Những Đứa Con Lượm
Ngày nọ, bà Bê phát hiện một cô gái còn trẻ, đang ngồi co
ro nơi góc nhà bà Chung. Bà Bê chỉ liếc mắt nhìn qua rồi đi luôn ra chợ. Bà đi
quanh, đi quẩn cả buổi. Trở về ngang vẫn thấy cô gái ngồi co ro một chỗ.
Bà Bê ngồi xà xuống gần bên hỏi:
– Ê, nhỏ. Mày ở đâu đến đây vậy?
Cô gái không nhúc nhích, cũng không nhìn lên.
Câu hỏi kế tiếp:
– Sao mày không trả lời Bê vậy?
Nó vẫn im lặng. Bà Bê chán nãn, đứng lên bỏ
đi. Chiều đó, bà mang ra thông tin với mấy người đàn bà khác.
– …mẹ nó! Hồi sáng, tui thấy có con nhỏ, ở
đâu mới lại xóm này. Nó ngồi co rút bên hông nhà bà Chung. Tui hỏi hoài nó
không trả lời. Chắc là một con ăn mày. Thấy tội lắm.
– Sao bà biết nó ăn mày?
– …mẹ nó! Quần áo như cái nùi giẻ, tóc tai
như rễ tre, chân cẳng không giày dép, chỉ có là con ăn mày mới như vậy. Nếu có
cha mẹ, ông bà, đâu ai để nó nông nổi đó?
– Rồi nó đi đâu rồi?
– Tui hổng biết. Đâu để tui thả lại đó coi
sao?
Bà Bê đứng lên, phủi đít mấy cái, bỏ đi.
Chừng năm phút sau, bà Bê trở về.
– …mẹ nó! Con nhỏ đi đâu mất tiêu rồi.
Đề tài không còn hấp dẫn nữa. Nhân vật chính
đã bỏ đi. Hôm sau, bà Chung mở đầu:
– Mấy chị ơi, tôi thấy con nhỏ ăn mày rồi.
– Ở đâu vậy?
– Tối qua, nó nằm ngủ trên gian hàng ngoài
chợ mình. Sáng nay cô Xuân bán hàng lôi cổ nó dậy, đuổi đi rồi.
– Tội nghiệp hông?
Bà Tư chắc lưỡi. Thêm một bà nữa chắc lưỡi.
Cả đám đàn bà cùng nhau chắc lưỡi, thở dài.
– Không hiểu nó là con cái nhà ai mà để đi
lang thang như vậy?
– Chắc nó mồ côi, sống đầu đường, xó chợ.
– Hay là nó cãi cha mẹ, bỏ nhà ra đi.
– Nói gì thì nói, tui thấy con gái khổ hơn
con trai. Con trai sống lang thang chẳng hao mòn gì, bất quá trầy trụa
ngoài da, còn con gái, sống lang thang, bị khó khăn chuyện có kinh kỳ, bị ăn
hiếp, bị bọn con trai dụ dỗ… lỡ mang “chuột con” trong bụng… sống sao nổi…
Nhận xét mới mẻ này bỗng trở thành đề tài cho
các bà bàn tán như một cuốn tiểu thuyết kéo dài mỗi ngày. Vẫn chung quanh vấn
đề người thấy nó chỗ này, kẻ thấy nó chỗ kia. Một hôm, bà Tư đi ngang chỗ con
nhỏ ăn mày, sẵn trong tay đang cầm mấy cái bánh bò mới mua, bà Tư ngồi xuống
nhét vào tay con nhỏ một cái. Nó ngạc nhiên, ngước mặt nhìn bà.
– Ăn đi cháu.
Giọng bà Tư nhỏ nhẹ, trìu mến. Con nhỏ cầm
cái bánh, chần chừ một chút rồi đưa ngay vào miệng nhai ngấu nghiến, nuốt.
Xong, nó lại nhìn mấy cái bánh khác còn lại trong tay bà Tư, ánh mắt thèm
thuồng. Lợi dụng cơ hội, bà Tư hỏi:
– Cháu tên gì? Nói đi, dì Tư sẽ cho thêm cái
bánh nữa.
– Lượm.
Cái miệng nó hé ra một tiếng rồi im luôn.
– Nhà cháu ở đâu?
Con nhỏ liếm môi, nín thinh nhìn xuống đất.
Bà Tư nhét vội cái bánh vào tay nó rồi đứng lên bỏ đi. Thế là cái tên Lượm của
con nhỏ ăn mày được truyền đến tai mọi người ngay chiều hôm đó.
– Chắc ai đó đã lượm được con nhỏ, mang về
nuôi, họ kêu nó tên Lượm cho tiện.
– Tên gì thì tên, nhưng tui thấy tội nghiệp
nó hết sức. Chắc đâu chừng 15, 16 tuổi gì đó.
– …mẹ nó, mấy lần rồi, tui hỏi, nó có chịu mở
miệng đâu. Lần này, chị Tư hên lắm mới được nó nói tên. Chiều nay mua giấy số
đi chị Tư, hổng chừng trúng lô độc đắc đó!
– Chắc nhờ chị Tư cho ăn, nó há miệng. Mấy
chị muốn nó há miệng nữa thì đem bánh cho nó ăn đi.
Ý kiến nghe có lý, thỉnh thoảng gặp con Lượm,
mấy bà hay nhét vào tay nó một cái gì đó để nó ăn. Tuy nhiên, ăn thì ăn, con
Lượm không hề hé môi thêm tiếng nói nào nữa hết. Cũng quen, các bà mặc nhiên
coi nó giống như một đứa câm cần được bố thí vậy thôi.
Một ngày, bà Bê phát hiện ra chỗ con Lượm
đang nằm những đám nước bọt trây trét và bầy nhầy những đồ ăn ói mữa. Trước
kia, lúc nào con Lượm nằm ngữa, cái bụng nó cũng gần như dán sát xuống lưng vì
chẳng mấy khi nó được ăn no. Bà ba chân, bốn cẳng chạy về báo tin:
– Trời ơi! (lần đầu
tiên, bà Bê thay tiếng chửi thề …mẹ nó bằng tiếng kêu trời) Mấy chị ơi, dường như con Lượm…nó. nó..
mang bầu hay sao đó?Tui thấy cái bụng nó u u cao một chút.
Rồi Bà Bê
lớn giọng hơn, hằn học: – … mẹ nó,
mình đã đoán trước chuyện này rồi, đúng y chang. Không biết thằng mắc dịch, mắc
gió; thằng trời đánh, thánh đâm nào đã đè con Lượm ra để “mần ăn”, để con người
ta khổ một đời, có khốn nạn không chứ? Cái đồ vô lương tâm! Cái thứ mất dạy,
cái đồ ăn cức heo!
Bà Nga la lên: – Ối giời ơi, tội cho con bé, cuộc đời nó, còn chưa xong, làm sao nó
lo được cho đứa con sẽ sinh ra? Khổ thật đấy!
Bà Phó nghiến răng: – Cú này chết con nhỏ rồi. Thằng nào ác ôn,
mất dạy. Bà biết được, bà sẽ tọng ngay mấy bãi phân vào mồm nó. Bà còn đấm vào
mặt vài phát cho gẫy mấy cái răng cha nó!
– Con Lượm rồi sẽ ra sao đây hén? Miếng ăn
cho thân nó, còn không có đủ, giờ phải ăn cho cả hai mẹ con nữa.
– Làm thân con gái khổ quá phải không mấy
chị? Hay là tụi mình đem con Lượm về đây, mỗi người sẽ cho nó cái mềm cũ, cái
quần, cái áo cũ. Rồi mỗi ngày, mỗi người sẽ thay phiên nhau cho nó nửa chén
cơm, một, hai miếng cá… cho nó đỡ khổ vì cái thai hành hạ. Mình là đàn bà, mình
đã từng trãi qua đoạn đường thai nghén, giờ mình phải thông cảm cho phận đàn bà
của con Lượm.
– Chị Tư nói phải đó. Mình cũng nên làm
phước, giúp con Lượm cho tới ngày nó sanh. Không có mình chắc nó chịu không nổi
đâu. Thế nào cũng chết.
Mọi người im lặng. Câu “Thế nào cũng chết” đã rúng động
mạnh mẽ trong lòng các bà. Ngay chiều hôm đó, họ xúm lại chung quanh chỗ con
Lượm đang nằm. Người lau mấy vũng ói. Người lo trải tấm mềm rách mấy lỗ dưới
lưng nó. Người đưa cho nó chén cơm nguội với mấy con tép rang… Họ lăng xăng như
thể đang săn sóc một người thân. Thân mình con Lượm mềm nhủn, bèo nhèo như
miếng giẻ rách. Ai muốn làm gì thì làm, nó chẳng hề kháng cự. Nó cũng chẳng
muốn nhận diện những kẻ đang giúp đỡ mình. Cái thai đang hành hạ thân xác nó
đến thảm hại. Nó đã nằm vùi một chỗ mấy ngày rồi, không gượng dậy nổi để đi
kiếm ăn. Ói mữa đến mặt mủi xanh dờn, trắng bệch. Con Lượm đúng là một xác chết
chưa chôn.
Nhờ được săn sóc, mấy ngày sau, con Lượm đã
trông thấy khá hơn. Nó nuốt được nửa chén cơm có chan canh rau dền, nhưng không
lâu, chỉ mười lăm phút sau là nó ói thốc, ói tháo ra. Bà Bê là người nhanh tay
lẹ chân nhất, không nhờm tởm chất ói tanh tửi, nhảy ngay vào hốt bỏ rồi lau
chùi cẩn thận. Ai không biết sẽ tưởng rằng bà đang săn sóc cho một đứa con.
Ngày nào các bà cũng thi nhau đến chỗ con Lượm nằm để thăm hỏi, mặc dù không
bao giờ nghe con Lượm mở miệng thêm tiếng nói nào hết. Tuy nhiên, nó biết nghe
và hiểu. Bên hông nhà bà Nga có một khoảng nhỏ được che bốn góc để nuôi heo
trước kia, giờ heo bán rồi. Bà đề nghị bố thí chỗ đó cho con Lượm về nằm để đỡ
bị ướt vì mưa. Con Lượm nghe nói, không một chút do dự, nó ngoan ngoãn đứng
lên, đi theo các bà về chỗ chuồng heo liền. Tuy là chuồng heo nhưng vẫn tốt hơn
nằm ngoài sân. Có lẽ lần đầu tiên trong đời nó gặp được những con người tốt
bụng, ánh mắt nó đã thấy long lanh, sáng hơn bình thường.
Dần dần, con Lượm thấy hết mệt nhọc. Nó không
còn ói mữa nữa và ăn được nhiều hơn. Cái bụng nó nổi rõ, tròn vo như cái rỗ úp
ngược.
– Nó không biết gì hết, có hỏi cũng như
không, nhưng tui đoán chắc cái thai nó đâu chừng được năm, sáu tháng gì đó.
– Phải rồi. Nó đã qua thời kỳ ói mữa, ít nhứt
cũng đến tháng thứ năm rồi.
– …mẹ nó! Không biết mai mốt tới ngày nó sanh
đẻ làm sao đây nữa?
– Thì cũng tụi mình ráng giúp nó chứ sao bây
giờ? Thương thì thương cho trót.
– Tui đề nghị thế này: mình hùn tiền lại, kẻ
một đồng, người hai đồng, kêu xe đưa vô nhà thương thí cho nó đẻ. Mấy chị nghĩ
sao?
– Tui đồng ý. Mình nhịn ăn quà vặt để góp
tiền lại cho nó đi đẻ làm phước.
– Thì phải vậy rồi, chẳng lẽ mình để nó đẻ
trong cái chuồng heo đó sao? Mình cũng đâu có cõng nó đi đẻ được?
– …mẹ nó! Nó đẻ rồi sao nữa?
– Đẻ xong, nó muốn cho ai nuôi thì cho.
– Nó có biết ai đâu mà cho?
– Cho vào viện mồ côi cũng được vậy.
– Hay là mình xúi nó bỏ đứa con lại nhà
thương cho họ lo.
– Xúi nó bỏ con như vậy kỳ quá.
– …mẹ nó! Con rơi của thằng chó đẻ nào chứ
phải con của con Lượm đâu?
– Chị Bê nói vậy cũng đúng, nhưng chính nó đẻ
ra thì nó là mẹ chứ ai vô đây nữa. Còn thằng chó đẻ nào bất nhơn cứ coi nó như…
con chó ghẻ đi.
Bà Bê nghiến răng, phun miếng cổ trầu đỏ ối
đánh phẹt xuống đất, quày quả bỏ đi… cho hạ cơn tức đang đè nặng trong
ngực.
Thắm thoát, cái bụng con Lượm đã to cành ra.
Nhìn vào nó, chỉ thấy cái bụng đàng trước. Họ đoán ngày sanh chắc cũng gần tới
đâu đó. Ngày nào các bà cũng canh chừng coi nó có triệu chứng gì chưa. Một buổi
chiều, tới phiên bà Tư đem cơm đến cho con Lượm, bà thấy nó đang nhăn mặt, ôm
bụng rên rỉ. Các bà vội vàng, mỗi người móc trong túi ra vài đồng đưa cho bà Bê
cầm để kêu chiếc xích lô, đưa con Lượm đi thẳng vào bảo sinh viện. Bà Bê không
chồng nên muốn đi đâu, giờ nào cũng tự do. Từ đó, con Lượm đau bụng liên tục
cho đến gần sáng mới sinh được. Đứa bé nặng không tới hai ký lô. Bà Bê ngồi đợi
ngoài phòng cho tới khi nghe tin, vào coi mặt đứa bé rồi mới kêu xe trở về.
Sáng hôm sau, trong lúc bà Bê vẫn còn ngủ vì
tối qua, thức trắng đêm, mọi người đã tụ tập thật sớm trước sân nhà bà Phó để
chờ nghe tin. Mãi đến hơn mười giờ, bà Bê mới gượng dậy nổi. Bước ra khỏi nhà,
vẫn còn mắt nhắm, mắt mở, bà Bê buông thỏng:
– Sanh rồi. Con gái. Nhỏ bằng cái lon sữa bột
gi gô!
Ai cũng thở ra nhẹ nhỏm như vừa trút được một
gánh nặng trên vai.
Bà Phó chép miệng: – Phải chi nó sinh con trai cho đỡ khổ. Con
trai quẳng ở đâu cũng không sợ.
– …mẹ nó, con trai, con gái gì cũng đã xong
rồi, theo tui thấy thì chẳng có gì để mấy chị bàn hết. Tui không biết mấy ngày
sau đây, nó sẽ làm gì với đứa nhỏ.
Cả đám im lặng. Bà Phó lên tiếng: – Tội nghiệp thì tội nghiệp, nhưng biết sao
bây giờ?
– Thôi, kệ mẹ nó đi.
Mọi người đồng ý. Kệ mẹ nó đi. Coi như bộ
truyện dài con Lượm kéo liên tục cả năm nay đã đến lúc phải chấm dứt. Tuy
nhiên! Tưởng vậy chứ không phải vậy
Một buổi trưa êm ả, chợt có tiếng con nít
khóc vọng lại từ phía chuồng heo nhà bà Nga. Mọi người tóa hỏa tam tinh chạy
tới. Trước mắt họ, một đứa bé chỉ có một tấm tả quấn dưới bụng đang nằm khóc đỏ
mặt, tím tai. Bà Bê nhận ra ngay đứa nhỏ chính là con của con Lượm mới sinh một
tuần trước. Nhìn quanh quất không thấy bóng dáng con Lượm đâu. Các bà nhìn nhau
lắc đầu, tất tả chạy đi tìm chai sữa rồi đổ nước vào cho nó bú.
– Con Lượm không chịu bỏ con nó lại nhà
thương, mấy chị hả?
– Nhưng con Lượm đâu rồi?
– Tui nghĩ, nó không đi luôn đâu. Chắc nó chỉ
đi kiếm ăn quanh đây thôi. Cái chuồng heo coi như là nhà của nó nên nó để con
lại đó.
Chẳng nói chi nhiều, mọi người đều nhìn bà Bê
và đứa nhỏ đang nằm ngủ yên lành trên tay bà với cái khăn cũ quấn quanh mình.
– …mẹ nó! Coi cái mặt nó ngủ thấy thương.
Qua câu nói, bà Bê đã mặc nhiên nhận lấy
trách nhiệm kể từ giây phút này. Đến chiều tối, trong lúc mấy bà khác đang bận
bịu với gia đình, bà Bê vẫn ôm đứa nhỏ ngồi trước cửa, trông ngóng con Lượm.
Cả ngày hôm sau, con Lượm vẫn bặt tin. Một
tuần, rồi hai, ba tuần trôi qua, vẫn không thấy nó trở lại. Tới lúc này, các bà
mới chịu tin rằng con Lượm đã bỏ đứa con lại. Đằng nào cũng bỏ, nhưng nó không
chịu bỏ trong nhà thương. Nó muốn bỏ lại cho các bà đã từng tốt bụng với nó
trước kia. Đứa nhỏ bây giờ đã trở thành đứa con “Quốc Tế”, được nhiều người săn
sóc, lo lắng. Ngày nào các bà “mẹ nuôi” cũng thay phiên nhau bồng bế, nựng nịu.
Da nó đã hết nhăn, mặt mủi nó bụ bẩm, biết mở mắt vô tư nhìn hết người này đến
người kia. Bà Bê cứ ôm nó hun chùn chụt lên đôi gò má phúng phính. Hầu như
không còn ai nhớ gì đến chuyện phải giao đứa nhỏ về một nơi nào khác vì nó đã
có một chổ ngay trong nhà bà Bê. Và bà Bê đã lấy tên của mẹ nó đặt cho nó: Bé
Lượm! Không phải bà đã luợm được nó trong chuồng heo hay sao?
Xã hội Việt Nam lại có thêm một đứa con lượm.
Hồng Hoang
304Đen - Llttm
No comments:
Post a Comment