Thursday, July 15, 2021

Bụng Làm Dạ Không Chịu - Bình Nguyên Lộc

 

Bụng làm dạ không chịu



 

 

Từ sáng tới giờ, thầy Ba chưa nếm qua món quà nào mà chị thầy khệ-nệ từ quê nhà, một làng hẻo-lánh trên tỉnh Bình-Dương, mang xuống biếu vợ chồng con cái của thầy hết: chuối nguyên quày, dừa nguyên buồng, bánh tráng, bánh tổ, bánh ít.

Chuối, dừa, bánh tráng, bánh ít gì ở đây đều có bán cả, mà còn ngon hơn quà ấy nữa, bánh tổ là món ăn chơi rất khá, nhưng chưa phải lúc ăn vội-vàng. Nhưng trong bữa cơm tối, có một món mà thầy vừa ăn qua một đũa thì chưng-hửng nói:

– À, cái nầy ngon lạ !  Đó là món giá đậu phộng xào.

Món nầy, thuở nhỏ ở nhà quê, thầy Ba vẫn có ăn, nhưng lâu lắm rồi, thầy không được nếm tới nữa, nên quên mất đi. Cô Ba là người gốc Hậu-Giang, ở một tỉnh không trồng đậu phộng được, và chính chị của thầy Ba đã dạy em dâu làm món ăn nhà quê đó.

Giá đậu phộng quả ngon hơn giá đậu nành nhiều, còn nói gì giá đậu xanh thì thua nó rất xa.

Thầy Ba lại gắp đũa thứ nhì, lần nầy thầy ăn chẫm-rãi hơn, để ngậm mà nghe, hầu thưởng-thức cho thật tận-cùng mùi-vị của món ăn nầy và nhứt là để sống lại tuổi thơ-ấu của thầy.

Màu sắc, âm-thanh, nhứt là mùi-vị có khả-năng đánh thức-tỉnh dĩ-vãng xa, nên thầy Ba bỗng như được một chiếc đũa phép, một cây gậy mầu đưa về thời thơ-dại mà thầy đã trải qua ở nhà quê.

Sau nhiều phút sung-sướng tinh-thần, thầy lại trở về với sung-sướng vật-chất là đũa giá xào thứ ba.

Thầy trách vợ:

– Món nầy ngon quá, mà má nó lại không bao giờ làm, cứ than không biết lấy gì để đổi bữa.

Nhưng chị thầy cười rồi đáp hớt:

– Ở Sàigòn đâu có bán giá nầy mà trách mợ nó không mua.

– Sao lại không có bán?

– Có đâu mà bán.

– Không có? Sao chị có mà cho vợ chồng tôi đây nè !

– Không ai mà ủ giá đậu phộng hết. Giá nầy là giá lượm mót ngoài đồng.

– Sao họ không ủ, hả chị?

– Vì ủ bán không được.

– Không ủ, chị lấy đâu mà có đây?

– Đã nói lượm mót kia mà. Chẳng là sau khi ta nhổ đậu rồi thì những hột rụng xuống đất, gặp đất xốp và tương-đối ẩm-ướt, mới đâm mộng rồi thành giá. Trẻ con chúng nó đi mót về bán cho người trong làng.

– Lạ quá ! Món ăn ngon như thế nầy mà không ai nghĩ đến việc ủ giá đậu phộng. Cũng là một mối lợi chớ !

– Cậu nó không biết chớ phần đông người mình cử ăn giá đậu phộng.

– Sao vậy chị?

– Họ nói là giá nầy độc lắm.

– Mà có độc thật-sự hay không?

– Nếu độc, tôi đã chẳng đem xuống đây.

Cô Ba từ nãy giờ chỉ làm thinh, vì, như đã nói, cô gốc người khác địa-phương với thầy, còn dốt về giá đậu phộng hơn thầy nữa, thì còn biết gì để nói. Nhưng giờ thì cô có ý-kiến đây, một ý-kiến rất là sáng-suốt:

– Như vậy, muốn cái chợ Sàigòn có bán giá đậu phộng cho ta ăn thì phải quảng- cáo món xào nầy. Có người tiêu-thụ thì sẽ có người sản-xuất.

– Hay lắm, thầy Ba khen. Vậy chị Hai mai mốt gởi xuống cho nhiều, nhiều để mẹ nó biếu bà con lối xóm mỗi người một dĩa ăn chơi.

– Họ không dám ăn đâu, vì họ cứ tin là độc lắm. Người chị của thầy Ba nhắc lại điều đó. Chỉ có vài gia-đình hiếm-hoi như họ nhà ta, mới dám ăn vì biết rằng giá đậu phộng không độc chút nào.

– Chị đừng lo. Vợ chồng tôi có tài tuyên-truyền rỉ tai và sẽ thuyết-phục được cả đô-thành cho chị coi.

– Ừ, cậu giỏi thì thuyết-phục họ, nhưng tôi e tới già cậu mợ cũng chẳng thành-công.

Dân-chúng nước nào cũng thế, về bịnh-hoạn, y-khoa và ăn uống, họ có những tin-tưởng rất là kỳ-dị, và bám níu vào những tin-tưởng ấy rất mạnh. Như trên tỉnh của ta, họ tin như đinh đóng cột rằng ăn măng-cụt với đường thì chết tức- tốc.

Cô Ba hỏi:

– Nhưng có quả thật hai món ấy kỵ với nhau hay không, chị?

– Ai biết đâu! Măng-cụt đã ngọt gần như đường rồi thì còn ai điên để ăn măng- cụt với đường thử xem có chết hay không?

Nếu quả hai thứ ấy mà kỵ nhau, cũng chẳng hề gì, bởi không ai có thể chết vì hai thứ không bao giờ đi chung với nhau. Vậy mà họ cứ sợ, cái sợ cha truyền con nối, mẹ dạy con điều đó như là dạy đạo-lý luân-thường, chủ nhà căn-dặn khách xa mới tới như là thiên-hạ ai ai cũng cần ăn hay thèm ăn măng-cụt với đường vậy.

– Chị đừng có tưởng ba nó nói dóc. Ba nó với em đã hoạt-động cho trái đu-đủ và thành-công rực-rỡ.

– Hoạt-động cho trái đu-đủ làm sao?

– Chị có nhớ hay không? Cách đây mấy mươi năm, dân ta – hay ít lắm, cũng là người miền Nam ta – rất sợ đu-đủ vì họ cho rằng trái đu-đủ rất độc.

Nhớ đâu là năm 1944 thì phải, đu-đủ chỉ bán có một xu một trái mà chẳng ma nào mua.

Năm ấy ba nó cưới em…

– Ừ, chị nhớ ra rồi. Trái đu-đủ quả không có giá-trị thương-mãi nào hết. Nó là thứ trái cây hạng bét, còn rẻ hơn chuối hột nữa.

– Vợ chồng em rất kinh-ngạc mà thấy Tây họ ăn tráng miệng bằng đu-đủ, mỗi ngày hai bận, vậy mà họ cứ sống nhăn ra.

Ba nó mới chạy đi hỏi một ông bác-sĩ quen, ông ấy lại chuyên-môn về khoa dinh-dưỡng, để tìm biết rõ về thứ trái rất ngon, vợ chồng em rất thèm ăn, nhưng không hề dám ăn.

Ông bác-sĩ ấy nghe hỏi lẩn-thẩn, cười ha-hả rồi đùa:

“Ta thì cái gì cũng độc tuốt hết. Cá rô, đậu phộng, ăn sanh phong nhức mình; đàn bà đẻ ăn chuối sứ chết không kịp trối; tàu-hủ ăn với mật ong là đình-chỉ hô-hấp tức-khắc. Toàn là chuyện huyền-thoại hoang-đường. Cứ ăn đi, chỉ e nó bổ rồi lên cân, phải bỏ áo quần cũ hết.”

Thế là vợ chồng em tha-hồ ăn đu-đủ chín, một xu một trái. Ba nó tánh thài-lai mà cũng có lòng nhơn nên thuyết-phục em hãy cùng ba nó hiệp-sức lại để thuyết-phục thiên-hạ.

Năm sau, em sanh thằng Cần, và ba nó cho em ăn đu-đủ ngay trên giường đẻ. Thiên-hạ đồn rùm lên, đoán rằng thế nào em cũng cho con em mồ-côi mẹ nay mai gì đó. Nhưng mà rồi em cứ sống nhăn.

Bỗng thầy Ba hạ đũa xuống rồi nói:

– Ý, mà không nên!

– Không nên cái gì? Cô Ba hỏi.

– Không nên quảng-cáo cho giá đậu phộng.

– Sao lạ vậy? Già rồi đâm xấu bụng hử?

– Ừ, xấu bụng đó! Không phải tại già mà vì kinh-nghiệm bản-thân.

– Kinh-nghiệm làm sao? Người chị cả của thầy Ba hỏi.

– Chị không thấy đu-đủ từ một xu lên tới hai chục đồng một trái hay sao?

– Là tại giá sanh-hoạt lên nên món gì cũng lên hết.

– Không phải vậy. Món gì cũng lên giá, song không có món nào mà năm 1944 đến nay lại leo tới hai ngàn lần nhiều hơn.

Tại thiên-hạ đua nhau mà nghe lời tuyên-truyền rỉ tai của tụi tôi, nhà sản – xuất không sản-xuất kịp, món hàng cứ khan-hiếm hoài, mà lại là hàng được ưa-chuộng nữa. Không khéo tụi tôi sẽ là nạn-nhân của công-trình phổ-biến giá đậu phộng, gậy ông trở lại đập lưng ông cho mà coi!  Người chị cả của thầy Ba cười ngất rồi nói:

– Cậu ích-kỷ lắm!

– Phải ích-kỷ trong vài trường-hợp ở đời, chị à. Ai cũng phải vị-kỷ trước rồi mới vị-tha chớ, trừ vài đức thánh ra. Ta là phàm-phu tục-tử, ta nặng lòng vì quyền-lợi riêng, ai cũng thế chớ không riêng gì em của chị đâu.

Cả hai người đàn bà đều nín lặng vì họ khó chịu trước yêu-ngôn trắng-trợn quá của người gia-trưởng còn trẻ nầy.

Họ cũng nghĩ như em họ, như chồng của họ, nhưng không đủ can-đảm nói ra, nhưng họ chỉ nghĩ phơn-phớt vậy thôi vì lòng họ không thật nặng lắm bởi quyền-lợi riêng như người đàn ông nầy. Vì vậy mà họ mới khó chịu.

Lâu lắm, cô Ba mới tự hỏi lớn lên:

– Không biết có cách nào mà giúp được người khác, lại không làm hại cho ta hay không?

Cô Ba chỉ nói bâng-quơ chớ không hỏi riêng ai, cũng chẳng thấy được lối thoát nào. Người chị cả của gia-đình, có lẽ tới đây, chắc cũng không có tia-sáng nào hé trong trí bà, nhưng câu hỏi ấy như là bấm vào một cái nút điện nó huy-động cả một bộ máy suy-luận của bà.

Người ta kể rằng thuở bé, nhà bác-học Einstein mỗi hôm đi học về, mẹ ông thường hỏi: “Hôm nay con có đưa tay lên để xin hỏi thầy một câu hay-ho nào hay là không?” Bà không hỏi “Hôm nay con có được điểm cao hay không?” như các bà mẹ khác hay hỏi. Ấy, có lắm câu hỏi còn đắc-dụng hơn là lời răn-dạy, hoặc bài học giá-trị nhứt.

Người chị cả đặt chén cơm xuống, rồi nói:

– Mãi cho tới bây giờ, người mình cũng không hề trồng đu-đủ. Ở trên làng ta, đu-đủ tự-nhiên mọc, nghĩa là trẻ con ăn đu-đủ vứt hột ra ngoài ranh rồi gặp điều-kiện thuận-lợi, những hột ấy mọc mầm, rồi trưởng-thành trong sự bấp- bênh, vì nó có thể bị chính trẻ con nhổ đi vì nghịch, bị người lớn phát ngã rạp lúc làm vườn. Thế nên năm bảy nhà mới “rủi-ro” có một cây đu-đủ.

Mấy năm sau ầy, trên Xuân-Lộc người ta khẩn đất hoang, lập sở đu-đủ hẳn- hòi, trồng cả ngàn cây, nhưng số sản-xuất vẫn chưa đủ cung-ứng cho sức tiêu-thụ, vì vậy mà đu-đủ mới mắc giá. Nếu năm ấy cậu mợ vừa quảng-cáo cho cái ngon, cái bổ của đu-đủ, mà đồng – thời ở thôn-quê lại có người quảng-cáo cho nguồn lợi do đu – đủ gây cho nông – dân, thì mỗi nhà đã trồng vài cây, không choán bao nhiêu đất, mà ngoài chợ đã không quá hiếm trái đu-đủ. Cây đu-đủ đẹp lắm, trồng ngoài sân làm cảnh còn đẹp mắt hơn là vài loại cây cảnh khác thì việc trồng đu-đủ tiện-lợi mọi bề, rất dễ xúi họ làm. Đó, dung-hòa hai thứ khó đi đôi với nhau theo cách ấy thì đôi bên đều được hưởng lợi.

Người chị cả nói triết-lý rẻ tiền, nhưng triết-lý của bà gần-gũi với đời sống hàng ngày nên nghe không lố-bịch.

– Phải có thế quân-bình mới được, trong mọi việc. Anh Hai của cậu mợ, ổng tài-giỏi lắm, siêng-năng lắm mà làm ăn cứ thất-bại hoài và anh chị cứ nghèo hoài. Ổng làm nhiều thứ đồ bằng gỗ sơn-mài chẳng hạn như tranh tứ – thời, như lọ cắm hoa, như bìa tập an-bom, mà ổng tham, mướn thợ quá đông, sản-xuất ra nhiều quá, quên mất rằng số người tiêu-thụ loại hàng ấy chỉ có hạn thôi, hóa ra chôn vốn năm nầy tới năm khác.

Thầy Ba đã gắp tới đũa thứ hai mươi cái món giá đậu phộng xào. Thầy ngưng đũa trước khi đưa món ăn vào miệng, cười hề-hề rồi nói:

– Vậy một mặt tôi tuyên-truyền ăn giá đậu phộng, một mặt chị tuyên-truyền ủ giá đậu phộng, chắc thành-công.

– Ừ, nhưng còn lâu nghen, cậu nó! Không phải hô lên là họ theo ngay đâu, nhứt là nông-dân. Tôi phải quảng-cáo trước cậu vài năm mới được.

Bình-Nguyên Lộc

304Đen – Llttm - sgtc

No comments: