễn Văn Thích đã dùng hình ảnh quá khứ để
đặt câu hỏi với hiện tại:
Một
vùng lăng tẩm còn trơ đó
Muôn thuở anh hùng hãy vắng teo.
Với
nhà thơ, lăng tẩm tuy tượng trưng cho
quá khứ nhưng cũng là tượng trưng cho khí phách của non sông từng vào sinh ra
tử, thống nhất sơn hà, mở rộng đế chế. Nhà thơ kín đáo đặt câu hỏi về vấn đề
anh hùng của đất nước, xưa có mà sao nay lại "vắng teo"? Hỏi mà không
có ai trả lời, núi vẫn xanh như lạnh lùng không lên tiếng và nước trong veo vẫn
cứ trầm mặc trôi đi.
Nếu hai bài thơ viết về sông Hương ở trên của linh mục Nguyễn Văn Thích mang
nỗi niềm tâm sự nước non, thì bài thơ Thi vị sông Hương sau
đây lại là yếu tố nâng tâm hồn nhà thơ lên cao, hướng đến một cứu cánh tuyệt
đỉnh khác.
Sông
Hương có dòng nước lục,
Trong vẻo trong veo mà không bao giờ đục.
Ðây, ta thả thuyền chơi,
Ta lội, ta bơi,
Ta rửa sạch mọi niềm trần tục.
Sông Hương có bóng mát trăng thanh,
Yếng bạc bủa rải trên lườn sóng long lanh,
Soi tấm lòng ta vằng vặc,
Ðối với tạo vật
Biết bao nhiêu là cảm tình.
Sông Hương có luồng gió mát,
Phưởng phất dịu dàng như tay ai khéo quạt,
Nó thổi sạch mây mù,
Thổi sạch u sầu,
Kìa tiếng thông reo, tiếng chài hát.
Trong bài giới thiệu Sảng Ðình Thi Tập , giáo sư Võ Long Tê
cho rằng "bài thứ ba này là tiếng nói của đạo tâm. Bài này có lẽ sáng
tác vào thời "thơ mới" thịnh hành ở nước ta. Về thi pháp, Sảng Ðình
cũng thử đổi mới bằng cách dựa vào từ khúc, với những câu thơ tùy nghi ngắn
dài, có hiệp vận và tham bác ít nhiều lối đoản chương (verset) mà Paul Claudel
(1868-1955) chủ trương để đổi mới thi ca Pháp. Về nội dung, Sảng Ðình khai dụng
các ảnh tượng trăng thanh gió mát như trong "Tiền xích bích phú" của
thi hào Tô Ðông Pha chẳng hạn:
Duy giang thượng chi thanh phong,
Dữ sơn gian chi minh nguyệt.
Tác giả minh họa chủ trương "trí giả nhạo thuủy", đồng thời trong
cương vị linh mục, tác giả chứng tỏ đã tâm đắc với các biểu tượng mà nhà thơ
Công giáo lừng danh Paul Claudel đã trình bày trong bài trường thiên
"L'esprit et L'Eau" khi nói về tác động của Thiên Chúa bằng thần trí
và nước thánh." (Sảng Ðình Thi Tập, trang 33).
Từ "dòng nước lục" đến "bóng mát trăng thanh"
qua "luồng gió mát" sông Hương đã cho tác giả phương tiện để
rửa sạch mọi niềm trần tục, nâng tâm hồn tác giả lên cao tiếp cận với biết bao
tạo vật và qua đó cảm thông được trong niềm tạ ơn vì công trình tạo lập của
Chúa tể càn khôn. Chính luồng gió mát của sông Hương đã làm khuây nổi u
sầu của dân gian, thổi sạch mây mù tức là xua tan những ưu tư, lo lắng trong
cuộc sống đời thường để ta nghe được tiếng thông reo, tiếng chài hát tức là
những vọng âm từ đáy sâu tâm hồn của chính con người chúng ta. Dưới con mắt nhà
thơ, sông Hương đã có những biến đổi để trở nên các chất xúc tác dẫn đưa tâm
hồn con người đến những bến bờ siêu thoát, vượt ra ngoài những hệ lụy thường
tình.
Với
hồ Tịnh Tâm ở Huế, linh mục Nguyễn Văn Thích có bài Cảnh hồ
Tịnh-tâm như sau:
I
Vào
khỏi cửa Xuân quang
Nầy hồ nước chứa chan.
Hai bên hai đảo nhỏ,
Nằm giữa một đê ngang.
II
Hồ
xưa làn nước cũ
Ðầy nơi lá sen rũ,
Ở giữa chốn phồn hoa,
Chơi chốn nầy thật thú.
III
Tường kín chạy chung quanh,
Tre cao đắp lũy xanh,
Lâu đài đều ngược bóng,
Lòng nước thấy long lanh.
IV
Bước qua cầu Lục-liễu,
Mối tơ dường bắt bíu;
Dừng bước ngắm phong quang,
Một bầu trong veo vẻo.
V
Trông qua điện Bồng Dinh,
Ðá trắng với rêu xanh,
Ngoài hiên dòng nước đứng,
Dâu bể biết bao tình?
VI
Dưới bóng cây mát mẻ,
Ngồi đây ta nghỉ khỏe,
Lặng lẽ bức hồ gương,
Lòng ta cùng lặng lẽ.
VII
Lợi dục đứng ngoài vòng,
Xôn xao không vẫn không.
Muôn loài đều tự đắc
Lặng thấy máy Thiên công.
VIII
Kìa bóng chiều đã ngã,
Mặt hồ làn khói tỏa.
Lòng khách cũng vơi vơi,
Ra về tình khôn tả.
Nói đến hồ Tịnh Tâm ở Huế là phải nhắc đến hoa sen, mà hoa sen là tượng trưng
cho người quân tử (Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn). Hồ Tịnh Tâm như
tên gọi của nó là chốn làm cho tâm hồn trở nên yên tĩnh, trở lại vẻ thuần phác,
uyên nguyên của nó (nhân chi sơ tính bản thiện) cho nên đây cũng là
nơi vua Thành Thái có thời sống để "tịnh tâm"... Những hình ảnh chung
của hồ như gương nước, bàu sen, cầu Lục-liễu, điện Bồng-Dinh, hàng cây phủ bóng
đã cho linh mục Sảng Ðình các chất liệu để tạo nên chốn này một phong thái u
nhàn tĩnh mịch, cách biệt với chốn phồn hoa xe ngựa ở bên ngoài. Ngoài ra linh
mục Nguyễn Văn Thích cũng sáng tác một bài hát về hồ Tịnh Tâm với những câu
như: "Ðến mùa sen nở Tâm (Tịnh) Tâm... A Tâm (Tịnh) Tâm, Thì ta cùng
nhau đến đó (o i ai...) Mà xem mà xem cảnh này. Ù xang ù xang ù liu cọng xứ
xang. Mà xem mà xem cảnh này..."
Với núi Bạch Mã vốn là nơi nghỉ mát trước đây của người Pháp và cũng là địa
điểm cắm trại của các đoàn hướng đạo Việt Nam, linh mục Sảng-Ðình cũng có những
bài thơ cảm hứng qua những lần đóng trại ở đây cùng với những người được coi
như tiên khởi của ngành hướng đạo Việt Nam như Trần Ðiền, Tạ Quang Bửu, Hoàng
Ðạo Thúy v.v... Có lần linh mục Nguyễn Văn Thích trèo núi Bạch Mã với Tạ Quang
Bửu, khi đến đỉnh núi linh mục chỉ vào ông Bửu và nhắc lại câu trong sách Trung
dung: "Chí bửu tại cao thâm" (nghĩa là vật rất quý
thì ở tại chỗ cao nhất và chỗ sâu nhất).
Bài thơ Thác lớn Bạch-mã như sau nói lên nội tâm của tác giả
trước cảnh bao la của tạo vật và sự hiện hữu của bàn tay hóa công qua tiếng
suối reo, sắc núi xanh tác động vào tâm tư của mình:
I
Nước có tiếng rong ranh
Non có màu xanh xanh,
Có màu có tiếng mà tình vẫn không.
Riêng ai một mối tình chung,
Nhìn làn mây nổi nghe dòng suối reo.
II
Tiếng nước trong mà sắc núi xinh
Sắc non tiếng nước thảy vô tình
Tình chung duy có riêng ta được
Ngồi ngắm khe đàn, ngắm khói xanh.
III
Sắc non tiếng nước vẫn trong veo
Mà chữ chung tình thảy vắng teo
Chỉ có riêng ai tình một mối
Ngồi trông mây nổi ngắm khe reo.
Trong
một bài thơ khác cũng viết về núi Bạch mã có tên Bạch mã ngâm, linh
mục Sảng Ðình có những câu:
Núi
cứ cao trời lại rộng thêm
Ðường non mây phủ cảnh êm đềm.
Bước lên, bước lên, bước lên mãi,
Chân cứng thì sao đá cũng mềm.
Bước
chân này không chỉ là động tác của thể lý mà chính là sự vươn lên của tâm hồn
bởi vì người nhân theo quan niệm sống của Ðông phương thường vui với núi (nhân
giả nhạo sơn) vì núi cao nâng cả thể xác lẫn tâm hồn con người lên đạt tới
khoảng trời xanh, xa cách mùi tục lụy cõi trần. Bởi vậy các cảnh chùa, tu viện
thường xây cất trên núi cao, ở vào chỗ khuất tịch thường giúp cho con người
sống tốt lành, thánh thiện hơn.
Ba
trăm thước nước chảy ào ào
Xối xuống như cây lụa trắng phao
Ðứng trước oai linh cảnh Tạo-vật,
Than ôi! người cũng cứ làm cao.
Cái
điểm yếu của con người là sự kiêu ngạo vì ý thức muốn khống chế tha nhân và tạo
vật. Con người thách thức vũ trụ và tiện thể thách thức cả Thượng Ðế. Bởi vậy
cần phải có những va chạm giữa con người với sức mạnh thiên nhiên, với cái hùng
vĩ bao la của vũ trụ để con người có dịp nhìn lại thân phận bé bỏng của mình mà
biết suy phục quyền năng của Tạo hóa.
Ta
ưa cảnh thú chốn rừng sâu
Ðây tiếng thiêng liêng, tiếng nhiệm mầu
Lẳng lặng mà nghe lòng mới hiểu:
Ở đây vui vẻ có sầu đâu.
Có
lẽ tiếng thiêng liêng, tiếng nhiệm mầu mà linh mục Sảng Ðình Nguyễn Văn Thích muốn
nói ở đây là tiếng nói của im lặng (la voix du silence) vì nhiều khi chính im
lặng là nói rất nhiều. Quả thật, tiếng nhiệm mầu, tiếng thiêng liêng không thể
nghe bằng tai mà phải cảm nghiệm bằng cái tâm đã được chuẩn bị, được sửa soạn
từ trước. Người nghe bằng cái tâm chính là người đã vượt được rào cản của không
gian và có thể thấu đạt được điểm tới của tri thức bằng khả năng
"ngộ" của mình.
Một bài viết cách đây mấy năm, gọi linh mục Sảng Ðình Nguyễn Văn Thích là
"hiền nhân của thời đại". Có lẽ danh xưng này cũng không có gì quá
đáng đối với cuộc đời đạo đức, thánh thiện của nhà chân tu này. Nước non xứ Huế
theo cách nhìn của linh mục đã có những sắc thái thanh cao hơn, trong sáng hơn
dẫn dắc con người đạt đến các cùng đích chân, thiện, mỹ mà chỉ có những ai
nghiền ngẫm, suy niệm về các tác phẩm thi ca của linh mục mới thấy được các ý
niệm sâu thẳm bên trong các dòng chữ chơn chất của một nhân vật đa tài và rất
mẫu mực này.
Nguyễn Ðức Cung
No comments:
Post a Comment