Sunday, March 5, 2017

Đêm Xuân Nào Tôi Đến Thăm Anh 1 - Dư Thị Diễm Buồn


ĐÊM XUÂN NÀOTÔI ĐẾN THĂM ANH

 

 

Quê Nam mưa nắng hai mùa. Tiết trời vào mùa xuân không nói làm gì, dù mùa hạ, thu, hay mùa đông cũng không ảnh hưởng đến mùa màng, cỏ cây hoa lá. Quanh nhà những cây ăn trái lá vẫn một màu xanh um phơi phới nghinh đón nắng hè gay gắt. Thu có bầu trời ảm đạm, nước ngập tràn đồng tràn sá, có gió rít tỉ tê, có mưa sụt sùi đổ lệ. Mùa đông lạnh lẽo làm da mốc cời. Xuống ruộng, hoặc sáng sớm ngồi co ro hong nắng bị con bồ mắc (cùng loại muỗi nhưng nhỏ cỡ hột mè) cắn ngứa trời đất, nổi mận đỏ rồi tự lặn chớ không làm độc.

Hôm nay vào cuối mùa đông, nhưng bầu trời quang đãng. Từng cơn gió nhẹ luồn lách thổi qua lay động những nhánh bưởi trái chín vàng no nưởng lồ lộ chen chúc trong cành lá xanh. Cây cam tàu, cây quít đường nhà hàng xóm rám nắng, trái một bên ửng hồng bên kia màu còn luông luốt nhàn nhạt vàng xanh. Cây lựu ở mái hiên hông nhà chín đỏ, trái nặng trĩu quằn cành khẳng khiu, phải dùng nạng chống đỡ cho không bị gãy.

Mèn ơi, còn những cây mận được trồng bên bờ rạch tàn lá sum suê nữa. Cây mận kiếng sen trái lớn bằng nắm tay, cao, mỏng cơm, giòn, ngọt lạt. Mận nầy có màu đỏ thắm tươi để cúng chưng trên bàn thờ trong mấy ngày Tết đẹp lắm. Mận hồng đào phơn phớt hồng, có loại trái lùn, tròn, lớn không bằng mận kiếng sen nhưng dầy cơm, hột thường nhỏ xíu như hột tiêu, ăn ngọt thanh thao, chưng lâu ngày da không bị nhăn nheo như mận kiếng sen. Mận da người cậu Út của Tú Huệ mua giống từ miệt Nha Mân, Sa Đéc, mận nầy thường có hình cái nấm giống như cái nón (fishing man) người câu cá của Tàu. Mận lúc nhỏ còn non màu xanh nhạt, khi lớn trái trổ màu trắng ngà ngà. Trái mận càng chín thì màu ngà càng sặm sòi hơn. Lúc đó mận da người ăn giòn và ngọt lịm như ăn cục đường.  Còn mận bánh bao lấy giống từ Gò Công. Vì còn tơ và được trồng bên mé nước nên trái mận bánh bao lớn nhứt trong các loại mận nằm bên cạnh. Mận bánh bao màu trắng phơi phới, da mỏng non nhẫn bóng láng như da mặt các thiếu nữ ở tuổi tròn trăng (Ví dụ dí dỏm của Tú Huệ).

Đó là chưa kể đến các loại cây ăn trái khác như cây xoài cát đen chiết nhánh mới có trái chiếng đầu mùa là đà mặt đất. Da mốc trắng phấn, no tròn lủng lẳng trên nhánh ở trước sân nhà. Chuối cau, chuối xiêm, chuối già quá lứa hườm hườm chín bói mấy nải ở trên, đã bị chim rỉa. Sau nhà còn trồng nhiều loại cây khác như mãng cầu, măng cụt, khế, ổi, muồng quân… Chạy dài ra tận mí vườn giáp ranh ruộng lúa của người khác. Còn bông vạn thọ, cúc, hồng, nở ngày, đỗ quyên, mười giờ, cẩm chướng, mào gà… Được trồng trên khoảng đất rộng, trong vòng rào hai hàng gạch tiểu chất lên nhau theo hình tròn cho phân biệt ở bàn thờ ông Thiên trước cửa lớn của nhà. Gần chòm mả thì có cây bông sứ, bông lài, bông điệp, bông trang… và mấy cây mai hoa nở vàng ối cả khu vườn. Mỗi cây một sắc thái phơi phới dưới nắng gió xuân hồng thoảng hương ngào ngạt theo ngọn gió đùa.

Hàng rào trước nhà trồng bằng cây huỳnh anh có bông vàng nở chen lá mơn mỡn chạy từ ranh đất bên nầy đến ranh đất bên kia. Dọc lằn ranh hai bên nhà giáp với đất của chủ khác, được trồng cây bông bụp màu hồng lợt, hồng sặm, vàn nghệ, có lá xanh mướt rượt như thoa dầu, thoa mỡ. Cậu Út trồng cây tươi làm hàng rào thay vì rào bằng tre khô, bằng cây vuốt nhọn với cột xi-măng, hoặc kéo kẽm gai, thì nó sẽ mất đi phần trang nhã và thanh lịch cho ngôi nhà hương hỏa cổ kính cả mấy đời ông cha để lại cho cậu. Các chậu sành đặt có hàng có lối trước sân, cậu còn trồng mai chiếu thủy, cây bùm sụm được cậu khéo tay uốn thành hình cá hóa long, kỳ lân, rồng, phụng… Những chậu kiểng nầy được chăm sóc rất chu đáo. Chứng tỏ cậu Út của Tú Huệ là người có óc sáng tạo, mỹ thuật, và là người thích hoa, kiểng, cảnh vật thiên nhiên.

Chở khẳm lé đé trên mặt nước đầy ắp các loại trái cây trong cần xé, những cành mai được bó lại từng bó lớn, cá tôm rộng trong những thùng thiết vuông nước và nắp đậy, gà vịt cột lại thành chùm kêu la oang oác trong khoang của những chiếc ghe chèo, xuồng bơi, tam bản, ghe có gắn máy đuôi tôm, nườm nượp đổ về bến xe ở sát bờ sông dưới chợ. Nếu ở vào thời phồn thịnh Cộng Hòa trước đây, vào những ngày cận Tết như vầy, chắc chắn náo nhiệt hơn gấp ngàn, gấp vạn lần bây giờ. Ai ra đứng ngoài đường trước cổng nhà cậu Út của Tú Huệ nhìn xuống, sẽ thấy rõ những chiếc xe hàng lớn đã đậu sẵn ở bến chờ bạn hàng đem hàng hóa đến, đưa lên xe và tranh thủ trong đêm nay phải chở về các chợ tỉnh, chợ thành, nhứt là các chợ ở Sài Gòn bán vào 29, và 30 tháng Chạp. Để khách mua về cúng ông bà và chưng trong nhà 3 ngày Tết. Đó là những ngày lễ lớn nhứt của dân tộc miền Nam, của nước Việt Nam (của người Việt Nam không Cộng Sản).

Mấy ngày cuối năm ở thôn quê như bừng lên sức sống, mặc dù bọn giặc Cộng chiếm trọn lãnh thổ Việt Nam đã mấy năm rồi. Và dân miền Nam cũng đã được nếm cái Tết đầu tiên xác xơ, hốc hác, hãi hùng sau khi bọn chúng đày quân, dân, cán, chánh…đại đa số là thành phần trí thức vào trại cải tạo (tẩy não) để trả thù. Cùng những lần cướp của, giết người đại huy mô bằng thủ đoạn đổi tiền và lùa dân đi kinh tế mới trải dài trên lãnh thổ. Nước Việt Nam cả ngàn năm bị giặc Tàu đô hộ, cả trăm năm bị đô hộ bởi giặc Tây. Nhưng sự trả thù của ngoại lai lên dân tộc Việt Nam vẫn chưa thâm sâu tàn độc bằng giặc Cộng (Việt Cộng) đã trả thù dân miền Nam cùng chủng tộc, cùng giống giồng với chính họ. Vì nỗi bức bách quá độ của giặc, nên dân Việt Nam mới ùn ùn vượt biên.  Họ bỏ lại tất cả, tìm đủ mọi phương cách để tìm tự do xa rời người Cộng Sản và chế độ Cộng Sản.

 

Tịnh An và Tú Huệ là bạn thân lúc còn học lớp ba, lớp nhì ở trường Tiểu học rồi Trung học Cần Thơ. Hai cô được sanh ra và lớn lên ở miền Hậu Giang. Nơi đất đai trù phú có dòng Cửu Long uốn quanh cho nước ngọt muôn đời. Có nắng đẹp, có gió hiền, có cây lành, trái ngọt. Đất đai trù phú, khí khậu ôn hòa tươi tốt đã tạo cho dân cư tánh tình đôn hậu, bình dị, hiền hòa, chân chất của vùng đất được mệnh danh là Tây Đô. Nơi đây chỉ khác Hòn Ngọc Viễn Đông (Sài Gòn) ồn ào náo nhiệt, và nơi thâm nghiêm bí sử có đền đài cung điện nguy nga của vua chúa ở đất Thần Kinh Huế mà thôi.

Tú Huệ mồ côi cha sống hui hút với mẹ và hai người anh. Mẹ cô có nghề thêu, làm khuy nút áo, đơm nút áo dài cho các tiệm may lớn nổi tiếng ở chợ Cần Thơ. Cộng vào tiền lương khiêm tốn tử tuất của chồng ba tháng lãnh một lần (Ông làm Phán kho bạc). Bà cần kiệm, an phận nuôi nấng ba đứa con. Gia đình họ sống êm đềm trong tình thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Trời không phụ lòng một quả phụ cần mẫn, sống theo đạo Thánh Hiền, ăn ngay ở thẳng. Nên hai con lớn là Tú Nghĩa, Tú Tâm cùng cô gái út Tú Huệ của bà học ở trường Trung học Công lập Phan Thanh Giản và Đoàn Thị  Điểm (Cần Thơ). Khi hai đứa con lớn đậu Tú tài hai thì chúng xin vào binh chủng Không quân. Sau thời gian thụ huấn cơ bản quân sự ở trường Không quân trong nước xong, thì hai anh em được ra nước ngoài (Mỹ) để học về ngành chuyên môn. Năm đó Tú Huệ và Tịnh An đang học lớp Đệ tứ (năm cuối của Trung học Đệ nhất cắp).

Nhà của Tịnh An ở cuối đường Phan Thanh Giản gần Cầu Củi. Nhà của Tú Huệ gần cầu Cả Đài, xéo xéo cửa trường Đoàn Thị Điểm. Mỗi buổi sáng Tú Huệ thường đón bạn trước cổng nhà để hai đứa tình tang đi vào trường bởi nhà chỉ cách đường Ngô Quyền. Từ cầu Cả Đài đến hướng ngã tư đại lộ Hòa Bình và Ngô Quyền, qua Ty Cảnh sát đi thêm mấy căn nhà nữa thì đến nhà cô ngay.

Ở cầu Cả Đài có những hàng quán ăn, giải khát… từ sáng cho đến tối đông đầy khách. Những xạp bán xôi, bán chè, bán cháo… Về đêm trong quán cà-phê, quán sinh tố có máy hát những bài nhạc hiện đại, du dương trử tình rất thích hợp cho giới trẻ nhứt là học sinh, sinh viên…Ngày , nhứt là vào sang sớm trước giờ làm việc có bán hủ tíu, mì, phở, cơm tấm, bánh mì xíu mại, sương sa, hột lựu… Tiếng rao mời, mùi thức ăn, nước uống tỏa bay… Đi ngang qua đây, cho dù không đói nhưng không ai tránh khỏi cái bụng, rồi cái miệng bị quyến rủ háo hức thèm ăn món nọ món kia! Tịnh An bấm bụng, vì nhớ lời Tú Huệ dặn lúc tan trường hôm qua:

-  Nầy, chiều nay về tao sẽ lãnh lương. Mầy giựt mình hả Tịnh An? Đó là tiền bánh lần đầu tiên của hai ông anh tao phát từ đây về sau (mỗi tháng một lần). Bây giờ hai ảnh oai phong lắm mầy ơi. Họ đi lính nên được lãnh lương hàng tháng rồi. Mầy nhớ đi sớm hơn mọi ngày nghen. Để hai đứa mình tảo thanh các gánh hàng, các xe bán cốc, ổi, mực nướng… trước cửa trường cho bỏ ghét.

Nói đến đó, như để trấn an bạn. Cô tiếp:

-  Mầy không phải lo, lần nầy tao bao không hạn chế, sẽ cho mầy ăn thả giàn, cho mầy ăn chết luôn!

Tịnh An đánh vào vai bạn, cười ngất:

-  Đừng có làm tàng! Mầy cũng biết tao nổi tiếng ăn hàng thầy chạy và ăn nhiều như Tạ Hầu Đôn. Vậy mầy nhắm có bao nổi tao không đó?

            Nhướng nhường đôi chân mài liễu, miệng Tú Huệ cười lúm đồng tiền và tươi như hoa:

            -  Lo gì mậy? Hai ông anh tao tài trợ mà! Hai ổng còn nài nỉ hôm nào để hai ổng đi theo bọn mình ăn hàng. Trời ơi, sức mấy, còn khuya à! Tao gạt ngang, mầy nghĩ coi kéo thêm hai cái rờ mọt đó thì làm sao bọn mình tự nhiên mà ăn phải không?

            Tịnh An cười đồng tình với bạn, rồi gật đầu lia lịa:

-  Ờ, ờ hén… Thiệt mầy nói tầm phải quá đi thôi!

            Tan trường, nữ sinh túa ra cổng ai rẽ đường về nhà nấy. Tú Huệ như sực nhớ chuyện gì, kéo lôi Tịnh An sang nhà mình. Cô gõ cửa gọi lớn:

            -  Má ơi, má ơi con về nè. Mở cửa đi, mở cửa đi má…

            Bà Hai Hiền ra mở cửa cho con. Bà đang loay quay mở khóa, miệng cười nhẹ mắng yêu:

-  Con gái mà không nết na gì ráo. Bộ không sợ người ta cười sao mà cái miệng ào ào bài hãi vậy hà?

-  Dạ chào bác Hai.

Chợt nghe thấy Tịnh An, bà ngẩng đầu lên tươi cười:

-  Ụa, bộ có Tịnh An ghé qua chơi nữa hả? Vào nhà đi, ba má cháu có khỏe không? Lâu quá rồi bác không gặp má cháu ? Vườn tược bên vườn dạo nầy có huê lợi nhiều không? Ba cháu vẫn ở bên đó chăm sóc chớ?

            Tịnh An tự nhiên trả lời:

-  Dạ thưa bác ba má cháu vẫn khỏe. Ba cháu thường thì ở bên vườn, thỉnh thoảng mới về bên nầy ban ngày thôi chớ không ở lại đêm. Vì ông sợ không có người lớn, bọn con nít chiều tối thường hay lẻn vào phá hái trái non chọi phá lung tung. Còn má cháu gần như ngày nào cũng về bển để mua sắm những vật dụng cần thiết cho ba cháu, và để bán hoa quả của vườn cho mối lái.

            Bà Hai tươi cười:

            -  Vườn ở Cái Vồn, cũng không xa cho lắm. Chỉ qua bắc, rồi đi xe lam hoặc đi bộ một đổi thì tới ngay. Như vậy dù một cảnh hai quê cũng không mấy trở ngại cho sự tháo vác của má cháu. Tịnh An ăn cơm với Tú Huệ nghe.        

-  Dạ cảm ơn bác, cháu phải về ngay, để coi nhà cho anh cháu đi học thêm sinh ngữ ở Hội Việt Mỹ.

Tịnh An nói chuyện với bà Hiền thì Tú Huệ chạy băng vào buồng mình, xách ra một túi nhỏ đưa cho bạn. Cô tươi vui bảo:

            - Mầy mở ra xem đi Tịnh An. Tuần rồi hai anh tao đi công tác ở Đà Lạt về, mua quà cho má tao, cho tao, và có cả phần của mầy nữa đó.

            Tịnh An mỉm cười mắt ngời sáng, đưa tay nhận quà. Hai cô ngồi vào chiếc đi-văn rồi từ từ mở ra xem từng món một.

Bà Hai Hiền mở cửa cho con thì trở về ngồi vào vị trí của mình. Mặc dù hỏi thăm về ba má của Tịnh An nhưng tay bà thoăn thoắt thêu từng mũi chỉ trên mình hàng. Thỉnh thoảng bà dừng tay lại, mắt trìu mến nhìn Tịnh An. Bà cúi thấp đầu làm việc, nhưng tâm tư đang nghĩ suy: Đứa nhỏ nầy thật là lành gái. Nước da trắng hồng, dáng người cao ráo thanh cảnh. Mặt, mũi, miệng vừa tầm trên khuôn mặt thanh tú đoan trang. Tánh tình lại đôn hậu, ăn nói dịu dàng lễ phép. Nếu nó được làm vợ một trong hai thằng con trai thì còn gì vui mừng hơn cho bà. Hai đứa con bà bây giờ đã lớn khôn, dựng vợ được rồi. Lương phạn của bọn chúng làm nuôi sống được vợ con. Có vợ có chồng lo lường đùm bọc lẫn nhau. Như vậy bà sẽ yên tâm và mãn nguyện lắm. Nhưng khi nghĩ đến mấy đứa con thì bà phì cười. Hai cái thằng khỉ đó! Thằng lớn mỗi lần nói đến vợ con thì nó quầy quậy tìm đủ cớ bác ra. Thằng kế thì bảo:

-  Má lo cho anh Hai trước rồi mới tới con. Nhưng thời buổi bây giờ sống độc thân khỏe hơn má ơi. Má đừng có kiếm vợ cho con, để tự con kiếm lấy rồi sẽ cho má biết. Má chỉ mấy cô má vừa ý, chớ con không bắc mắt chút nào thì làm sao mà cưới cho được?

Cái con tài lanh Tú Huệ, nghe thấy anh và mẹ nói cũng xen vào:

-  Nè anh Hai anh Ba! Hai anh thiệt đẻ bọc điều mà hỏng biết. Nhà mình có lợi điểm cho hai anh là ở ngang trước trường nữ Trung học. Những buổi tan trường, lễ lộc… Ôi trước cổng trường dập dìu là kiều nữ của Tây Đô…như… như em vậy! Nếu có cô nào lọt mắt bù lạch ăn của hai anh thì phải lên tiếng, phải nói. Nhớ phải nói cho cô em gái tốt bụng nầy biết, em sẽ tìm hiểu và làm mai cho. Chỉ đòi công xơ xơ nửa năm lương tiền bánh thôi chớ không nhận đầu heo đâu. Cho nên hai anh keo kiết nổi tiếng hãy ráng bấm bụng mở hầu bao chớ đừng có thắt gút thật kỹ đó nghen.

            Tú Nghĩa cười lớn:

            -  Thôi đi cô Tư! Cô là Thị Nở thì đúng hơn chớ kiều nữ gì? Bạn cô toàn là búng ra sữa không hà. Anh không muốn rước về để mẹ phải nấu cơm và đưa đi học đâu.

            Tú Tâm cũng rống họng réo rắc như lên 6 câu vọng cổ:

            -  Cho tao xin hai chữ bình an đi! Bạn của mầy toàn là gấu, là chằng và ăn hàng xàm xạp như mầy, cưới về sẽ chết đời đẹp trai, hào hoa phong nhã của tao. Chồng lãnh lương đẩu tháng, chỉ 4, 5 tây thì sạch bách. Tội nghiệp má còm lưng làm việc nuôi thêm miệng ăn nữa.

            Tú Huệ không nhịn được, vừa cười ha hả vừa rược đánh hai anh mình:

            -  Đủ rồi nghen! Coi chừng mai mốt muốn quá mà mắc lời nói hôm nay, nên không dám nhờ con nhỏ nầy thì té hen ra ngoài. Rồi chịu không nổi vừa khóc vừa năn nỉ đưa tiền thì mất mặt bầu cua lắm đó.

            Nghĩ đến đó nhưng Tú Huệ đang ngồi săm soi mấy món quà với bạn. Bất chợt bắt gặp mẹ nhìn Tịnh An ! Cho dù kín đáo thế nào bà cũng không làm sao qua cặp mắt nhạy bén và tinh ranh của cô con út nầy. Cô cười mỉm chi cọp, lí lắc thì thầm nhỏ to bên tai bạn: «Ê Tịnh An, mầy xem kìa, coi bộ má tao chấm mầy cho một trong hai ông anh của tao rồi đó». Nghe Tú Huệ nói, Tịnh An cảm thấy bẻn lẻn mắc cỡ. Cô lật đật gom những món quà bỏ vào túi rồi xin phép ra về.

            Đưa Tịnh An ra cửa trở vào. Cô nghe mẹ càm ràm:

            -  Con đã nói gì, mà khiến cho Tịnh An không tự nhiên, phải mau mau ra về sớm như vậy?

            Tú Huệ cười cầu tài, chối quanh:

            -  Con có nó gì đâu má? Nó về sớm để học bài đó mà.

            Cô đi lại dở lồng bàn để kiếm gì ăn. Bà Hai Hiền tay vẫn thoan thoắt từng đường kim mũi chỉ trên vải, trên hàng từ mấy chục năm nay để nuôi sống gia đình. Hoàng hôn trải ánh sáng cuối ngày vàng úa lên vạn vật. Trên cây mận say trái ở hiên nhà rủ rê bầy chim trao trảo líu lo gọi đàn tìm trái chín. Gió lùa qua cửa sổ lùa vào mát rượi. Âm thanh đinh đon, đinh đon… của chiếc phong linh treo ngoài hiên nhà nghe êm tai và dễ chịu vô cùng.

 

            Dáng mảnh mai thướt tha của Tịnh An đang thoăn thoắt đi trên đường ươm nắng sáng. Bỗng cô rảo chân đi lẹ hơn, vì có mấy nam sinh đến cổng trường của họ rồi mà không chịu quẹo vào, cứ lẻo đẻo theo sau cô to nhỏ nói cười… Cảm ơn Trời Phật, nhờ cái giọng eo éo khó ưa của nhỏ Tú Huệ mà cô được cứu bồ:

            -  Nồi ơi, hôm qua tao đã dặn đi sớm rồi. Sao hôm nay mầy đến bình thường như mọi ngày vậy? Thôi lẹ lên, kẻo ổi cốc, xoài ghim đường chờ mình đó.

            Đã nói trễ mà Tú Huệ còn đẫy mạnh bạn mình qua hàng quà bánh, thay vì quẹo vào cổng trường. Tịnh An chậm chạp nói:

-  Hôm khác đi, hôm nay không đủ giờ.

-  Không được, lẹ lên thì hãy còn kịp, 10 phút nữa lận.

            Cặp mắt phượng của Tú Huệ quét nhanh qua các món trái chua, được ngâm đường và cam thảo, đựng trong các chậu kiếng trong vắt. Đôi mi dài cong chớp chớp bỗng dừng lại trên thau nhôm đựng tầm ruột. Lanh tay cô bóc một trái thảy vào miệng nhai rào rạo. Nước tầm ruột văn bắn vào tay áo của Tịnh An. Cô còn đang nhai thì bà bán hàng (vợ của chú Thại người Tàu nói tiếng Việt lơ lớ) lên tiếng:

            -  Sao nị ăn không hoài zdậy? Nị muốn mua bao nhiêu?

Tú Huệ chẳng nói chẳng rằng, chụp ngay miếng xoài ngâm đường cam thảo vàng tươi thuận tay phết luôn muối ớt cay nồng rồi đưa vào miệng nhai giòn khứu. Vừa nuốt, cô với tay lấy thêm trái cốc phết muối cầm bên tay kia. Cô cười háy bà bán hàng và hối bạn:

            -  Trời ơi, bà thiệt là nhỏ mọn quá đi! Thử có một trái mà cũng càm ràm. Tính tiền chung với miếng xoài và trái cốc đi. Ê, mầy ăn gì hãy lấy mau lên Tịnh An, đã nói trễ mà còn quàng rờ như bà già đi Âm Phủ vậy?

            Tịnh An nguýt bạn, chớp vội gói xí muội khô trên kệ, nhanh tay xé bao lấy để vào miệng một trái, bảo:

            -  Trả tiền đi. Ăn ngấu ăn nghiến như mầy tao sẽ bị sặc chết vì muối, vì ớt. Vả lại sáng nay tao chưa ăn lót lòng. Mấy ngử chua cay nầy nó cồn cào bụng tao sẽ hết học hành. Để trưa tao mới ăn trả thù.

            Miệng đang nhai ngồm ngoàm thì tiếng kẻng vào lớp beng, beng… Tú Huệ nói:

            -  Ờ trưa cũng được. Vậy thì đi vô lẹ lên mầy…

            Vẫn còn tiếc, Tú Huệ cắn vội miếng cốc rồi vứt que tre vào sọt rác. Cô hít hà ớt cay rồi lớn họng nói:

-  Ngon ơi là ngon! Ăn như vậy mới ngon nhưng vẫn chưa đã…

            Hai cô vừa đi vừa chạy vào đứng sau chót các bạn thì trên đầu hàng cô giáo ra lịnh di chuyển vào lớp. Con Thu Nhi nhỏ giọng chọc quê:

-  Tú Huệ hôm nay đẹp hết chỗ chê! Mắt mầy long lanh sáng ngời, mi như tươm dòng lệ mỏng, má ửng hồng, môi đỏ vì ớt cay quá xá phải không? Ngực áo mầy lấm tấm những giọt ngắn giọt dài màu vàng nghệ như rải bông của nước cam thảo ngâm xoài, ngâm cốc, ngâm tầm ruột chớ gì? Ông thầy Long khoái mầy ở chỗ đó! Đó đa!

Tú Huệ lấn đẩy bạn, nạt nhỏ:

-  Xì, đi lẹ lên con điên! Ra chơi tao sẽ thanh toán mầy.

            Ai nấy ngồi vào chỗ mình, yên lặng hồi hợp vì thấy cô giáo dở số “Phong Thần”. Giọng Huế nặng, cô Tích Lan gọi lớn:

            -  Hồng Tú Huệ!

Con nhỏ giựt mình đánh độp. Nãy giờ vào lớp cái mặt nó nhăn nhó vì bị ổi, xoài, tầm ruột hành làm cái bụng ê ẩm. Giờ lại khổ sở bị cô gọi lên trả bài, nên mặt mày bí xị như cái bị chín quai. Nhưng nó cố làm tĩnh, nở nụ cười tàn nhẫn đứng dậy, tay xách tập từ từ đi lên. Bạn bè trong lớp ai mà không biết cô nàng đó thông minh, học giỏi. Nhưng cũng nổi tiếng lười biếng nhứt lớp. Ấy vậy mà mỗi lần kết quả thi, điểm của nó đều đứng cao hơn Tịnh An và một số bạn khác. Cô Tích Lan không đẹp nhưng rất có duyên. Cô tân thời, ăn mặc áo dài dúng mốt, mang guốc cao gót, nên tướng đi nhúng nhảy, đế guốc gỏ vào nền lót gạch âm thanh dòn dả theo nhịp bước cô đi. Nhưng cô giáo nghiêm quá nên mặt trông lạnh lùng, tiếng nói rặt Huế nên rất khó nghe. Nhưng giọng cô êm đềm như tiếng chuông Thiên Mụ, ngọt ngào hiền lành dễ thương lửng lờ như dòng nước sông Hương.

-  Đái Thị Thu Nhi, Ôn Thị Tịnh An! Lên bảng!

Quỉ thần thiên địa ơi! Lại bị cô giáo gọi tên rồi, Tịnh An thoăn thoắt đi lên. Khi qua bàn con Ánh Hồng, còn nghe con xí xọn Thúc Cu (Thu Cúc) cố tình nói lớn:. “Ê, tụi bây coi cái tướng lắc lư con tàu đi của nhỏ Tịnh An thấy ứa gan chưa?”

Ba cô đứng xớ rớ len lén liếc nhau, chớ không dám hé nửa lời. Họ chờ cô giáo cho biết là trả bài, làm bài, hay viết bài? Bỗng tiếng gõ cửa, bà Giám thị bước vào. Hai người họ bước ra ngoài cửa. Mấy phút sau, cô Tích Lan bước bảo với đám học trò của mình:

-  Ba đứa trở lại chỗ ngồi đi! Hôm nay cô có việc nhà phải về. Các em xếp sách vở, đừng làm ồn ào, xuống sân cỏ hay vào thư viện học bài, làm bài… Nhớ trở lại đúng giờ, để tiếp tục môn học của thầy khác. Trưởng lớp đâu? Hãy nhắc nhở các bạn giữ gìn trật tự...

            Tú Huệ tươi cười, liếc bạn nhỏ giọng:

-  Một hồi nữa tan học, tao sẽ ghé chợ mua nải chuối chín, ghé qua xe nước mía mua một ly về cúng ông Địa, ông Tà đã phù hộ nên hôm nay bọn mình mới qua trạm dễ dàng.

Tịnh An phì cười:

-  Tự cổ chí kiêm tao chỉ biết người ta cúng ông tà, ông Địa bằng chuối chin, thuốc hút rượu trà, bánh trái chớ tao chưa hề nghe ai cúng nước mía cho ông Tà, ông Địa bao giờ. Mầy muốn uống thì mua uống, đừng có xạo để mượn cớ mà mang tội đó nghen mậy.

Hai cô cùng cười giòn như tiếng bể của thủy tinh và cùng nhau sắp tập vở vào cặp rồi bước ra khỏi lớp. Ngoài trời gió mát rười rượi lay động mấy nhánh phượng đầy hoa tươi thắm. Ánh nắng rực rỡ thắp trên những hàng cây bên đường. Ở khu gia bịnh bên cạnh trường, giọng ngọt ngào từ chiếc Radio lanh lảnh của cô ca sĩ tài danh: “Đây trời bao la dưới ánh nắng mai chiếu đầu gềnh… qua Đồng Tháp, Cà Mau… Ta cùng chen vai góp sức cho ngô khoai thêm được mùa…Từ đồng lúa mới…”

 
Dư Thị Diễm Buồn
(còn tiếp)

 

No comments: