Hồi Nhỏ Đi Cầu Dừa
Nhà bà cố ở mỵ mỵ trong cái “vịnh thằng Chệt”.
Đó là một khúc quanh của kinh Vàm Giòng do Tây đào để tháo nước phèn ra
sông cửa Tiểu. Tại chỗ quanh này, có một anh tàu bơi qua kinh, bị nước cuốn
trôi chết chìm. Không ai biết anh ta từ đâu đến, không một ai đi nhận xác, dân
trong xóm chổi đót , làm phước đem chôn, gọi tên cua quẹo là “vịnh thằng
Chệt”. Mấy chục năm sau thành tên trong bản đồ địa chính Tỉnh Gò Công.
Sáu chục năm trước, lúc mới 6,7 tuổi, mỗi lần xuống xe đò Thiên
Thành chạy đường Chợ Lớn-Gò Công, ghé Chợ Giồng là ngoại phải bắt đầu đi bộ về
nhà bà cố qua hơn cả chục cây cầu dừa.
Miệt vườn của Gò Công là xứ dừa. Dừa xanh rợp bóng mát cả mấy làng liên
tiếp từ làng nọ sang làng kia. Kinh rạch dẫn nước vào mương nhỏ nuôi dừa
làm đứt đoạn đường đi nên cũng được dân chúng dùng dừa làm cầu. Ở chợ Giòng
không có cầu “khỉ” mà chỉ có cầu dừa. Cầu “khỉ” được làm bằng những cành cây
tạp nhỏ, thân chỉ bằng 1/3 thậm chí ¼ thân cây dừa. Nhiều cây cầu khỉ phải chấp
2,3 thân cây cột chụm lại mới chịu được sức nặng của người. Còn nếu khỉ có đi
qua thì rất dễ dàng vì thân nó nhẹ. Đó là lý do cầu có tên là “cầu khỉ”.
Ở xứ của ngoại chỉ có cầu dừa, bởi dừa nhiều vô số kể. Cây dừa lão thân
dài 4,5 thước, thẳng băng, chịu nước, cả chục năm chưa mục, dùng làm cầu chắc
chắn, bốn năm người đi một lúc cũng êm re !
Ấy vậy mà lần đầu đi cầu dừa ngoại không thấy “êm re”, trái
lại rất sợ. Thân cây dừa rất to, gấp 3 lần bàn chân của một cậu bé 6
tuổi, thế nhưng cậu phải lột đôi dép sandal da có quay hậu đi trực tiếp bằng
hai bàn chân đỏ hồng, không một vết nức nẻ của dân Sài Gòn (khác hẵn bàn
chân đen đúa đi ruộng mốc cời của thằng Cu con chú 5 làm vườn). Cậu bé Sài Gòn
quấu mấy đầu ngón chân xuống thân cây dừa, một tay nắm đôi dép, tay kia vịn vai
thằng Cu mình trần trùng trục mặc quần xà lỏn đi trước. Cứ thế mà lần
từng bước, trông rất khổ sở.
Mặc dù người ta có làm một tay vịn chạy dọc cạnh cây cầu, nhưng cậu bé
Sài gòn không thể với tới, nên phải vịn một cậu bé bằng tuổi mình, nhưng là dân
“thổ địa”, chuyên lội ruộng !
Gần tới nhà bà cố, vừa mừng, vừa run, lúc đó lại thấy lạnh giò, quíu
cẳng. Cảm giác ấy có được khi nghe thằng Cu vừa đi vừa kể chuyện lai lịch
cái tên “vịnh thằng Chệt”. Cậu bé Sài Gòn tưởng tượng bóng dáng “thằng Chệt”
chết trôi đang thấp thoáng, lặn ngụp đâu đó dưới bóng nước lấp loáng bị nắng
trưa lóm đóm chen kẽ lá dừa in hình dưới mương… !
Bất chợt bầy chó trong sân nhà bà cố sủa rộ khi nghe tiếng người làm cậu
bé thấy yên dạ, mừng húm. Cây cầu dừa sau cùng rốt cuộc cũng đưa đến sân nhà bà
cố. Tới nhà rồi !
Kinh Bồng Trần Công Bình
304Đen – llttm - tvvn
No comments:
Post a Comment