Xin em cúi mặt giấu lệ mừng nghe em!”
Phòng làm việc của tôi trên lầu, rất yên
tĩnh, nhưng thỉnh thoảng vào khoảng hai, ba giờ chiều, nhất là vào ngày Chủ
Nhật, tiếng ca nhạc từ một nhà hàng xóm nào đó vang đến rất rõ đôi lúc khiến
tôi phân tâm. Thường thì tôi khép cửa sổ, tiếp tục công việc của mình. Hôm nay,
tình cờ vẳng đến một giọng hát nữ với lời ca có giai điệu khá quen thuộc, chắc
là tôi đã nghe thụ động nhiều lần mà không để ý, và tôi cũng không biết tên bài
hát. Lần này tôi lắng nghe và nghe trọn được câu hát cuối bài:
“Nếu anh có về khi tan chinh chiến
Xin em cúi mặt giấu lệ mừng nghe em!”
Xin em cúi mặt giấu lệ mừng nghe em!”
Câu hát khiến tôi xúc động. Sự xúc động đột
ngột khiến tôi rùng mình.
Giọng hát nữ, nhưng tình ý lời ca là của
người con trai lính chiến. Trước khi trở lại chiến trường cùng đồng đội, anh đã
dặn dò người bạn gái, người yêu, hay người vợ chưa cưới của mình một lời nhẹ
nhàng mà trong đó chứa đựng một điều hết sức lớn lao. Điều đó, hiện giờ ta
thường gọi là “tính nhân văn.”
Nhớ hai câu thơ trong bài Lương Châu từ
của nhà thơ Vương Hàn thời Thịnh Đường của nước Tàu xưa:
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi!
(Bạn đừng cười ta say nằm lại ở sa trường
Xưa nay ra trận có được mấy người trở về đâu!)
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi!
(Bạn đừng cười ta say nằm lại ở sa trường
Xưa nay ra trận có được mấy người trở về đâu!)
Chẳng mấy người ra trận còn giữ được mạng
sống trở về, thân nhân mình còn sống trở về là quý lắm, mình phải vui mừng, như
sau này người ta kỷ niệm ngày chiến thắng phải giăng khẩu hiệu, treo cờ, bắn
pháo hoa, hát vang bài ca “Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng…” để rầm rộ
ăn mừng chớ. Sao lại “xin em cúi mặt giấu lệ mừng nghe em?”.
Chiến tranh hai bên đánh nhau, không phải
chỉ người bên đối phương chết, mà người bên mình cũng chết. Dù đối phương toàn
là ngoại nhân không cùng chủng tộc đi nữa, họ cũng là con người, máu họ cũng
đỏ. Họ cũng có thân nhân gia đình và nhiều quan hệ xã hội. Họ xâm lăng gây tội
ác với ta, ta chống lại, và ngoài chiến trường ta phải giết họ để bảo vệ mình.
Nhưng họ vẫn là những con người. Giết họ rồi ta vẫn kính trọng họ như những con
người. Chính vì tinh thần văn minh đó, những người lính trong các quân đội Tây
phương luôn tận tình cứu chữa thương binh đối phương (họ đã bị thương, không
còn khả năng chiến đấu gây nguy hiểm cho ta được nữa), và họ có tập quán đứng
nghiêm đưa tay chào tử sĩ đối phương.
Trong một cuốn phim về Thế Chiến thứ 2 tôi
xem từ nửa thế kỷ trước nên không nhớ tên, có một cảnh quân đội Mỹ nã pháo tiêu
diệt toàn bộ một đơn vị quân Nhật trên một hòn đảo trong Thái Bình Dương. Sau
đó, khi đổ bộ lên đảo, chứng kiến xác chết của quân lính Nhật nằm la liệt khắp
nơi, những người Mỹ chiến thắng, từ vị tư lệnh đến người binh nhì đã đứng
nghiêm đưa tay lên chào vĩnh biệt những người lính đối phương đã chết.
Để có được nhận thức mang tính nhân văn,
tôn trọng con người, người ta phải là một Con Người văn minh trước đã, với tâm
hồn và tính chất Người, tức phải có tính nhân văn hay nói nôm na là tính người
và tình người trước đã.
Ngày chấm dứt cuộc chiến tranh Nam Bắc Hoa
Kỳ, tướng Grant, tư lệnh quân đội Miền Bắc, không cho quân sĩ của mình ăn mừng
chiến thắng hay buông lời xúc phạm người lính đối phương bại trận. Grant không
chỉ hành xử như một bậc đại nhân quân tử, mà ông còn là một con người có tình
nhân loại, và yêu thương con người. Với ông, dù người lính Nam hay Bắc, thắng
hay thua, họ đều là người Mỹ, ông tôn trọng họ. Tại các nghĩa trang “liệt sĩ”
của quân đội Hoa Kỳ người ta an táng các binh sĩ tử trận cả Nam lẫn Bắc; các
đài tưởng niệm tử sĩ cũng không phân biệt Bắc Nam.
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi! Xưa nay chinh chiến mấy ai về!
Chấm dứt chiến tranh ta còn sống trở về
nhưng nhiều đồng đội của ta không còn cơ hội trở về nữa. Sự vui mừng lộ liễu
của ta có khác gì rạch thêm nhiều nhát dao vào những vết thương lòng của thân
nhân những đồng đội xấu số của ta. Họ không phải một hai người, mà hàng triệu
người, kể cả hai bên, đã không về nữa từ chiến trường, từ các trại tập trung,
từ rừng sâu biển cả. “Em nên cúi mặt giấu lệ mừng nghe em!”.
Em nên cúi mặt, vì giọt lệ mừng của em
không chỉ làm đau xót thêm nỗi đau trong lòng thân nhân tử sĩ đối phương, mà
cũng xát muối vào vết thương sâu muôn đời không lành của thân nhân đồng đội
mình trên khắp nước nữa.
Một người của bên thắng cuộc, Thủ tướng Võ
Văn Kiệt đã có một nhận xét tương tự: “Ngày 30 tháng 4 có triệu người vui nhưng
cũng có triệu người buồn.”
Là một người Cộng sản, thuộc bên thắng
cuộc, ông chỉ có nhận xét thế thôi. Còn để cảm nhận tính chất vui buồn của hàng
triệu người này một cách sâu sắc, để từ đó có được sự cư xử mang đậm tình người
và đây lòng nhân đạo thì trước đó phải sống trong một nền văn hóa văn minh thấm
đẫm tính nhân văn, như người lính này, trong một tình huống bình thường, chẳng
lên giọng lên gân gì cả, thốt ra những lời giản dị sâu đậm tình người:
“Nếu anh có về khi tan chinh chiến
Xin em cúi mặt giấu lệ mừng nghe em!”
Xin em cúi mặt giấu lệ mừng nghe em!”
Tôi không biết tên bài hát này, có lẽ nó
thuộc loại “nhạc vàng” (mà trước đây có ai đó gọi là golden music – chớ không
phải yellow music như bị gán lầm) vẫn sống dai dẳng suốt 45 năm qua trong lòng
nhiều người Việt, không những ở miền Nam mà tính nhân văn của loại bài hát này
có lẽ cũng lay động nhiều tâm hồn người miền Bắc, dù một thời gian dài bị cấm
hát cấm nghe. Những bài hát đầy tình người và không kêu gào thù hận giết chóc
dễ bám vào lòng người ta, vì “nhân chi sơ tính bổn thiện.” Những kẻ trong lòng
còn nhân tính khi tiếp xúc với loại văn hóa ăm ắp tính người và tình người này
rất dễ dàng đồng cảm và họ đã đồng cảm với nó một cách tự nhiên. Họ hát theo
bài hát, thực ra họ hát tính nhân văn “bổn thiện” có sẵn trong tâm hồn mình.
“Nếu anh có về khi tan chinh chiến
Xin em cúi mặt giấu lệ mừng nghe em!”
Xin em cúi mặt giấu lệ mừng nghe em!”
Một lần nữa, ngày 30/4 sắp trở lại. Trong
khi hàng triệu người vui cũng có hàng triệu người buồn, “Xin em cúi mặt giấu
lệ mừng nghe em!”.
Thiếu Khanh
304Đen
- Llttm
No comments:
Post a Comment