Chiếc Áo Cuối Cùng
Trong buổi mạn đàm với một số bạn vong niên, có
người đặt câu hỏi ở Mỹ bằng cấp gì quan trọng nhất. Ai cũng kể tên một số bằng
cấp dài lê thê và oai vang kinh hồn.
Đợi mọi người khai thác hết bằng cấp sang trọng
quí giá, một bà bạn già từ lâu ngồi khiêm nhượng trong góc phòng mới lên tiếng:
-
Theo ý tôi, ở Mỹ cái bằng quan trọng nhất là bằng lái xe. “Thượng vàng” thì
không nói làm gì, mà cũng không nhiều. Còn “hạ cám” mới là hằng hà sa số, không
có bằng lái xe thì không còn làm ăn gì được!
Không biết có phải vì “kính lão đắc thọ” không,
mà đến đây mọi người ngừng tranh cãi và chưng bằng cấp, quay ra bàn tán thêm về
cái bằng lái xe. Ai cũng đồng ý nó quan trọng và đáng yêu vô cùng, không có giống
như què tay què chân. Vắng người yêu một tháng không sao, vắng bằng lái một
tháng thì dám mất việc lắm!
Tâng bốc vốn không phải là “nghề của nàng” nhưng
tôi rất đồng ý với bà già gân này, cái bằng lái thực đáng vinh danh là đệ nhất
quan trọng. Này nhé, khi ta đang lái xe phom phom dù trên đường thiên lý hay ở
một xó góc tối hù nào trong ngõ hẽm, mà bị “bạn dân” chận xe, thì bạn dân này
đâu có cần biết ta là ai. Kỹ Sư, Luật sư, Bác sĩ, hay anh chàng khố rách áo ôm.
Xe ta lái là xe 100 ngàn hay xe cà khổ rách nát tơi bời, cũng đều nhận được một
chào kính, tiếp đến là câu:
“Xin cho tôi xem bằng lái!”
Lại còn khi ta đi mua bán món gì, nếu trả bằng
thẻ tín dụng, dù ít chục, vài trăm hay bạc ngàn, không có cái bằng lái xe trình
diện thì món hàng sẽ không thể nào ra khỏi cửa. Lần đầu tiên trong đời phát biểu
của tôi được mọi người đồng ý.
Bắt đầu từ tuổi 16, các cô cậu choai choai đã
mong thi lấy được cái bằng lái, người lớn tuổi thì thôi khỏi nói, được rồi phải
o bế kỷ, giữ giới luật giao thông cẩn thận, không uống rượu lái xe, nhớ đóng
thuế lưu hành, mua bảo hiểm đều đều hàng năm, có thế ta với mình mới sống chung
hòa thuận đến nửa thế kỷ được.
Nhưng không phải chuyện một lần là trăm năm, khi
các em tuổi 18 đã thành Ông thành Bà rồi. Các Cụ đã lên thượng thọ “Thất thập cổ
lai hy” rồi, mà vẫn còn muốn tự lái xe vì con cháu lập gia đình xong, chúng đều
“Nước non ngàn dặm ...” mất tiêu hết, không còn ai chở đi Bác Sĩ, đi chơ…. ..
Các cụ phải thi lại, chứ không được phây phây đợi bằng gia hạn gởi đến tận nhà
như thời xuân còn xanh. Các cụ phải khám mắt xem có còn đọc dấu hiệu từ xa được
không, tai còn thính, cảm giác còn bén nhạy, phản ứng có chớp nhoáng.
Lại còn cái mục thi viết mới toát mồ hôi hột!
Bài thi từ 30 (?) câu trở lên tùy theo quá trình lái xe tốt lành hay bê bối, có
bị giấy phạt nhiều, có đụng xe, có say rượu đấu võ với ai không để được lãnh
bài thi dài hay ngắn. Trả lời sai 5 lỗi là rớt và nếu rớt luôn 3 keo, sẽ bị thi
lái xe lại, chân tay lạng quạng rớt cả mục thi lái thì đành phải học cách thức
đi xe Công Cộng có tài xế mở cửa lên xuống hầu vậy.
Điều tôi muốn nói đây không phải mục thi viết,
thi lái hay khám tai, khám mắt, mà là cái tấm thiếp hứa hiến tặng thân xác được
gửi kèm theo bằng lái xe sau khi thi đậu. Tấm thiếp nhỏ, đại khái hỏi xem nếu lỡ
không may mình lăn đùng ngã ngựa, chết bất cứ vì lý do gì thì có muốn “phát bồ
đề tâm” hy sinh hiến tặng thể xác cho khoa học không. Có cho phép xử dụng phần
nào trong thân thể: Tim, gan, thận, phổi, mắt, da.... một thứ, vài thứ, tất cả
các thứ linh tinh, hay toàn thân cho những người đang cần những bộ phận này, hoặc
cho trường đại học để sinh viên thực tập mổ xẻ nghiên cứu.
Ngoài tấm thiếp ký cho phép ghi chú rõ ràng ,
còn có một mãnh giấy con nhỏ như hạt tiêu, có in chữ “donor” (hiến tặng) để dán
vào bằng lái xe. Đấy là dấu hiệu chứng cớ mình đã vui lòng “bút sa gà chết”. Mặc
dầu danh sách những người chờ đợi được thay mắt, tim, gan, thận v.v....dài dằng
dặc. Nhưng biết đâu “Hữu cầu tất ứng“ mà!
Tôi còn nhớ ở Việt Nam, không có nghề chào hàng
bán đất, bán hòm, ai cần thì tự tìm đến.
Hồi mới tới Mỹ, nghe các hãng mời mua đất mua
hòm đặt trước để dành, hàng tháng chỉ việc trả góp, nhiều người không thích vì
thấy quá lo xa, hoặc sợ xúi quẩy. Có khi họ còn bị chửi cho một trận là "tại
sao dám trù ẻo". Nhưng lâu ngày bạn bè thân quen có khi còn đem chuyện đặt
trước Sanh Phần ra đùa giỡn, dặn dò mua đất gần nhau hoặc chọn vùng đồi núi để
còn được ngắm cảnh lúc về bên kia thế giới!
Cố nhiên là nghĩa địa Mỹ cũng giống như nhà ở Mỹ
chia lô ra sẵn cả rồi, không còn chọn lựa phương hướng Long Chầu Hổ Phục gì được.
Miễn có một chút xíu phong cảnh hữu tình là đã may mắn lắm rồi. Các lô đất nằm
sát rạt nhau và chôn lì xuống dưới đất để mỗi cuối tuần xe cắt cỏ chạy làm việc
cho dễ! Có khi đi ngang một nghĩa trang, nhìn thấy đồi cỏ xanh với nhiều chổ có
hoa nhìn thật mát mắt, chỉ muốn dừng chân nghỉ, thì ra đó là đồi cỏ với trăm
nghìn nấm mộ.
Một lần tôi đi theo bà bạn thân, chồng vừa mất,
đến viếng văn phòng chuyên lo “Hậu sự”. Thật là một kinh nghiệm quý giá nên định
trước để khỏi phiền những người ở lại, nhỡ mình thình lình theo ông bà lên ngồi
“trên nóc tủ”.
Thấy bạn có vẻ ”tang gia bối rối” tôi lãnh phần
gọi điện thoại tìm dịch vụ chôn cất dùm. Mở tờ báo Việt Nam ra đọc, tìm không
khó gì mấy vì vỏn vẹn chỉ có một văn phòng thôi, nên cũng đỡ mất nhiều thì giờ
tìm kiếm. Hình như chỉ có nghề này ít ai dành giật muốn nhào vào làm. Mừng vớ
được khách hàng, chủ nhân hẹn gặp chúng tôi càng sớm càng tốt.
Trưa hôm ấy, tôi lái xe đến đón bà bạn tới văn
phòng Hậu Sự, nơi đây cũng là nhà quàn và nghĩa địa luôn. Hai chị em chúng tôi
ngồi chờ ngoài phòng đợi thật lâu mới thấy cô chủ tiệm xuất hiện. Cô bước vào vội
vã, không một lời xin lỗi đã để khách hàng chờ đợi quá lâu. Cô mời chúng tôi
vào văn phòng, và bắt đầu đưa ra danh sách đã liệt kê sẵn, kiểu mẫu bộ này, bộ
nọ, bao gồm những gì trong đó, giá cả bao nhiêu, hòm loại nào, gỗ tốt xấu, tiền
chôn cất, tiền phòng, tiền linh tinh đủ thứ. Ngoài ra còn cho chúng tôi xem những
cái hòm mẫu bé tí như đồ chơi.
Dĩ nhiên giá hỏa thiêu rẻ hơn, vì chôn cất cần
hòm đựng xác gọi là Quan, luật còn bắt buộc phải có hòm đậy gọi là Quách, lại
còn đất chôn, mộ bia, nghi lễ tôn giáo, hóa trang, móc ruột gan, hoa chưng bày,
giờ thăm viếng ... .
Muốn chết cho yên thân thực không dễ! Bà bạn tôi
chọn hỏa thiêu theo ý nguyện của chồng. Từ lâu tôi vẫn nghe nói thiêu rẻ lắm, chỉ
trong vòng trên dưới 600 đô, nhưng tôi lầm to. Đó là giá của hãng bốc xác trực
tiếp ngay từ trong nhà thương, ho sẽ bao lo cả thủ tục khai tử. Hãng lãnh xác về
thiêu xong sẽ giao lại cho khổ chủ một bình tro. Công tác hoàn tất. Trường hợp
của bạn tôi không đơn giản như thế nên cần phải đặc biệt thương lượng.
Cô bán hòm có vẻ mặt nghiêm trang như chia buồn
cùng tang gia. Thỉnh thoảng chuông điện thoại cầm tay reo, cô nói chuyện thì thầm
to nhỏ, mặt vui tươi hẳn lên. Cô cuời khúc khích một cách sung sướng, quên rằng
khách hàng đang chờ đợi.
Sau cuộc điện đàm thú vị. Cô trở lại với thực tế,
thay đổi vẻ lạnh lùng nãy giờ tiếp chúng tôi. Cô ngọt ngào trình bày:
•
Hòm này gỗ thường giá $2,900, còn cái kia là gỗ thông chỉ mắc hơn có $1000
thôi, nhưng tốt hơn nhiều. Người ta hay chọn loại gỗ thông này, dù sao Áo Quan
cũng là “chiếc áo cuối cùng” của người quá cố.
• Cái liễn này giá $500, sau khi đốt xong, sẽ bỏ tro vào đây cho chị mang về.
Chị nên chọn cái liễn bằng gỗ thông này cho hợp với cái hòm gỗ thông chị đã chọn.
(!)
• Phòng để cho anh nằm 1 ngày $250, chị định thiêu vào chủ nhật, vì là ngày cuối
tuần nên mình phải trả “giờ phụ trội” thêm $100 đô cho nhân viên...
Cô ta nói thao thao bất tuyệt như cái máy phát
thanh, tôi nghĩ thầm :
“ Họ đang lợi dụng lúc tang gia bối rối để đánh
đòn tâm lý đây! Cái liễn này mà dám cứa $500! Đến mấy tiệm bán hoa, bình, hũ lọ,
những cái hộp đủ hình dáng, mạ vàng, bạc láng cóng, nhiều lắm cũng chỉ mười mấy
đô! Đã vậy còn bày đặt xúi người ta mua cái liễn bằng gỗ thông cho hòa hợp với
cái hòm, thiêu xong thì hòm cũng cháy rụi và mình thì cháy túi. Nhìn những cái
hòm làm bằng gỗ thường, mặt ngoài như dán giấy hình gỗ giả, bên trong chắc chỉ
là ván ép " mạt cưa" thôi chớ đâu phải là gỗ thật, thế mà cũng chặt đẹp
gần $3000.
Ngoài ra còn có nhiều giá khác từ rẻ nhất là loại
gỗ thường cho đến những cái mắc hơn, giá khoảng $8000! Bên trong bọc nệm êm và
lót "xa tanh" mát rượi. Mắc kiểu này thì nên mua trước mang về nhà
làm giường ngủ, nằm cho đã lưng, mai mốt chết chôn hoặc thiêu luôn cũng đỡ đau
bao tử.
Cô nàng còn hỏi tiếp nhiều lắm mà tôi không nhớ
hết, nào là:
- Chị
muốn đặt sẵn ba vòng hoa để trên nắp hòm không? Một vòng của chị tặng ảnh, một
của con tặng cha, một của bạn bè tặng ảnh lần cuối. Ba vòng hoa cộng thuế chỉ
có $350 thôi à.
Không hiểu bà bạn chuyến này về có bầm chân hay
không, vì bị tôi cứ ngồi đá chân bà ấy dưới gầm bàn để ngăn chận sự tiêu tiền
vô lý. Mấy cái vòng kết hoa cúc và cẩm chướng, nhỏ khoảng bằng chiếc nón lá mà
tính bằng giá 1 lượng vàng y. Mình tự làm lấy cũng được. Hoặc bạn bè đến thăm
viếng, phúng điếu là hoa đã chật phòng rồi, đâu dến nỗi gia đình phải tự tặng!
Chưa hết đâu, nhà trước là nơi để quan tài cho bạn
bè thân nhân tới viếng thăm trong một thời gian hạn định. Lúc đẩy quan tài vòng
ra phía sau khu vực nhà quàn là tới phòng hỏa thiêu, có lẽ đếm được chừng mười
mấy bước. Giá tiền cũng được tính gọn thêm khoảng một trăm mấy. Tôi ngồi tính
nhẩm trong bụng, như thế một bước đi của mình cũng đáng giá tới mười mấy đô!
Cô bán hòm còn lịch sự hỏi thêm:
- Chị
theo đạo Công Giáo hay đạo Phật? Nếu chưa mời Cha hay Thầy thì đây tôi cũng có.
- Thiêu xong muốn mang tro ra biển rải, dịch vụ này ở đây cũng có luôn.
- Tôi tính giá “ đặc biệt “ cho chị, tôi sẽ ghi lùi lại ngày chị đến gặp tôi,
như thể chị gặp tôi trước ngày anh ấy mất, bởi vì mua sớm hơn, nghĩa là trước
ngày qua đời thì giá rẻ hơn. Cộng thêm chi phí trả cho dịch vụ của văn phòng
chúng tôi $4000 nữa, tổng cộng là $10,984.27 đã bao gồm thuế má rồi. Nhưng nhờ
giá đặc biệt, chị được trừ bớt $1230.00.
Thỉnh thoảng cô bán hòm lại nhắc :
-Áo Quan là “Cái áo cuối cùng” của một đời người.
Mình phải cố làm cho thực sang trọng để đẹp mặt anh ấy. Phải không chị?
Bà bạn tôi quả thật bị động lòng vì ngón đòn tâm
lý “đẹp mặt”, nên dưới sự hướng dẫn nhà nghề của cô chủ tiệm, bà đã chọn toàn
thứ “sang trọng”, kết quả gần mười ngàn đồng bay cái vèo, nhưng đây chỉ mới là
dịch vụ đốt xác thôi, nếu là chôn cất thì chao ôi! Còn hàng nghìn thứ cần phải
hạ hồi phân giải ... . Tổng số chi phí an táng sẽ không phải chỉ có thế. Lại
còn khoản nghi thức hành lễ tôn giáo cũng chưa bàn đến....
Sẵn dịp tôi hỏi vài điều thắc mắc với cô bán
hòm:
- Nếu như
người chết không có tiền đốt hay không có thân nhân còn sống để lo cho mình thì
sao cô?
Đổi sang giọng nghiêm trang, lạnh lùng, cô ta nói:
- Õ
đây chúng tôi cũng có “cho mướn” quan tài, cho người chết mướn nằm ít hôm, đến
chừng đốt chúng tôi lấy lại. Nhưng ai làm như thế bao giờ! Cái Áo cuối cùng của
một đời người phải làm sao coi cho được chớ!
Hình như cô ấy không trả lời câu hỏi của tôi.
Nghe có vẻ trống đánh xuôi, kèn thổi ngược quá. Đã chết không có thân nhân lo
liệu, cũng không có tiền đốt, mà cô đòi “cho mướn” quan tài, để rồi hồn ma nào
trả tiền mướn đây!
Cuối cùng cô còn quảng cáo thêm:
- Nếu
người chết có ước nguyện muốn được chôn cất bên Việt Nam, chúng tôi cũng có thể
lo từ đầu tới cuối, mang xác về Việt Nam cho họ.
Sau màn thủ tục lựa chọn trên giấy tờ và nhìn mấy
cái quan tài mẫu nhỏ tí như đồ chơi, cô ta dẫn chúng tôi đến xem tận mắt “đồ thật
“, tôi cũng hơi rờn rợn khi bước vào căn phòng đầy quan tài được xếp thành hàng
dài.
Thấy người ra vào khá tấp nập, không ngờ thiên hạ
chết cũng dữ ta!
Xem đến phòng thiêu xác thấy nó bé tí như cái lò
nướng bánh mì không đủ chỗ cho thân nhân đứng. Nhưng tôi biết phòng ấy không phải
để cho ai đứng cả. Xác được di chuyển đến rồi là mọi người lập tức ‘’đi chơi chổ
khác”. Có lần tôi viếng đám tang một người bạn, tới cái màn hỏa thiêu khi hòm
được đẩy vào rồi thì cửa phòng đóng mất tiêu, không ai được trông thấy gì hết.
Thiêu hay không? Thiêu cả hòm hay bị lột hết ra,
lấy lại vật liệu vừa tiết kiệm vừa đỡ tốn lữa? Thiêu chung hay riêng từng đám?
Không ai biết! Chỉ biết vài hôm sau, gia đình bạn nhận được một cái bình đựng
tro mang về thờ phụng.
Đã nhiều lần tôi đọc báo thấy tin tức về những dịch
vụ hỏa thiêu bị điều tra. Nào là công ty nhận xác rồi không đốt, hoặc một lần đốt
nhiều xác cho đỡ tốn tiền “lửa củi” . Hoặc là đưa cho tang gia một bình tro gì
không biết...
Ngày xưa, lúc còn ở trong nước, thỉnh thoảng có
dịp theo cha mẹ đi thăm các bậc trưởng thượng, tôi thường thấy trong nhà hay để
một cỗ quan tài . Tôi sợ hãi tưởng có người chết nhưng Bà nội tôi cắt nghĩa cho
tôi biết là các cụ có niềm tin cỗ quan tài là chiếc áo cuối cùng của cuộc đời.
Các cụ muốn ăn chắc. Nghĩa là được chính mắt trông thấy “Chiếc áo cuối cùng” gọi
là “Thọ đường” ấy.
Thọ đường thường sơn đỏ, Gỗ phải là thứ gỗ tốt,
cứng chắc không dễ bị mối mọt. Ngoài ra nếu nhà giàu còn chạm trỗ Long Ly Qui
Phượng rất đẹp.
Về phần miếng đất chôn, gọi là Sanh Phần cũng phải
nhờ thầy Phong Thủy chọn lựa công phu. Có được Sanh Phần và Thọ Đường rồi, các
cụ mới cảm thấy thoải mái sung sướng, yên trí là một mai khi mình “nằm xuống” mọi
sự đều như ý.
Trên đường lái xe chở bà bạn về, cả hai đều yên
lặng. Riêng tôi, đầu óc suy nghĩ miên man. Con cái mình quanh năm bận bịu công
việc, chồng con, bổn phận, công danh, sự nghiệp của nó, thường không rảnh dù chỉ
để thăm thôi, chứ không hề mơ đến sự “quạt nồng ấp lạnh”. Mẹ nó còn sống sờ sờ
mà chưa chắc Xuân Thu nhị kỳ nó đã có chút thì giờ nào cho mẹ, Ngoài tấm thiệp
bán sẵn có những giòng chữ đầy thương yêu cũng đã in sẵn, huống hồ nghĩa lý gì
sau khi chết.
Tại sao lại còn phải lái xe hàng trăm dặm để
nhìn nấm đất vô tri vài phút giây. Bạn bè thì quanh năm cũng ai lo phận nấy, bận
rộn vô cùng, tại sao lại làm người ta cảm thấy có bổn phận phải bỏ công việc đến
nhìn cái xác trong hòm của mình, cái xác mà họ chưa chắc thích gặp khi còn sống!
Tôi chợt nhớ đến câu chuyện Bà già tự tổ chức
đám ma cho mình làm tôi bật cười. Có một cụ cao niên nọ, một hôm bỗng gởi thiệp
mời tất cả bà con bạn hữu đến nhà vui chơi. Cơm no rượu say rồi, chủ nhân mới
cho biết lý do buổi họp mặt.
Bà nói: Tất cả qúi vị đều
là bà con, bạn bè thân thiết của tôi đã lâu năm. Tôi biết tôi sắp từ giã các bạn
vĩnh viễn. Vậy có ai thương tôi, hay ai có lời hay ý đẹp gì về tôi, xin phát biểu
ngay bây giờ. Đừng đợi đến khi tôi chết rồi mới mua hoa, làm chay cúng giỗ linh
đình, nói nhiều lời ca tụng thân ái. Lúc ấy tôi đã nằm trong hòm chết rồi, đâu
có nghe để cảm ơn quí vị, và trên đời cũng không còn gì quan trọng đối với tôi
nữa!.
Tôi chắc
Bà cụ đã nghe nghìn lời thân yêu, và được con cháu ôm hôn tới tấp như mưa ngay
lúc ấy. Bà già này khôn thật!
Còn tôi và đám bạn thì có khi còn đùa nhau:
- Mai mốt tao chết, mày đi phúng bao nhiêu? Đưa
tao trước tao xài, tao còn mang ơn và mày nhìn thấy tao biết ơn chúng mày.
Chết là hết! Linh hồn đã lìa khỏi xác bay mất,
nhục thân chẳng còn nghĩa lý gì cả, lại trả về với cát bụi. Tang lễ to lớn, mồ
yên mã đẹp rồi cũng dầm sương giãi nắng với thời gian, còn hỏa thiêu thì hũ tro
này hay là tro gì khác cũng chỉ là tro bụi, thêm choán chật chỗ trên nóc tủ của
gia đình các con, hay xó góc, bàn vong của một Chùa Đền nào đó thôi. Bạn tôi phản
đối :
- Ơ hay, thế còn những vụ có người không có cả
tiền đốt mà làm di chúc ước ao được chôn cất ở quê nhà. Mấy cụ này làm đồng bào
quyên góp phờ người ra mới đủ tiền thỏa mãn xác chết được thối nát trên đất quê
hương.
Tôi nghĩ thầm rằng nếu các xác chết chở về mà
làm cho nước mạnh dân giàu được thì dù có phải bán nhà để đóng góp tôi cũng vui
lòng. Tôi lại nhớ đến cái rừng vòng hoa trong những đám táng tôi đã từng dự….
Hoa ơi là hoa! Sao mà nhiều thế, từ sân trước ra sân sau chen chân không lọt.
Giá mấy chục ngàn tiền vòng hoa ấy được dùng vào việc khác thì. . . Chao ôi. .
. Sự anh hùng . . .
Năm nay một tháng trước ngày sinh nhật, cũng là
ngày bằng lái của tôi hết hạn, Nha Lộ Vận không quên nhắc nhở tôi đóng thuế lưu
hành xe, kèm theo giấy tờ bảo hiểm cần thiết để được gia hạn sớm cho tiện việc
sổ sách của cả hai bên. Thật là chu đáo làm sao!
Nhân dịp giúp bà bạn lo việc hậu sự, tôi đã học
thêm được một ít kinh nghiệm về chôn cất trên xứ người, và cũng giác ngộ được với
cảm nghĩ của cuộc sống phù du. Nhờ vậy hôm nay, nhìn cái bằng lái xe mới tinh vừa
nhận được, kèm theo những văn kiện phải ký kết, tôi không ngần ngại điền ngay
vào mục “ hiến tặng toàn thân xác” (donate my entire body) cho
nghiên cứu khoa học.
Mai đây, may ra một thiên tài sẽ khám phá được
điều gì mới lạ bổ ích cho đời! Hay Lục phủ Ngũ tạng của tôi có thể giúp được ai
đó chút hy vọng kéo dài thêm cuộc sống còn tràn đầy yêu thương.
Mỹ Ngọc
304Đen
- Llttm
No comments:
Post a Comment