Hồn Thư
Chuyện
để tặng Huỳnh ĐT, Phan Thiết và nhóm bạn cùng học QGSPSG
Bố
cục bối cảnh, nhân vật, tình tiết được sắp xếp và viết bằng tưởng tượng, những
trùng hợp vô tình, nếu có, là việc ngoài ý muốn của tác giả, xin miễn thứ.
Buổi sáng, trên
đường trở lại nhà, sau khi dắt con Benji đi bộ
vòng quanh bờ sông, cuối dốc đồi Edgewater như mọi ngày từ sớm, sương phủ mù mờ
dù trời chưa vào thu, vẫn còn chút nóng hạ đâu đó, mưa bất chợt đổ như trút nước,
may vừa kịp tới trạm xe buýt về East Keilor, đầu đường Rosemond, Thuận kéo con
chó chạy vội vào, bên kia đường Trí vụt băng nhanh qua, không chờ đèn xanh báo
hiệu, giờ này phố xá còn vắng người xe, mưa tiếp tục nặng hột, xối xả rớt trên
mặt đường, Trí nhận ra, gật đầu “chào chú”,
con chó vẫy đuôi vì biết là người quen, Trí kéo cái túi xách vải bố cũ mèm lên vai,
cao một chút, ngồi xuống vuốt đầu, con chó mừng quấn quýt, Thuận nhìn Trí cười “bữa nay về trễ hả con”, Trí gật đầu “dạ, con ở lại làm thêm một giờ, chú ơi”,
chuyến xe buýt đầu ngày, đưa khách ra trạm xe lửa Tottenham chầm chậm chạy
ngang qua, nhạt nhòa trong màn sương, lưa thưa hai ba người khách. Ở cuối
đường, chút nắng sáng hé lên phía bờ bên kia sông, mưa bớt dần rồi lất phất
nhẹ, trời đứng gió, một lần nữa, cúi xuống xoa đầu con chó, đứng dậy, quàng túi
xách lên vai, sửa lại cái áo khoát, Trí chào Thuận “bớt mưa, thôi con về nghe chú” rồi hối hả lầm lũi bỏ đi, Thuận dắt
con Benji bước ra khỏi trạm xe, đứng nhìn theo tới cuối đường, nắng rựng trải
dài xuống cuối dốc, Trí đi khuất từ lâu.
Thuận biết Trí từ hơn một năm nay, thằng
nhỏ chừng mười sáu mười bảy, nhưng chưa lần nào nói chuyện nhiều, vài câu chào
thông thường rồi bỏ đi, sáng sớm, xuân hạ thu đông, mưa mù nắng nhạt, ngày nào
cũng vậy trừ Chủ Nhật, dắt con Benji về lại nhà, sau khi đi hết một vòng, tới
ngang công viên nhỏ, tắt qua khu phố chính, đến trạm xe buýt, đúng lúc chuyến
xe đầu tiên trong ngày ngang qua, giờ đó ít khi
có người chờ, thì cũng là lúc Trí đi bộ, từ hướng trên miệt West
Footscray lên, với cái túi xách cũ trên vai, mặt mài trông có phần mệt và bơ
phờ đôi chút, nhưng luôn luôn không quên hai tiếng cười “chào chú”, cúi người xoa đầu con chó rồi lẳng lặng đi tiếp, nhiều
lần Thuận định muốn hỏi Trí thêm đôi ba câu, nhưng thấy anh ta có vẻ vội vã,
nên thôi, cứ như vậy, ngày qua ngày lại, cũng cái vẫy tay, cũng hai tiếng chào
và nụ cười mệt mỏi rồi thôi, không có gì khác.
Cuối thu, trời ngấp nghé chở gió sang mùa,
sáng thứ bảy, thường lệ như mọi ngày, cũng với con Benji, đứng lòng vòng tại
trạm, chuyến xe buýt đầu từ East Keilor lên, đến rồi bỏ đi, không thấy Trí về
ngang như trước, không hiểu sao, tự dưng cảm thấy thiếu thiếu một cái gì đó,
Thuận nấn ná nhìn phía trên đầu đường Rosemond chờ thêm, xe và người bắt đầu
càng đông hơn, đèn điện quanh rào bải đậu trước cổng chính vào khu thương mại
High Point đã tắt từ nãy giờ, trời vẫn còn lạnh nhưng có chút nắng âm ấm, chờ
cũng tạm lâu, Thuận sửa lại vòng đeo trên cổ con Benji, vừa định bỏ đi, bên kia
đường, có tiếng gọi “chú Thuận” nghe
rõ mồn một vọng qua, sau lưng chiếc xe buýt bỏ trạm ngừng, chạy vụt đi, Thuận
đứng khựng lại, cũng cái túi xách quen thuộc, Trí đưa tay vẫy, băng qua, kịp lúc đèn báo hiệu vừa đổi màu đỏ,
đứng bên nhau, nói một hơi, Trí cho biết, “phải
ở lại chờ người trưởng ca đêm, làm giấy tờ cho con đổi lên ca ngày tuần tới, đở
quá chú ơi, làm đêm riết rồi mệt quá nhưng ráng kiếm thêm chút tiền, gởi về cho
mẹ con bị bệnh nặng, nên đành chịu cực, không nghĩ là chú còn ở đây, nên khi thấy,
xuống xe ngay trạm này liền, thay vì đi thêm lên trạm trên kia”, Thuận nhìn
mà vui lây cho thằng nhỏ, chuyện cực khổ, ngủ gà ngủ gật, khi làm ca đêm thì
không lạ gì với mình trong suốt ba bốn năm, lúc mới vừa đến xứ người, Trí ngồi
bệt xuống đường, ôm con Benji tươi cười nựng nịu, nó vẫy đuôi không ngừng, Trí
lập đi lập lại mấy tiếng “khỏe quá chú
ơi, ở bên nhà khỏi lo nữa”, rồi bổng dưng, nhìn lên “nhà con ở cũng không xa đây lắm, thôi con mời chú dẫn con Benji theo
luôn, tới chơi cho biết, con pha cà phê cho chú uống, con pha ngon lắm đó, hôm
nay khỏi cần ngủ bù rồi, chú đi nghe”, có ý muốn biết hoàn cảnh thằng nhỏ
từ lâu, một phần cũng hơi tò mò, Thuận đồng ý ngay, Trí hớn hở, mang túi xách
lên, giành lấy dây, dắt con Benji đi trước, Thuận chầm chậm phía sau, rẽ ngang
con đường Williamson, lá chết úa vàng trải đầy, còn ướt đẩm sương đêm, hàng cây
già nua, dọc hai bên khẳng khiu và trơ trụi giữa trời thu tiếc nuối tàn.
Gian nhà trọ, nằm gọn riêng biệt, ở một góc
vườn rậm lá trong cái biệt thự cũ xưa, cuối đường, chênh chếch trên đầu dốc, chủ
nhà là một bà cụ người Ý, sống đơn độc, thỉnh thoảng năm khi mười họa, Giáng
sinh, Tết mới thấy dăm ba người tới thăm rồi thôi, ít nói hay cười, “tiếng Anh tiếng u” chữ còn chữ mất, ngày
nào cũng vậy, sáng sớm đi một vòng quanh chỗ của Trí, xem lại cửa nẻo, rồi đón
xe buýt đến nhà thờ St Martin, ở đó bà phụ giúp lau chùi quét dọn cho tới xế
chiều, xâu chuổi tràng hạt màu đen bóng luôn luôn cầm trong tay, bà thương Trí
lắm, nấu cái gì cũng gọi Trí qua ăn, có khi còn hỏi cần tiền không bà cho, trừ
cái sân trước có chút ít cỏ, còn lại thì toàn là lát gạch đen, nên việc cắt cỏ,
cắt cành mỗi hai ba tuần, Trí đều lo một cách tươm tất. Từ cánh cửa sổ nhỏ, vừa
đủ khoảng cho hai người ngồi nhìn xuống con rạch hẹp, chạy ra khúc sông
Maribyrnong, dưới chân cầu đường Raleigh, nắng từng vạt lưa thưa, đong đưa hắt
ngang, hâm hấp nóng, mùi cà phê bốc lên thơm cả phòng, Trí có vẻ hài lòng “tiếng một tiếng hai” mời mọc, nhìn thằng
nhỏ lăng xăng, cảm thấy vui vui, Thuận bưng ly lên, chậm rãi uống, hỏi và nghe
Trí kể chuyện mình, “Cộng sản vô, tài sản
bị tịch thu, mẹ mất việc vì là vợ của “sĩ quan Ngụy”, đồ đạc trong nhà đem ra
bán dần rồi cũng hết sạch, mẹ một thân, chạy ngược chạy xuôi, bán cá bán tôm,
kiếm sống, may mà còn căn nhà, hai ba năm sau, buồn quá, thất chí, ông ngoại
qua đời, bà ngoại bị đau khớp xương hai đầu gối, đi đứng khó khăn, có một thiếm
cùng bán với mẹ, tốt bụng, quen chủ tàu vượt biên, sắp xếp cho đi không tốn
tiền, mà nếu đòi tiền thì cũng không có đâu mà trả, mẹ đẩy Trí xuống tàu giữa
khuya theo đám người chừng bảy tám chục, lạ ngắt, nước mắt ràn rụa, khóc ròng,
mẹ không thể bỏ ngoại mà đi, may mắn tàu thoát đến Nam Dương, thấy Trí bơ vơ
côi cúc, tội nghiệp, một gia đình đi trên tàu, khi lên đến trại tỵ nạn đã khai
thêm tên anh ta vào danh sách, ở trại cùng họ, phụ bưng nước bưng cơm rồi theo
họ sang đây, ở trung tâm tỵ nạn Midway không bao lâu, Trí được một bà sơ nhà
dòng, đem gởi ở với bà cụ già người Ý này”.
Thấy ở cũng đã lâu, những gì muốn biết cũng tạm biết đủ
rồi, Thuận ra về, hẹn gặp lại lần khác “hôm
nào tới nhà chú chơi nghe”, Trí theo tới ngoài cổng nhà, con Benji chồm
lên, vúi đầu vào tay, rồi lẻo đẻo theo sau, Thuận đi cũng khá xa, quay lại
nhìn, Trí vẫn còn đứng đó, trên đường về, bỗng dưng Thuận muốn khóc, những chi
tiết của chuyện Trí kể, “nhà ở Phan
Thiết, ông bà ngoại có hảng làm nước mắm lớn, mẹ là cô giáo ở trường tiểu học
trước năm 1975 ở gần chợ tỉnh, tên Tâm Như, ba chết vì bị phục kích ở Tuy Phong”
cứ lẩn quẩn trong đầu, tới trước nhà, đứng chết lặng một hồi lâu, con Benji,
mừng rở chạy vào trong sân, sủa vang, chân Thuận nặng nề không màng bước thêm,
nhớ tới chuyện, lòng đau nhói.
Trong
đám bạn cùng quê Thủ Dầu Một, Thuận học không khá, đậu được tú tài một là
đã mừng hết lớn rồi, nhưng không qua nổi năm sau, rớt tú tài hai, buồn thân
nhưng đành chịu, biết tỏ cùng ai, nhà nghèo, mẹ mất sớm, có hai cha con đùm bọc
nhau, ba Thuận không tái giá từ ngày đó, lấy phần trước căn phố, hẹp, gạch cũ
mốc, của nhà mình, một mình mở tiệm buôn bán trái cây, tại chợ Phú Cường, lấy
mối từ người quen dưới Lái Thiêu lên, không khá nhưng cũng tạm đủ sống từ bao
nhiêu năm qua, nghe tin thi rớt, ông không buồn không giận, thương con “thôi thì học tài thi mạng con ơi”, ông
không buồn nhưng cứ mỗi lần về thăm nhà, nhìn ông vất vả, Thuận chết lặng, tệ
tái lòng. Long nhong lên xuống Sài Gòn, chừng đâu vài tháng, nghe lời Trung, thằng
bạn cũng học cở mình, biến mất sau mùa thi, đậu rớt không nghe ai nói tới, gặp
lại hôm đi lang thang ngoài khu chợ cũ Hàm Nghi, thi vào trường Quốc Gia Sư
Phạm, trường mà hắn đặt tên là “trường
làng tôi ” nhưng có một chuyện ít ai
để ý tới, là ra trường có thể xin được hoản dịch hay còn gọi là “động viên tại chỗ”, cho nên không phải
lo ngại chuyện khoát áo lính, trừ khi tự nguyện, thêm nữa cũng có được cái
nghề, may mắn, chứ chắc chẳng hay ho gì so với con số vài trăm người thi, cả
hai vào học cùng năm nhưng khác lớp. Thuận quen Tâm Như ngày đầu nhập học, khi
nhường nhau lối đi, người trước người sau, ngay cầu thang lên lớp học trên lầu,
chọn chỗ ngồi sau lưng, rồi “thương thầm
nhớ trộm” những ngày sau đó, đám bạn thường “kết đôi kết ba” với cô nàng, thấy điệu bộ anh chàng đã biết ngay từ
đầu nên cố tình “chọc phá” cho thêm
phần “mắm muối”, cộng thêm có Thật, học
chung lớp, ở cùng quê Phan Thiết với Tâm Như, “rù rì thêm bớt, tiếng này tiếng nọ”, rồi thì cả lớp ai cũng biết
hai người “tình trong như đã dẩu ngoài
còn e”, đối với bạn bè trong trường, cùng lớp cũng như khác lớp quen nhau,
hai người quá “xứng đôi vừa lứa”,
cuối năm đầu, cùng với Trung, đi thi lại tú tài hai nhưng vẫn còn bị sao quả tạ
chiếu đen quá, cho nên hai chàng đều “trợt
vỏ chuối”, gặp nhau, nhìn nhau cười trừ, chẳng màng “trách trời cao đất rộng”.
Nhà Tâm Như ở bên phố trong, không xa nhà
của Thật, ngoài đầu bến xe chợ Phan Thiết bao nhiêu nên cũng dễ đi qua đi lại,
gia đình hai bác Tiến, chỉ có một mình Tâm Như, bác trai trước là công chức sở
hỏa xa thời Tây, đã hưu trí, sau ngày nghỉ hưu, bác hùn với người em trai, sang
lại hảng làm nước mắm nhĩ hiệu Thành
Tựu, ở xóm biển, từ đó đến giờ, công việc làm ăn phát đạt, tạm gọi là người khá
giả trong tỉnh, cuối hè, trước khi vào học năm thứ hai lại vài ngày, theo Thật
ra Phan Thiết cho biết, và cũng để đi cùng với Tâm Như trở vô Sài gòn, hôm cùng
Thật đến nhà, quen quá nên không ngó ngàng gì tới anh ta, gặp Thuận, hai bác
niềm nỡ thăm hỏi, chuyện quê nhà, cha mẹ, anh em cũng như chuyện học hành,
tương lai ngày mai ngày mốt rồi chúc tốt chúc lành đủ thứ, Thật ngồi kế bên
nghe, không tiếng thêm tiếng bớt, gục gặc đầu, mĩm cười theo từng câu hỏi.
Trước ngày thi tốt nghiệp vài hôm, Sài Gòn
bỗng dưng vắng mưa hỗm rày, sáng thứ bảy, Tâm Như đến gặp Thuận một mình, lần
này thật sớm, không có mấy cô bạn như thường lệ đi theo “tán hươu tán vượn, kéo lê hè phố”, trời đã có nắng từ lâu, ngoài
đường vẫn còn vắng người, bóng nắng hắt xuyên vào khung cửa sổ từng vệt dài, trên
gác, qua ngang cái bàn học gỗ cũ, vàng một màu bông vạn thọ, tiếng bác chủ nhà
ho khan dưới nhà vẫn vậy mỗi sáng, Thuận loay hoay xếp mền gối ngay ngắn trên
giường, Tâm Như ngồi lặng thinh nhìn xa xăm xuống dưới đường thật lâu, cảm thấy
hình như có gì đó là lạ, khác với mọi lần, Thuận thắc mắc chờ, thì ra cô nàng
đang khóc, Thuận kéo ghế ngồi sát bên, Tâm Như rấm rứt nói chuyện hai bác Tiến
cho biết, không hài lòng chuyện của hai người, tuy không nói thẳng ra nhưng hai
bác bảo “ba mẹ muốn con nên có một người
chồng có địa vị hơn con đôi chút, đằng này Thuận chỉ là một thầy giáo xoàng như
con thì, ba mẹ làm sao vui được, con suy nghĩ kỹ đi”, Thuận chợ dưng nhớ
lại, câu hỏi của ba Tâm Như “cháu có định
thay đổi nghề nghiệp sau này không hay chỉ cứ là một ông giáo làng bình thường
thôi”, anh thở dài “à thì ra là vậy”,
Tâm Như ngừng khóc, run run nắm chặt tay Thuận, hơi ấm của làn da làm Thuận
có thêm một chút bình tỉnh, cô nhìn thẳng vào mắt anh ta, nhoẻn miệng cười, với
qua hôn nhẹ lên mặt, khe khẻ nói nhỏ “anh
biết em yêu anh nhiều lắm mà nhưng là con một, nên để rồi thủng thẳng mình tính, không có gì đâu”,
Thuận gật đầu, khẻ cười “thôi cứ từ từ ra
trường rồi tính”. Thuận đứng dậy thay đồ, sắp vào trưa, nắng hắt hơi nóng
vào nửa căn phòng, Tâm Như vừa kéo tấm màn vải xám nhạt che ngang cửa sổ, bên
dưới có tiếng gọi của mấy cô trong nhóm, tiếng bà chủ nhà cười giòn, nói gì đó,
không lớn lắm nhưng nghe được mấy tiếng “cô
Tâm Như”.
Sau
bữa ăn chiều chia tay, tại quán cơm bình dân thường ăn, trên đường Trần
Bình Trọng, nơi góc đường gần trường, cả bọn, ai nấy ít cười hơn ngày thường, Thuận
theo Trung về trường tiểu học Lái Thiêu, Thật cùng với Tâm Như trở lại Phan
Thiết, mấy cô khác, người Long Khánh, người Biên Hòa, Tây Ninh, ai về ngã nấy,
buồn buồn kể chuyện cũ, không ai nói chuyện ngày mai, cũng hẹn cũng hò, nhưng biết
chừng nào mới có dịp gặp nhau, dù không đến nổi là “chim trời cá nước”, tiễn nhau ở góc đường, mọi người bỏ đi rồi,
Tâm Như cùng Thuận trở lại nhà trọ, đèn đường lên, phố xá vẫn chưa tối hẳn,
trời bất chợt mưa lâm râm, mùi đất khô mấy ngày qua bốc lên hăng hắc, nóng vẫn
nóng, bà chủ ngồi hóng gió trước hiên, con chó nhỏ nhà kế bên, thấy có người
sủa vài tiếng làm vui, với nụ cười thường ngày, nhìn hai người buồn buồn “mai là không còn gặp lại hai người rồi, khi
nào có về Sài gòn nhớ nghé thăm cô nghe, đi đường cẩn thận, nhớ giữ gìn sức
khỏe, khi nào có tin mừng đừng quên cô là được rồi”. Đêm nằm tựa đầu bên
nhau, nhắc nhau nghe đủ thứ chuyện, chờ sáng, rồi cũng có những cái hôn, cái
mơn trớn, vuốt ve trên người như tạo hóa đã tạo, một vài vệt sáng vàng nhạt từ
cột đèn đường bên kia lề, xuyên qua kẻ hở khung cửa sổ, lén hắt ngang qua chút
phần da thịt trần truồng, mù mờ trên giường, đâu đó tiếng hơi thở cấu xé nhau,
ngụp lặn thì thào, dồn dập, hối hả, không lâu thì im bặt, mọi chuyện ngừng
ngang ở đó, một người ngồi dậy, nói tiếng “cám
ơn”, người kia chợt biết rằng mình chưa mất đi “đời con gái”, có tiếng chuông nhà thờ thong thả đổ xa xa, trời
rựng sáng.
Thuận về lại Phú Cường, gần nhà, khi hoán
chuyển với một cô khóa đàn chị sau ngày về dạy lớp nhì ở trường tiểu học Lái
Thiêu, chừng ba bốn tháng, ba anh giờ già yếu, có mình bên cạnh cũng bớt hiu
quạnh, chuyện ngày mai với Tâm Như hình như xa vời vợi, chừng nào mới không còn
là “thầy giáo làng”, chưa biết, Thuận
buồn cho mình, một nổi buồn dằn dặt, làm cách nào để cãi lại định mệnh, trừ khi
bỏ nó ra đi, nhưng ít người có can đảm làm, Thuận không báo tin đổi trường cho
Tâm Như biết, thôi thì ráng sống ngày qua ngày như “sông cứ trôi đời sông”. Thuận nhận được thư của Tâm Như, gởi về
trường dưới Lái Thiêu do Trung trao lại, mừng đó nhưng cũng buồn đó, cô nàng
không viết gì nhiều, “phần chính là chưa
thuyết phục được hai bác Tiến, dù khóc lóc năn nỉ cũng đã nhiều với bốn tiếng
“bên tình bên hiếu” và riêng mình, Tâm Như không có đủ can đảm để bỏ nhà đi được”,
Thuận chần chừ chưa trả lời vì không biết phải viết gì, nên quyết định tạm
quên đi thì, chưa tới hè, nhận được lá thư ngắn ngủi của Thật, từ Phan Thiết
báo tin, nghe theo cha mẹ, “Tâm Như đã kết hôn với mộtThiếu tá VNCH, là
Chi khu phó chi khu Tuy Phong, hình như có tin có thể sẽ là quận trưởng nay
mai, có mời đám cưới, cảm thấy không vui, anh ta từ chối khéo, không tới dự”, đọc
thư mà chết lặng dật dờ, Thuận chấp nhận phận mình, tuy có nghiệt ngã nhưng cám
ơn đất trời đã cho anh lối thoát, một lối thoát bình yên, không có giận hờn
trách móc, ngày hai buổi đi về âm thầm với bảng đen phấn trắng, không quên chúc
Tâm Như nơi đó tìm được hạnh phúc thật
sự, đừng là “cái hạnh phúc tưởng như là
hạnh phúc”.
Miền
Nam mất, được nhà cầm quyền mới cho phép giữ nghề thầy giáo, sau những màn
“học tập bồi dưỡng, kiểm điểm tự phê”,
gần một năm sau, không gặp lại Thật nhưng Trung có lên Phú Cường, cho biết, hôm
ra Phan Thiết tìm đường “vượt biên” với chủ tàu, gặp Thật, rũ đi, anh ta ở lại
vì bác gái mắt kém quá, không ai săn sóc, và “mới biết là Tâm Như vừa sinh thằng con trai chừng vài ngày, lúc miền
trung di tản, chồng cô bị phục kích chết tại Tuy Phong, khoảng hai ba tuần
trước khi miền Nam thua trận”, với sự đồng ý và đốc thúc của ba mình và gia
đình bà cô thứ năm, em ruột của ông và mấy người con, từ Pleiku về ở chung
trước ngày 30 tháng 4, theo Trung, Thuận xuống tàu rời bỏ Việt Nam từ Phước
Tỉnh trong một đêm mưa tầm tã tuôn trên biển, thoát được ra nước ngoài chừng
một năm sau, ba Thuận mất, lặng lẽ đến chùa xin lễ phát tang và cầu siêu, viết
thư về, nhờ bà dì lo chăm sóc giùm mồ mả, chờ ngày trở lại một mai nào đó.
*
Thuận
đứng trước sân cỏ, nhìn trời, chiều nay nắng tốt, cái nhà cây nhỏ, hai
phòng ngủ, nằm khiêm nhượng, lọt giữa những căn lầu hai tầng rộng hai bên
đường, mà Thuận mua được với giá rẽ, nhờ số tiền dành dụm mấy năm, rồi mướn một
người thợ mộc quen Thái Lan, sửa sang, sơn phết lại nên cũng tạm tốt, từ ngày
đó đến giờ Thuận vẫn sống một mình, chưa nghĩ tới chuyện vợ con, Trí xách cái
túi đi làm về, cũng cái túi vải cũ ngày nào, ghé qua, con Benji, đứng phía sau
cánh cửa lưới sắt sủa vang trời, hai người lửng thửng vào nhà, trong thời gian
qua, mấy năm rồi, từ ngày định cư ở đây, sau nhiều lần, Thuận liên lạc thư từ
được với Thật, cũng còn may, anh ta giờ có cơ sở làm ăn gì đó khấm khá, Thật
thuật lại đúng chuyện mà Trung kể lại trước khi rời Việt Nam, và cho biết thêm,
Tâm Như hiện bị ung thư phổi, khá nặng, hình như là ở thời kỳ cuối, khó sống
lâu, thuốc men giờ có được chỉ để cầm cự mua thời gian thôi, bác gái thì còn
sống nhưng yếu lắm rồi, từ khi gặp Trí, Thuận đã gởi nhiều lần, một số tiền kha
khá cho Thật, nhờ trao cho Tâm Như, nhưng hứa một lời là đừng nói của ai, nếu
rãnh bỏ chút thời giờ thăm viếng, lo liệu thuốc men. Con Benji chạy lăng xăng
quanh chân, không như mọi lần, mặc dù cũng nựng nịu con chó nhưng xem ra thằng
nhỏ mặt không vui, nhưng hai người cũng hỏi han chuyện này chuyện nọ, trước khi
về, Trí cho biết, đã mua vé máy bay về Việt Nam, vì được thư mẹ trở bệnh nặng,
hôm nay là thứ năm, sáng thứ bảy đi, gởi lại cái chìa khóa nhà cho Thuận cất
giùm, chắc phải ở bên đó hai ba tuần.
Thứ sáu, chưa kịp đi ăn trưa, Thuận ngồi
thừ người, đau nhói cả lòng, khi cảnh sát cùng người cai thợ tại hảng dây cáp
điện Olex, đến văn phòng Thuận làm, tìm báo tin, vì sau khi đổi lên làm ca
ngày, Trí điền tên và số điện thoại của Thuận trong phiếu cần liên lạc khi có
việc khẩn cấp, Trí chết vì bị cuộn dây đồng dài, lớn hơn vòng tròn bánh xe vận
tải, đè lên người, do ở thằng nhỏ không nhấn nút bấm ngừng như thường lệ, khi
chạy ra khỏi đầu giàn máy, bác sĩ ở bệnh viện Western General cố cứu nhưng đành
chịu, bà cụ già người Ý, chủ nhà khóc sụt sùi khi nghe tin, cầm tay Thuận, nói
bù lu bù loa, nửa tiếng Ý, tiếng Anh, tay vỗ lên trán liên hồi “my God, my Jesus”, được sự giúp đở của
Cha xứ và mấy người trong họ đạo St Martin, làm lễ tang ở nhà thờ, rồi đưa Trí
đi hỏa thiêu ở nghĩa trang Altona Memorial Park. Chôn cất xong, Thuận nhận được
điện thoại của Thật, từ Việt Nam qua, cho biết Tâm Như đã mất trên giường trong
bệnh viện Phan Thiết hôm chủ nhật, hai ngày sau khi Trí bị tai nạn, hai mẹ con
đã không có được ngày thứ bảy, ngày mà theo chuyến bay, Trí về tới Sài Gòn buổi
chiều, Thuận cũng báo tin Trí chết rồi, bên đầu dây bên kia, im lặng một hồi
lâu mới nghe Thật thở dài hai tiếng “trời
ơi”. Như đã dặn, Thuận trở lại nhà bà cụ già người Ý, chiều thứ năm, phụ
dọn dẹp lại gian nhà, để bà cho ai đó về ở, gom những đồ dùng, giấy tờ cá nhân,
trong đó có cái hộp thiếc đem về nhà mình, cũng hôm đó, Thuận bất ngờ nhận được
thư Tâm Như, như vậy là Thật đã nói hết rồi, cầm lá thư vào nhà, chưa mở ra, nâng niu trên tay, tưởng chừng
như cái nâng niu tay nắm tay, trong tiếng mưa lâm râm, tiếng mưa của cái đêm
cuối bên nhau trên gác trọ, trước ngày chia tay về nhiệm sở.
Thuận
ngồi bệt xuống trước tấm bia, bằng đá hoa cương màu xanh nhạt, lớn chừng
trang giấy học trò, cùng một kích thước chung như các nấm mộ khác của nghĩa
trang, trên mặt đất, trong khoảng đất hình vuông, giữa thảm cỏ xanh rì, nằm gần
cuối dãy các mộ phần khác, song song bên nhau, hun hút chạy dài từ phía lối
vào, cái nào cũng cắm đầy hoa nhưng úa héo nhiều hơn tươi, vì cái nóng của trời
tháng giêng mùa hạ gay gắt, ở đây người ta không xây mộ cao như nhiều nghĩa trang khác, tất cả
đều đặt dưới đất, cắm mấy nhánh hoa trắng mới, thay cho mấy cái chiều hôm qua, đưa
tay lau nhẹ dăm ba giọt sương đêm còn nấn ná, nửa đi nửa ở, trên tấm bia, khuôn
mặt hai mẹ con rõ dần, dưới ánh nắng mặt trời vừa lên, nhất là Tâm Như, cũng
đôi mắt dịu dàng và nụ cười nửa miệng có duyên của ngày đầu quen nhau trong sân
trường sư phạm, mắt Thuận bỗng dưng cay xé, ba cây nhang thơm lắc lư theo nhịp
run rẩy của tay, pha chút nước mắt, nghẹn ngào khóc, Thuận xếp hai lá thư của
Tâm Như, một gởi cho Trí, một cho Thuận, đã đọc hết nhiều lần, đặt trong cái
hộp thiếc nhỏ Trí dùng cất giữ thư từ, hình ảnh của mẹ gởi qua, mà anh đã đem
theo, mỗi khi đến đây, trong mấy tuần qua, để đó, nhìn một hồi lâu, khẻ bật lửa
lên từ cái hộp quẹt máy, chầm chậm đốt, miệng thì thầm nghèn nghẹn, cũng những
giọt nước mắt hồi nãy nhưng có phần mặn đắng hơn “cuối cùng mình cũng gặp lại nhau, em nằm đó, anh ngồi đây, em đã nói
hết những gì muốn nói, định mạng vẫn cứ mãi là định mạng, không có gì để hờn
trách chi nhau, anh cũng đã làm xong những gì muốn làm, anh đốt thư em, thả hồn
thư bay theo về nơi đó, để em vui, để em yên tâm, biết rằng anh đã đọc, với
muôn vàn tha thứ, cho em và cho anh, và cũng để em lúc nào cũng ở bên anh tới
một ngày nào đó, mai này mình thật sự có nhau, ở một chốn thiên thu bình yên
của trời đất, nơi chỉ có ông giáo và cô giáo làng cùng nắn nót viết, chữ yêu
trên tấm bảng đen màu phấn trắng”.
Thuận
ôm cái hộp thiếc, đựng những lớp bụi tro giấy xam xám đứng dậy, nắng rực
lên, len qua bóng người vừa đủ sáng trên tấm bia đá, trên tấm hình, hai mẹ con
Tâm Như hình như đang cười, một cặp trai gái còn rất trẻ thăm mộ ai đó đi
ngang, gật đầu chào, mắt vẫn còn ươn ướt nước mắt, Thuận cười nhẹ đáp lại, nhìn
theo, lẻ loi đâu đó, có tiếng chuông từ nhà nguyện phía trong vang lên từng hồi
một.
Viết
sau ngày đội mưa đưa một người bạn thân vừa mất, ra nằm ở nghĩa trang Altona
Memorial Park trong cái lạnh rét run một sáng giữa Thu.
No comments:
Post a Comment