Friday, March 10, 2017

Đêm Xuân Nào Tôi Đến Thăm Anh 3 - Dư Thị Diễm Buồn


Đêm Xuân Nào Tôi Đến Thăm Anh

 

 

            Cơm nước được dọn ra thì cậu Út cũng đã thức. Và anh Hai con trai lớn của cậu cũng vừa mới tới. Anh dụi ngọn đuốc để ngoài sàn lảng, rồi đi cửa sau vào nhà. Thấy con, mợ bảo:

-  Con vào ăn bậy chén cơm lót lòng với cha và mấy em rồi đi cho sớm đi. Kẻo đến kinh Cùn gặp nước cạn thì trễ nãy hết mọi việc.

            Anh Hai không trả lời mẹ, hỏi:

            -  Đồ đạc bưng xuống ghe hết rồi chưa má? Có đem mớ quay chèo sơ-cua theo không?

            Mợ Út trả lời ngay:

-  Ba bây đã bưng để dưới ghe từ đầu hôm. Dây quay chèo đã đổi cái ổng mới đánh và có đem theo mấy cái mới nữa. Nước uống, bánh, trái… Mọi thứ đã chuẩn bị xong hết rồi. Thôi vô ăn cơm đi...

     Anh Hai đứng sau lái với hai chèo dài dưới đôi tay gân guốc của anh gặp nước xuôi nên chiếc ghe đi rất nhanh. Cậu Út ngồi dùng cây dầm bản lớn, dài bơi trước mũi. Tú Huệ và Tịnh An mỗi cô một cây giầm nhỏ, ngồi trên chiếc chiếu lớn xếp xuôi làm bốn trên xạp ghe khô ráo. Gần bên cái thúng giê đựng nào bánh tét, ổi, mận, nước chai, ấm nước trà và cái lon có tay cầm sơn bông vẽ hoa dùng để uống nước. Tịnh An lấy làm lạ, tại sao chỉ đi thăm ruộng thôi mà phải đem theo nhiều đồ đạc linh kỉnh như thế?

Đêm ngồi coi mợ Út và hai cô dâu gói bánh tét, Tú Huệ đã rủ cô theo cậu Út đi thăm ruộng chỉ ở phía trong Quốc lộ Bốn thôi. Tịnh An chợt phì cười nhớ tới sự láo táo của bạn mình. Số là hai cô ngồi coi mợ Út và dâu mợ gói bánh tét. Hai chảo nếp lớn cả chục lít cho mỗi chảo chớ không ít đâu. Nếp tốt nên hột trọng trường dẽo nhẹo, trắng bông có trộn đậu đen nấu chín đã xào với nước dừa còn nghi ngút khói. Mợ Út và hai người dâu nhậm lẹ kẻ trải lá, người xúc nếp, để nhưn, quấn, gói, cột chặt chẽ đòn bánh mập ú, có ngấn. Tịnh An thì chăm chú ngồi coi, ả Tú Huệ nhà ta ngồi sát bên chảo nếp, thỉnh thoảng bóc đậu đen bỏ vào miệng nhai ngon lành. Bỗng dưng con nhỏ nhảy cởn lên rồi bỏ chạy ra lu nước bên ngoài. Làm mọi người ngạc nhiên chưng hửng không biết tại sao? Thì ra trong khi bốc đậu đen ăn, cô ta bốc nhầm con bọ hung (có hinh dáng tròn, nhỏ và đen như hột đậu. Loại bọ hung nầy thường thấy chúng ăn và đùn làm ổ ở các đóng cứt heo). Con bọ hung kia thấy ánh đèn, bay đến bị rớt trong nếp. Không nhịn được, Tịnh An cười thành tiếng, và lí lắc hỏi:  “Ê, con bọ hung tốt số đó có ngon không mậy?”  Tú Huệ ứa gan trề môi, không thèm trả lời và cả buổi không thèm nói chuyện với cô!

 Hướng đông vầng hồng ló dạng tỏa màu sắc rực rỡ xanh, vàng, hồng, tím… Gió xuân là đà lay động, đong đưa những cành cây có nhiều trái hai bên bờ sông. Xoài đầu mùa đang nở da, cam, bưởi quá lứa chín vàng chen chúc lồ lộ trong lá xanh um. Ghe đi dọc theo hai bờ kinh dài qua những nơi toàn là đào lộn hột. Anh Hai thuận tay hái đào thảy cho hai đứa. Trái đào lộn hột ăn ngọt miệng thơm môi, có nhiều nước. Nhưng ăn chỉ vài trái thì nghe gắt cổ và chát ngầm! Thế mà hột đào đem nướng ăn béo giòn, ngon hơn đậu phộng rang nhiều. Tịnh An một lát trở chưn về phía bên nầy, một lát trở chưn về phía bên kia. Cô luôn đổi cách ngồi cho khỏi bị tê chưn, vì ghe chèo đi gần suốt cả ngày rồi vẫn chưa đến bến? Ruộng gì mà xa giữ thần ôn vậy? Nắng, gió ngồi lâu tù túng làm cô khó chịu! Còn con chim chèo bẻo Tú Huệ luôn miêng nói cười vui vẻ với cậu Út, với anh Hai. Cô cảm thấy hình như con nhỏ nầy, lâu nay mấy có chuyện gì giấu mình?

Tịnh An thiệt là khổ sở vì đi từ sáng sớm, đến bây giờ mặt trời sắp lặn mà vẫn chưa đến? Phương tây ửng màu tươi thắm. Nắng hoàng hôn yếu ớt trải trên ruộng lúa mênh mông không thấy nhà cửa và bóng người. Nắng trải trên kinh dài nước đục ngàu đậm màu phù sa. Những cây ô môi hai bên bờ trổ đầy hoa, rơi rụng tím cả mặt nước. Lác đác theo bờ kinh có những cây vông đồng hoa nở đỏ thắm. Những vầng mây trắng mỏng in trên nền trời xanh bát ngát. Chỉ có tạo hóa thôi, chớ dù cho họa sĩ tài hoa đến đâu cũng không làm sao tạo được cảnh sắc thiên nhiên lộng lẫy sinh động nầy.

Cậu Út như hiểu ý của Tịnh An. Bởi ghe đi qua bao nhiêu sông lớn sông nhỏ, kinh đào, khi nước lớn, lúc nước ròng mà vẫn chưa đến bến? Cậu ôn tồn:

-  Hai cháu chắc mệt lắm phải không? Ăn uống gì đi, bánh trái có sẵn trong thúng đó. Ráng một chút nữa, sắp tới nơi rồi.

Tú Huệ tài lanh:

-  Cháu không mệt chút nào hết! Cháu còn cảm thấy vui là được ngắm nhìn cảnh sắc tươi đẹp của vùng ruộng đồng bao la êm ả dọc hai bên đường mình đi đó cậu.

Cô xoay qua bạn:

-  Chắc mầy cũng không mệt? Bởi mấy thuở bọn mình được ngắm cảnh thiên nhiên của vùng Đồng Tháp Mười nổi tiếng nầy hả Tịnh An ?

Tịnh An nghe mà phát ghét cho cái điệu bộ hí hửng của bạn. Cô cười như mếu:

-  Ờ thì mầy nghĩ sao thì sao đi.

Rồi cô quay qua cậu Út:

-  Có ruộng ở quá xa như vậy, mỗi lần đi thăm thật là vất vả hả cậu... ?

Cậu Út mỉm cười ý nhị mạnh tay bơi chớ không trả lời câu nói của cô cháu dâu tương lai. Lúm xúm chòm nhà tranh đôi ba cái đã có ánh đèn leo lét bên kia kinh mập mờ phía sau rừng trâm bầu. Văng vẳng giọng hát buồn đưa trong gió ru con của cô phụ : «Ầu ơ ơ… Chim xa cành còn thương cây nhớ cội/ Người xa người tội lắm người ơi/ Chẳng thà không biết thì thôi/ Biết rồi mỗi đứa một nơi cũng buồn…».

Ghe cặp bến, cậu Út cầm sợi dây kéo cho mũi ghe sát bờ có đầy cỏ lông dài mọc bò tàn lan. Cậu cột dây vào gốc cây bù lời (cây gừa) gie xuống mé nước. Anh Hai dỡ tốc tấm vạt ghe nơi anh đứng chèo, khom lưng  bưng lên hai thúng bánh tét đầy ắp. Cậu Út vịn cho ghe đứng yên không bị lắc lư để hai cô cháu bước lên bờ. Rồi cậu dở nắp mũi xuồng xách hai giỏ bánh tét nặng lên. Người ở trong căn nhà lá nhỏ kế bên mé mương, gần bờ kinh nghe lục đục bên ngoài, đi ra với chiếc đèn cốc le lói trên tay. Chị ta lấy bàn tay che trước trán gần chân mày để nhìn cho rõ là ai ? Chị vui mừng trổi giọng như reo:

-  Dạ thưa cậu Út mới lên, mợ có khỏe không ? Còn gì dưới ghe không cậu để cháu xuống phụ?

Cậu Út lấy khăn lau mồ hôi, vừa bảo:

-  Có thằng Hai, để nó bưng lên được rồi. Ruộng rẩy cháu năm nay trúng mùa chớ? Bọn nó về rồi phải không?

Chị ta đưa tay xách phụ cậu Út một giỏ bánh, vừa trả lời:

-  Dạ họ về rồi, ở trong miễu. Mùa màng năm nay đỡ hơn mọi năm. Nếp coi bộ trúng hơn lúa đó cậu. Đi cả ngày nay chắc mọi người đều mệt lắm. Thôi để cháu đi nấu cơm.

            Tịnh An và Tú Huệ đi sau cậu Út. Cả hai cô mỗi người trên tay đều xách một giỏ. Giỏ xách của Tịnh An là mứt, bánh, kẹo, lạp xưởng và mấy gói trà tàu gói giấy kiếng đỏ. Cậu Út và anh Hai xách đồ dưới ghe đem lên hết. Tịnh An lấy làm lạ quanh gần nầy chỉ có căn nhà nhỏ trơ vơ nầy. Sau nhà có cái trại có con trâu nghé đang nằm. Trong nhà chỉ có chị Tư với đứa con gái nhỏ. Vậy tại sao họ đem bánh tét vào cho ai ăn mà nhiều cả mấy thúng như vậy?

Đã vào nhà nãy giờ, Tú Huệ cười chúm chím đánh vào vai bạn, nói:

            -  Chắc là mấy mệt lắm? Khăn đây nè đi rửa mặt cho tỉnh táo rồi chút nữa ăn cơm. Mầy có đói bụng không? Tao tưởng ở gần, ai ngờ xa quá là xa.

            Thiệt là vô duyên hết chỗ nói! Mặt nó cũng hây hây đỏ vì nắng, vì gió và chưn cũng bị tê cống vì ngồi suốt cả ngày nay, vậy mà hồi nãy cậu Út hỏi nó còn làm bộ như ta đây! Thì ra chuyến đi thăm ruộng nầy không phải bất ngờ mà nó đã biết trước rồi. Khi trở về thế nào cô cũng tra tấn hỏi tội con a đầu nầy mới được.

Giận trong bụng, cô nổi cáo giựt cái khăn trên tay bạn, ngoe nguẫy bỏ đi ra lu nước. Vừa đi cô vừa càm ràm:

            -  Đừng hỏi dư thừa nghen mậy. Có câu nào hay hơn để mầy hỏi không? Bộ tao mình đồng da sắt như mầy sao mà không đói, không khát, không mệt?

            Tú Huệ chẳng những không giận mà còn cười tòe cái miệng như cái gáo dừa:

            -  Tao thiệt không mệt chút nào, mà lòng còn cảm thấy phơi phới vui như mùa xuân mới…

-  Nói với mầy tao mệt quá đi thôi! Ờ thì mầy cứ vui như Tết đi con quỉ kiến sầu, kiến lửa, kiến hôi, kiến vàng, kiến riệng, kiến đất, kiến đen, kiến nẻ…

            Tịnh An không nhịn được bật cười thành tiếng cho câu rủa xả của mình! Bữa cơm tối với nồi gạo lúa vé vàng trồng ở ruộng nhà. Dĩa khô cá tạp (lộn xộn nhiều thứ như là: cá trạch, cá rô, cá trê, cá sặc…) Chị Tư câu, hoặc xúc ăn không hết phơi để dành. Chén nước mắm đồng mùi nồng hăng hắc với xoài non bằm xắt mỏng, và ớt hiểm chín đỏ dầm phơi hột trắng trên mặt. Tô canh bầu cắt ngoài giàn chưa ráo mủ nấu với cá rô non vừa kéo cái vó đặt ở mé mương. Dĩa dưa leo mới hái còn tươm mủ trong, nhai giòn khưu khứu. Cả bốn người nhứt là hai cô gái tỉnh thành nầy ăn ngon còn hơn ăn bữa giỗ có những món tóc tiên, bào ngư, vi cá, ổ yến… của thời xưa cũ.

            Ngọn gió đêm mát rượi đùa cành lá cỏ cây. Âm thanh rào rào êm tai do lá cành va chạm vào nhau ở quanh nhà. Tịnh An ngồi bên bếp lửa coi nồi khoai dương ngọc mà cô tự lãnh nấu, để tránh mặt, khi thấy có mấy người khách lạ bước vào nhà. Có lẽ họ là những nhà nông ở xóm trên xóm dưới gì của chị Tư, hoặc là tá điền hay là người mướn ruộng của cậu Út? Tiếng nói, cười khe khẽ tươi vui của họ Tịnh An không nghe được. Dù chỗ cô ngồi chỉ ngăn cách bằng những tấm lá chầm vừng vách thôi.

Không gian có màu đen huyền hoặc của những ngày đầu tháng Âm lịch. Nền trời in chi chít hàng vạn ngàn vì sao mọc thành giề hoặc riêng rẽ nhưng như kề cận bên nhau. Tiếng những con chim ăn đêm về muộn gọi đàn kêu oang oác trên không rồi mất hút. Dưới mương tiếng cá quẩy đươi ăn móc trốc trốc. Tiếng côn trùng hòa nhịp nhỏ nhẽ kêu vang.

Theo Tú Huệ kể, chị Tư chủ nhà khi còn đi học thì lập gia đình. Quê chị ở chợ Vĩnh Bình, sau khi cưới nhau không lâu theo chồng về sống ở vùng quê nghèo hẻo lánh nầy. Chị có hai con, đứa trai lớn 7 tuổi ở chợ Vĩnh Long với ông bà nội đi học. Chị sống hủ hỉ với đứa con gái 3 tuổi và chồng đi làm xa lâu lâu mới về. Tịnh An hơi chột dạ và nghe thương chị, thương người mẹ người vợ trẻ (có lẽ hơn cô 5, 7 tuổi) mà phải về sống ẩn nhẫn nơi chó ăn đá gà ăn muối xa chợ, xa xóm chòm… Cô nghĩ năm mười bữa, nửa tháng có thể chị cũng chưa nghe được tiếng người khác nói chuyện ở vùng vắng vẻ như vầy? Ngày nầy qua ngày kia, hai mẹ con chỉ nghe tiếng gió thổi, chim kêu, tiếng mưa rơi. Nhìn dòng nước chảy, nhìn bầu trời trong nắng, nhìn mây bay.

Sức mạnh nào có thể khiến chị cam chịu an phận và vui lòng trong cuộc sống hiện tại? Đó là sức mạnh tình yêu của người vợ thương chồng chăng? Cô không biết, nhưng sự thật chỉ có hai mẹ con chị đang sống ở đây!

            Dưới ánh lửa bập bùng của nồi khoai đang sôi sùn sụt, thỉnh thoảng nước tràn ra rớt xuống than hồng, tro nóng nghe xèo xèo. Mắt cô mông lung nhìn trời nhìn sao, tâm hồn đang nhập vào dòng suy tư, nên cô ngồi như bất động.

            -  Đang nghĩ gì đó, cô Ôn Thị Tịnh An?

            Giọng nói nhẹ như gió nhưng làm cô giựt mình ngạc nhiên quay phắt lại! Tại sao ông ta lại biết cả tên tộc cô mà gọi như vậy? Dù cha mẹ lúc còn sanh thời, anh chị em ruột thịt, bạn bè hay họ hàng chỉ gọi Tịnh An thôi! Phải, chỉ hai chữ Tịnh An ngắn gọn! Anh ta là một trong bốn người khách mới đến. Những người đó quen của cậu Út, hoặc bà con của chị Tư chủ nhà nên họ nhỏ to trò truyện nãy giờ. Con tiểu yêu Tú Huệ cũng ăn ké nói chuyện ở trển không thèm xuống ngồi chụm lửa với cô. Anh ta đứng đó, dáng điệu trầm ngâm, mặc toàn màu đen. Chiếc khăn vằn quấn đầu choàng phủ hai bên má và luôn cả cổ. Bên trên còn đội chồng lên chiếc nón vải của mấy người lính ngày xưa. Tịnh An chỉ thấy cái mũi và cặp mắt long lanh dạ ánh lửa hồng của bếp lò đang cháy bập bùn.

-  Không nhận ra anh sao?

Dáng người đó! Gọi cả tên tộc với giọng nói đó, cô nhớ chỉ có một người! Phải, chỉ có một người! Nhưng thật bất chợt quá nên cô không nghĩ ra ngay là ai? Tịnh An mở to mắt nhìn vào mắt ông ta đang dở nón và lấy khăn ra. Cô thảng thốt, cây củi đang cằm trên tay rơi xuống ! Cô cà mà cặp mặp nói không tròn lời:

            -  Trời ơi, anh Tú,… Tú,… Tú Tâm ! Anh Tú Tâm, thiệt là anh đây sao?

            Anh ta trả lời cô bằng đôi mắt sáng ngời và nụ cười nửa miệng của ngày xưa. Nồi khoai nấu vẫn sôi sùn sụt, củi cháy bừng lửa reo lách tách. Không gian như ngừng động! Bao nhiêu nỗi nhớ niềm thương tràn dâng theo dòng lệ long lanh trên đôi má Tịnh An ửng hồng ánh lửa bếp lúc mờ lúc tỏ.

           

Chị Tư bưng rổ đến vớt khoai đã nấu chín. Cử chỉ của chị nhẹ nhàng lặng lẽ như sợ khuấy động hai người. Tú Tâm lấy chéo khăn lau nước mắt cho Tịnh An, anh nhỏ giọng :

-  Đừng buồn nữa em. Không phải bây giờ chúng ta gặp lại nhau, và anh đang ngồi trước mặt em đây sao? Hãy vui lên hồn nhiên vô tư như Tịnh An ngày xưa đi chớ. Em đã ốm đi nhiều.

            Cô nói trong dòng lệ:

            -  Làm sao không ốm được? Tại sao anh không tin tức gì về cho em hết vậy? Anh có biết em sống trong buồn khổ như thế nào không?

            Tú Tâm xiết chặt tay người yêu trong tay mình:

-  Má anh và Tú Huệ biết anh còn sống chỉ mấy tháng nay thôi. Trước ngày giặc vào, đồng đội anh có người về với gia đình, có người bay ra ngoại quốc. Anh định về nhà, anh nhớ có đi qua nhà em đến nhà anh nhưng anh đổi ý không vào. Vì lúc đó thành phố rối loạn người, xe, giặc thù và đồng đội đã cởi bỏ áo trây-di để giữ lấy thân. Anh và một số anh em khác rút về vùng Bảy núi (nhà cô của người bạn). Các anh thề không ra trình diện. Ở đây, bọn anh trồng khoai, trồng lúa, đốn củi, lưới cá (ai làm gì được thì làm) để nuôi sống nhau rồi sẽ tính tới… Cuộc sống lúc đầu gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng khắc phục lần lần nhờ vào lòng cương quyết và bất khuất của anh em. Các anh bây giờ mỗi ngày một khá hơn, nhờ thanh niên, nhờ dân hết lòng giúp đỡ. Gần đây, bọn anh liên lạc được nhiều nhóm nghĩa sĩ cùng chí hướng ở rải rác từ Nam ra Bắc… Tịnh An, anh thật sự rất mừng khi nghe Tú Huệ bảo em sắp ra đi. Có phải không?

            Tịnh An lau vội dòng nước mắt, lanh miệng:

-  Bây giờ gặp lại anh rồi, em sẽ không đi.

            Tú Tâm chợt khựng lại, vì quyết định bất ngờ của người yêu. Anh thẳng giọng:

            -  Bậy nà, anh biết tấm lòng của em đối với anh. Nhưng em phải theo gia đình ra ngoài đó.

            -  Không, em đã quyết định rồi em sẽ ở lại và đi theo anh.

            Tú Tâm cười buồn:

            -  Anh không có nhà cửa, không ở nơi nào cố định. Em biết anh ở đâu mà đòi đi theo?

            -  Em không cần biết chuyện đó. Tại sao anh được còn em thì không?

            -  Đừng có bướng nữa!

            Tú Tâm cứng miệng trả lời, nhưng anh trầm giọng:

-  Xin em đừng để anh lo. Thực tế không như em tưởng đâu. Thương yêu anh thì em ra ngoài đó cố gắng học hành. Nếu có thể, sau nầy có nhiều việc em sẽ giúp anh thực tiễn hơn. Đó là điều mong ước của anh ở em…

            Ngọn gió xuân đẫm sương càng về khuya càng thấm lạnh. Ở nhà trên hình như mọi người tìm nơi nào đó nhắm mắt dưỡng thần, ngủ tạm. Anh Hai được chị Tư cho mượn chiếc nóp (đương bằng đệm như cái bọc dài chừng 2 thước, miệng lớn ở giữa cho người lăn vào được. Mí cửa đệm ở trên rộng hơn chụp xuống giữ kín mí dưới. Nóp dùng để ngủ trên khô nơi nào cũng được và dễ dàng di chuyển) nên anh xách xuống ghe ngủ cho không nghe vo ve tiếng muỗi kêu. Gần nước sẽ ấm và không lo sợ ngủ trên bờ rắn rít nửa đêm chung vào nằm ké.

       Đêm xuân nầy hai kẻ thương yêu được gặp lại nhau. Ngày xưa, họ là đôi nam tài nữ mạo đầy mộng ước tươi sáng ở tương lai. Theo lớp sóng phế hưng của vận nước nổi trôi, mối tình đẹp như gấm thêu hoa của họ giờ đây như không còn hy vọng gì nữa! Tú Tâm kể cho người yêu nghe những chuyện anh biết và nghe thấy, trên những đoạn đường anh đã đi qua. Những đoạn đường của chiến sĩ Cộng Hòa năm xưa đi vào bưng, không ra trình diện sau ngày giặc cưỡng chiếm miền Nam (Tháng 30- 4-1975). Anh đã chứng kiến những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa anh hùng bất khuất đã nằm chết trên võng, chết ngồi dựa lưng bên gốc cây, hốc đá, bờ thác đồ ầm ầm, tràm đước sầm uất trong rừng sâu U Minh Thượng, U Minh Hạ… Trên đồi núi chập chùng của miền Trung… Mà trên tay họ vẫn trong thế ôm súng. Cây súng bạc màu vì sương gió vẫn còn đó, bên bộ xương trắng khô!

Tịnh An kể cho chàng nghe những chuyện xảy ra trong gia đình. Nỗi bất ngờ đau thương ba má cô đã lần lượt qua đời. Chị em cô lâm vào cảnh túng quẩn… Đó là ách nạn chung của người dân miền Nam không Cộng Sản! Cô kể những chuyện xảy ra của chòm xóm, bạn bè thân hoặc quen mà hai người đã biết. Ai còn, ai mất? Ai bị đày đi cải tạo ở các miền hoang du không lai vãng bóng người nơi miền Trung, miền Bắc? Và ai đã bôn đào đã chết vì cướp, vì thiên tai ngoài biển cả? Ai đã đến được bến bờ tự do…

Cơn gió đêm xuân mát rượi đùa rào rào rừng tràm bên kia. Những con đôm đốm bám lấy những cây bần cao dưới mé nước, dọc sát bờ kinh. Chúng chớp tắt, chớp tắt lòe ánh sáng như cây thông được trang trí đèn màu trên những trang sách báo của ngoại quốc. Như những cây thông có treo đèn hoa vào mùa Giáng Sinh ở sân nhà thờ năm nào.

Bàn tay Tịnh An trong tay Tú Tâm. Cả hai cảm thấy như có luồng hơi ấm truyền vào cơ thể của đối phương. Tâm hồn họ phơi phới đón nhận hương xuân đêm nay. Họ đã quên đi không gian, thời gian và nỗi buồn dài đăng đẳng sâu xé lòng mà trong phút chốc đây họ phải chia tay không biết bao giờ mới gặp lại! Tịnh An chợt hỏi:

-  Em nghe tiếng kêu của loài chim lạ? Con chim gì đó anh?

-  Không, đó là tín hiệu! Bọn anh phải lên đường...

Tịnh An nói mau:

-  Hay anh và gia đình cùng đi với chúng em?

Trong ánh lửa chập chờn, cô thấy rõ nụ cười nửa miệng, đôi mắt to sáng rỡ ngày xưa của người yêu không thay đổi. Nhưng giờ đây đượm thêm nét ưu sầu ẩn tiềm trong đôi mắt đó, anh ốm hơn, và nỗi âu lo hiện rõ những nét nhăn hằn trên vầng trán cao, rộng. Tú Tâm cười buồn, nhẹ giọng:

-  Nếu muốn ra đi thì anh rời nước trước ngày giặc vào rồi. Em nhớ giữ gìn sức khỏe.

Anh như nghẹn lời ngưng giây phút, rồi nói nhanh:

-  Từ đây, cái gì em muốn làm thì hãy làm theo ý mình, đừng có hy vọng và chờ đợi anh! Chúng ta gặp lại đây, thời gian hết sức ngắn ngủi trong đêm xuân nầy, là Thượng Đế đã ban cho anh ân huệ lớn rồi. Cảm ơn em Ôn Thị Tịnh An! Với anh thật đã quá hạnh phúc anh không ước gì thêm ở em.

            Gà đã gáy rộ, nhưng màn tối của đêm xuân vào đầu tháng giêng không trăng, vẫn còn bao phủ một màu đen dầy đặc. Gió xuân ướp hơi sương lành lạnh quét trên da thịt mọi người. Tú Huệ ngồi giữa, ôm mặt sụt sùi dòng lệ. Cậu Út ngồi bơi trước mũi, con trai cậu vẫn đứng chèo ở sau lái. Tú Tâm đẩy mạnh cho ghe tách bến, vẩy tay chào mọi người rồi quay mặt thoăn thoắt đi. Dáng anh mờ dần trong bóng đêm.

            Tịnh An lẩm bẩm theo điệu nhạc từ CD, bài “Xuân Nơi Đây” trong chiếc máy hát vang điệu nhạc buồn, lời ca buồn héo hắt: “Xuân nơi đây không mai vàng đua nở/ Không hoa đào lộng lẫy dưới nắng xuân/ Không trẻ con mặc áo quần rực rỡ/ Chạy tung tăng đốt pháo, vỗ tay mừng/ Xuân nơi đây không cây xanh lá thắm/ Không áo dài tha thướt gió xuân bay/ Không nón bài thơ khăn nâu yếm thắm/ Không thoáng hương từ những khóm hoa lài/…Xuân nơi đây có tiếng lòng nức nở/ Tiếng thở dài trong héo hắt nhớ thương/ Có nỗi lòng của những người xa xứ/ Đón xuân về hồn thổn thức bâng khuâng…”

Đã bao nhiêu mùa xuân qua nơi xứ người! Tịnh An bây giờ đã hai màu tóc! Nàng vẫn sống vui, sống khỏe, sống trong hồi tưởng dấu yêu, sống trong chờ mong và tràn niềm hy vọng. Vì trong lòng nàng đã có mùa xuân!

 
Tệ xá Diễm Diễm Khánh An
DƯ THỊ DIỄM BUỒN
Email:dtdbuon@hotmail.com
ĐT: (530) 822 5622

 

 

 

No comments: