Tuesday, July 19, 2016

Những Chuyến Bay Định Mệnh - Hoàng Dũng


Những chuyến bay định mệnh

“Bản thân tôi không còn nước mắt để mà khóc nữa” - Sedgwick Tourison-

(Ông Tourison từng là nhân viên cao cấp phục vụ trong Cơ quan Tình báo Quốc phòng Hoa Kỳ, đặc trách Tù binh Chiến tranh và Mất tích).

 


Trưa hôm ấy ngày 25/1/67, anh em Toán Hadley 11 người, do Lê Ngung làm Trưởng Toán, đã tổ chức bữa cơm thân mật để chia tay lần cuối tại khu cấm Long Thành. Được gọi là khu cấm vì nơi đây chỉ giành riêng cho Toán sắp lên đường công tác dài hạn, mọi việc liên lạc với bên ngoài đều bị nghiêm cấm,nhằm bảo mật tối đa công tác mà Toán sắp đảm trách.

Sau khi được các Trưởng Công Tác Việt- Mỹ thuyết trình chi tiết về nhiệm vụ và vùng công tác Toán sẽ xâm nhập. Riêng  2 nhân viên Truyền tin Toán còn được Sĩ quan Truyền Tin Trung Ương trực tiếp thuyết trình về lệnh căn bản truyền tin, cũng như các nhóm an ninh mật mã của mỗi cá nhân hiệu thính viên, mà chỉ mỗi người trong phạm vi họ được  biết. Không một ai khác, kể cả Trưởng Công Tác và Trưởng Toán, được biết đến nhóm mật mã này. Cũng xin nói rõ, mỗi hiệu thính viên đều có cách đánh ma-níp cá biệt, do đó nhịp điệu đánh ma-níp mỗi người đều được ghi âm và lưu giữ trong hồ sơ mật, để đề phòng nếu địch nhảy vào hệ thống liên lạc hoặc có gì nghi ngờ thì chuyên viên truyền tin của Trung Ương  có thể phân biệt được bạn hay thù. Một điện văn gởi từ Trung Ương đến Toán công tác hay ngược lại, sau khi được mật mã sẽ chuyển qua đài trung gian tại Phi luật Tân và từ đài này được chuyển tiếp qua từng đoạn trên nhiều tần số khác nhau, phòng địch có bắt được tần số, thì cũng không thể nào thu được toàn bộ văn bản.

Sau khi được Trưởng Công Tác thuyết trình và được Toán bá cáo đáp hiệu, các toán viên nhận đồ trang bị cá nhân đã được sắp sẵn cho mỗi người và chính tay họ tự sắp xếp lại cho tiện dụng khi hữu sự. Sau đó Toán Hadley được chở ra phi cơ C.130 đang chờ sẵn tại phi trường Long Thành để chở thẳng đến phi trường Nakor-Phanum , phi trường Mỹ nằm trong nội địa Thái Lan, cạnh biên giới Thái-Lào.

Vừa đáp xuống sân bay, Đại úy Caristo và tôi đi ngay vào phòng hành quân. Nơi đây đã có vài người Mỹ chờ đón chúng tôi. Sau khi dự thuyết trình và trao đổi vài chi tiết về cuộc hành quân xâm nhập của Toán Hadley, chúng tôi được xem một số không ảnh và slides phóng lớn mà phi công Mỹ vừa chụp tại vùng bãi đáp (L.Z.), nơi Toán sẽ được trực thăng thả xuống sau vài giờ nữa. Rời phòng hành quân, chúng tôi trở về cấp tốc với Toán đang chờ tại phi trường C.130. Tôi báo ngay cho Toán biết lệnh hành quân được giữ nguyên không có gì thay đổi và ân cần nhắc lại những điểm quan trọng sau:

- Toán sẽ được trực thăng vận đến bãi đáp tại tọa độ…cách mục tiêu 30 km. Toán được trang bị rất nhẹ, chỉ mang theo 3 ngày lương khô.

- Sau khi xuống đất, Toán sẽ di chuyển cấp tốc theo hướng  12 giờ để tiến về bãi thả ở tọa độ X..nằm trên hướng Bắc là hướng di chuyển của Toán.

- Toán sẽ ẩn trú quanh đây để nhận tiếp tế thả dù, được ấn định lúc 1 giờ khuya đêm thứ 3, kể từ đêm xâm nhập.

- Toán sẽ đánh dấu bãi thả 5 phút trước giờ qui định và làm dấu hiệu chữ T theo hướng Đông-Tây Bắc- Nam với 5 ngọn đèn pin mỗi ngọn cách nhau 3 mét. Năm kiện hàng đã được đóng sẵn và chở đến Thái Lan cùng chuyến với Toán. Trong trường hợp có gì thay đổi, Toán sẽ được thông báo bằng tín hiệu qua đài phát thanh ‘Gươm Thiêng Ái Quốc’, là đài phát thanh bí mật của Sở Tâm Lý Chiến thuộc Sở Kỹ Thuật nhằm vào công tác tuyên truyền chống chính quyền Miền Bắc.

Khi giờ G điểm, 2 chiếc trực thăng CH3 mở máy. Toán cùng với tôi và một hạ sĩ quan P.D.O. bước lên trực thăng số 1 do chính Trung Tá Phi Đoàn Trưởng là phi công chính. Chiếc số 2 do một Trung úy lái bay kèm theo làm trừ bị. Cả hai chiếc tiến dần về hướng đông.

Mặc dầu loại CH3 có trữ lượng xăng lớn, nhưng vì đường bay từ Nakor-Phanum băng qua không phận Lào để tiến vào Miền Bắc là một không trình khá dài, do đó hai trực thăng phải đáp xuống căn cứ bí mật của Tướng Vàng Pao để tiếp thêm nhiên liệu. Rời căn cứ này, phi cơ trực chỉ mục tiêu. Trời đã về chiều, tiếng động cơ pha lẫn tiếng cánh quạt chạm mạnh vào những cột gió vô hình, gây nên cảm giác vừa thích thú vừa ghê rợn. Tôi liếc nhìn quanh anh em Toán Hadley đang trầm tư im lặng…Họ là những thanh niên hào hùng đầy nhiệt huyết, tuổi đời mới trên dưới 20. Họ đã không quản ngại hy sinh tuổi thanh xuân với bao lạc thú, chấp nhận cuộc sống đầy mạo hiểm với bao thử thách gian khổ. Tất cả vì Tổ Quốc thân yêu. Phải, họ là những người hy sinh trong bóng tối, đáng được mọi người yêu mến cảm phục.

Kìa những dẫy núi đá vôi bắt đầu lộ diện trong nền trời mây trắng bao quanh, báo hiệu bãi đáp gần kề.

Thật vậy, tiếng chuông báo hiệu cùng lúc với tiếng Trung Tá trưởng phi cơ báo trong máy cho tôi biết chỉ còn 5 phút nữa sẽ đến bãi đáp. Tôi ra hiệu báo cho anh em sẵn sàng. Trực thăng sà dần xuống bãi đáp..ba phút…hai phút…một phút. Nhanh như chớp không đầy 15 giây, tất cả Toán 11 người đã rời khỏi phi cơ. Họ đã biến mất trong các lùm cây rậm. Tôi quay lưng , bám vào thanh sắt cửa phi cơ, cố quay đầu lại quan sát, nhưng  chẳng còn thấy một ai. Tôi ngoảnh mặt nhìn phía trước, một con đường đất khá lớn hiện ra trước mặt tôi. Tôi tự hỏi tại sao có con đường này ? Đường này Việt Cộng mới làm cấp tốc hay sao mà chưa thấy trên bản đồ ? Không thể có chuyện đó được vì không ảnh và slides mới chụp cách đây 3 hôm, không thấy có con đường này. Trong lúc tôi còn phân vân thì trong tai tôi vang lên tiếng nói của Trung úy trưởng phi cơ 2 đang bay trên đầu tôi nói vọng xuống báo động :”Ông đáp sai L.Z.! Ông đáp sai bãi đáp rồi ! “

Tôi nhìn lên Trung Tá Phi đoàn trưởng cùng lúc ông quay xuống nhìn tôi. Tôi gật đầu mấy cái tỏ dấu đồng ý với viên Trung úy. “Anh muốn tôi làm gì bây giờ?”. Ông hỏi, tôi đáp ngay “Xin quay lại đón Toán.Toán bị thả sai rồi ! Kế hoặch sẽ hỏng hết!”
 
 

Chiều ý tôi, trực thăng quay lui, nhưng phải mất 10 phút sau mới đáp được xuống khoảng trống cạnh con đường mòn. Tôi và Hạ sĩ quan P.O.D nhảy xuống, chia nhau mỗi người một hướng vừa chạy vừa la to :”Ngung ơi! Ngung ơi! Trở lại trực thăng ngay!”. Chúng tôi chạy như người mất hồn, vừa chạy vừa kêu mãi trong vòng 5 phút. Nhưng buồn thay, chỉ có tiếng vọng từ rừng sâu đáp trả lại tiếng la hét của chúng tôi thôi. Tôi càng lo âu hơn khi nhìn thấy xa xa vài con trâu đang ăn cỏ và mấy hình nộm treo ở ruộng bắp hay đậu dân địa phương dùng để đuổi muông thú. Chúng tôi đành trở lại trực thăng với thất vọng não nề. Viên xạ thủ minigun tỏ vẻ hốt hoảng, kêu chúng tôi lên trực thăng gấp khi anh ta trông thấy đàn trâu và dấu chân người in trên đường mòn nơi trực thăng đang đậu. Trên đường về, tôi hết sức băn khoăn khi Toán bị thả lầm vào một vùng không an ninh. Tôi vừa lo cho anh em vừa lo cho kế hoạch Hành quân bị hỏng .

Biện pháp cấp tốc mà chúng tôi phải thi hành là dùng điện thoại ‘hot line’ cho Sài gòn biết và xin Trung Ương dùng ám thoại báo ngay cho Toán. Ám thoại đã được chuyển ngay cho Toán tối hôm ấy.

Riêng phần chúng tôi, thay vì ở lại Thái Lan thêm ba ngày đợi tiếp tế xong cho Toán, đã phải trở về Sài gòn ngay tối đó. Sáng hôm sau Đại úy Caristo đã lo phương tiện cho tôi bay ra Đà nẵng, xin phi cơ bay đi tìm Toán.

Chiều 26/1/67, Thiếu Tá Vượng Phi đoàn trưởng Phi đoàn AIE  Skyraider  đã chở tôi thực hiện phi vụ đầu tiên tìm Toán. Tháp tùng chúng tôi còn có phi cơ của Đại Tá Cố vấn phi đoàn.  Rời căn cứ không quân Đà nẵng 2 phi cơ bay thẳng ra biển, hình như họ cố tránh màn lưới radar  địch và từ biển khơi 2 phi cơ trực chỉ vào vùng thả Toán chiều hôm trước. Hai chiếc bay lượn nhiều vòng trên không phận địch. Chúng tôi cố quan sát và luôn gọi Toán qua máy điện đàm. Nhưng buồn thay, không một tiếng đáp trả và cũng không một dấu hiệu nào được phát hiện của Toán, mặc dầu toán được trang bị máy điện đàm và mỗi toán viên đều được cấp phát panneau và kính chiếu để liên lạc với phi cơ, cùng súng bắn hỏa châu và khói hiệu…Tất cả đều được hướng dẫn sử dụng các phương tiện liên lạc, nhưng không hiểu tại sao Toán vẫn im lặng một cách khó hiểu…Không lẽ Toán không thấy phi cơ chúng tôi hay chúng tôi đã bay sai địa điểm ?

Sau khi bay lượn chừng 20 phút, 2 phi cơ đổi hướng bay về Nakor-Phanum  để lấy nhiên liệu và nghỉ đêm, đợi sáng hôm sau lúc trời quang đãng, chúng tôi lại bay trở lại vùng thả Toán và tìm kiếm mỗi ngày 2 phi vụ. Chúng tôi bay liên tục 3 ngày rưỡi với 7 phi vụ, nhưng không tìm được dấu hiệu nào của Toán.

Thiếu tá Vượng, Đại úy Thành, Đại úy Hoan và Trung úy An là những phi công tài ba rất gan lì nhiệt tâm. Họ bay rất thấp, xem thường súng phòng không địch…Nhưng mọi cố gắng đều không đem lại kết quả .

Chúng tôi trở về Sài gòn với nhiều nghi vấn. Đại úy Caristo đến gặp tôi với bộ mặt không vui, báo cho tôi biết C.A.S. bí danh cơ quan tình báo Mỹ hoạt động tại Lào, vừa báo cho MACV-SOG hay là Toán HADLEY đã bị bắt sau 2 ngày xâm nhập. Đó là tin đau đớn nhưng không làm tôi ngạc nhiên vì chúng tôi cũng đã tiên liệu như vậy.

Đến năm 68, sau cuộc tấn công tàn bạo của Việt Cộng vào Tết Mậu Thân, nhiều tù bình và hàng binh VC đã tiết lộ khá nhiều tin tức giá trị về các Toán Biệt Kích hoạt động tại Miền Bắc. Qua đó chúng tôi được biết có nhiều Toán đã bị thả sai tọa độ, trong số đó có Toán Red Dragon đã bị thả xuống một trại lính Trung  Cộng, Toán Europa bị thả nhầm xuống một làng của dân, Toán Scorpion và một số Toán khác tôi không còn nhớ rõ tên cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Hôm nay đến lượt Toán Hadley!

Lần này chúng tôi vẫn nghĩ rằng anh em các Toán ấy không được may mắn gặp phải những chuyến bay do phi công dở ẹt lái nên đã thả sai tọa độ.

Nhưng mới đây khi đọc bài ‘Nước mắt không còn’ của ông Tourison, một chuyên viên thượng thặng của ngành tình báo Hoa Kỳ, được đăng trên báo Con Cò ở California, tôi mới bật ngửa. Đây là một cố tình  thả sai các Toán của cơ quan Tình Báo Hoa Kỳ, để loại bỏ những  người đã được huấn luyện, nhưng không còn cần sử dụng nữa. Nếu trả họ về quân đội hay đời sống dân sự VNCH, các bí mật tình báo có thể bị tiết lộ, nên đã quyết định một giải pháp là thả xuống  Miền Bắc cho Việt Cộng bắt, chứ không phải do phi công thả sai tọa độ.

Chúng tôi viết loạt bài này để ghi lại những nỗi đau thương mà anh em Biệt Kích phải chịu trong suốt thời gian bị giam giữ trên dưới 20 năm trong lao tù Cộng Sản, đã bị Hoa Kỳ cố tình bỏ quên.

Ông  Tourison đã vạch trần một sự thật phũ phàng : Chính các giới chức trong cơ quan MACV-SOG, cơ quan đối nhiệm Sở Kỹ Thuật, là ‘tác giả’ của giải pháp đưa một số anh em Biệt Kích vào miệng cọp. Đây là một giải pháp quá bất nhân đến nỗi ông Tourison phải thốt lên rằng ông không còn nước mắt để mà khóc.

Mới đây, tôi có nói chuyện với ông Tourison qua điện thoại. Tôi đã hỏi ông về những chuyến bay thả lầm Tọa độ, thì ông cải chính và nói : “Không phải thả lầm, mà là có dụng ý!”.Tôi chỉ còn biết kêu lên xót xa uất  hận cho các anh em Biệt Kích vì muốn phụng  sự Tổ Quốc, đã bị tình báo Hoa Kỳ dùng làm vật hy sinh.

Đau buồn thay Những Chuyến Bay Định Mệnh , những chuyến bay phũ phàng, những chuyến bay khổ công xếp đặt với nhiều kỳ vọng…đã đưa bao thanh niên Việt Nam vào chỗ chết. Tôi không biết chính phủ Hoa Kỳ nghĩ thế nào khi hành động tội ác trên, đã do chính các nhân viên tình báo của họ , vì sự cắn rứt của lương tâm đã phơi bày ra ánh sáng ?

Hoàng  Dũng

(Trích ‘Biệt Kích Dù xâm nhập Bắc Việt’ của tác giả Phan Bá Kỳ )

(*) Ghi chú: Hoàng Dũng là bí danh của Trung Tá Nguyễn văn Vinh, Huấn Luyện viên kiêm Sĩ quan Công tác tại Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Kích Quyết Thắng tại Long Thành, Thủ Đức. Ông là một trong số sĩ quan Huấn Luyện Viên đưa Biệt Kích Nhảy Bắc lên đường và đi theo máy bay thả các Toán xuống Bắc Việt.

304Đen - Llttm

 

No comments: