Wednesday, March 15, 2017

Phân Tích Bài Thơ "Quân Trung Tác" Của Trần Nguyên Đán - Nguyễn Cang


PHÂN TÍCH BÀI THƠ "QUÂN TRUNG TÁC" CỦA TRẦN NGUYÊN ĐÁN

 

 
 
Nguyên tác:   Phiên âm:

  
軍中作           Quân trung tác

平生不願執金吾   Bình sinh bất nguyện chấp kim ngô,

談笑油幢豈遠圖   Đàm tiếu du chàng khởi viễn đồ?

悅目風光何處有   Duyệt mục phong quang hà xứ hữu?

欺天心術一生無   Khi thiên tâm thuật nhất sinh vô

三春啼血鵑聲斷   Tam xuân đề huyết quyên thanh đoạn,

萬里歸心桂影孤   Vạn lý qui tâm quế ảnh cô.  

坐待師徒歌奏凱   Toạ đãi sư đồ ca tấu khải,

南窗枕玉伴青奴  Nam song chẩm ngọc bạn thanh nô.

 

陳元旦          Trần Nguyên Đán

 

Chú thích từ ngữ:

 
:(tác)làm. Quân trung tác: Làm trong quân(trại lính).

不願:(bất nguyện)không muốn.
: (chấp) cầm, giữ.
金吾: (kim ngô) loại chim thần thoại xưa dùng đuổi tà ma chướng khí, hoặc những điều bất hạnh.

執金吾: (chấp kim ngô) chức quan tuần bộ, đời nhà Hán, khi vua đi kinh lý, quan tuần bộ dọn đường đi trứơc, tay cầm gậy sơn đỏ trên đầu có khắc chim kim ngô, giữ gìn an ninh trật tự trên đừơng vua đi qua. Nguyên thủy chỉ chức tướng chỉ huy Cấm quân bảo vễ kinh thành.

油幢:(du chàng)màn che cửa tẩm dầu, đặt trong doanh trại,nơi làm việc của các tướng.

:( khởi) há . Còn có âm "khải": vui mừng.
悅目: (duyệt mục) đẹp mắt.
: (khi) lừa dối.

: (tâm)là lòng; : (thuật) là kỹ thuật, phưong pháp làm ăn.
心術: (tâm thuật)là cách làm việc của tâm, ý muốn.
:( đề) kêu .
:(đoạn) đứt
:( đãi) chờ , đợi.
師徒:( sư đồ)quân đội.
:(chẩm) cái gối.
青奴:(thanh nô) chiếu trúc.

Dịch nghĩa

 
Bình sinh chẳng nguyện gì chức Chấp kim ngô,

Cười nói sau tấm màn quang dầu, đâu phải là kế lo xa (của ta)?

Chỗ nào còn cảnh tượng đẹp mắt?

Đời ta không có lòng dối trời,

Ba xuân kêu ra máu, tiếng quyên đã dứt,

Muôn dặm, lòng muốn quay về, bóng trăng lẻ loi.

Ngồi chờ quân lính trở về hát khúc khải hoàn,

Tựa gối ngọc làm bạn với chiếu trúc, nơi cửa sổ phía nam.

 
Tóm tắt tiểu sử tác giả:( Xin ghi lại tóm tắt tiểu sử tác giả để tìm hiểu xuất sứ bài thơ kể trên ).

    Trần Nguyên Đán 陳元旦(1325-1390), cháu bốn đởi của Trần Quang Khải, nhạc phụ của Nguyễn Phi Khanh, ngoại tổ của Nguyễn Trãi. Hiệu là Băng Hồ (冰壼), quê ở thôn Tức Mặc, phường Lộc Vượng, tỉnh Nam Định. Vốn dòng tôn thất, lại thông minh đức độ nên Trần Nguyên Đán được bổ đi làm quan rất sớm. Năm 1370 ông cùng các hoàng tử Trần Phủ, Trần Kính và công chúa Thiên Ninh tổ chức lực lượng lật đỗ Dương Nhật Lễ (楊日禮, 1369-1370) lấy lại ngôi vua cho nhà Trần. Vì có công trong việc lật đổ Dương Nhật Lễ nên ông được phong làm Tư Đồ Phụ Chính. (Dương Nhật Lễ là vua Việt Nam trong thời nhà Trần, là người kế vị vua Trần Dụ Tông, ở ngôi từ ngày 15 tháng Sáu năm Kỷ Dậu 1369 đến ngày 13 tháng 11 năm Canh Tuất 1370, thì bị Cung Định Vương Trần Phủ truất ngôi).

 
Xuất xứ :

 
Trần Nguyên Đán là một quan văn, nhưng ông lại hiểu biết nhiều về địa lý, quân binh nên được chọn tham gia kế hoạch lật đỗ Dương Nhật Lễ.

Phải chăng bài thơ nầy được sáng tác trong trường hợp ông nằm tại "Bộ chỉ huy" đợi tin chiến thắng đưa về? Trường hợp thứ hai ta thấy hợp lý hơn, ông sáng tác trong lúc đi tuần, dẫn binh lính qua các địa phương xa kinh đô . Ông dừng quân, đóng tại đầu làng chờ báo cáo kết quả về việc truy lùng giặc cướp nổi lên. Khi triều đình mở chiến dịch hành quân truy lùng các phần tử trong những cuộc biền loạn cầm đầu bởi Ngô Bệ, Nguyên Đán đựợc đề cử tuần tra một một khu vực nhất định. Dân nổi loạn do đói kém mất mùa, họ tránh đụng độ với quan binh triều đình. Không thấy ghi lại một cuộc đụng độ nào.Trong khi Phạm Sư Mạnh đi tuần tra hoặc tảo thanh khu vực phía Đông Bắc- Tây Bắc thì Trần Nguyên Đán đi tuần tra khu vực duyên hải.

Cuộc hành quân nhàn nhã của ông không mang tính chất khốc liệt với kẻ thù phương bắc hay với kẻ địch khó chịu phương Nam là Chiêm Thành mà mỗi khi nhắc đến vua tôi nhà Trần không khỏi sa nước mắt.

 
Phân tích và những lời bình :

 Đây là bài thơ thất ngôn bát cú, luật bằng vần bằng.

Hai câu đề:(1&2)
平生不願執金吾   Bình sinh bất nguyện chấp kim ngô,
談笑油幢豈遠圖   Đàm tiếu du chàng khởi viễn đồ.

Ngay từ hai câu mở bài tác giả đã khẳng định mình theo đuổi công damh sự nghiệp là để được giúp dân giúp nứơc chứ không phải chỉ để nhận cái chức nhỏ nhoi "Chấp kim ngô" nầy. Hơn nưã ông cũng không muốn dấn thân vào chốn binh đao nhận lãnh chức tước quân sự mà chỉ muốn làm một quan văn mà thôi. Cho nên hôm nay có ngồi trong doanh trại, nói cười bàn việc hành quân, thì đó không phải là chuyện lâu dài cho tương lai ta đâu.

 
Hai câu thực: (3&4)
悅目風光何處有   Duyệt mục phong quang hà xứ hữu?
欺天心術一生無   Khi thiên tâm thuật nhất sinh vô.
Nhiệm vụ ngày đêm canh gác hoặc truy lùng những kẻ làm loạn hay những đứa cầm đầu băng đảng ta đây chán lắm rồi. Ta muốn tìm nơi quang đản, cảnh đẹp tuyệt vời để ngắm thiên nhiên. Bạn có biết nơi nào đẹp như thế không để ta tới ngắm cho thỏa lòng ước mơ.
Để chứng minh mình nói thật, ông thề rằng ông không dám nói dối với đất trời. Ta thấy trong lòng ông như có cái gì thôi thúc, muốn tìm về? Về đâu? Phải chăng ông muốn về quê cũ, sống quảng đời thầm lặng bên suối Miết Thủy, núi Lân Phong?


 
Hai câu luận:(5&6)

三春啼血鵑聲斷   Tam xuân đề huyết quyên thanh đoạn,
萬里歸心桂影孤   Vạn lý qui tâm quế ảnh cô.

Tiếng chim quyên kêu ai oán suốt ba xuân nay đã dứt. Tác giả lo lắng bồn chồn vì mình vẫn còn xa nhà, xa kinh đô, không biết bao giờ trở lại. Một mùa mới bắt đầu, mà ta vẫn còn đây, đời ta sẽ ra sao? Muôn dặm lòng muốn về, nhìn trên trời cao chỉ thây vầng trăng quạnh quẽ. Trăng lẻ loi chỉ sự cô đơn cùng cực , biết ai tâm sự, còn ai chung đường về? Tâm tư u hoài, bứt rứt khôn nguôi.

Câu:"Vạn lý quy tâm quế ảnh cô" là một biện pháp tu từ ẩn dụ thật đặc sắc. Tác giả mượn hình ảnh ánh trăng treo lơ lửng để nói lên nỗi cô đơn của mình.Bút pháp nầy được các nhà thơ Trung Quốc cũng như Việt Nam sử dụng thường xuyên trong văn chương cổ điển cũng như văn chương hiện đại, một cách tài tình.

Chẳng hạn nhà thơ Đỗ Phủ 杜甫 (712-770)làm quan thời Thịnh Đường (756-759), lúc bị kẹt ở Trường An( một địa danh kinh đô Đường,lúc đó An Lộc Sơn làm chủ tình hình nơi nầy), ông nhìn trăng thương nhớ về Phu Châu nơi vợ con, cha già đang mòn mỏi đợi chờ:

Kim dạ Phu Châu nguyệt

Khuê trung chỉ độc khan

Dao liên tiểu nhi nữ

Vị giải ức Trường An.

(Nguyệt dạ/ Đỗ Phủ)

(Tạm dịch:

Đêm nay trăng sáng tại Phu Châu

Người trong phòng the chỉ một mình ngắm trăng

Xa xôi thương đứa con gái nhỏ

Có biết đâu nỗi nhớ từ Trường An vọng về gia đình .

(Đêm Trăng/ Đỗ Phủ)

 
Hai câu kết :(7&8)


坐待師徒歌奏凱   Toạ đãi sư đồ ca tấu khải,
南窗枕玉伴青奴。  Nam song chẩm ngọc bạn thanh nô.
Trở về với thực tế , ông đang chờ đợi kết quà cuộc hành quân tảo trừ bọn lục lăng thảo khấu hoặc nhóm băng đảng làm loạn. Ông tựa mình lên gối ngọc với tư thế nhàn nhã, không nôn nóng,
chẳng cấp bách. Điếu nầy chúng tỏ đây là một cuộc hành quân nhỏ có tánh cách địa phương, nó khác hẳn với cuộc hành quân quy mô của tướng Phạm Ngũ Lão đời nhà Trần,tiêu diệt quân Nguyên. Phạm Ngũ Lão, chữ Hán: 范五老; 12551320, là danh tướng nhà Trần trong lịch sử Việt Nam .

Ông lập nhiều chiến công hiển hách trong công cuộc kháng chiến chống quân Nguyên. Lần thứ nhất diệt hạm đội Toa Đô , lần thứ hai diệt đại quân của Thoát Hoan ở ài Nội Bàng. Ba lần thắng giặc Ai Lao và một lần đánh thắng Chiêm  Thành, làm quan tới chức Điện Súy Thượng Tướng Quân tước hiệu Chiêu Cảm Đại Vương.
Mời quí bạn thưởng thức bài Thuật Hoài của Phạm Ngũ Lão để thấy tinh thần yêu nước và khí thế chống giặc xăm lăng của ông qua bài thất ngôn tứ tuyệt:Đây là bài thơ Đường luật viết bằng chữ Hán, không rõ thời điểm sáng tác, thể hiện "chí khí lập công giúp nước của tác giả"):

述懷
橫槊江山恰幾秋
三軍貔虎氣吞牛
男兒未了功名債
羞聽人間說武侯。
Phiên âm Hán-Việt:

Thuật hoài
   


Hoành sóc giang sơn cáp kỷ thu,
Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu.
Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.

Dịch nghĩa:

Tỏ lòng
   

Cắp ngang ngọn giáo gìn giữ non sông đã mấy thu,

Ba quân như gấu hổ, khí thế hùng dũng át cả sao Ngưu

Thân nam nhi nếu chưa trả xong nợ công danh,

Thì nên hổ thẹn khi nghe người đời kể chuyện Vũ hầu.

 
Dịch bằng thơ:

Tỏ lòng
   

Múa giáo non sông trải mấy thu

Ba quân hùng khí át sao Ngưu.

 Công danh nam tử còn vương nợ,
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu.

    
(Bùi Văn Nguyên)

Trở lại thơ văn của Trần Nguyên Đán, ta nhận thấy thái độ của ông khi nhận chức vụ mới, thật khác với nhũng người cùng thời.

Cùng với Phạm Sư Mạnh,người tỏ ra hứng khởi và nhớ ơn vua khi được đề cử chức vụ cao, thì Trần Nguyên Đán lại tỏ ra buồn bã, thờ ơ,và cô đơn trong cuộc sống kém thanh lịch. Nhìn đồng liêu bon chen tìm kiếm quyền lực, lợi nhuận, ông đâm chán nản, chẳng màng lệnh vua khi xông pha ra ngoài tuần tiểu.Thái độ và quan niệm nầy gây bất lợi cho bản thân ông về sau dưới đời vua Nghệ Tông. Chiến thắng đám dân đen nghèo đói nổi lên làm loạn, đối với ông chẳng danh dự gì cũng chẳng hứng thú chi.Từ thực tế trên, ông khẳng định, không dối lòng , rằng ông muốn xin giải ngũ  về nhà. Ý muốn về nhà lại nổi lên làm tăng thêm, trong một bài thơ cùng loại "Quân trung hữu cảm"(軍中有感),  nỗi cô đơn trong lòng ông. Xin trích đoạn sau đây bài thơ nầy:

操戈持筆片雲身
屈指辭家恰十旬
報曉黃雞驚旅夢
催歸杜宇送殘春。

Phiên âm Hán Việt:

Thao qua trì bút phiến vân thân
Khuất chỉ từ gia cáp thập tuần
Báo hiểu hoàng kê kinh lữ mộng
Thôi qui đỗ vũ tống tàn xuân.
Dịch nghĩa:
Mang gươm, cầm bút, thân như đám mây,
Bấm đốt ngón tay, xa nhà vừa đúng mười tuần,
Báo bình minh, gà vàng gáy sáng, làm kinh giấc mộng đất khách,
Chim cuốc giục về, đưa tiễn tiết xuân tàn.

Dịch thơ "Quân Trung Tác" của Trần Nguyên Đán:

  
Làm Thơ Trong Doanh Trại

Chức Chấp kim ngô có muốn đâu
Lo xa không ở trướng quang dầu
Phong quang đẹp mắt tìm đâu thấy
Dạ chặt, trời cao, chẳng dối nào
Máu rỏ, ba xuân, quyên gọi thảm
Lòng về, muôn đặm, bóng trăng cao
Khải hoàn chiến thắng ta rời ngũ
Gối ngọc chiếu tre mình bạn nhau.


Nguyễn Cang (7/3/2017)

 

  

 

 

 

No comments: