Có Phải Chiều Đó Chiều Thu
Chuyện được viết bằng
tưởng tượng từ tình tiết, bối cảnh đến nhân vật
Ngồi trước mộ Nhiên khá lâu, nói gì thì cũng nói gần hết rồi,
nhưng Đan vẫn muốn ở lại với hắn thêm chút nữa, vì ít khi có dịp về Sài Gòn,
không biết chừng nào mới có lần tới, Đan nhắc chuyện cũ chuyện xưa, buồn nhiều
vui ít, lắm lúc bùi ngùi muốn khóc, nhưng trên tấm mộ bia, trong hình Nhiên cứ
cười, cái cười của những ngày hai người còn đánh trỗng đánh gồng, bắn bi đá dế ở
trường làng cho đến năm cuối cùng trung học, cả hai cùng đậu tú tài hai, Đan tiếp
tục học lên, Nhiên giã từ sách vở, tình nguyện vào lính, rồi theo đơn vị miệt
mài súng đạn, hết trận chiến này đến trận chiến khác, cứ như vậy mà quăng đời hun
hút từ cao nguyên gió núi mưa mùa, xuống đầm lầy rừng sâu, đồng chua nước mặn,
Đan ra trường, xuống tận Chương Thiện, nhận nhiệm sở chưa đầy nửa năm, Nhiên tử
trận ở chiến trường Đức Cơ, rồi được đem về chôn tại nghĩa trang quân đội Biên
Hòa. Nắng rạng lên ở phía dưới quốc lộ, trời đầu thu, lá úa rụng, trải dầy một
màu vàng ủ rủ, buồn nối buồn trên những con đường chia đôi, chia ba trên từng
hàng mộ thẳng dài, dài hun hút, mặt trời lơ lửng đỏ nhạt cuối hàng cây dưới đồi,
mới đó mà đã gần giữa trưa, người vào thăm mộ càng lúc càng đông, nghĩa trang
trắng một màu của áo tang và của mộ đá, sửa lại nhánh hoa Huệ trắng trong bình
trước hình Nhiên ngay hơn một chút, Đan đứng dậy, bỏ đi dọc theo mấy cái mộ cạnh
đó, không có ai thăm, đọc tên trên từng bia một, lòng đau nhói.
Đi trở lại, từ đằng
xa nhìn ngược về, có người con gái nào đó, áo dài màu thanh thiên nhạt, ngồi cắm
hoa trước ngôi mộ, cách chỗ Nhiên hai ba cái, phía bên kia, mà lúc nãy vắng im
chưa thấy ai, ngại làm phiền và cũng muốn để yên cho người, Đan đứng yên ở xa một
chập lâu, chờ người con gái đứng dậy, nói gì với mấy chị mới tới, loay hoay bày
dọn nhang đèn trước ngôi mộ kế bên, Đan lặng lẽ bước chậm trở lại, vừa tới nơi thì
cũng vừa đúng lúc người con gái quay nhìn qua, Đan đứng chết trân, nín thinh, ngỡ
ngàng, hai người buột miệng cùng một lúc hai tiếng “anh Đan, Trúc” rồi im bặt, nắng giữa trưa lùa bóng hai người khẳng
khiu ngã xuôi, ngang qua đầu mấy hàng mộ trắng, thoáng một chút nhớ của tháng
ngày xa xưa nào đó lúng túng chợt về, Đan bước tới gần bên, nhìn lên hàng chữ “cố Thiếu Tá Phạm Bảo Trân” trên mộ bia,
chưa biết hỏi gì, đứng bên cạnh, Trúc bật khóc.
*
Với chút ít kinh nghiệm có được từ thời Pháp,
ba của Đan, dù gia cảnh không khá giả mấy nhưng sau những năm tháng chắt chiu,
dành dụm, mua được chừng chục mẫu đất, qua khỏi cầu sắt Trà Phí, có cái đồn
lính Địa phương quân VNCH đóng, xế chỗ ngả đi lên Ka Tum, Thiện Ngôn, tính từ
ngoài chợ tỉnh vô, nằm dọc theo bên đường đi núi Bà Đen, gần giáp mấy cánh đồng
trồng chuối của dân trong vùng Long Hoa, trồng cái sở cao su nho nhỏ, thỏa mản
ước mơ cuối đời. Một hai năm đầu, chưa có nhà cửa trên Tây Ninh, từ Trâm Vàng,
ba Đan, lên tỉnh ở nhờ nhà vợ chồng chú bảy Kiên, người em bà con xa cùng quê Bến
Cầu, ở gần trung tâm Chiêu Hồi, đôi ba ngày, chạy ra chạy vô, mướn người trồng
cây, làm đất, nhỗ cỏ, vét mương. Đan ở nhà với mẹ, học trường trung học quận,
thỉnh thoảng, hai ba lần, cũng được ông
dẫn lên tỉnh chơi cho biết. Mấy năm sau, cao su lớn như cánh rừng, không uổng
công ba mẹ Đan vất vả, ngược xuôi, nhịn ăn nhịn mặc, nhờ vợ chồng chú bảy Kiên
phụ thêm một chút tiền, ông bà mua được một căn nhà cây cũ, xập xệ, mái ngói âm
dương ẩm ốc rong rêu, không lớn nhưng miếng đất rộng, có vài ba cây dừa, bốn
năm cây vú sửa, ở gần phía xóm trong, cách nhà chú bảy Kiên không mấy xa, cuối
năm đệ tứ, gia đình dọn về Tây Ninh, để căn nhà tôn lại cho bà dì ruột thứ năm,
em của ngoại, Đan cũng may, nhờ học bạ mấy năm dưới kha khá nên được chuyển vào
đệ tam trường trung học tỉnh năm đó.
Hôm đám cúng giỗ ở
nhà bác Tuân, người bạn cũ, có thời làm đốc học đã hưu trí, ba Đan quen vợ chồng
hai bác Thuận, gia đình được xem là giàu có, nhà ông bà là căn biệt thự kín cổng cao tường,
hoa lá xum xuê, nằm không mấy xa ngã ba đường vào Ao Hồ, cái hồ tắm mà đám học
trò các trường học trong tỉnh, nhỏ lớn đều có tới bơi tới lội hà rầm, cái cổng
nhà rộng hai cánh, lúc nào cũng đóng, phía trên có tấm bảng bằng gỗ với hàng chữ
“Trần Gia Trang” , hai bác hiền hậu
và quen biết nhiều chức sắc trong tỉnh, đạo cũng như đời, gia đình có hai người
con, anh trai lớn đang sống ở đâu đó bên Pháp, cô con gái út, bằng tuổi Đan, học
cùng lớp ở dưới Sài Gòn, khi có ai đó nhắc chuyện ngày ba Đan còn cai quản đồn
điền cao su cho người Pháp ở Bình Long, Ban Mê Thuộc, bác Thuận hiện có ba bốn
sở cao su, bên Thanh Điền và phía bên kia núi Bà, đã khai thác từ lâu nhưng
không đạt được như ý bác muốn, vã lại, có nhiều khu, cây cao su xem ra đang chết
dần, mủ không ra nhiều như trước, ngoài đồn điền cao su, bác Thuận còn có lò gạch,
xưởng cưa, cửa tiệm bán phân bón, nông cụ, máy bơm nước, ở lòng vòng các vùng
quanh tỉnh và chợ Long Hoa, thêm vào đó họ cũng có mấy căn phố lớn mặt tiền
trên đường Tự Do, đường Lê Thánh Tôn, gần chợ Bến Thành nữa.
Sau lần gặp gỡ này,
bác Thuận trai xem ra mến mộ ba Đan nhiều lắm, bác đã nhiều lần đem xe hơi hiệu
“Peugeot”, chở ông tới mấy sở cao su xem
giùm số cây bị hư, ba Đan thiệt tình bàn bạc cách giải quyết với bác, mặt khác bác
cũng tới thăm sở của nhà Đan, tỏ ý muốn ba Đan nhín chút ít thời giờ, thay mặt
ông coi trong coi ngoài mấy sở của mình. Hai người kết thân và coi nhau như anh
em từ đó, chừng năm sau, mấy khu cao su chết, cây lớn lên tươi tốt, ngay hàng
thẳng tấp, bác Thuận đích thân đến nhà, gởi ba Đan một số tiền đền ơn nhưng ba
mẹ Đan không nhận, hai bác, không lần này cũng lần khác, mỗi khi có tiệc tùng,
có cúng quảy gì đó đều nhất định “một hai”
phải mời ba mẹ Đan cho bằng được, cũng không mấy lần ba Đan liệu đủ cách chối từ
nhưng đành phải tới một hai lần.
Xuống Sài Gòn, vào
đại học, thì sở cao su ở nhà, công nhân bắt đầu cạo mủ, chưa bao lâu thì trên tỉnh nhà, cộng sản tung quân rần rộ, từ
biên giới Miên qua, tấn chiếm vùng núi Bà Đen, tràn xuống chận đường quân sư
đoàn 25 VNCH từ ngoài tỉnh vào, họ đóng chốt ngay trong khu rừng sở cao su của
nhà Đan, hai bên đánh nhau ác liệt hết mấy ngày, không còn cách nào khác, không
quân VNCH cho oanh tạc cơ A 37 dội bom liên tục trong suốt mấy ngày liền, yểm
trợ cho bộ binh, tiến vào, rừng cao su của nhà Đan vô tình trở thành một bải
chiến trường nghiệt ngã, đạn đại liên, đạn súng đại bác từ mấy cái xe tăng, của
thiết giáp bắn nát không chừa một thứ gì, quân cộng sản bị đẩy lui ngược về hướng
sau núi, ngày trận đánh kết thúc, gần như hơn hai phần ba, không còn một cây
cao su nào còn nguyên vẹn, thân cháy đen, gãy ngang, xơ xác, tiêu điều, cái nhà
máy chứa mủ cũng bị sập hơn phân nửa, cảnh tượng không khác gì bị những cơn bão
dữ nào đó quét ngang, đứng từ ngoài đường nhìn vào từng hàng cây cao su, ba mẹ
Đan lặng thinh, không biết nói gì, chỉ sụt sùi quẹt nước mắt, lầm thầm, đời ông
quả là một phận đời “mưu sự tại nhân thành
sự tại thiên”, mà thật vậy, đời của ba Đan là một chuỗi đời từ thất bại nhỏ
tới thất bại lớn, dựng lên, sập xuống, trôi giạt kiếp người, cao nguyên gió núi
sông nước miền Tây, rốt cuộc vẫn là hai bàn tay trắng.
Về nghỉ tết, đêm
giao thừa năm Mậu Thân, quân cộng sản tấn công ào ạt vào tỉnh, lại một lần nữa
không may, nhà của Đan bị trúng đạn pháo của quân cộng sản từ hướng núi Bà bắn vào
tỉnh lỵ, sập xuống hơn hai phần ba, còn được cái chái phía sau tạm che nắng che
mưa, trời chắc cũng còn thương nên trong nhà, ba người không ai bị thương tích
gì, tiếng súng ngưng, trận chiến tàn, quân cộng sản thối lui, không chiếm được
tỉnh lỵ. Mấy ngày sau, tình hình tạm xem yên ổn, dân chúng tràn ra đường, người
chạy lên, kẻ chạy xuống, tìm hỏi bà con thân nhân ai còn ai mất, chuyện vợ chồng
chú bảy Kiên, lăng xăng lo lắng cho ba mẹ Đan thì không nói gì, đằng này, bác
Thuận trai cũng lái xe Honda ra thăm, nhìn căn nhà đổ nát lắc đầu không nói gì
khi theo ba Đan đi vòng quanh sau trước, ra về ông bắt tay ba Đan, buồn buồn “thôi chuyện để từ từ mình tính anh tư nghe”.
Nhờ sự giúp đở của hai ba anh công nhân cạo mũ của sở mình, hiện phải tạm nghỉ
việc, ở gần nhà, ba mẹ Đan đem mớ bàn ghế không bị hư, qua để bên nhà chú bảy
Kiên một thời gian, may mà còn được cái chái sau nên, cũng còn có chỗ ăn chỗ nằm,
có chỗ cúng kiếng ông bà, nhang đèn tạm qua ba ngày tết, một cái tết buồn thiu tẻ
nhạt.
Trước ngày thi cuối
năm vài tuần, gần ba bốn tháng, sau ngày vào học lại, thấy tình cảnh gia đình
túng quẩn, thương cho ba mẹ lo ngày lo đêm, Đan tìm được việc làm giữ kho những
ngày cuối tuần, cho công ty SAKIBOMI, làm bột mì, bên phường Rạch Cát, bến Bình
Đông, vừa học vừa làm, Đan về Tây Ninh thăm nhà theo chuyến xe đò Tân Nguyên
Thành đầu ngày, chiếc xe lôi máy ngừng lại trước nhà, chưng hửng, Đan ngồi thừ
trên xe một lúc rồi mới bước xuống trả tiền, chiếc xe bỏ đi lâu rồi, Đan vẫn
còn đứng một hồi lâu ngoài đường. Căn nhà được dựng lại hết từ trước cho tới
chái hiên sau, mái ngói nửa cũ nửa mới, cây ván, gạch đá, xi măng vẫn còn chất
từng đống, đầy ở một góc sân trước. Buổi chiều, trời chưa dịu nắng, ngồi ăn cơm
ngoài sau hè như những ngày mới dọn vể tỉnh, nhà cửa tạm rồi, nhưng nghe chuyện
qua chuyện lại, Đan thấy hình như ba mẹ mình vẫn còn có chút lo lắng gì đó, vui
không hẳn vui mà buồn thì cũng không hẳn là buồn.
Đêm trước ngày trở
xuống Sài Gòn, ba mẹ cho biết, hai bác Thuận cứ một hai muốn làm suôi gia với
ông bà, bảo Đan ghé qua nhà dưới Sài Gòn, thăm cho biết mặt con gái họ, Trúc,
hiện đang học đại học Sư Phạm, làm quen nhau đi rồi chuyện gì thì tính sau, ba
mẹ thấy quen nhau lâu rồi, hai bác Thuận cũng tốt, cái gì cũng “một anh chị tư hai anh chị tư”, chưa kịp
trả lời thì đã cho xe chở gạch chở ngói, cho người ùn ùn, tới dẹp dọn dựng cột
dựng tường, sửa lại nhà suốt cả tháng trời, ngày nào ông cũng có mặt, hỏi ba mẹ
được chưa, thêm cái gì nữa không, ba mẹ Đan trở tay không kịp, đành chịu phép,
nhà dựng lại xong, vợ chồng chú bảy Kiên qua chơi, khen lấy khen để, “tiếng một tiếng hai”, cám ơn bác Thuận
trai rối rít, cứ như là chuyện của mình.
Ba mẹ Đan ở vào thế
kẹt, nợ ơn đành mang, vã lại, nghĩ lại,
vốn dễ dạy từ ngày còn nhỏ và cũng phải tính tới chuyện có vợ có con, Đan chắc
không có gì phản đối, thêm nữa, đã gặp mặt Trúc, hôm hai bác Thuận đưa đến nhà
chào, khi cô từ Sài Gòn về chơi, thấy dễ thương, người xinh xắn, ăn nói dịu
dàng, nên cuối cùng, ba mẹ Đan, hứa là sẽ không để phụ lòng hai bác. Đan hiểu
tình cảnh gia đình mình, thương cho ba mẹ, trước tới nay, chưa từng ngửa tay nhờ
vã một ai, giờ lại lâm vào cảnh này, chưa tính tới chuyện chưa thấy mặt, biết
có thương được hay không, dù rất mến, rất trọng và biết ơn gia đình Trúc nhưng
cái ý tưởng trong đầu, của Đan, không ưa con nhà giàu, có từ những ngày còn ở lớp
ba lớp bốn trường làng, vẫn còn là quan niệm sống của mình, Đan ghét cái câu mà
anh đã thường nghe nhiều lần, “cái thằng
đó, sở dĩ được, giàu có, làm quan to ông lớn là nhờ vào gia đình vợ, chứ thân
nó có cái gì đâu”, cũng cùng một nổi khó như ba mẹ, Đan không dám từ chối hẳn
mà xin ông bà để từ từ rồi tính.
Để ba mẹ tạm yên
lòng, hôm về Tây Ninh thăm nhà, trước ngày chuẩn bị khăn gói xuống Sa Đéc thực
tập, Đan nhận lá thư và hai ba món gì đó, bỏ trong cái hộp giấy, không cột kín,
mà hai bác Thuận, nhờ ba mẹ đưa cho Đan mang xuống Sài Gòn, giao cho Trúc giùm,
hai bác cũng có ý là để Đan “xem mặt”
con gái của mình. Cầm gói đồ trên tay, cám ơn bà cụ mở cửa, xưng là ngoại, cho
biết Trúc vừa chạy mua gì đó, đã ân cần mời vào trong nhà, Đan đứng ngoài chờ, giữa
trưa, trên đường người xe một giòng đông nghẹt, trời nhiều mây hơn nắng, Trúc
đi đâu đó về tới, thấy có người lạ, bỏ vội cái xe Honda PC, ngay bên bực thềm,
bên hông nhà để xe, đi nhanh vào, Đan gật đầu chào, cả hai chưa kịp hỏi gì, thì
bà ngoại từ cánh cửa, để mở rộng, từ nãy giờ bước ra, cười “có cậu
này kiếm con, chờ lâu rồi, ngoại kêu vô mà không chịu vô đó” rồi bỏ vào
trong, Trúc đi trước làm dấu mời, tiếng còi chuyến xe lửa về miền Trung ra, từ
chợ Bến Thành, báo hiệu đóng cổng ngăn đường, phía ngang khúc Yên Đổ Hiền
Vương, rít lên inh ỏi, từng chập một, át hai tiếng “cám ơn” của Đan.
Trúc hồn nhiên, cười
luôn miệng rối rít cám ơn Đan đã mang đồ của nhà trên Tây Ninh gởi xuống, Đan
thì cám ơn hai bác Thuận đã giúp đở gia đình mình trong lúc túng quẩn, hỏi nhau
đôi chút loanh quanh về chuyện học chuyện hành, chuyện phố phường đường xá, chừng
đó rồi thôi, Đan chào từ giã, bà ngoại từ nhà sau đi lên, đứng sát bên Trúc hỏi
“đây là cậu Đan mà ba mẹ con nói đó hả”,
Trúc thẹn thùng, đỏ mặt dạ thật nhỏ, Đan chào bà lần nữa, đi ra,Trúc theo sau tới
cổng, bà ngoại nói vói theo “rãnh thì tới
chơi nghe con”, Đan khẻ gật đầu, không nhìn lại, trời vẫn cứ mây với mây,
những cụm mây lảng đảng buổi sang mùa, lững lờ che bóng nắng vào chiều, lẻ loi
đâu đó dăm ba chiếc lá úa khô vàng lác đác bay ngang, theo chiều gió nhẹ từ hướng
xa nào đó về, bất chợt một thoáng mưa đầu thu ghé ngang trên đường, lất phất
như bụi phấn, đội mưa trên đầu, Đan khuất ở góc ngã tư Lê Văn Duyệt lâu rồi, Trúc
vẫn còn đứng trước cổng nhìn theo, trong lòng có chút vui là lạ, ngồi trên xe
buýt về lại nhà trọ, nhìn mông lung bên đường, Đan tự hỏi mình “có nên gặp lại”.
Từ Sa Đéc, về Tây
Ninh đám giỗ ông nội, ngoài vợ chồng chú bảy Kiên và mấy người bạn quen hàng
xóm, ba mẹ cũng mời hai bác Thuận đến, có cả Trúc đi theo, vừa học xong, luôn
tiện chào từ giã ba mẹ Đan, nay mai xuống dạy dưới trường Lê Ngọc Hân, Mỹ Tho, sau
lần mang thư đến nhà của cô nàng dưới Sài Gòn hai người mới gặp lại, không như
những lúc chào hỏi qua loa cho phải phép trước đây, hôm đó cũng là lần mà Đan
nói chuyện với hai bác Thuận khá nhiều, Trúc cũng quanh quẩn bên mẹ bên thiếm bảy
và mấy cô thiếm khác, nói nói cười cười, bưng lên dọn xuống, bếp dưới bàn trên,
thỉnh thoảng hỏi qua hỏi lại với Đan vài câu, ở một góc nhà trên, mẹ Đan và bác
Thuận gái, nhìn qua nhìn lại, hết Đan rồi Trúc, gật gù nhỏ to gì đó. Ra về,
Trúc nấn ná phía sau hai bác Thuận, đi bên cạnh Đan, Trúc nói nhỏ “chừng nào xuống Sài Gòn, trước khi đi Sa
Đéc, anh Đan ghé qua nhà Trúc chơi nghe”, Đan gật đầu nhưng không dám hứa
chắc. Hôm đó, cũng bữa cơm chiều ngoài sân sau, Đan nói ra những gì mình nghĩ về
chuyện anh và Trúc, anh đành phụ lòng ba mẹ, ông bà ngồi nghe, trầm ngâm không hỏi
thêm hỏi bớt, bữa cơm xong muộn hơn mọi lần, mẹ Đan có vẻ buồn buồn, không giận,
nhắc đi nhắc lại “Trúc nó nói nó thương
con từ bữa mới gặp dưới Sài Gòn”, rồi bỏ lửng.
Đan nói chừng đó rồi
bỏ lửng, giống cái bỏ lửng của mẹ anh, lúc xong bữa cơm chiều ngày giỗ nội,
Trúc ngồi lặng thinh nghe, nhìn mông lung qua khung cửa sổ, ngoài kia trời Sài
Gòn giờ đã giữa thu, nắng vẫn cái nắng pha chút hơi lạnh, mưa cũng những cơn
mưa buồn vui đi về bất chợt, lá thu khô vàng rụng đầy bai bên đường Phan Thanh
Giản, có chút gió lướt qua, lá chết trở mình đuổi theo giòng người hối hả đi,
giữa ráng chiều đang chầm chậm xuống, Đan đứng dậy từ giã, quay nhìn Trúc nói
nhỏ “xin Trúc hiểu cho”,Trúc không
đưa ra cổng như lần trước, đứng tựa cửa nhìn theo, như trốn chạy Đan cúi mặt,
bước thật nhanh, ở góc Hiền Vương Yên Đổ, cũng tiếng còi réo vang nghe như có
cái gì đó nhói đau, đau dằn dặt, Trúc bật khóc. Kéo ngăn hộc tủ, thu mình trong
một góc phòng, lẳng lặng ngồi đọc lại lá thư gởi cho Đan, viết chừng mấy ngày
nay, một lần nữa và có lẽ là lần cuối, Trúc đốt tờ thư giấy màu xanh lá cây hy
vọng mà cô đã nâng niu từng hàng chữ một, mắt đỏ hoe, rấm rứt “thôi thì vĩnh biệt”, vĩnh biệt chút tình
đầu vừa chớm, hai người không gặp lại nhau từ đó. Bải trường năm sau, nghe lời
gia đình, Trúc bằng lòng lập gia đình với Trân, đại úy bộ binh, đang là chi khu
phó chi khu Cần Đước, Long An, con trai lớn của người bạn đạo ở tòa thánh với
hai bác Thuận, không may, Trân bị phục kích chết trên đường đi thăm một phân
chi khu khá xa, về hơi trễ, khi ngang qua khoảng “đám lá tối trời” mấy hôm, trước ngày đưa “ông táo” năm đó không bao lâu.
*
Từ nghĩa trang về tới
nhà, trời lấp xấp chiều, Trúc kêu cửa, Đan đứng sau chờ, một lần nữa, Sài Gòn cũng
lại vào thu giữa mùa, sân trước nhà vẫn vậy, cũng ngập lá khô một màu úa vàng
như lần đầu Đan đến, cũng những bậc thềm lác đác đá rong rêu, cửa mở, bà ngoại bước
ra, mắt tròn xoe nhìn Đan chưng hửng “Đan
hả, bận lắm sao lầu rồi không ghé qua chơi vậy con”, Trúc cười nhẹ quay lại
sau, Đan gật đầu, chưa biết trả lời sao hơn là tiếng “dạ” thật nhỏ. Cũng trong căn phòng cũ, chiều hôm đó, hai người có
nhiều chuyện nói cho nhau nghe hơn là lần trước, chuyện Trúc thương Đan nhưng
tiếc đã không dám nói ra, chuyện chôn kín nổi lòng của người đi bên cạnh cuộc đời,
chuyện Đan cũng thương Trúc nhưng cái lập trường “ghét nhà giàu”, vướng mắc, rồi gì gì đó, chừng như đủ cho cả hai, bỏ
những cái buồn vương mang khắc khoải theo đời lại sau lưng, để không còn cái “chỉ riêng mình hiểu”, theo ra cổng, Trúc
tiễn Đan về nhà trọ bên nhà người em bạn dì của thiếm bảy Kiên, để sáng mai trở
xuống Chương Thiện, không như ngày đó, Đan nấn ná bước tới bước lui, chưa chịu
bỏ đi, hẹn chắc chắn sẽ gặp lại nhau, Trúc nhìn theo cười muốn khóc, thoáng
chút gió lẻ bạn tạt về ngang bên đường, vài ba chiếc lá chết tiếc nuối đời, cuốn
quấn quit bên chân, Đan quay lại vừa vẫy tay, vừa chợt biết, trái tim đã ngủ
quá lâu của mình đang trở mình thức muộn.
Đan kéo cao cổ áo,
bước ra sân sau, sáng rựng, có chút mặt trời hé lên đâu đó nhưng chưa đủ ấm, mấy
cây vú sửa già ở góc sân cuối rào vẫn tàn lá um tùm, che kín nắng, gần hai năm,
từ ngày xuống Chương Thiện, về thăm nhà vài ngày lần này, ba Đan vui nhiều,
cũng nhờ hai bác Thuận một tay, cái sở cao su nhà, được gom lại vài mẫu, còn lấy
mủ kha khá, ít nhất, đã có được chút đỉnh tiền ra tiền vô, không uổng công ông gần
hơn hai phần ba đời chỉ toàn là thất bại, đi qua đi lại, tìm bóng nắng chưa mấy
bước, có tiếng mẹ trong nhà gọi vọng ra.
Hai cha con từ
trong nhà ra, ngoài sân bác Thuận trai đi trước, bác gái và Trúc theo sau, nói
nói cười cười, Đan chưng hửng nhìn, mấy ngày trước, anh có nhắn với Trúc là thứ
bảy hôm qua về Tây Ninh vài ngày, hẹn sẽ ghé xuống trường dưới Mỹ Tho thăm trên
đường trở lại Chương Thiện, hai bác theo ba Đan vào nhà, phía sau, đi bên nhau,
nắm tay Đan bấm nhẹ, Trúc mĩm cười “về
đây gặp anh, gặp cả nhà vui hơn là ở dưới Mỹ Tho chờ ngày này ngày kia nóng ruột
chết”, bỏ bác Thuận trai và ba Đan nói chuyện với nhau trên phòng trên,
Đan, Trúc và bác gái, kéo nhau xuống phụ mẹ Đan dưới nhà bếp, làm cơm trưa, tiếng
cười nhiều hơn tiếng nói.
Ra về, đứng chờ đón
xe lôi máy, bác trai Thuận, nhắc đi lắc lại với ba Đan “chừng nào, anh tư cứ nói cho tôi biết, càng sớm càng tốt, tùy anh chị,
anh chị tính sao thì hai vợ chồng tôi tính vậy”, bác gái nhìn Đan và Trúc, đang
thì thầm với nhau, không nói gì hết, thấy vui. Xe lôi đến, trước khi lên, bác
Thuận trai, lại gần bên, vỗ nhẹ vai Đan, nhoẻn miệng cười “thôi bác về nghe ông phó”, Đan cúi đầu chào “dạ con không dám”, nắng lên rực đỏ từ nãy giờ, Đan vẫn còn đứng
ngoài đường, xe chạy khuất một khoảng xa rồi, bỏ lại sau lưng một thoáng mù bụi
đỏ, từ trong sân nhà nhìn ra, mẹ Đan cười, một nụ cười trọn vẹn.
Thuyên Huy
Hobart Chờ Thu tàn 2016
No comments:
Post a Comment