TỤI
TAO GÁNH MÀY VỀ
Trong lúc
nhạc Noel còn vang vọng trên khắp các góc phố, các nẻo đường thành
phố Sài gòn thì gia đình tôi nghe được tin dữ. Tôi còn nhớ rất rõ là
chiều hôm ấy tôi đang lêu lổng, chơi với mấy đứa bạn trong xóm ngay ở
đàng trước cửa căn nhà cuối xóm, thì đứa em gái kế tôi lúc đó tám
tuổi, gọi tôi về nhà với tin sét đánh “ anh Khanh ơi về kìa .... anh
Chỉ chết rồi “.
Hôm qua,
điều làm tôi rơi nước mắt là vì tôi nghĩ đến người lính đã hy sinh
trong tấm hình kia vẫn còn may mắn hơn anh tôi, vì ít ra anh cũng đã
được đồng đội anh gánh xác anh về với gia đình, để Mẹ anh được ôm
lấy anh một lần cuối, còn anh tôi thì không được diễm phúc ấy, mà
ròng rã mấy chục năm qua Mẹ tôi vẫn trăn trở, mòn mỏi mong con về để
Mẹ được ôm con vào lòng, dù chỉ là ôm xác con. Cái đau nhất cho Mẹ
tôi là anh tôi bị mất tích không tìm thấy xác, nên dù sao đi nữa trong
hoàn cảnh này người Mẹ nào cũng cố bám víu hy vọng con mình sẽ có
ngày trở về, mặc dù đó là niềm hy vọng mỏng nhất, gần nhất với
con số zero.
Anh tôi
được Mẹ bồng bế từ Bắc vào Nam năm 1954 khi mới lên hai tuổi, cùng
với một người anh và một người chị, lúc ấy Mẹ tôi một mình tay
xách nách mang ba đứa con thơ, bỏ quê Bắc chạy vào Sài gòn lánh nạn
Cộng sản, Bố tôi thì cả đời đi lính trong quân đội, ít khi có mặt ở
nhà, nên cả thời niên thiếu anh tôi đã lam lũ, vất vả phụ giúp Mẹ
tôi làm mọi kế sinh nhai để giúp anh em chúng tôi ăn học. Sau khi anh
đậu tú tài một thì đất nước tràn ngập trong khói lửa, chiến tranh
leo thang, hàng hàng lớp lớp thanh niên lao mình vào cuộc chiến khốc
liệt khi chưa kịp lớn. Để đáp lời sông núi, anh tôi gia nhập trường đào
tạo sĩ quan ở Thủ Đức, và khi ra trường anh được điều về nắm chức
vụ trung đội trưởng ở một đơn vị thuộc tỉnh Sóc Trăng ̣(Ba Xuyên). Chỉ
vỏn vẹn bốn tháng sau anh đã nằm xuống cho quê hương, trong một trận
bị phục kích khi anh mới tròn 21 tuổi. Sau khi nhận được tin dữ, thì
Bố tôi và người chị cả đã đến bãi chiến trường để nhận xác anh,
nhưng cho đến ngày hôm nay vẫn chưa bao giờ thấy xác anh, chỉ biết rằng
ngay giây phút đầu giao chiến thì anh đã bị trúng đạn ở bên hông và
không thể bước đi được, nên có một người lính đã cố dìu anh, nhưng
khi biết rằng không còn cơ hội để thoát, anh đã nói với người lính
này buông anh mà thoát thân, và anh đã nhờ người lính này mang khẩu
súng ngắn của anh về trao lại cho tiểu đoàn.
Tháng tư
năm 75 Mẹ tôi không có ý định tìm đường để gia đình di tản, vì Mẹ
sợ nếu anh tôi có may mắn sống sót trở về thì anh sẽ bơ vơ lắm, và
vào thời điểm đó gia đình tôi còn có thêm một người anh lớn nữa đang
là sĩ quan phục vụ trong quân đội chưa biết tin tức ra sao nên Mẹ không
đi. Sau này khi đã định cư bên Úc rồi Mẹ tôi vẫn thường ngồi trong
nhà, trông ra cửa sổ nhìn người qua lại hình như ngóng tin con, hy
vọng môt ngày nào đó sẽ có một người đàn ông dáng dấp giống con
mình đến gõ cửa, vì thỉnh thoảng Mẹ tôi hay chỉ tay ra ngoài đường
nhắc ... “ Ồ cái ông kia trông giống thằng Chỉ quá !!! “ Những lúc như
vậy tôi hay nghĩ ...... Mẹ lại nhớ con của Mẹ rồi.
Tôi thấu
hiểu nỗi đau của Mẹ, nên suốt một khoảng thời gian dài sống bên Úc,
tôi đã nhen nhúm một ý định một ngày nào đó tôi sẽ đi về Việt Nam
tìm xác anh tôi, để giúp Mẹ tôi khép lại một nỗi niềm day dứt không
bao giờ tận, để nguôi ngoai những ngóng trông mỏi mòn của Mẹ, nhưng
tôi đã chẳng làm được gì ..... cho đến ngày hôm nay nhìn lại thì
nhận ra .... May quá !!! Mẹ tôi đã quá già rồi, ngoài 90 tuổi rồi,
Mẹ không còn đủ minh mẫn và tỉnh táo để cảm nhận được cái đau như
ngày xưa nữa.
Melbourne 04/2019
Chiến trường khốc liệt quá, bỏ mày lại cũng không đành.
Rừng cao su tơi tả, kiếm tạm một khúc cây.
Cột chân tay mày lại, xỏ đòn gánh gánh đi.
Biết làm sao bây giờ, lính Dù không bỏ bạn.
Có thằng Tây nó chụp hình, thì kệ mẹ nó đi.
Chiến trường đi ai tiếc đời xanh.
Biết đâu ngày mai sẽ đến phiên tao.
Vào nửa trăng Lính thường cháy túi.
Đạn dược bây giờ còn phải đánh cầm chừng.
Kiếm đâu ra băng ca để mày yên giấc ngủ.
Gánh mày đi như gánh một con mồi
Mà những thằng thợ săn vừa săn được.
Đầu mày chúc xuống đất
Lắc lư theo nhịp đi
Hồn mày ở trên cao
Có thấy tức cười không?
Ráng chút nữa rồi về với mẹ, ngày xưa mày khóc mẹ ru
Rồi thì mẹ khóc ru mi xuống mồ
À ơi, con ơi à ơi, đây là giấc ngủ ban đầu, mà mẹ ru con
Bên ngoài gió thổi nam man, hai mươi năm trường, mẹ ru con theo tiếng à ơi.
Rồi con lớn khôn, con ra chiến trường.. Mẹ khóc hằng đêm.
Những người đã chết hôm qua, cho nước Việt bình yên.
Chúng tôi tri ân các anh.
Bây giờ không biết hai người Lính trong hình, gánh xác bạn, giờ Họ về đâu.
Tấm hình chụp vào ngày 15/4/1975.
Vỏn vẹn chỉ 15 ngày sau, quê hương rơi vào tay giặc.
Bốn mươi bốn năm sau, có còn ai cảm thấy bồi hồi xúc động khi nhìn tấm ảnh này.
Xin đừng nói những lời chót lưỡi đầu môi, đừng yêu Lính bằng lời.
Hãy tri ân Họ.
Quang Caumuoi
304Đen – llttm – MT68
No comments:
Post a Comment