Wednesday, March 22, 2017

Những Tháng Năm Cuồng Nộ (Đấu Tố) - Khuất Đẩu


Những Tháng năm Cuồng Nộ

Trích đoạn: Đấu Tố

 
 
 
    Cuộc chiến chống giai cấp bóc lột được tiến hành theo hai bước. Bước thứ nhất là đấu lý tức là hỏi tội địa chủ. Bước thứ hai là đấu lực tức là bắt chúng đền tội.
Năm ngày sau cái đêm tìm vàng không có, người ta đem hai cái giỏ bội mạ xung quanh lót đầy gai bàn chải đến xúc hai vợ chồng ông tổng Bá khiêng đi như khiêng heo. Vẫn hai tấm thảm mẻ chai hãy còn những giọt máu khô đang chờ đợi họ. Lại thêm có hai cái hố tròn và trên cây xoài có hai cái thòng lọng.

Mấy cán bộ chẳng biết ở cấp nào đều mặc áo đại cán bốn túi. Hoá ra họ là những người đã giác ngộ đồng chí thủ ngữ Đực. Họ chỉ thiếu cái mũ cát két là giống hệt các đồng chí Trung Quốc anh em.

Thủ ngữ Đực vẫn được ngồi bảnh choẹ trên ghế chủ tịch đoàn. Cả chục cây đuốc được các anh dân quân đứng cầm oai vệ. Lửa cháy phập phù. Vợ chồng ông tổng Bá như hai tội nhân ở cửa thứ mười của thập điên Diêm vương. Trong không khí nghiêm trang sặc mùi chết chóc ấy, bỗng dưng tên tôi được kêu lên:

– Lê văn Được , Lê văn Được đâu lên sân khấu có việc cần !

Lần đầu tiên tôi được gọi đích danh chứ không phải thằng Chó Đẻ như mọi khi. Tôi run bắn người, chẳng hiểu mình có tội gì. Tôi định chạy trốn thì có người nắm áo lôi lên. Tôi được đưa tới ngồi bên cạnh cô Thảnh và mấy cán bộ mặc áo đại cán. Mọi người há hốc miệng ra nhìn tôi, nhất là lũ trẻ con chẳng hiểu nổi vì sao một thằng phải bú sữa chó như tôi lại được ngồi bên cạnh những người mà mỗi lời nói của họ là một mệnh lệnh. Cả tôi cũng vậy, suýt đái ra quần vì sợ và kinh ngạc.

Đêm đấu lý bắt đầu.


Sau khi ông Khứ khúm núm xin ý kiến và được các cán bộ gật đầu, ông liền dõng dạc nói:

– Rõ ràng là vợ chồng thằng tổng Bá này quá ù lỳ ngoan cố. Năm ngày qua không nộp được một cân lúa. Tội của chúng mày là phải chết

Ông ngước nhìn cái thòng lọng, mọi người hồi hộp nhìn theo tưởng chừng như có hai cái xác đang treo lủng lẳng trên đó. Đợi cho nỗi khiếp sợ ngấm sâu vào mọi người, ông Khứ lại nói tiếp:

– Tội chết đã rõ rồi phải không, thưa nhân dân ?

– R….õ…

Một tiếng gầm đáp lại. Ông Khứ hả hê nói tiếp :

– Nhưng chúng mày chưa được phép chết. Chúng mày phải trả lời những tội ác của chúng mày trước nhân dân. Xin Toà hãy cho phép những ai đã từng bị nó hành hạ, áp bức bóc lột lên hỏi tội và được quyền trả thù.

Đồng chí thủ ngữ Đực nói như học thuộc lòng :

– Tòa đồng ý !

Lập tức có người bước tới trước mặt vợ chồng tổng Bá đang gục đầu chờ đợi. Đó là bà Năm hàng xáo (buôn gạo). Bà nói:

– Nó ác lắm. Khi bán lúa nó biểu tôi leo lên lẫm xúc lúa. Lẫm cao quá phải leo thang. Khi tôi leo lên được thì ở dưới nó cất thang. Nó ép tôi phải mua với giá thật cao, nếu không nó kêu chánh tuần tới bắt vì cái tội ăn trộm lúa.

Nói xong bà phun một bãi nước trầu vào giữa mặt. Nước trầu đỏ như máu chảy ngoằn ngoèo. Người thứ hai là bà Dĩa. Từ trên ghế chủ tịch đoàn bước xuống. Bà vừa nghiến răng vừa dí tay vào trán bà tổng Bá :

– Con mẹ này ghen đáo để. Nó nghi chồng nó lấy tui. Lúc tui đang nấu cơm, nó lấy đũa bếp nóng dí vào háng.

– Thì bây giờ đè nó ra mà dí lại đi! Một kẻ nào đó nói xỏ xiên làm cho mọi người cùng cười ồ. Không khí bớt căng thẳng. Có tiếng của đồng chí thủ ngữ Đực :

– Tội của vợ chồng nó nhiều lắm. Chỉ có mấy chuyện vặt vãnh này thôi sao?

Trong khi mọi người nhìn nhau chẳng biết phải kể tội lão tổng Bá như thế nào để chứng tỏ là đã thấm nhuần chính sách, thì cô Thảnh đứng lên. Miệng cô nói: còn chớ, tay cô bất ngờ nắm lấy tay tôi dắt tới trước mặt ông tổng Bá. Cô nói:

– Hãy mở mắt to ra mà nhìn cho kỹ. Mày có biết thằng này là thằng nào không?

– Chó đẻ ! Chó đẻ !

Lũ trẻ con được dịp hò reo thích thú. Nhưng cô quát:

– Nó là con của mày. Tội ác của mày sờ sờ ra đấy. Mày chối tội à? Chị Chén đâu, mời chị ra đây.

Từ trong đám đông một người được đẩy ra. Đó là một người đàn bà chừng 40 tuổi. Bà ta thâp nhỏ và dường như nỗi sợ hãi trước đám đông làm cho bà ta loắt choắt như một đứa bé.

– Chị biết Lê văn Được chớ ?

– Dạ biết.

– Chính chị đẻ nó ra ?

– Dạ!

– Tại sao chị thả nó xuống sông?

– Dạ sợ làng bắt tội !

– Ai là cha nó ?

– Dạ …

– Trước nhân dân chị cứ nói đi, chẳng việc gì phải sợ

– Dạ thưa ông tổng Bá !

– Sao chị lại có con với nó ?

– Dạ …

– Sao ?

– Dạ bị hiếp !

Vậy đó ! Ai mà ngờ được ông tổng Bá là cha tôi và cái bà Chén em bà Dĩa kia lại là mẹ tôi! Cả làng như hoá câm trước cái sự thực quá bất ngờ. Người ta hết nhìn tôi đến nhìn ông tổng Bá rồi nhìn bà Chén. Nhiều người lắc đầu nghiêng tai nói thầm với nhau. Trước sự im lặng đầy ngờ vực ông Khứ lại gào lên :

– Đả đảo địa chủ ! Và cả làng như nhảy dựng lên cùng hô: Đả đảo! Đả đảo!

Như thế ngoài cái tội trốn thuế, ông tổng Bá còn thêm cái tội hãm hiếp. Ông tổng Bá thề có trời đất chứng giám, ông không làm cái chuyện bậy bạ ấy. Nhưng cũng như cái khả năng về thuế nông nghiệp, người ta bảo ông có tội là phải có tội. Có điều cái tội của ông không phải là tội dâm ô ác đức như người ta thường nói mà là xúc phạm đến giai cấp đáng kính của bần cố nông. Bỡi vì hai chị em bà Dĩa chỉ có một cái nhà nhỏ như lỗ mũi và cả đời chỉ thay nhau làm bếp cho nhà ông.

Ngay khi biết được cái mầm sống của giai cấp bị bóc lột suýt bị chết đói nếu không có một con chó cái hy sinh lũ con để cứu sống, các vị cán bộ mặc áo đại cán đang ngồi lơ mơ vặt lông mũi bỗng vây lấy tôi rồi nâng lên khỏi đầu, hét lên như bắt được vàng:

– Hoan hô giai cấp vô sản !

– Hoan hô em bé dũng cảm !

– Đả đảo địa chủ gian ác !

Nhưng cô Sáu tôi bất ngờ từ trong đám đông lao ra như con chó cái của nhà ông hương bộ. Cô nói như ra lệnh:

– Thả nó ra ! Chính nó là con tôi !

Cùng lúc cô tát như té nước vào mặt bà Chén. Cô gào lên :

– Mày là đồ rắn rít ! Đồ cứt đái !

Chưa bao giờ tôi thấy cô hung dữ như lúc ấy. Ngay cả khi ông Khứ cho dân quân đến tịch thu mía, cô cũng không quyết liệt đến như vậy.

Cái màn đấu tố ông tổng Bá coi như bị bể dĩa. Cái mũ “hiếp dâm” mà người ta định chụp lên đầu ông đã bị cô Sáu tôi lật ra ném xuống đất. Người ta liền dựng lên một màn khác. Lần này là cụ cử Vân. Cụ là người thực sự danh giá vì cụ đã đậu cử nhân, đã từng làm quan. Nhưng người ta bảo cái danh giá đó chính là tội ác. Tội của cụ là làm tay sai cho giặc và cho cả phong kiến.

Lần này là đấu lực. Đó là một đêm tháng mười một. Trời lạnh như cắt. Mưa lay bay nên càng lạnh thêm. Người ta không bỏ cụ vào bội mạ nhét đầy gai như vợ chồng ông tổng Bá mà để một người nắm chòm râu bạc dài tới ngực của cụ lôi đi như lôi một con trâu đã xỏ mũi. Đường đất trơn trượt, mấy lần cụ té ngã, nhưng không ai dám nâng dậy. Chẳng những thế ông Khứ còn kéo ngược cụ lên như nhổ một bụi mì.

Ra tới sông, người ta nhét cụ vào giỏ, từ trên cầu thả xuống nước. Đợi nước ngập tới cổ người ta kéo lên. Rồi lại thả xuống. Lại kéo lên. Cứ thế có đến chục lần. Trong ánh đuốc lập loè và trong gió bấc hun hút, cụ run lên bần bật giống như mấy con chó trong trận đại sát cẩu.

Rồi người ta lôi cụ ra khỏi giỏ. Cái quần sũng nước đứt dây tuột xuống. Cụ xấu hổ đưa tay định kéo lên nhưng một gã dân quân liền xỏ cây gậy vào giữa, nên cụ đành gục đầu mà đứng trần truồng trong tiếng cười ầm ĩ của bọn trẻ con. Thực khác xa với cảnh đăng khoa ngày nào. Sau khi nhận áo mũ của vua ban, cụ được hai hàng cờ lọng rước về làng trong tiếng trống nhạc tưng bừng.

Giờ cụ bị điệu về không có lấy một miếng vải để che những chỗ đáng che, run rẩy bước đi giữa hai hàng gậy gộc của đám dân quân và giữa tiếng thét gào đả đảo.

Về đến nhà, cụ bị bắt quỳ giữa sân. Người ta hỏi trong bao nhiêu năm làm quan vơ vét của cải để ở đâu. Cụ không nói được và người ta cũng chẳng thèm nghe cụ nói, liền xông vào nhà. Ngưòi ta lục tung gối mền, đập vỡ các chậu cây cảnh, xé nát những cuốn sách mà cụ quý còn hơn vàng. Ngưòi ta lục lọi gần như suốt đêm thỉnh thoảng lại đến nắm chòm râu của cụ giựt ngược lên hỏi để đâu ?

Khi đã chán chê định bỏ về, thấy cụ nằm còng queo trên đất, ông Khứ liền đá một cái vào cái mông teo tóp, cụ vẫn nằm im. Ông ta lại nắm râu lôi dậy nhưng cụ vẫn quặt quẹo như bún. Lúc ấy người ta mới biết là cụ đã chết tự bao giờ !

Thế đấy, hết những đêm đấu lý là những đêm đấu lực. Sẽ không còn chửi rủa hỏi tới hỏi lui mà là đấm, là đá, là thoi, là đạp, là nện vào lưng vào đầu bằng những gốc tre chẻ làm tư như cọc phòng không. Mỗi làng không chỉ một đứa mà hết đứa này đến đứa khác. Hết địa chủ thì đôn phú nông lên. Hết phú nông thì đôn trung nông bậc trên.

Triệt hạ tất như xén hàng rào. Khi đó xã hội sẽ công bằng vì chỉ còn một giai cấp duy nhất là quần chúng lao động. Y như một sân đá bóng, chỉ trồng một thứ cỏ duy nhất và luôn luôn được cắt xén cẩn thận. Người ta tính ra trong làng có đến vài chục người. Thế là đạt và vượt chỉ tiêu !

Khuất Đẩu

304Đen - Llttm

 

 

No comments: