Wednesday, July 7, 2021

Thằng Nhỏ Bán Kẹo Dừa - Thuyên Huy

Thằng Nhỏ Bán Kẹo Dừa

Một phần thật nhưng được viết lại bằng bối cảnh và tình tiết khác, đổi tên nhân vật, tưởng tượng thêm, để nhớ những cục kẹo dừa trong sân trường nào đó cũng giống như cái sân trường của câu chuyện.

 


    Chuông ra chơi, học trò chạy  túa ra sân, trời sắp hè, nắng lưng lửng trưa, loáng thoáng rớt, xuyên qua đám tàn lá xum xuê của hàng cây phượng già, dọc sân trường, dài theo đường lộ, từng mảng, chỗ sáng chỗ tối, Hiển đứng ở cửa lớp nhìn theo cười một mình, đúng là trẻ con, không lo không nghĩ, tụ nhau từng tốp, con gái con trai, áo quần đủ màu, màu chợ búa màu ruộng bùn, tay nắm tay níu, nhảy cò, bắn bi, tạt lon, đánh đủa, ồn ào không thua gì người ta nhóm chợ, Hiển thấy vui lây, chuyện hoán chuyển với một cô, cũng ra trường cùng khóa Sư phạm Sài Gòn, sau hơn một năm mấy ở chợ Bún, Bình Dương, về trường tiểu học Trãng Bàng này, bắt đầu dạy mới hai ba ngày nay, xem ra không có gì hối tiếc, cuối sân đâu đó có chút gió mát lùa về từ cánh đồng xanh cỏ dại ngang phía sau hông trường.

   Định quay vào trong, bất chợt thoáng thấy ngoài khoảng sân trước lớp mình, một đứa con trai chừng năm sáu tuổi, lầm lũi, mang trên vai, cái thùng thiếc nhỏ, không nhập bọn với đám trẻ, không biết có phải là học trò ở đây hay không, mà đi qua đi lại, đến quanh đám đông đang mãi mê chơi đùa, nói nói gì đó, rồi lẳng lặng bỏ đi. Thấy lạ, Hiển bước ra hàng ba, chầm chậm theo hướng nó, chưa bắt kịp đã thấy, nó đứng vòng tay, cái thùng thiếc bỏ dưới chân, cô Quế, bà chị dạy lớp tư, nằm ở cuối dãy lớp học, đang hỏi nó gì đó, từ xa nhìn lại chào Hiển, anh đi tới thì cũng vừa lúc thằng nhỏ cầm cái thùng thiếc lên, cúi đầu chào thầy chào cô rồi quay trở lại, chen vào đám học trò vẫn còn la hét, gọi nhau ơi ới. Hiển nhìn theo, cô Quế cũng nhìn theo, buồn buồn quay qua Hiển, “tội nghiệp, nó tên Chữ, học lớp tư của chị đó, nhà nghèo quá, đi học vậy cứ môt hai ngày thì mang theo cái thùng thiếc đựng mớ kẹo dừa gói giấy kiếng màu, bán trong giờ chơi, bữa bán hết bữa còn nguyên” rồi cô lắc đầu cười “cô thầy là khách hàng của nó đó, coi vậy mà học giỏi lắm em ạ!”, chuông vào lớp vang lên, học trò không còn đứa nào ngoài sân, Hiển nhìn quanh nhìn quất, không thấy thằng Chữ đâu đó, buồn bất chợt.

    Sáng chủ nhật trời tốt, theo lời chị Quế chỉ, Hiển thả bộ lên ngã ba, đường vào Tha La xóm đạo, căn nhà thằng nhỏ Chữ cũng dễ tìm, vách ván miếng thưa miếng vụn, mái tôn sét từ dưới lên trên, từ sau ra trước, cất liêu xiêu trên miếng đất trũng, thấp hơn mặt đường, lưa thưa vài bụi chuối già, hai ba cụm hoa Mười Giờ khô cằn khô cỗi, nằm lẻ loi như cố tránh xa mấy căn nhà gạch nhà ngói xế quốc lộ Sài Gòn Tây Ninh, ngó qua dãy hàng quán bán bánh canh bột lọc xứ Trãng, mặt trời vừa hừng đông mà người ta, xe hơi xe lôi, chật cả một khúc đường. Tới trước cửa, nói là cửa chứ cũng chỉ là tấm tôn hở nhiều hơn kín, chưa kịp lên tiếng thì thằng Chữ từ trong nhà đi ra, thấy Hiển, nó đứng khựng lại vòng tay, ấp úng, lẫm bẫm “thưa thầy”, cũng vừa lúc nghe tiếng người ngoài cửa, người con gái theo sau nó bước ra, thấy Hiển, chị đứng chết trân “phải Hiển không”, Hiển đứng sửng gật đầu hỏi lại “phải Trăm không”. Thằng Chữ, đứng nép sau lưng Trăm, lấm lét sợ, nhìn hết người này tới người kia, không dám nhúc nhích.

*

    Chị Nhạn bỏ Vũng Liêm bồng con, thằng Hiển về Bến Mương năm nó được ba tuổi, sau ngày anh Tụ, chồng chị chết, không tìm được xác trong chuyến đi theo ghe đánh cá ra biển tận ngoại cửa Đại, Trà Vinh, chìm trong một ngày bảo tố bất thường tháng Ba. Chị Nhạn mồ côi từ nhỏ, không nhớ nhỏ cở nào, không biết cha mẹ là ai, ngủ bờ ngủ bụi vòng vòng chợ quận Vũng Liêm, được một bà bác tu tại gia, bà hai Lắm, cái nhà có mấy cây dừa già nhỏ cuối ấp, nơi giáp ranh với đám ruộng thưa bên Cái Nhum, dọc theo đường lộ về Vĩnh Long, thường đi chợ sớm đem về nuôi lúc Nhạn mười một mười hai tuổi, ở hủ hỉ với bà được vài năm lớn một chút, chị đi nhổ mạ cấy mướn, gặt lúa đập lúa vần công cho người có ruộng làng trên ấp dưới, có khi qua tới bên Cái Nhum, người quen lâu, người mới quen, thuê mướn đều thương mến vì tánh tình, ăn nói nhỏ nhẹ hiền từ, siêng năng chịu khó.

    Mùa gặt năm mười tám, chị quen anh Tụ, khi anh từ bên Cái Nhum qua đập lúa vần công cho ông bà chủ ruộng trên chợ Trung Thành, rồi hai người phải lòng thương nhau, anh Tụ cũng con mồ côi mồ cút, ở với mẹ nhưng bà đã mất chừng một năm nay, gia tài còn lại là cái nhà lớn hơn cái chòi một chút, cất trên miếng đất công ở Quới An, ở từ chục năm nay, làng xã chẳng màn đòi lại. Tết năm sau, hoàn cảnh tội nghiệp thấy mà thương, bà hai Lắm, thay mặt ai đó hai bên làm chứng, bà cho anh chị lấy nhau, vậy thôi, không cần trầu cau hoa quả. Hai người đưa nhau về Quới An, anh Tụ thôi không làm ruộng mướn nữa, đi với người quen xuống Trà Vinh  theo ghe đánh cá biển, chuyến đi chuyến về cả tháng trời, khi nào anh Tụ đi, chị Nhạn về Vũng Liêm với bà hai Lắm, cứ như vậy chừng một năm sau chị sinh ra thằng Hiển, thằng Hiển vừa tròn một tuổi thì năm đó anh Tụ, ba thằng Hiển chết, ngóng ngóng chờ chờ nhưng cả nguyên mười mấy người theo ghe đều không tìm được xác, cuối cùng, sau bữa cơm cúng đơn sơ bốn mươi chín ngày cho chồng, chị Nhạn, trả miếng đất lại cho xã, rồi bồng con về Vũng Liêm sống với bà hai Lắm. Những ngày sau đó, chị Nhạn lại đi cấy thuê gặt mướn như trước, nhờ có bà trông coi thằng nhỏ cũng tiện.

    Mấy lúc sau này, bà hai Lắm ngày càng già và yếu hơn, đi đứng chậm chạp, tiếng mõ câu kinh không còn đều như trước, khi có khi không, chị Nhạn ở nhà thường, lúc làm lúc nghỉ vừa lo cho con vừa chăm sóc bà. Gần Tết, theo ý bà muốn, hai người cùng thằng nhỏ Hiển đón xe đò về Vĩnh Tế, An Giang, quê của bà hai Lắm, trước là thăm bà con sau là bà hai muốn về lại đây, sống với họ vì chắc không còn bao lâu sẽ ra đi, được yên mồ yên mả, nếu đúng như bà tính thì hai mẹ con chị Nhạn lo căn nhà ở Vũng Liêm cũng tốt, ít nhất cũng có chỗ ăn chỗ ở, đở vất vả bờ bụi như xưa. Ở nhà người cháu gái bà hai Lắm không xa chợ Vĩnh Tế bao nhiêu, qua mùng bốn, cả nhà đưa nhau đi lên Miếu bà Chúa Xứ, núi Sam Châu Đốc, đi lễ đầu năm, cầu xin ơn trên ban phước lành cho đời họ, những mảnh đời khốn khổ, đường lên miếu Bà người là người, chen chân mà đi, tứ phương đổ về chật cứng, đông nghẹt, khói nhang mù mịt chuông trống liên hồi, vang rền cả một trời.

    Ngồi nghỉ mát dưới một gốc cây lớn, chỗ đầu đường lên Miếu, chờ bà hai trở xuống, bên cạnh cũng có hai người đàn bà, một lớn một nhỏ, cở tuổi chị Nhạn cũng đang ngồi vừa uống bịch nước dừa vừa thở dốc, thấy thằng nhỏ Hiển chạy qua lại lại, dễ thương, hai người xích lại gần làm quen, họ là người xa tít trên Bến Mương, Tây Ninh, cũng nghèo, là hai dì cháu, người dì, dì ba Sắn, bị tật ở cánh tay trái, không cử động được, không chồng, người cháu, chị Khả, làm công nhân cạo mủ cao su cho đồn điền Pháp “Societe de Heveas” Vên Vên. Hỏi thêm, chị Nhạn thấy công việc cạo mủ của chị Khả không khó khăn lắm, nên chợt thoáng nghĩ trong đầu, mình cũng làm được thay vì đi cấy đi gặt, lội bùn lội nước, gai đâm chân cỏ cắt tay, thẹo nhỏ thẹo lớn, chị Nhạn cũng kể thân phận mình, ôm con kể mà như muốn khóc, rồi họ làm quen với nhau, chị chị Nhạn em Khả, dì dì cháu cháu, tay bắt tay chào hẹn ngày gặp lại.

    Bà hai Lắm quyết định ở lại Vĩnh Tế luôn như đã tính, chị Nhạn trở về Vũng Liêm với người cháu gái của bà để lo thu xếp đồ đạc và những thứ cần dùng như bà dặn. Mấy hôm sau đó, ra Giêng, chị Nhạn ẳm con trở xuống Vĩnh Tế lần nữa để cho thằng Hiển gặp mặt bà ngoại Lắm, trước khi đi Tây Ninh như đã hẹn với dì cháu chị Khả.

*

    Về Bến Mương, mẹ con chị Nhạn ở chung với nhà dì ba Sắn và Khả, căn nhà mái tranh vách đất trên miếng đất thấp phía dưới triền bờ con rạch nhỏ, chảy ra sông lớn Vàm Cỏ Đông, chung quanh có hai ba cây dừa cao già nhưng sai trái, nằm xa cách dãy nhà phía ngoài dọc theo tỉnh lộ Gò Dầu Tây Ninh chừng ba bốn đường đê ruộng, men theo con đường đất mòn, trong nhà có thằng nhỏ chạy tới chạy lui coi vậy mà vui, dì ba Sắn tay trái không làm gì được nhưng tay phải một hai nhất định phải nựng nịu kéo lôi thằng nhỏ cho bằng được. Không bao lâu sau, Khả xin được cho chị Nhạn vào làm công nhân cạo mủ cùng chỗ với mình, khu rừng cao su do thầy bảy Điển làm giám thị, phía trên chợ xã Trà Võ, giờ có chị có em, sáng đi chiều về, hết thui thủi một mình như trước, chòm xóm láng giềng thấy vậy cũng vui lây.

    Sau Tết năm thằng Hiển lên năm, có ai đó trong họ đạo Cao Đài xã mai mối, người từ Suối Cụt lên nói chuyện với dì ba Sắn, hỏi cưới Khả cho con trai mình, không lâu, sau đám cưới Khả theo chồng, dì ba cũng đi theo về dưới, để lại căn nhà cho hai mẹ con chị Nhạn, không tính tiền tính bạc gì hết, ngày đi, đứng chờ đón xe đò ngoài đường lộ, bà con chòm xóm ai nấy bịn rịn buồn thiu, hai chị em, bà cháu ôm nhau rưng rưng nước mắt. Hai dì cháu chị Khả đi rồi, căn nhà vắng vẻ, chắc cũng là cái vắng của những ngày chưa có mẹ con chị Nhạn về ở, giờ thì mỗi sáng sớm đi làm, chị gởi thằng nhỏ cho nhà bên cạnh, chú thiếm tư Tịnh, đổ bánh tráng bánh phồng, ba chân bốn cẳng tới chỗ làm, cạo mủ hàng cây xong, trong khi chờ mủ ra trút vào thùng, quày quả  về, ở với con được hai ba tiếng, cho nó ăn, đem qua gởi lần nữa, rồi trở lên chỗ làm, cũng đở là công việc làm chỉ quá trưa là xong, nên chỉ làm nửa buổi, buổi chiều nghỉ nên có thì giờ rảnh rổi lo cho con. Ấp thì không bao nhiêu người, ai cũng quen cũng biết, thấy chị Nhạn hiền lành, nói năng nhỏ nhẹ, chịu khó chịu cực, ai kêu một tiếng cũng nhanh tay nhanh chân tới phụ, tiếng tốt đồn xa, lên tới tận Bông Trang, Bàu Nâu, xuống mãi dưới Gò Chùa, Gò Dầu, Trà Võ thì khỏi nói, nhiều chỗ bắn tiếng muốn kết bạn trăm năm nhưng chị một mực xin lỗi, chưa nghĩ tới vì con còn nhỏ quá, đợi nó lớn chút xíu rồi mới tính.

    Ngày khai trường, năm đầu thằng Hiển đi học lớp năm, tròn sáu tuổi, sau khi cạo mủ xong, trời chưa sáng, chị Nhạn hối hả chạy về nhà, lo quần áo thẳng thốn cho nó, rồi dắt con đi bộ, cặp theo con đường đất ven mé rừng cao su, khoảng chừng hai cây số, lên trường tiểu học Thạnh Đức, phía sau trụ sở hội đồng xã và nhà lồng chợ Trà Võ, đứng bên ngoài cửa lớp nhìn vào, thằng nhỏ thấy mẹ nhìn ra cười, chị Nhạn mừng muốn khóc, trưa trút mủ xong, giao thùng cho anh cặp –rằng chấm công xong, chạy miết tới trường dẫn con về ăn cơm rồi, tới chiều lên sớm ngồi bên hông chợ chờ, tan trường  hai mẹ con lửng thửng thả bộ về , nói cười cười nói, từ đó ngày nào chị Nhạn cũng đưa đón thằng Hiển như vậy.

    Một hôm mưa lớn, chủ nhật không đi làm, sáng chưa sáng lắm, ngồi trong nhà nhìn ra sau, hai ba trái dừa khô rụng nằm rải rác trên sân đất, chị Nhạn chợt nhớ Vũng Liêm, nhớ bà hai Lắm, nhớ những cục kẹo dừa mà bà dạy cho chị làm, mấy năm nay lo làm kiếm tiền nuôi thân nuôi con, hẹn với lòng sẽ về dưới thăm bà nhưng chưa đi được. Hai ba ngày sau, buổi sáng khi đưa thằng Hiển vào trường rồi, chị Nhạn nấn ná ngang qua tiệm tạp hóa chú Phinh, có bán tập vở, viết mực tìm tìm kiếm kiếm, nhìn thấy cũng có bán giấy kiếng mỏng đủ màu, xanh đỏ tím vàng, chị gật đầu cười một mình như chợt khám phá ra cái gì đó.




    *

    Bắt đầu qua tết, cứ một hai ngày Hiển mang theo cái thùng thiếc lớn cở cái cặp, có lắp miếng kiếng một bên, nhìn thấy rõ những cục kẹo dừa, mà chị Nhạn đã hái dừa khô quanh nhà, mài thành bột, nấu với đường tán, cuộn giấy kiếng đủ màu mua từ tiệm tạp hóa chú Phinh trên chợ, ngồi quấn tròn bằng tay, dài ngắn không đều, bằng ngón tay, suốt đêm, dưới ánh đèn dầu leo lét, làm theo cách bà hai Lắm đã dạy khi còn ở dưới Vũng Liêm, bán cho học trò trong giờ ra chơi, hay ra về nếu có ai muốn mua, sau ngày chị Nhạn vào trường ấp úng trình bày tình cảnh mẹ con để thầy cô cho phép. Mấy lần đầu còn lúng la lúng túng nhưng dần dà rồi quen việc, Hiển quên hẳn chuyện chơi đùa, nghe tiếng trống nghỉ ra chơi mừng ra mặt, bưng cái thùng kẹo, nhanh ra sân, đi hết chỗ này tới chỗ kia mời mời mọc mọc, có đứa mua có đứa lắc đầu, đặc biệt là mấy thầy mấy cô lại là khách hàng thường xuyên. Học trò trong trường mới đầu còn thấy lạ, nhìn tới nhìn lui, xầm xì gì đó nhưng rồi đâu cũng vào đấy, trẻ con mà và cũng từ đó Hiển có thêm cái tên “Hiển kẹo dừa” mà nói ra cả trường đều biết, cô Phụng, cô giáo của Hiển thương nó không ít, tội cho con nhà nghèo, lâu lâu cô cho cuốn tập, cây viết mới ngoài việc mua kẹo, mua chưa ăn hết thì mua thêm, trong những ngày nó đem kẹo theo bán, cô cũng còn giúp cho Trăm, học chung lớp, những thứ mà cô đã cho Hiển nữa.

    Tuy vậy Hiển cũng có cái vui của mình, Trăm, cô bạn nhỏ thân cùng lớp, ngồi cùng bàn, lúc nào cũng đi bên bạn, phụ một tay, gọi đứa này kêu đứa nọ mua không ngớt, không màn chuyện nhảy cò đánh đủa, bữa nào bán không được nhiều, thấy Hiển ôm thùng kẹo dừa, ngồi ở góc sân trường buồn thiu, Trăm cũng buồn theo, buồn muốn khóc, tan trường không về trước mà đi theo Hiển ra khỏi chợ, cười nói gì đó tới ngoài đường lộ, rồi mới quay trở lại, mấy cục kẹo Hiển cho, không dám ăn, cứ cất để dành trong cái hủ đựng chao, lâu lâu lấy ra nhìn mà vui thầm trong bụng. Nhà Trăm ở cuối ấp, gần khoảng ngã ba con đường ngang khu rừng tre đi xuống bờ sông lớn, xa mấy căn nhà mé rìa chợ chắc chừng hơn cây số mấy, cũng nhà tranh vách đất, nghèo nàn mái dột cột xiêu, Trăm không còn ba, sống với mẹ, bà lam lũ tát đìa tát mương, bắt cua bắt còng, cắm câu, mò tôm mò tép, nhìn qua nhìn lại, nhìn tới nhìn lui, cả hai đứa nghèo như nhau.

    Hiển cứ bán kẹo dừa như vậy và Trăm cũng đi bên cạnh bạn “tay đở miệng mời” trong sân trường dù mưa hay nắng cho tới cuối năm lớp nhất, cuối năm đó, Hiển đậu vào đệ thất trường tỉnh, Trăm thôi học, ở nhà phụ mẹ vì bà bị phong thấp nặng, xưng khớp xương tay rồi chân, có lẽ do dầm sông lội nước, đau nhức, không còn cử động bình thường như xưa, tiền bạc vốn đã nghèo rồi giờ phải thuốc thang thì tình cảnh khốn khổ trăm phần. Lên tỉnh học, nhớ nhà nhiều mà nhớ bạn cũng nhiều, từ năm đệ thất rồi đệ lục, mỗi lần về Bến Mương là không lần nào mà không lên Trà Võ kiếm Trăm, mừng vui gặp nhau nói đủ thứ chuyện mà chuyện trên tỉnh nhiều hơn chuyện ở quê ở làng vì ở đây có gì mới đâu, cũng rừng cao su mùi lá mục, cũng con sông Vàm lớn ròng, cũng cái chợ phố, một nửa nhà ngói một nửa nhà tranh, cũng tiếng trống trường khi khoan khi nhặt lúc vô lúc về, vậy thôi. Lần về thăm nhà năm đệ ngủ, Trăm không còn ở Trà Võ, hai mẹ con đã dắt díu nhau về dưới Chợ Gạo, Bến Tranh, và Hiển đã không gặp lại Trăm từ đó.

    Về Chợ Gạo, hai người ở với vợ chồng bà dì, bà con xa của mẹ, nhà ở trên đầu dốc bến phà, Trăm phụ làm nghề đan giõ đan đục, nôm bán cho người câu người lưới. Chừng vài tháng sau, đi lên đi xuống bán hàng trên phà, chuyến qua chuyến lại, ít học nhưng lanh lẹ, niềm nở, vui vẻ, không biết quen biết làm sao, chủ phà mướn Trăm làm người quét dọn, công việc không nặng nhọc lắm, cực thì cũng có cực nhưng vui, nhờ vậy mà có thêm tiền mua thuốc thang cho bệnh tình của mẹ mình nhưng không qua nổi phần số, bà mất vào một chiều đầu mưa tháng sáu, mưa dầm mưa dề hơn hai năm sau, năm Trăm vừa qua tuổi mười bảy. Nghe lời mấy bác lớn tuổi ở chợ quận, sau đám tang, không bao nhiêu người đưa, một người khóc, không kèn không trống nhưng cũng tạm tươm tất, bà con hùn tiền giúp, đưa xác mẹ Trăm đi hỏa thiêu dưới Tân Thạnh, Gò Công, rồi đem hủ tro cốt về lại gởi trong một cái chùa nhỏ bên vàm lớn ở Bến Tranh, chùa không có tên nhưng được người dân kêu đại riết rồi quen “chùa vàm lớn”.

    Cũng mấy tháng rồi, một sáng cuối Thu, nhân chiếc phà hư máy, phải sửa một hai ngày, được nghỉ, Trăm đi đò ngang qua chùa thăm mẹ. Chùa vắng vẫn vắng tanh như vậy từ đó đến giờ, khói nhang quạnh quẽ, ngoài ông sư già trong chùa có thêm thằng bé trai chừng độ một tuổi, chập chững đi qua đi lại trong chánh điện, thằng nhỏ mặt mài kháu khỉnh, dễ coi, không biết lạ biết quen, tay nắm tay kéo, bập bẹ tiếng mất tiếng còn, thấy mà thương, Trăm cũng phải bật cười theo. Ngồi nghe ông sư già nói lại, thằng bé mồ côi, cha mẹ làm nghề giăng lưới trên sông, không biết vì sao chết, khi nó vừa dứt sửa mẹ, ai đó đem về nuôi lớn chút xíu rồi đem gởi đây, tên là Chữ, ông sư tạm lo, thằng nhỏ ăn uống cũng dễ, chao tương không sao, chờ tìm người chịu nuôi, nếu không có, chắc phải đem nó vào cô nhi viện đâu đó. Hai người, một già một trẻ nói chuyện gì đó với nhau thật lâu, thằng nhỏ ngây thơ bắt chước ông sư già, lắc lắc bàn tay xá xá dưới chân tượng Phật. Không lâu sau, Trăm tay dắt thằng bé Chữ, tay xách cái giõ đan bằng giây lát, có đựng cái hủ đựng tro cốt cở hủ chao, từ giã ông sư già ra về, đi cũng khá xa, nhìn lại ông sư già vẫn còn đứng trước cổng chùa nhìn theo, chấp tay miệng lâm râm “nam mô a di đà Phật”.

*

    Thứ hai vào học lại, vài ngày nữa nghỉ hè, thằng Chữ thôi không còn mang theo cái thùng thiếc bán kẹo dừa, học trò chẳng màn thắc mắc làm gì, tụm năm tụm ba, đánh đôi đánh đọ như cũ, thầy cô cũng không còn chờ mua nữa. Bải trường, Hiển và Trăm dắt thằng bé Chữ, đón xe đò về Bến Mương. Căn nhà tranh cũ, sau ngày Hiển ra trường đi dạy, có dư chút tiền dành dụm, được cất lại khang trang, nền gạch, vách ván, mái tôn, cửa nẻo hẳn hoi, sân trước sân sau ngay hàng thẳng lối, mấy cây dừa vẫn trái xanh trái già, chị Nhạn không còn đi cạo mủ, bà con trong ấp ai nấy cũng vui lây. Ba người lớn, một thằng bé quây quầng bên nhau trong nhà, sân trước sân sau, bờ sông mé ruộng, chuyện ngày đó chuyện bây giờ nói hoài cả ba tháng hè mà không hết, với chị Nhạn, chừng này là đủ mãn nguyện lắm rồi.

    Hạ ngấp nghé tàn, thưa thớt hoa úa một màu đỏ bầm, nấn níu bám đám cành lá khẳng khiu trên mấy cây phượng già, già theo tuổi của đời người quanh sân trường cũ, trường tiểu học Thạnh Đức. Hiển, Trăm và thằng Chữ đứng ngoài cổng nhìn vào, dãy hành lang, lớp học, cái sân cát trắng rộng vẫn như xưa, cây Bồ Đề vẫn xum xuê lá cành như ngày đó, ngày Hiển mang cái thùng thiếc lang thang bán kẹo dừa có Trăm bên cạnh, nhất là cái góc sân trường chỗ mấy cây Gòn cao những hôm không ai mua, Trăm ngồi bên, không đứa nào nói gì nhưng đứa nào cũng buồn muốn khóc, rồi bây giờ, đứng  ở đây, vị ngọt của mấy cục kẹo dừa bỏ trong hủ chao năm xưa đang thắm dần, êm ả xuôi dòng như con rạch Bần cuối làng êm ả chạy ra sông lớn, trong từng mạch máu về tim, con tim bất chợt có niềm vui đến muộn, Trăm rươm rướm nước mắt.

*

    Hôm tiễn con ngoài đường lộ về lại Trãng Bàng, Bến Mương nắng chiều hanh hanh vàng, gió lất phất ươm mùi nước bùn của sông pha mùi lá rừng cao su mục, ba người lên xe rồi, chị Nhạn nói với theo “hôm đó nhớ về nghe mấy đứa”, thằng Chữ sướt mướt “nội ơi nội ơi”, xe chạy xa tít dưới cầu Đá Hàn lâu lắm rồi, chị Nhạn vẫn còn đứng đó, vui mà muốn khóc, chị đâu biết trên xe Hiển và Trăm cũng vui mà muốn khóc theo.

 

Thuyên Huy

Ballarat những ngày dứt mưa 2019

Viết cho thằng con nhà nghèo có những ngày như vậy ở một ấp quê nửa thế kỷ trước.

 

  

No comments: