Sunday, July 4, 2021

Chùa Làng - Đặng Văn Sinh

 

CHÙA LÀNG, NHẤT QUỶ NHÌ MA




 

Tam quan chùa Vĩnh Khánh (chùa Trăm Gian)

Làng Yên tọa lạc trên một vùng đất cổ bên sông Kinh. Cư dân ở đây vốn sùng đạo Phật nên chẳng biết từ đời nào đã có đến ba ngôi chùa gồm Vĩnh Khánh (永慶寺), Vĩnh Minh (永明寺) và Vĩnh Khang (永康寺). Vĩnh Khánh còn gọi chùa Trăm Gian, Vĩnh Minh gọi chùa Đàm, còn Vĩnh Khang tục gọi chùa Mục Đồng (牧童寺) vì từ xa xưa người làng đã truyền ngôn, khởi thủy ngôi cổ tự này là do các cụ chăn trâu dựng nên từ thời Quận He khởi nghĩa…

Trong ba chùa, Vĩnh Khánh lớn nhất, đúng một trăm gian, tòa ngang dãy dọc rất bề thế nằm vắt ngay đầu làng song song triền đê cách bờ sông vài trăm mét. Vĩnh Khánh tự còn được xem như tổ đình. Nơi đây hằng năm vào ngày 8 tháng tư âm lịch (hiện nay là 15 tháng tư), các tăng ni, phật tử, khách thập phương về dự lễ đản sinh đông như trẩy hội.

Chùa lớn nhưng nhân khẩu không nhiều, chỉ chừng dăm bảy người, sống chủ yếu bằng nguồn hoa lợi từ mấy mẫu ruộng, một năm hai vụ do các sư, tiểu tự cày cấy. Đến ngày thu hoạch có thêm một số bà con trong làng gặt giúp. Như vậy, là nhà chùa từ lâu đã có truyền thống tự lao động nuôi chính mình mà không dựa dẫm vào sự cúng dường hay hòm công đức, đúng như lời Phật dạy.

Năm 1958, chiến dịch “bài trừ văn hóa độc hại, triệt bỏ mê tín dị đoan” quét qua làng Yên, hàng loạt đình chùa đền miếu bị phá dỡ trong đó có ngôi nghè từ thời Cảnh Hưng, đã được trùng tu nhiều lần, quy mô lớn nhất hàng tổng. Chỉ riêng gỗ lim, xã thu về hơn bảy chục khối. Cánh thợ mộc phải “kéo cưa lừa xẻ” thông ba tháng mới xong. Chùa Vĩnh Khang tuy nằm hẻo lánh ngoài đồng cũng vẫn trong tầm ngắm của cán bộ văn hóa. Chưa trọn một một ngày, Mục Đồng cổ tự thành phế tích. Chỉ có điều chẳng hiểu vì sao người ta để lại phần hậu cung thờ Đức Chúa như cái chuôi vồ. Sau này đám trẻ trâu hay vào đấy nghịch. Có thằng châm lửa đốt trụi râu Đức Chúa rồi bắt chim tè vào góc tường, về nhà ốm một trận thập tử nhất sinh, bố mẹ phải làm lễ tạ mới tai qua nạn khỏi.

Những ngày sôi động ấy, lũ tí nhau chúng tôi cũng phải nghỉ học tham gia dưới sự chỉ huy của thầy chủ nhiệm. Khắp mọi nơi, chỗ nào quét vôi được là xuất hiện khẩu hiệu cổ vũ cho phong trào văn hóa mới. Cho đến giờ tôi vẫn nhớ như in một slogan rất ấn tượng được cho là của ông Trưởng Ban Tuyên huấn tỉnh ủy: “Triệt để bài trừ các loại thầy bói, thầy cúng và chó dại”.

Sáng hôm ấy, đoàn học sinh rồng rắn xuống chùa Đa Đinh, mặt đứa nào cũng tươi hơn hớn vì lần đầu tiên trong đời được tham gia vào sự nghiệp cách mạng.

Thầy trò cuốc bộ đến nơi thì ngôi chùa đã bị dỡ mái, đập tường. Rui mè, xà ngang, cột dọc, gạch ngói nằm ngổn ngang trong đám bụi mù mịt như khói rạ đốt đồng. Tượng Phật được gom lại giữa sân gạch Bát Tràng. Mấy bác dân quân chất củi xung quanh châm lửa đốt. Tượng gỗ mít bén rất nhanh, lửa bốc cao, khói tỏa mùi thơm hương trầm. Có những vị La Hán to cỡ bắp đùi, sơn son thếp vàng bị đám trẻ con lấy ra nghịch chán rồi quẳng xuống ao nổi lềnh phềnh…

Cũng may, chùa Vĩnh Khánh không bị phá. Sau này chúng tôi mới rõ, ngôi cổ tự thoát cơn tai biến là bởi xã chưa có trường học mà Tam quan thì rộng có thể chứa được cả trăm học sinh. Nghe nói đây là sáng kiến của ông Chủ tịch. Ơn trời. Chẳng biết vô tình hay hữu ý, ông đã giữ lại cho làng Yên một danh lam.

Tam quan là công trình kiến trúc đẹp nhất chùa Vĩnh Khánh, cao hai tầng, trên có gác chuông, mái ngói âm dương với tám đầu đao cong vút, tận cùng bằng một con nghê có sừng và cặp mắt thủy tinh xanh đen rất ngộ. Tuy nhiên, hoành tráng nhất vẫn là hàng cột cao sừng sững đường kính khoảng bảy chục phân toàn bằng lim thanh, bào trơn đóng bén, tuổi thọ hàng trăm năm mà vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Đương nhiên, với loạt cột như thế, dù là loại “nhất quỷ nhì ma” như chúng tôi cũng chịu phép, không thể trèo. Nhưng lại có thể trèo lên gác nơi có chiếc chuông đồng đúc từ năm Khải Định thứ… bằng cây thang tre lồng ngộc. Cách Tam quan mấy thước về hướng Bắc là tòa Tam bảo tức Đại hùng bảo điện lúc nào cũng đóng cửa trừ những ngày lễ cho khách thập phương vào bái Phật. Khoảng sân hẹp này có hai cây hải đường khá lớn, tán lá vươn lên quá gác chuông. Mùa thu, hải đường ra hoa, màu đỏ sậm. Hoa hải đường tươi lâu, có thể để được cả tuần mà vẫn đẹp.

Nhà chùa chẳng ưa gì đám học trò mặc dù họ thừa biết, nếu không có chúng tôi, từ cụ trụ trì cho đến chú tiểu đã phải hoàn tục từ lâu. Cả con trai lẫn con gái đều nghịch như quỷ làm sư Độ ngứa mắt. Sư trạc bốn mươi, người thấp đậm, dáng dấp như gã phu thuyền, lúc ấy ở bậc sư ông, không biết chữ Nho, tụng kinh chỉ học truyền miệng. Một lần nghỉ giữa giờ, tôi với thằng Quyển leo lên gác gõ chuông. Sư Độ thoáng thấy liền lặng lẽ rút thang. Đương nhiên là chúng tôi không chịu, mắt trước mắt sau nhìn thấy cây hải đường liền bò ra mái ngói bám vào ngọn cây tụt xuống. Nào ngờ sư Độ đã phục bên dưới túm được thằng Quyển vừa cho mấy cái bạt tai vừa chửi “Bá ngọ mày…”.

Sau vụ ấy, thầy Vũ Thái La ghét chúng tôi lắm, nhất là tôi còn thường xuyên mất trật tự trong lớp và hay gây gổ, có điều thầy cũng chẳng ưa gì sư Độ. Thầy rất dữ đòn, học trò lơ mơ một chút là bị ăn thước lim nhưng lại có biệt tài bịa chuyện cổ tích như thật. Một lần thầy kể chuyện “Ông sư mỏ vẹt” (hình như là một phiên bản của cổ tích Ấn Độ hay Nepal gì đó), đến lúc cao trào sư ta ăn vụng mật bị ong đốt thì sư Độ, như có phép tàng hình, hiện thân ở cửa ngách Tam bảo, mặt nhăn nhó như khỉ ăn mắm tôm. Thầy phải tạm ngừng, chờ “nhà chùa” đi khuất rồi hắng giọng: “Từ nay các em gọi truyện này là ÔNG VUA MỎ VẸT, nhớ chưa?”. Vừa nói thầy vừa ra dấu tay chỉ lên tòa Tam bảo.

Giữa Tam bảo và Nhà Tổ có một bể nửa nổi nửa chìm dự trữ nước mưa khá lớn nên chùa quanh năm không bao giờ hết nước, ngặt nỗi cửa đóng chốt phía trong không đứa nào vào được. Nhưng cái đó chưa đáng sợ. Sợ nhất là bà Thơi, một vãi già (lúc ấy có thể đã quá 60), không chồng, không con và rất lắm điều. Cho dù chùa là không gian tâm linh, nhưng nếu ai đó lỡ miệng động đến, bà ta có thể chửi thông hàng tiếng đồng hồ bằng thứ ngôn ngữ chợ búa đến mức ma quỷ cũng phải lẳng lặng cuốn gói. Có lần mấy thằng lớp thầy Thu khát luồn cửa sau dùng ống đu đủ hút nước bể uống. Đúng lúc bà Thơi ra ao rửa bèo. Nhìn thấy hai thằng lỏi con mặt lấm lét như kẻ trộm, bà vãi vứt bịch rổ bèo, vớ ngay cán chổi vụt tới tấp. Chẳng hiểu trong lúc tháo chạy chúng xô ngã bà hay bà tự lăn ra ăn vạ, mà thằng H bị sư Độ tóm được điệu lên phòng thầy hiệu trưởng. Chuyến ấy H bị ông bố dữ đòn nện cho một trận nhớ đời.

Từ đấy, sư Độ bị cánh học sinh thù, cứ gặp “nhà chùa” nơi vắng vẻ là trêu “Bá ngọ sư”…

Ngày ấy, xã vừa mới thành lập trường, dân ta phần lớn mù chữ hoặc mới qua Bình dân học vụ nên kính trọng các thầy giáo làng lắm mặc dù có không ít vị trình độ học vấn chưa qua cấp I.

Lớp chúng tôi vào khoảng bốn chục mạng nhưng tuổi tác cực kỳ lỡ cỡ. Trong khi tôi, thằng Dụ, thằng Thiều thuộc loại ranh con, đi học qua chỗ ngập nước còn cởi truồng nồng nỗng ôm quần và sách vở lội qua chẳng việc gì phải xấu hổ, thì có những anh chị đã đến tuổi “cập kê”. Mà cũng lạ. Họ lớn tuổi nhưng lại dốt lòi tói, chữ trên bảng to như con gà mái mẹ mà đánh vần không nổi. Đến lớp hình như chỉ để tán tỉnh nhau. Điển hình là anh T, chẳng hiểu vì sao đám trẻ xóm Chùa lại đặt cho biệt danh T. Cò. T. Cò năm ấy khoảng 16, 17, dáng cao, mảnh người, đặc biệt có mái tóc “gọng kính” vắt ngược sang một bên tai, trông như nghệ sĩ. Ngồi cạnh “nghệ sĩ” ở bàn cuối cùng là chị Ve, mặt hơi rỗ hoa, chữ như gà bới nhưng bắt cua thành thần. Trưa nào cũng vậy, ăn cơm xong chị xách giỏ ra đồng, chỉ sau hai tiếng đồng hồ đã có giỏ cua kềnh mang lên chợ Từ Đường bán.

Hôm ấy trời se lạnh. Lớp đang giờ học thuộc lòng thì thầy Vũ Thái La phát hiện bàn cuối chị Ve khuỳnh tay huých vào sườn T. Cò, liền nghiêm giọng:

- Cô Ve và anh T. đứng lên, ra khỏi lớp!

Chẳng ai như chị Ve, thật thà một cục, đứng dậy, giọng ráo hoảnh:

- Thưa thầy, bạn T…. bóp vú em.

Cả lớp được một trận cười. Nhưng thầy giáo thì không. Ông cầm thước lim lừ lừ đi xuống bảo T. Cò:

- Đặt tay lên bàn!

Đến nhát vụt thứ ba thì T. Cò đau quá hết chịu nổi vội rút tay làm chiếc thước lim tử thần đập đến chát một cái vào mặt bàn. Cùng lúc “nghệ sĩ” túm quai chiếc cặp gỗ lầm lỳ bước ra. Đến cổng anh ta ném cả sách vở lẫn bút mực xuống ao chùa…

Mấy hôm sau chị Ve cũng bỏ học, về nhà sang cồn Vĩnh Trụ cắt cỏ bán.

*

Đến năm tôi, thằng Dụ với cái Tuyết học cấp III Nam Sách thì T. Cò làm bí thư chi đoàn. Bước đường thăng tiến của anh ta khá nhanh. Thời cao điểm, thanh niên bị bắt lính vào chiến trường vãn, làng Yên chỉ còn toàn loại thấp bé nhẹ cân vô tích sự, anh ta, với cái mác đảng ủy viên, phó chủ nhiệm hợp tác xã, thuộc đối tượng “mì chính cánh”, là niềm khao khát cháy bỏng của giới chị em. Đã thế T. Cò lại sẵn máu phong tình, từ gái có chồng đi Nam, vợ liệt sĩ cho đến những nàng quá lứa nhỡ thì ma chê quỷ hờn chẳng chừa một ai. Thế là việc gì đến sẽ đến. Đám thanh niên “đui què mẻ sứt” đội 7 bài binh bố trận đón lõng. Ăn quen bén mùi, mới chập tối, T. Cò đã mò vào nhà cô Kh., chồng vừa đi Nam, đang “hành sự” thì bị bắt tại trận. Cánh trai xóm Giếng chẳng nể nang gì, xúm nhau ra đòn hội chợ làm đồng chí phó chủ nhiệm thâm tím mặt mũi, sau đó phải muối mặt ký biên bản. Tội hủ hóa với vợ bộ đội bị quy kết nặng lắm. Đương nhiên là sau vụ scandal, sự nghiệp làm “đầy tớ dân” của anh ta coi như chấm dứt.

Mùa hè năm ấy có điềm gở. Nửa đêm sấm sét đùng đùng, chớp rạch ngang trời nhưng không một hạt mưa. Một chiếc vòi rồng từ bên kia sông Kinh xoắn qua làng thành vệt dài tạo ra tiếng ù ù như xay lúa. Sáng ra, nhìn cảnh tượng thật kinh hoàng. Hàng loạt nhà tranh bị tốc mái, rui mè, đòn tay bay vèo ra đồng Vạn. Nhưng kỳ lạ nhất là mái chóp cổng chùa Trăm Gian, gạch vồ xây vôi cát với mật mía, nặng hơn tấn, bị cơn lốc cuốn xa hơn trăm mét. May không có người chết.

Nhớ lại, hồi còn lớp 4, hôm ấy hình như thầy Thu dạy thay thầy Vũ Thái La. Lớp có một học sinh cá biệt bị tật bẩm sinh ở chân từ nhỏ, đi lại rất khó khăn tên QT. Đang giờ học QT giơ tay xin ra ngoài, thầy không cho nhưng hắn cứ cà nhắc lách khỏi bàn. Thầy tức quá, cầm thước xuống định vụt. Đúng vào lúc ấy QT tè ra quần chảy xuống cả nền gạch. Hóa ra hắn buồn đái. Chuyện này sau trở thành giai thoại cũng hài hước chẳng kém gì T. Cò sờ ti chị Ve. Nói gì thì nói, lớp chúng tôi lắm anh tài. Bọn tôi thuộc type thò lò mũi xanh luôn bị véo tai, cốc đầu không kể làm gì. Thế nhưng ngay cả tay Lê Quang Thung bên thôn Đoài, hơn tôi với cái Tuyết đến 5, 6 tuổi, cũng bị cánh anh Nhụt với anh Quý (Ba Toa) bắt nạt, nhiều lần phải khóc mới lạ. Nghe hắn khóc, giọng ồ ồ như bò rống khiến đám con gái ôm bụng cười.

*

Lúc ấy tôi không còn ở nhà nhưng nghe cô em kể lại, thời kỳ 1968-1970, Thung đi Thanh niên Xung phong, rồi lại chuyển từ Thanh niên Xung phong sang bộ đội, lên đến cấp tiểu đoàn, có lần giải thoát được ông cán bộ Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam bị thám báo truy sát. Sau năm 1975, ông cốp ấy trở thành nhà lãnh đạo quốc gia, nhớ ơn cứu mạng nên sắp xếp cho hắn một chức vụ kha khá trong ngành cao su. Hồi còn ở làng, vì học kém, Thung bỏ dở cấp II về nhà đánh giậm, vậy mà khi “đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu” hắn tỏ ra rất có năng khiếu trèo cao, vào sâu. Trước lúc nghỉ hưu, Lê Quang Thung là Chủ tịch Hội đồng thành viên Hội đồng Quản trị Tập đoàn Cao su Việt Nam. Ngày giỗ mẹ, hắn bay từ Sài Gòn ra. Toàn khách VIP, trong đó ban Thường vụ Tỉnh ủy sở tại không thiếu một ai. Thần kỳ hơn nữa, có lần ông TTS, khi ấy là đương kim Chủ tịch nước cũng về thăm tư gia hắn ở thôn Đoài với tư cách cá nhân.

Ở đời này cái gì cũng có giá của nó, nhất là với những kẻ ăn cắp có tổ chức để vinh thân phì gia. Lê Quang Thung phải ra hầu tòa vì “chủ mưu có hành vi nguy hiểm khi trực tiếp chỉ đạo việc góp vốn trái quy định” (trích cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố HCM). Ngoài ra, với tư cách Tổng giám đốc tập đoàn cao su, chẳng biết vô tình hay hữu ý, hắn và đồng bọn đã làm “bốc hơi” hơn bảy ngàn tỷ VND… Chiều ngày 6 tháng 8 năm 2019, trong vành móng ngựa, Thung bị tuyên án bốn năm tù giam. Bản án nhẹ như xua muỗi về tội tham nhũng lại được uyển ngữ hóa thành “quản lý yếu kém”, “cố tình làm sai…” này liệu có đủ sức răn đe những “đồng chí chưa bị lộ” ở xứ Đông Lào?

Hằng năm, vào dịp cuối tháng Tư âm lịch, khi ấy học sinh đã nghỉ hè, Tam quan dành cho các tăng ni từ khắp nơi về ngồi hạ. “Ngồi hạ” là thuật ngữ của nhà Phật thiền phái Trúc Lâm để chỉ một hình thức tu tập ngắn hạn ở Tổ đình do những vị hòa thượng đạo cao vọng trọng giảng kinh, thuyết pháp.

Sư trụ trì chùa Trăm Gian thời kỳ những năm sáu mươi của thế kỷ XX là thượng tọa có tục danh là cụ Nhính. Thượng tọa là vị chân tu, thông kim bác cổ, suốt đời ăn chay. Chuyện kể rằng, khi lâm trọng bệnh phải vào nhà thương, bác sĩ khuyên cụ nên ăn mặn để bổ sung dinh dưỡng mới có thể phục hồi sức khỏe, nhưng cụ không chịu, được mấy hôm thì viên tịch.

Trong làng có người chết chùa cử sư thầy đến làm thủ tục nhập quan. Sư Lân trong bộ tăng phục nâu sồng, tay cắp ô, vai mang túi vải đựng đồ nghề cuốc bộ đến nhà tang chủ. Ông bắt quyết lẩm bẩm mấy câu thần chú sau đó đọc một đoạn kinh cho người quá cố rồi lại cuốc bộ về chùa. Trước Phật tổ mọi chúng sinh đều bình đẳng, dù đứa trẻ vừa lọt lòng mẹ chết yểu phải bó chiếu mang ra đồng hay các cụ già tám chín mươi vừa quy thiên, sư Lân cũng làm thủ tục đúng như vậy, tuyệt nhiên không nhận của nhà đám tiền nong hay bất cứ thứ lễ vật gì.

Một hôm sư Độ cho tôi chùm vải thiều phải đến mấy chục quả. Lạ quá. Tôi, một thằng học dốt, nghịch như quỷ sứ, chuyên leo trèo mái Tam quan bẻ hoa hải đường, luồn rào vặt trộm hoa quả vườn chùa vậy mà lại được sư ông ưu ái! Về nhà tôi đem chuyện nói với ông thân sinh. Bố tôi cười bảo: “Trong chùa, ngoài cụ Nhính và ông Lân ra, các sư còn lại không biết nhiều chữ. Họ tụng kinh thuộc lòng nhưng chỉ hiểu nghĩa một cách lờ mờ. Hôm mười tư vừa rồi bố ra chùa có chút việc gặp sư Độ. Ông ấy mời vào phòng uống nước rồi nhân hỏi một vài chỗ khó hiểu trong bộ kinh Lăng Già”. Thì ra vậy, chứ tôi với sư Độ coi nhau như kẻ thù, ông ấy tha véo tai, đá đít cũng đã may lắm rồi…

Vào dịp chùa khai hạ, các bậc đàn anh làng Yên, nhất là bên thôn Đoài thường lảng vảng quanh Tam quan tán tỉnh các ni sư vừa trẻ vừa xinh đẹp chẳng biết vì cơn cớ gì mà khoác nâu sồng nương nhờ cửa phật. Anh Q làm ở báo tỉnh, đeo trước ngực chiếc máy ảnh to đùng tìm cách chụp trộm người đẹp. Nhưng anh Ch., đang học trường mỹ thuật có khoa tán gái bài bản hơn, lại thỉnh thoảng vẽ chân dung nàng nên thắng lợi toàn tập. Chưa hết khóa tu, chàng đã kéo được “nữ bồ tát” ra khỏi tự làm đám cưới…

Cũng thời gian ấy, chùa nhận về hai tiểu hòa thượng. Một chú tên là Tới vào khoảng mười, mười một tuổi, hay ra Tam quan chơi với đám học sinh. Chẳng biết bọn thằng Dần, thằng Thúng xóm Cầu Đá xui khôn xui dại thế nào mà mỗi khi gặp cụ Nhính trụ trì tiểu ta cứ nằng nặc đòi phá giới lấy vợ…

Lại nói đến những anh tài lớp tôi. Hình như núp mái Tam quan có một số học trò được Đức Phật phù hộ độ trì cho thành danh. T. Cò, Lê Quang Thung đã kể ở phần trước. Giờ đến một nhân vật cũng quan trọng không kém từng giữ vai trò lớp phó văn nghệ nổi tiếng một thời. Đó là PSĐ. PSĐ hơn tôi đến bốn, năm tuổi, người thấp đậm, dáng lực điền, không mấy đẹp trai nhưng có giọng hát baritone truyền cảm và nhất là khoa diễn thuyết cực kỳ hấp dẫn.

Là con một ông thầy cúng nổi tiếng ở làng Yên, nhưng PSĐ lại là thành phần tích cực của phong trào “xây dựng nếp sống mới” sau khi được Huyện đoàn cho đi bồi dưỡng lớp ngắn hạn về nhân sinh quan và thế giới quan con người mới xã hội chủ nghĩa. Về làng, mỗi khi đăng đàn chém gió trước chi Đoàn Thanh niên, bao giờ PSĐ cũng lấy nhân vật Pavel Korchagin trong tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” làm dẫn chứng cho tinh thần tiến công cách mạng của người thanh niên cộng sản. Cũng xin nói thêm, thời kỳ này, khi mà học sinh được lôi kéo vào chiến dịch chống mê tín dị đoan, PSĐ là người tham gia nhiệt tình nhất trong việc đập phá đình Cả, chùa Đa Đinh và nhất là ngôi nghè cổ có niên đại gần ba trăm năm lấy gỗ làm trụ sở Ủy ban Hành chính xã và bàn ghế học sinh. Cuối năm 1966 thì PSĐ đi Thanh niên Xung phong. Từ đấy tôi không nhận được tin tức gì về người bạn đồng môn.

Giữa năm 1977, nhân chuyến tôi đến thăm bạn Nguyễn Đình Hương ở Khoa Báo chí Trường Tuyên huấn Trung ương, bất ngờ lại gặp PSĐ với tư cách giảng viên Khoa Tuyên truyền. Thật ra, chuyện này chẳng có gì là ngạc nhiên cả. Trời phú cho ông bạn tôi “khoa lợi khẩu”, và ngành Tuyên huấn đã chọn đúng người, sử dụng đúng sở trường, vậy thôi.

Bẵng đi hơn chục năm, một lần tôi về làng nhận được thông tin, PSĐ đã nghỉ chế độ mất sức vì vợ sinh con thứ ba. Tôi ái ngại chép miệng, một tài năng tuyên giáo bẩm sinh như thế mà Đảng cho giải nhiệm, tiếc lắm thay. Về vườn, PSĐ được cử vào ban tang lễ của làng, chuyên đọc điếu văn cho người quá cố, giọng đọc lên bổng xuống trầm rất chi là lâm ly, thống thiết.

Lại hơn chục năm nữa. Giờ thì PSĐ đã lên lão, nghe người làng nói, hàng ngày ông xách chuông, mõ, thanh la và đủ các loại bùa vẽ hình bát quái đi tróc ma, trừ quỷ cho đám nhân quần mê muội vốn nhiều nghiệp chướng. Nghề này nghe nói kiếm ăn cũng khá. Gặp khách sộp, nhất là những quan chức tay trót nhúng chàm không gột rửa được ở dương gian, nhưng lại muốn thoát khỏi khổ hình bị nung trong LÒ TÔN dưới địa phủ, nên đem thứ tiền bẩn ấy hối lộ thánh thần, thì hôm ấy coi như thần tài gõ cửa…

Cho dù thoát khỏi cơn “biến động nhân gian” bài trừ mê tín dị đoan năm 1958, nhưng đến thời điểm cao trào hợp tác xã nông nghiệp, chùa Vĩnh Khánh vẫn bị gặm mất 15 gian làm kho và sân phơi lúa. Đầu tiên là nhà tạo soạn, nơi các sư tăng nấu ăn thường nhật và làm cỗ chay đãi khách thập phương mỗi khi chùa vào khóa lễ. Ngôi nhà năm gian, tường gạch chỉ, ngói mũi hài nhuốm màu thời gian, vậy mà chỉ trong chốc lát thành bình địa. Tiếp đến là nhà xay lúa, giã gạo đều “giải phóng mặt bằng” nhường không gian cho trụ sở Ban Quản trị.

Khuôn viên tự vốn thâm u, thanh tịnh giờ trở thành nơi sầm uất theo cái nghĩa hỗn tạp của mọi hoạt động xã hội suốt ngày đêm. Ao sen nằm kề ngay sân gạch Bát Tràng cung cấp lá và hoa cho việc cúng dường đương nhiên trở thành tài sản hợp tác xã, một thứ cha chung không ai khóc nên chỉ sau mấy vụ hè, sen chùa mất giống. Liên tử bị đào tận gốc, trốc tận rễ không còn nguồn thu, các nhà lãnh đạo Hợp tác xã trứ danh nghĩ ra sáng kiến thả cá, trên bờ cắm chiếc biển to đùng viết sơn nguệch ngoạc “Cấm mọi hình thức đánh bắt cá”. Ừ thì cấm, nhưng anh Ba Cò vẫn bí mật cắm rọ cá rô và mỗi phiên chợ Rồng chị Ba vẫn có cá bán.

Vui nhộn nhất là chuyện tát ao. Làng Yên thuộc vùng đồng chiêm trũng, mùa mưa nước ngập không lối thoát. Các cụ bèn nghĩ ra cách vật đất đắp nền cho cao rồi mới làm nhà. Đời nọ truyền đời kia, cuối cùng hình thành cả một chuỗi ao chuôm to nhỏ khác nhau với hai chức năng chứa nước và thả bèo nuôi lợn. Cá hoàn toàn là tự nhiên, không ai thả nhưng khá nhiều và đủ loại. Vào mùa khô, cuối năm âm lịch dân làng mới thu hoạch. Dịp ấy rét thấu xương nhưng đã thành thông lệ, cá cũng là nguồn thực phẩm bổ sung cho cái tết quê nghèo.

Nhưng đến thời điểm “hợp tác là nhà, xã viên là chủ” thì ao trở thành tài sản công. Hầu hết ao to, ao nhỏ, thùng vũng trong làng cũng như ngoài đồng đều thuộc sở hữu tập thể. Anh nào lớ xớ động vào rất có thể bị phạt vạ. Ba Cò và Trịnh Doãng vốn là những tay đầu bò trên không sợ giời dưới không sợ đất mà cũng chỉ lần mò thả rọ ban đêm chứ không dám công khai ban ngày.

Ao chùa cũng không được miễn trừ, thậm chí có thời kỳ chủ nhiệm H. còn bắt các sư phải vào Hợp tác xã, đi làm theo tiếng kẻng như xã viên. Vì đã mất quyền sở hữu nên xã viên chỉ trông chờ cuối năm Hợp tác xã tát ao. Ao chưa cạn đã có hàng trăm người kể cả trẻ con, đồ nghề sẵn trong tay chầu chực xung quanh. Nước vừa rút, các loại cá trắng, cá đen, rùa, ếch, ba ba, rắn… cuống cuồng chạy trên mặt bùn lõng bõng, là lúc các tay thợ chuyên nghiệp tóm gọn từng chú quăng vào mấy chiếc giành lớn kéo lệt sệt mặt bùn. Lão đội trường Kh. lé cầm cây sào dài, mắt trước mắt sau, chốc chốc lại đập một phát làm cho đám bùn nhão bốc mùi thum thủm bay tung tóe để thị uy. Có những lần, dù chưa được lệnh “tháo khoán”, đám người trên bờ đã ào ào lao xuống như một cơn lốc khiến cả Ban Quản trị và cánh bảo vệ chịu phép. Một cuộc giành giật sắt máu với quyết tâm “một tấc không đi một ly không rời” khiến khối kẻ bươu đầu sứt trán. Tôi còn nhớ, hôm ở ao chùa, thằng Thuận trố mò được con chuối sộp to bằng bắp chân nhưng bị rách một bên tai vì nện nhau với thằng Đức rỗ. Lúc tàn cuộc, người ta lại tháo nước vào ao, còn đám chúng sinh “ăn mày Hợp tác xã” nhất loạt như vừa tắm bùn. Có những hôm rét căm căm, nhiệt độ ngoài trời chỉ khoảng 11, 12 độ C nhưng đám choai choai chúng tôi chẳng đứa nào bỏ cuộc.

Gia vị cho món cá tươi không thiếu. Hàng rào tre đầy măng mới nhú, nhà ông Đà phía đầu làng có cây me to vật vã, cuối xóm Cầu Đá, cô Tơ có cây khế chua cổ thụ. Cá rô cá quả kho khế, cá thiểu cá trê kho măng, còn cá giếc rán lên nấu canh chua me ăn miễn chê.

Cho đến hôm nay tôi vẫn nhớ như in những cuộc “hôi cá” Hợp tác xã ngoạn mục như thế. Nó một đi không trở lại. Tất cả đã trở thành hoài niệm…

Gọi tên “Tam quan” nhưng ở chùa Vĩnh Khánh lại không phải “cổng” ra vào có ba cửa như thông lệ mà là một tòa kiến trúc khá hoành tráng thuộc thiền phái Trúc Lâm, mái ngói âm dương, đầu đao cong vút, trên tầng gác được xây cất toàn bằng gỗ lim xanh giống như một “nghênh phong các” là nơi sớm chiều chú tiểu leo lên chiếc thang vừa to vừa dài bằng tre lồng ngộc thỉnh chuông.

Từ xưa, người ta hiểu Tam quan theo hai cách. Thứ nhất, Tam quan (三觀) mang ý niệm “ba cách nhìn” của Phật giáo Đại Thừa gồm “hữu quan” (有觀), “không quan” (空觀) và “trung quan” (中觀), thể hiện cái sắc ( giả), cái không (tức vô thường 無常) và trung dung (中庸) của cả hai. Cách giải thích thứ hai Tam quan (三關) là cửa của Tam bảo (三寶). Mà Tam bảo gồm ba thứ Phật, Pháp, Tăng. Có mấy cách hiểu các khái niệm này. Gần đây, hòa thượng Thích Thanh Từ giải thích, Phật thuộc về quá khứ, Pháp là những quy ước căn bản như giới luật của đạo cần phải tôn trọng, giữ gìn, còn Tăng là các thầy chùa phụng sự Phật, Pháp. Vì thế, cúng dường là một hình thức cung cấp lương thực, thực phẩm nuôi sống tầng lớp tăng lữ để phụng sự Phật, Pháp.

Tam bảo chùa Vĩnh Khánh còn là nơi duy nhất trong địa hạt Hải Dương tàng trữ kho ván 1.654 mặt khắc (mộc bản) của 40 bộ Kinh Phật, về quy mô và số lượng chỉ xếp sau chùa Vĩnh Nghiêm Bắc Giang.

Tam quan chùa Trăm Gian như một tấm bình phong án ngữ phía trước Tam bảo, chỉ cách Tam bảo một khoảng sân hẹp trồng hai cây hải đường. Trước cửa Tam quan có một khoảnh vườn khá rộng trồng mấy cây cau cảnh, cây vạn tuế xen kẽ những luống đất, hố đào nham nhở trông có vẻ tang thương. Cỏ các loại mọc len lỏi, phủ lên cả đống bia đá chẳng hiểu vì sao được xếp một cách lộn xộn nơi góc tường. Có lần tôi tò mò muốn xem trong đó viết gì. Hầu hết các bia đều cùng kiểu dáng, niên đại cuối triều Nguyễn, ghi chép những lần trùng tu và danh tính thiện nam tín nữ công đức nhưng chữ xấu, lại khắc nông rất khó đọc. Tiếp sau là ao chùa phía Tây, hàng rào tre bảo vệ rồi mới đến đường làng. Nói không quá chút nào, đây là khuôn viên trước cửa Tam quan một ngôi cổ tự danh tiếng thuộc loại tiêu điều, xơ xác bậc nhất mà tôi từng thấy ở vùng Đồng bằng Bắc bộ.

Cổng chùa cách Tam quan chừng năm chục thước, lệch hướng Nam tiếp với đường làng, trước đây cũng là một công trình kiến trúc bề thế có cả tầng lầu gồm một cổng chính, hai cổng phụ. Tuy nhiên, toàn bộ khối chóp tầng lầu bị trận lốc năm Bính Thân (1956) bốc đi cách xa hơn trăm mét. Phần còn lại, thời kỳ hợp tác hóa nông nghiệp phá dỡ. Chiếc cổng nhỏ nhìn rất không tương xứng với quy mô chùa Vĩnh Khánh hiện nay được dựng lại cách đây vài chục năm bằng tiền công đức của những nhà hảo tâm.

Nhưng kỳ quái hơn vẫn là những công trình bê tông chắp vá tạp nham sơn phết lòe loẹt vào phần chùa bị hủy hoại thời kỳ hợp tác xã nông nghiệp theo phương châm câu slogan nổi tiếng “mỗi người làm việc bằng hai” bị bọn “thế lực thù địch” láo lếu xuyên tạc: “Mỗi người làm việc bằng hai/ Để cho chủ nhiệm mua đài mua xe”, hay “Mỗi người làm việc bằng ba/ Để cho chủ nhiệm xây nhà xây sân”. Còn nơi công sở thì sự giễu nhại mang âm hưởng tự trào của giới công chức “sớm xách ô đi, tối xách ô về” có “văn hóa” hơn:

“Bốn người làm việc bằng hai

Ăn thì bằng tám nói dai bằng mười”…

Nhưng đấy là chuyện xưa rồi. Còn bây giờ, nói thật, mỗi khi nhìn cái công trình bê tông kệch cỡm nhô ra giữa ao chẳng biết gọi tên là gì, không chỉ riêng tôi mà hầu hết khách thập phương đều ngứa mắt. Nó là sản phẩm của thứ tư duy thiển cận bởi phông văn hóa mỏng và thói trưởng giả học làm sang.

Nhưng phản cảm nhất vẫn là cách hành xử của các loại vãi già, vãi non trong mối quan hệ với sư trụ trì và khách viếng thăm chùa.

Hầu hết các bà già hay nạ dòng, ở nhà chửi chồng như hát hay nhưng ra chùa lại lễ phép rất mực gọi ông sư trụ trì chỉ đáng tuổi con cháu mình là “thầy” xưng “con” ngọt như mía lùi. Trong khi ấy, đám vãi non lảng vảng quanh tự đầu mày cuối mắt, lúng liếng như Thị Màu… Cách đây mấy chục năm, mọi việc trong chùa sư đều tự làm. Ngày nay các thầy được nâng niu, cưng chiều như ong chúa. Mọi sự đã có các vãi lo. Chồng, con, cháu chắt ở nhà có thể đói, rách nhưng “thầy” thì phải ăn ngon, mặc đẹp. Ăn xong lập tức có “nữ thí chủ” xinh đẹp pha nước, lấy tăm hầu tận nơi. Hơn thế nữa, ăn chay chỉ có tính tượng trưng tháng đôi lần cho phải phép. Đã gọi là “thầy” phải có “xế hộp” xịn, tăng phòng lúc nào cũng trữ sắn vài hũ rượu “chay” ngâm tam xà, ngũ xà, dăm két bia… bồi bổ gân cốt sau mỗi khóa lễ dâng sao giải hạn cho phật tử trong làng. Ngoài ra, cà phê, chè Thái để nhà chùa giải khát là thứ không thể thiếu, luôn được các vãi cung cấp đầy đủ. Còn thủ tục liệm người quá cố ư? Tang chủ hãy chuẩn bị sẵn chiếc “phong vằn” (phong bì viền xanh đỏ vằn vèo) nhét vào đấy ít nhất 500 k “hiếu kính” thầy, hồn người chết mới thoát khỏi đám ngạ quỷ bên cầu Nại Hà quấy nhiễu.

Cách đây mấy năm, tôi về làng, theo thói quen vào vãng cảnh chùa, bởi cứ nghĩ, tự là của chung, ai cũng có thể vào lễ Phật. Nhưng giờ thì tôi đã nhầm. Khi đang lẩm nhẩm đọc mấy câu đối trong Tam bảo thì một bà vãi xuất hiện, nét mặt cong cớn giọng sừng sộ: “Ông là ai mà dám tự tiện vào chùa?”. Tôi thầm nghĩ, chắc bà vãi này người thiên hạ lấy chồng về thôn Đông không biết tôi nên nhẹ nhàng nói: “Tôi là khách thập phương muốn vào thăm chùa, lễ Phật”. Bà ta lập tức vặn vẹo: “Đã trình với thầy chưa?”. Tôi bảo: “Chưa gặp sư trụ trì”. Đến đây thì tôi mới hiểu câu tục ngữ “chó cậy nhà gà cậy chuồng” là thế nào khi bà vãi giở giọng hàng tôm hàng cá chẳng có vẻ gì của một tín nữ nơi cửa Phật: “Mời ông ra khỏi tự! Ông cứ lảng vảng ở đây, chùa mất đồ vật lại liên quan đến chúng tôi”…

Đại loại các bà vãi thời nay là như vậy. Vãi hầu sư từ A đến Z, sư chỉ ngồi trai phòng thụ hưởng công đức vô lượng của đám chúng sinh mê muội nên vãi đương nhiên có quyền trước chư phật chốn thiền môn. Viết đến đây, bất giác lại nhớ đến bài thơ TU HÚ tuyệt hảo của nữ sĩ Maria Hoàn Nguyễn, xin lấy làm lời kết cho loạt bài này:

Nghĩ cái đường tu cũng vắt veo

Lắt léo vần xoay đến lộn lèo

Trở gió tu thành ma phá giới

Chũm chọe tang tình móc kẽ rêu

*

Trọc đầu lông lốc vẫn tình đeo

Ấy thế tụng kinh vẫn ỉ eo

Trần tục đầm đìa chưa thoát gốc

Qua cửa Tam quan vẫn thoắt trèo.

Bến Tắm, mùa vải chín, tu hú gọi bầy

Đ.V.S.

Đặng Văn Sinh (tạp bút)

304Đen – Llttm – VV

 

 

No comments: