Tuesday, May 12, 2020

Làng Ba Chúc Nỗi Buồn Còn Đó - Huy Vũ


Làng Ba Chúc -- Nỗi Buồn Còn Đó
 
 
 

 

Trước tháng Tư, năm 1975, có lẽ ít người biết đến Ba Chúc. Nhưng sau ngày 18/04/1978, bỗng làng này được mọi người, chẳng riêng gì Việt Nam mà trên toàn thế giới biết tới, vì vào ngày này một lực lượng đông đảo Khmer Đỏ đột nhập vào Ba Chúc bắn giết và chặt đầu, hơn 3.000 thường dân. 

Tuy địa danh Ba Chúc được năm châu bốn biển biết đến, song rất  nhiều người Việt, lại không rõ Ba Chúc có những đặc điểm gì và nằm ở xó xỉnh nào trên dải đất Việt Nam khổ đau hình chữ S này.

Là người mà công việc trước năm 1975 liên hệ trực tiếp đến kế hoạch TÁT NƯỚC BẮT CÁ và DÀNH DÂN LẤN ĐẤT thuộc chương trình BÌNH ĐỊNH và PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN của tỉnh Châu Đốc, và đã thăm viếng nơi đây rất nhiều lần, do đó biết khá rõ về Ba Chúc, nên xin ghi lại nơi đây đôi điều về vùng đất tang tóc này, và cũng xin coi đây như một nén hương muộn màng nguyện cầu cho những oan hồn uổng tử sớm được tiêu diêu miền cực lạc.

Trước 1975, Ba Chúc thuộc quận Tịnh Biên, tỉnh Châu Đốc. Sau năm 1975, nhà cầm quyền Cộng Sản đã phân định lại một số đơn vị lãnh thổ. Vào dịp này tỉnh Châu Đốc không còn nữa và Ba Chúc thuộc huyện Tri Tôn tỉnh An Giang. Là một xã lớn có tới trên 15.000 dân, nằm dưới chân núi Tượng (Liên Hoa Sơn) là 1 trong 7 ngọn núi chính mà người miền Tây thường gọi là “Thất Sơn”. 

Phía trước Ba Chúc là các xã Lạc Quới, Vĩnh Gia, Vĩnh Điều và Tân Khánh Hòa nằm dọc theo kinh Vĩnh Tế. Phía sau là vùng đồi núi rộng lớn gồm núi Nước (Thủy Đài Sơn), núi Dài Lớn (Ngọa Long Sơn), núi Dài Nhỏ (Ngũ Hổ Sơn), núi Cấm (Thiên Cấm Sơn) và núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn) và một vài ngọn núi nhỏ khác nữa. Diện tích toàn xã Ba Chúc, kể cả núi Tượng và núi Nước cùng ruộng rẫy chung quanh, có thể lên tới hàng chục cây số vuông.

Từ ngã ba đầu làng ngay dưới chân núi Tượng, đi theo con đường đất khá rộng, thẳng góc với kinh Vĩnh Tế, độ non một cây số là tới Lạc Quới, và nếu vượt qua kinh này, đi thêm khoảng một cây số nữa là lọt vào đất Cam Bốt. 

Trước năm 1975, chỉ có một con đường duy nhất có xe đò chạy đến Ba Chúc. Khởi hành từ thị xã Châu Đốc chạy khoảng 20 cây số, là tới quận lỵ Tịnh Biên; rồi từ thị trấn này đáp xe ba bánh hay xe đò nhỏ theo con đường trải đá chạy dọc theo kinh Vĩnh Tế độ 8 cây số nữa là tới chợ Lạc Quới, ngoẹo trái độ một cây số nữa là tới đầu làng và đi hơn ba cây số nữa là tới chợ Ba Chúc.

Trước năm 1975, đại đa số người dân ở Ba Chúc là nông dân sống trên ruộng rẫy và theo đạo Hiếu-Nghĩa, một giáo hệ của Phật Giáo Bửu Sơn Kỳ Hương (PG/BSKH). Nông phẩm chính ở đây là lúa gạo, và có hai nông sản phụ khá nổi tiếng của Ba Chúc là củ sắn (củ đậu) và mãng cầu ta (na). Hai loại đặc sản này, có lẽ vì hợp với thổ nhưỡng nên thơm và ngọt hơn ở các nơi khác rất nhiều.

Phật Giáo Bửu Sơn Kỳ Hương được phát triển ở vùng núi Sam rất sớm và do một vị cao tăng tên là Đoàn Minh Huyền, tu tại chùa TÂY AN ở núi SAM, nên còn được gọi là Phật Thầy Tây An, sáng lập vào năm Kỷ Dậu (1849). 

Trên căn bản lý thuyết, PG/BSKH là Đạo Phật, song được Phật Thầy Tây An “xào nấu” cho thích hợp với “khẩu vị” của người nông dân, để họ có thể vừa cầy cấy, lại vừa học hỏi được giáo lý cao siêu của nhà Phật. Chính vì thế mà người ta còn gọi PG/BSKH là Đạo Phật của người Nông Dân. Về sau một tông đồ của Phật Thầy Tây An tên là Ngô Lợi, được tôn xưng là Đức Bổn Sư (1879-1909), đem giáo lý của PG/BSKH đến truyền bá ở vùng chân núi Tượng, rồi xưng danh mới cho hệ phái của ông ta là Hiếu Nghĩa, hay Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Sự kiện này cũng đã được chính Đức Bổn Sư xác nhận:

 
Bửu Sơn Hiếu Nghĩa khác gì đâu
Phương tiện dạy đời có trước sau


Người theo đạo Hiếu Nghĩa được chia thành nhóm, và mỗi nhóm được dắt dẫn trực tiếp bởi một chức sắc gọi là ông GÁNH. Đặc trưng của tín đồ Hiếu Nghĩa là để râu, để tóc, mặc đồ đen với tấm áo lửng, không dài như áo dài và cũng không ngắn như áo cánh, và lấy điều TỨ ÂN HIẾU NGHĨA làm trọng:

 
1/ Ân tổ tiên và cha mẹ
2/ Ân tổ quốc và đất nước
3/ Ân tam bảo (Phật, Pháp, Tăng)
4/ Ân đồng bào và nhân loại

Người theo đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa rất hiền lành và tốt bụng, sẵn lòng giúp đỡ người khác, song về mặt chính trị thường có thái độ an phận thủ thường, miễn sao được yên ổn sinh sống và hành đạo. Không như Phật Giáo Hòa Hảo, tuy cùng bắt nguồn từ Bửu Sơn Kỳ Hương, nhưng lại chống cộng một cách quyết liệt.

Trong xã Ba Chúc, trước năm 1975, còn có một số khá đông dân tứ xứ đến cư trú tạm bợ. Họ chiếm cứ một khoảnh đất nho nhỏ trên núi, dựng lên một túp lều sơ sài bằng lá hay bằng vải nylon, để râu, để tóc và tu hành. Họ đến lúc nào không ai biết, đi lúc nào không ai hay, y như một câu ca dao mà người ta thường nghe:

“Lòng dân như cánh chuồn chuồn
Chỗ vui thì đậu, chỗ buồn lại bay”

Trong số dân tạp nham ấy, có nhiều người đã tự xưng là ông “Đạo” hạ san để “cứu nhân độ thế”. Vì thế ở Ba Chúc đã có một thời gian xuất hiện khá nhiều ông Đạo, nào là “đạo lá” chuyên chữa bệnh bằng lá cây; nào là “đạo nước lạnh” chuyên chữa bệnh bằng nước lạnh, nào là “đạo rờ” chữa bệnh bằng cách đau đâu rờ đó…

Ba Chúc cũng như toàn tỉnh Châu Đốc từ ngày xa xưa thuộc giải đất có tên là Tầm Phong Long của nước Chân Lạp, tức Cao Miên hay Cam Bốt ngày nay. 

Vào năm 1757, ở Chân Lạp đã xẩy ra sự tranh chấp ngôi vua giữa Nặc Nhuận và Nặc Ninh. Nặc Nhuận chạy sang cầu cứu Việt Nam. Chúa Nguyễn sai tướng Nguyễn Phúc Du đem quân sang giúp. Sau khi đã đánh đuổi được Nặc Ninh và lập lại trật tự ở đây thì Nặc Nhuận chết, tướng Nguyễn Phúc Du lại lập con của Nặc Nhuận là Nặc Tôn lên làm vua Cao Miên. Sau khi lên ngôi, Nặc Tôn bèn cắt đất Tầm Phong Long, trong đó có Ba Chúc, dâng cho chúa Nguyễn để đền ơn.

Sau khi quân Pháp chiếm ba tỉnh cuối cùng ở miền Tây là Vĩnh Long, Châu Đốc và Hà Tiên vào năm 1867, Ba Chúc vì nằm trong vùng thung lũng của Thất Sơn có địa thế hiểm trở đã mau chóng trở thành căn cứ địa chống Pháp của Nghĩa Quân. Pháp đã nhiều lần mang quân tới đánh chiếm Ba Chúc, nhưng đều thất bại. Mãi về sau, Tổng Đốc Trần Lộc đem lính Việt đến mới bình định được Ba Chúc. Trong thời gian chiếm vùng này, Trần Lộc đã lấy đi chiếc Long Đình, là một trong những bảo vật thiêng liêng của đạo Hiếu Nghĩa thờ tại chùa Phi Lai. Trước khi qua đời ông ta đã trao lại chiếc Long Đình cho Viện Bảo Tàng Quốc Gia Sài Gòn.

Dưới thời Đệ Nhất Cộng Hoà, tuy Ba Chúc đã có nhiều người đến cư trú, song vẫn còn một số khá đông sống rải rác sâu trong vùng núi. Nếu số dân này cứ để tiếp tục sống lạc lõng như thế chắc chắn sẽ là trở thành nguồn tài nguyên cung ứng nhân vật lực cho Việt Cộng, nên chính quyền lúc bấy giờ đã chọn Ba Chúc để lập Khu Trù Mật. Các tiện ích công cộng đã được thiết lập như nhà bảo sanh, trạm y tế, trường học, nhà chợ, đường xá, v. v… Dân sống lang bang và rải rác trong vùng núi đuợc “mời” vào Ba Chúc định cư. Những người dân vào Khu Trù Mật được cấp vật liệu, tiền bạc để cất nhà và ruộng rẫy để sinh sống. Vào năm 1956, đích thân Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã đến đây khánh thành Khu Trù Mật Ba Chúc.

Dưới thời Đệ Nhị Cộng Hòa, Ba Chúc vì đông dân, mà lại còn có vị trí chiến lược nữa. Nếu kiểm soát được Ba Chúc là khống chế được vùng Bẩy Núi và chế ngự được vùng biên giới Việt Miên khá rộng lớn, do đó Ba Chúc được chính quyền địa phương cũng như trung ương “ưu ái”.

Vào năm 1966, Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương đã hoàn trả chiếc Long Đình, một bảo vật của đạo Hiếu Nghĩa, đang được cất giữ tại Viện Bảo Tàng Quốc Gia Sài Gòn, về chùa Phi Lai. Buổi lễ trao trả và tiếp nhận được tổ chức rất trọng thể, với sự hiện diện của Thủ Tướng Nguyễn Cao Kỳ, và với sự hân hoan của hàng ngàn tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa.

Đến cuối năm 1968, một chiến dịch gọi là Chiến Dịch Bình Định Đặc Biệt (Accelerated Pacification Campaign) được thực thi, mục đích là để cấp tốc dành lại một số dân và chiếm lại một số ấp đã mất vào tay Cộng Quân, sau những vụ đảo chánh liên miên ở Thủ Đô Sài Gòn. Vì đông dân, nên Ba chúc đã trở thành mục tiêu hàng đầu trong chiến dịch này của tỉnh Châu Đốc. Tuy chưa bị Việt Cộng hoàn toàn kiểm soát, song tình hình an ninh ở đây, vào lúc chiến dịch bắt đầu, rất kém nên tất cả 4 ấp của xã Ba Chúc đều được Bản Lượng Giá Ấp (Hamlet Evaluation Survey gọi tắt là HES) liệt vào loại C. Bản lượng giá HES ra đời cùng với chiến dịch Bình Định Đặc Biệt và được coi là thước đo mức độ an ninh các ấp theo thứ tự A, B, C, D. Hiểu một cách đơn giản, ấp loại A là ấp do chính quyền Quốc Gia hoàn toàn kiểm soát ngày cũng như đêm; loại B ban ngày hoàn toàn an ninh, còn ban đêm an ninh chỉ tương đối; loại C ban ngày Quốc Gia, ban đêm Việt Cộng; còn ấp loại D do Việt Cộng kiểm soát ngày cũng như đêm.

Để có được những yếu tố trung thực cho việc xếp loại an ninh theo thứ tự nói trên, các cố vấn Mỹ ở cấp quận vào thời gian ấy hàng tháng phải viếng thăm các ấp trong quận của ông ta, để ghi nhận các tin tức cần thiết, rồi trở về văn phòng trả lời từng điểm theo một danh sách gồm tất cả 27 câu hỏi. Sau khi đã hoàn tất, ông ta gửi về tòa Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn. Tại đây người ta đưa các dữ kiện vào máy Thảo Chương Điện Toán để chạy ra bản đúc kết cuối cùng. Sau khi quân đội Mỹ rút về nước, việc lượng giá ấp được giao cho các sĩ quan thuộc Trung Tâm Điều Hợp Bình Định Phát Triển quận, tỉnh và Hội Đồng Bình Định Phát Triển Trung Ương.

Trong nỗ lực nâng cấp tình trạng an ninh các ấp của xã Ba Chúc, Hội Đồng Bình Định tỉnh Châu Đốc đã phải phối trí một đại đội Địa Phương Quân (ĐPQ) đến đồn trú thường trực và hoạt động thường xuyên trong vùng núi Tượng và núi Nước, cùng với trung đội nghĩa quân cơ hữu của xã này. Ngoài ra, còn có một vài đại đội ĐPQ hay của sư đoàn 9 Bộ Binh, cũng thường đến tăng cường nơi đây nữa. Kể từ lúc ấy, Ba Chúc luôn luôn có một lực lượng quân sự tương đối hùng hậu hiện diện. Mặt khác, một đoàn cán bộ Xây Dựng Nông Thôn cũng được gửi tới đây để làm công tác bình định và xây dựng theo các tiêu chuẩn Ấp Tân Sinh do Bộ Xây Dựng Nông Thôn, dưới thời Trung Tướng Nguyễn Đức Thắng làm Tổng Ủy Viên Xây Dựng, đã đề ra. Dân chúng được phân loại, hạ tầng cơ sở của Việt Cộng bị triệt hạ và những gia đình có cảm tình hay có con em thoát ly được “chiếu cố”, đường xá được sửa chữa, cầu cống được tu bổ và xây cất, trường học được dựng thêm, giáo viên được bổ xung, nhà bảo sanh và trạm y tế được tân trang và nhân viên y tế được tăng cường, thâm canh và đa canh được khuyến khích, nông dân được vay tiền để chăn nuôi trồng tỉa, những dự án tự túc được thực hiện rộng rãi, v.v... Tất cả những cố gắng ấy, sau một thời gian dài, đã nâng được tình trạng an ninh 4 ấp của xã Ba Chúc từ lọai C lên loại B và A. Vì thế có thể nói một cách hết sức khách quan rằng, dưới thời Đệ Nhị Cộng Hòa, dân chúng trong xã Ba Chúc đã có một thời gian dài sống trong an ninh và sung túc.

Ba Chúc, vì đông dân lại có vị thế “giang sơn biên trấn” nên chẳng những được Quận và Tỉnh quan tâm mà còn được Quân Khu lưu ý. 

Một vị tướng khá nổi tiếng trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, khi vừa đảm nhận chức Tư Lệnh Quân Đoàn IV ngồi chưa nóng đít, đã bất thần viếng thăm ngay Ba Chúc để biết rõ sự tình vào một buổi chiều xế bóng, mà không báo trước cho Tiểu Khu Châu Đốc và Chi Khu Tịnh Biên biết. 

Khi thấy chiếc trực thăng đáp xuống sân cỏ trước căn cứ, Thiếu Tá Trần, trước đấy không lâu là Quận Trưởng Tịnh Biên và lúc đó là Tiểu Đoàn Trưởng một tiểu đoàn Địa Phương Quân đang trú đóng tại đây, tiến ra nghênh đón, vì ông biết rằng các nhân vật đến viếng bằng trực thăng một cách bất thần như thế chắc cũng không phải là loại tầm thường. 

Khi cánh quạt của chiếc trực thăng vừa quay chậm lại, thì hai người, một Mỹ cao to mang khẩu colt 45 và một Việt nhỏ thó ốm yếu mang khẩu M 16, từ trực thăng bước ra, cả hai trong quân phục tác chiến, nhưng không có lon lá gì trên cổ áo cả. Thiếu Tá Trần cũng trong quân phục tác chiến, với lon lá đầy đủ, nhưng đầu trần lại vừa được cạo trọc láng coóng, bước tới chào đón, tuy không khinh thường nhưng cũng không lấy gì làm trịnh trọng. Có lẽ vì ông ta nghĩ rằng họ chỉ là một vị cố vấn Mỹ bình thường và một anh chàng trung sĩ thông dịch viên như ông ta thường gặp thế thôi.

Khi một quân nhân hay là một sĩ quan cạo đầu trọc lóc thường là để biểu lộ một một điều gì đó, buồn hay bất mãn, nên anh chàng “thông dịch viên” gầy còm bèn hỏi:

- Thiếu Tá có chuyện gì buồn vậy?
- Buồn vì tình đời cậu ơi !
- Thiếu tá có thể nói rõ cho tôi biết được không?
- Không được!
- Thiếu tá cứ thử nói xem, biết đâu tôi có thể giúp thiếu tá được?
- Đ.m… Đã nói là không được mà cứ hỏi hoài hà.

Tuy bị kê tủ đứng vào miệng, song chàng “thông dịch viên” không hề tỏ ra phật ý mà vẫn vui vẻ yêu cầu Thiếu Tá Trần cho thăm căn cứ đóng quân cùng các công sự phòng thủ, và cho biết tin tức về đời sống vật chất và tinh thần của các binh sĩ trong tiểu đoàn của ông ta. 

Sau khi thăm viếng, cả hai leo lên trực thăng vội vã bay đi, để lại phía sau cho Thiếu Tá Trần dư âm phành phạch và mùi xăng khen khét từ chiếc trực thăng tuôn ra trong một buổi chiều u ám dưới chân Thủy Đài Sơn. 

Độ ít phút sau, một sĩ quan trực của Trung Tâm Hành Quân Tiểu Khu Châu Đốc điện đàm với Thiếu Tá Trần qua máy vô tuyến:

- Thiếu Tá có thấy chiếc trực thăng nào bay vào khu vực của TT không?

- Có. Một thằng Mỹ và một thằng thông dịch viên vừa mới ghé thăm tao xong mày. Tụi nó bay đi rồi.

- Trung Tâm Hành Quân Quân Đòan IV vừa cho biết đó là chiếc trực thăng của ông cố vấn trưởng Quân Đoàn và Thiếu Tướng Ngô Quang Trưởng, Tân Tư Lệnh Quân Đoàn kiêm Quân Khu IV đấy thiếu tá.

- Đ. m., thế thì chết cha tao rồi !!!

Trong quân đội VNCH trước năm 1975, có lẽ là không một người lính nào mà không được nghe nói: “Nhất Thắng, nhì Chinh, tam Thanh, tứ Trưởng”, song biết rõ mặt các vị này thì lại rất ít người. Thiếu Tá Trần rơi vào trường hợp này. Đứng trước một ông tướng tài ba và thanh liêm nhất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa mà lại tưởng là anh Trung Sĩ thông dịch viên quèn. Rõ ràng là đứng trước núi Thái Sơn mà ông ta cứ tưởng là hòn Giả Sơn. Có lẽ Thiếu tướng Trưởng không phải là con người nhỏ nhen, nên hình phạt quân kỷ hàng chục củ về tội “phạm thượng” mà thiếu tá Trần lo lắng đã không hề xẩy ra sau đó.

Sau khi Cộng Sản chiếm miền Nam vào năm 1975, dân chúng Ba Chúc cũng như hầu hết dân chúng nằm dưới vĩ tuyến 17 đều lâm vào đại nạn chung của dân tộc. Tuy không còn lo sợ Việt Cộng đột nhập, giải truyền đơn, ném lựu đạn hay pháo kích như trước nữa, song người dân Ba Chúc lại bị chính quyền mới nhìn với con mắt không mấy thiện cảm. 

Một số không ít người dân trong làng, vì đã dính dáng với chính quyền cũ, nên bị bắt đi cải tạo, và số đông còn lại tuy vẫn được tự do làm ăn, song vì chính sách kinh tế chỉ huy nên việc trồng trọt và canh tác nhất nhất phải tuân theo sự hướng dẫn của chính quyền; đồng thời với chính sách thâu mua nông phẩm độc quyền, đã khiến cho người dân Ba Chúc phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt trên đồng ruộng mà vẫn bữa no, bữa đói, quần áo mang trên người có hàng trăm miếng vá. Lúa gạo do chính mình làm ra, song chỉ được phép giữ trong nhà một số lượng nhỏ tính theo tiêu chuẩn mỗi đầu người do chính quyền ấn định, phần còn lại phải bán hết cho nhà nước, không phải theo giá thị trường mà theo giá ấn định đơn phương và độc đoán của chính quyền địa phương. 

Mỗi năm, mỗi đầu người dân Ba Chúc được Đảng và Nhà Nước “ân huệ” bán cho hai thước vải thô với giá hạ, song nhiều khi chỉ có trên tem phiếu mà không có vải để mua, nên ở đây cũng như hầu hết vùng nông thôn Việt Nam trong những năm đó thường lâm vào tình trạng “áo anh rách vai, quần tôi hai miếng vá” cùng những lời than vãn:

Mỗi năm hai thước vải sô
Làm sao che miệng cụ Hồ được đây

Về mặt tín ngưỡng, người theo đạo Hiếu Nghĩa, trên lý thuyết, vẫn được tự do hành đạo, song trong thực tế Cộng Sản đã không để cho họ được dễ dàng như người ta tưởng, có lẽ vì đạo này có liên hệ sâu xa với Phật Giáo Hoà Hảo (PGHH). 

Người khai sáng đạo Hiếu Nghĩa vùng Ba Chúc vào năm Mậu Dần (1878) là Đức Bổn Sư và người khai sáng PGHH trong vùng đồng bằng sông Cửu Long vào năm Kỷ Mão (1939) là Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ đều được coi là hậu thân hay chuyển kiếp trước và sau của Phật Thầy Tây An. Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ, đã bị Cộng Sản giết tại Đốc Vàng vào năm 1947, nên tín đồ PGHH căm thù chúng đến tận xương tận tủy và chống đối chúng đến cùng là lẽ đương nhiên. Nhà cầm quyền Cộng Sản coi đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa và Phật Giáo Hòa Hảo là anh em cùng cha, nên bị ghét lây. 

Mặt khác, với luận cứ “yêu nước là phải yêu chủ nghĩa xã hội” và “yêu nước mà không yêu chủ nghĩa xã hội là phản động” nên tín đồ Hiếu Nghĩa cũng như bất kỳ các đạo giáo chân chính nào khác dù có hiền lành như con cừu non đi nữa cũng khó có thể thích nghi được với chế độ Cộng Sản. 

Về mặt giáo lý, người theo Phật Giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa ở Ba Chúc ơn tổ quốc và đất nước, song không hề ơn chủ nghĩa Cộng Sản; ơn Phật – Pháp – Tăng, song không hề ơn Bác và Đảng. Nói tóm lại trong thâm tâm tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa không ưa gì chế độ Cộng Sản, song không dám mở miệng nói trắng ra.

Ba năm sau ngày Cộng Sản chiếm được miền Nam, vào một đêm thuộc trung tuần tháng 4/78, hơn 3.000 người dân vô tội ở Ba Chúc đã bị bắn giết và chặt đầu một cách vô cùng dã man. Theo tin tức chính thức được thông báo trên các đài vô tuyến truyền thanh và truyền hình vào thời gian này là do quân Khmer Đỏ thực hiện. Ít năm sau, lại có một số người thâu lượm được một số tin tức từ những người dân sống sót trong vụ tàn sát này để kết luận rằng chính Việt Cộng đã cho binh lính của họ cải trang và giả dạng quân Khmer Đỏ để “cáp duồn” dân Ba Chúc, rồi đổ vấy cho Pon Pốt, hầu có cớ xua quân đánh chiếm nước này. Đành rằng Việt Cộng rất tàn ác và không từ nan bất cứ một hành động dã man tàn bạo nào cả, miễn là đạt mục tiêu của chúng. Song lập luận và bằng chứng do những người này đưa hầu như không đủ thuyết phục được người ta tin vào điều đó.

Theo thiển ý của người viết bài này thì Cộng Sản Việt Nam, tuy không trực tiếp nhúng tay, nhưng rõ ràng là chúng đã cố tình mượn tay Khmer Đỏ giết hơn 3.000 người dân ở Ba Chúc vào đêm 18-04-78, và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về vụ tàn sát này.

Về quân sự, người ta thường nói là “chỉ huy là tiên liệu”. Tiên liệu có nghĩa là căn cứ vào tình trạng quá khứ và hiện tại để tiên liệu những gì có thể xẩy ra trong tương lai. Như vậy, căn cứ vào những sự kiện đã và đang xẩy ra trong vùng biên giới giữa Việt Nam và Cambốt lúc bấy giờ, thì việc tiên liệu quân Khmer Đỏ có khả năng đột kích vào Ba Chúc để “cáp duồn” dân chúng đang cư ngụ đông đảo tại đây là điều không mấy khó khăn. Vì đây không phải là lần đầu tiên quân Khmer Đỏ đã xâm nhập vào lãnh thổ Việt Nam để chặt đầu người dân Viêt, mà là lần thứ tư:

- Lần thứ nhất, vào tháng 5 năm 1977, Quân đội Khmer Đỏ đã bất thần tấn công vào các làng, xã và thị trấn dọc theo biên giới Việt Miên thuộc tỉnh An Giang, trong đó có cả mấy xã nằm trên bờ kinh Vĩnh Tế và chỉ cách Ba Chúc khoảng một cây số, và cả mấy nông trường nằm dọc theo kinh Mười Ngàn ([1]), thuộc quận Kiên Lương tỉnh Kiên Giang, do Cộng Sản sử dụng tù binh là các sĩ quan quân đội VNCH làm lực lượng nòng cốt để đào kinh và khẩn hoang, trong số đó có kẻ viết bài này.

- Lần thứ hai, vào tháng 9 năm 1977, Pôn Pốt cũng đã xua bộ đội Khmer Đỏ thuộc quân khu miền Đông, tấn công vào các làng xã Việt Nam nằm dọc theo biên giới tỉnh Tây Ninh, và một vài nông trường sử dụng tù binh ở Mộc Hóa ([2]), thuộc tỉnh Tân An (trước năm 1975 thuộc tỉnh Kiến Tường).

- Lần lần thứ ba, vào tháng 01 năm 1978, lực lượng Khmer Đỏ thuộc quân khu Tây Nam Cam Bốt đã tấn công lấn chiếm các xã Phú Cường, Khánh An, Khánh Bình thuộc tỉnh An Giang, và tiến sâu hơn vào các làng xã thuộc huyện Hồng Ngư, tỉnh Đồng Tháp.

Cả ba lần quân Khmer Đỏ đều hành động tương tự như nhau, nghĩa là vượt qua đường biên giới, xâm nhập vào các làng xã Việt Nam cướp của, đốt nhà, chặt đầu những người Việt mà chúng bắt gặp, không phân biệt già trẻ lớn bé, v.v... rồi lại rút lui. Với tình hình diễn biến như vậy, là một cấp chỉ huy quân sự trong vùng biên giới lúc bấy giờ, dù chỉ vào loại “xoàng” thôi, cũng có thể tiên liệu được là Ba Chúc sẽ là một trong những mục tiêu hấp dẫn mà Khmer Đỏ đang thèm muốn, vì các nguyên cớ kể như sau:

Nơi đây trẻ, già, lớn, bé có tới trên 15.000 người, nên việc chặt đầu không phải mất công tìm kiếm và chắc chắn “năng xuất” sẽ rất cao.

Chỉ cần vượt qua cánh đồng trống khoảng 2 cây số, kể từ đường biên giới, nên việc đột nhập không mấy xa xôi, và rút về cũng dễ dàng.
[1] Những trại cải tạo nằm dọc theo kinh Mười Ngàn chỉ cách Ba Chúc khoảng 8 hay 9 cây số về phía Tây Nam. Trước khi tấn công, quân Khmer Đỏ đã pháo kích tới tấp vào doanh trại của đơn vị bộ đội Việt Cộng canh phòng khiến một số người chết và bị thương. Một trong số những tù cải tạo bị thương nặng là anh Tăng Xuân An, nguyên là Đại Úy Pháo Binh cuả quân đội VNCH.

[2] Khi bắt gặp bất kỳ người Việt Nam nào là lính Khmer Đỏ chặt đầu liền mà không cần hỏi han gì cả. Song rất may là khi bắt gặp một tù cải tạo tên Thông, nguyên là Đại Úy Trung Tâm Trưởng Trung Tâm Điều Hợp tỉnh Sa Đéc (nếu tôi nhớ không lầm), tên Khmer Đỏ này đã hơi chậm tay một chút, nên Đ/U Thông dã kịp nói tiếng Pháp về trường hợp của mình. Do đó chẳng những không bị chém đầu mà còn được tiếp đãi tử tế và được đưa về Nam Vang lên tiếng trên đài phát thanh nữa.

Chỉ cần vượt qua cánh đồng trống khoảng 2 cây số, kể từ đường biên giới, nên việc đột nhập không mấy xa xôi, và rút về cũng dễ dàng.

Một khi tiên liệu được như thế, thì việc cấp tốc gửi quân tới bảo vệ 15,000 dân ở đây là điều tất yếu. Hơn nữa trong thời gian ấy, Việt Cộng đang có trong vùng cận biên tới 3 sư đoàn (4, 8, 330) và các lực lượng cơ động của các tỉnh và huyện nữa, nên việc điều động một lực lượng kịp thời tới bảo vệ người dân ở Ba Chúc không phải là điều quá khó khăn không thể làm được. 

Ngay ở thị xã Châu Đốc nơi đã có một lực lượng trú phòng khá đông đảo, mà cán binh Việt Cộng còn đến từng nhà buộc dân chúng phải cấp tốc di tản, và cũng ngay sau khi các nông trường sử dụng tù cải tạo dọc theo biên giới Việt-Miên trong vùng kinh Mười Ngàn thuộc quận Kiên Lương bị Khmer Đỏ pháo kích và tấn công, cấp chỉ huy Cộng Sản trông coi các trại cải tạo đã vội vã “dẫn độ” đám tù binh (trong số này có kẻ viết bài này) về Vườn Đào, Cai Lậy, một trại cải tạo nằm sâu trong nội địa Việt Nam, vì chúng e ngại nhóm tù binh cải tạo này chạy theo hay lọt vào tay quân Khmer Đỏ.

Như vậy, nếu ta còn cho rằng các cấp chỉ huy Việt Cộng trong vùng vì quá ngu dốt đã không tiên liệu được việc Khmer Đỏ xâm nhập vào Ba Chúc thì thật là vô lý. Rõ ràng là ta không thể có kết luận nào khác hơn là các vị chỉ huy quân sự của Cộng Sản trong vùng đã cố tình bỏ ngỏ Ba Chúc để cho Khmer Đỏ bắn giết và chặt đầu hơn 3.000 người dân ở đây để gây tiếng vang quốc tế và cũng là cái cớ để điều quân sang xâm lấn Cambốt.

Để chứng minh điều này là sự thật 100%, tôi xin được trích dịch nơi đây lời tường thuật của những người sống sót sau biến cố tháng 04/78 tại Ba Chúc do ông Nguyễn Văn Quang ghi nhận qua cuộc đàm thoại giữa thân phụ ông, là người đã từng sống tại Ba Chúc trong nhiều năm ở Tam Bửu Tự, với 3 người quen biết. Cuộc đàm thoại này được ông Quang và người bảo trợ của ông là nhà văn Mỹ, Marjorie Pivar, viết lại trong cuốn “FOURTH UNCLE IN THE MOUNTAIN, A Memoir of a Barefoot Doctor in Vietnam” (trang 316 & 317)

“Chú Chín nói: ‘Cho tới lúc này chúng tôi không rõ ai còn ai mất nữa, vì những người sống sót còn đang tiếp tục trở về làng. Chỉ những người nào trốn tránh trước khi Khmer Đỏ bao vây Ba Chúc, thì mới thoát chết mà thôi. Chúng tôi là 3 trong số những người may mắn đó’.

Họ tiếp tục kể: ‘Tụi Khmer Đỏ bắt đầu pháo kích vào dân làng từ ngày 1/4. Họ pháo mỗi ngày hàng ngàn quả đạn, và liên tục trong bẩy ngày liền làm rất nhiều người chết. Ngày 7/4, một quả đạn trúng bức tường cuả ngôi chùa đúng vào giờ đọc kinh buổi tối, làm 45 người chết, và 46 người bị thương. Ngày 11/4, nhiều quả đạn rơi vào ngôi chùa làm chết thêm 40 người nữa và 20 người bị thương.’

Ba tôi hỏi: ‘Thế bộ đội không đến để bảo vệ các ông sao?’

Họ trả lời: ‘Không’

Ba tôi tiếp: ‘Họ biết rất rõ việc này mà. Một anh công an ở Chợ Lách đã cho tôi hay tin này vào ngày 15/4…’.

Chú Chín tiếp tục: ‘Vào ngày 14/4, bọn Khmer Đỏ bao vây Ba Chúc. Khoảng tám trăm người chạy vào Chùa Tam Bửu; hai trăm người chạy vào chùa Phi Lai; và một trăm người chạy vào Chùa An Sơn. Lính Miên Cộng tới đuổi tất cả mọi người ra khỏi chùa, rồi lùa ra cánh đồng. Chúng phân loại đàn ông ra một bên và đàn bà ra một phía. Chúng hãm hiếp và đánh đập phụ nữ. Rồi bắn chết tất cả mọi người.

Chúng thảy lựu đạn vào gầm bàn thờ nơi có rất nhiều người đang ẩn núp. Trong số đàn bà và con gái bị lùa ra cánh đồng rồi bị bắn chết, chỉ có hai người sống sót, họ nằm giữa những đống xác chết ngổn ngang trên cánh đồng. Ban đêm hai người này bò xuống một giòng suối để uống nước, rồi lại bò về chỗ cũ nằm.

Một số người trốn chạy vào hang núi, và một số khác ẩn núp trong những lùm cây, trong những hầm hố, trong những bụi rậm, hay bất cứ nơi nào mà họ nghĩ là tạm an toàn. Những người này bị chó phát giác, bị lôi ra đánh đập cho đến chết, rồi còn bị chặt ra từng mảnh nữa.

Thật là khủng khiếp. Người ta nghe thấy những tiếng van xin tha chết của bạn bè, của hàng xóm. Người ta cũng nghe thấy những tiếng than khóc của những người bị đánh đập. Người ta cũng nhìn thấy lính Miên Cộng cầm chân trẻ em vung lên trời, rồi đập đầu vào thân cây cho đến khi vỡ ra từng mảnh. Chúng dùng dao găm hay lưỡi lê đâm vào cửa mình của những em bé gái và phụ nữ cho đến chết.

Chó đã phát giác được hầu hết các hang có người ẩn núp trên núi. Chỉ có một hang duy nhất chúng không tìm được mà thôi. Khi tìm được hang nào là Lính Miên Cộng thảy lựu đạn tới tấp vào hang nấy để giết tất cả những người trong hang.

Chú Tám chủ lò đường và vợ ẩn núp trong chiếc hang cuối cùng với 40 người khác. Những đứa con nhỏ của những người này khóc lóc thảm thiết, bởi vì chúng đã phải chịu đói nhiều ngày. Một số người trong hang nói với cha mẹ những đưá trẻ này rằng, sự khóc lóc của những đưá nhỏ này sẽ tiết lộ nơi trú ẩn của họ, và yêu cầu những người có con nhỏ phải hi sinh con cái của họ để cứu vớt những người khác. Chú Tám và cô Tư đã làm 4 đứa con nhỏ của họ chết ngộp chỉ trước có 30 phút, khi bộ đội kịp tới hang này cứu họ’.”

Cuộc đàm thoại này cho thấy Khmer Đỏ bắt đầu pháo kích vào Ba Chúc từ ngày 1/4 và mãi cho đến ngày 14/4 mới thật sự xâm nhập. Với thời gian “dọn đường” dài như vậy, nên các cấp chỉ huy quân sự Cộng Sản trong vùng đã tiên liệu được việc Khmer Đỏ xâm nhập vào Ba Chúc hơn 10 ngày trước, song đã không điều động bất kỳ một lực lượng lớn nhỏ nào tới đây để bảo vệ dân chúng. 

Cũng qua cuộc đàm thoại này, người ta còn thấy là Khmer Đỏ đã chiếm giữ Ba Chúc một thời gian dài tới năm ngày liền và trong thời gian này, chúng hoàn toàn tự do tìm kiếm, lục soát và chém giết tất cả những người dân ở đây. Như thế, không thể có một kết luận nào khác hơn là Cộng Sản Việt Nam đã cố tình bỏ ngỏ Ba Chúc cho Khmer Đỏ chém giết để có cớ chánh đáng mang quân sang đánh chiếm đất nước này.

Để khỏa lấp tội ác to lớn đó, vào năm 1980, Việt Cộng đã dựng lên một ngôi nhà mồ hình lục giác tại xã Ba Chúc. Bên trong nhà mồ là một hộp kính 8 cạnh, chứa 1.159 bộ hài cốt được sắp xếp theo tuổi tác và giới tính. Ngôi nhà mồ này, về mặt nổi, là để đánh dấu tội ác man rợ của bọn Pôn Pốt, còn về mặt thầm kín trong lòng mỗi người dân Việt và đặc biệt là hơn 10.000 dân Ba Chúc sống sót qua biến cố này, thì đây là một dấu tích nhắc nhở đến sự thâm độc cùng cực của cái gọi là Đảng Cộng Sản Việt Nam. Đến Ba Chúc nhìn thấy hàng hàng lớp lớp đầu lâu xếp trong tủ kiếng, người Việt chúng ta căm thù bọn Khmer Đỏ bao nhiêu thì càng hận thù bọn Việt Cộng Đỏ bấy nhiêu.

 
Huy Vũ
(Báo Quốc Dân)

 

No comments: