Con Đường
Rợp Bóng Lá Muồng Tây
Nha Trang! Thành phố của biển xanh, cát trắng,
của những hàng thùy dương lã ngọn, vi vu tiếng thông reo và cả tiếng sóng rì
rào muôn đời.
Nha Trang, thành phố của nắng ấm chan chứa ánh
mặt trời và gió mát hiền hòa của đại dương mênh mông bát ngát.
Nha Trang đặc biệt còn là thành phố riêng, rất
riêng, cho tuổi học trò.
… Và Nha Trang cũng là thành phố của tình yêu
nữa!
Cái lứa tuổi học trò thập niên năm mươi, sáu
mươi, ai đã từng đêm đêm cặm cụi ngồi góp nhặt thơ tình chép vào giấy "pơ
luya" màu xanh, màu hồng bằng mực tím, rồi với con tim hồi hộp, rộn ràng
đứng đón trước cổng trường để len lén vội vã dúi vào tay người mình đeo đuổi
bao tháng ngày, - còn có mấy ai - nhớ lại con đường tình "chúng mình"
đã tay trong tay, cùng nhau thơ thẩn suốt giờ này, sang giờ khác, đi lên, đi
xuống không biết mỏi chân, nói không biết mỏi miệng những câu nồng nàn, âu yếm
đầy tình tứ yêu đương. (Bây giờ nghĩ lại thấy thật sặc mùi cải lương, buồn
cười. Mà sao lúc đó nó "mùi quá mạng" vậy!)
Nha Trang có nhiều con đường tình.
Đầu tiên hết phải kể đến là con đường Duy Tân ở
bãi biển. Con đường chỉ non mà hẹn biển. Con đường bắt đầu từ Ty Bưu Điện rồi
dài mãi vô tận về hướng Cầu Đá. Tiếp đó là con đường Gia Long khởi đầu từ ga xe
lửa, con đường có lá me bay, chạy thẳng tắp ra biển. Rồi con đường Độc Lập từ
Mả Vồng cho đến rạp xi nê Mô Đẹc Bác Ái. Rồi con đường Phan bội Châu nối tiếp
khúc gãy từ Bác Ái cho cuối chợ Đầm, đụng cái Toà Án uy nghi để dứt. Hai con
đường này dành cho những tình yêu hiện thực, vừa tỏ tình, vừa mua sắm.
Con đường Bà Huyện Thanh Quan xéo ngang từ Tòa
Án cho tới Trường Nam Tiểu Học cũng tình lắm. Mà ngắn quá, không đủ trọn cho
một cuộc tình nồng.
Hai con đường rợp bóng lá Muồng tây tôi sắp kể
ra đây nó mang đầy đủ ý nghĩa và thi vị cho những chuyện tình lãng mạn và thơ
mộng nhất trên cõi trần đời này.
Hỡi những anh, những chị học sinh Võ Tánh, Nữ
Trung Học, Văn Hóa, Kim Yến, Bồ Đề, Lê Quí Đôn... đừng nói rằng: “tôi chớ hề
biết hai con đường đó” nhé!
Đó là con đường Phan Thanh Giản, rẽ nhánh từ Bá
Đa Lộc, ngang đầu hồi trường Võ Tánh, rồi êm ái mơ màng cho tới Ty Bưu Điện Nha
Trang, sau khi lặng lẽ đi ngang qua lưng Viện Pasteur, đầy bóng cây tra, lá to
như tai voi.
Trên hai con đường Bá Đa Lộc và Phan Thanh Giản,
ngày cũng như đêm, rợp mát với lá Muồng tây, luôn xanh ngắt, ít khi thấy lá
vàng dù là mùa thu có gió heo may làm cho vạn vật trở nên thê lương ảm đạm một
màu. Đặc biệt hai con đường này luôn êm ả và yên tĩnh. Rất ít xe cộ mang mùi
tục lụy chạy qua. Đôi khi, chỉ có những chiếc xe đạp sóng đôi của những cặp
tình nhân chạy chầm chậm để hưởng mùi vị "tình yêu cưỡi ngựa, xem
hoa".
Còn những ai yêu nhau "chí mạng" như
tôi với cô hàng bán sách Nguyễn Lê thì phải biết triệt để khai thác cái cảnh,
cái tình, cái êm đềm thơ mộng, cái lãng mạn của bóng trăng xuyên qua cành lá
của con đường Phan Thanh Giản mà uống cho no nê ánh mắt long lanh sóng tình của
người yêu và siết chặt tay nhau trong cơn nồng nàn, hừng hực lửa tình.
Con đường Bá Đa Lộc thì hơi tối vì Muồng cao, to
và dày lá quá. Và cũng là con đường chạy ra biển, nên nhiều xe ra vô, cộng thêm
những tiếng huýt sáo không đúng lúc của "những kẻ không biết yêu",
làm ô nhiễm cái hương vị tình yêu.
… Những năm sáu mươi, sáu mốt, hai năm cuối ở
bậc Trung Học tôi đắm say mê mệt với tình yêu của cô K.B, người con gái thướt
tha dịu dàng, bán sách ở tiệm sách Nguyễn Lê, đầu đường Phan bội Châu, đối diện
với tiệm vàng Mỹ Kim.
Bà chủ Nguyễn Lê là người Bắc, vợ một Đại Úy
Không quân, năm ấy tuy đã ngoài ba mươi mà vẫn còn xuân sắc lắm. Bà bới tóc,
không giống như búi tóc của Má tôi, sơ sài và luộm thuộm. Cách bới tóc của bà
làm cho bà tăng thêm vẻ đài các, cao sang. Cái búi đen nhánh, tóc to hơn nắm
tay, cao lưng chừng gần tới đỉnh đầu, được chải và bới một cách cầu kỳ, công phu.
Bà luôn mặc áo dài màu hoàng yến hoặc màu thiên thanh. Bà đi tới, đi lui lựa
sách cho học trò với dáng khoan thai, nhẹ nhàng cộng thêm giọng nói Bắc Kỳ Hà
Nội nghe như rót mật vào tai và nhất là nụ cười tươi tắn luôn nở trên đôi môi
hồng màu cánh sen để chìu chuộng khách hàng. Dẫu ai khó tính cách mấy cũng cảm
thấy hài lòng và vui vẻ khi mua một cuốn sách hay tờ tạp chí.
Cô nàng K.B, phụ bán sách, không biết có phải do
huấn luyện hay bắt chước bà chủ mà dáng vẻ cũng từa tựa như bà Nguyễn Lê. Cô
uyển chuyển mềm mại như một con mèo nhỏ với dáng người thon mảnh như cành liễu
trong chiếc áo dài màu xanh nhạt da trời may bằng lụa nội hóa. Mái tóc dài đen
mượt mà được kẹp bằng chiếc kẹp ba lá đơn sơ, buông dài xuống tận eo lưng.
Chiếc lưng thon thắt như lưng con ong vò vẻ. Nàng có khuôn mặt trái xoan với
chiếc mũi nhỏ xinh xinh và cái miệng cũng nhỏ xinh xinh đỏ hồng như hoa đào.
Nhưng tôi yêu nàng nhất là đôi mắt. Nàng cười bằng mắt. Cái đuôi mắt dài làm
sao! Chao ôi! Nụ cười với cái đuôi mắt dài làm chết người! Sách tướng số "
Người đàn bà trong tướng mệnh học" của Ông Vũ Tài Lục biên soạn, bảo ai có
nụ cười đó là sẽ khổ luỵ vì tình.
Năm ấy tôi thi đậu Trung Học Đệ Nhất Cấp và được
tuyển thẳng vào lớp Đệ Tam trường Trung Học Công Lập Võ Tánh.
Năm Đệ Tam là cái năm nhàn nhã nhất của thời kỳ
tiếp nối giữa đệ nhất cấp và đệ nhi cấp. Chúng tôi học lai rai chỉ cấn đủ điểm
hai kỳ lục cá nguyệt để lên lớp thôi. Còn bao nhiêu thì giờ dành cho văn nghệ,
văn gừng, làm báo và đi “cua” đào.
Cái năm định mệnh đó tôi đã gặp và yêu nàng K.B
trong tiếng sét ái tình choáng ngợp, lần đầu tiên đi vào hiệu sách Nguyễn Lê để
tìm mua cuốn "Quẵng gánh lo đi mà vui sống" và cuốn " Tự rèn
luyện ý chí" do tác giả Nguyễn Hiến Lê dịch.
Suốt một niên khóa Đệ Tam, ngày nào tôi cũng
lượn lờ ít nhất một lần qua tiệm. Lúc thì vờ mua cây viết, lúc thì giả bộ tìm
cho được cuốn từ điển bỏ túi Anh Việt -Việt Anh của ông Nguyễn Văn Khôn. Bao
giờ tôi cũng tìm được một lý do nào đó để có cớ bước vào hiệu sách một cách tự
nhiên và đi lòng vòng hết quầy sách này, sang quầy sách nọ, có khi cả nửa tiếng
đồng hồ. Tay lựa sách mà mắt thì cứ liếc cô hàng.
Không biết cách si tình của tôi có lọt vào mắt
xanh của cô không, nhưng không lọt qua được đôi mắt của bà cụ, mẹ bà Nguyễn Lê,
ngồi ở góc quầy, cạnh cánh cửa ra phòng sau. Hàng ngày tôi cứ lượn lờ như con
bướm trong hiệu sách, còn nàng thì lo công việc tiếp khách hàng, gói sách, thu
tiền hay đôi khi phải trả lời những câu chọc ghẹo ỡm ờ của những anh chàng si
tình như tôi nhưng bạo gan, bạo phổi hơn tôi.
Một hôm tôi vừa vờ vịt lật lật mấy cuốn cẩm nang
luyện thi Tú Tài I thì bà cụ ngoắc tay, gọi tôi. Tôi giật thót người như kẻ cắp
bị bắt quả tang. Nhưng thấy bà cụ miệng cười, tay ra hiệu, thì tôi hơi yên
lòng, bước tới.
- Thưa Cụ gọi tôi có chuyện gì không ạ ? Tôi thả
quả bóng thăm dò.
- Này cậu! Cậu định mua sách hay là mua cô hàng
sách đấy ? Bà cụ vừa tủm tỉm cười vừa tra vấn tôi.
Tôi đỏ bừng mặt, xấu hổ, cứ tưởng hành vi vụng
trộm của mình không ai biết. Hóa ra bấy lâu nay bị bà cụ theo dõi mà không hay.
Tôi lúng búng chối:
- Thưa Cụ đâu có! Tôi đang mua sách đấy chớ!
- Ấy! Cậu không qua mắt được chúng tôi đâu! Cô
K.B đã biết cậu đeo đuổi cô ấy từ lâu rồi! Chờ mãi chả thấy cậu nói năng gì,
khiến người ta cứ sốt cả ruột!
- Dạ thưa Cụ! Tôi sợ… tôi sợ… Tôi ấp úng thú
nhận.
- Sợ cái gì! Nhớn rồi! Này, tối nay đúng tám giờ
ba mươi, cậu có mặt ở đây nhé! Tôi sẽ nói giúp cho. Nào! Cậu có bằng lòng không
nào?
- Dạ… dạ… Tôi sướng rên lên, nói không ra lời,
cứ lắp ba, lắp bắp trong miệng như thằng cà lăm khiến bà Cụ cười phá lên rõ to,
làm cho bà Nguyễn Lê và cô K.B quay nhìn về phía tôi với ánh mắt tinh nghịch
pha chút diễu cợt, càng khiến tôi lúng túng tay chân. Mặt tôi lúc đó chắc còn
đỏ hơn mặt Quan Công.
Tôi không ngờ cái chuyện làm quen và yêu nàng
K.B đến với tôi thuận buồm xuôi gió đến như vậy. Từ lúc bà Cụ mớm lời cho đến
tám giờ tối, quả là một thời gian lâu chưa từng có trong đời tôi.
Lòng tôi cứ nôn nao, rộn ràng sung sướng. Sự vui
sướng kéo đến từng đợt như những con sóng vỗ vào bờ, hết con này đến con khác,
làm cho tôi cứ ngây ngất như uống men say. Càng về chiều tôi càng hồi hộp. Tim
ngực cứ đánh loạn nhịp. Lúc nhịp bảy, lúc nhịp ba. Loạn cào cào, châu chấu.
Chưa đến tám giờ là tôi đã diện bộ đồ kẽng nhất,
ngắm trước, vuốt sau bộ cánh. Nói cho xôm, thêm vẻ trang trọng chứ thật ra nó
chỉ là bộ đồ học sinh, quần kaki xanh nước biển, áo sơ mi trắng vải pốp pờ lin
ba trái đào. Trên ngực trái có đính cái huy hiệu "Trường Trung Học Võ
Tánh" màu đỏ tươi. Cái huy hiệu tuy nhỏ bằng ngón tay cái nhưng lại là
niềm kiêu hãnh lớn lao cho bất cứ một học sinh nào hồi ấy đều cũng thèm muốn nó
được nằm trên trái tim mình. Đây chỉ là bộ đồ ít bạc màu và ít sờn nhất mà
thôi. Chỉ có cái đầu hớt “ca rê" trụi lũi là khó coi một chút. Lúc đó tôi
ao ước được có mái tóc chải dầu “ bi dăng tin” láng bóng của thằng Tôn Thất Ban
học cùng lớp biết bao. Nếu thêm cái mái tóc " ruồi đậu té trợt chân” đó
thì tôi sẽ càng thêm bảnh chọe mấy phần. Nhưng không hề gì! Tôi tự tin và an ủi
mình bằng mấy câu thơ của Cụ Nguyễn Khuyến trong bài " Mẹ Mốc":
"Ngoại mạo bất cầu như mỹ ngọc! Trung tâm
thường thủ tự thiên kim"
Tám giờ kém mười lăm là tôi đã lảng vảng trước
tiệm vàng Mỹ Kim phía bên kia đường, chưa dám qua. Cứ sợ bà Cụ cười. Vả lại
mình còn phải thủ tín nữa chứ! Đến sớm quá, làm sao cô K.B làm tròn bổn phận
người bán hàng ăn lương!
Cuối cùng thì cái thời gian nôn nóng đợi chờ
cũng phải đến. Tôi giả vờ lững thững bước vô hiệu sách như người nhàn tản. Bà
Cụ đã đón tôi bằng nụ cười hóm hỉnh. Tôi lỏn lẻn vừa gật đầu chào, vừa cười
gượng gạo trả lể. Đang phân vân trong bụng không biết bà Cụ đang dàn dựng vở
kịch ra sao đây. Có thật bà Cụ muốn giúp mình? Mình chưa hề trò chuyện lần nào
với bà Cụ mà. Thậm chí bà cũng chưa biết cả tên mình là gì, học hành ra sao,
lớp mấy, ở đâu, con nhà ai, gia đình thế nào? V.v…
Đó là những chi tiết tối thiểu của một thằng con
trai mà bà phải biết để định giới thiệu cho người của mình. Hay bà Cụ thấy mình
trồng cây si cô hàng sách mà khờ quá, định chơi khăm mình để làm trò vui chăng?
Có lý nào? Mình với bà không quen biết. Vả lại ít nhiều mình cũng là khách hàng
mà. Không đâu! Bà Cụ không phải là người như thế! Mà bà cần gì phải biết lai
lịch mình làm chi. Cái chuyện tìm hiểu nhau là ở hai người yêu nhau can dự gì
tới bà. Trong lúc tôi len lén liếc cô hàng sách thì trong bụng tôi, trong đầu
tôi, bộ máy chỉ huy hoạt động ráo riết không thua gì hệ thống điện tử I.B.M năm
vừa rồi Bộ Giáo Dục mới nhập ở Mỹ về để chấm thi A.B.C khoanh. Bụng tôi vừa đặt
câu hỏi thì đầu tôi trả lời liền. Mà hình như cái đầu tôi thiên vị cho tôi. Bất
cứ nghi vấn nào bất lợi cho tôi, cái bụng vừa đặt ra, là bị nó bác hết.
Bà Nguyễn Lê và cô K.B hình như cố lờ tôi. Tôi
đã có mặt trong hiệu sách gần hai mươi phút. Đã lượn quanh các kệ sách tới lần
thứ ba rồi mà chẳng thấy hai người chào mời hay hỏi han gì như mọi bận. Thần
kinh tôi bắt đầu có vấn đề. Những nghi vấn lúc nãy, cái đầu đã bác bỏ, bây giớ
nó xuất hiện lồ lộ trở lại. Cái đầu đã bị hoang mang và rối loạn không chịu làm
việc nữa. Trong bụng nhiều câu hỏi nẩy sinh quá bắt đầu đánh lô tô.
Tám giờ rưỡi. Hai cánh cửa sắt bắt đầu kéo hẹp
lại. Vài người khách cuối cùng bước ra ngoài cho bà chủ đóng cửa. Cô K.B thu
dọn mấy cái sạp trưng bày nhật báo, tuần báo gần cửa gọn vào bên trong chuẩn bị
ra về.
Giờ này chỉ mình tôi trơ lại thật là xốn xang,
nhột nhạt làm sao. Tôi không biết phải làm sao. Bỏ về chăng? Không được! Bà Cụ
chưa nói năng gì mà!
Cứ đứng đực ra đây à? Không được! Người ta đang
đóng cửa tiệm mà không chịu ra, đứng đây làm gì? Tính ăn cướp à?
Giữa cái giây phút cực kỳ bối rối ấy, bà Cụ giơ
tay ngoắc tôi lại gần:
- Này! Cái cậu gì ấy nhỉ? Lại đây tôi bảo cái
này!
Thiệt may quá là may. Đúng cái lúc tôi sắp hết
kiên nhẫn bài ca con cá: "Cũng liều nhắm mắt đưa chân. Thử xem con Tạo
xoay vần ra sao”, tính đánh bài " tẫu mã" thì bà Cụ lại ra tay đúng
lúc.
Tôi vừa bương tới, vừa mừng rơn trong bụng, vừa
vờ vịt:
- Thưa Cụ! Có chuyện gì ạ!
Bà Cụ không trả lời tôi vội. Bà thong thả gọi cô
hàng:
- Này! Cô K.B lại đây tôi bảo cái này!
Cô K.B dịu dàng, khoan thai bước tới đứng bên
cạnh bà Cụ, thưa:
- Thưa Cụ dạy con?
- Ừ! Tối nay hiệu đóng cửa sớm nửa giờ. Tôi cho
phép cô về sớm để cái cậu này đưa cô về nhà. Cô có bằng lòng không? Mà cậu gì
nhỉ?
- Dạ thưa Cụ! Con là Lộc ạ!
Tôi không hiểu sao lúc ấy tôi buột miệng nói dối
với bà Cụ bằng cái tên Lộc và dấu béng cái tên cúng cơm xấu xí do cha mẹ tôi
đặt theo thói quen của người làng chài. Xóm tôi cả trai lẫn gái không có ai có
được một cái tên đẹp. Chẳng hạn như bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Hay các loài
hoa đài các vương giả như Quỳnh, Thủy Tiên, Hoàng Lan, Mộng Điệp…
Thậm chí, con gái ông Phán Liên xinh đẹp vậy mà
cũng mang tên Bông, chớ không được tên Hoa như người trên phố. Người làng tôi
mê tín rằng đặt tên con tốt xinh thì bị Ông Bà quở. Quở có nghĩa là dễ bị ốm đau
quặt quẹo một thời gian dài rồi theo Ông Bà luôn, nghĩa là ngỏm củ tỉ.
Xóm tôi, nhà nào đông con, gia đình có hàng bán
"đồ nấu”, đứa con đầu chắc chắn phải tên là É, không cần biết nó là trai
hai gái. Rồi những đứa kế tiếp cứ theo thứ tự là Ngổ, Me, Cà, Hành, Chanh, Ớt…
Gia đình khác có ghe câu thì các con sẽ là tên các loài cá như Hanh, Dìa, Mú,
Nóc… Cũng có gia đình không dính dáng gì tới nghề mành lưới, hay bán đồ
"lê ghim" (légume) như Cậu Ba Lự nhà sát bên tôi. Cậu là chuyên viên
trong viện bào chế vắc xin ở Viện Pasteur Nha Trang. Vợ Cậu là Mợ Ba người làng
Thanh Minh, thôn nữ nhà quê. Vậy mà năm cô con gái, ngũ long công chúa của cậu,
lại mang năm cái tên mang đặc sản xóm Cồn là Bưng, Sò, Ốc, Ngao, Hến…
Chị Bưng có chồng sớm nên tên không thay được.
Còn các mỹ nữ sau này đi học đều đổi tên hết. Sò thành Sâm. Ốc thành Ngọc. Ngao
thành Nga…
Những gia đình khác thì càng bình dân hơn. Cứ
con trai là Cu. Thằng anh là Cu Lớn. Thằng em là Cu Nhỏ. Con gái thì là Gái
Lớn, Gái Nhỏ. Hoặc nôm na, mách qué hơn là Thẹp Lớn, Thẹp Nhỏ. Họ kêu réo tên
con mỗi ngày, ỏm tỏi. Hay chửi mắng chúng vang động cả xóm một cách bình thường
như ta nói đến con cá, con tôm, trái xoài, trái me… chẳng có gì là tục tĩu, dơ
dáy.
Cha tôi hồi ấy đi buôn ghe bầu, từ Nha Trang
dong buồm ra tận “Vạn Gò Bồi" ( Bình Định),“ Phe Pho” (Đà Nẵng). Mỗi
chuyến đi mất từ ba đến sáu tháng, tùy theo từng chuyến hàng. Mỗi lần về nghỉ
ngơi vài tuần để chuẩn bị cho chuyến hàng tới là Má tôi có bầu. Cha tôi không
biết chữ, cũng không dính dáng gì tới mành lưới hay me, hành, chanh, ớt cho nên
ông cứ theo mười hai con giáp mà đặt tên con. Đứa nào sanh vào năm nào thì mang
tên con vật năm ấy. Tôi ra đời nhằm năm con rắn, tức năm Tân Tỵ, thuộc mạng
kim, nói theo kiểu thầy bói Hột ở xóm Mò O, vì vậy ông đặt tên tôi là Rắn,
thằng Rắn.
Bây giờ mà tôi khai tên thật ra với bà Cụ, e bà
mất hồn, té xỉu, mất mỹ cảm với tôi chớ chẳng chơi. Khi nói dối với bà Cụ một
cách nhặm lẹ vậy tôi cứ tự khen mình hoài về cái tài sáng dạ, lanh trí có một
không hai.
Nhưng do nói dối tên như vậy, tôi không bao giờ
vào hiệu sách chung với bạn bè, sợ tụi nó thình lình kêu tên tôi, "thằng
Rắn", thì bể mánh hết. Nhất là đối người đẹp của tôi, có một cái tên rất
cao cả, bất cứ cậu học trò nào, sĩ tử nào lều chõng đi thi cũng mong muốn được
đề tên trên ấy: Bảng Vàng!
Nhưng cái sự lo lắng về cái tên của tôi thật vô
ích. Bà Cụ hỏi cho có, để biết tên tôi chỉ để dễ gọi mà thôi. Bà không thể nói
"Cái cậu gì nhỉ" mãi.
Bà Cụ quay qua bà Nguyễn Lê, vui vẻ nói tiếp:
- Này chị! Hôm nay tôi xin phép chị cho cô K.B
về sớm trước nửa giờ nhé! Tôi đã nhờ cậu Lộc này này, đưa cô ấy về nhà.
- Vâng thưa Mẹ! Cứ để cho cô K.B đi chơi với cậu
Lộc một chốc. Bà Nguyễn Lê đáp lời mẹ.
Bà Cụ hai tay vừa ẩy lưng chúng tôi ra cửa, vừa
nói:
- Thôi hai cô cậu đi chơi một tối vui vẻ nhá!
Suốt thời gian đó cô K.B chỉ đứng yên mỉm cười,
không nói một lời nào.
Khi chúng tôi ra khỏi tiệm sách, băng qua đường,
đi về hướng sân vận động, cả hai đều im lặng. Có lẽ người này chờ người kia mở
lời trước.
Thật tình tôi không biết phải mở đầu như thế
nào. Tôi chỉ biết lúc ấy người tôi sướng rên lên. Tôi không ngờ mối tình si của
tôi lâu nay tưởng khó khăn quá tầm tay, tối nay lại thành tựu một cách dễ dàng,
êm xuôi như vậy. Tôi đã tìm đủ cách để “cua” nàng, nhưng chưa bao giờ dám mở
miệng "xuất chiêu". Bây giờ bỗng nhiên "
bất chiến tự nhiên thành" thì không gì sung
sướng và khoan khoái cho bằng. Cứ im lặng như vầy đi bên nàng suốt đêm tôi cũng
đủ thỏa mãn lắm rồi. Nói chi cũng bằng thừa. Thỉnh thoảng tôi liếc trộm sang
nàng lại bắt gặp ánh mắt nàng đang liếc về tôi. Ôi! Cái đuôi mắt dài!
Chúng tôi cứ vô tình trên hai chân đi về phía
trường Nữ Tiểu Học Nha Trang, con đường Trưng nữ Vương. Quãng đường từ đình
Phương Câu đến Ty Nông Nghiệp, ngả tư đường Hoàng Tử Cảnh và đường Trưng Nữ
Vương, phố xá, đèn đuốc sáng choang, chúng tôi rụt rè đi bên nhau một cách e
thẹn. Có lẽ tôi và nàng lần đầu có chung tâm trạng của những kẻ mới biết yêu
chăng?
Khi qua khỏi trường Nữ Tiểu Học, bắt đầu đến
hãng rượu Nhiêu Bá, đường vắng dần. Bóng đèn vàng của mấy trụ đèn đường mờ mờ
và bóng mấy cây bàng rải rác hai bên đường đi giúp cho chúng tôi thêm bạo dạn.
Chúng tôi trao đổi bằng những câu nhát gừng ngô nghê, buồn cười:
- Anh đang học lớp mấy? Nàng bắt đầu để phá tan
bầu không khí tỉnh lặng quá lâu.
- Đệ tam. Đệ tam B! Tôi trả lời và còn nhấn mạnh
thêm là Tam B, để ngầm cho nàng biết là tôi "cừ" lắm mới học ban B là
ban toán
Chỉ được hai câu rồi tịt. Cả hai không biết nói
gì nữa.
Hồi lâu, đôi chân vẫn vô tình chậm bước, đã đến
ngã tư Trưng Nữ Vương và Yersin. Lại tình cờ một cách có ý chúng tôi rẽ trái
sang đường Phan Thanh Giản.
Ôi! Con đường Phan Thanh Giản sao mà thơ mộng,
lý tưởng cho những đôi tình nhân đi dạo, tay trong tay, mắt trong mắt.
Hai bên đường những cây muồng tây cao to, rợp
lá, tạo thành những vòm lá che bóng mát ban ngày và lấp lánh ánh trăng ban đêm.
Con đường vắng vẻ, yên tĩnh. Suốt cả con đường là các công sở. Bắt đầu phía bên
tay mặt là Ty Hỏa Xa, tiếp theo là Ty Khí Tượng, cuối đường là Viện Pasteur.
Phía bên trái là tường thành của trụ sở Văn Hóa Pháp, kéo dài cho đến cư xá
nhân viên Sở Thuốc ở. Tiếp theo là sân ten nít và nhà hàng Pháp Frégate. Đối
diện ngã tư phía bên kia là Ty Bưu Điện Nha Trang.
Con đường dài chưa đến nửa cây số. Mặc dù chúng
tôi đi chầm chậm đếm bước bên nhau mà phút chốc đã đến cuối đường. Chúng tôi đi
vòng lại. Lần thứ nhất.
- Cô năm nay học lớp mấy rồi? Tôi lập lại câu
hỏi cũ của nàng, thêm chữ "rồi" vào cho có vẻ mới và sáng tạo.
- Dạ em mới học lớp đệ ngũ thì ba em bị tai nạn
mất. Em phải nghỉ học, ở nhà, kiếm việc làm để phụ với má, nuôi em. Nàng trả
lời một cách buồn rầu.
A! Tôi đã tìm được cớ để chúng tôi nói chuyện dễ
dàng và đi đến chỗ quen nhau thân tình hơn. Tôi giả vờ ân cần thăm hỏi gia đình
nàng và xin nàng kể cho nghe chuyện không may của Ba nàng, hy vọng tôi sẽ chia
xẻ được phần nào nỗi đau buồn cùa nàng. Hình như tôi điểm đúng vào bầu tâm sự
bấy lâu, nàng miên man kể cho tôi nghe câu chuyện Ba nàng có xe "poa
lua" chở rau "lê ghim" Đà Lạt - Nha Trang. Công việc đang tiến triễn
tốt đẹp được mấy năm thì một ngày kia xe bị lọt xuống đèo Ngoạn Mục. Cả Ba nàng
và tài xế đều bị chết. Gia đình nàng lâm vào cảnh bi đát từ đó. Má nàng phải
lăn lưng ra chợ suốt ngày mới kiếm đủ gạo cho bầy con năm đứa còn bé tí.
Trong lúc nàng buồn rầu kể lại câu chuyện thương
tâm của gia đình, tai tôi cứ lơ đãng nghe, thỉnh thoảng ừ hử chấm câu, cầm nhịp
cho có vẻ chăm chú nghe, đầu óc tôi lại đang phiêu bồng nơi khác. Thiệt ra tôi
thích nghe giọng nói trong trẻo của nàng và ngắm ánh trăng xuyên qua cành lá
lấp lánh sáng từng lúc trên mái tóc dài tận chiếc eo thon của nàng hơn. Nhiều
lần tôi ao ước được vuốt mái tóc nàng và được vòng tay ôm ngang cái lưng eo đó.
Nhưng không dám. Đây là lần đâu tiên được đi chơi vói nàng mà!
Chúng tôi đã đi vòng lại lần thứ ba. Có lẽ cũng
đã gần mười giờ.
Đến lúc nàng giục về tôi mới sực nhớ ra còn một
câu hỏi quan trọng mà tôi cứ lúng búng trong miệng mãi không mở ra được. Nàng
lại giục về lần thứ hai. Trong lúc cuống quýt sợ thời gian và thời cơ trôi mất,
tôi bất chợt cầm lấy bàn tay nàng, bàn tay với những ngón thon dài, nồng ấm,
mềm mại, tôi có cảm giác như đang sờ và vuốt ve lưng con mèo con. Nàng để yên
bàn tay nàng trong tay tôi, không rụt lại, mắt nàng nhìn tôi có vẻ chờ đợi và
khuyến khích. Tôi mạnh dạn ướm lời mà trong bụng run lên từng chặp:
- K.B à! Làm sao mà bà Cụ và cô biết tôi yêu
thầm, trộm nhớ cô và đeo đuổi bấy lâu nay?
Nàng bật cười khanh khách, lấy ngón tay dí vào
trán tôi và nói:
- Anh chàng học trò si tình này sao mà ngây thơ
vậy! Không những bà Cụ mà cả bà Nguyễn Lê cũng biết rõ mười mươi là có một cây
si không biết nói, trồng trước tiệm sách từ lâu rồi
Rồi nàng cười vui vẻ kể lại những chuyện buồn
cười của nhiều anh học trò vào mua sách đã lém lĩnh thả lời ong bướm, trêu ghẹo
nàng một cách cải lương, cổ điển. Khi người khách đi rồi, cả ba mới đem những
câu tán tỉnh ấy ra lập lại, cùng nhau cười ngặt nghẽo.
- Cô hàng sách ơi! Hôm nay cô đẹp như một đóa
phù dung! Cô làm ơn tìm cho tôi cuốn tiểu thuyết
" Yêu em mãi mãi". Làm gì có cuốn đó.
- Cô K.B ơi! Không hiểu sao mà ngòi viết Paker
của tôi cứ hư hoài, vài ngày lại phải tìm đến cô để mua ngòi mới! Cô có biết vì
sao không?
Nàng kể hàng lô những câu chòng ghẹo ngô nghê mà
nàng phải nghe và chịu đựng hàng ngày kèm theo những bình phẩm buồn cười của bà
Cụ và bà Nguyễn Lê. Nàng kết luận:
- Chỉ mỗi mình anh là gây sự chú ý đặc biệt cho
ba chúng tôi. Anh cứ như cóc ngậm miệng mà mắt thì cứ liếc như như sao xẹt về
tôi. Hầu như ngày nào cùng đảo lượn trong tiệm như bướm tìm hoa. Chúng tôi cứ
chờ những câu nói của anh để đem ra đùa vui. Chờ mãi sốt cả ruột. Sau cùng bà
Cụ mới cả quyết anh là cây si không biết nói nên mới tạo cơ hội giúp anh đó.
Ơn trời! May thiệt là may! Cũng nhờ cái tính
nhát gái, rụt rè mà tôi trở thành "
mèo mù vớ cá rán". Nếu không, chắc tôi cũng
sẽ mở máy tán y như những nạn nhân kia. Thuở ấy, cô cậu học sinh nào mà chả nằm
lòng tiểu thuyết "Tố Tâm" của Song An Hoàng Ngọc Phách hay "Hồn
bướm mơ tiên" của Khái Hưng.
Kể từ lúc ấy, chúng tôi trở nên gần gũi hơn. Tôi
tham lam vờ quên cứ nắm bàn tay nàng mãi. Nàng cũng quên không rút lại. Trên
đường về nhà nàng ở trong hẽm Quang Trung, nàng kể thêm cho tôi nghe những lời
khen của bà Cụ: nào là tôi đẹp trai, đứng đắn, dáng đi điệu đứng khoan nhã, có
trình độ học thức v.v…khác hẳn những cu cậu khác. Không cần biết những lời tán
dương ấy có thật hay không, tôi vẫn thấy sướng như mở cờ trong bụng.
Đến đầu hẽm, nàng đòi chia tay, hẹn ngày mai gặp
lại. Tôi nài nỉ được đưa nàng vào tận nhà, nhưng nàng vẫn nhất quyết không
chịu.
Tối hôm ấy, tôi hạnh phúc không sao ngủ được.
Tôi vui sướng lâng lâng như người say. Tôi bềnh bồng lảng đảng trên mây xanh
với hình ảnh ban tối, dưới vòm lá muồng sáng lóa ánh trăng. Mái tóc dài. Hai
cái đuôi mắt. Cái lưng eo thon. Hai bàn tay mềm mại. Và giọng nói trong trẻo
thánh thót. Cả tiếng cười reo vui như những mảnh pha lê vỡ.
Tôi đã yêu và được yêu. Tình yêu thật tuyệt vời.
Nó đến với tôi thật dễ dàng và ngọt như mật, êm như nhung và diễm tuyệt như tơ
trời.
Tình yêu của chúng tôi ngày càng phát triển theo
mỗi độ trăng. Những ngày tối trời từ hai mươi âm lịch trở đi, chúng tôi thỏa
thuận với nhau là không đi dưới vòm cây. Những ngày đó tối tăm u ám quá sẽ làm
cho tình yêu nhuộm đen theo bóng tối. Tôi hứa đưa nàng đi ngược Phan bội Châu,
lên Độc Lập, rẽ trái Quang Trung, vào con hẽm. Nhà nàng ở sâu bên trong.
Chúng tôi yêu nhau như vậy từ Hạ sang Đông, từ
Xuân sang Thu. Tối tối cứ dìu nhau đi dưới bóng lá muồng tây trên con đường
Phan Thanh Giản.
Thắm thoát mà đã sang năm thứ ba. Tôi đã đậu Tú
Tài I. Tình yêu và học vấn thi nhau thăng hoa. Nàng bắt đầu mơ về tương lai.
Nàng say sưa nói về một mái gia đình lý tưởng trong sách giáo khoa. Đêm đêm,
sau khi cơm nước xong, con ngồi học bài, cha đọc báo, mẹ kim chỉ vá may. Một
gia đình hạnh phúc tuyệt vời. Tôi mê man sung sướng theo từng lời nàng nói. Tôi
sẽ đậu Tú Tài toàn phần dễ như đã đậu Tứ Tài bán phần vào cuối năm nay. Tôi sẽ
trở thành ông Tú. Rồi ông Tham, ông Phán… Cái tương lai sáng lạn, rực rỡ huy
hoàng đang đứng đằng kia toét miệng cười và giơ tay chào đón chúng tôi.
Còn tiếp...
Một
ngày cuối tháng ba, cái tháng học trò đêm đêm bắt đầu tập uống cà phê đen để thức
khuya gạo bài chuẩn bị cho kỳ thi kết thúc mười hai năm đèn sách, nàng hân hoan
báo cho tôi một tin mừng. Nàng rạng rỡ reo vui cho tôi hay là Má nàng bằng lòng
cho tôi cưới nàng. - Má em nói:
- "
Tụi mày đã thương nhau gần ba năm rồi. Mày nói với
nó lo liệu đám cưới đi!”
Chao ôi! Tôi nghe tin vui mà như sét đánh ngang
tai. Tôi yêu nàng và chỉ biết say đắm trong tình yêu hiện tại. Tôi chưa hề nghĩ
tới chuyện làm đám cưới bao giờ. Một người như tôi, một chú nhóc học trò trung
học, tuổi chưa đầy con số mười chín, con nhà nghèo có tới mười anh em, đi học hằng
ngày với bộ quần áo bạc màu và chiếc xe đạp cũ kỹ cà tàng mà cưới vợ ư?
Thấy tôi lặng người đi với "tin vui chết
người đó" nàng nghi ngờ nhìn tôi hồi lâu rồi ngập ngừng:
- Anh không muốn hả? Anh không còn yêu em nữa phải
không? Sao nghe tin vui vậy mà sắc mặt anh khó coi quá vậy?
- Không phải anh không vui mà anh lo quá! Anh
còn nhỏ, học hành chưa xong, nghề ngỗng cũng chưa có thì lấy gì nuôi gia đình?
- Má em tính với em rồi. Bà nói: - " Sau
khi tụi mày đám cưới xong, tao cũng đỡ lo một phần. Mày với nó đi làm, phụ với
tao nuôi bầy em mầy".
Úy trời! Má nàng với nàng tính sao mà ngon lành
và dễ dàng như ăn cây cà rem vậy. Nhà tôi một bầy em đông gấp hai nhà nàng. Cha
mẹ tôi nghèo mạt rệp, cố cho tôi ăn học để mong nhờ cậy được phần nào sau nầy y
như Má nàng trông chờ ở nàng vậy. Bây giờ, theo cách tính của Má nàng thì tôi
lâm vào thế "lưỡng đầu thọ địch" rồi. Chỉ còn cách "chết cửa tứ"
mà thôi.
Bây giờ tôi mới hiểu được nỗi lòng của ông nhà
thơ nào đó, chắc cũng đã giơ hai tay lên trời mà than như tôi bây giờ: -
"Đôi ta yêu nhau đà rất nặng, mà lấy nhau thì chẳng đặng!".
Hai tháng sau, chẳng thấy tôi ừ hử đá động gì tới
chuyện làm đám cưới, nàng trao cho tôi một tối hậu thư:
- Má em nói – “ Từ đây đến cuối năm, nó không cưới
mày thì tao gả mày cho một anh giáo sư. Anh này đã nhờ người mai mối rồi".
Cho dù tôi đã đem hết nỗi lòng ra tỏ bày vẫn
không sao thuyết phục được Má nàng hoãn cho tôi vài ba năm nữa để tôi có thể lập
nghiệp xong, có nghề nghiệp vững chắc đã. Bà cũng có cái lý chính đáng của bà:
- Tôi cũng thương và thông cảm cho cậu. Nhưng
vài ba năm nữa là biết chừng nào? Liệu lúc ấy cậu có còn thương em nó nữa
không? Lúc đó em nó cũng đã qua tuổi xuân con gái rồi, tội cho nó, tội cho thím
mà cũng tội cho bầy em khốn khổ của nó nữa! Nó bây giờ là trụ cột gia đình. Cậu
thiệt lòng thương em nó thì hãy nói với nó một tiếng để nó yên lòng đi lấy chồng.
Gia đình thím cám ơn cậu lắm lắm.
Quả thật tôi không còn cách nào hơn là "bậm
môi nuốt trọn con tôm càng" mà khuyên nàng vâng lời mẹ. Tôi gồng mình đóng
trọn vai quân tử Tàu trong vở kịch bất đắc dĩ. Vở kịch này sẽ có cái kết
"có hậu" như mọi chuyện dân gian khác.
Cuối năm đó, nàng lên xe hoa về nhà chồng. Nghe
nói chú rể là một giáo sư dạy triết ở trường Bá Ninh. Chồng nàng là người đàn
ông hiền lành, gương mẫu. Một nhà mô phạm đúng nghĩa. Gia đình nàng nhờ sự giúp
đỡ tận tình của anh con rể mà dần dà khá lên. Chồng nàng xin được cho nàng một
môn bài bán gạo lẻ. Ngoài giờ dạy học, chồng nàng còn cần mẫn nuôi đàn gà công
nghiệp để tăng thêm lợi tức.
Tất cả những chi tiết rời rạc trên tôi chỉ nghe
nói lại. Cuối năm đó, quá khổ đau cho mối tình đầu vì sự bất lực của mình, tôi
lang thang suốt ngày dưới bãi biển, không còn tâm trí nào trong việc học hành.
Tôi rớt kỳ thi năm ấy. Và bỏ đi xa trước khi
nàng lên xe hoa.
Không biết nàng vui hay buồn? Tôi thầm mong nàng
vui với hai câu thơ cổ:
" Khấp như thiếu nữ vu qui nhật. Tiếu tự
văn nhân lạc đệ thì"
Hai năm sau tôi trở lại Nha Trang, đi tắm biển,
tình cờ gặp lại nàng cũng đang tắm với chồng. Vẫn tiếng cười reo vui như pha lê
đó, vẫn đôi mắt dài đuôi đó, nàng hồn nhiên giới thiệu tôi với chồng nàng:
- Đây là anh Lộc, bạn hồi xưa, còn đây là chồng
em.
Rồi nàng để cho chúng tôi nói chuyện, nàng tiếp
tục phóng mình xuống biển, đùa với sóng nước cùng các bạn khác.
Chồng nàng lớn tuổi hơn tôi. Già dặn và chững chạc
với đôi kính cận dày cộm. Giáo sư triết mà. Còn tôi vẫn chỉ là anh học trò nhỏ
với hai bàn tay trắng. Một chiếc bèo trôi lang thang chưa có nơi nào để bám rể.
Một con thuyền lênh đênh chưa có bến để dừng.
Câu chuyện giữa tôi với chồng nàng nhạt phèo sau
mấy câu xã giao có lệ, rồi chẵng biết nói gì hơn. Tôi giơ tay chào nàng ra hiệu
từ giã.
Nàng vội chạy lên bờ để nói với tôi mấy lời chào
chia tay. Chồng nàng đã xuống biển tắm. Nàng nhìn tôi cười nói như không. Chứng
tỏ nàng đang sống trong hạnh phúc. Tôi nhìn kỹ lần chót đôi mắt nàng để ghi nhận
trong tâm khảm hai cái đuôi mắt dài, mong nó sẽ là bức ảnh kỷ niệm lâu bền
trong tim tôi. Sau hai đuôi mắt ấy bây giờ đã có mờ mờ những vết chân chim.
Sách tướng " Người đàn bà trong tướng mệnh
học” đã nói nhầm. Những người con gái có đuôi mắt dài sẽ khổ lụy vì tình đã
không linh ứng. Chính tôi mới là kẻ khổ lụy vì tình. Tôi đâu có đuôi mắt dài.
Tôi phải đi tìm cuốn tử vi “ Người đàn ông trong tướng mệnh học” để xem lại cái
tướng số của mình mới được.
Song tôi nghĩ lại, cũng chẳng cần tìm sách tướng
làm chi cho tốn công, nhọc sức. Cái tuổi Tân Tỵ của tôi đã nói rõ lên điều đó rồi.
Chẳng phải “tân” là gian truân, khổ ải, lận đận, lao đao một đời là gì?
Dẫu sao đi nữa, hơn bốn mươi năm qua, mối tình đầu
của tôi cho đến nay nó vẫn cứ còn đẹp như một bài thơ. Một bài thơ ngọt ngào
như mật ong và nhẹ như tơ trời vẫn còn bay lượn đâu đó trên vòm lá muồng tây rợp
bóng, trên con đường tình Phan Thanh Giản một thuở yêu nhau .
Nguyễn Thanh Ty
304Đen – llttm - YD
No comments:
Post a Comment