Sunday, July 4, 2021

Một Thời Chuyển Tiếp - Sưu tầm

 


Một thời chuyển tiếp....





CHUYỆN HÀ NỘI...

(Ngô Nhật Đăng kể lại)

Người Hà Nội cũ quanh phố cổ mấy ai mà không biết cái hiệu thuốc Tây có tên 8-3 của Công ty dược phẩm Hà Nội gần vườn hoa Bà đầm xòe sau 54 gọi là vườn hoa Cửa Nam, những năm 75, 76…nhà thuốc này và ở ngôi nhà bên cạnh rất đông người đến lấy thuốc có cái tên hơi lạ :“vi lượng đồng căn” chữa bệnh hen suyễn và vẩy nến, lạ hơn là người bốc thuốc không bao giờ lấy tiền. Người ta chỉ biết ông bà là công chức “thu dung” của chế độ cũ, ông làm ở nhà thương Phủ Doãn còn bà ở nhà thương phụ sản còn gọi là bệnh viện C. Không hiểu sao tôi rất thích từ “Nhà thương”, một từ phổ biến sau này bị đổi thành “Bệnh viện” nhưng những người già vẫn dùng từ nhà thương như : Nhà thương Phủ Doãn, nhà thương Khách (của người Hoa trước 54, sau này gọi là bệnh viện Hòe Nhai)…

Mấy ông già ở phố nhà tôi bảo : Ông ấy được gọi là Clark Gable vì đẹp trai và để bộ ria giống nhân vật chính trong bộ phim khét tiếng “Cuốn theo chiều gió” làm dậy sóng Hà Nội hồi trước 54. Bố tôi nói với tôi : Ông ấy tên là Thẩm Hoàng Tín (1909 - 1991) học dược ở Paris, còn là Thị trưởng Hà Nội từ năm 50-52.

Một lần theo Thầy ra ngắm bóng nắng của cây Tháp Bút vào ngày Đoan Ngọ (vào ngày này đúng giờ Thìn bao giờ bóng của Tháp Bút cũng chấm vào đúng Đài Nghiên trên cổng vào đền Ngọc Sơn), Thầy tôi nói : Cây cầu Thê Húc này là do ông Thẩm Hoàng Tín cho xây lại sau khi Hà Nội bị tàn phá bởi “tiêu thổ kháng chiến” cùng với rất nhiều khu nhà bị đổ nát chỉ còn gạch vụn, Thầy tôi nói thêm : “ Ông Tín có công rất lớn trong việc xây dựng lại Hà Nội” rồi thở dài.

Sau này tìm hiểu về Thẩm Hoàng Tín tôi biết thêm ông còn là con nuôi cụ Hoàng Huân Trung Chủ tịch hội Khai Trí Tiến Đức. Chữ Hoàng trong tên ông là vì lý do này, cụ Hoàng Huân Trung lại là cha của Đô đốc Hoàng Cơ Minh người sáng lập phong trào kháng chiến tiền thân của đảng Việt Tân.

Vậy sao ông Tín lại ở lại mà không di cư vào Nam ?

Ngày đó trước làn sóng di cư ồ ạt, ông Hồ Chí Minh lo lắng bởi những nhà tư bản, chủ xưởng, chủ nhà máy…sẽ mang của cải ra đi, ông phái ông Nguyễn Duy Trinh vào Hà Nội gặp Thẩm Hoàng Tín, khen ngợi một người có tấm lòng “vì dân, vì nước” và mong muốn ông Tín ở lại và vận động những người “hằng tâm hằng sản” cũng ở lại để xây dựng đất nước đã được độc lập.

Ông Tín chấp nhận ở lại với cam kết tài sản của ông và của những người “tư sản dân tộc” sẽ không bị tịch thu. Rất nhiều người giàu cũng ở lại, họ nói “ Ông thị trưởng còn ở lại kia mà”, phần đông nghĩ dù Việt Minh cộng sản thì cũng là người Việt, có lẽ nào….

Và cái chuyện “Có lẽ nào ?” đã xảy ra. Chỉ kể riêng chuyện ông Tín.

Chuyện kể rằng, khi bị "kiểm kê" tài sản, dù ông Tín trước đó đã "tự nguyện hiến tặng" một số tài sản như nhà và xe. Ông Tín tìm gặp ông cụ để thắc mắc, ngài gọi đàn em lên trách móc, vị đàn em nói : "Nhưng đó là ý nguyện của nhân dân". Lãnh tụ quay sang nói với khổ chủ :

- Chú thấy đó, đã là ý nguyện của nhân dân thì bác cũng chịu.

Và ông Tín cũng phải chịu. Sau này, đến năm 1980 ông Tín sang Pháp với con cái để “chữa bệnh” và mất ở Paris.

Ps : Ông bạn vong niên (sinh năm 1952) của tôi là con một nhà tư sản ở lại theo lời khuyên của ông Thẩm Hoàng Tín, ông “tư sản” này có một xưởng sửa chữa ô-tô vào loại lớn nhất miền Bắc. Năm 58, khi chứng kiến một cuộc biểu tình trên đường phố hô khẩu hiệu : “ Đả đảo Ngô Đình Diệm !”, đứng trên vỉa hè ông “ngứa mồm” nói : “ Ông Diệm làm gì mà đả đảo người ta?”.Thế là, nhanh như chớp, hai người đứng sau lưng ông bẻ quặt tay ông lại và dẫn đi, khi ra tù thì ôi thôi, tài sản đã bị tịch thu bởi ông chủ nó là “phản động”. Khi kể chuyện này với tôi, con trai ông giờ là một anh thợ cạo trên vỉa hè (gần cái garage của ông bố) chỉ cười như mếu. Anh là một Catholic chân chính nên không biết văng tục.

 


THÁNG TƯ

Tháng Tư với tôi từ ngày ra lính là mùa hoa loa kèn của Hà Nội, chỉ riêng Hà nội mới có. Lang thang ngoài phố, bắt gặp những bó hoa trông rất bình thường như một bó rau trên xe đạp của cô hàng hoa là biết tháng Tư đã về. Mua về, tỉa bớt lá bên dưới, cắm vào một cái bình bằng pha lê thật cao, miệng rộng, chỉ qua một đêm, những cái nụ vẫn còn e ấp rụt rè bỗng kiêu hãnh ngẩng cao đầu khoe sắc đẹp lộng lẫy và kiêu sa. Suốt tháng Tư, trong nhà tôi lúc nào cũng có một bình hoa loa kèn, khi không còn thấy các cô hàng hoa bán nữa là biết tháng Tư đã hết, không bao giờ sai.

Bây giờ, nhờ những bông bách hợp nhập từ Trung Quốc mà mùa hoa loa kèn kéo dài đến tận tháng 5, tháng 6. Cũng chẳng mấy người phân biệt nổi đâu là loa kèn Hà Nội và đâu là bách hợp của nước Tàu. Cũng như ngày Tết, ai cũng có trong nhà một cành đào, chẳng cần biết nó được trồng ở làng Phú Thượng hay ở Hải Dương, Nam Định. Chỉ đến ngày mồng một Tết mới ngạc nhiên sao cành đào của nhà hàng xóm vẫn thắm mà cành đào nhà mình bỗng phai lợt trông hết sức vô duyên. Nhưng thôi cũng chẳng buồn, mấy thứ lặt vặt ấy mất đi làm cho Hà Nội càng giống với các nơi khác. Thời toàn cầu hóa mà, đâu đâu cũng lờn lợt giống nhau.

Xa hơn, có một tháng Tư mà lũ con trai 17 tuổi tụi tôi đạp xe ra đường chạy khắp Hà Nội suốt đêm, nhiều cảm giác mà giờ đã quên, chỉ nhớ rằng chiến tranh đã hết, chúng tôi sẽ không phải đi lính và bao nhiều mộng đẹp được dệt, cha tôi cũng sẽ yên lành trở về. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang.

Ngày ấy Hà Nội có câu ‘’5 năm đi Nga không bằng 3 năm đi Đức, 3 năm đi Đức không bằng một lúc đi Sài Gòn’’. Khu phố nhà binh vốn nổi tiếng yên tĩnh giờ ồn ào tiếng đục đẽo suốt ngày đêm, mấy ông tướng trong những căn biệt thự đang sai người đục tường để lắp máy điều hòa nhiệt độ chở từ Sài Gòn ra, vĩnh biệt mùa hè nóng nực. Cha tôi làm phóng viên biệt phái, nửa năm Sài Gòn nửa năm Hà Nội. Tôi vào thăm ông, trong cái sân rộng rãi của căn biệt thự trước đây của người Mỹ giờ là trụ sở tạm của tòa soạn đỗ hai cái xe tải, mấy người lính đang chuyển đồ trong nhà chất lên xe cho mấy ông tướng ở Hà Nội mới vào. Họ gỡ điều hòa nhiệt độ, bàn ghế,TV, tủ lạnh…thậm chí cả rèm cửa bằng nhung. Cha tôi nói với tôi : ‘’Con nhìn xem, khác gì bọn thảo khấu’’. Cha tôi được chia một cái xe đạp Pháp ‘’chiến lợi phẩm’’ nhưng ông không nhận, một ông Đại tá nói : “Thế thì anh cho tôi nhé’’ dắt cái xe đạp đi, ông ta nhìn lại rồi nói thêm : “Còn 2 thùng mỳ ăn liền này thì sao, anh có lấy không’’. Cha tôi khoát tay, nhún vai, lắc đầu. Ông Đại tá vội chất 2 thùng mỳ lên xe đi thẳng, quên cả cảm ơn.

Tôi rời Sài Gòn ra Hà Nội với một mớ sách của của Remarque, Hemingway, Sagan và Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc…ấn tượng nhất của Sài Gòn trong tôi là dòng chữ viết trên các trạm chờ xe bus : “Xin giữ gìn sạch sẽ Đô thành’’. Sau này khi rời lính vào lại Sài Gòn, tôi đã lang thang đi tìm mà không còn thấy những dòng chữ đó nữa. Tiếc.

Lại một mùa hoa loa kèn nữa.

Từ fb Trịnh Huỳnh
THỜI  GIAN  GỢi  NHỚ...


 MÙA BẮN


 Tôi nhớ cái vụ CCRĐ ở quê tôi được khởi sự vào khoảng tháng 9 Ất Mùi 1955. Nó diễn ra hết vụ đông -xuân 55-56 sang đến hè thì đội rút.
 Khi đội CCRĐ về, ngay lập tức khắp hang cùng ngõ hẻm các khẩu hiệu viết trên nong, nia, các mảnh cót, các tấm ván...được bày la liệt. "Có khổ nói khổ, nông dân vùng lên! "." Địa chủ hết thời, nông dân vạn đại" " Dựa hẳn bần cố nông, đoàn kết với trung nông, liên hiệp với phú nông, đánh đổ địa chủ ", "Đánh đổ giai cấp địa chủ và phong kiến, thực hiện người cày có ruộng"...Những khẩu hiệu đó và một số khẩu hiệu khác như "Đả đảo tên địa chủ cường hào gian ác... nọ, thằng địa chủ phản động... kia được lũ trẻ trâu hằng đêm khua trống mõ hô vang trời, dậy đất khắp làng trên xóm dưới hô hét sát nhà nạn nhân.  
 Các đội viên CCRĐ mọi nơi, mọi lúc đi "bắt rễ xâu chuỗi"với các gia đình bần cố và tổ chức bày dạy cách đấu tố địa chủ. Đội viên /các khổ chủ "sáng dạ " lên thị phạm "đấu tố mẫu"cho mọi người học hỏi. Địa chủ được giả định là gốc cây hay cái cột nhà nảo đó. Những cuộc diễn tập như thế được chuẩn bị công phu như tập một vở kịch vậy. Trước khi đấu một tên địa chủ nào đó, đều có sự phân công, ai lên trước, ai lên sau, đảm bảo cuộc đấu tố không bị gián đoạn.
 Cả mùa đông năm 1955 chủ yếu là đấu tố. Địa chủ thường chỉ bị đấu, tố một đêm ở điếm của xóm. Khi dân quân vừa dẫn địa chủ đến cửa điếm, tiếng hô đả đảo vang trời. Địa chủ chưa kịp hoàn hồn, vài nông dân tranh nhau lên đấu tố (phải nói họ rất thuộc bài kẻ thét, người khóc rất ăn nhịp!!! Đến hôm nông dân đến tịch thu nhà cửa, tài sản lại đấu một lần nữa. Lần đấu này cả vợ lẫn chồng bị kéo ra hai góc vườn để nông dân đấu, trong lúc rất đông các người lớn cùng trẻ choai choai ND vào khiêng dọn tài sản. Mọi loại giấy tờ, sách vở đều bị đốt hết.
Còn địa chủ cường hào gian ác /phản động bị đưa ra trường đấu xã. Như xã Thanh Tài, đấu trường xã là chợ Quánh (Trước cửa nhà Cố Tể)cho cả xã đấu, đấu cả ngày. Tùy theo đội, có người đấu một trận, có người đấu vài ba trận. Việc đấu tố từng cá nhân chủ yếu diễn ra trong mùa đông 1955 .Một số "lọt lưới ",ra giêng tiếp tục đấu.
 Mùa Xuân Bính Thân 1956, được coi là Mùa Bắn.
   *11/Giêng, Thanh Tài bắn ba Người.
    *12/Hai ,Thanh Luân bắn hai Người.
      *14/Hai, Thanh Tài bắn một người.
 Cùng dịp này Thanh Ngọc bắn hai Người. Thanh Luân sau ngày 12 ,bắn thêm một người nữa. Thanh Ngọc ngoài hai người tôi biết rõ là ông Trần Nh và ông Ng. H. KH.. Người thứ 3 thứ tư nếu có, tôi không nhớ. Vì lúc đó tôi 12 tuổi. Mỗi xã hồi CCRĐ chỉ bằng khoảng 1/3 xã hiện nay, nhưng ít ra phải bắn ba người .Thanh Tài vượt lên bốn. Huyện Thanh Chương hồi CCRĐ có 42 xã, nếu bình quân mỗi xã 3 người bị bắn, thì cả huyện có 3 nhân 42 bằng 126. Chưa kể số người tự tử vì quá uất ức, oan trái. Kinh chưa!

 Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến  nạn nhân bị đội CCRĐ bắn ở Thanh Tài vào sáng nay 14/2 Bính Thân 1956. Ông ấy là Nguyễn Hữu KH 34 tuổi., một Y sĩ /Y tá cùng vợ phụ trách trạm xá, nhà hộ sinh xã ít ra là từ 1952. Hình như hai vợ chồng từ Quảng Bình ra. Dân Thanh Tài ghi nhận công lao chữa bệnh tận tình, có hiệu quả của hai vợ chồng ông. Vợ chồng ông Kh bấy giờ có hai con gái. Con đầu là Nguyễn Thị Thu học lớp Một với tôi. Con gái thứ hai tên là Nguyễn thị Thủy. Cả hai con gái, dưới con mắt trẻ con 12, đã thấy xinh xắn dễ thương. Hai vợ chồng ông Kh, rất đẹp đôi, đẹp người.  Năm 1954, theo tôi biết, qua ông KH., ông Chuẩn đã tài trợ và tổ chức việc chế tạo xe đạp nước gỗ đặt ở cống bên cạnh Đền Bảo An, hút nước sông Lam, chống cái hạn hán kinh người trước vụ lụt cũng kinh khủng năm 1954.
   Nghe nói ông Kh định nghỉ phép vào mùa thu 1955. Nhưng nghe tin Đội CCRĐ về, ông ta nán lại chào Đội rồi đi phép sau. Không ngờ, trong đội CC về lúc đó có thằng tên là Chi (không nhớ là chức vụ gì) có mối thù riêng với ông KH. Số là, trước khi làm y sĩ, ông KH. từng làm lính đoan. Con tên Chi từng là tên buôn lậu. Một lần nào đó Chi bị ông Kh bắt. Không nghe nói Chi buôn lậu hàng gì, ông Kh phạt Chi nặng nhẹ ra sao. Bây giờ tình cờ Chi gặp Kh, trong một bối cảnh trớ trêu.
 Thế là... A lê hâp ! Ông Kh bị bắt giữ và đấu cho lên bờ, xuống ruộng, tả tơi như một con nai tơ trước lũ sư tử. Tội ông KH được các khổ chủ tố lợi dụng chữa bệnh để hiếp dâm, cướp của (Bà C ở Quánh tố). Chữa bệnh nhẹ thành nặng, giết chết bao nhiêu người, làm tàn phế bao nhiêu người...
   Tôi không biết thằng Chi và cái đội CC hồi đó cùng đám" khổ chủ " lấy ơn trả oán, đã vu cho ông KH tội phản động ra sao, giết người thế nào, mấy mạng người đủ  để khớp với điều 6 khoản 3 chương 2 mục 1, rồi bắn ông ở cái tuổi ba tư, một người từ nơi khác đến làm cái nghề Tây y, vợ đỡ đẻ, cứu chữa bao người dân Thanh Tài  thời mông muội !
 Lý giải điều trên, nhiều người cho là do thâm thù cá nhân giữa thằng Chi với ông KH. Cũng có thể do chỉ tiêu số án tử hình trên số địa chủ và số dân của xã. Thanh Tài bắn 4 Người, với chúng là "được mùa " to, chắc được cấp trên khen thưởng.

 Về vụ bắn ông KH
 Tôi chỉ  tả sơ bộ những phút kinh hoàng sau khi  tên Chi đọc cái gọi là bản án, đến đoạn : với những tội trạng trên, tên Ng. H. Kh đã phạm vào điều 6 khoản 3 chương 2 mục 1, Tử hình. Thằng Chi cùng các thành viên Tòa án nhân dân đặc biệt đứng lên hô đả đảo! Đả đảo. Cả đấu trường bắn cạnh dòng sông Lam vang dội tận bên kia Rú Lâm vọng sang.Nạn nhân khuỵu xuống.  Một cánh tay đen trụi như sắt bập vào gáy như cái kìm sắt khổng lồ ngoạm vào cổ nạn nhân.  Và với sức bình sinh của một lực điền, cái kìm sắt siết chặt. Nạn nhân không kêu thêm một tiếng nào. Miệng nạn nhân vừa buộc há ra.Một cục giẻ được nhét ngay vào. Nạn nhân như cây chuối bị đám trâu quần cho tả tơi,  khuỵu hẳn xuống, hai tay bị trói vẫn vái vái mấy cái trong tuyệt vọng. Hai, ba dân quân móc tay vào nách nạn nhân kéo lê cái thân xác  nhàu nát, oặt oẹo từ vành móng ngựa  trượt trên bãi cát trói vào cái cột đã chôn sẵn phía dưới chân đê. Hai tay súng dân quân có hai chú bộ đội phục viên hộ trợ, nổ súng. Hôm ấy trời không nắng không mưa. Cuộc bắn giết đúng quy trình và sớm sủa .

   Chiều hôm ấy hai chị em tôi lên Thanh Luân lượm bẹ măng nứa về làm nón. Vườn nhà ông đồ Kiểng là điểm đến vì có bụi nứa rất to. Hai chị em lầm lũi đi, lầm lũi thu lượm. Vụ bắn ông KH còn ám ảnh, lại đến vườn nhà ông Ph cũng vừa bị bắn hôm 12. Cả hai chị em cứ sờ sợ, gai gai trong người. Vì vậy nhặt được một bó con con hai chị em bảo nhau về. Chiều tà, mặt trời tự nhiên lòe lên. Đúng là màu nắng hoàng hôn ma quái. Qua mấy bãi tha ma cũ để về nhà, hai chị em đi như chạy.

 Hôm nay là ngày Giỗ thứ 65 của ông KH. Sau khi ông KH chết, nghe nói cháu Thuỷ cũng chết. Có thể là chết bệnh, cũng có thể chết đói. Người ngụ cư. Tứ cố vô thân mà !Tội thế! Cái Thu nếu bình thường, nay cũng khoảng 75/76 tuổi. Không chắc ông Kh có người làm giỗ hôm nay. Dù thế nào, bài viết này như một nén hương thắp cho các nạn nhân trong MÙA BẮN  trong đó có ông Ng. H. KH.

 PS  : Tôi chần chừ mãi, không định viết tiếp cái vụ trên .Nhưng phần vì thời gian gợi nhớ làm tôi không ngủ được, nghĩ miên man. Biết rằng CCRĐ có sai, Cụ Hồ đã chảy nước mắt và nhận lỗi quốc dân. Nhưng những sai lầm, những tội ác, những hệ lụy của nó, vẫn chưa đủ là một bài học cho cho các lớp người sau. Thực tế lịch sử rất phũ phàng đã minh chứng điều đó. Vì vậy nhắc lại cái ác, cái giả trá, cái bất lương đã qua để góp phần nhắc nhở con cháu mình (đâu dám bảo ban ai), phải sống Chân - Thiện - Nhân, tránh xa cái Tham -Sân - Si để  làm người lương thiện .



 Nốt trầm số phận( Bùi Thanh Hiếu)

 Tháng 10 năm 1997, tôi trở về nhà sau quãng thời gian dài trong trại cải tạo. Ngôi nhà chỉ còn mẹ tôi đang sống, nhà tôi đầu ngõ giữa nên mẹ tôi sống bằng nghề bán nước chè.

 Hơn 20 năm trước gia đình tôi thuộc diện khá giả của ngõ. Trong nhà tôi có tivi Sanyo, xe đạp Pơ Giô, đồng hồ Odo, sập gụ, tủ chè và cả xe máy Cá Xanh. Nhưng tất cả đã là dĩ vãng, trong nhà tôi chẳng còn gì đáng giá, đến cái xe đạp cũng không có mà đi.

 Tôi bán nước chè phụ giúp mẹ. Thực ra tôi bán là chính, hàng ngày tôi ngồi rót chè và đưa thuốc cho khách. Thuốc lá chẳng lãi là mấy, ăn nhau khoản trà đá và nhân trần.  Anh chị em nhà tôi mỗi người ở một nơi, chỉ còn tôi và mẹ sống bằng quán nước chè.

 Thu nhập eo hẹp, mỗi sáng tôi chỉ ăn gói xôi, tôi thèm ăn phở lắm. Nhưng một bát phở bằng hơn chục cốc trà đá. Vào dịp có bóng đá, người ta thức đêm nhiều, tôi cố bán thêm đến tận 2 đêm cho những người chờ đến giờ bóng đá, sáng hôm sau mẹ tôi cho tôi thêm tiền ăn sáng, mẹ bảo.
- con ra mà ăn bát phở.

 Tuy bán quán nước chè, sẵn thuốc lá. Tôi chỉ hút thuốc lào, chỉ sau bữa ăn tôi mới hút một điêú thuốc Vina. Lúc ấý nhấp mỗi hơi thuốc là mỗi lần cảm như đang hưởng thụ cao.

 Xã hội thời ấy đã nhiều người giàu, nhiều người đi xe Dream hàng chục vé, họ ăn nhậu, uống bia và cười nói sang sảng. Mỗi lần họ ngồi quán tôi, nói những chuyện làm lớn. Khi họ đứng dậy rời đi, tôi vuốt những tờ 1 nghìn, 1 nghìn thật phẳng phiu và để ngăn nắp trong cái ngăn kéo bàn bán nước.

 Nhờ mới ở tù ra, nên nhu cầu của tôi rất tối thiểu. Quần áo tôi mặc thừa của anh tôi, cơm chỉ cần ít quả trứng tráng là đủ, hai mẹ con tôi bữa cơm chỉ nửa mớ rau muống luộc và 3 quả trứng gà hay 2 quả trứng vịt tráng là ngon lành. Hoặc miếng thịt ba chỉ nhỏ luộc lấy nước nấu rau cải, còn thịt thái mỏng chấm nước mắm đã tươm rồi.

 Tôi không dám nói với mẹ, rằng tôi sống ở trong tù còn sướng hơn. Ở trong tù tôi là đội trưởng, cơm ăn có cả thịt gà, thuốc lá lúc nào cũng sẵn một bao. Ở trong tù nhiều người nể sợ tôi. Nhưng về nhà bán nước chè với mẹ, người ta vào quán hất hàm quát cho cốc nhân trần, tôi cun cút rót nước, bỏ đá và đưa họ nói.

 - Anh ơi , nước của anh đây ạ.

 Chiến hữu cũ của tôi, đàn em, bạn bè ở trong tù về. Họ tạt qua nhà tôi, nói làm chuyện này kia. Tôi lắc đầu thoái thác, vài lần như thế họ tỏ vẻ thất vọng về tôi mà bỏ đi không quay lại nữa.

 Cách vài ngày tôi mua tờ báo mua bán, ở đó có mục tuyển việc làm. Rất khó cho tôi, trình độ bằng cấp không có gì, xe máy không có, kinh nghiệm không. Mà toàn phải qua trung tâm môi giới việc làm, tôi mượn xe đạp  mang hồ sơ lý lịch chỉ có điểm sáng nhất là từng hoàn thành nghĩa vụ quân sự và vóc dáng khoẻ mạnh của tuổi 26. Tôi chỉ phù hợp với việc làm bảo vệ, lao động phổ thông...nhưng những nơi nhân việc làm người ta nghĩ con trai phố cổ Hà Nội chả ai làm việc ấy. Họ chọn người ngoài tỉnh chăm chỉ, dễ bảo. Chẳng tội gì mướn trai thành thị vừa lười vừa láo, có khi còn trộm cắp.
 Những ngày sáng mượn xe đạp hàng xóm đi xin việc, dắt tờ báo mua bán đã koanh những mục phù hợp với mình, đạp đi rồi lại đạp về. Mẹ hỏi được việc gì không con, tôi lắc đầu. Mẹ bảo thôi cứ từ từ bán hàng phụ cho mẹ cũng được.
 Rồi bỗng nhiên tôi có việc, việc rất lạ, đó là đi trông người.

 Số là hồi choai choai tôi chơi với nhà anh em thằng Tùng ở 56 Bà Triệu, cả ba anh em nhà đó sàn sàn chênh nhau một hai năm. Thằng Bê là thằng út được chiều quá thành ra cờ bạc và nghiện ngập. Năm 1987 nhà ấy cũng nghèo, làm nghề sơn khung xe đạp, cả ba anh em tuổi choai choai đều phải thằng giũa khung, thằng đánh giấy ráp, thằng sơn. Rồi thời nhà mặt phố có giá, nhà họ mở hiệu sách Hoa Niên, bắt mối với nhà xuất bản in sách và lịch cuốn treo tường, tiền đổ về ùn ùn trở thành giàu có nhất nhì cái đoạn Bà Triệu từ Lý Thường Kiệt đến Trần Hưng Đạo.

 Tuy nhiên bà mẹ lại khổ vì thằng Bê út, ngày bà quản lý cửa hàng đếm tiền và nghe điện thoại đã mệt. Đêm bà thuê người chở đi tìm con. Một đêm bà gõ cửa nhà tôi hỏi có thấy thằng Bê qua đây không. Tôi nói không, bà cứ đứng cửa nhà tôi như người mất hồn, có lẽ bà ấy tuyệt vọng không biết tìm con ở đâu. Tôi chờ bà đi để đóng cửa ngủ tiếp, bà bỗng bảo.

 - Bác không sống nổi, bác mệt mỏi quá rồi. Hay cháu giúp bác đi tìm nó. Thằng này nó cũng mệt rồi, mai nó còn phải làm ( bà chỉ sang cậu nhân viên của bà )

 Bà không để tôi trả lời, bà dúi cho tôi mấy chục nghìn, rồi bà bảo người đi cùng đưa cái xe Dream cho tôi. Còn bà và cậu nhân viên ấy đi taxi về.

 Mấy chục nghìn tôi có bán hàng cả ngày tính cả vốn lẫn lãi còn không được.Tôi vào nhà lấy áo, lên xe và đi tìm thằng bạn thưở thiếu thời. Tôi chẳng tìm  gì cả, tôi ra ga Trần Quý Cáp làm một bát phở gà rồi ngồi ở quán nước. Nửa tiếng sau có cái xe ôm chở một khách đỗ lại, khách ấy chính là thằng Bê. Nó trả tiền xe, tay xoa mũi liên tục. Tôi gọi nó, nó quay lại nhìn tôi ngạc nhiên, sau nó nhìn thấy cái xe nhà nó tôi đi, hỏi mẹ tôi bảo ông đi tìm tôi à.

 Tôi gật đầu, nó chả nói gì leo lên xe để tôi chở về nhà.

 Thằng Bê là một thằng ngỗ ngược, nhà nó lại giàu, nó đánh chém nhau với ai, mẹ nó lại lo công an cho nó về, nó cũng từng đi tù và nhờ có tiền trong tù nó cũng sướng. Chẳng ai có thể bảo được nó. Mẹ nó có đi cùng ai gặp gọi nó cũng chẳng về, nó còn quát lại ầm ĩ, không người nào dám cản. Nó cậy tiền, cậy thế không nghe ai. Tuy nhiên trong sâu thẳm nó rất tình nghĩa. Năm tôi và nó 15 tuổi, nhà nghèo và bế tắc, hai thằng bỏ đi bụi đời, lên tận Móng Cái xin làm đàn em của người ta để kiếm miếng ăn. Tiếng lóng giang hồ gọi bọn tôi là bọn '' chíp ''. Sau một tuần ở đó thì nó khóc vì nhớ nhà, nó van xin tôi đi về, nó nhớ mẹ nó. Chúng tôi ra đường bắt xe về, tiền chỉ có một ít trả tiền xe, khi xe vào quán ăn ở Tiên Yên, hai thằng ở ngoài bụng đói meo, nó đi nhặt mẩu thuốc lá người ta vất đi, đưa cho tôi bảo hút cho đỡ đói, tỉnh người chút ông ạ.

 Mẹ nó thấy không mất thời gian nhiều, chỉ có hai tiếng tôi đã trở nó về nhà. Thái độ nó về nhà cũng ngoan. Lúc tôi trả xe nhà nó, đi ra đường gọi xe ôm về. Nó nhìn tôi đầy luyến tiếc, nói ông không ở luôn đây được à.

 Mấy hôm sau mẹ nó đến tìm tôi, bà nói tôi giúp bà về nhà bà trông nó, chơi với nó. Tháng bà trả công tôi như người đi làm. Tôi bảo làm gì có nghề nào như thế, bà bảo cháu với nó chơi với nhau từ bé, cháu làm thế là giúp nó. Thằng này nó chẳng nghe ai, bác cũng thuê người đi canh nó, nhưng nó đánh cả người ta, ai cũng sợ. Có cháu là bảo nó về là nó về thôi. Bác biết nó không bỏ được nghiện, nhưng nếu nó chơi xong mà về nhà, lỡ có sao còn lo được. Chứ nó đi lang thang biệt tích, sốc thuốc thì mất xác nơi nào chẳng biết nữa.

 Tôi khăn gói đến nhà nó ở, thằng Bê là thằng nghiện lạ lùng nhất mà tôi gặp. Nó có thể cả tuần không dùng thuốc, nhưng bất chợt lại dùng vài hôm. Nó rất tử tế với tôi, chẳng bao giờ nó để tôi vào thế khó xử. Trước kia nó giận dữ gì, nó đập phá đồ đạc, chửi bới loạn nhà. Nhưng có tôi thường nó không làm thế, cùng lắm nó vùng vằng rồi bỏ lên gác chơi điện tử hoặc xem phim.
 Có đêm nó nói, ông ơi tôi ở nhà cuồng quá, ra ngoài loanh quanh lại thèm thuốc. Ông lấy xe chở tôi đi thật xa , chỗ thật lạ tôi không quen ai mua thuốc hộ, hết cơn thèm chúng mình lại về. Đêm ấy tôi chở nó đi mãi đến Ninh Bình rồi quay về.  
 Được hai năm như thế , Bê cũng thuần tính hơn. Mẹ nó cũng không cần tôi nữa, tôi biết ý xin về.

 Tôi lại bán nước chè phụ cho mẹ, rồi xin được đi làm phụ việc ở một xưởng làm biển quảng cáo. Tôi mua được con xe máy Tàu để hàng ngày đi làm.

 Sau này quãng đời tôi còn nhiều khúc thăng trầm nữa. Ngay kể cả bây giờ.

 Nhưng nếu ai hỏi lúc nào trong đời tôi, tôi cảm thấy tự hào về mình nhất. Tôi thành thật nói, đó là quãng đời tôi bán nước chè phụ giúp cho mẹ tôi. Từ chối tất cả những tiếng gọi của giang hồ, nhặt từng đồng rau cháo cùng mẹ sống qua ngày, đợi tìm công việc lao động chân tay chân chính. Nếu như lúc ấy tôi không kìm sự hiếu thắng, sự tự ái của tuổi hai mấy đầy sục sôi đua tranh với đời. Tôi đi theo tiếng gọi của những người bạn tù, bạn xã hội đen.

 Có lẽ đời tôi nay đã khác, mẹ tôi không thể tự hào vì tôi như bây giờ.
 À mà phải nhắc kẻo các bạn bị cuốn theo câu chuyện tôi kể, thực ra câu cuyện này tôi muốn giải thích vì sao tôi cứ hay nấu phở và vì sao tôi thích bán đồng hồ cũ,  xe đạp cũ, cũng như tôi treo dòng slogan Thích Uống Trà Mạn.

Bùi Thanh Hiếu


KỈ NIỆM MỘT LẦN GẶP VĨ NHÂN
 

Từ Fb Nguyen Canh Hoang
 

Năm 1988 đi hội nghị ở Ba lan, transit ở Moscow. Sẵn có lá đa trong túi, vào hẳn nhà khách Sứ quán ở cho oai, mỗi ngày mất 1 $, đỡ phiền bạn bè.
 Tối, xuống CLB xem TV, thấy có 1 cụ già tầm 75 tuổi mặc áo lông Đức ngồi co ro ở đó. Hết TV, thấy cụ không về, hỏi thì cụ bảo:
 - Tôi transit qua đây, vào nhà khách nhưng không có tiền, nên không được ở. Xin mãi, họ mới cho ngồi nhờ ở đây đợi mai đi tiếp. May, vì ngoài phố tuyết rơi, lạnh quá!
 Liền mời cụ về phòng ngủ cùng, vì có 2 giường đầy đủ chăn đệm. Đoán cụ đói, nên lấy bánh mì bơ và xúc xích mời cụ ăn, xong mới leo lên giường. Trái múi giờ, 2 ông cháu chưa ngủ được nên nói chuyện mãi. Kì lạ, cụ già cái gì cũng biết, càng nói chuyện càng ngạc nhiên về độ uyên bác phi thường của cụ. Gần sáng, mới tò mò hỏi, cụ đi đâu mà qua cái đất Moscow lạnh lẽo này, và sao mà cụ không có lấy 1 $ để ngủ ở nhà khách. Cụ đáp:
 - Tôi được Viện Hàn lâm KH Hungary mời sang báo cáo hội nghị KH. Họ lo vé MB đi lại, ăn ở bên kia chu đáo. Mỗi tiền đi đường thì họ không nghĩ tới, mà hưu rồi nên Nhà nước ta cũng chẳng cấp cho tôi, và tôi cũng chẳng có!
 Ngạc nhiên ghê gớm, lúc chia tay hỏi tên, cụ đáp:
 - Tôi tên là Trần Đại Nghĩa!
 Ôi chao ôi, thì ra đây là nhà khoa học lừng danh, một trong những người chế tạo bom bay V1, V2 nổi tiếng trong Thế chiến thứ 2. Con người này từng theo Cụ Hồ về Việt Bắc, chế tạo bom ba càng, súng không giật SKZ, bazooka, thủy lôi áp suất ABS, đạn bay, ..., góp phần không nhỏ cho đất nước trong cuộc kháng chiến thần kì của dân tộc.
 Và, chỉ vì không có 1 $, cụ không được ngủ ở nhà khách Sứ quán VN tại Moscow!


Người chuyển bài – HHM – USA

(cám ơn nhiều)

 

 

 

 

No comments: