Quốc Lộ 1, từ tháng 7, 1954
Khoảng tháng 6 và tháng 7 năm
1954, mẹ tôi lo ngại sẽ có nổ súng ở Hà Nội nên ngay khi niên học vừa dứt, bà
bảo con phải tạm rời thủ đô về quê nhà ở Ðồng Văn một thời gian xem sao. Ðây là
một thị trấn cách Hà Nội 47 cây số về phía Bắc, cách Phủ Lý 11 cây số về phía
Nam, tính theo cột mốc trên Quốc Lộ 1. Thị trấn Ðồng Văn một nửa là làng, nằm ở
phía trái con đường cái quan, một nửa là dãy phố chính, phố trên gồm nhà ga và
bến xe hàng, có cả nhà hát cô đầu, phố dưới tọa lạc ngôi chùa Ðổng Kính vượt
cao trên một ngọn đồi cây cối um tùm, có cây đại già cỗi đến hơn ba trăm năm do
hai công chúa nhà Lê gieo trồng lúc khánh thành chùa, năm 1665.
Gia đình chúng tôi có một ngôi
nhà ở trong làng, nơi ông nội là Cụ Tú Ðồng Văn ngồi dạy học chữ Nho, và một
ngôi nhà ờ ngoài phố, nơi mẹ tôi làm đại lý muối cho cơ sở sản xuất muối tại
bãi bể Vạn Lý. Tôi lớn lên nửa quê nửa tỉnh, mười ba tuổi có chiếc xe đạp
peugeot dura nên hầu như ít khi ở nhà. Năm trước sau niên học ở Chu Văn An thì
đi học tư khóa hè ở trường Dũng Lạc, mùa hè 1954 về quê tôi phải đi học khóa hè
ở mãi trung học Phủ Lý, từ nhà tới trường mất 20 phút đạp xe nếu con đường cái
quan không bị xẻ ra từng mảnh, vừa như những cái hố để tránh phi cơ oanh tạc,
thực tế là không cho xe hơi chạy tự do như lúc thời bình. Mặt đường đá xanh lởm
chởm, vòng bánh xe đạp lỡ lăn qua hòn đá, có thể ngã quật xuống mặt đường, nguy
hơn nữa là ngã nhào xuống hố tăng-xê. Hố đào ở cả hai phía ngược xuôi của quốc
lộ, gọi là đường đào chữ chi – một chữ Nho có dạng tương tự chữ Z của chữ Latin
– xe lớn như xe vận tải nhà binh phải lăn bánh vòng vèo gấp khúc mà chạy, không
thể nào chạy thẳng.
Chính trên con đường cái quan
ấy, bọn thiếu niên thị trấn Ðồng Văn đã sống một mùa hè 1954 say mê, nhất là
trong những đêm trăng. Ðêm vừa xuống, dưới ánh trăng trong, trên khúc đường gần
chùa Ðổng Kính, cả chục đứa trẻ chia làm hai phe chơi trận giả, một bên là lính
lê dương, giặc Pháp, một bên là người yêu nước can trường. Cuộc chơi ghi dấu
nhiều hào hứng trong tôi, bốn chục năm trước đã sống lại trong một bài thơ nhân
vì tác giả khi đóng vai Vệ Quốc Quân bảo vệ non sông tình cờ gặp lại cô bạn nữ
cứu thương đêm tập trận, lúc nàng băng bó vết thương cho chàng:
Viên Linh:
Y chăn trâu đến năm mười tuổi
Thả diều trên cánh đồng làng
Chẳng bao giờ là con địa chủ
Cũng mò cua bắt ốc – nướng ăn
Cũng nghe lời xui của lũ mục đồng
Ðập chết vịt nhà nhổ lông quét bùn
Vùi tro làm vịt hầm
Hể hả chuyền nhau xé ăn cùng chai rượu lậu
Mua từ hàng chú khách trên ga
Thả diều trên cánh đồng làng
Chẳng bao giờ là con địa chủ
Cũng mò cua bắt ốc – nướng ăn
Cũng nghe lời xui của lũ mục đồng
Ðập chết vịt nhà nhổ lông quét bùn
Vùi tro làm vịt hầm
Hể hả chuyền nhau xé ăn cùng chai rượu lậu
Mua từ hàng chú khách trên ga
Giữa những hoàng hôn
Thày y
Tom chát trong nhà cô đầu phố Thượng.
Y biết chơi trận giả
Làm Việt Minh một tối, tối khác làm Tây
Ðánh vùi ven dốc chùa nhà
Ðôi khi xưng đầu tét trán
Nhưng một đêm trăng nọ
Nhảy tòm xuống hố cá nhân
Lỡ ôm nhằm cô nàng đeo băng hồng thập tự
Thày y
Tom chát trong nhà cô đầu phố Thượng.
Y biết chơi trận giả
Làm Việt Minh một tối, tối khác làm Tây
Ðánh vùi ven dốc chùa nhà
Ðôi khi xưng đầu tét trán
Nhưng một đêm trăng nọ
Nhảy tòm xuống hố cá nhân
Lỡ ôm nhằm cô nàng đeo băng hồng thập tự
Y biết thế nào là chuyện yêu đương
Vào năm mười ba mười bốn
Với người thôn nữ mười lăm.
Vào năm mười ba mười bốn
Với người thôn nữ mười lăm.
Có gặp lại em cách đây một độ
Em nuôi cút lời, làm patin lỗ
Nhìn nhau than thở liên hồi
Háy nhau lúc chia tay
Mấy vợ mà sao ốm dữ.
Em nuôi cút lời, làm patin lỗ
Nhìn nhau than thở liên hồi
Háy nhau lúc chia tay
Mấy vợ mà sao ốm dữ.
Em ơi y làm thơ viết truyện
Lại còn làm báo văn chương…
(Lời Nôm Gửi Em Hoa)
Lại còn làm báo văn chương…
(Lời Nôm Gửi Em Hoa)
Khoảng Tháng Bảy, không biết
từ đâu ra, nhiều đứa không phải là học sinh trường làng, mặt mũi khác lạ, nhập
bọn với chúng tôi bằng cách cứ tự động nắm lấy tay nhau, cười với nhau, và một
mặt chơi trận giả, mặt khác dạy cả bọn nhảy nông-tác-vũ. Như cái tên, đó là
“điệu nhảy làm ruộng.” Nông tác vũ rất khích động, đặc biệt khi nhảy phải giậm
chân xuống mặt đất thật mạnh. Nhảy làm sao phải nghe tiếng thình thịch thật
hung, chính những tiếng giậm chân ấy làm cho máu trong người nóng bừng, và cả
bọn say sưa hát những lời không biết ai dạy từ bao giờ: bài hát dĩ nhiên ca
ngợi những người không những của nước mình, mà còn ca ngợi lãnh tụ các nước anh
em như Mao Trạch Ðông, Kim Nhật Thành, Malenkov, Stalin, Engel, Lenine… Bọn
thiếu niên không hiểu rằng chúng được cổ võ nhảy múa suốt đêm trên quốc lộ,
càng về khuya càng tốt, là có mục đích canh chừng, ngăn trở và mỉa mai những
người bỏ làng di cư vô Nam, nhất là đồng bào Công Giáo các tỉnh Bùi Chu, Phát
Diệm, Nam Ðịnh, Thái Bình, càng ngày đi càng đông, đúng ra là càng đêm con số
càng nhiều: gồng gánh mọi thứ, đội trên đầu và mang trên vai, nhiều người gánh
cả con nít, chúng ngồi hay nằm trong lòng hai cái thúng do người lớn gánh. Họ
lầm lũi đi, không nói không cười, không trả lời ai, họ đi bộ vài trăm cây số từ
quê xa để đi về phía hải cảng Hải Phòng, để lên tầu vô Nam. Họ biết trước đất
nước sắp chia hai, nếu ở lại, họ sẽ là mục tiêu cho các cuộc đấu tố, hành hình,
bị đánh chết tại chỗ trong các kế hoạch cải cách ruộng đất, diệt tư sản, là nạn
nhân không cách nào thoát khỏi của phong trào “đào tận gốc, trốc tận rễ” các
thành phần “trí phú địa hào” của Việt Minh Cộng sản. [Trí thức, nhà giàu, địa
chủ, cường quyền, phải tiêu diệt tới ba đời.]
“Nhìn các người đi bộ dọc
đường với thúng mủng trên đầu và con trẻ chạy bên cạnh hay cõng trên lưng, Mai
[một nhân vật] tự hỏi phải chăng họ sẽ đi bộ suốt cho đến cảng [Hải Phòng]?
Trong đời cô, Mai chưa bao giờ thấy nhiều người ta như thế. Ở Hải Phòng ai cũng
muốn đi Nam, mặc dù họ chẳng có một ý niệm gì về nó. Ða số là dân quê, vì phần
lớn dân khá giả ở thành phố đã đi bằng máy bay rồi.” (Hoàng Thị, Lũy Tre Xưa,
truyện ký, NXB Người Dân, Calif.)
“Chị duy trì ý định là cả nhà
phải đi Nam.
-Thưa Mợ, với thành phần của
mình, mình không thể ở lại đây… Mình không còn lựa chọn nào nữa, mà phải đi. Mợ
đã nghe tất cả về việc đấu tố địa chủ ở Khu Tư rồi.
-Mình có làm gì ác đâu. Mình
đối đãi tốt với tá điền, thì làm sao họ lại tố cáo mình? Hơn nữa có cả trăm
ngàn địa chủ, họ có giết hết được không?
-Họ sẽ giết. Con chắc họ sẽ
giết, Mợ ơi!
Chị trả lời, có lẽ chị nghĩ
đến những gì đã xảy ra ở bên Nga, bên Tàu, sau khi “cách mạng” của họ thành
công.” (sách đã dẫn).
Tố Hữu:
Bần cố nông như lông với cánh
Cánh không lông dù mạnh khó bay
Nông dân có đảng phóng tay
Ðấu cho văng máu tan thây kẻ thù
…
Còn hẹn với anh Hồng Quân yêu quý:
Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong
Cho Ðảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng
Thờ Mao chủ tịch, thờ Sít-ta-lin bất diệt.
Cánh không lông dù mạnh khó bay
Nông dân có đảng phóng tay
Ðấu cho văng máu tan thây kẻ thù
…
Còn hẹn với anh Hồng Quân yêu quý:
Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong
Cho Ðảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng
Thờ Mao chủ tịch, thờ Sít-ta-lin bất diệt.
(Trích từ Trần Thanh Nguyên, Tố Hữu và các nhà
văn thơ vô sản, NXB Mùa Lúa Mới, Trung Việt, 7, 1955, trang 10)
Xuân Diệu:
Anh em ơi, quyết chung lưng
Ðấu tranh tiêu diệt tàn hung tử thù
Ðịa hào đối lập ra tro
Lưng chừng phản động đến giờ tan xương
Thắp đuốc cho sáng khắp đường
Thắp đuốc cho sáng đình làng đêm nay
Lôi cổ bọn nó ra đây
Bắt quỳ gục xuống đọa đày chết thôi.[…]
Muốn sống cho khỏi sống thừa
Mau mau giảm tứ giảm tô rõ ràng
Nhược bằng bay cứ khăng khăng
Bày choa quyết đấu cho tan chúng mày
Bày choa thắp đuốc đêm nay
Ðấu cho nát mặt vỡ mày chúng ra.
(sđd, trang 16)
Ðấu tranh tiêu diệt tàn hung tử thù
Ðịa hào đối lập ra tro
Lưng chừng phản động đến giờ tan xương
Thắp đuốc cho sáng khắp đường
Thắp đuốc cho sáng đình làng đêm nay
Lôi cổ bọn nó ra đây
Bắt quỳ gục xuống đọa đày chết thôi.[…]
Muốn sống cho khỏi sống thừa
Mau mau giảm tứ giảm tô rõ ràng
Nhược bằng bay cứ khăng khăng
Bày choa quyết đấu cho tan chúng mày
Bày choa thắp đuốc đêm nay
Ðấu cho nát mặt vỡ mày chúng ra.
(sđd, trang 16)
Lưu Trọng Lư:
Bồ tôi nặng gánh ra đi
Dân công tiền tuyến, hướng về đồng xanh
Xã nhà phát động đấu tranh
Giật giành quyền lợi rành rành cho dân
Quân phú địa trăm phần ngoan cố
Cố bần nông quật ngã đè lên […]
Ðấu cho tan nát mặt lì
Ðấu cho mất xác, của về tay ta!
Phản động ta đánh ra ma
Ðánh luôn phú địa gian ngoa gục đầu.
Tháng ngày thù hận vùi sâu
Nợ máu phải trả lút đầu mới thôi!
Dân công tiền tuyến, hướng về đồng xanh
Xã nhà phát động đấu tranh
Giật giành quyền lợi rành rành cho dân
Quân phú địa trăm phần ngoan cố
Cố bần nông quật ngã đè lên […]
Ðấu cho tan nát mặt lì
Ðấu cho mất xác, của về tay ta!
Phản động ta đánh ra ma
Ðánh luôn phú địa gian ngoa gục đầu.
Tháng ngày thù hận vùi sâu
Nợ máu phải trả lút đầu mới thôi!
Từ những bài văn vần phát động
cuộc đấu tố địa chủ, chính Tố Hữu và Xuân Diệu đã trực tiếp tham dự những cuộc
phát động “tiêu diệt kẻ tử thù” điển hình. Năm 1954, Tố Hữu ra lệnh tập trung
văn nghệ sĩ tại Thái Nguyên, trịnh trọng tuyên bố qua máy phóng thanh “tất cả
mọi con đường đều dẫn tới cộng sản chủ nghĩa,” “tiến lên, tiêu diệt bọn địa chủ
và tiêu diệt bọn trí thức lưng chừng. Tất cả cho Ðảng!”
Mặt khác, Xuân Diệu cũng trực
tiếp tham dự trận đấu tố và xử tử bà quả phụ Cát Hanh Long ở Ðồng Bẩm, Thái
Nguyên, trận đấu tố mở màn cho cả phong trào giết địa chủ, “ít nhất mỗi làng
phải giết 10 người như lệnh của Bắc Kinh, nhưng Hà Nội đã năn nỉ hạ con số
xuống một nửa,” như những tin tức hồi đó, tuy rằng không có văn bản chứng từ
nào. (1)
Ở Phủ Lý, tôi ngồi trong lớp
đệ lục, thầy dạy Quốc Văn là thầy Chu Thiên. (2) Hình ảnh còn nhớ tới bây giờ
là một người đàn ông hom hem, mặc quần áo kaki bạc màu, áo cũng như quần, đều
một màu vàng nhạt, bạc thếch, thầy đứng tựa lưng vào tường, lẫn vào màu vôi
vàng nhạt cũng bạc thếch của ngôi trường đâu chỉ có hai hay ba căn. Chỉ trong
khoảng vài tuần, tôi thương thầy. Và cứ từ thân xác mình suy ra, tôi đoán chừng
thầy nặng khoảng 40 cân. Biết ông thầy gày yếu, nhưng tôi không suy nghĩ gì,
cũng chẳng tìm hiểu làm gì, cho đến một hôm thầy Chu Thiên tới gần tôi trong
giờ chuyển lớp chuyển môn. Thầy hỏi, “Em có thể chở thầy lên Hà Nội không. Hay
chỉ cần chở thầy lên Ðồng Văn cũng được. Thầy cũng có thể chỉ đến Ðồng Văn, rồi
tìm cách đi Chợ Ðại hay Cống Thần, rồi đi Hà Nội sau.” Khi thầy ngồi lên cái
khung ngang của chiếc xe đạp rồi, tôi đạp xe đi, mỗi tay một bên ghi-đông, mà
không thấy thầy chạm vào tay tôi.
Tôi không còn nhớ những chuyện
gì đã nói, song nhớ rất rõ thầy hỏi về gia cảnh của học trò. Tôi kể thành thật,
kể hết, không giấu giếm gì. Tôi cũng cho thầy biết – vì thầy hỏi – về họ hàng
chú bác, tất cả ở Hà Nội.
-Bao giờ em vào Nam? Mẹ em có
tính đi Nam không? Chú bác họ hàng ở Hà Nội chắc là đi Nam cả?
-Vâng.
Khi chia tay, thầy nhìn sâu
vào mắt tôi:
-Về nói với mẹ em coi chừng
kẻo trễ.
Ðó là tất cả những gì tôi nhớ
về thầy khi còn niên thiếu; sau này mới đọc và tìm hiểu thêm về ông thầy nhà
văn nổi tiếng.
(Viết ngày 9 tháng 7, 2014)
Viên Linh
Chú thích:
(1) Tài liệu về Tố Hữu và Xuân
Diệu trong bài này phần lớn lấy từ cuốn sách của Trần Thanh Nguyên, do nhóm Mùa
Lúa Mới của Ðỗ Tấn xuất bản vào tháng 7, 1955 tại Trung Việt. Trần Thanh Nguyên
là một nhà thơ chưa đầy 30 tuổi khi vượt sông Bến Hải vào Nam năm 1955. Anh
theo cộng sản trên 10 năm, sinh hoạt các đại hội văn nghệ lớn nhỏ ở Việt Bắc và
Thanh Nghệ Tĩnh trước khi bừng tỉnh.
(2) Chu Thiên (1913-1992), tác
giả các cuốn Bút Nghiên, nhà nho nổi tiếng từ thời tiền chiến.
304Đen -
Llttm
No comments:
Post a Comment