Tản Mạn Về Đôi Mắt
Tác
giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định
cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại
Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô
và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
***
Thuở
chào đời tôi vốn không phải là cô bé trắng trẻo xinh đẹp, nhưng vẫn được ba má
gọi là búp bê, vì cả khuôn mặt bé bỏng chỉ có đôi mắt là to tròn và màu nâu rất
linh hoạt.
Lớn lên, dĩ nhiên cũng chẳng là cô gái sắc nước hương trời nhưng được bạn bè
hay gọi là mắt nai. Đôi mắt đã cùng tôi trải qua và chứng kiến biết bao vui
buồn, thăng trầm của cuộc đời. Và đôi mắt cũng thật quan trọng trong nghề
nghiệp tôi đang có. Một nghề mà trước đây tôi chưa hề mơ ước, không hề nghĩ đến
vậy mà nó đã giúp tôi tạo dựng sự nghiệp, đứng vững trong xã hội. Có mái nhà để
ở, có phương tiện đi lại tương đối tốt. Đời sống tạm gọi là cơm no áo ấm. Nếu
biết dành dụm chút đỉnh thì cũng có thể giúp đỡ một vài người bạn hay bà con
khi ngặt nghèo. Tôi luôn biết ơn Hồng Phước tổ tiên cũng như đất nước tự do này
đã cho tôi cơ hội làm lại cuộc đời. Mỗi tuần 40 giờ ở văn phòng, cuối năm tôi
vui vẻ đóng thuế, không hề đòi hỏi hay xin xỏ thêm một quyền lợi gì. Với tôi
thế là đủ. Hai mươi sáu năm không hề chán nản.
***
Năm 1995, Tôi là một công nhân khâu đóng gói của Công Ty In Vé Số & Thiết
Kế những trò chơi Trí Tuệ trên mạng internet. (Scientific Games)
Tháng
7 năm 1998, sau ba năm vừa học vừa làm, tôi nộp đơn vào Phòng Kiểm Nghiệm
(Quality Control) Công việc này rèn cho tôi tánh tỉ mỉ, cẩn thận. Tôi vốn là
người cần mẫn và thích học hỏi, có thể nói đây là môi trưởng tốt để tôi trau
giồi kỷ năng và tìm cơ hội tiến thân.
Không bao lâu sau, công ty mở rộng, Phòng Phim cần thêm nhân viên, tôi được
tuyển chọn vào làm việc ở văn phòng, với công việc một Proof- Reader (Đọc &
Kiểm tra bản in).
Thấm thoát đã 25 năm trong nghề này, kinh nghiệm chiến trường dày dạn đủ
để tôi có thể tự tin nhẹ nhàng, thư thả mỗi tuần bốn ngày đi đi về về với công
việc quen thuộc mà tôi yêu thích trong vòng 4 năm nửa, chờ ngày về hưu. Tôi yêu
công việc, chưa hề thấy mệt mỏi, chán nản hay muốn bỏ nghề vì tôi luôn tìm thấy
niềm vui mỗi ngày.
Dù thời đại khoa học kỹ thuật tân tiến, máy móc đã được cài đặt những ứng dụng
mới để điều chỉnh các lỗi về văn phạm, ngữ vựng ... nhưng đôi mắt mới là công
cụ chính giúp tôi tìm được những lỗi rất nhỏ, bắt buộc phải sửa trước khi bản
in được hoàn thành. Có thể tự hào mà nói là chưa bao giờ có một bản in nào qua
sự kiểm tra của tôi mà phạm sai lầm ảnh hưởng đến công việc ấn loát; gây tổn
hại cho Công ty. Bà Giám đốc bộ phận đã từng gọi tôi là: Eagle Eye Lady - Người
Phụ Nữ có đôi mắt Diều Hâu- Tiếng Việt mình thời nay bọn trẻ thường gọi là
Thánh Soi!
Tuần rồi, vẫn công việc hàng ngày sao tôi thấy uể oải, hình ảnh,
chữ nghĩa cứ mờ nhạt. Những tấm bảng mẫu cứ méo mó; không vuông, không
tròn, không chữ nhật ... lạ quá. Tôi mở kiếng cận ra nhìn gần vào monitor...
Hình như có gì sai sai.
Tan sở, trên đường về, tay lái của tôi cũng mất tự tin. Tôi ghé
vào phòng bác sĩ khám mắt. May quá, phòng mạch vẫn còn đón bệnh nhân, tôi điền
hồ sơ rồi ra xe ngồi vì phòng mạch chỉ tiếp từng bệnh nhân một. Sau khi khám cô
bác sĩ vẫn không thấy gì khác với lần kiểm tra mắt gần đây của tôi. Cô đưa tôi
qua một phòng khác để làm scan. Kết quả nhanh chóng cho biết võng mạc của tôi
không bình thường, chắc chắn cần đến can thiệp của bác sĩ chuyên khoa về võng
mạc. Cô chỉ cho tôi hình ảnh được scan trên monitor. Nó không tròn trịa như
bình thường mà có phần dày cộm ở một phía khiến hình ảnh thu nhận qua mắt tất
cả đều méo mó.
Tôi ra về trong lo âu, phân vân với tờ giấy giới thiệu đưa đi gặp bác sĩ chuyên
về võng mạc của một bệnh viện lớn. Tối đến, tôi hỏi đại ca Google: những bệnh
liên quan đến võng mạc? Thì ra hiện tượng này là triệu chứng một căn bệnh cần
phải điều trị gấp, nó nguy hiểm đứng thứ hai -sau đục thủy tinh thể - trong các
nhóm bệnh gây mù lòa. Trong đó thường gặp là bệnh bong khô võng mạc, bệnh võng
mạc tiểu đường, bệnh võng mạc tăng huyết áp ... mà nguy hiểm nhất là Macular
Degeneration, tiếng Việt gọi là thoái hoá điểm vàng (điểm sáng)
Ui cha cha nghe nói đã ù tai, lên huyết áp rồi.
Hai ngày cuối tuần đi qua trong mờ ảo và mệt mỏi vì lo âu. Sáng thứ hai vào đến
sở là tôi gọi điện thoại vào bệnh viện làm hẹn. Kết quả không như ý vì ngày sớm
nhất được gặp bác sĩ là 31 tháng 7. Phải chấp nhận thôi, thời buổi bệnh dịch
Covid lan tràn, mọi thứ đều bị chậm lại. Ngày làm việc của tôi qua đi trong khó
khăn vì cứ phải chăm chú đọc các bản vẽ, chữ nghĩa bằng một mắt bình thường và
một mắt méo mó. Giờ ăn trưa tôi nhắn tin cho cô bác sĩ mắt của mình hy vọng nhờ
cô liên lạc để giúp có thể hẹn sớm hơn không vì tôi cảm thấy khi lái xe cũng
chập choạng khó chịu.
Thứ ba, tôi cũng dậy sớm lái xe đi làm mà lòng bất an, không biết
tình trạng này kéo dài thì mình có chịu đựng được không. May quá, trưa, tin
nhắn từ cô bác sĩ: “Em đã nói chuyện với Dr. Chị sẽ đến gặp ông ấy sáng mai
9:00”.
Tôi vội vàng gặp sếp để trình bày, những người làm chung phòng đều biết tình trạng
đôi mắt của tôi hai ngày nay nên việc xin nghỉ gấp cũng không có gì trở ngại.
Sáng thứ tư tôi lái xe đến nhà con gái để nhờ con đưa vào bệnh viện, vì biết
chắc khám mắt xong thì loại thuốc nhỏ vào đồng tử thường khiến mắt mờ đi; kỵ
ánh sáng, tự mình không thể lái xe về được.
Văn phòng có tấm bảng: Xin lỗi Vì tình trạng bệnh dịch, chỉ có
bệnh nhân cần gặp bác sĩ mới được vào phòng. Con gái ra về. Tôi ngồi điền giấy
tờ, năm bảy loại đơn... Rồi cũng đến phiên mình. Lại vào phòng khai bệnh, cân
đo... thử tiểu đường, kiểm tra tầm nhìn. Hết scan mắt đến đo mắt, thử tiểu
đường ... Hỏi và trả lời liên tục. Đau đầu. Đến 1 giờ trưa thì bác sĩ mới
vào xem hồ sơ, nhìn hình ảnh được scan qua monitor..., ông cho mời thêm một bác
sĩ nửa; được giới thiệu là chuyên gia về mắt. Ông bác sĩ dù đã xem hồ sơ vẫn
hỏi lại rất tỉ mỉ: Công việc của bà là gì ? Bà đeo kính cận năm bao nhiêu tuổi?
Bà cảm giác tầm nhìn bị méo mó khi nào? Bà có bị tiểu đường không ...?
Nghe tôi trả lời xong ông hỏi câu sau cùng: Ai đưa bà đến đây? Tôi muốn
gặp con gái bà! Vui lòng gọi cô ấy đến ngay, còn riêng bà, tôi chỉ muốn nói là:
Bà sẽ là bạn của tôi từ nay cho đến cuối đời!
Ông bác sĩ làm tôi hồi hộp quá.
Chừng 30’ sau con gái tôi đến. Bác sĩ kéo ghế để mẹ con đều nhìn rõ màn ảnh.
Trong phòng còn có hai bác sĩ trẻ thực tập và ông bác sĩ chuyên gia về các căn
bệnh làm mù mắt. Phòng khám như một lớp học, bác sĩ cầm cái mô hình mắt và
giảng giải: Đây là tròng mắt, thủy tinh thể, đây là võng mạc ...Rồi ông chỉ vào
màn hình: Đây là scan võng mạc của bà, những tia máu nhỏ tụ lại ở điểm này là
không bình thường... Mắt bên trái bị nhẹ, mắt bên phải đã có hiện tượng tụ máu
sau võng mạc.
Theo bác sĩ thì những gì đang thấy đây không phải mới bị mà là quá trình chừng
10 năm trước. Không do tiểu đường hay huyết áp, chỉ là hành trình mắt bị thoái
hoá mà tôi là người trong số hiếm, xui xẻo mắc phải chứ không hẳn mắt lão
hoá nào cũng bị.
Thỉnh
thoảng ông ngưng lại: Mẹ và con gái, có câu hỏi gì không?
Thật ra, những gì chúng tôi thắc mắc thì ông đã giảng giải rồi.
Đây là một trong những căn bệnh nguy hiểm, chưa có thuốc chữa trị vì nó không
có nguyên nhân gây bệnh. Có thể tạm gọi là thoái hoá điểm vàng ở võng
mạc. Đã là thoái hóa thì chẳng có nguyên nhân và thuốc Tề Thiên Đại Thánh
cũng không chửa được. Điều đáng buồn là 10% trong số bệnh nhân của căn bệnh này
có nguy cơ mù vĩnh viễn.
Cách duy nhất để làm chậm sự tăng trưởng, giữ lại ánh sáng bình thường cho con
mắt còn lại, là tôi phải đến gặp ông năm tuần một lần để chích thuốc trực tiếp
vào tròng mắt bên phải, cho đến ngày tôi xuôi tay nhắm mắt. Ông nhìn tôi:
- Bà nhớ nhé. Trừ khi thế gian này có kỳ tích!
Trước đây tôi thường đưa ba tôi đến chích thuốc sau hai đợt thay
thủy tinh thể cho ba; vì trong võng mạc của ba có đốm nước. Nếu không điều trị
sẽ mất ánh sáng. Sau chừng vài đợt chích thuốc thì Ba tôi khá hẳn, ba có thể
đọc sách được. Cũng chính bác sĩ này, hôm đó ông đã bắt tay tôi và nói: Bà đừng
khen tôi giỏi, đây là một kỳ tích. Tôi không ngờ là thị giác của ông cụ có thể
hồi phục nhanh như thế!
Tôi nhớ lại những lần ba ôm mắt đau đớn sau khi chích thuốc và ôm đầu lăn lộn
trên đường về, tôi hình dung mai này mình cũng vậy. Và tôi tự nhủ: Ba chịu được
thì mình cũng gắng thôi.
Con gái sau khi nghe bác sĩ giảng giải, đưa cho một mớ giấy tờ về
nhà nghiên cứu đã ra về. Tôi tiếp tục ở lại để chờ gây tê tròng mắt hai lần
trước khi bác sĩ ra tay 5 giây nhanh như chớp chích mũi thuốc đầu tiên cho tôi.
Mọi việc diễn ra nhanh chóng hơn tôi tưởng tượng. Cô y tá nhẹ nhàng lau mắt cho
tôi, khiến đớn đau qua đi trong êm ái. Bác sĩ vui vẻ chào tôi trước khi ông rời
phòng: Tạm biệt bạn thân, hẹn gặp bà 5 tuần tới.
Tôi rời phòng bệnh sau khi hoàn tất mọi giấy tờ. Ra hành lang nhắn tin cho con
gái đến đón.
Đây
là một trung tâm y tế chuyên khoa, bệnh nhân đến đây thường do bác sĩ gia đình
giới thiệu. Tại đây có valet parking. Bệnh nhân, nhân viên điều trị, bác sĩ ...
ra vào liên tục. Cuối hành lang là một pharmacy lớn. Hai dãy ghế dọc theo lối
đi xen kẻ những chậu hoa khoe sắc thắm tươi. Tôi ngồi xuống chiếc ghế cạnh bồn
hoa. Đầu tôi bắt đầu nhức vì mũi thuốc tê đã tan. Tuy ánh nhìn còn nhoè nhoẹt
mờ mờ tôi vẫn thấy được bầu trời đầy những cụm mây xanh trắng hai màu,
gió thoảng nhẹ, ít nóng. Thấp thoáng qua lại trước mắt tôi những bộ áo quần đẹp
đẽ, tung tăng. Các cô, các bà đến bệnh viện vẫn giữ vẽ bề ngoài tươi tắn. Có
ông cụ đeo bình dưỡng khí mà vẫn áo quần thẳng nếp, nụ cười tươi trên môi. Có
cô gái chân chống nạn mà trên người vẫn đầy trang sức và chiếc áo đầm thời
trang. Người ngồi chờ, người đến đón ... ai cũng tươi vui. Và tôi ... cũng
nguôi ngoai với những lời vừa nghe từ vị bác sĩ chuyên khoa.
Buổi tối, chúng tôi có bữa ăn chung gia đình mừng sinh nhật cô em
gái. Cả nhà ai cũng sững sốt, chỉ trong vòng 5 ngày mọi thứ đã đảo lộn. Quá bất
ngờ! Tôi chưa hề nghĩ một ngày phải từ bỏ công việc để nghỉ hưu sớm; vậy mà bây
giờ tôi lan man suy tính.
Suy
nghĩ về căn bệnh mà mình phải sống chung đến suốt đời, tôi nghĩ đây là một hạn
chế, một thiệt thòi mà tôi phải gánh chịu một mình. Tuy không đưa đến mất mạng
nhưng cũng khiến tôi mất thăng bằng trong đời sống hàng ngày.
Tôi vốn là người yêu văn chương, thích nhất là đọc sách. Bên cạnh đó là tập
tành viết những câu chuyện vụn vặt vui buồn trong đời sống của mình và của bạn
bè, đưa ra những thông điệp để cùng nhau học hỏi. Với tôi, viết cũng là một
cách chia sẽ buồn vui, kinh nghiệm. Có nhiều chuyện tôi không bày tỏ được nhưng
viết xuống thì dễ dàng hơn. Tôi giải toả căng thẳng của mình qua những dòng
chữ.
Từ
nay, việc đọc sách đã là khó khăn. Viết, càng khó hơn nửa vì đôi mắt mất thăng
bằng. Cố gắng một chút cũng khiến nhức đầu. Thôi thì suy nghĩ tích cực một tí,
không niềm vui này thì mình tìm niềm vui khác như là niềm vui với thiên nhiên,
hoa lá cỏ cây.
“Chúng ta có thể tự tạo ra một cuộc sống lạc quan, tích cực cho mình. Người
hạnh phúc không phải được sanh ra và sống trong môi trường đầy thuận lợi; mà đó
là người có thái độ sống thích nghi cho bất cứ hoàn cảnh nào” (ST)
Xứ tôi ở bốn mùa đều đẹp. Mùa Xuân hoa anh đào khỏe sắc, mùa hạ
hoa Tử Vi bằng lăng từng chùm trắng, đỏ, hồng, tím... lao xao trong nắng hạ.
Cuối mùa thu lá cây vàng rực những nẻo đường, đồi núi. Phong cảnh thật
lãng mạn nên thơ. Mùa đông không nhiều lắm nhưng vẫn có hoa tuyết rơi rơi, bám
lên những cây thông xanh sừng sững với những dây đèn lấp lánh đủ màu báo hiệu
mùa Lễ Giáng Sinh An lành.
Bao
nhiêu năm trôi qua, bao nhiêu mùa hoa, mùa lá... Vậy mà năm nào tôi cũng thấy
cảnh vật nơi đây đẹp lạ lùng. Nhiều khi ngắm cảnh đẹp, tôi thầm tội nghiệp cho
những ai không may bị mất ánh sáng của đôi mắt.
Thôi thì ... nếu mình không thay đổi được hoàn cảnh thì hãy tự thay đổi suy
nghĩ của mình.
Và ... hãy tin vào những kỳ tích của cuộc sống!
Tôi nhất định không buồn, không gục ngã. Không than oán. Đôi mắt ba má ban tặng
thuở chào đời tôi đã chăm sóc đàng hoàng. Biết nghề nghiệp của mình phải dùng
mắt tỉ mỉ hàng ngày; nghĩ đến câu “sanh nghề tử nghiệp” tôi thường tìm hiểu ăn
uống những trái cây để bồi dưỡng cho mắt, hạn chế chất ngọt; kính mắt tôi dùng
cũng chọn loại tốt, tôi quý đôi mắt của mình như một vật báu. Cứ thế, tôi sống
vui vẽ yêu đời, nhẹ nhàng thoải mái ... chờ ngày nghỉ hưu! Tất cả những gì tôi
trải qua cho dù đưa đến kết quả ngày nay thế nào, tôi đều không hối hận. Vì tôi
đã tận tâm tận sức.
Tôi cũng biết Trời Phật đã cho tôi quá nhiều. Một chút hạn chế này ở tuổi trên
60 cũng nên vui vẽ mà sống chung với nó. Một ngày thức dậy vui hay buồn là do
mình chọn lựa. Tập thích nghi với nó, nếu không mình chẳng thể thay đổi cho khá
hơn được.
Cám ơn cái ngày 15 tháng bảy năm 2020; từ 9 giờ sáng đến 3 giờ
chiều; cám ơn những y tá, bác sĩ; đặc biệt là Bác sĩ Nhất Anh Hồ luôn nhẹ
nhàng, tận tâm với tôi. Trải qua biết bao xét nghiệm mệt nhoài để rồi nhận cái
kết quả ... có thể nói là kinh hoàng nhưng tôi vẫn còn bình tỉnh. Tôi ... tịnh
tâm, vui lòng chấp nhận. Ngay cả khi viết cho xong những điều này ra với tôi đã
là một cố gắng. Dẫu biết cuộc đời mình có nhiều người thương yêu, quan tâm
nhưng “nhân vô thập toàn”, chắc rằng cũng có nhiều kẻ không ưa mình. Bạn bè,
người quen biết tin này sẽ quan tâm thăm hỏi. Người không ưa mình có thể xì xào
bàn tán, buộc miệng: đáng đời!
Nhưng, tôi không sống vì cái nhìn của người khác. Xấu hay tốt, vui hay buồn tôi
đều muốn được chia. Và xin khẳng định, dù với một con mắt nhìn đời hơi méo mó
...nếu tôi biết cách sống và biết xử sự vẫn hơn những người có cả đôi mắt, đủ
thị lực mà ... tâm hồn què quặt.
Tôi muốn chỉ một lần này nói đến chuyện “đôi mắt” để bạn bè người
quen chú ý: Nên đến bác sĩ ngay khi cảm thấy tầm nhìn của mình không bình
thường. Tâm lý người cao tuổi thường ngại đến bác sĩ. Có người còn phán: Gặp
bác sĩ thì nhứt định là có bệnh; không bịnh này cũng bịnh kia. Bạn sẽ hối tiếc
đó!
Tôi cũng xin chúc mừng cho những anh chị em 60+ vẫn còn đôi mắt tinh anh, đôi
mắt cận, đôi mắt lão...liếc ngang liếc dọc không méo mó hay mờ ảo như tôi. Thêm
một nhắc nhở nửa là bạn nhớ luôn đeo kính râm khi phải đi ra ngoài trời nắng.
Tia UV trong ánh nắng mặt trời có hại cho mắt gấp mười lần ánh sáng từ computer
hay Iphone.
***
Ngày hôm qua, cảm động khi nghe được một câu vô cùng cải lương, hết sức sến
súa: “Anh sẽ đi cùng em, lúc còn thanh xuân, người ta nói phụ nữ cần một bờ
vai. Em yên tâm đi Anh nói thiệt, anh là bờ vai, là cánh tay phải và cũng là
con mắt bên phải của em cho đến hết đời.”
Tôi nhìn anh, ánh nhìn méo mó. Nếu “ánh mắt là cửa sổ của tâm hồn” thì ... “méo
đi một mắt, nửa hồn thương đau”. Chợt nhớ những câu thơ của thi sĩ Bùi Giáng:
Còn hai con mắt khóc người một con
Còn
hai con mắt một con khóc người
Con
mắt còn lại nhìn đời là không
Nhìn
em hư vô nhìn em bóng nắng
Con
mắt còn lại nhẹ nhàng từ tâm
Nhìn
em ra đi lòng em xa vắng
Con
mắt còn lại là đêm tối tăm
Con
mắt còn lại là đêm nồng nàn.
Viết
xong rồi, Tôi cảm thấy vui với
“con mắt còn lại nhẹ nhàng từ tâm
con
mắt còn lại là đêm nồng nàn”
Atlanta July 20/2020
Nguyễn Diệu Anh Trinh
MÙI CỌP
-
Anh ơi!
Tôi giả vờ ngủ.
Chúng tôi còn giận nhau. Thực ra tôi biết nàng trở về nhà vào lúc 12 giờ khuya.
Nàng cởi bộ áo lấp lánh kim tuyến treo lên móc. Nàng vào phòng tắm. Tôi nghe
tiếng chiếc gương xen nước chảy rào rào. Tôi nghe cả tiếng cửa phòng tắm mở.
Nàng nhẹ nhàng lên giường nằm cạnh. Tôi nghe tất cả, nhưng tôi thấy lúc chưa
phải để giải hòa. Chúng tôi đã giận nhau hơn một tuần nay.
-
Anh đi ngủ gì sớm thế?
Nàng khẽ chạm vào vai tôi rồi nói nghe như một lời mời mọc.
-
Mình ơi em vừa tắm xong – Nói xong nàng đột ngột lôi hẳn tôi quay lại.
Nàng nói:
-
Hôm nay em sẽ dành cho anh một sự ngạc nhiên !
Nàng ôm lấy tôi, mùi hương rất lạ thôi thúc tôi. Đó là mùi hoa hồng tôi chưa
thấy nàng dùng đến bao giờ. Tôi tỉnh ngủ hẳn. Trong lòng tôi hiện tại là một cô
gái mềm mại, dịu dàng và đặc biệt khác mọi lần là một mùi hương vô cùng quyến
rũ. Mùi thơm đánh thức mọi giác quan. Nàng biến thành một phụ nữ hoàn toàn mới
đối với tôi, và có lẽ đối với cả nàng. Tôi thấy trong cử chỉ của nàng một niềm
vui thầm kín. Mấy ngày hờn trách nhau trước đây như tan biến đi cả.
Cuộc
làm lành diễn ra như thế. Luôn luôn nàng tỏ ra là kẻ biết điều, còn tôi bao giờ
cũng vẫn là một người cố chấp. Một tuần nay chúng tôi giận hờn nhau. Sự
việc khá đơn giản.
Tôi
bảo nàng bỏ nghề. Nàng không chịu. Tôi là giáo sư dạy toán tại một trường đại
học danh tiếng. Còn nàng là một diễn viên và là người dạy thú. Nàng chuyên huấn
luyện và biểu diễn với cọp. Kể về tiếng tăm nàng lừng lẫy hơn tôi rất nhiều.
Thu nhập của nàng cũng gấp bội tôi. Nhưng tôi không chịu nổi cái nghề kỳ dị của
nàng.
Nàng nói:
"Em
yêu lũ cọp. Chúng nó yêu em và em yêu nghề. Bỏ nghề này ra em biết làm gì? Thư
ký hay bán hàng ư? Tìm một chỗ làm khó lắm. Nhưng còn tìm một thư ký thì dễ,
còn tìm một người dạy thú như em thì rất khó. Em yêu cái không khí của gánh
xiếc. Em sống quen trong cái khung cảnh này rồi".
Nàng
nói gì thì nói, tôi vẫn thấy cái nghề này nó kỳ quái thế nào.
Kể
cũng lạ cho cuộc hôn nhân này. Chúng tôi có nghề nghiệp và tính cách hoàn toàn
khác hẳn nhau. Trước khi thành hôn, đã có người bảo chúng tôi không làm sao
được hạnh phúc bên nhau lâu dài được đâu. Lúc đó cả tôi và nàng bất chấp mọi
lời khuyên. Nàng có một ý tưởng ngộ nghĩnh mà khi đó tôi cũng cho rằng vô cùng
thú vị. Nàng nói con chúng ta sẽ dũng mãnh như hổ và thông tuệ như anh!
Tôi xin kể lại buổi đầu gặp nhau. Lúc đó tôi chếnh choáng men say vì mấy cốc
rượu của sinh viên trong buổi lễ phát thưởng cuối năm học. Có một sinh viên đưa
ý kiến và được các bạn tán thành ngay: hay là chúng ta kéo nhau đi xem xiếc.
Lần cuối cùng trong đời tôi đến rạp xiếc là lúc tôi lên chín. Từ đó đến nay tôi
không để ý gì về loại hoạt động này.
Chúng
tôi bước vào rạp xiếc vừa đúng lúc một tràng pháo to hào hứng nổi lên. Nhiều
người đứng lên tặng hoa cho một cô gái đang rực sáng trong bộ áo xiếc đầy kim
tuyến. Một ngọn đèn rất sáng từ trên cao chiếu thẳng vào nụ cười rạng rỡ của
nàng. Cạnh nàng là ba con cọp to lớn nằm phủ phục. Thú thật cả đời tôi chưa bao
giờ chứng kiến một cảnh tượng hùng tráng đến thế. Một cô gái nhỏ nhắn khuất
phục được ba chúa sơn lâm! Bỗng một sinh viên ấn vào tay tôi bó hoa cẩm chướng
màu huyết dụ nó đẩy tôi: lên tặng hoa người đẹp đi thầy. Lúc đó thực tình tôi
như một cái máy. Lần đầu tiên trong đời tôi lên sân khấu tặng hoa cho một diễn
viên, mà lại là diễn viên dạy thú.
Có
lẽ nàng thấy bộ mặt ngờ nghệch và cặp mắt kính cận thị quá dày của tôi hoàn
toàn lạc lõng giữa một khung cảnh ồn ào đầy sự kích động nên nàng tặng cho tôi
một nụ cười:
"Chắc
đây là lần đầu tiên ông đến xem chúng tôi biểu diễn?"
Lại
gần, tôi thấy nàng rất đẹp. Một khuôn mặt thanh tú, mái tóc mềm óng ả như tơ.
Có một điều mà tôi cho là khác thường là khuôn mặt nàng rất tươi nhưng hoàn
toàn không một chút phấn son. Có lẽ nàng còn ánh lên trong ánh hào quang rực rỡ
của sự thành công. Phải thú nhận rằng nghề nghiệp của tôi dù thành công đến mấy
tôi cũng không bao giờ hy vọng có những giây phút được nhiều người ngưỡng mộ
như thế này. Định mệnh đã xui khiến tôi nói với nàng một câu mà từ trước đến
nay tôi chưa bao giờ thốt ra với một người phụ nữ nào.
"Tôi
vô cùng hâm mộ tài nghệ của cô. Sau buổi diễn, nếu cô vui lòng, - chúng ta sẽ
gặp nhau tại...".
Nàng
nói rất khẽ: "Xin hân hạnh".
Sau
đó chúng tôi còn gặp nhiều lần. Chúng tôi thích nhau vì cảm thấy trong việc này
có cái gì là lạ. Theo cách nói của nàng thì đấy là một cuộc kết hợp vô tiền
khoáng hậu giữa sức mạnh và trí tuệ. Cuối cùng chúng tôi quyết định đi tới hôn
nhân. Lễ kết hôn của chúng tôi thật đáng nên kể lại. Bạn phía tôi gồm toàn
thượng lưu trí thức. Mấy ông bà này rất tiết kiệm nụ cười và lời nói đùa. Trái
lại phía nàng là cả một rừng náo nhiệt. Họ uống rượu, nói cười và phá phách như
điên. Tôi bắt đầu yêu mến cái thế giới xiếc từ buổi gặp gỡ này. Anh chàng làm
hề tung hứng lấy bốn chiếc đũa biểu diễn ngay trên bàn tiệc. Anh chàng ảo thuật
lấy chiếc khăn ăn đậy lên tô xúp rồi hô: biến. Chẳng có cái gì biến ra cả. Chỉ
có biến ra một trận cười hào hứng. Mấy chàng hề tha hồ chọc cười. Quý vị giáo
sư lần hồi cũng trút bỏ bộ áo đạo mạo tham gia vào cuộc vui. Rượu chảy như
suối. Một ông giáo sư cao hứng đứng lên hát tặng cô dâu và chú rể một bài. Bài
hát Người đẹp và quái vật. Ông này muốn ám chỉ quái vật là tôi? Tôi thật xấu
trai và có thể bảo quê mùa.
Một
phụ nữ chuyên diễn màn nhào lộn hát thực to:
"Đêm
động phòng ông giáo coi chừng bị hổ vồ!"
Anh
chàng biểu diễn trên lưng ngựa cũng gào to:
"Cô
dâu nhớ mang roi dạy hổ và phòng. Nếu "nó" làm ăn bôi bác thì quất
cho mấy roi!".
Đêm
tân hôn cũng không bị hổ vồ cũng không bị quất roi nào. Nàng cao lớn và hùng
dũng trên sàn diễn bao nhiêu, lại nhỏ nhắn và mềm mại trong lòng tôi bấy nhiêu.
Tôi cũng không ngờ rằng tính tình nàng lại dịu dàng đến thế.
Nàng bảo: "Người dạy thú cần nhất là phải yêu thương và dịu ngọt với
chúng". Có lẽ tôi hiện là một con thú được nàng yêu thương chiều chuộng
đây.
Có
một điều mãi mãi còn lại trong tôi sau đêm tân hôn là từ thân thể nàng và rõ
nhất là trong mái tóc nàng có một mùi nồng hăng hắc. Sau này tôi mới biết đó là
mùi cọp. Một mùi không thể nào quên được.
Thời
kỳ trăng mật và những năm tháng qua đi. Chúng tôi sống với nhau khá hạnh phúc.
Chúng tôi có rất ít thời gian gần nhau. Mùa đông nàng lưu diễn. Tôi thường đi
đây đó dự hội nghị, hội thảo, có khi ở nước ngoài. Vì thế giây phút gặp nhau
trong ngày đối với chúng tôi hết sức quý giá. Còn nghề của nàng không bao giờ
hết những chuyện lý thú. Có hôm nàng kể chuyện con gấu Tô Tô không chịu ra
diễn. Chẳng ai hiểu vì lẽ gì. Sau mới biết hôm đó đúng là ngày loài gấu ngủ
đông. Chuyện con Đác Lắc, một con cọp cái dài hơn hai mét và nặng hơn một tạ
rưỡi mà theo nàng là một con vật duyên dáng nhất là vừa sinh lứa con đầu lòng.
Có hôm nàng kể một chuyện cảm động. Một con ngỗng trong khi trình diễn rủi ro
bị con ngựa dẫm phải. Trước lúc chết nó dang đôi cánh rộng ôm lấy chủ nó. Chủ
nó khóc sướt mướt thề rằng suốt đời không bao giờ huấn luyện một con ngỗng nào
nữa. Có hôm nàng trao cho tôi xem một bức thư tỏ tình của một anh chàng nào đó
giấu trong bó hoa trao tặng nàng...
Không
biết các bạn đồng diễn có ai chế nhạo nàng về việc chọn một ông giáo làm chồng
hay không. Còn tôi thì bị không ít lời chế diễu. Cô thư ký trẻ đẹp và chưa
chồng ở trường tôi hỏi rằng có bị vợ bắt nhảy qua vòng lửa hay không? Có cô
càng sỗ sàng thách thức hỏi tôi con cọp cái đó mỗi khi lên giường ngủ nó có cào
xé và kêu gào hay không. Đôi khi chúng tôi ra phố, thiên hạ nhìn vợ chồng chúng
tôi với cặp mắt tò mò. Tôi rất khó chịu. Về sau tôi không đi đâu với nàng nữa.
Chỉ
có một lần tôi thấy nàng tỏ ra khổ sở, lúng túng về cái nghề đặc biệt của mình.
Đó là lần chúng tôi đi dự sinh nhật một người bạn. Con chó của nhà chủ tỏ ra
thân thiện với mọi người chỉ trừ có nàng. Nó sủa vang và còn muốn cắn xé.
Quý
bà nhìn nhau như thầm bảo:
"Kìa
xé mãnh hổ đang địch quân hổ!"
Lần đó tôi thấy nàng rất khó chịu và giục tôi về sớm.
Đến
nhà nàng nói:
"Chắc
anh khổ vì cái mùi cọp của em lắm phải không?"
Đây
là lần đầu tiên tôi nghe đến đúng tên cái mùi hăng hắc này.
Tôi trả lời để an ủi nhưng chắc không thực với lòng mình.
"Không,
hoàn toàn không, anh yêu em và yêu luôn cái mùi cọp này".
Nàng cười bảo: "Anh nói dối. Em biết anh không thích. Tháng trước anh viện
cớ giường chật đòi ngủ riêng. Mọi người đàn bà được phép thơm tho còn em thì
không".
Tôi hỏi tại sao, nàng nói "Con vật, nhất là cọp, nó không nhận biết bằng
mắt mà bằng mũi. Một mùi lạ có nghĩa là một kẻ thù!"
Nàng nói với một giọng ân hận và buồn buồn: "Em biết anh rất khó chịu vì
em đem cái mùi của ác thú vào tận phòng ngủ..."
Đêm
hôm sau cái đêm nàng làm lành với tôi, nàng gặp nạn. Tôi đến nơi thì nàng đã
qua đời. Tôi đau đớn cùng cực ôm lấy nàng. Trong làn tóc nhung mượt và đen
thẫm, tôi còn nghe thoang thoảng một mùi hương hoa hồng mà nàng đã tắm hôm qua!
Dưới ánh đèn thật sáng và trong bộ áo xiếc thấm đầy máu, khuôn mặt nàng yên
tĩnh như đang trong một giấc mơ.
Tôi khóc.
Cả đời tôi không bao giờ khóc như hôm nay. Tôi thét lên thật to: "Tại sao
em biết rõ hơn ai hết mà em vẫn làm thế? Vì sự ích kỷ của tôi đấy ư?"
Tôi muốn gieo mình xuống chín tầng địa ngục để ăn năn.
Ngày
hôm sau ông chủ gánh xiếc cho tôi biết tất cả sự việc diễn ra trong cái đêm hãi
hùng ấy: "Con cọp Đác Lắc mấy ngày qua nó bệnh hoạn và trở tính hung dữ.
Hình như nó thấy chồng nó bị đem nhốt qua chuồng một con cọp cái khác. Tôi có
một linh cảm về một chuyện gì đó nên dặn cô ấy: hay là tối nay bỏ tiết mục xiếc
cọp. Nhưng cô ấy cương quyết và rất tự tin nói với tôi:
"Không,
nhất định không. Người dạy thú không cho phép mình nhút nhát!"
Rồi
nàng kiêu hãnh tiến ra sàn diễn trong một tràng pháo tay cỗ vũ nồng nhiệt. Ba
con thú tỏ ra phục tùng tuyệt đối dưới làn roi điều khiển của nàng. Theo đúng
kịch bản. Con Đác Lắc chuẩn bị nhảy qua vòng lửa. Nàng đứng trước mặt nó và
quất một roi vào không khí, con thú nhảy lên chiếc ghế cao. Nàng bước tới giơ
cao vòng lửa. Bỗng nhiên tôi thấy con thú thu mình lại. Nó nhìn nàng bằng cặp
mắt kỳ lạ. Tôi cho tay vào cây súng dưới áo mở nắp bao da. Thật là nhạy bén và
bình tĩnh đến rợn người. Cô ấy nhận ra tất cả. Cô ấy biết con thú sắp sửa tấn
công mình. Cô ấy cũng đã nhận ra việc tôi định dùng súng giết con thú.
Cô thét lên: "Đừng bắn!..."
Cũng là lúc con Đác Lắc lao vào người cô như một khối đá. Trễ rồi, cô ấy đỗ
xuống sàn diễn. Con ác thú say máu quay lại. Tôi nổ súng. Tôi nhào đến. Chiếc
áo trắng lấp lánh kim tuyến loang máu. Cả rạp như đông cứng lại trong sự hãi
hùng, tôi chỉ kịp nghe cô ta thì thào rất yếu: "Con Đác Lắc chết rồi sao?
Tội nghiệp nó, nó còn bốn con dại. Không phải lỗi tại nó. Lỗi tại tôi..."
Qua
giây phút hãi hùng đó, ban nhạc sực tỉnh, chơi một khúc quân hành rời rạc. Theo
truyền thống nghề xiếc, bất cứ lâm vào tình trạng nào vẫn tiếp tục trình diễn.
Nhưng không còn ai muốn xem, không còn ai muốn diễn. Cuối cùng ban nhạc cũng
ngừng. Rồi thì cả rạp yên lặng như một nhà mồ. Mọi người đều trông tin từ bệnh
viện. Một giờ sau nàng qua đời. Tôi lê ra sàn diễn nghẹn ngào báo tin. Khán giả
không ai chịu ra về. Bao nhiêu là hoa đặt vào nơi nàng đã ngã xuống. Mấy anh hề
hai mắt đỏ hoe thất thểu ra sân...
Quý
Thể
No comments:
Post a Comment