GÓC KHUẤT
Những cây phượng vỹ và người trồng.
Nếu ai có hỏi: Trung học Bình Long có cây phượng vỹ nào không? Tôi sẽ mạnh
miệng trả lời là: có!
Thế nào cũng
có bạn cựu học sinh THBL ai đó cho rằng tôi nói dóc; câu trả lời của tôi là bốc
phét. Trường xưa làm gì có cây phượng vỹ nào?
Xin thưa: có
đấy bạn ạ!
Đầu
năm 1972. Gặp em ở sân trường. Trò chuyện với nhau em có nói với tôi rằng: em
muốn trồng một hàng phượng vỹ trong sân trường. Bình Long nhiều nơi mùa hạ sang
phượng hồng rực rỡ, cớ sao trường mình lại không có? Hoa phượng là hoa của tuổi
học trò mà! Tôi cười rạng rỡ đồng lòng với ý nghĩ của em.
Vào một buổi
chiều, hoc trò đã tan trường. Trời chưa tắt nắng. Tôi nhìn thấy em và các bạn
cùng lớp. Người cầm cuốc đào lỗ, người xách thùng tưới cây, người nâng niu
những cây phượng nhỏ. Các bạn hăm hở đặt những cây phượng đầu tiên cho trường.
Các bạn trồng theo hàng rào dọc đường Nguyễn Huệ. Trong khuôn viên nhà trường
từ hôm đó đã có một hàng phượng vỹ. Tôi cũng thầm mơ ước cùng em một ngày
phượng hồng rực đỏ nắng sân trường.
Ít ai để ý
việc em làm. Em vẫn thầm lặng chăm tưới. Một việc vô cùng ý nghĩa và tôi trân
trọng em vô cùng.
Tôi cũng có
phần hơi thẹn với lòng…Bảy năm ngồi ở ngôi trường này mà không làm đươc điều gì
đẹp ý như em.
Em tôi học
lớp 10. Mắt to xoe tròn trên gương mặt bầu bĩnh. Da hơi ngâm ngâm, ấp ủ nét
thiên thần. Trên khuôn trăng ấy đầy vẻ thánh thiện hồn nhiên. Môi em luôn điểm
một nụ cười như đóa sen hàm tiếu. Mái tóc thề buông xỏa ngang lưng. Dáng em hơi
đẫy đà nên anh chị trong nhà gọi em lá Út ú!
Áo dài tung
theo gió mỗi khi em tan trường. Thỉnh thoảng tôi và các bạn cùng lớp hay làm
đuôi theo ngắm em từ đàng sau. Em thân thiện gần gũi với mọi người. Từ khi quen
biết em chưa thấy em giận hờn trách móc ai bao giờ.Tôi và một thằng bạn hay gọi
em là thiên thần không đôi cánh trắng. Có những câu chuyện hài hước làm
quà kể cho em nghe mỗi khi gặp làm em tròn xoe mắt ngọc, dù em biết tỏng
là tôi ba xạo.
Và cứ thế,
cứ hiền hòa đằm thắm em đi vào nỗi nhớ của nhiều chàng trai.
Từ khi có
hàng phượng vỹ ấy, tôi hay nán lại sau giờ tan học để được nhìn em chăm sóc
những hàng cây. Để được gặp và trò chuyện với em nhiều hơn; được cùng mơ ước
mùa Hạ nào đó sân trường mình rực rỡ những cánh phượng hồng. Nếu mai sau không
còn tuổi học trò vẫn còn nhớ mãi kỷ niệm xưa!
Cuộc chiến tràn về
Đầu
tháng tư 1972, không khí có vẻ nặng nề với hầu khắp người dân Bình Long. Những
cổng kiểm soát của thị trấn được khẩn trương canh gác. Cả NDTV cũng được điều
động đến canh phòng.
Một
ngày cận kề với cuộc chiến, buổi trưa hôm ấy tôi cắp sách đến trường. Đến cổng
canh phía Tây An Lộc, đã thấy hàng rào dây kẽm gai kéo ngăn lối vào thị trấn,
hạn chế người qua lại. Một bạn NDTV thấy tôi đi học bèn ra mở lối cho tôi qua.
Vào đến trường không khí đã khác hẳn mọi ngày. Các bạn học không nói về bài vở
như mọi khi mà toàn nói về cuộc chiến sẽ xảy ra.
Và rồi… một
lát sau…những trái đạn pháo kích đầu tiên đã được rót vào An Lộc. Bắt đầu bao
trùm cảnh chết chóc tang thương! Loạt pháo ác nghiệt vô hồn ấy đã lấy đi sinh
mạng của bác gác dan cổng bệnh viện Bình Long, người chết đầu tiên của cuộc
chiến.Trí nhớ không lầm thì bác ấy tên Thảo.
Thầy HT đã
vội vàng cho học sinh ra về. Chúng tôi rời trường trong hoang mang, sợ hãi,
không ngờ đó là buổi tan trường cuối cùng của ngôi trường thân yêu!
Mùa hè tang
tóc!…Cuộc chiến An Lộc bắt đầu như thế đó. Nhũng buổi chiều pháo nổ trên đầu
chúng tôi vẫn lang thang trên phố. Chỗ nào có người chết thì lại xem! Vợ thầy
Lưu, giáo sư dạy Văn của trường bị trúng đạn pháo chết tức tưởi. Học trò vào
nhìn và chỉ biết …nhìn! Thầy Lưu đứng bên thi hài của vợ, nước mắt doanh
tròng.Tang lễ vội vàng trong lửa đạn.
Chiều xuống
là mọi người tìm nơi trú ẩn. Dân các nơi tản cư đổ về thị trấn nhỏ bé. Chúng
tôi còn nhìn thấy những người lính Sư Đoàn 18 chạy về từ Lộc Ninh. Họ tập trung
tại ngã tư billard Phượng.
Trong nhà
Thầy Lưu tôi còn thấy có những người phụ nữ. Chắc là vợ lính đi thăm chồng rồi
bị kẹt lại.
Trên không
lững lờ chiếc C 130 nhả xuống những vòi rồng lửa ngoài vành đai thị trấn. Những
tiếng “cắc cắc thùng thùng”vọng đều đặn trên không.
Trong nhũng
ngày đó trực thăng đổ dồn quân tiếp viện về cho An Lộc. Liên Đoàn 3 BĐQ vừa đổ
xuống sân bay thì pháo đã đổ ngay trên đầu họ.Tôi có người thân trong toán quân
này. Những bước chân người lính SĐ 5 BB dồn dập về hướng Tây An Lộc để ngăn
chặn quân thù.
Cuộc chiến
thảm khốc như cơn sóng thần tràn về An Lộc. Rền vang tiếng đạn pháo; từng trái
pháo, từng trái pháo cày xéo đất Bình Long. Rồi không ai còn đếm được nữa!
Những ngôi nhà toang hoang đổ nát vì đạn bom. Ngôi trường thân yêu của chúng
tôi cũng chung số phận.
Những cây
phượng em tôi ra sức vun trồng chưa kịp đâm chồi nẩy lộc đã tan nát! Tan nát
như hồn thơ dại tuổi học trò! Tôi, em có hiểu kịp ra điều gì đâu; chiến tranh
là thế đó!
Chạy vòng quanh
Bài hát nào
của nhạc sĩ Phạm Duy có câu: ta chạy lòng
vòng ta chạy vòng quanh: dân An Lộc cũng chạy vòng quanh. Nhà Thờ
là nơi tôn nghiêm, người dân những tưởng bom đạn chừa nơi ấy ra, nhưng rồi đạn
pháo cũng rót vào.Tôi không có mặt nơi ấy lúc đó, đang tính tìm đường đến đó
trú thân thì nghe nhà Thờ cũng bị pháo. Có trái rớt trúng vào cây đa trước
trường Vinh Sơn làm nhiều người chết. Nghe bạn quen kể là Vũ thị…Ngoan, em của
anh Vũ đình Châu chết ở đây trong loạt pháo này.
Một ngày tôi
không nhớ, nhưng tôi nhớ lúc mình lạc gia đình. Tôi có ở với anh chị Tam (con
thày giáo Mãnh, HT trường Tiểu Học An Lộc). Vì anh Tam là anh của bạn Khúc
người cùng ấp. Nhà anh ở một xóm gần ấp Thánh Mẫu, bên cạnh hàng rào ấp chiến
lược phía Tây An Lộc.
Ngồi tựa cửa
ngóng máy bay trên trời, rồi chợt nhìn về hướng dãy nhà TPB, tôi thấy một toán
quân di chuyển từ vườn ươm cây nông nghiệp của Ty Điền địa. Vài người khác cũng
như tôi, dân khu vực này mừng rỡ reo lên:
“Lính Dù…Lính Dù…Lính Dù lên đến đây rồi
!”
Toán quân
dừng lại. Anh lính mang máy nói to lên: “nửa gol khói
lửa”. Tôi ngạc nhiên vô cùng (sau này vào quân đội tôi mới biết
khẩu lệnh đó) Họ ngồi xuống đó, cười đùa chọc ghẹo nhau và lấy cơm sấy thịt hộp
ra làm bữa. Anh thiếu úy cầm súng trường đến hỏi thăm vài người dân rồi quay ra
ăn cơm với đồng đội. Xong bữa cơm đó, họ di chuyển về hướng ấp Thánh Mẫu.
Chừng 10
phút sau, tiếng súng tiểu liên nổ giòn kèm theo những tiếng gầm của lựu đạn.
Không biết các anh quay về bằng hướng nào. Họ có về được đủ như lúc ra Thánh
Mẫu không? Nhưng, những ngày sau đó Thánh Mẫu vơi tiếng súng. Cho đến bây
giờ tôi vẫn kính phục nét thản nhiên của những người hùng đó. Họ đi vào chiến
trận như một cuộc dạo chơi.
Càng ngày áp
lực đè lên An Lộc càng tăng lên gấp bội. Những người dân khu xóm ấy cũng phải
bỏ nhà cửa để tìm nơi lánh nạn. Ban đầu cuộc chiến người chết còn có kẻ chôn,
càng về sau thây phơi đầy đường, mạnh ai nấy tìm nẻo sống. Người ta cứ chạy
lòng vòng như không lối thoát. Giáo đường không còn là nơi an toàn. Bệnh viện
ăn đạn pháo tan hoang. Nơi đó không còn người sống, hay những người bị thương
không ai cứu chữa, sống chung với xác chết, hay lấy thây người chết che
chở cho mình!
Cuộc chiến
càng ngày càng tăng vẻ khốc liệt. Dân đen chạy lòng vòng trong thị trấn. Không
còn chỗ nào yên ổn cả.
Ngày đầu
tiên chiến xa tràn vào An Lộc.Tôi cùng một số người khác đang đi trên đại lộ
Hoàng Hôn, trước cổng chợ thì có anh lính SĐ 5 VNCH la to:
“Cua nó bò vào rồi! Chạy nhanh lên!”
Chưa hết
dốc, tôi nghe nhiều tiếng nổ lớn phía đường Ngô Quyền. Ba cụm khói đen bốc cao
kìn kịt. Tôi lại chạy tạt về phía Bưu Điện rồi qua trường tiểu học Thượng An
LỘc.
Nhìn sau
lưng một chiến xa lù lù chạy tới.Tôi trông thấy một anh lính BĐQ quỳ gối,
giương khẩu M72 lên, liền sau đó là một ánh chớp và một tiếng nổ lớn. Khói đen
bốc lên,chiếc xe tank gầm lên đau đớn rồi im bặt.
Chẳng kịp
suy nghĩ gì nữa, tôi chạy vội theo giòng người qua hội trường Lý Thường Kiệt.
Rồi chẳng
biết mình đi về đâu!
Không biết
tại sao tôi lại đến được trường Quốc Quang, rồi lại chạy từ QQ đi lên đường Lý
Thường Kiệt. Chạy lung tung như trí nhớ tôi bây giờ.
Rời An Lộc
Những
người dân chạy loanh quanh, rồi hướng về cổng Nam An Lộc tìm đường thoát về
Chân Thành. Tôi cũng nhập vào đoàn người này. Trong đời có lẽ tôi nhìn được
lượng người đông như vậy, cùng chạy trốn chiến tranh trên QL 13 (QL máu)!
Gần tới Chà
Là,thấy các bạn cùng trang lứa chạy ngược về hốt hoảng:
-“Nó chặn bắt thanh niên,chạy lại đi!”
Cả đám chúng
tôi lùi lại bàn tán nghe ngóng
Chốt chặn đó
nằm ngay phùm ma(nhà mồ) của sock Đông Phất, cạnh QL13. Những người may mắn
thoát ngược lại cho hay là ông Đ/úy Hiệp (Hội Đồng Tỉnh) bị bắt và phải
ra nhận diện chỉ điểm những công chức làm cho VNCH. (Tôi không tận mắt thấy ông
Hiệp, nhưng có biết một việc chỉ điểm khác: Bác cai Miêng làm trưởng ấp ở Thanh
Bình, bị bác Cân người cùng ấp chỉ điểm và bị bắt sau đó bác mất tích. Khi về
đến Phú Văn hai người con của bác Cai Miêng là Minh và Chung tìm được bác Cân,
rồi đánh cho bác một trận thừa chết thiếu sống).
Tân khai, vùng đất xôi
đậu
Sau đó VC
không ngăn được dòng người tìm sống, họ để cho dân đi tới Chà là. Tại đây tôi
tìm được mẹ và em tôi. Cũng tại đây tôi lần đầu thấy được những con người khác
miền bằng xương bằng thịt. Vai đeo AK đi lòng vòng quanh đám dân đen.Một phụ nữ
nhắc khẽ tôi:
-“Ra ngoài kia đi!Coi chừng bị bắt”
Tôi lủi ngay
ra QL 13. Sau đó đoàn người dân chạy nạn cũng lấn dần dần về phía Tân
Khai. Tới đây thì chốt chặn cứng ngắt. Tân Khai vốn là vùng xôi đậu. Bây giờ
mới hiện rõ ra những khuôn mặt hung thần. Những cặp mắt cú vọ soi đêm, quan sát
theo dõi dân đen như những con thú săn mồi. Không biết có người dân Bình Long
nào được câu thăm hỏi dịu dàng của họ không?
Vì ai cũng
nghĩ là vượt qua được”cái địa ngục
khốn nạn ở Tân Khai là sẽ đến được thiên đường mơ ước ở Chân Thành”
nên ít người chuẩn bị cơm nắm quá hai ngày. Đi không được,người ta co cụm lại;
tìm được gì ăn nấy.
Tôi lần theo
ven đường. Tôi gặp lại được em. Em theo cha mẹ cũng đến Tân Khai rồi dừng lại.
Nơi chốt lưới giăng ra, chờ những con cá ngu ngơ như tôi và em. Em ân cần hỏi
thăm tôi đói không?
-“Có, hôm qua đến giờ lo trốn, lo chạy có gì trong bụng đâu!”
Tôi cười và
nói với em như thế.
Vẫn nụ cười
hồn nhiên thánh thiện, em vào một căn nhà trống hoác có gia đình em tạm trú,
lấy cho tôi một chén cháo môn dại ăn cho đỡ lòng. Em kể là loài môn này mọc
hoang bên bãi lầy cách đường vài chục mét. Bỏ thêm nắm gạo nấu ăn chống đói.
Cháo môn dại
ngứa xé họng nhưng trong cơn hoạn nạn được chính em đưa, ăn vào cũng ngon lạ
lùng.Từ cha sanh mẹ đẻ, lần đầu tiên trong đời tôi mới biết thế nào là đói
khát!
Tân Khai,
lối thoát về Chân Thành bị chặn cứng. Không ai nghĩ trận chiến lại tàn bạo và
dai dẳng như thế. Không thể hiểu được tại sao phía bên kia lại đối xử với đồng
bào như thế? Thậm chí có xin nước uống ở giếng họ cũng không muốn cho!
Dân đen là
một kho tàng; nếu biết và học hỏi bài học về kinh doanh trong chiến trận của
các du kích chắc chắn người ta mau phất lên! Tôi được biết: một gia đình vì
không có muối ăn cơm nên đã phải bỏ ra một chỉ vàng để mua hai muỗng muối! Bình
thường muối ở BL chỉ 4 đồng một ký! Buôn trên nỗi khổ của dân chạy loạn quả là
siêu lợi nhuận! Tôi còn biết gia đính của một giáo sư THBL vì chạy ngược lên
Lộc Ninh. Muốn về lại BL cũng phải bỏ ra 5 hay 7 chỉ vàng mướn một anh du kích
dẫn về BL. Vùng sôi đậu nhiều chuyện như thế; người dân được đối xử như thế.
Những ngày chờ đợi mở đường gian nan mòn mỏi.
Một đêm kia
tôi nằm trốn trong một vách đất nhà hoang. Một ánh đèn pine lóe lên ngay mặt.
Rồi một anh du kích gọi tôi ra ngoài. Đi ra, cũng thấy nhiều người bị lùa như
tôi.
Họ dẫn chúng
tôi đi suốt đêm. Gần sáng thì đến một khu vườn hoang,có những cây điều to. Bọn
tôi chẳng biết là nơi nào.
Ngồi chờ đợi
và đói khát. Rồi có một ông cán bộ đeo sắc cốt đến. Ông ta tự giới thiệu tên là
chín Thu, ông nói tràng giang đại hải gì gì đó. Tôi nghe không lọt qua tai, để
hiểu. Cả bọn thanh thiếu niên bị lùa ngồi như lũ khỉ bị mắc bẫy. Điều chắc chắn
là chúng tôi sẽ bị bắt đi xung quân!
Trưa trật,
có người mang ra cho chúng tôi một nồi cơm và một bình nước mắm. Họ nói chúng
tôi lấy chén mủ cao su mà bới cơm ăn. Nhân vật tên chín Thu cũng cùng ăn. Nhưng
ông ta lấy trong sắc cốt của mình một cái chén kiểu và đôi đũa mun đen bóng,
chứ không xài chén mủ cao su như chúng tôi. Ông ta cũng không ăn nước mắm.
Chúng tôi nuốt vội vàng như nuốt nước mắt. Đứa nào cũng có gia đình nằm ở Tân
Khai, lo sợ cho số phận người thân.
Gần cuối
bữa, họ dắt ra một người. Tôi nhận ra đó là anh Tân, người yêu của Châu thị
Thanh Tâm. Anh ấy là giáo sư dạy toán tại trường THBL. Trông anh thật là tiều
tụy, quần ào đỏ ngầu mầu đất. Hình như anh bị bắt hơi lâu rồi. Họ cởi trói cho
anh ăn. Trong lúc vội vàng như vậy anh kịp nhắn với tôi lời xin lỗi đến Tâm.
Tôi cười buồn vì không biết tôi có thoát ra dược hay không?
Cùng bị lùa
như tôi có thằng bạn tên Trục. Hai đứa tôi luôn ngồi sát nhau… Khi nào thuận
tiện mà cái ông tên chín Thu cho nói chuyện, nhiều đứa nhao lên hỏi. Thằng Trục
chờ cơ hội hỏi về người chị của nó. May thay, ông ta biết và nói nó chờ gặp anh
rể của nó hẵn hay.
Từ đó tôi
luôn đi theo sát nó theo lời dặn của nó.
Thằng Trục
Sau bữa cơm đó, những thanh thiếu niên bị lùa như chúng tôi ngồi co ro bàn tán;
không biết số phận mình sẽ ra sao? Rồi từ trong cánh rừng, có một người đàn ông
bước ra. Miệng ngậm diếu thuốc rê to chừng bằng ngón tay cái, tiến về phía
chúng tôi hất hàm hỏi:
-Thằng nào hồi nãy nói là em cô Dung?
Thằng
Trục vội vàng dơ tay dứng lên:
– Tui!
Người đàn
ông đó đến bên thằng Trục, khoác vai nó:
–Tao là anh rể mày đây!
Trục ngỡ
ngàng nhìn ông anh rể từ trên trời rơi xuống! Nhưng ông ta là một cái may cho
nó và cho một số ít chúng tôi. Hai người bọn họ dắt nhau ra một chỗ riêng rẽ,
nói chuyện với nhau khá lâu. Khi trở lại, thằng Trục ra hiệu cho tôi lại gần và
dặn dò:
-Cứ ngồi bên cạnh tao. Họ nói gì cũng lỳ ra, đừng đi đâu hết!
Vài thằng
quen cũng lại ngồi gần. Không thằng nào dám hỏi gì, chỉ lấy mắt nhìn nhau ra
hiệu.
Gần tối, họ
tập hợp số thanh thiếu niên lùa được ra một chỗ, chuẩn bị lùa đi tiếp.Tôi và
thằng Trục ngồi lỳ ra. Tiếng kêu khóc vang dậy. Cả đám vài chục thanh thiếu
niên phải ra đi. Trong số này tôi không thấy anh Tân. Còn lại gần chục thằng
ngồi lỳ họ không đếm xỉa tới nữa.Trời dần rơi vào đêm tối. Có một người đến đưa
cho thằng Trục một mảnh giấy; dặn dò chờ tối thêm chút nữa hẵn tìm đường ra Tân
Khai.
Khi đi vào
có người dắt lối, khi đi ra chẳng ma nào thèm chú ý. Không quen đường, chúng
tôi (số còn lại) dắt díu nhau vào một ngôi làng hoang. Nơi đây gặp một thiếu
phụ, chắc cũng là du kích; làm gì có quốc gia ở đây!
Chúng tôi
năn nỉ mua vài trái cà tím nướng ăn cho đỡ đói. Đâu đây bom đạn vẫn vang rền.
Một loạt bom B52 làm rung chuyển cả dất trời. Đứa nào cũng thầm cầu Trời khấn
Phật bom đạn đừng rơi vào chúng tôi. Loạt bom đó mà rơi chỗ chúng tôi chắc
không còn một mống!
Sau khi ăn
hết số cà tím nướng, chúng tôi hỏi người phụ nữ đó đường ra Tân Khai. Lần mò
dắt díu nhau đi ra. Trăng treo lờ lững giúp chúng tôi tìm ra con đường đá đỏ
lúc vào. Từ con đường này chúng tôi định hướng lối ra Tân Khai.
Khi chúng
tôi đi ra trên con đường đá đỏ này có nhìn thấy một đoàn quân. Họ đang tải
những cái võng lắc lư người nằm, tiếng kêu rên: chúng tôi không đếm được,
nữa là dám nhìn. Khi họ hỏi, thằng Trục đưa mảnh giấy mà anh rể nó đưa cho. Họ
soi đèn pin đọc rồi cho chúng tôi đi. Chúng tôi có nghe họ nói chuyện. Một câu
mà tôi nghe được:
–Trời ơi! cùng là người Việt mà sao để bom Mỹ
nó ném giết nhiều quá!
Bấy giờ
chúng tôi không đi mà chạy. Chạy xa đoàn quân ấy càng xa càng tốt, chỉ sợ họ
thay đổi ý kiến. Thoát được là may mắn lắm rồi! Nửa đêm chúng tôi ra tới Tân
Khai. Dân tản cư vẫn còn la liệt trên QL 13. Hình như không ai ngủ. Một vài
người quen đến hỏi thăm; có những người mong con mình được may mắn quay về, ít
lắm! Rút kinh nghiệm, chúng tôi tản ra nằm trên đường lẫn lộn với người già,
đàn bà con nít. Không ai dám vào trong những ngôi nhà kinh hoàng Tân Khai nữa.
Trong giấc ngủ chập chờn,tôi vẫn còn như thấy ánh đèn pin kinh hoàng hôm qua
rọi thẳng vào mặt mình!!!
Quay về An Lộc
Buổi
sáng hôm sau, khi trời vừa hừng sáng là tôi tức tốc nhảy bổ đi tìm mẹ và em
tôi. Ba mẹ con mừng tủi, tưởng đâu không còn gặp lại nhau. Tôi nói với mẹ và em
tôi ra ngoài QL 13, không nên nằm trong những ngôi nhà ở Tân Khai nữa.
Khi ra hẵn
ngoài đường, không có những ánh mắt săm soi cú vọ nữa. Lại găp thêm vài người
cùng thoát nạn hôm trước. Chúng tôi bàn nhau quay về An Lộc, vì ở Tân Khai
thoát được một ngày nhưng khó thoát nhiều ngày.Thà về An Lộc chết còn hơn mất
xác ở rừng rú. Mẹ tôi bằng lòng với quyết định của tôi. Thế là gia đình tôi lại
gồng gánh quay về An Lộc. Cũng có nhiều gia đình quay về nơi mà xe tank, đạn
pháo còn cày xéo từng giờ.
Trên đường
về, tôi không còn thấy người dân nào đi xuống Tân Khai nữa. Người đi trên đường
lưa thưa; nhìn hai bên đường nghe sao lạnh lẽo. Trước tháng tư 72 đen tối, bạn
học và tôi thường hay cỡi xe honda chạy trên đường này vào những ngày
nghỉ cuối tuần. Bây giờ nghe sao sặc mùi máu xương bom đạn!
Đi ngang qua
Chà Là, tôi ghé mắt nhìn xem cảnh thê lương; không có ai ra chặn đường nữa?
Những cây chà là đã cụt ngọn nhiều. Cảnh điêu tàn của chiến tranh. Chắc khi tôi
ở Tân Khai có lẽ xóm Chà Là này phải hứng chịu một trận giao tranh hay hàng
loạt bom dội xuống?
Đi ngang qua
phùm ma Đông Phất, không còn thấy bóng dáng “giải phóng quân”. Đoàn người quay
lại An Lộc cứ lầm lũi quay về. Đến ngã ba Xa cam, có một người lính núp sau một
gốc cao su già.Thấy tôi, anh ngoắc tay gọi. Tôi nhìn kỹ đó là một anh lính Dù,
nên tôi mạnh dạn bước vào. Sau khi xét hỏi giấy tờ tôi xong, anh hỏi về tình
hình dân tản cư bị kẹt ở Tân Khai. Tôi lắc đầu:
-Bị chặn lại, người dân dồn lại chờ mở đường.
_Sao em không chờ?
_Bị bắt nhiều lắm anh ơi! Về may ra còn mạng.
Anh chống
súng thở dài, rồi mở ba lô lấy cho tôi mấy bịch cơm sấy, một lon thịt hộp rồi
nói:
-Chùa Tịnh Độ là nơi an toàn nhứt trong An Lộc. Em ra nói với mọi người đến
nơi đó tạm ở.
Tôi cám ơn
anh rồi ra nói với những người trên đường ý của anh ấy.Tới cổng gác đường
Nguyễn Du, cảnh tang hoang còn rợn người: hai bên lề đường khi xưa cỏ mọc um
tùm, nay những nấm mồ chôn vội vàng mọc lên như nấm. Khi gia đình tôi vào trong
sân chùa Tịnh Độ, ở đây cũng đã đông người. May mắn hiên chùa còn một khoảng
trống, đủ cho gia đình tôi lánh nạn.
Trong hoạn
nạn, người ta đùm bọc lẫn nhau; cũng có không biết bao nhiêu điều chua xót mà
tôi buộc phải nhìn thấy: một trái delay đã hốt trọn cả một gia đình tám mạng
người, một cháu bé sơ sinh may mắn thoát như là một phép mầu, một phụ nữ tốt
bụng cưu mang nó. (Sau này tôi không còn gặp người phụ nữ ấy). Sáng ra mở mắt
thấy mình còn trên cõi đời là một hạnh phúc rồi.
Người ta tận
dụng hai bên đường xe lửa làm nghĩa trang. Người sống chôn người chết rồi thầm
nghĩ bao giờ đến lượt mình? Người thân chôn người thân, đồng đội chôn nhau.Tất
cả giống nhau cùng làm “người đội pháo đào huyệt”. Những loạt đạn xoèn xoẹt
trên đầu; những tiếng nấc không át nổi tiếng đạn pháo ngập trời.
Có một ngày
trong cuộc chiến: Tôi được chị Ba, chị Tư đến nhờ tôi chôn cho một người bạn
lính nghĩa quân (em của hai chị). Người bạn không may đó tôi vừa gặp ít phút
trước, còn hút chung với nhau điếu ruby quân tiếp vụ! Đắng lòng, nhờ thêm một
thằng học cùng trường ra đào huyệt chôn bạn mình. Hai thằng sống chôn một thằng
chết. Vừa ôm bụng quặn vì tiêu chảy vừa đào.Tiếng đạn pháo rít lên, là vội nằm
xuống huyệt đó luôn!
Khi tôi và
thằng bạn đào huyệt thì gần bên, trước cổng chùa, một người cha mang đến bốn
xác đứa con thơ, quấn vội vàng trong những miếng vải dù. Ông lầm lũi đào một
cái huyệt to rồi đặt cả bốn xác con mình chôn chung. Bà vợ lăn lộn kêu gào thảm
thiết. Xung quanh chùa biến thành nghĩa trang, ai cũng vội vã đào và lấp. Hai
anh lính ĐPQ đưa đồng đội ra chôn. Lỗ huyệt nông choèn, xác người bó trong lớp
vải dù. Xong, một anh giơ cao nòng súng bắn một tràng tiễn biệt.
Tình người trong chiến trận
Phía sau
lưng chùa Tịnh Độ về hướng Đông, chiến sự vẫn diễn ra khốc liệt. Một buổi sáng
có tiếng máy bay gầm rú rồi một loạt bom nổ vang rền. Miểng bom, đất đá bay tứ
tung rào rào trên mái ngói chùa. Các anh lính BĐQ vội vàng mang trái khói ra
thả xung quanh chùa. Tôi còn nhớ anh T/S Danh tiểu đoàn 52/BĐQ nói:
– “Xác định vị trí cho máy bay khỏi lầm. Lạc vào
đây một trái thì hậu quả không kể xiết!”
Người bị
thương được đưa về chùa khá nhiều. Người còn thân nhân chăm sóc, người không có
thân nhân thì sống nhờ vào tình thương của những người cạnh bên. Trong An Lộc
người ta sống hết sức có tình người. Một sáng có một người bị thương ở cánh tay
(HS/ THBL), cô bé tên Kim Anh, được chăm sóc cho từ vết thương đã có giòi cho
đến khi lành hẳn; không thuốc men, chỉ bằng nước muối. Đủ kiểu để con người ta
phải chết. Một ông già cay đắng thốt lên:
-“Pháo cỡ nào cũng trúng.Không trúng lính thì trúng…dân!”
Bệnh tiêu
chảy cũng làm chết nhiều người. Một người dân tộc Stiêng đã gục chết ngay
nơi đi vệ sinh. Trước khi người dân được lính VNCH cho thuốc, thì lá cây sa pô
chê nấu đặc lại làm thần dược, cứu cánh cho bệnh dịch này. Những bành dù tiếp
tế cũng đè chết người.Tờ mờ sáng khi nghe tiếng C130 trên cao dân phải đội đạn
pháo trên đầu ra ngoài trời trông chừng dù tiếp tế rơi xuống. Âm thanh
của những bành dù xé gió nghe thật là khủng khiếp!
Lúc hổn độn
như cuộc chiến này thì các anh lính là người mạnh thế nhất. Lập lại kỷ cương là
các anh lính Dù (tôi còn nghe có các anh biệt kích 81 nữa ,nhưng tôi không có
may mắn gặp các anh này). Các anh mang từng bao đất gạo sấy, thịt hộp xuống
những khu có dân cư để phân phát. Và có chuyện khôi hài xảy ra:
Mấy anh lính
Dù mang gạo sấy thịt hộp xuống chùa vừa cho vừa đổi thuốc rê, bị lũ trẻ ranh ra
xin, rồi giành lấy luôn. Cuối cùng gặp ông già tốt bụng còn thuốc rê cho mỗi
anh một điếu, hút xong cười khà khà vui vẻ ra về, hẹn hôm sau đến nữa.
Những người
trai can trường áo hoa này tôi ngưỡng mộ họ vô cùng; họ chiến đấu anh dũng, họ
hy sinh oanh liệt. Họ luôn tươi cười trong mọi hoàn cảnh. Họ san sẻ miếng ăn
thức uống cho dân. Cuộc chiến kéo dài trên 60 ngày nhưng tôi chẳng nghe ai nói
là người lính VNCH nào bán cho dân cái gì.Tất cả cái họ có được đều cho
không. Họ chỉ biết cho và cho…
Rất nhiều
chuyện tình người nở hoa trong An L ộc. Lúc đó tôi còn là một thằng hoc trò.
Tôi chỉ cảm nhận và kể lại những gì tai nghe mắt thấy.
Tuyết Đào
(Trích Biên Khảo Tỉnh Bình Long)
304Đen - Llttm
No comments:
Post a Comment