Saturday, May 9, 2020

Ký Ức Về Việt Nam Cộng Hòa - Không đề tên tác giả


Ký Ức Về Việt Nam Cộng Hòa
 
 

Như mọi người đã biết, ký ức về VNCH trong tôi chỉ có chút ít trước khi tôi biết đánh vần Việt Ngữ. Tháng 9 năm 1974 tôi cũng được Ba Mẹ tôi cho đi học mẫu giáo (4 tuổi rưỡi). Nhưng lớp đó chỉ vẽ, múa hát là chính, à, có biết nhận dạng 29 chữ cái nữa chứ. Tháng 9 năm 1975, tôi lại bị học thêm một năm mẫu giáo nữa vì chưa đủ tuổi vào lớp 1. Theo chương trình của VNCH thì lúc này là phải học đánh vần rồi, nhưng ai dè chế độ thay đổi nên học trình cũng bị thay đổi luôn. Thay vì học đánh vần thì tôi vẫn phải tiếp tục múa và hát thêm một năm nữa.

Mãi cho đến khi vào lớp 1, tức là tháng 9 năm 1976, tôi mới được học đánh vần. Tất cả những điều này cho thấy chương trình mới đưa từ miền Bắc vào chậm hơn chương trình của VNCH một năm.

Khỏi phải nói, những lứa trẻ thơ tội nghiệp này là lứa tuổi bị nhồi sọ trong nhà trường XHCN nhiều nhất. Chúng tôi nói những chữ như “ngụy”, như “giải phóng” rất tự nhiên và không ý thức được hết ý nghĩa. Một ngày kia, năm ấy cũng đã lên đến lớp 4, tức 8 tuổi rồi, thì thằng bạn thân ngồi sát bên cạnh, nó nói với tôi: “Trò nè, má tui dặn đừng có nói chữ giải phóng nha, vì đó là ngày buồn lắm. Cũng không được nói thời ngụy mà phải gọi là thời xưa, thời vàng son, tụi nó bắt mình nói vậy là để chửi chính ba má mình đó… “. Con nít học và ảnh hưởng từ bạn bè nhanh lắm, “học thầy không tày học bạn” mà. Vậy là tôi đổi. Tôi cũng đã đủ khôn, giữ mồm, giữ miệng, tôi nói “trước và sau bảy lăm”, tuyệt đối không nói hay viết chữ “giải phóng”, kể cả khi viết văn nộp chấm điểm.

Sau này qua Canada, đi học trong trường Canada ngành xã hội, nghề nghiệp đã một lần nữa dạy tôi phải luôn cẩn thận trong từng từ ngữ xử dụng. Tôi biết mỗi từ ngữ được ra đời trong tự điển đều có hoàn cảnh lịch sử câu chuyện về văn hóa của nó đàng sau. Tôi cũng có phần xét nét văn viết của từng đồng nghiệp. Nếu họ viết chữ center hay centre là tôi cũng có thể biết người ấy gần với văn hóa Anh Quốc hay Bắc Mỹ. Có khi hai quan niệm hai nước khác nhau mà chữ nghĩa cũng khác nhau, mặc dù đều cùng một sự tôn trọng nhân vật. Ở Hoa Kỳ, khi nói về người da đen, chữ tương đương và tôn trọng trong tiếng Mỹ là “African American” (hoặc American African), ai dùng chữ “Black” là bị xem như miệt thị, kỳ thị người ta. Nhưng ở Canada, trong và ngoài cộng đồng da đen thì cứ vẫn tự nhiên nói là người da đen, là “Black” trong niềm tự hào hoặc tôn trọng. “Proud to be Black”, chẳng có gì ái ngại, màu da nào cũng đẹp hết. Lịch sinh hoạt của thành phố vẫn hay có các event mang giòng chữ như “Black History Month” chẳng hạn.

Từ một lần được bạn căn dặn hồi 8 tuổi, cho tới sau này phải làm trong một ngành nghề luôn cần cẩn thận trong ngôn ngữ, tôi đã ý thức được ngôn ngữ phản ánh văn hóa, nếp giáo dục, tư cách và lập trường của chính mình. Trong Việt Ngữ, tôi đã và đang phải cố gắng uốn lưỡi hơn bảy lần khi nói một từ ngữ mới, tôi sợ mình nói sai, tôi sợ làm tổn thương những người tôi kính trọng.

Ngày xưa tôi tránh không nói chữ “giải phóng”, thì nay tôi đã có từ khác rõ nghĩa hơn là MẤT NƯỚC

Ngày đó tôi bị nhồi sọ, chẳng phân biệt được khi nào là “nhà nước”, khi nào là “cách mạng”, bây giờ tôi đã có chữ GIẶC là chính xác và gọn nhất. Gia đình tôi chạy GIẶC Cộng ba đời rồi, từ ông bà, đến cha mẹ, bây giờ là tôi.

Sau 44 năm, tôi đã biết phân biệt và xử dụng ngôn ngữ xem như tạm rõ ràng và chính xác hơn. Tôi vẫn đang học đó chứ, cả Anh Ngữ lẫn Việt Ngữ.

Hôm nay là 30 tháng Tư, ngày MẤT NƯỚC VNCH, một đất nước là hội viên của Liên Hiệp Quốc, về tay GIẶC Cộng.

Không đề tên tác giả


304Đen - Llttm

 

No comments: