Cũng Đành
Tôi chỉ còn tìm cách nào vào thành may ra kiếm được
ký ninh uống.
- Thì sao mà cưỡng được...
Tôi thức dậy khi trời đã sáng rõ, bụng đói cồn cào,
chân tay rời rã, nhưng đầu óc tỉnh táo kỳ lạ. Tôi nằm im cho mãi đến khi có một
người đàn bà bước vào lều. Khi bà ta đưa mắt nhìn đến đống rác thì kêu thét
lên. Tôi ngọ ngoạy rồi chui đầu ra. Chắc hẳn người đàn bà tưởng tôi là một con
vật, như con chó ốm ghẻ lở nào đấy. Khi thấy cả thân hình tôi ngồi dậy được thì
trên khuôn mặt bà ta hiện ra nhiều nét ngạc nhiên đầy kinh dị:
- Trời ơi tao tưởng mày là xác chết rồi chứ... thế
mà đêm lính nó không nhặt đi...
Người đàn bà mãi mới nhìn lên dò xét, tôi biết bà
ta đang nghĩ gì:
- Này người ta chưa bán mở hàng đâu đấy. Có tiền
không mà ăn?
- Tôi nhớ, chết thật lâu ngày... tôi cũng đang đi
kiếm...
- Có mình tôi thôi... thầy đẻ tôi... Tôi đang đi
tìm một chỗ ở.
- Vâng...
- Thật rõ...
- Tôi muốn có một chỗ ở tạm – nhà bác?
- Nhà cháu cũng không có chỗ tử tế. Sợ cậu ở không
được.
- Vẽ ra, đến có ổ chuột mà rúc vào cũng hay rồi
đấy, loạn mà bác?
Tôi nói tình cảnh tôi cho bác Mạnh nghe. Bác tỏ vẻ
ái ngại về chuyện vật đổi sao dời làm tôi khó chịu. Tôi nhờ bác xin cho một
việc làm ngay ở xưởng. Ở đây người ta mua những mảnh vụn chai, kính vỡ về nấu
rồi thổi thông phong, những ve chai nhỏ để đóng thuốc cho mấy tiệm thuốc bắc.
Tôi không biết thổi nên nhận một chân đốt lò, khuân thủy tinh, quét dọn. Buổi
tối tôi giải chiếu ngay nơi cửa lò – chỗ làm việc của bọn thợ ban ngày mà ngủ
cho ấm.
Bây giờ thì tôi đỡ lo là chưa chết ngay. Mùa đông
kéo dài những ngày rét mướt. Tôi vay tiền mua hai cái bao tải tối đến chui vào
đó. Với những ngày làm việc mệt nhọc những cơn sốt vẫn trở lại với tôi. Tôi
lãnh tiền công chỉ trả tiền cơm cho bác Mạnh và mua thuốc ký-ninh vàng về uống
hoài. Uống mãi những cơn sốt lui dần thì tôi hoá ra nghễnh ngãng, ù tai nghe
không rõ. Người ta sai bảo tôi chẳng nghe được, người chủ đuổi tôi không cho
làm vì không thể mượn một người điếc. Tôi buồn sao không điếc hẳn mà lại còn đủ
sức để nghe tiếng quát tháo. Theo lời khuyên của bác Mạnh. Tôi đeo lên vai một
cái giỏ rách, với một cái móc sắt đi theo những người móc rác đi nhặt mảnh
chai, kính vỡ, vụn sắt về bán.
Tôi tìm ra bãi đổ rác, bới những đống hôi thối,
nhặt chai, kính... từng chút sắt vụn, vỏ cam, rẻ rách. Khi chiều về lọc ra từng
thứ bán cho bà Cả Ới. Bà ta chuyên mua lại của những người đi nhặt rồi bán cân
cho xưởng thổi phong long, cho lò đúc, rẻ rách bán cho dân Bưởi làm giấy cho
xưởng ô-tô làm rẻ lau. Vỏ cam vỏ quýt cho tiệm bào chế và cả lông vịt lông
gà...
Tôi kiếm đủ ăn, tối về ngủ ở chỗ bác Mạnh như một
con chó vô chủ.
Tôi bới chán ở đống rác lại đi tìm bới ở những căn
nhà đổ nát chưa có chủ về. Tôi nghĩ đến nhà tôi, và những thứ còn lại ở đấy
chắc chưa ai nhặt nên muốn mò về. Một bữa tôi lên đê Yên Phụ nhìn sang bãi Phúc
Xá với ý nghĩ ấy nhưng rồi không dám qua. Tôi đi dọc bờ sông lên chỗ xưởng dép
cao-su Con Hổ chen vào một đám đông đảo tụ lại ở chân đê.
Tôi thấy người ta đang đào một cái hố lớn, họ đào
sâu và vứt lên vô kể những mảnh chai sắt vụn mà không ai nhặt thì mừng quá. Tôi
nhặt lại từng đống rồi thuê xe ba gác chở về. Tôi vớ được một món bất ngờ. Tôi
không hiểu họ đào gì mà chốc có người lại cúi xuống nhặt lên một mẩu xương, khi
to khi nhỏ rồi xem xét, truyền tay nhau. Khi thì xương bò, khi thì xương lợn,
khi xương gà, xương chó... Khi biết thế họ lại vứt đi và đào nữa – Sau tôi mới
biết họ tìm xương người. Toán người ở đó được một nhà giàu ở đây thuê đào tìm
xương của ông bố chết hồi chạy loạn mà người đó nghi là chết ở tăng-xê nơi chỗ
này. Bởi thế nên mỗi khi gặp một chút xương họ phải xem có phải là xương người
không, nhưng mỗi lần họ đều thất vọng, đào mãi cũng không thấy gì. Ngày thứ hai
họ có ý thôi, tôi nghĩ đến sắt vụn mảnh chai nên bảo:
- Tăng-xê này sâu lắm, ở dưới nữa kia. Ðào chưa tới
đâu. Thấy nói vậy họ tưởng tôi biết nên xúm lại hỏi, yên trí tôi biết. Tôi bảo
chính hồi Nhật thả bom tôi đã chui vào đây và có lẽ mẹ tôi cũng bị chôn ở đây
nữa. Họ tiếp tục đào và cho tôi kiếm ăn. Nhưng lẽ dĩ nhiên họ không tìm ra một
chút xương người nào. Khi họ yên trí bảo chắc ông cụ không chết ở đây. Tôi vỗ
tay vào trán như mới nhớ ra: - À, nhưng chỗ này có những hai cái tăng-xê cơ –
hay ông cụ chui ở cái đằng này...
Tôi chỉ cho họ chỗ cách đó độ năm thước, tôi quả
quyết còn một cái nữa – và họ tiếp tục đào cho tôi nhặt mảnh chai, sắt vụn. Tôi
nghĩ giá hồi xưa biết vậy tôi chết quách chỗ này cho bây giờ họ nhặt lấy xương
mà làm ma, làm chay và cho là bố họ có hơn không. Rồi đào mãi họ cũng bỏ. Tôi
nghiêm nét mặt rồi nói lớn:
- Sao không đào cái đống thịt thối này của tao mà
lấy đầu lâu và xương cốt...
Lũ người bảo tôi là thằng điên họ tức bực muốn dần
cho chết. Có một đứa bông lơn cho cả lũ cười.
- Ðến vứt cái xác mày cho chó nó cũng chả gặm nữa
là xương cốt...
Tôi cất tiếng cười lớn theo đám đông xúm quanh làm
họ thôi cười.Số tiền kiếm được làm tôi phè phỡn. Một bữa tối tôi qua phố Hàng Buồm mua hai con gà luộc sẵn về cho vợ chồng bác Mạnh một con, còn một con tôi ngồi xé ra ngoạm.
Tôi đang ăn thì có đứa con gái đứng ở cửa nhìn vào.
Tự nhiên tôi nói lớn:
- Có ăn thì vào cho miếng chứ nhìn gì?
Nó vào ngồi ở bên cạnh rất thản nhiên. Tôi nghĩ
chắc nó cũng sống như tôi – thật tội nghiệp. Tôi nhìn vào mặt nó. Nó cũng chỉ
độ tuổi tôi. Tóc uốn quăn môi son và mặt chát phấn. Nó mặc quần áo trắng. Nó ăn
hết rồi ngồi mút mười đầu ngón tay còn vẻ thèm nhạt. Tôi hỏi:
- Ở đâu?
- Trong ngõ
- Có nhà à?
- Có
- Hạnh phúc, hạnh phúc.
- Còn anh?
Nó nói tiếng anh ngọt sớt. Tôi vứt bỏ mẩu xương
cuối cùng rồi co vạt áo lên chùi mồm.
- Không có gì cả... không có gì cả mà...
- Về ở với em...
Nó lại xưng em. Tối hôm đó tôi theo về nhà nó – một
gian nhà lá mãi trong cuối ngõ. Nó chỉ cho tôi nằm ở một cái chõng con và vứt
cho tôi một cái chăn đơn. Nó ngủ ở một cái gường có màn buông và hai cái gối.
Lần đầu tiên tôi được một chút êm ấm. Ðêm nó thắp đèn kể chuyện tâm sự cho tôi
nghe. Nó chả có cha mẹ gì và nó làm nghề kiếm khách. Tôi về ở đó ngày ngày đi
móc rác, đêm về ngủ. Nó thì ban ngày ngủ, đêm đến mặc quần áo, đánh phấn chải
đầu rồi đi kiếm mối đem về nhà. Chúng nó cởi truồng ra đùa rỡn với nhau chán
rồi ôm nhau lên giường ngủ như không có tôi. Những ngày mùa đông rét mướt kéo
dài mãi nền trời xám và mưa đêm. Những ngày không có khách nó co tôi sang ngủ
chung cho ấm. Có đêm cơn sốt rét lên nó thấy tôi run như sắp chết thì hoảng sợ.
- Ê chết sao mà rãy dữ vậy?
- Không.
- Ðừng rỡn, chết làm sao ta chôn.
- Thì cứ vứt ra đường là xong
- Vứt sao được...
- Ðùa chứ chết gì, ôm cho chặt vào thì không chết
đâu, khỉ.
Nó cởi hết quần áo tôi ra mà đùa rỡn coi tôi như
một khúc gỗ. Ðêm nào nó cũng cần ôm lấy một thân thể mới ngủ được. Tôi là một
cái thân thể để cho nó đắp vào những đêm không có khách. Có đêm tôi lên cơn
rét, thân thể hoàn toàn bất lực, nó cố vác bỏ tôi sang chõng rồi ngồi chờ thằng
tầm quất đi qua. Thằng tầm quất tới nó gọi vào rồi đóng cửa lại, nó bảo đấm bóp
chán rồi ôm lấy. Thằng tầm quất không cưỡng lại được, sáng hôm sau như lả đi.
Nó bảo tôi giúp sức kéo bỏ ra ngoài đường. Ðến một hôm có một gã đàn ông khoẻ
mạnh đến rồi ở luôn lại. Tôi nằm một mình buồn tủi. Rồi đứa con gái bảo tôi:
- Em sắp lấy chồng.
- Gã đó?
- Chứ sao.
Tôi buồn rầu bảo:
- Lấy anh đi... tương lai mà...
Nó bĩu môi rồi tát vào mặt tôi một cái mà bảo:
- Ứ ừ... để rồi tao đi móc rác với mày à – Rồi con
cái – rồi tuổi già?...
- Ðồ khỉ – Lại còn con cái? Lại còn tuổi già? Rồi
sống được đến già à?
Tôi ôm lấy nó như chưa ôm bao giờ.
- Ðừng lấy gã đó. Ở với anh...
Mấy ngày sau chúng nó tống tôi đi với mấy chục bạc.
Tôi ngày ngày đi móc rác, chiều đến mò vào Văn Miếu nằm. Ðêm đêm sờ soạng những
bia đá, những gạch ngói nằm im mà thấy tủi thân. Ôm vào lòng cũng chỉ thấy cứng
ngắc. Buổi sáng thức dậy soi mặt xuống làn nước hồ nghe tiếng quạ kêu trên
những ngọn cây khô già cỗi.
Ðến một khuya kia tôi thức dậy vì ánh sáng đèn bin
soi vào mặt. Tôi mở mắt nhìn tụi lính chĩa súng vào người. Chúng hỏi giấy tờ
tôi không có gì nên bị điệu về bót. Chúng giam tôi đến sáng hôm sau mới dẫn lên
hỏi:
- Tên gì?
- Con tên Kha.
- Thẻ căn cước?
- Con mới vào nên chưa có.
- Ở đâu?
- Con ở ngõ Thông Phong
- Số nhà?
- Con quên.
- Với ai?
- Với vợ con.
Chúng bắt tôi dẫn về ngõ Thông Phong, tôi đưa vào
nhà đứa con gái. Tôi chỉ vào nó mà bảo với
tụi lính:
- Vợ con đây.
Tụi lính cất tiếng hỏi:
- Có phải bà là vợ nó không?
- Không, tôi có chồng.
- Bà biết nó không?
- Không – tôi không biết nó là ai cả.
- Nó là vợ tôi mà...
- Này thằng kia – mày trông rõ xem tao ngủ với mày
bao giờ...
Tôi thấy yêu đứa con gái vô cùng. Tụi lính đánh tôi
túi bụi.
- Khai láo, khai láo... quân lưu manh... đánh cho
chết đi...
Ðêm chúng đem tôi về nhận vào bể nước rồi đánh nữa.
Khi tôi ngất đi chúng lại phun nước cho tỉnh dậy và tiếp tục đánh như nhồi một
trái banh – rồi chúng lại bắt tôi cung khai. Tôi không còn biết mình nói gì:
- Mày mới ở ngoài vào phải không?
- Vâng... dạ
- Ðịnh phá hoại phải không?
- Dạ vâng...
- Với ai, tổ chức nào?
- Vâng...
- Ai?
- Dạ...
- Ai?
- Nguyễn-mạnh-Kha...
- Ở đâu?
- Số bảy, tám, chín Hàng Khay.
- Ðúng không?
- Nó cho ở...
Tụi lính lại dẫn tôi đi, tới nơi tôi vừa tỉnh để
bảo:
- Không, tôi nhầm. Tôi là Nguyễn-mạnh-Kha.
Tôi khai lung tung, bạ gì nói nấy. Chúng đánh chán
tay rồi giam tôi vào buồng tối như một con chó cho muỗi nó đốt. Chúng tra khảo
tôi mãi cũng chán nên giam tôi lại cùng với những người khác, mỗi ngày ném cho
một nắm cơm. Có một ngày lũ người bị giam được tập trung vào một khoảng sân ngó
thấy nền trời. Tay bị xích lại. Hôm đó có một viên cố đạo bảo là đến làm phép lành
cho lũ tù. Hắn nói những điều tôi chưa hề nghe bao giờ như: yêu mến chúa, thiên
đường, địa ngục, cứu rỗi, tội lỗi, xám hối, quỷ quái, thánh thần, yêu thương,
huynh đệ... Lũ lính vác súng bắt lũ tù ngồi yên nghe.
Viên cố đạo làm dấu nhìn chúng bị đánh đập. Nhưng
tôi còn đủ sức chửi bới và văng tục. Tụi lính lại tra khảo tôi mà không chịu
buông tha:
- Mày tên gì?
- Con khỉ
- Ở đâu?
- Con khỉ... cởi truồng...
- Cha mẹ mày tên gì?
- Ai?...
- Cha mẹ mày?
Khi nghe rõ đến hai tiếng cha mẹ thì tôi khóc rống
lên chúng tiếp tục đánh đập tôi nữa:
- Mày tên gì?
- ... thịt thối...
- Ở đâu?
- Viên cố đạo
- Cha mẹ mày tên gì?
- A ha!... A ha!...
Ðến một đêm tối lũ lính dồn tôi lên một chiếc xe
bọc kín mang tới một cánh đồng cùng mấy đứa nữa. Chúng bắt đào hố. Tôi biết là
sắp được tự chôn mình. Tôi nghe tiếng lên đạn lách cách,
xong chúng bắt quay mặt vào hố. Tôi nhớ đến câu
hỏi, và tự nhắc.
- Cha mẹ mày tên gì?
1958
No comments:
Post a Comment