Wednesday, August 24, 2022

18 Thôn Vườn Trầu - Sơn Nam

 

18 THÔN VƯỜN TRẦU

 

Phía bắc thành Gia Định, rạch Thị Nghè, còn gọi là rạch Bà Nghè (tên chữ Nghi Giang, Bình Trị Giang) tuy ngắn nhưng quan trọng như một hào hố thiên nhiên. Bên kia bờ, kể từ mé sông Sài Gòn là xóm Thị Nghè (Phú Mỹ), rạch Cầu Bông ăn lên Bà Chiểu, xóm Cầu Kiệu lên chợ Phú Nhuận, khỏi chợ là vườn mít nổi danh.

 

Sơn Nam

 


Chợ Thị Nghè nằm trên đường Thiên Lý ra Trung, ra Bắc. Gần chợ, ngày xưa có vuông đất hằng năm làm lễ Tịch điền, cổ võ nghề nông. Lại còn đền Văn Thánh, thờ Khổng Tử với ngụ ý khuyến học.(1) Bà Chiểu và Phú Nhuận cao ráo, giếng nước tốt, vườn cây ăn trái chạy dài tới Gò Vấp, thêm rau cải, thuốc hút (gọi thuốc Gò, dùng phân bánh dầu) và ngành dệt, nhuộm tơ lụa (An Nhơn). Làng Hanh Thông bao trùm chợ Gò Vấp, nơi văn vật, nhiều người đỗ đạt ở mức trung bình, từ cuối thế kỷ thứ XVII đã có đình thành hoàng.

Rạch Thị Nghè ăn ngược lên Bàu Cát. Khúc ngọn này mang tên Nhiêu Lộc (nhiêu học, tên Lộc), xưa gọi Hậu Giang, nơi Nguyễn Ánh thường chọn trú binh trước khi đánh Sài Gòn. Rạch Nhiêu Lộc mang nhiều nhánh nhóc nay đã lấp, chẳng ai còn nhớ như suối Trường Bình, rạch Cầu Huệ, rạch Bà Tiệm. Nổi danh là xóm Hòa Hưng, nơi Võ Trường Toản dạy học và xóm Chí Hòa nơi Nguyễn Tri Phương đặt bản doanh.

Phía Tây Bắc của Bến Nghé, ruộng rẫy thưa thớt, nên kể khu vườn xoài Tân Sơn Nhất, gò Cẩm Đệm, chùa Giác Lâm. Đầu đường lên biên giới Việt – Cam-pu-chia, từ Sài Gòn lên Hòa Hưng, Chí Hòa, Bà Quẹo, Hóc Môn, Củ Chi, Trảng Bàng đến rừng Tây Ninh trù phú, đỉnh Bà Đen cao nhất Nam Bộ hiện ở chân trời. Con đường này làm ranh giới giữa đất phù sa cổ sông Đồng Nai và đất phù sa mới sông Vàm Cỏ, trong lưu vực sông Cửu Long. Ranh giới giữa rừng đất cao, gò nổi và khu vực trũng nhiều phèn nối qua Đồng Tháp Mười.

Tướng Tôn Thất Hiệp rồi tướng Nguyễn Tri Phương đều nhất trí chọn lựa khu đất nằm trong địa phận làng Chí Hòa và Phú Thọ nằm dọc theo rạch Nhiêu Lộc, lấy con đường đi Tây Ninh (Cách mạng tháng Tám ngày nay) làm trung tâm để xây đồn lũy vì nhiều lý do: 

– Vị trí này có thể khống chế và cắt Sài Gòn – Chợ Lớn ra làm hai khu vực, không cho thực dân bám vào nguồn tiếp tế từ đồng bằng sông Cửu Long.

– Quân đồn điền từ Gò Công, Mỹ Tho dễ tới lui xây thành, vận chuyển lương thực và tác chiến.

– Phía Bắc của Phú Thọ – Chí Hòa giáp kề 18 thôn Vườn Trầu, nơi đông đúc những người “cui cút làm ăn”, giàu nghĩa khí. Vườn Trầu xưa thuộc đạo Quang Uy, căn cứ quân sự, lỵ sở của huyện Bình Dương, đời Gia Long. Làng Thuận Kiều của khu Vườn Trầu được bố trí làm hậu cứ của Đại đồn.

Trong khoảng thời gian dài hơn một năm sau khi thành Gia Định thất thủ, quân dân ta khẩn trương xây đồn dưới sự chỉ huy của Tôn Thất Hiệp. Về sau, Nguyễn Tri Phương phát triển thêm. Nơi đặt bản doanh là đồn Trung, day mặt qua Phú Thọ. Bên tả có hai đồn, Tả tiền, Tả hậu. Hữu tiền và Hữu hậu ở bên hữu đồn Trung. Bao bọc những đồn này có lũy dày 3 mét, cao 2 mét 50, hai bên xốc cây to, giữa đổ đất. Chu vi lũy đến 12 cây số ngàn, trên nét lớn như hình tam giác với đỉnh là đồn Trung khỏi Ngã tư Bảy Hiền một đỗi (trên đường gần tới Bà Quẹo ngày nay). Hai góc của đáy sát gò Cây Mai và Nhiêu Lộc (gồm hai bờ rạch, đến sau chợ Nguyễn Văn Trỗi). Lại còn chiến hào đôi (sape double) đào sâu dưới đất, đứng ngang ngực, hai chiến hào chạy song song kề nhau, gần trùng hợp với đường Lý Thường Kiệt đến sát chùa Kiểng Phước (khoảng Trường trung học Hồng Bàng). Từ Sài Gòn nhìn lên phía Chí Hòa thấy cây to nhỏ. Ban ngày trên chòi canh treo cờ làm hiệu, ban đêm đốt lửa.

Tháng 4-1859, khi Đại đồn vừa khởi công xây, giặc thử thám sát lên gò Cây Mai, đụng với quân tuần tiễu của ta, hai bên đều bị thiệt hại. Đầu năm 1860, giặc mở cuộc tấn công nhỏ nhưng ta nắm phần chủ động, nhiều xác giặc bỏ lại. Lúc giặc yếu vì đại quân còn ở Thượng Hải, ta đào chiến hào đôi để ngăn cách Sài Gòn và Chợ Lớn; khi còn 400 mét đến chùa Kiểng Phước, giặc đem quân chiếm chùa. Đêm 3 rạng 4-7 năm 1860, tướng Tôn Thất Hiệp đánh ngay, giặc cố thủ chờ viện binh từ Sài Gòn đến giải cứu. Sau vụ tổn thất này, Tôn Thất Hiệp bị khiển trách, Nguyễn Tri Phương vào thay thế, chỉnh đốn quân ngũ và phòng tuyến.

Hơn bảy tháng sau, trong hai ngày 24 và 25-2-1861, với quân hùng hậu từ Thượng Hải về, Đô đốc Xạc-ne (Charner) tấn công vào Đại đồn, xuất phát từ Cây Mai, bọc lên Bà Quẹo, sườn Tây Bắc của chiến lũy.

Tranh vẽ thời ấy cho thấy quân Pháp bố trí từng mảng vuông, lính đứng sát vào nhau, trọng pháo do lừa kéo, sĩ quan cưỡi ngựa mang gươm, kiểu giàn trận châu Âu. Súng cá nhân và đại bác của giặc bắn xa và chính xác. Đại bác của ta bắn mươi phát chưa đậu được một hai, tuy đúc phỏng theo kiểu Tây phương nhưng kỹ thuật lạc hậu đến non một thế kỷ. Giặc dùng chiến thuật bắn từ xa, tránh trường hợp xáp lá cà vì quân ta sử dụng gươm giáo khá giỏi và can đảm. Chúng không hiểu tại sao Nguyễn Tri Phương đứng trên nóc đồn, có lộng che làm lộ mục tiêu: thái độ “cố trì”, người làm tướng thời xưa, trong giờ quyết định phải hiện diện để khích lệ quân sĩ. Bọn Pháp cũng ngạc nhiên và thán phục quân sĩ ta, khi bị thương, khi rút lui bình tĩnh. Lúc đánh Đại đồn, Đô đốc Pa-giơ (Page) chỉ huy 6 chiến thuyền lớn và một chiến thuyền nhỏ để phong tỏa dọc theo sông Sài Gòn đến tận Thủ Dầu Một, rải rác ở Bình Lợi, Bến Cát, An Lộc. Lính trên chiến thuyền có nhiều người chết, bị thương.

 Hậu cứ Thuận Kiều của ta bị chiếm; giặc đóng thêm đồn ở Tây Thới (đường làng số 6, ấp đồn); đồn này ngày 17-12-1862 chừng 600 nghĩa quân và nghĩa dân Hóc Môn – Bà Điểm bắt thang trèo vào, giết tên quan ba Thu-rút (Thouroude), một lính Pháp và gây thương tích một số đông.(2) Ngày 7-6-1866, tên quan ba Lạc-clô (Larclause) chủ tỉnh Tây Ninh bị nhử khỏi đồn chừng hơn một cây số, chết tại trận do cánh quân phối hợp của Trương Quyền và nghĩa quân Cam-pu-chia của Pu-căm- pô. Tên quan năm Mạc-xe (Marchaisise) từ Sài Gòn đến cứu viện lại bị giết. Mười bảy ngày sau ta đánh một lượt hai cứ điểm Trảng Bàng và Thuận Kiều. Thuận Kiều ở cách Sài Gòn hơn 10 cây số; khoảng 4 giờ sáng nghĩa quân tràn vào giết 1 tên đội Pháp, 1 lính Pháp và làm bị thương 7 tên. Giặc hoảng sợ, bắn súng lớn rồi báo động: nghĩa quân đang đến sát “ngưỡng cửa của Sài Gòn”. Hôm sau, tên giám đốc Nội an Nam Kỳ ra thông cáo để trấn an, rồi 7 giờ tối bọn Pháp dân sự ở Sài Gòn nhận chỉ thị mật cho biết “loạn quân” có thể xuất hiện trong thành phố, nghe tiếng súng thì phải tập trung ba bốn người vào một nhà, dựng chướng ngại vật chận cửa, bình tĩnh đối phó vì ngoài đường có lính cưỡi ngựa tuần phòng rồi.

Hôm sau, tên tổng Ca (sau lên Phủ) bắt vài người ở Hóc Môn – Bà Điểm để lập công với giặc.(3)

Từ cuối thế kỷ XVII, đồng bào ta đã đến “ngưỡng cửa Sài Gòn”, chọn thứ sản phẩm cần thiết trong sinh hoạt hàng ngày là trầu cau. Miếng trầu đầu câu chuyện của già trẻ, trai gái, không phân biệt giàu nghèo. Trầu được chăm sóc từng nọc, từng lá, thâm canh đến mức tối đa, tưới nước quanh năm. Ở đất cao, xa sông rạch, mỗi nhà hoặc đôi ba nhà có một miệng giếng, kiểu làm thủy lợi nhỏ, có nơi đào sâu hàng chục mét mới gặp mạch nước vào mùa hạn. Đồng bào sống cần mẫn, hừng đông rủ nhau gánh trầu cau và rau cải đi bán tận Bến Nghé, Chợ Lớn, về sau thì dùng xe ngựa. Dọc đường ngày xưa lại thường trực đối phó với cọp, phải đi từng đám đông, thắp đuốc đèn chai. Trên diện tích nhỏ mà tập trung đến 8 thôn, ta biết chắc mật độ dân số thời xưa đã khá cao. Cọp Vườn Trầu nổi tiếng hung dữ. Đến cuối thế kỷ XIX, thực dân qua hơn 10 năm, dân cư thêm đông đúc, ấy thế mà số người chết vì cọp vẫn còn đáng kể.

Vùng cầu An Hạ, 3 tháng có 12 người.

Vùng Hóc Môn, trong một vài tuần 4 người.

Vùng Thủ Dầu Một, trong vài tháng 8 người.

Vì còn dấu vết mê tín cổ xưa, đồng bào ta ít chịu tổ chức săn cọp; khi nào gặp những con có nợ máu thì huy động cả xóm đi ví khai, hoặc bẫy hầm. Nhà nước khuyến khích giết cọp nhưng hương chức hội tề chỉ làm lấy lệ.

Năm 1731, vùng Vườn Trầu từng là chiến trường quyết định, chận cuộc khởi loạn của Sá-tốt, từ Cam-pu- chia nhắm vào Sài Gòn.

Năm 1777, khi Nguyễn Huệ tiến quân vào Gia Định lần thứ nhứt, khu vực Tham Lương – Hóc Môn là nơi quân chúa Nguyễn và Lý Tài chịu thảm hại trước khi tháo chạy về phía rạch Chanh, Tân An.

Lúc xây đắp Đại đồn Phú Thọ, đồng bào Hóc Môn – Bà Điểm đốn cây sao, cây gõ trong khu rừng mà Triều đình cho bảo quản và tạo lập từ xưa. Rồi chuyên chở, khiêng vác đến căn cứ, công việc không dễ dàng. Khi tình hình tạm lắng dịu, tên Trần Tử Ca ra sức kiểm soát dân cư. Hồi cựu trào, hắn làm xã trưởng ở Hanh Thông (Gò Vấp) nên biết khá rành rẽ tông tích những người yêu nước.

Mười năm sau khi xảy ra những vụ khuấy rối ở Thuận Kiều, viên thanh tra hành chánh Phi-lát (Philastre, Hoắc-đạo-sinh) đến huyện Bình Long (Hóc Môn), năm 1876. Hắn báo cáo: Đường sá quá xấu, nên sửa chữa và làm thêm một số đường làng để quân đội di chuyển nhanh chóng khi hữu sự. Nên tu bổ đồn Hóc Môn và đồn Tây Thới. Đồn Tây Thới “ở đầu con đường đi xuyên qua vùng đất sình lầy và thấp tới cầu Bông rồi tới Tân Phú”. Đồn Tây Thới ở ranh phía Bắc khu rừng cây sao, cây gõ của Triều đình, về sau chặt đốn đem xây lũy Chí Hòa. Đất hoang còn nhiều nhưng thấp, đầy tranh và đưng, có thể trồng cỏ để nuôi bò. Đất cao thì cằn cỗi, thiếu phân, mỗi gốc cây thuốc chỉ bón một muỗng nhỏ. Đã có trồng cây trà, cây măng cụt. Trường thiếu học trò, phải bắt ép trẻ con đi học, tâm lý cha mẹ muốn thấy con em mình khi vào trường là được học ngay về luân lý (Khổng – Mạnh) và học chữ nho. Nhiều người Pháp xin trưng khẩn với diện tích to, theo Phi-lát bọn ấy cậy quyền giựt đất của dân.(4)

Phủ Ca bắt bớ những người bị tình nghi hoặc có tiền án chính trị. Hắn thuộc vào loại phong kiến, dùng những thủ tục mà bấy giờ giặc Pháp duy trì: vừa uống trà vừa hỏi khẩu cung, tra tấn tội nhân từng chập, tùy thích, trước mắt đông đảo người; lúc hắn điều tra cho đánh đập thì thân nhân có thể van nài, xin điều đình cho hối lộ. Để tăng giá hối lộ, hắn lại ra lịnh đánh thêm. Vợ hắn khai thác thương mãi, nắm độc quyền xe ngựa trong vùng, hắn sắp xếp đường sá ở Chợ Cầu nhằm thâu thuế và kiểm soát dân chúng. Một nho sĩ mất tiết tháo mô tả Phủ Ca “Thường khi bị bịt khăn nhiễu điều tử cú, mặt áo lót sóng khai”, “trấn nhậm tại xứ Hóc Môn, tục danh là người mười tám thôn Vườn Trầu, đang thuở ấy, bốn phía xứ Hóc Môn nhân dân phong tục nhiều người ngoan ngạnh, phần thì liền với Trảng Bàng, đất gò rộng minh mông vô hạn, quân giặc giã trộm cướp hay quần tụ vào ra”.(5)

Đa số người quần tụ vào ra Hóc Môn – Bà Điểm là yêu nước, họ gom lại hợp lý và hợp pháp, bấy giờ đang có phong trào nuôi ngựa, đào tạo nài cưỡi ngựa để cung cấp cho trường đua Sài Gòn. Lại còn nghề nuôi gà, cả ngày tụ tập lại trường gà, kiểu cờ bạc hợp pháp. Gà Bà Điểm nổi danh giỏi chịu đòn, bén nhạy, gốc gà địa phương lai với giống gà Mã Lai.

Phong trào do Quản Hớn cầm đầu được tổ chức chặt chẽ, mai phục từ lâu để bùng nổ vào đêm 8 rạng ngày 9 tháng 2 năm 1885. Đợt tấn công đầu tiên nhằm đánh chiếm, đốt dinh quận Hóc Môn, giết vợ chồng Phủ Ca. Các cánh quân từ Mỹ Hạnh (Đức Hòa), từ Củ Chi, Chợ Cầu kéo đến, đồng bào khắp mười tám thôn làm chủ tình hình nhưng phong trào không lan rộng được, bị đàn áp thẳng tay. Trước đó vào cuối tháng Giêng năm 1885 giặc đã phát hiện kịp thời cuộc mưu toan đánh chiếm Sài Gòn, cầm đầu là Nguyễn Văn Bường tự Năm Sóc, tự nguyên soái Tống cư ngụ tại Cầu Kiệu. Nguyễn Văn Bường chuẩn bị xong người và khí giới để đột nhập vào chợ Tân Định và Phú Nhuận hòng chiếm và phá hủy vài công sở. Thực dân hoảng sợ vì thấy nhiều phong trào đang khởi lên gần như có một hệ thống. Trước vụ Hóc Môn vài hôm đã xảy ra vụ bắt giết tên Trần Bá Tường (em Tổng đốc Lộc) đang làm chủ quận Long Thành (Biên Hòa) và những ngày kế tiếp giặc phải lo âu.

Đúng một tuần sau vụ Hóc Môn – Bà Điểm, nguyên soái Hiền và phó nguyên soái Trần Công Chánh lại khởi binh vào mùng 2 Tết, gom chừng 200 người, đánh chiếm công sở làng Long Hựu rồi tuần hành đến cống Bộ Bản (ranh Gò Công – Mỹ Tho). Giặc cho lính mã tà tới, cầm đầu là tên đội người Pháp. Tên đội này bị giết tại trận, bọn mã tà rút lui, Giặc cố tìm manh mối, bắt Huỳnh Văn Hiếm 61 tuổi, ông này khai từng gặp Nguyễn Văn Bường tự Năm Sóc ở Cầu Kiệu (Phú Nhuận), nhờ vậy ông biết nhiều nơi sẽ nổi dậy sau vụ Hóc Môn và vụ đánh phá Tân Định, Phú Nhuận. Đồng thời, giặc phát giác sự liên lạc giữa những người ở cống Bộ Bản với nhóm yêu nước ở Bảy Núi theo đường dây của môn phái Đạo Lành (đạo Phật thầy).

Trong suốt tháng hai năm 1885, từ rằm tháng Chạp tới rằm tháng Giêng, thực dân đề phòng không cho phong trào lan rộng. Trong toàn tỉnh Mỹ Tho, những người trước kia có cảm tình với cuộc khởi nghĩa Thủ khoa Huân đều bị bắt, luôn cả những người từng bị đày Côn Đảo, Đại Hải mãn án trở về làm ăn. Chủ tỉnh Mỹ Tho dùng tên Trần Bá Lộc tha hồ điều tra, lập hồ sơ, truy tố 75 người. Ghe buôn từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, từ Cam-pu-chia đến cũng bị cầm giữ, lục soát.(6)

Tòa đại hình Bình Hòa (Gia Định) họp xử vụ giết Trần Bá Tường ở Long Thành với một bản án tử hình, ba bán án khổ sai chung thân, bốn bản án 20 năm khổ sai, một bản án 10 năm khổ sai.

Vụ đánh chiếm Phú Nhuận và Tân Định vì bất thành nên chưa đủ bằng cớ đưa ra tòa, thực dân dùng biện pháp hành chánh ký quyết định ngày 21-2-1885 đày ra Côn Đảo, chín người từ 5 năm đến 10 năm khổ sai. Nguyễn Văn Bường tự Năm Sóc bị án đày khổ sai chung thân, chết ngày 20-1-1886 tại Côn Đảo; Nguyễn Văn Ban tự xã Ban, Huỳnh Văn Nhường tự hương Nhường đều lãnh án đày 20 năm khổ sai, cũng trong vụ này.

Tòa đại hình Bình Hòa họp liên tiếp mười bốn ngày (31-8 đến 13-9-1885)(1) xử vụ Hốc Môn với mười bốn bản án tử hình, mười sáu bản án 15 năm khổ sai, thêm năm sáu bản án lưu đày có điều kiện án giảm. Tất cả can phạm đều bị tịch thu tài sản.

Đồng bào Hóc Môn – Bà Điểm theo dõi phiên tòa. Bọn mật thám báo cáo: bản án gây phẫn uất, dân địa phương cho rằng số người bị tử hình và lãnh án khổ sai quá nhiều, có mười ba người được tha bổng nhưng tại sao họ còn bị giam? Tại nhà hương quản Hai ở Tân Thới Nhì, người người tụ họp để mưu toan khởi nghĩa (báo cáo ngày 16-9- 1885). Ba ngày sau bọn mật thám báo cáo tiếp: dân Hóc Môn sợ bị bắt thêm, một số trốn bỏ xứ, một số tung dư luận sẽ nổi dậy vào ngày 18 tháng 8 âm lịch, trong tuần lễ tới, có tờ hịch ném vào chợ Hóc Môn ghi rõ thời điểm ấy. Lại có tin loan truyền đúng rằm tháng 8, vào ban đêm, nghĩa quân tấn công thẳng vào Sài Gòn. Mặc dầu không sợ cho lắm nhưng bọn thương gia Pháp ở Đất Hộ cũng thức chờ đối phó, ngủ với cây súng ở đầu giường.

Tổng thống Pháp ký quyết định ngày 11-15-1886 để xử tử hai người, những bản án tử hình khác đổi ra khổ sai chung thân. Bao nhiêu bản án còn lại thì y như cũ. Hai chiến sĩ Phạm Văn Hớn và Nguyễn Văn Hóa lãnh án vào 7 giờ sáng ngày 30-3-1886 tại chợ Hóc Môn.

Theo bán án của Tòa đại hình Bình Hòa, người bị án phải bồi thường tài sản vợ chồng phủ Ca cho các con của hắn. Mấy người con này đã đứng ra kêu nài, có luật sư binh vực, xin được bồi thường đến hơn 18 ngàn đồng (bấy giờ một lượng vàng trị giá 40 đồng). Lại còn bồi thường về nhà cửa, phố chợ bị cháy. Bọn cầm quyền bối rối vì số tiền ấy khá to. Theo luật lệ thời phong kiến mà bọn Pháp cố duy trì theo quy chế thổ trước (indigénat), Thống đốc Nam Kỳ có quyền phạt bằng tiền những làng nào xảy ra khởi nghĩa; tiền phạt do dân làng đóng thêm, theo tỷ lệ số thuế điền mà mỗi người đứng hộ phải đóng hàng năm, cụ thể là giới điền chủ gánh chịu. Sau rốt tiền bồi thường dự trù 36.000 đồng được giảm xuống còn 12.000 đồng chẵn, trong số này con cái phủ Ca được hưởng tới 7.829 đồng. Bọn Pháp căm giận nhứt là những làng Tân Thới Tam, Tân Thới Nhì, và Tân Thới Đông, nơi đa số đồng bào đều tham gia khởi nghĩa. Chúng đề nghị giải tán Tân Thới Tam, nhập qua Thới Tam Đông.

Mười tám làng bị phạt tiền, con số 18 này có trùng hợp với con số mười tám thôn thời xưa; riêng làng Mỹ Hạnh thuộc về tỉnh Chợ Lớn. Đó là Bình Hưng, Vĩnh Lộc, Tân Thới Thượng, Tân Đông Thượng, Trung Chánh, Tân Thông Tân, Tân Thông Thôn, Tân Thới Tam, Tân Thới Nhì, Tân Thới Tứ, Tân Thới Tân, Tân Đông, Thới Thạnh, Tân Đông Trung, Xuân Hòa, Bình Hưng Đông, Bình Nhan, Mỹ Hạnh. Theo quyết định số 1.348 ngày 13-8-1886, mười tám làng ấy đóng trả làm hai đợt, mỗi đợt sáu ngàn đồng, đến cuối năm 1886 trả dứt.

Một số đồng bào ở Hóc Môn – Bà Điểm bỏ nhà cửa, ruộng đất mà trốn qua vùng khác. Phủ Ca chết, phủ Ngôn rồi phủ Đức đến thay thế, đem theo tài sản vắng chủ bán theo giá rẻ mạt, lớp bỏ túi, lớp giao cho nhà nước, lấy lệ.(1)

Bọn cường hào ác bá, bọn mật thám của tỉnh Gia Định tới lui theo dõi bắt bớ suốt nhiều năm. Năm 1889, số người bị bắt không bằng cớ cụ thể lên đến mức mà bọn thực dân chẳng biết làm sao tha tội, làm sao kết án. Mỗi khi không đủ bằng cớ đưa ra tòa thì biện lý cuộc lại đưa hồ sơ cho tham biện chủ tỉnh xử (bấy giờ chủ tỉnh được dùng biện pháp hành chánh để đày những người tình nghi ra Côn Đảo).

Trong nhiều trường hợp, tên chủ tỉnh Gia Định tức giận, không chịu giải quyết, viện cớ hễ bọn mật thám bắt giam thì cơ quan tư pháp chịu trách nhiệm. Qua hồ sơ, tên chủ tỉnh thấy nhiều người bị oan ức, vô lý. Hắn nói không biết người bị tình nghi là ai, tánh tình như thế nào. Hắn không có phận sự phải chứng minh những người đó vô tội để hắn ký giấy tha bổng. Thí dụ như trường hợp cha Nguyễn Văn Chữ ở Hóc Môn, bị bắt từ tháng 4 năm 1891, giam giữ hơn tám tháng chỉ vì chứa chấp một tờ bằng cấp, cuốn tròn lại, mọt mối ăn vài chỗ. Bọn mật thám tịch thu và bắt chủ nhà. Nguyễn Văn Chữ khẳng khái xác nhận đó là bằng cấp của cha ruột mình là Nguyễn Văn Phiến, trước đã tham gia phong trào yêu nước, cha mất thì con giữ trên bàn thờ để làm kỷ niệm. Viên kinh lịch chuyên về chữ nho của tòa án Sài Gòn dịch bằng cấp ấy, chú thích giữa dấu ngoặc, hoặc suy luận về những chữ bị mọt mối gậm nhấm. Bản dịch nguyên văn như sau:

“Quan tổng binh họ Đỗ, đạo Bình Long

Làm bằng cấp cho Nguyễn Văn Phiến. Nay cứ theo lời chánh đội là Nguyễn Văn… (có khi tên là Nhiệm) (thuộc về) cơ thứ ba, tả chi Bình Nghĩa bẩm rằng: Trong đội nó, cơ ấy có tên Nguyễn Văn Phiến siêng năng việc quan. Bởi ấy nên cấp bằng cho Nguyễn Văn Phiến làm… (có khi là đội trưởng). Cai tứ trong cơ ấy, sai khiến quân binh trong đội và lại phải nghe theo lời chánh đội sai biểu việc binh.

Nếu như gặp việc (gặp giặc) mà thối sút (nghĩa là dùng dằng, không có lòng mạnh mẽ xốc đến mà đánh giặc) thì còn phép luật binh (mà trị tội).

Nay bằng cấp

(Những lời) bằng cấp (nói) trước này (phú cho) Nguyễn Văn Phiến Cai tứ, đội thứ mười, cơ thứ ba thuộc đạo Tả chi, cứ đây (mà làm).

Ngày 16 tháng 11 năm Tự Đức thứ mười… (không biết có phải là năm thứ mười chín hay không, vì rách một chữ coi không rõ).

(Có đóng dấu Bình Long đạo, Tổng binh quan phòng, nghĩa là phòng quan Tổng binh thuộc đạo Bình Long).

Dịch y như cũ: Lý Ngươn Trường ký”

Chú thích:

1/ Ngọn cửa rạch Văn Thánh chảy qua xa lộ Biên Hòa, vàm thì đổ gần vàm Thị Nghè. Đầu năm 1862, công ty “Nhà Rồng” nghiên cứu vùng đất ở vùng rạch Văn Thánh để làm ụ sửa chữa tàu, trước khi có sở Ba Son. Kế hoạch bỏ dở.

2/ “Thuở trước chỗ Tây Thới đồn, là nơi Tân Thới Nhì thôn” địa phần. Có mả ông quan trào tân. Người xưa tử trận vi thần tận trung. Nay còn thạch mộ ghi công. Nguyễn Liên Phong. Nam Kỳ phong tục… đã dẫn, trang 26.

3/ Làng Thuận Kiều đã xuất hiện trong Gia Định Thành Thông Chí, từ đời Gia Long. Pháp xây đồn Thuận Kiều, có lúc dùng để giam bọn lính phạm pháp, một kiểu quân lao. Trước năm 1873, lính tập người Việt trú đóng. Rồi hai đại đội lính Pháp và Lê dương đến thay thế. Đề phòng cẩn mật hơn ở Sài Gòn, có đường Thuận Kiều, lúc Pháp mới thiết kế, để đi Thuận Kiều, bắt đầu từ quảng trường Ngã sáu (tượng Phù Đổng Thiên Vương) lên phía ngã tư Bảy Hiền. Nay đường Cách mạng tháng Tám.

4/ Tư liệu SL.4364 của Văn thư lưu trữ Sài Gòn, báo cáo của Philastre sau cuộc thanh tra vùng Gia Định – Biên Hòa.

5/ Nguyễn Liên Phong, Điếu cổ hạ kim thi tập, Sài Gòn, 1915.

6/ Tham khảo hộp hồ sơ ký số F.10 (1884-1885), Văn thư lưu trữ Sài Gòn. Chủ tỉnh Mỹ Tho trong tháng 2 năm 1885 đã giam giữ 126 người, các đồn nhỏ trong tỉnh cũng giam 54 người tình nghi. Tên này trình bày với Giám đốc Nội An “phải bắt thật nhiều, tiếp tục bắt bớ; ở xứ này, muốn biểu dương uy quyền của nhà nước thì phải độc tài, độc đoán”.

7/ Hạt Sài Gòn thành lập từ lúc đầu gồm luôn phần lớn Gia Định. Từ năm 1875, nơi làm việc của quan bố dời về làng Bình Hòa (vùng Bà Chiểu) nên gọi hạt Bình Hòa, với tòa bố Bình Hòa. Vì người Pháp nói lơ lớ Bình Hòa giống Biên Hòa, Bà Chiểu viết ra giống Bạc Liêu nên để khỏi lầm lẫn, từ 16-12 năm 1885 chánh thức đổi là hạt Gia Định. Tòa án Bình Hòa là ngành tư pháp mang tính nhân quyền nên vẫn gọi như cũ… Từ 20-12-1889, theo quy định chung, bỏ hạt (arrondissement), gọi tỉnh (province) cho toàn cõi Nam Kỳ.

8/ Công văn của phủ Lê Tấn Đức gởi chủ tỉnh Gia Định ngày 8-9-1892 cho biết từ mấy năm trước đã bán một số tài sản vắng chủ gởi tiền cho Nha công sản gìn giữ, đại khái: ba héc-ta đất giá ba mươi bốn đồng, một nhà lá chín đồng, bàn ghế trong nhà mười sáu đồng, bốn con trâu và hai con bò giá bảy mươi lăm đồng, một con heo và một bộ ván giá sáu đồng, v.v…

Sơn Nam

304Đen – llttm -sgtc

No comments: