Thursday, May 21, 2020

Người Tù Điên - Phạm Hồng Ân


Người tù điên
 
 
 
 

 

– Anh Bỉ đâu? Ra gặp “cán bộ quản giáo”.

Một tù nhân trẻ măng lồm cồm đứng lên. Anh chạy nhanh về phía tiếng nói. Vạt áo lắc lư theo đôi tay. Hàng nút chưa kịp cài, để lộ bộ ngực trần, rắn chắc, màu vàng nghệ.

– Chào cán bộ. Tôi là Bỉ.

Gã cán bộ lùn tịt, đứng chống nạnh trước cửa sam. Nón cối sùm sụp, che kín gần hết khuôn mặt. Tù nhân chỉ nhìn thấy hàm răng hô, đầy bựa thuốc đen sì.

– Anh không khai báo thành thật. Bảng tự kiểm còn thiếu sót rất nhiều. Làm lại!

Gã giúi quyển vở vào tay Bỉ, hằn học từng câu. Cuối cùng, kéo đôi dép râu soàn soạt, tiến thẳng về phía cổng.

Tôi buông mảnh chai vỡ xuống gốc cây, cầm cái chân ghế dở dang, chạy vội đến Bỉ.

– Sao? Tại sao lại thiếu sót? Mi khai thế nào? Bao nhiêu trang?

– Tau đi lính có hai năm. Mất một năm quân trường. Còn một năm làm huấn luyện viên không quân. Tau thấy, tau có tội chi đâu, để khai?

Bỉ nhìn quyển vở một trăm trang. Quyển vở, mà ban chính trị đã phát, để tù nhân khai báo tội lỗi. Họ bắt buộc, tù nhân phải nặn óc moi trí, nhớ lại từng thời gian, từng chi tiết những lần phạm tội. Kể cả tội lỗi của ông cố, ông sơ, ông nội, ông ngoại…xảy ra trong dĩ vãng mịt mù, dù tù nhân chỉ nghe gia đình loáng thoáng nói lại.

Tôi lật quyển vở. Không đầy hai trang khai báo. Còn lại, là chín mươi bốn trang giấy trắng dày cộm. Tôi lắc đầu.

– Mi viết ít quá! Nó nghi ngờ đấy!

Bỉ rống lên.

– Tau có bỏ tù, bắn, giết thằng nào đâu? Lấy chi làm tội, khai ra?

– Chúng nó đã nói, có tội mới vào tù. Đã vào tù, sao bảo là vô tội?

Bỉ khẩn khoản:

– Mày hướng dẫn tau đi! Giúp giùm đi!

– Cố nhớ lại xem, có thiếu nợ, có dụ dỗ ai không? Viết vào!

Ồ! Nhớ ra rồi. Tau có con bồ. Tau đã dẫn vô khách sạn, “phể” nó. Vậy, có…có tội không?

– “Phể” không cưới, là tội. Khai vô. Tán dài ra!

Chỉ thế thôi, quyển khai báo của Bỉ được ban chính trị chấp nhận, và được liệt vào danh sách các quyển khai báo thành thật nhất. Chỉ thế thôi, Bỉ bắt đầu ra tay “gò” cho tôi một thùng đàn bằng thiếc, lấy từ  mảnh “tôn”  phế thải ở đằng sau nhà bếp tù nhân.

Vào tù, giai đoạn đầu, chúng tôi được đưa đến trại Trần Quốc Toản học chính trị. Trước đây, trại Trần Quốc Toản là quân trường địa phương quân, nằm trên trục lộ Cao Lãnh – Hồng Ngự. Chúng tôi đến đây, giữa lúc khói lửa còn bốc lên tràn ngập, rải rác khắp nơi trong trại. Mùi thuốc súng, mùi quân trang quân dụng cháy…hợp với mùi hố phân, mùi nước tiểu, mùi bùn đất… bay ngai ngái trong không khí oi nồng của mùa nắng. Sam tù nhân cư trú, là các sam lính ngày xưa. Ngoài sân, còn lố nhố đó đây những ba lô, cà mèng, bi đông, túi nhựa, nón sắt, quần áo lính… vất lung tung, loạn xạ. Chúng tôi bỏ cả ngày quét dọn sạch sẽ, gom lại từng đống, có lớp có lề hẳn hoi.

Vào tù, giai đoạn đầu, có nhiều thời gian nhàn rỗi. Ngoài giờ lên lớp học chính trị, tù nhân được thong thả trong bốn vòng rào kẽm gai trại tù. Thời gian nhàn rỗi, tù nhân vùi đầu vào công việc cá nhân, để quên đi năm tháng, để lấp đi những nỗi đau: tiếc nước, thương nhà…Trong số công việc cá nhân thường ngày, Bỉ là người đầu tiên đưa sáng kiến: dùng “tôn” phế liệu, chế ra dụng cụ hữu ích cho tù nhân. Anh bắt đầu lấy thanh thép chữ X nằm mặt sau ba lô, bẻ gãy từng khúc, rồi mài xuống nền xi măng…cho đến khi nào mép của thanh thép mỏng lại, bén ngót. Thế là, những cây đục “dã chiến” thành hình, ra đời từ đó. Kế đến, Bỉ dùng đục loại bỏ những khoảnh “tôn” hư, để lấy phần “tôn” tốt “gò” những đồ dùng cho đội tù, như: ca, thùng tưới, thùng xách nước… v… v…Sau này, Bỉ còn “gò” cả vá xúc đất, rương đựng quần áo…

Tôi thích vọng cổ, có lẽ ảnh hưởng từ Má tôi, từ những ngày còn thơ ấu. Má tôi mê cải lương lắm! Tỉnh lẻ, thỉnh thoảng có đoàn cải lương về. Đêm nào, Má cũng dẫn tôi đi xem hát. Xem riết, vọng cổ tiêm nhiễm vào máu huyết tôi lúc nào, chẳng hay. Chỉ biết, khi nghe ai hát, khi nghe ai đàn, tôi như người mất hồn. Tiếng hát tiếng đàn quyện vào nhau, dắt đưa tôi đến cõi thinh không muôn màu muôn sắc.

Bỉ cũng vậy. Hắn có giọng ca trong trẻo, cao vút thấu tận mây xanh. Mỗi lần hắn xuống “xề”, mùi tới độ… chúng tôi muốn đứt từng đoạn ruột. Vì thế, tôi với hắn sớm thành tri kỷ tri âm. Cho đến nỗi… sau này, tiếng đàn tôi ở đâu, tiếng hát Bỉ ở đấy.

 
Vào tù, tôi muốn tự tay làm một cây đàn vọng cổ. Để lúc nhàn rỗi, đêm đến, ngồi với bạn bè, ngu ngơ vài câu, gửi nhớ gửi thương về những người thân yêu ở quê nhà. Tôi đã tận dụng một chân ghế gãy làm cán đàn. Mỗi ngày, đập vỏ chai, lấy mảnh sắc, cạo gọt nó rất tỉ mỉ. Bây giờ, nó đã trở thành một cán đàn thật tuyệt. Tôi tra phím bằng vỏ đạn đồng. Dùng dây điện thoại làm dây đàn. Dùng thùng đạn đại liên làm thùng đàn. Cây đàn vọng cổ có vẻ kệch cợm, nặng nề và quái dị biết bao! Nhưng âm thanh nó rất tuyệt vời. Mỗi đêm, nó réo rắt bổng trầm, đưa các bạn tù ngồi lại với nhau, quây quần bên chén trà, bên lon nước lạt – đó cũng là thú vui. Đó cũng là cách sống, tẩy hết những phiền muộn cuộc đời.

 
Cây đàn được Bỉ tạo tác trở lại. Hắn dùng nhôm mỏng, “gò” cho tôi một thùng đàn tuyệt đẹp. Hắn còn dùng đôi tay nghệ sĩ, khắc lên đó một giai nhân tóc dài, với những nụ hồng lung linh trong gió xuân. Từ đấy, cây đàn – đối với tôi – như báu vật. Đi đâu tôi cũng mang nó theo. Cho đến khi ngủ, tôi cũng nằm ôm nó vào lòng, như ôm tình nhân.

 
Càng ngày Bỉ càng nổi tiếng với công việc “gò” thùng. Hắn được kêu lên ban quản giáo hỏi han. Rồi, vài ngày sau, cứ mỗi buổi sáng, tù nhân thấy hắn vác đồ nghề lên khu cán bộ. Tới chiều tối, hắn mới lò mò về sam, lủi thủi chui vào mùng ngủ. Hắn đi tới đi lui khoảng vài tháng, âm thầm như một cái bóng. Lúc đó, các việc làm lén lút của tù nhân trong sam, bỗng nhiên, cán bộ đều biết hết. Từ việc ăn nói linh tinh lang tang, tới việc châm biếm chế độ. Kể cả việc hát nhạc vàng, tiếp xúc với dân, không đọc báo “cách mạng”…v… v… Tù nhân bắt đầu nghi ngờ Bỉ làm ăng ten, đem chuyện trong sam, hàng ngày báo cáo lên cán bộ. Bạn tù đổi thái độ với Bỉ. Có người khinh khỉnh. Có người mỉa mai. Có người chửi bới, đe dọa. Không dằn được, tôi kéo Bỉ ra góc sân, hỏi nhỏ:

– Này, mi làm ăng ten, hại anh em, có đúng chăng?

Bỉ giẫy nẩy. Hai con mắt hắn trợn ngược lên, có vẻ vừa ngạc nhiên, vừa tức tối.

– Mẹ, thằng nào nói? Tau lên “gò” rương cho cán bộ. Làm việc túi bụi suốt ngày, không có thì giờ để thở. Ăng ten cái con…c…

– “Gò” cái đéo gì…cả mấy tháng nay, chưa xong?

– Mẹ, hết thằng này đến thằng khác đặt hàng. Mày đếm coi bao nhiêu cán bộ, từ thằng lớn tới thằng bé. Biết chừng nào mới xong?

– Tụi nó đặt cái đếch chi, mà lắm thế?

– Thằng nào cũng muốn có rương gửi về Bắc, làm quà cho gia đình. Mỗi thằng đặt hai hoặc ba rương. ĐM, “gò” muốn bá thở!

Tôi cố gắng thanh minh cho Bỉ với anh em. Cố gắng tìm ra thằng ăng ten núp bóng quanh đây, để giải oan cho Bỉ. Nhưng, việc làm của tôi như dã tràng xe cát. Bí mật vẫn nằm trong bí mật.

Rồi, tháng ngày trôi qua, trại tù đến chu kỳ thăm nuôi. Sáng sớm, tù nhân náo nức thức dậy. Mọi người tự động ăn mặc chỉnh tề, ngồi quây quần nói chuyện râm ran, chờ đợi tên mình được gọi trên loa phóng thanh. Bỉ là một trong những tù nhân được gọi đầu tiên. Ở sam, tôi chuẩn bị cho hắn một ít dây ny lon để treo quà lên trần nhà. Chuẩn bị củi để hâm thức ăn. Chuẩn bị chai lọ để chứa đường, muối, tiêu, ớt, nước mắm…Tôi thấp thỏm đón Bỉ ở cửa sam, chờ xách giúp vài túi quà, đỡ đần bạn đôi chút nhọc nhằn. Nửa tiếng sau, Bỉ lững thững trở về. Hai bàn tay trống trơn. Chẳng có phần quà nào hết. Bỉ đi một hơi vào chỗ nằm, lăn đùng ra chiếu, úp mặt xuống nền đất, thở dài. Từ đó, Bỉ không nói với ai một lời. Cũng không buồn thức dậy, nhận phần ăn chiều.

Từ đó, Bỉ đi lang thang khắp trại. Lúc nào, mặt cũng ngước lên trời, nói lầm thầm suốt ngày – như nói với người vô hình nào đó. Bỉ bỏ cả ăn uống. Chẳng màng tới vệ sinh cá nhân. Chẳng cần đến sinh hoạt, nội qui của trại tù.

Thương bạn, tôi theo Bỉ hàng giờ. Khuyên lơn, dỗ dành. Thậm chí đến độ tức giận, phải giả vờ răn đe, dọa nạt. Dù tôi có giở trò gì đi nữa, Bỉ vẫn khư khư, làm những điều hắn làm. Buổi trưa, nắng chói chang. Nắng làm rát bỏng mặt đường. Nắng dọi lên “tôn”, khiến các sam đều hừng hực nóng. Tù nhân phải cởi trần, tìm bóng mát quanh sân, hứng những làn gió nhè nhẹ, từ xa thổi về. Chỉ có Bỉ, dật dờ như bóng ma, quần áo tả tơi, lang thang từ sam này qua sam nọ. Bỉ vừa ngao du, vừa lảm nhảm. Cứ như thế, Bỉ quanh quẩn tới tối. Khi trật tự trại lôi vào, mới chịu về sam nghỉ ngơi.

Tôi theo Bỉ đều đặn. Lắng nghe những điều bạn nói. Cố lắng nghe lắm, mới biết Bỉ đang đàm thoại truyền tin, trong một cuộc chiến nào đó, ngày xưa:

– Phi Điểu, đây Mãnh Hổ gọi, trả lời. Xin thẩm quyền cho tí lửa. Tụi em rét lắm! Cần ánh sáng để sưởi ấm và soi đường. Nếu không, yêu cầu Phi Điểu san bằng nơi đây đi! Tụi em chấp nhận…

Hoặc, Bỉ khóc lóc thảm thương:

– Người ta bỏ nước. Em bỏ quê. Anh bỏ nhà. Chúng ta đành bỏ lẫn nhau…Vì ai???

Thương bạn, tôi cố tình nhắc chuyện xưa. Nhắc chuyện cô bồ, đã có một thời chung chăn chung gối với Bỉ ở khách sạn. Tôi kể những kỷ niệm êm đềm đầu đời. Kể lại mùi hương da thịt nồng nàn trinh nguyên của con gái. Kể lại nụ hôn ngọt lịm đến tê dại đầu lưỡi. Tôi muốn gợi nhớ gợi thương, dẫn Bỉ ngược về quá khứ son vàng, để mong phục hồi tâm trí, đưa bạn trở lại đời sống bình thường.

Nhiều lần, tôi cầm cây đàn vọng cổ, ngồi cạnh Bỉ, rao những bản vắn bạn thích. Tôi chơi từ bản vui đến bản buồn. Từ xang xừ líu, nam xuân…qua phượng hoàng, văn thiên tường…sang tứ đại oán, bình bán chắn…Bỉnh chợt ngưng nói nhảm, hắn chăm chú lóng nghe, đứng im lặng ngó về một cõi sâu thẳm nào đó. Mừng quá, tôi tiếp tục chơi. Tôi bấm đến rướm máu đầu ngón tay, nhấn đến đứt cả dây đàn. Vậy mà, cuối cùng, khi đàn ngưng, Bỉ vẫn trơ trơ, tiếp tục lang thang, lảm nhảm.

Rồi một đêm, trại tù bỗng choàng dậy bởi những tiếng súng vang trời. Tôi lồm cồm bò đến phía vách, nhìn qua khe lá, ngạc nhiên ngó ra bên ngoài. Trời đen kịt, im vắng lạ thường. Những ngọn đèn lờ mờ xung quanh trại, vẫn hắt xuống bóng đêm một màu vàng bệnh hoạn. Đằng xa, ngoài cổng trại, lố nhố đám vệ binh đang bàn tán, đôi co điều chi? Lát sau, tù nhân nghe tiếng chân rầm rập đi về hướng ruộng. Rồi, tiếng lôi vật gì xềnh xệch trên lối đi. Tiếng vá xúc đất lịch kịch. Tiếng báng súng đập vào nhau lụp cụp.

Buổi sáng, tin tù trốn trại truyền đi khắp nơi. Tù nhân Lê văn Bỉ đã bị vệ binh bắn gục, trong lúc tìm cách vượt qua hàng rào cổng, đêm qua. Nghe tin, tôi choáng váng, ôm mặt, lăn xuống chỗ nằm. Những giọt nước mắt rơi ra, một cách kín đáo, tiếc thương cho người bạn đã vội lìa đời.

Tiếng đàn tôi từ nay, vĩnh viễn không còn tiếng hát của Bỉ quyện vào. Mất tiếng hát tri âm, tiếng đàn chỉ còn là thứ ngũ cung vô tri, rời rạc. Nó cất lên một cách cô đơn, gào lên một cách lạc điệu, mất hồn.

Đến bây giờ, tôi vẫn không nghĩ là Bỉ trốn trại, để cuối cùng nhận lãnh cái chết oan uổng như thế. Bỉ đâu cần phải vất vả leo rào, vượt ngục – tìm kiếm cho hắn một thứ tự do hão huyền ngoài đời (trong lòng chế độ mới).

Hắn đã bước vào thế giới cuồng điên, thế giới riêng của hắn. Ở đó, hắn mặc sức tung hoành, vẫy vùng thoải mái theo ý muốn. Và sự thoải mái này, không phải là thứ tự do khao khát hay sao?

 
Phạm Hồng Ân

No comments: