Nhạc sĩ Anh Việt Thu (1939-1975)
Tên thật Huỳnh Hữu Kim Sang, sinh năm 1939
tại An Hữu – Mỹ Tho (Định Tường) nay là Tiền Giang. Tốt nghiệp Hòa âm
Trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn năm 1963.
Thụ huấn điều khiển giàn nhạc với nhạc
trưởng Otte Soelner. Đệ trình luận án Âm-nhạc-học với đề tài: “Không có Tiếng
Động trong Âm Nhạc” tại Nhạc viện Tokyo – Nhật Bản năm 1963. Trưởng Đoàn Văn
Nghệ Tổng Hội Sinh Viên Quốc Gia niên khóa 1958-1959
Chủ tịch Sinh viên Trường Quốc Gia Âm Nhạc
Sài Gòn 1963 – Hát với tuổi trẻ Biên Hòa (1960-1965) – Thành lập Đoàn Du Ca Phù
Sa hát dạo từ Cần Thơ ra Huế trong những năm 1965-1966.
Những ca khúc đầu tiên được phổ biến từ năm
1956: Giòng An Giang, Đường này anh về đâu…
NHỮNG TÁC PHẨM CHÍNH:
– Dạ khúc Kim Sang (10 bài nhạc không lời
cho vĩ cầm và dương cầm) Giải Cantorum Schola – La Mã 1962
– 20 ca khúc Anh Việt Thu phổ biến trong
những năm 1964-1968
– Xuân Nguyễn Huệ (trường ca) Giải Đài Phát
Thanh Sài Gòn 1966
– Đường chúng ta đi (liên ca)
Ngoài ra đã soạn thảo khoảng trên 200 ca
khúc phổ thông. Cùng với Thiên Hà chủ trương chương trình “Phù Sa”
ca-ngâm-diễn-đọc, và “Tuần báo Văn Nghệ Truyền Thanh” trên làn sóng phát thanh
Sài Gòn (1966 -1968)
Chủ trương “Giờ Âm Nhạc Anh Việt Thu” trên
đài Vô Tuyến Truyền Hình Việt Nam từ năm 1971
Hợp tác với hãng đĩa Việt Nam thực hiện một
số album như “Bóng Mát Việt Nam”, “Rạng Đông Trên Quê Hương Việt Nam”… dự báo
tín hiệu hòa bình đầy ấn tượng trong những năm 1972-1974
Do căn bệnh hiểm nghèo, sau 103 ngày vật
lộn với thần chết qua các bệnh viện Rall, Tổng Y Viện Cộng Hòa, Y Viện Quảng
Đông, người nhạc sĩ tài hoa ấy đã trút hơi thở cuối cùng hồi 2 giờ 40 phút ngày
15-03-1975 nhằm ngày mùng 3 tháng 2 năm Ất Mão.
Lời trần tình của Anh Việt Thu
Mùa xuân đó có em
… Là những bài tình ca mang bóng dáng những
khuôn mặt người yêu và bạn bè, dĩ nhiên có chia ly từ giây phút sum họp, có đau
khổ tận cùng trong hạnh phúc vời vợi trong niềm kiêu hãnh vô biên trong tuyệt
vời của tuổi trẻ. Là những bài hát đã viết trong suốt quãng đời trẻ tuổi xem
như những đóa hoa cỏ dại rải rác bên đường… Và là những dấu hằn năm tháng trên
lưng con ngựa già. Không là tường trình đúc kết bởi chân, tác giả còn hơi thở
nhịp đi, còn quờ quạng bò lết, còn chạy nhảy trèo leo, còn bồng bế nâng niu
không hơn một loài dã thú giữa cội rừng già buồn hiu…
Lời cuối
Trong giây phút chờ đợi ấn hành, tác giả
xin dành lại sự quyết định sau cùng, có thể bán hoặc cho không từng bài hay xóa
bỏ tất cã những bài hát trong tuyển tập này và xin xem như không có tác giả
trong cái xô bồ của làng nhạc ở đây nữa.
Trân trọng xin giới thưởng ngoạn nghệ thuật
đón nghe và đón xem, nhưng đừng đợi chờ. Lời cuối cùng là lời chân thành cảm tạ
và có thể là lời tạ từ, bởi chân, sự an nghỉ là linh dược cho người điên.
Để từ đó, tác giả yêu Phạm Công Thiện. Và
từ đó, thương Nguyễn Đức Sơn vô cùng… (AVT)
Cuộc đời của người nhạc sĩ
Nhạc sĩ Anh Việt Thu tên thật là Huỳnh Hữu
Kim Sang quê Cái Bè – An Hữu thuộc tỉnh Tiền Giang. Bút danh nầy theo lời anh
Vũ Anh Sương (làm thơ – bạn của Anh Việt Thu ) xuất phát từ câu chuyện gia
đình: tên Việt Thu là em trai của ông, do ông phải bảo bọc người em nên đặt tên
như thế để nhớ trách nhiệm của mình tức “anh của Việt Thu”.
Anh Việt Thu hoạt động văn nghệ ở Sài Gòn
vào những năm 70. Các bài hát của ông đã quá quen với chúng ta như Đa tạ, Người
ngoài phố, Tám điệp khúc, Hai vì sao lạc, Người đi ngoài phố..
Vào năm 1964 nhạc sĩ Anh Việt Thu từ Sài
Gòn lên Tây Ninh dạy học ở trường Nam (nay là trường PTTH Trần Hưng Đạo). Có
thể nói ông là người đầu tiên đưa âm nhạc vào học đường thời ấy. Lớp học trò
bây giờ ở trên tuổi ngũ thập tri thiên mệnh, vẫn còn nhớ bài hát mang điệu
valse ngọt ngào mà thầy Thu đã dạy:
“Dòng An Giang sông sâu nước biếc, dòng An
Giang cây xanh lá thắm,lã lướt về qua Thất Sơn….
“Dòng An Giang đáy nước in sâu, nhịp cầu
tre ngắm bóng say sưa, nắng vẫn chiếu trên làn nước nhấp nhô…
“Đây những người thôn nữ xinh duyên dáng
chuyền tay dắt nhau múc mấy vầng trăng đổ đi…”
Ông dạy nhạc có những nét độc đáo khó quên,
lúc ngẫu hứng cùng thầy đi bộ từ chợ cũ – thị xã (nơi ông thuê nhà luật sư
Đinh) xuống dốc sương mù Mít Một vào khu vườn sầu riêng của hai người bạn tên
Muông – Trâm để vui chơi ca hát. Lương bổng thời đó rất khá (tương đương một
chiếc xe Honda Nhật) nhưng do tánh nghệ sĩ nên cũng túng thiếu dài dài, có lần
ông phải bán chiếc radio 3 band để trả tiền thuê nhà (nên nhớ thời đó có cái
radio là quý, nghệ sỹ càng quý hơn vì để nghe nhạc của mình.)
Đời nghệ sỹ là vậy, xưa thi sĩ Hàn Mặc Tử
từng than: Gió trăng có sẵn làm sao ăn?
Ông là một trong những người đưa những âm
điệu nhẹ nhàng bình dân vào nhạc cùng với các nhạc sỹ Trúc Phương, Châu Kỳ,
Minh Kỳ, Lam Phương… (như điệu boléro, ballade, habanera…) và đã từng đỗ hạng
ưu khoá I trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Quốc Đông kể:
– Trong một dịp xuống Cẩm Giang vào năm
2005, tôi được Vũ Anh Sương cho xem bức thư ông gửi khi sáng tác xong ca khúc
Đa tạ, lời thư rất cảm động: “Mình vừa sáng tác xong hai bài, độ trung tuần
tháng tư trở đi cậu đón nghe đó là Chân dung và Đa tạ. Hiện mình chưa in ronéo,
cuối tháng tới mình in luôn, cậu nhớ mua cái radio nho nhỏ nghe nhạc mình xem
sao? Mình vẫn sống vất vưởng cù bất cù bơ…” (thư đề ngày 31/3/66)
Cũng vào thời ấy, nhạc sĩ Anh Việt Thu phổ
một bài thơ hay của thi sĩ Trường Anh, một nhà giáo ở Gò Dầu, bài “Mưa Cẩm
Giang” trích trong tập thơ “Mưa đêm nay” xuất bản năm 1964 được thi sĩ Vũ Hoàng
Chương đề tựa.
Năm 1972, nhạc sĩ Anh Việt Thu là một trong
12 nhạc sĩ du ca có mặt trong tuyển tập nhạc “Hát cho những người sống sót”
(Bút nhạc xuất bản 1973) ông đã viết: “Một ngày Việt Nam thơm lừng hòa bình,
một ngày Việt Nam bay tràn thế giới…”
Đến năm 1975 ông qua đời tại Sài Gòn, hiện
còn người vợ là bà Trần Nữ Hiệp và con trai Việt Bằng sống ở Sài Gòn.
Còn nhà thơ Thiên Hà viết về người
bạn thân:
– Với Anh Việt Thu phải nói là người bạn
thâm giao của Thiên Hà. Anh Việt Thu đã phổ nhạc rất nhiều bài thơ của Thiên Hà
và bài nào cũng nổi tiếng đi vào lòng người cho đến tận hôm nay như: Gió về
miền xuôi, Nhớ nhau hoài, Xa dấu ngựa hồng, v.v.
Do cơn bệnh hiểm nghèo những ngày cuối đời
Anh Việt Thu tâm sự với Thiên Hà, anh mơ ước có một căn nhà bên cạnh dòng sông
như ở Tân Qui, đường Trần Xuân Soạn hay Bình Đông. Có lẽ anh muốn ngắm nhìn
dòng nước mỗi ngày như ở vùng An Hữu quê anh thời thơ ấu.
Khi Thiên Hà đẩy xe đưa Anh Việt Thu vòng
quanh bệnh viện cho khuây khỏa chuyện các thầy thuốc đã bó tay. Qua khoảng sân
còn sót từng giọt nắng chiều Anh Việt Thu nhìn bầu trời bao la mà thèm những
bông hoa nắng. Hiểu ý bạn Thiên Hà hái một đoá Mẫu Đơn bên vệ đường an ủi, động
viên bạn mình. Nhưng rồi cơn bệnh nan y đã ngắt đi cuộc sống của nhạc sỹ Anh
Việt Thu tại Y viện Quảng Đông (nay là Bệnh viện Nguyễn Tri Phương) Sài Gòn lúc
2giờ 40 ngày 15 tháng 03 năm 1975 và đưa đi an táng tại quê nhà.
Nhà văn Nguyễn Đình Toàn viết:
– Anh Việt Thu mất sớm. Những ngày còn làm
việc tại Phòng Văn Nghệ thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị (do Thiếu Tá Ðinh
Thành Tiên, tức Thi sĩ Tô Thùy Yên làm trưởng phòng), Anh Việt Thu chắc chỉ mới
ngoài 30 tuổi. Nếu chúng tôi nhớ không lầm thì khi ấy, cùng làm việc trong
Phòng Văn Nghệ còn có nhạc sĩ Trần Thiện Thanh tức ca sĩ Nhật Trường nữa. Chính
trong thời gian này, Anh Việt Thu khám phá bị ung thư nhiếp hộ tuyến (hay
phổi?) rồi qua đời.
Như thế ca khúc “Dòng An Giang” hẳn đã được
Anh Việt Thu viết vào những năm ông còn rất trẻ, ở độ tuổi chưa đến 20, vì bài
hát đã nổi tiếng trước đó nhiều năm.
Những người quen biết Anh Việt Thu cho
biết, ông là người ít nói. Ông hiền lành và sống với bạn bè rất nhiệt tình.
Có một thời ông muốn làm nhà xuất bản nhạc,
nhưng hình như chỉ in được một, hai tập nhạc ngoại quốc lời Việt, rồi thôi.
Có thể coi Anh Việt Thu là thế hệ nhạc sĩ
sau cùng sinh trưởng tại miền Nam (nếu lấy ngày 30/04/1975 làm dấu mốc) những
người viết nhạc với tâm hồn đôn hậu của người miền Nam, ít cầu kỳ, cả trong
giai điệu lẫn ca từ. Nghe nhạc Anh Việt Thu người ta nghĩ đến những kinh rạch
chứ không phải những ao hồ. Ao, hồ có một vẻ gì đó u uẩn, tù túng. Kinh, rạch,
như lòng người miền Nam, khi thủy triều rút đi, khô cạn, phơi mở không còn gì
giấu giếm, lúc thủy triều trở lại, lại kín đáo, tràn đầy. Như bài “Dòng An
Giang”.
“Tám điệp khúc” của Anh Việt Thu là một
tình khúc. Nhưng ông đã nhập cái tình riêng của mình vào với tình yêu quê
hương, đất nước. Một đất nước tràn ngập điêu linh, tang tóc, mỗi tiếng hát như
một lời thở than, kêu gọi yêu thương nhiều hơn là tỏ tình. Nhà văn Nguyễn Mạnh
Côn có lần nói rằng, ông rất thích bài hát này của Anh Việt Thu, mặc dầu nghe
cả bài trong một lúc khó nắm bắt tác giả nói gì, nhưng nghe từng đoạn tách rời,
âm điệu day dứt của nó làm cho rất buồn…
Quế Phượng (Tổng hợp)
304Đen
– llttm -VV
No comments:
Post a Comment